Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

VÀNG - THAU - MỘT - THỜI : Tiểu thuyết / Phan Đạt Ninh (Chương 18, 19, 20, 21)




Nhà văn Phan Đạt Ninh

        Chương 18

        Linh cảm của Gã thế mà đúng thật.
        Gã có quyết định từ Bộ điều động Gã đến nhận công tác ở Ban quản lý đường dây năm trăm ki lô vôn. Thế là Sơn và Gã mỗi đứa một nơi. Cái bộ ba ngày nào thế là tan hết. 

        Ngày Gã lên đường cũng là ngày cưới của Vinh và Vân. Sơn và Gã cùng về dự. Có lẽ đây là dịp hội ngộ lần cuối của ba người để rồi mấy chục năm sau họ mới gặp lại nhau.
        Vân nói:
        - Sao anh Sơn không rủ Nga cùng về?
        Sơn :
        - Anh với Nga chia tay nhau rồi.
        - Lý do gì vậy?
        - Nga đã có người khác rồi.
        - Anh nói đùa phải không?
        - Thật đấy! Em cứ hỏi anh Gã mà xem.
        Vân quay sang hỏi anh trai:
        - Có đúng thế không anh Gã?
        - Phải!
        Nghe vậy Vân im lặng vẻ mặt thật buồn. Một hồi sau Vân mới nói:
        - Chắc tại anh cứ mải mê với công việc, không đoái hoài gì đến cô ấy nên mới thế chứ gì?
        - Cũng có thể? Nhưng đấy chưa phải lý do chính. Nhưng mà thôi. Cuộc tình ấy như mưa bóng mây đấy mà. Anh không quan tâm đến chuyện ấy nữa.
        Sơn quay sang nói chuyện với Hoa:
        - Thế hai bạn định khi nào làm đám cưới?
        Hoa cười:
        - Em thì lúc nào cũng được. Việc này còn tùy vào anh Gã.
        Nghe Hoa nói vậy, Sơn quay sang hỏi Gã:
        - Ông tướng trả lời Hoa đi? Ông định để người ta chết già à?
        Gã cười trả lời:
        - Già là thế nào! Tầm này sang năm cưới, không đi đâu phải vội. Tình yêu càng qua thử thách càng tốt. Nói thế thôi, tớ cũng phải chuẩn bị chút ít kinh tế chứ ! Bây giờ tớ đang trắng tay. Mùa xuân sang năm sẽ cưới. Lúc ấy Hoa hai mươi hai tuổi, già là thế nào?
        Nghe Gã nói vậy Hoa bật cười...
        Vân lên tiếng:
        - Anh Gã em nói vậy chị Hoa nghĩ sao?
        - Chị thì thế nào cũng được. Cứ để anh Gã lo. Anh Gã đang còn nhiều việc lớn phải làm, miễn là ở xa đừng có em khác là được.
        Nghe Hoa nói thế Gã nhìn chằm chặp vào mắt Hoa cười nói:
        -  Yên tâm đi. Không có cô nào khác đâu!  Mùa xuân sang năm là ngày sinh tháng sinh của em đấy? Không hiểu ý anh à? Ngày ấy cưới em em ưng không?
        Nghe Gã nói đầy đủ ý định của mình, Vinh nhận xét:
        - Sợ anh thật! Cứ tính toán, cứ sắp xếp như thần vậy.
        Sơn tiếp lời:
        - Hay Lãng mạn lắm, ấn tượng lắm! Em Hoa thấy thế nào?
        Hoa giờ mới vỡ lẽ. Hoa xúc động nói:
        - Người đâu mà kín như bưng vậy! Chuyện lớn thế mà chẳng trao đổi với em?
        Sơn nói với Vinh và Gã:
        - Tớ chỉ xin về được có ba ngày thôi. Hai ngày về quê và dự cưới. Một ngày về Hà Nội để gặp Nga nói cho có đầu có đuôi. Dù có chia tay cũng phải đàng hoàng. Còn Gã thì hôm nào lên đường ?
        - Tớ cũng đi sau cậu hai hôm thôi. Công việc đường dây năm trăm ki lô vôn thế nào tớ cũng chưa biết?
        Vinh hằn giọng:
        - Có gì mà biết với chưa biết? Đường dây năm trăm hay sáu trăm chỉ cột với trạm chứ còn gì khác? Những thứ ấy với anh quá đơn giản? Hơn hai năm trên thủy điện Hòa Bình dựng cột kéo dây lắp trạm suốt anh chẳng thừa kinh nghiệm rồi sao? Mai em đưa anh tập tạp chí nói về đường dây sáu trăm ki lô vôn của Mĩ để anh xem. Còn bây giờ ba anh em ta làm vài chén gọi là liên hoan chia tay nhau. Vân ơi? Em đem vài đồ nhắm ra đây...
        Gã thở dài:
        - Ờ... Biết thế! Thế là bộ ba chúng ta thành ba ngả. Tình hình còn nhiều khó khăn thế này có lẽ cũng lâu lâu mới có điều kiện gặp lại. Tớ nói trước dù hoàn cảnh công việc có thế nào chăng nữa, cấm ai được bỏ cuộc. Tớ tin vào năng lực của bọn mình. Biết đâu đấy ngày gặp lại nhau có đứa lên giám đốc, tổng giám đốc chưa biết chừng?
        Hoa và Vân bưng rượu bưng mâm xếp ra bàn. Hoa đến bên Gã mời ba anh em ra bàn uống rượu.
        Vinh rót rượu ra ba chiếc chén miệng gọi Vân lấy thêm bát thêm đũa:
        - Em và chị Hoa phải ngồi ở đây. Mâm này không phải cỗ cưới. Đây là buổi liên hoan anh Gã và anh Sơn chia tay nhau.
        Gã kéo ghế bảo Hoa ngồi cạnh mình. Hoa gắp đồ nhắm cho ba người, miệng nói:
        - Chị em em chúc cho tình bạn của các anh mãi bền vững. Chúc các anh sức khỏe và thành đạt trong công tác.
Hoa nói xong Sơn tiếp lời:
        - Bây giờ thì vui thế, mai mốt Gã lên đường chắc lại sụt sùi...
        - Làm gì đến mức độ đó anh? Trong ba anh em chắc chỉ có anh Sơn là buồn thôi?
        Nghe Hoa nói thế Sơn mỉm cười lắc lư đầu nói:
        - Trái tim tụi anh sắt đá lắm.

        Chương 19

        Sáng sớm hôm sau Vinh gửi xe của Sở cho Sơn về Hà Nội. Cậu lái xe còn trẻ và vui tính lại biết Sơn là bạn của Sếp nên chở Sơn đến tận nhà Nga.
        Đứng dưới sân Sơn chần chừ chưa muốn lên nhà Nga. Sau mươi phút suy nghĩ Sơn quyết định lên nhà. Trong óc Sơn nổi lên hai dòng suy nghĩ:  Nếu Nga có nhà thì Sơn sẽ chỉ chuyện trò chừng một tiếng trở lại. Nếu Nga không ở nhà Sơn sẽ ghi vài dòng để lại.
        Nga sáng nay ở nhà không đến trường. Nga thấy có bóng người bên cửa sổ nên ra mở cửa. Nga sững người nhìn Sơn. Sơn cũng vậy. Một lát sau Sơn nói:
- Anh có vào nhà được không?
Nga trả lời rất nhỏ:
- Anh cứ vào! Sao anh khách khứa thế!
Sơn tháo giày vào nhà.
Nga chỉ ghế cho Sơn ngồi rồi đi pha trà. Thấy vậy Sơn bảo Nga:
- Không phải pha trà đâu e. Anh uống nước trắng cũng được.
Nga rót hai cốc nước lọc.
- Anh uống nước đi. Anh bây giờ khác hai năm trước nhiều quá! Anh gầy và đen đi nhiều. Vẻ thư sinh không còn, thay vào đấy là nét nghiêm nghị, rắn giỏi và lạnh lùng.
        Nghe Nga nhận xét vậy Sơn chỉ mỉm cười
- Em nhận xét thế có đúng không? Anh trả lời em đi?
Sơn miễn cưỡng phải trả lời:
- Em nhận xét đúng! Cái thời thơ mộng qua rồi. Bây giờ cho phép anh nhận xét về Nga được không?
Nghe Sơn hỏi vậy Nga không trả lời mà đứng dậy ra đứng tựa bên cửa sổ. Thấy thế Sơn hỏi sang chuyện khác:
- Hai bác có khỏe không em?
- Cám ơn anh bố mẹ em vẫn khỏe. Hai năm nay bố mẹ em cũng thỉnh thoảng nhắc tới anh.
- Anh có lỗi với hai bác nhiều quá. Chiều tối hai bác đi làm về Nga cho anh có lời chúc sức khỏe hai bác nhé. Nga này, anh muốn giành chút thời gian ngắn ngủi để trao đổi chuyện riêng tư của chúng mình, Nga nghĩ sao?
- Anh cứ nói
        - Lá thư vừa rồi Nga gửi cho anh như một dấu chấm hết chuyện của anh và Nga. Đọc thư anh rất buồn...
        Không để cho Sơn nói hết câu Nga ngắt lời:
        - Em biết! Nhưng rồi anh sẽ quên. Sự thật là hoàn cảnh và điều kiện của anh và em không phù hợp với nhau. Để viết được lá thư này em  đã suy nghĩ nhiều lắm mới quyết định...
        Sơn dường như bỏ ngoài tai những gì Nga đang nói. Trong óc Sơn giờ đây Nga không còn là cô gái ngây thơ như xưa. Nga bây giờ mạnh bạo, sắc xảo. Tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Điều gì làm cho Nga thay đổi như vậy? Lối sống thực dụng từ đâu đến với Nga?
Ngoài hiên có bóng người...
Sơn bảo Nga:
- Hình như có khách đến đấy Nga?
- Vâng, bạn em đấy!
Người thanh niên có cặp kính trắng bước vào nhà. Trông thấy Sơn ngồi ghế anh ta cúi đầu chào với phong thái lịch sự. Sơn chỉ ghế mời anh ta ngồi.
        Nga nhanh nhảu rót nước mời:
        - Hai anh uống nước. Em xin giới thiệu đây là anh Sơn thầy của em thời ôn thi đại học. Anh là kĩ sư điện đang làm việc trên công trường thủy điện Hòa Bình. Còn đây là anh Khang phó tiến sĩ thầy dạy trong trường em. Hai anh làm quen nhau đi.
        Nga giới thiệu xong Sơn chìa tay bắt tay Khang.
- Anh Sơn công tác trên công trường thủy điện chắc vất vả lắm nhỉ?
- Vâng.
- Thảo nào trông anh đen và hơi gầy. Chắc nắng gió công trường phải không anh? Trên đấy anh làm công việc gì?
- Tôi làm chuyên môn.
- À, chỗ người nhà tôi khuyên anh đừng bao giờ nhận công tác trong công trình ngầm nhé. Nguy hiểm lắm. Anh có biết bao nhiêu điều rủi ro chết người khi thi công trong đường hầm không? Nào khí độc, khí cháy nổ, bụi đất đá. Không chết bởi các yếu tố nguy hiềm kia thì cũng bệnh phổi mà chết. Tôi có anh bạn làm trên ấy mắc bệnh phổi rồi đấy! Khổ vợ con. Anh bảo bụi xi măng, bụi đất đá phổi nào chịu nổi? Mấy năm trước có vụ tụt đá từ nóc hầm khiến ba chuyên gia Liên xô và vài công nhân Việt nam bỏ mạng... Vừa rồi lại một chuyên gia nữa cũng chết trong đường hầm...
Nói xong anh ta rút trong túi quần lấy ra một hộp giấy nhỏ đặt lên bàn. Anh ta nói tiếp:
- Tháng trước tôi có sang Liên xô hội thảo về nền kinh tế toàn cầu. Nói thật với anh Sơn kinh tế Việt Nam những năm tới còn nhiều khó khăn lắm! Không đâu như đất nước mình, chiến tranh liên miên hàng chục năm, đất nước khánh kiệt, phụ thuộc trăm phần trăm vào ngoại bang. Vừa mới thoát ra khỏi chiến tranh lại đâm vào vòng  cấm vận. Không biết đến bao giờ mới ngóc đầu lên được? Nhìn ra nước ngoài mà thèm, mà nhục! Có đâu như đất nước này.
Anh ta than thở chưa xong thì đột nhiên chuyển giọng:
- Nga ơi anh có quà cho em này?
- Quà gì vậy anh?
- Em mở ra thì biết!
Nga cầm chiếc hộp trên bàn mở ra bên trong là chiếc đồng hồ nữ mạ vàng sáng bóng.
