CHIỀU LẠ
- Tặng L.L -
Sợ đêm về
quẩn gió
xáo xác khuya
Cố vét vớt nắng chiều rơi trên lá
Chênh chao thể nụ cười nhòe áo lạ
Te tẻ chiều
nhớn nhác
nhón chân qua.
*.
Hà Nội, chiều 02 tháng
10.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH CỦA BÙI ĐỒNG
Sợ đêm về quẩn gió, xáo xác khuya!
Cái lo thường tình của người
đa cảm, thi tâm; bởi trong sự cô tịch, vắng vẻ của màn đêm người ta hay hoài
niệm, mơ hồ và lòng trắc ẩn được giấu kín ban ngày thì đêm về dễ òa ra, trào
dâng một cách khó kiểm soát.
Chính bởi lẽ ấy mà tác giả
chín hơn, khôn hơn, rón rén mà: “nhón chân”
qua cái “te
tẻ chiều”!
Mặc dù vậy nhưng tâm nào
có an, vẫn bị cái điều mơ hồ, không thể đặt tên kia làm cho tâm trạng: nhớn nhác.
Cố vét vớt nắng chiều rơi trên lá
Chênh chao thể nụ cười nhòe áo lạ
Kiểu tâm trạng: “tôi buồn không hiểu vì
sao tôi buồn”! (Xuân Diệu) Cố gắng vơ vét, nhọc nhằn những điều đáng có
nhất để làm gì? Không biết! Có được rồi thì đặt vào đâu? Không biết nốt. Vì tất
cả đều mơ hồ, mặc định và ước lệ như: “nụ cười nhòe” trên “áo lạ”!
Tác giả tránh đêm nhưng lại
vướng ngày, vướng cái hoàng hôn đầy trắc ẩn, trầm trầm với vài giọt nắng cuối
cùng rơi trên lá... thì tâm trạng cũng “nguy hiểm” không kém mấy ban đêm. Chính
vì vậy phải “nhớn
nhác” mà “nhón chân qua” cái
chiều “te tẻ”.
Bài thơ hay ở chỗ dùng từ,
đọc lên người đọc cũng chuếnh choáng, nhớn nhác theo: xáo xác, vét vớt, chênh chao, te tẻ, nhớn nhác là
những cặp từ được đặt đúng chỗ, hợp với tâm cảnh, hồn người nên cứ thấy hay.
Điều đặc biệt là bài thơ
không thể chỉnh sửa, sắp xếp lại cấu trúc câu từ vì ý đủ, lời chỉnh, từ cô
đọng. Đặc biệt hơn là cả bài không có đại từ nhân xưng nên đọc lên ai cũng thấy
mình trong đó và đó chính là thủ pháp "hỏa mù" chả ai “bắt đền”,
“kiện cáo”, “cấu véo” được của tác giả...
Ồ! Mà lạ chưa: tâm động qua
một cái nhón chân thi vị.
*.
Thành Nam, 03 tháng
10.2016
BÙI ĐỒNG
Địa chỉ: 3/176 Phan Đình
Phùng, t/p Nam Định.
Email: hatbuinhangian.db@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét