Nguyễn Bình Phương là nhà
thơ tên tuổi nhưng tôi chưa đọc thơ (văn) của ông, đơn giản vì không có nhu
cầu. Trang blog Đặng Xuân Xuyến cũng đã đăng mấy bài viết về ông, có trích dẫn
thơ ông một vài đoạn, một vài bài nhưng khi đưa bài lên trang, tôi chỉ đọc lõm
bõm cho việc dàn trang nên cũng mù tịt về thơ Nguyễn Bình Phương. Trong số 5
bài viết về thơ Nguyễn Bình Phương đã đăng trên blog Đặng Xuân Xuyến thì có đến
4 bài của nhà thơ Đỗ Hoàng, bạn cùng khóa Viết Văn IV với ông.
Chả hiểu Đỗ Hoàng sao lại
ghét Nguyễn Bình Phương đến thế? Ngày học Đại học Văn Hóa, tôi biết Nguyễn Bình
Phương nhưng không giao tiếp, quan hệ. Thấy ông là người lành lành, kiệm lời,
có vẻ sống nội tâm, mà theo thiển nghĩ của tôi thì người sống nội tâm dứt khoát
không thể ứng xử xuề xòa, bốc đồng, dễ “gây thù chuốc oán” với người khác (kinh nghiệm của tướng
thuật (tướng tâm) cho rằng: người sống nội tâm một khi đã thù ai thì thù thậm
sâu, đã ra đòn với ai thì đòn ấy thật hiểm). Còn Đỗ Hoàng, dù tiếp
xúc ít nhưng với cá tính bộc trực, ruột để ngoài da, tôi nghĩ sẽ khó có chuyện
Đỗ Hoàng để bụng thù ai được lâu. Vậy mà đọc 4 bài Đỗ Hoàng “cảm” thơ Nguyễn
Bình Phương, tôi thấy lạ lắm. Việc khen - chê khi cảm nhận thơ văn là chuyện
bình thường nhưng cả 4 bài đều viết theo lối áp đặt, bới lông tìm vết để chửi
và chửi thì mối quan hệ của 2 ông chắc có nhiều uẩn khúc? Nhiều lần muốn hỏi Đỗ
Hoàng nhưng ngại Đỗ Hoàng cho là người nhiều chuyện nên thôi, cứ để lửng lơ
thắc mắc: dù gì thì cũng là đồng môn đồng khóa, nỡ nào phang nhau đến cạn chữ
tình?!
Nói thật, đọc Đỗ Hoàng
“chửi” Nguyễn Bình Phương tôi thấy Đỗ Hoàng ngoa ngôn lắm, nhiều khi ông
“chửi” lấy được:
“Nguyễn Bình Phương phải
thực sự cầu thị đi học lại một cách nghiêm túc chương trình tiếng Việt từ cấp
một đến cấp 3 (phổ thông trung học), chương trình lớp 2 cấp một trở lên có học
âm Hán Việt, để khi nói khi viết, khi đặt câu cho chính xác, tránh sơ suất như
vừa nêu trên! Sau đó rồi hãy làm thơ. Vì làm thơ không phải làm xiếc chữ viết
tù mù hổ lốn uốn éo, kém học như vậy.” (Dịch thơ Viêt ra thơ Việt - Dịch Vô
lối Nguyễn Bình Phương)
Hay những câu miệt thị, kiểu cả vú lấp miệng em:
“Tôi đồ rằng tác giả Buổi câu hờ hững có
thể bị tâm thần hoặc là bị chấn động thần kinh, tâm hồn bất định.
Nhiều bài viết rất thiểu năng trí tuệ, giả đò
(giả vờ): Buổi câu hờ hững, Phân chim, Chân dung khi trống trải,
Khoảng giữa, Nói với em từ nơi trống trải, Hỏi…”. (TỰ BẠCH THỜI BÌNH -
vô lối, nông cạn, hời hợt, kém học, phi văn chương)
Thậm chí, cả những câu
chợ búa ông cũng chẳng từ:
“Đọc bài vô lối ngu tối
“Em và hoa” của Nguyễn Bình Phương có cảm giác như khi đánh xi giày đi hội ra
đường dính vào đống cứt chó. Một cảm giác tởm lợm khó chịu, hôi hám, bẩn thỉu
rủi khi mình bị vướng vào!”. (Em Và Hoa - Vô lối ngu tối của Nguyễn Bình
Phương).
Đọc 4 bài, thấy ít lắm
những câu Đỗ Hoàng dịu giọng một chút, ví như trích dẫn dưới đây:
“Nguyễn Bình Phương muốn
mình tạo ra cách nghĩ, cách nói cho khác người, chứng tỏ ta là loại siệu việt, loại
nghìn năm mới có một nhân vật như ta (!). Nói thật ra đó là cách nghĩ cách nói
của một kẻ ngu độn, càng nghĩ càng nói kiểu này bạn đọc hiểu biết họ cười vào
mũi, họ sẽ phỉ nhổ không thương tiếc.