Nga vui mừng ra mặt.
Sơn thấy câu chuyện nhạt nhẽo và cũng đã đến hồi kết liền đứng dậy để về. Sơn không chào tạm biệt bằng lời nói mà chỉ giơ tay làm hiệu. Thấy vậy Nga cũng đứng lên. Bạn trai của Nga vẫn ngồi im trên ghế không tỏ thái độ gì. Nét mặt anh ta vẫn lạnh lùng. Sơn và Nga đi xuống cầu thang. Hai người dừng lại dưới sân mươi phút. Nga nói:
- Em chúc anh luôn luôn mạnh khỏe. Khi nào về Hà nội anh ghé về nhà em chơi.
Sơn chìa tay bắt tay Nga. Đây là lần bắt tay cuối cùng của Sơn với Nga. Sơn nhìn sâu vào mắt Nga nói:
- Em lên với bạn đi! Hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt. Chỉ còn hơn năm nữa là em ra trường, chúc em mọi điều như em mong muốn.

Chương 20

        Trên đường ra bến xe Kim Mã để lên Hòa Bình, tâm tư Sơn nặng trĩu. Cuộc tình dù có tan vỡ chóng vánh nhưng những gì thơ mộng thuộc về quá khứ vẫn hiện lên trong óc Sơn bởi nó thay đổi nhanh quá. Những gì thề non lấp biển của Nga sụp đổ hoàn toàn lại chính do Nga thực hiện. Sơn nhận thấy một sức mạnh kinh khủng ở người phụ nữ khi họ đã quyết. Thật tàn bạo, thật dã man với quá khứ dù quá khứ ấy rất đẹp...
        Suy nghĩ triền miên như vậy khiến Sơn đã không tập trung khiến Sơn đi lạc sang phố khác. Khi biết mình lạc đường Sơn tỉnh lại. Sơn dừng chân dưới bóng mát lùm cây vên đường lấy thuốc ra hút. Sơn rít mạnh vài hơi thuốc cho đầu óc tỉnh táo rồi tiếp tục đi.
        Sơn không nghĩ về Nga, về chuyện tình đã qua nữa. Sơn  nghĩ về những công việc trên công trường.
Tới bến xe tầm mười giờ trưa, Sơn xếp hàng mua vé tới bốn lần mà không mua được vé. Cái điệp khúc mấy năm về trước vẫn không thay đổi. Vé bán ra ngoài trước từ bao giờ, cánh phe cầm vé trên tay đến gạ gẫm người mua rất nhiệt tình:
- Vé đi ngay đây! Tiếc gì thêm mấy đồng? Xếp hàng mua vé có đến tối.
Sơn chấp nhận mua chiếc vé đi ngay đắt gấp ba lần tiền in trong vé.
Cầm chiếc vé trên tay, phe vé mở cửa ghế phụ xe cho Sơn trèo lên. Sơn có chỗ ngồi khá lý tưởng.
Ba giờ chiều xe mới đến thị xã. Từ thị xã Sơn phải cuốc bộ thêm bốn cây số nữa mới về đến nhà.
Về tới nhà Sơn đun ngay xoong nước để pha trà uống.
Cầm chén trà lên miệng Sơn chợt nhớ đến Gã “Thế là từ nay trở đi sẽ không có bạn tâm giao ở bên nữa”. Sơn thở dài:
- Thế là hết! Ta sẽ bước vào thời kì mới.
Sơn ngả lưng trên giường chưa đầy mười lăm phút. Sơn bách bộ ra phía hội trường mua thuốc hút. Hội trường ngay sát bờ sông. Gió từ sông thổi về ràn rạt khiến các vòm cây phi lao nghiêng ngửa.
Sơn đến bên bà cụ  bán trà thuốc dưới một lùm cây.
- Cụ cho con mua cuộn thuốc.
Sơn tự tay lấy chục thuốc trong hộp rồi rút một điếu bật diêm hút
- Thuốc này là thuốc quê cháu đấy?
- Thế à! Cậu ở Hà Bắc hả ? Thuốc này vợ chồng thằng con tôi tranh thủ cuốn đấy. Rõ khổ! Hai vợ chồng cùng làm ngân hàng đầu tư mà vẫn phải tranh thủ quấn thuốc để có thêm thu nhập.
- Sợi thuốc anh chị con lấy của ai?
- Lấy của anh lái xe. Chả là mỗi tháng ông giám đốc về nhà một  lần thăm vợ con,  anh lái xe tranh thủ đem đi mươi cân thuốc. Thôi thì mỗi người kiếm một ít.
Sơn ngồi nghe bà cụ nói chuyện loáng tí đã hết giờ làm việc buổi chiều.
Tiếng kẻng báo hết giờ vang lên.
Chiếc xe ca Hải âu chờ đón chuyên gia lịch kịch nổ máy.
Sơn cũng đứng dậy để về.
Có tiếng phụ nữ gọi:
- Anh Sơn!
Sơn dừng lại chờ người phụ nữ gọi mình.
Dung, một nữ kĩ sư xây dựng ở khu gia đình gần đấy.
- Công việc bận rộn, căng thẳng quá hay sao mà trông anh Sơn có vẻ mệt mỏi thế ? Cái công trường này có một ngày nào thư thả đâu? Ngày nào công việc cũng ngập đầu, cũng căng như dây đàn. Lão trưởng phòng em nói “ Gia đoạn này phòng không giải quyết cho ai nghỉ phép. Trừ trường hợp bất đắc dĩ như cha mẹ mất, mà cũng chỉ giải quyết từ ba đến bốn ngày.” Vậy mà hôm nay mới thấy anh?
- Tôi về quê có việc đồng thời chia tay anh Gã đi làm nhiệm vụ mới.
- Anh Gã chuyển đi đâu anh? Giỏi thật đấy!
- Em bảo giỏi cái gì?
- Công trường này có cho ai chuyển công tác đi nơi khác đâu?
- Bộ điều!
- Có thế chứ!
- Đi đâu anh?
- Đường dây năm trăm! Vẫn lại cảnh công trường! An Sơn ơi, em có trà Thái đặc biệt đấy, có thích thì tối đến?
- Ừ.
Sơn rẽ về phía nhà ăn. Dung rẽ về phía nhà trẻ để đón con.
Tầm bảy rưỡi tối Sơn đến nhà Dung.
Chưa tới cửa Sơn đã nghe thấy tiếng con trẻ khóc đòi mẹ và tiếng  phụ nữ khác dỗ dành:
- Nín đi nào dì yêu. Mẹ Dung tắm cho sạch rồi bế cu Hải đi chơi hội trường nhé...
Tiếng khóc đứa bé nhỏ dần.
Sơn chần chừ ngoài cửa chưa bước vào nhà. Thấy bóng người bên ngoài, em gái Dung bế cháu ra xem.
- Anh hỏi ai?
- Đây có phải nhà chị Dung không em?
- Dạ đúng rồi. Chị em đang tắm. Anh chờ một lát.
        - Em là em gái chị Dung à ?
- Vâng! Anh ở đâu mà không biết nhà chị Dung ở đây?
- Tôi ở dãy nhà tập thể đầu kia. Tôi cũng ít khi sang chơi nên cũng chỉ nhớ láng máng. Chiều chị Dung nói có trà Thái ngon mời tôi tối sang uống nước.
- Trà Thái em mang lên đấy! Anh thông cảm chờ nhé.
Có tiếng dép lẹp kẹp trong nhà, em gái Dung nói vọng vào:
- Xong rồi hả? Có vào được không? Chị có khách đấy?
- Đợi tí nữa!
Một lát sau Dung mở cửa.
- Anh vào nhà đi anh? Em gái em đấy!
- Em bế cháu ra hội trường chơi nhé. Em vừa hứa với nó ra hội trường mua kẹo xong. Chị tranh thủ đặt nồi cơm, thức ăn em nấu  rồi.
Sơn bước vào nhà. Căn phòng chỉ có một nửa chừng hai chục mét vuông.
- Nửa bên kia của người khác hả Dung? Sao Dung không xin cả gian cho nó rộng?
- Em cũng nói với ông chánh văn phòng rồi. Ông ấy bảo bây giờ chưa được, phải chờ dăm tháng nữa khu nhà mới xây xong.Tình hình chung là vậy còn nhiều khó khăn lắm!
Câu nói đầy ẩn ý của Dung khiến Sơn không hỏi nữa.