Chưa hết, tác giả cho
“cuộn lên”: “Cuộn lên một cái cây chưa tỉnh táo/ Cuộn lên những quả chuông vang
reo trận mưa rào/ Ngân nga giọng của trăng sao”. Tiếng nói của em có màu sắc
mới cuộn lên như bão vậy. Tiếng nói mà cuộn được những quả chuông reo vang trận
mưa rào thì tiếng nói ấy phải hơn cả sói tru, hổ gầm; bét thì cũng phải như
Trương Phi gầm thét trên cầu Trường Bản làm kẻ địch sợ mất vía vỡ mật mà chết!
Người đẹp - em ấy sẽ là người “lỗ mũi mười tám gánh lông” “bánh đúc
em xới cả lò, rượu tăm em uống mười vò không say(!). Thân thể em thì khủng long
thời tiền sử cũng không so nổi(!)
Chưa hết, tác giả lại
nhân cách hóa loài thỏa mộc “cuộn lên cái cây chưa tỉnh táo”. Cái cây chưa tỉnh
táo này ở đâu ra? Vì sao nó chưa tỉnh táo? Nó uống nhiều rượu hay bị người đẹp
bỏ rơi? Toàn là viết và nói ba lăng nhăng, dớ dẩn, tối tăm hủ nút!”. (Em Và Hoa - Vô lối
ngu tối của Nguyễn Bình Phương).
Mà cũng lạ. Bị “chửi” như
vậy mà (hình như) Nguyễn Bình Phương cũng không lên tiếng. Không biết Nguyễn
Bình Phương ngại chuyện cãi cọ là mấy chuyện chỉ của cánh “đàn bà” nên chịu
trận hay Nguyễn Bình Phương nghĩ ông là bậc chính nhân quân tử nên ông “đếch”
thèm chấp “cái thằng” Đỗ (Chí) Hoàng? Hoặc trước kia ông có lỗi với Đỗ Hoàng
nên giờ “cái thằng” Đỗ (Chí) Hoàng “huyếnh lên” “chửi” quá cũng đành chịu...
Tôi chả tin vào mấy lý do
Đỗ Hoàng ghét Nguyễn Bình Phương như ông đã viết trong Em Và Hoa - Vô lối ngu
tối của Nguyễn Bình Phương:
“Không ai ghét gì người thiểu năng
trí tuệ, người không thông minh, không ai thù gì người thiếu năng lực, người
văn hóa, học vấn thấp; người ta cảm thương nữa là đằng khác. Nhưng phải căm
ghét và thù hận những kẻ ngu dốt, vô văn hóa, vô học ở trong cái cơ chế xin cho
bằng mánh khóe luồn lách, lưu manh, man trá, xảo trá, che đậy sự ngu dốt của
mình bằng vỏ bọc chức quyền, tiền bạc, lợi dụng truyền thông tung hứng lăng xê
mình lên trời xanh, những kẻ ấy phải lên án và vạch mặt chúng ra. Nguyễn Bình
Phương, Hoàng Quang Thuận… là những đứa như thế!
Nguyễn Bình Phương cứ
viết điên loạn tù mù, vô học, vô văn hóa, in hết bài này đến bài khác, báo này
đến báo khác, giải thưởng này giải thướng khác, luận văn thạc sỹ này đến thạc
sỹ khác viết về thơ Nguyễn Bình Phương rồi thăng trật chức này chức khác. Thử
hỏi có nguy cho nhân quần không?”.
Vì những “nguy” đó đưa ra rất
gượng ép, chứa nhiều ấm ức cá nhân nên chả thuyết phục. Chẳng có lẽ quá rảnh
rỗi, Đỗ Hoàng “ngứa mồm” ngửa cổ “chửi” chơi Nguyễn Bình Phương cho vui?!
Hà Nội, 22 tháng 11 năm 2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Họ chửi khéo nhau như hát hay
Trả lờiXóaHàng tôm hàng cá cũng thua tài ...
nhà thơ Đỗ Hoàng học Trường VVND K4, mình có gặp, rất nể về trình độ đọc sách của ông ấy. Thế nhưng nghe ông chửi đồng nghiệp thì lại hãi, có cảm giác nhiều khi ông chửi lấy được, như bài thơ BÀI CA ỐNG CÓNG ông chửi là BÀI CA ỐNG CỐNG RẤT NƯỚC CỐNG! Hình như ông ấy cố tình xuyên tạc "cóng" thành "cống" để chửi, mà chửi với giọng cay cú? Chả biết thế nào mà nói nữa!!!
Trả lờiXóa