- Em gái của Dung xinh nhỉ? Em ấy đang học gì ?
- Theo ngành của em đấy! Năm thứ hai kiến trúc rồi.  Anh thấy thế nào? Có muốn Dung làm mối cho không?
        Sơn bất ngờ trước câu nói của Dung nên chỉ cười.
- Thế nào? Em xinh đấy chứ?
        - Con gái thành phố thị xã dưới xuôi bây giờ ai họ thèm yêu cánh công trường này? Bạn gái của Sơn cũng vừa tạm biệt Sơn rồi.
        Dung bỏ đám mì sợi vào xoong cơm đảo nhanh tay rồi vặn nhỏ bếp dầu. Cô thừ người như đang suy nghĩ. Thấy vậy Sơn hỏi:
        - Hai mẹ con Dung ở thế này cũng buồn. Đã có khi nào Dung có ý định xin về xuôi chưa? Ai lại vợ một nơi, chồng một nơi cách xa nhau thế?
- Em cũng đã nghĩ, nhưng khó quá! Mình thân cô thế cô không biết dựa vào đâu? Mỗi lần trái gió trở giời con đau ốm, hay mình đau ốm cực lắm. Tháng trước chẳng hiểu bệnh dịch gì mà trẻ con khu này chỉ sốt qua loa mà chết mấy cháu, sợ quá! Bữa ấy em phải liều hỏi đi nhờ xe tổng giám đốc cho cháu về Hà nội. May quá! Tổng giám đốc cười nói “ Tôi chỉ ngồi một ghế, còn lại hai mẹ con cháu ngồi”
        -  Dung đã trao đổi với ông xã chưa?
- Trao đổi rồi.
- Anh ấy bảo sao?
- Anh chỉ thở dài. Mãi mới nói “Tuy là thầy giáo dậy đại học nhưng mình còn trẻ nên chưa có mối quan hệ rộng chẳng biết nhờ ai?”
        Nghe Dung bất lực như vậy Sơn cũng bần thần cả người.
Em gái Dung dắt cháu đi chơi về. Đứa bé cầm trên tay chiếc phễu giấy đựng lạc rang chạy thẳng vào phòng, miệng nói:
- Mẹ! Mẹ! Con có lạc rang này!
- Dì mua cho con à?
- Dì mua đấy!
- Thôi anh Sơn ạ. Mình chấp nhận làm việc ở đây, một vài năm nữa tính sau, người ta sống được thì mình sống được.
Sơn uống hết tăng trà đặc, Sơn xin phép về:
- Trà rất ngon! Cám ơn hai chị em. Hai chị em ăn cơm đi cho nóng, tôi về nhé. Còn em ở chơi với chị và cháu đến hôm nào ?
- Hết tháng anh.

        Chương 21

        Hơn ba năm làm các công việc nay đây mai đó theo nhiều chuyên gia trên công trường Sơn học được nhiều điều hay, nhưng Sơn có suy nghĩ “ Chẳng lẽ mang tiếng làm việc trên công trường thủy điện lớn này mà mình chỉ biết mỗi công việc đã làm. Tất nhiên là thế, nhưng Sơn còn muốn biết hơn thế nữa. Cuối năm một ngàn chín trăm tám mươi hai Sơn quyết định xin chuyển công tác.
        Sơn quyết định xin chuyển về công trình ngầm làm việc để xem thực tế công việc trong hầm ra sao? Lý do Sơn xin chuyển thật đơn giản bởi trên công trường này thường ai làm việc ở đâu chỉ biết việc ở đấy. Sơn đã nghe nhiều người nói như vậy. Mà quả thực đã hơn hai năm Sơn chưa biết mặt mũi công việc trong hầm thế nào?
        Ông trưởng phòng tổ chức nói Sơn:
        - Cậu chán công việc thường làm rồi hay sao mà xin chuyển?
        - Ấy chết! Đâu phải thế! Công việc tôi đang làm ngoài trời làm sao vất bằng trong hầm được? Anh nghĩ có ai dại gì mà xin chuyển đến nơi gian khổ, nơi nguy hiểm?
        - Ừ, cũng có lý! Nhưng đấy có phải là lý do để cậu đi vì không thích trưởng phòng không?
        - Không có chuyện ấy đâu!
        Trưởng phòng tổ chức xoay ghế quay lưng lại phía Sơn. Sơn không hiểu  ông ta đang nghĩ gì về mình, Sơn lên tiếng:
        - Thôi được! Anh không tin điều tôi đã trình bày thì anh cứ trao đổi với trưởng phòng tôi xem anh ấy nhận xét tốt xấu về tôi thế nào?
        Nghe Sơn nói xong, trưởng phòng tổ chức xoay ghế lại ngồi trực diện với Sơn:
        - Đương nhiên là tôi sẽ trao đổi với trưởng phòng của cậu. Còn việc này nữa...
        Trưởng phòng tổ chức buông lửng câu nói khiến Sơn vặn lại:
        - Việc gì nữa anh nói hết tôi nghe?
        - Còn phải trao đổi với đường hầm xem họ có cần người không đã ? Đơn vị ấy cũng có mấy kĩ sư điện rồi.  Thôi cậu về đi, hai hôm nữa lên đây tôi trả lời.
        Nghe vậy Sơn đứng dậy chào rồi ra về.
        Hai hôm sau Sơn lên gặp trưởng phòng tổ chức. Vừa nhìn thấy Sơn ông đã gọi:
        - Vào phòng ngồi đợi tôi - Nói rồi ông cun cút bước về phía phòng hành chính.
        Sơn đoán ông đi lấy dấu hoặc đến lấy quyết định. Cũng lúc ấy trưởng phòng của Sơn và giám đốc công trình ngầm gặp nhau đầu nhà hành chính đang đứng nói chuyện. Sơn tranh thủ thời cơ này để lộ mặt. Trưởng phòng thấy bóng dáng Sơn liền gọi:
        - Sơn! Sơn! Lại đây!
        Sơn bước nhanh lại phía hai người. Sơn cúi đầu chào.
        - Đây cậu ấy đây! Kĩ sư điện trẻ trung, giỏi giang, nhiệt tình tôi chọn giành cho anh đây!
        Nghe xong, giám đốc công ty chìa tay ra bắt tay Sơn:
        - Chú mày quê đâu?
        Sơn giật mình vì cách gọi dân dã:
- Em quê Hà Bắc!
- Thế à! Hay quá! Đồng hương với tớ rồi. Thế ra trường năm nào? K nào?
- Dạ ra trường ba năm rồi.
- Lý do gì cậu xin về chỗ tớ?
- Em thích ạ!
- Ba năm vừa rồi cậu làm những việc gì trên công trường này?
Không để Sơn trả lời, trưởng phòng lên tiếng:
- Tay này sửa chữa máy thiết bị điện vào loại siêu. Về với anh các thiết bị điện là anh cứ yên tâm. Chuyên gia khen tay này lắm
- Về chỗ tớ là vất  đấy. Suốt ngày đêm làm việc trong hầm. Có người đã nói là làm việc ở cõi âm rồi đấy? Có vợ con gì chưa?
- Dạ chưa!
- Lý do?
- Dạ mới bị đá ạ.
- Tại sao?
- Dạ, hơn hai năm không về họ đi với người khác ạ.
- Cho họ đi! Thiếu đếch gì ! Mình phải lo sự nghiệp đã. Ở công trường lớn này, ba ngàn con người đang khẩn trương làm việc mà không phát huy được năng lực thì chẳng có gì để nói! Mai đến tớ  làm việc luôn. Quyết định của cậu tớ nhận sau.
Sơn về lại phòng tổ chức. Trưởng phòng trao cho Sơn tờ quyết định:
- Số cậu cũng may đấy! Tay trưởng phòng mới của cậu không có tư tưởng giữ người, cứ như tay trưởng phòng cũ người như cậu chắc chắn không đi được.
- Cám ơn anh.
Sáng hôm sau Sơn đến nhận nhiệm vụ. Giám đốc đường hầm đích thân đưa Sơn đi xem những đường hầm đang thi công, đi xem những nơi khoan nổ mìn phá đá. Hai người trang phục bảo hộ lao động gọn gàng, khỏe khoắn.
- Cậu thấy chưa, chuyên gia, công nhân, kĩ sư đang làm việc cật lực. Việt nam mình làm có kém gì đâu? Chỉ ngày đầu  bỡ ngỡ thôi, sau một thời gian ngắn là thành thạo. Cánh này  làm trong hầm từ ngày khởi công đến giờ hiện là quân chủ lực đấy. Mai này tổng kết công trình nhiều người trong số họ sẽ được phong anh hùng lao động đấy.  Cậu cứ phấn đấu bằng cánh ấy là quý rồi, nếu hơn thì càng tốt. Thế hệ cậu sau này sẽ làm tiếp các thủy điện Lai Châu, Sơn la. Thế hệ các cậu sẽ là vàng mười đấy, là những chuyên gia hầm rất giỏi, rất nhiều kinh nghiệm.
        Sơn nhìn xung quanh tất cả bám đầy bụi đá. Sơn nhìn giám đốc rồi nhìn mình cũng vậy. Chỉ mới nửa tiếng đồng hồ mà bụi đá đã bám từ đầu đến chân. Trong óc Sơn chợt nghĩ lại lời nói của tay phó tiến sĩ người yêu mới của Nga “ Bụi phổi nguy hiểm lắm” Sơn phẩy tay, một động thái tự nhiên như muốn vất đi, bác bỏ đi lời nói của kẻ luôn luôn chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình.
Giám đốc dẫn Sơn đến chỗ máy khoan nơi chuyên gia và công nhân Việt nam đang làm việc. Tiếng máy khoan vào đá phát ra âm thanh sắc lạnh. Đá vỡ từng mảng rơi xuống rào rào. Một cảm giác lạ lùng xuất hiện trong cân não Sơn âm u. Sơn căng mắt nhìn kĩ thứ ánh sáng đục từ  chiếc bóng điện. Sơn hít sâu thở mạnh và nhận thấy không khí ngồn ngột, mùi bụi đá, mùi dầu. Sơn đi lại nơi đặt các thiết bị trong hệ thống thông gió, đo lường, cảnh báo các chế độ dưỡng khí, hàm lượng khí độc trong hầm. Tất cả nổi rõ từng ly từng tí, từng giây phút bảo đảm an toàn cao nhất cho con người làm việc.
Những góc đá sắc lòi ra sau khi bị phá vỡ cứ lởm chởm như răng, như nanh loài thú giữ. Những hàm răng sắc ấy cứ lăm lăm nhìn vào con người đầy vẻ dữ tợn, thách thức.
Mấy phun bê tông đang cẩn trọng phun đầy những khoảng trống trong lưới cốt thép chống sạt lở.
Sơn kéo lại chiếc khẩu trang che mũi miệng.
Giám đốc thấy Sơn với nét mặt tư lự nhưng đầy tỉnh táo thể hiện qua ánh mắt, bằng nhãn quan nhìn người của mình ông đã sơ bộ đánh giá về Sơn. Ông nói:
- Ta về thôi anh bạn trẻ. Còn rất nhiều công việc đang chờ chúng ta. Ngày đầu tham quan thế là đủ. Ngày mai bạn sẽ vào trận. Vào trận không như cưỡi ngựa xem hoa thế này đâu? Bây giờ về nhà tớ ăn tạm thứ gì vào bụng đã. Bữa cơm chiều tối qua chẳng vào đâu.
Sáng nay cậu ăn gì chưa?
- Em cũng làm vài cục bột mì luộc từ suất cơm chiều qua rồi.
Giám đốc kéo Sơn ra xe về nhà. Người lái xe chờ đợi lâu nên tranh thủ chợp mắt ngủ. Thấy bước chân huỳnh huỵch tới anh ta bừng tỉnh ngồi thẳng người nổ máy.
- Cậu ngủ hả? Ừ, cũng phải tranh thủ thế! Cậu cho hai anh em tớ về nhà kiếm cái gì cho vào bụng. Dạ dày nghe chừng biểu tình rồi. Nói xong giám đốc khẽ hát.
- Anh giỏi tiếng Nga nhỉ? Em cũng thích bài hát này!
- Giỏi gì? Tớ tự học tiếng Nga để làm việc đấy. Làm việc với chuyên gia  Liên xô phải biết tiếng Nga chứ?
Về nhà giám đốc lục đồ ăn chẳng còn thứ gì khác ngoài nồi cơm nguội và mấy chiếc bánh mì nguội lạnh.
- Để tớ đục hộp sữa ba anh em ta chấm nhé! Thế này tốt rồi!

(Còn tiếp)
PHAN ĐẠT NINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét