Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 2 - 3)


Nhà văn Trần Quốc Tiến
 
Đã đăng:

    Chương 2
Một ngày mới. Đầu tiên là từ phương Đông, nền trời xám xịt chuyển sang màu cua gạch. Rồi mặt trời nhợt nhạt nhô lên. Sương tan dần, tan đến đâu cảnh vật hiện ra đến đấy. Nhiều chục năm trôi qua, cánh đồng chỉ có bờ vùng bờ thửa, giờ lại từng ô như bàn cờ, lô nhô những cọc tre. Những cái cọc tre làm mốc ruộng vốn là bạn lâu đời của những mảnh ruộng cỏn con, nó sống dai dẳng cùng với con trâu, cái cày chìa vôi. Một thời nó lặn đi. Giờ nó lại nhô lên đứng gác cho quyền làm chủ từng ô đất nhỏ. Từ sớm, cánh đồng đã đông người. Cuộc đổi đời này bắt đầu từ những cái cọc tre và những sợi dây chuối khô buộc nối lại căng từ đầu này sang đầu kia, và từ nay tên anh, tên tôi gắn liền với mảnh ruộng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó.

Phó Lười sau một đêm say túy lúy ngoài đồng mãi gần sáng mới về nhà, đặt mình xuống cái ổ rơm dày cộm là ngáy luôn. Cú ngủ bù này tưởng như kéo dài vô tận. Khi mặt trời vừa hé rạng đông, chị Cún đã vội từ dưới bếp lên nhà, rồi vào buồng ngồi xuống mé ổ rơm lay gọi chồng:
-        Mình ơi, dậy ăn cơm còn ra đồng…
Phó Lười tỉnh bơ. Chị Cún lay lay gọi chồng:
-        Dậy ăn cơm còn ra đồng, không nhớ là làm riêng rồi hay sao?
Vẫn chỉ có tiếng ngáy từ trong chăn vọng ra. Chán nản, chị đứng lên dọn cơm ăn rồi vác cuốc ra đồng. Mãi gần trưa Phó Lười mới thức dậy, đang ngồi ngáp trên ổ rơm, thì ngoài ngõ có tiếng gọi:
-        Đã dậy chưa đấy?
Nhận ra tiếng bạn, Phó Lười nói vọng ra:
-        Ba Gai đấy à? Đi đâu mà sớm thế? Vào đây làm vài chén đã…
-        Thôi để đến tối,mình còn phải ra đồng,,,
Phó Lười ngáp ba cái theo thường lệ, rồi lại rít một lúc ba điếu thuốc lào, tợp vài ngụm cuốc lủi mới khoác cái áo bông màu xanh đã bạc phếch, lững thững đi ra nhà ngoài, rồi ra sân, ra ngõ. Bỗng anh ta thấy ngờ ngợ: làng xóm hôm nay sao vắng vẻ thế này? Con đường ngoằn ngoèo trước bến không thấy bóng người qua lại, chỉ có gió đuổi nhau vèo vèo trên các ngọn tre… Phó Lười chợt nhận ra, quay về nhà tìm cái cuốc rồi hăm hở ra đồng. Ra tới đồng thì thấy cả làng đã ra đây. Chị Cún vợ anh, quần sắn tới bẹn đang khom lưng cuốc đất đắp bờ. Anh Lười chạy bổ đến rồi hùng hục làm cùng vợ. Cả cánh đồng mắt tròn, mắt dẹt. Á à, đổi đời có khác! Suốt cả ngày, anh Phó Lười hùng hục làm cùng vợ. Nhưng rồi đêm đến… ngay từ chập tối, anh chàng đã kêu đau khắp mình mẩy, đến bữa cơm phải vừa nằm vừa ăn. Ăn xong là nằm thẳng cẳng trên ổ rơm rồi bảo vợ: “Mình ạ, tôi đau từ gót chân tới chỏm đầu, bóp đi, tôi đang ê ẩm, bu em xoa bóp cho tôi đi! Bóp đi! Cứ bóp tuốt tuột đi…” Chị cún thật khổ, ban ngày bóp đất, ban đêm lại bóp chồng. Trên cái ổ rơm dày cộp, Phó Lười lúc nằm ngửa, lúc nằm sấp, lúc nằm nghiêng, bắt vợ tẩm quất.
Cũng vào buổi sáng hôm ấy, Phó Ba Gai đứng giữa mảnh ruộng vừa được chia mà ngắm trời, ngắm đất. Trời mùa đông vẫn nhờ nhờ màu khói bếp, nhưng ở các kẽ mây đã le lói chút ánh sáng màu hồng. Mảnh đất phủ đầy sương nhấp nhô những gốc rạ, hơi bốc lên từ những khe nẻ. Gió vật vã chuyển mùa. Đêm qua Phó Ba Gai là một trong những tay bợm rượu đã thủ trong người ba chai cuốc lủi ra đồng. Ngũ Tử trình làng trong đêm vui đã đổ rượu vào họng như đổ nước lã, rồi hát trong cơn say. Ngày trước, hội Ngũ Tử này mỗi tuần một lần tụ tập uống rượu, uống để quên đời, để mờ đi, nhòa đi những thói hư tật xấu của chính bản thân, ăn tục nói phét, trời bằng vung, đất bằng quả bưởi, xấu tất, mọi người đều chẳng ra gì, chỉ có những thằng say là đáng giá! Quanh cái ổ rơm cũ nát, hôi như ổ chó, lại trải một cái chiếu rách sặc mùi nước đái trẻ con, một cái mâm gỗ được đặt ở giữa, trên mâm có lót lá chuối tươi, bên trên tấm lá chuối lù lù một đống lòng trâu luộc đã thái thành miếng nhỏ. Vào những thời điểm ấy, trâu của hợp tác xã cũng thường phải nhịn ăn đi kéo cày, kéo bừa đồng chiêm, nên luôn luôn có con chết ngay giữa ruộng. Người ta mổ tại bờ. Phần thịt nào ngon dành liên hoan Ban quản trị, còn bao nhiêu lùng nhùng bạc nhạc, đầu, chân, xương xẩu và cỗ lòng thuộc về cánh phó thường dân. Hội Ngũ Tử không tuần chay nào không thiếu nước mắt, khi thì bê cả cái đầu, khi thì cả bộ chân, khi thì một xâu lòng sặc mùi phân. Không sao, cho bát vôi vào bóp một lúc là sạch. Lòng trâu luộc – nước chấm pha gừng – rượu cuốc lủi rót ra những cái bát đàn xù xì cóc gặm. Một tợp hết một bát, rồi dùng luôn cả năm đầu ngón tay bốc lòng trâu dúi vào bát nước chấm và đua lên miệng để “đưa cay”! Với cái “ngũ tử” này thì đời là đấy, đấy là đời, thiên đàng, địa ngục ở đâu cóc cần biết!
Trong những cuộc rượu như thế, Phó Ba Gai bao giờ cũng là tay nói nhiều! Bê bát rượu lên ngang tầm môi, há mồm rồi dốc ngược, khà một tiếng, đặt cái bát không nghe “cạch” một tiếng xuống mâm, bốc một búi lòng trâu tổ ong dúi vào bát nước chấm đưa lên ấn vào miệng nhai rau ráu, rồi khai mạc:
-        Này các ông, có biết vì sao mà thiên hạ gọi tớ là Phó Ba Gai hay không? Thế như hôm nay đây, cuộc “đại hội ngũ tử” của chúng ta thế này quan trọng kém gì “đại hội quản trị” mà chúng ta không được phân phối thịt ngon? Tôi có đề nghị với tay phó chủ nhiệm phân phối thực phẩm rằng:
-        Tối nay chúng họp “ngũ tử” đề nghị được ưu tiên năm cân thịt bắp… Một lời đề nghị nghiêm chỉnh và chính đáng như vậy mà tay phó chủ nhiệm lại lườm tớ:
-        Hội “ngũ tử” của cậu chỉ đáng ưu tiên cho cái dái trâu!
- Thế thì có láo không? Tớ nóng mắt và đốp lại:
-        À, dái trâu cũng như dái dê chứ gì? Ban quản trị các ông, ông nào mà chả có bình rượu dái?
Cả hội cười sằng sặc, người cười nhiều nhất là Phó Dê, nghe đến “rượu dái” anh ta cười tít mắt, nói:
-        Đấy mà! Tôi đã bảo thời này cả làng đều dê cụ, dê cố cả, thế mà chỉ riêng tôi bị mang tên là Phó Dê! Hôm nọ trông thấy tôi xách chai rượu và gói lòng lợn từ chợ về, tay đội trưởng gườm gườm nhìn tôi:
-        Nốc cho lắm vào mà vác b… đi mà khua khoắng suốt đêm! Liệu đấy, mấy bà góa làng này mà chửa hoang là một tạ thóc mà Phó Dê phải nộp thay!
 Nghe thế tớ đốp lại:
-        Thế cái lúc ngồi họp chung với đàn bà, ông ngồi sau cứ luồn tay vào váy các mụ mà bẹo đến đỏ l… con người ta thì ông có bị phạt không?
Nghe vậy tay đội trưởng liền hoạnh tôi:
-        Anh trông thấy tôi bẹo l… à?
Tớ trả lời:
-        Tôi nghe thấy cánh đàn bà con gái nói vậy! Họ bảo chẳng cuộc họp đêm nào mà họ không bị ông luồn tay vào váy sờ l… họ!
Tay đội trưởng lườm tôi:
-        Rõ mới đồ mèo hen! Bắt chuột không hay ỉa bếp! Chúng ông chỉ luồn tay vào váy thôi chứ không luồn chày giã cua, cho nên không gây tai họa gì cả! Còn mày, mày hết ngửi rồi mày chọc ngoáy, đồ Phó Dê ạ…
-        Các bác có thấy oan cho tôi không?
Phó Xoáy gật đầu:
-        Oan quá đi chứ? Thời này làm phó thường dân khổ thật! Có khi rồi bọn đàn bà góa nó chửa với chó nó cũng nói là chửa với ông đấy, ông Phó Dê ạ!
Phó Dê dốc ngược bát rượu vào mồm, bốc một búi lòng trâu chấm vào bát nước chấm cho vào mồm nhai, nghe thấy thế liền trợn mắt:
-        Đổ thế nào được! Nói láo là tôi cứ kiện tới trung ương!
Phó Lười gật gù:
-        Phải cứ kiện tới trung ương đi! Tôi cũng thế! Thằng nào bảo tôi lười là sặc gạch với tôi! Tôi đã trả lời các nhà báo rằng tôi không muốn làm chứ không phải tôi lười. Mấy cha quản trị kém văn hóa nên không hiểu nổi rằng giữa lười và không muốn làm khác hẳn nhau: Tôi không muốn làm mà gọi tôi là Phó Lười là sai toét!
Phó Cuội là người cuối cùng trong hội Ngũ Tử lên tiếng, sau khi cả rượu và lòng trâu luộc đã ngấm vào lục phủ, ngũ tạng.
-        Thôi thôi! “Con kiến mà kiện củ khoai, mày chê tao bé lấy ai cho vừa; Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào”… Chuyện kiện cáo từa tựa là như thế? Cách đây mười năm người ta gọi tôi là Phó Nói Láo, tôi kiện người ta không gọi là Phó Nói Láo mà gọi là Phó Nói Khoác, tôi lại kiện, người ta liền gọi tôi là Phó Nói Sai, tôi lại kiện và bị gọi là Phó Nói Phét… ấy đấy, cứ thế nếu tôi còn kiện thì còn phải mang thêm các danh hiệu khác nữa như Phó Ba Hoa, Phó Bốc Đồng vân vân. Cho nên tôi trụ lại ở Phó Cuội! Mà tôi có Cuội thật không? Đi làm đồng giải lao đến chảy dái ra quần, ngồi thêm tí nữa thì dái chảy đến nửa đùi trên, hút thêm ba điếu thuốc lào nữa là dái chảy đến đầu gối, hễ ngủ gật dái chảy tới bọng chân. Tối về vợ sờ không thấy dái chồng liền bù lu bù loa khóc:
-        Anh ơi anh mất dái rồi à? Anh đi tằng tịu với con nào để chồng nó xẻo dái anh, hãy bảo em để em đem tiền đến chuộc, kẻo em còn trẻ thế này mà anh lại mất dái thì em sống sao nổi?
Anh chồng thấy vợ gào khóc như vậy, liền đưa tay sờ xuống chỗ vẫn cất hai hòn dái, mới giật thót mình thấy mất thật rồi, liền hoảng hốt nói:
-        Tằng tịu thì anh có với mấy bà hàng xóm, nhưng chưa ông chồng bà nào bắt được để xẻo dái anh…
-        Thế thì làm sao anh mất dái?
Anh chồng bóp trán suy nghĩ rồi trả lời:
-        Ngày hôm nay anh ngồi giải lao…
-        Có lâu không? – Cô vợ hỏi dồn.
-        Độ hai tiếng đồng hồ! – Anh chồng trả lời.
Nghe thế cô vợ thông minh liền hiểu ngay:
-        Thế thì anh giải lao đến độ chảy dái ra ngoài quần rồi! Rơi mất rồi! Khổ thân tôi, trời ơi là trời…
Cứ thế cô vợ gào khóc thảm thiết. Sau cùng cô ta lau nước mắt hỏi chồng:
-        Anh giải lao ở đâu thì cái dái anh rơi ra đấy, nói mau để em ra em tìm?
Tính ra ngày hôm ấy có mười ba cô vợ trẻ khóc mếu rủ nhau ra bờ ruộng tìm được hai mươi sáu hòn dái của mười ba đức ông chồng đem về lắp vào chỗ cũ. Đêm ấy các nàng mân mê rỉ tai chồng:
-        Lần sau chớ giải lao lâu mà mất dái!  Mất dái là em cắt đứt!
Tôi kể câu chuyện đó thật trăm phần trăm ấy cho các mẹ sề nghe, nghe xong các mẹ cười rũ rượi rồi bảo mình là đồ bốc phét!
Phó Lười, Phó Xoáy, Phó Ba Gai, Phó Dê nghe xong đều cười tít mắt. Tợp một tợp rượu, nhét một búi lòng trâu chấm mắm vào mồm, Phó Cuội kể sang câu chuyện khác:
-        Tôi kể cho các chiến hữu nghe câu chuyện có tên là: “Chẳng việc gì”. Chuyện thế này: Có một gã, tạo hóa ban cho hắn cái vật gây giống to bằng bắp chân và dài tới hai gang tay, lúc nào cũng lủng lẳng như cái chày giã cua. Con gái khắp vùng đều khiếp sợ không ai dám lấy. Hắn bị ế vợ oan thì tức lắm, đem hàng cây vàng đi nhử gái cũng không có cô nào dám đến gần. Rồi chẳng hiểu thế nào mà năm gã bốn mươi tuổi thì tự nhiên có một cô đến tình nguyện xin lấy gã làm chồng. Cô này người xinh xẻo thuộc loại đào tơ liễu yếu. Ai cũng bảo chỉ đêm tân hôn là chết. Điều ấy coi như cầm chắc! Các cậu tính: to bằng chãy giã cua mà dài tới hai gang tay cơ mà? Gần bằng quả pháo 100! Nhưng tại sao một cô gái mảnh dẻ lại dám liều mạng như thế? Một đội điều tra được thành lập và làm việc khẩn trương, cuối cùng khám phá ra rằng cô ta thất tình muốn chết nhưng không muốn uống thuốc sâu, không muốn thắt cổ, không muốn lao đầu xuống sông mà chọn cách chết là lấy cái gã có cái vật gây giống to bằng chày giã cua. Trước đêm tân hôn, cô ta viết nhật kí, di chúc, gặp gỡ vĩnh biệt anh em, bạn bè. Mọi người đã khóc để tiễn đưa. Đêm tân hôn, lúc lên giường, cô tự động cởi hết quần áo và giục chồng cũng cởi hết. Chồng nghe lệnh vợ cởi từ véc tông, áo sơ mi đến quần xi líp… Dù đã nghe kể, đã lường trước, vậy mà cô đã bàng hoàng sửng sốt rồi run lên bần bật khi nhìn thấy “cái ấy” của chồng. Trời đất ơi, nó to bằng cái chày giã giò là cái chắc!
-        Em sợ cái chày của anh không? – Người chồng hỏi – Nếu em sợ thì anh sẽ không động tới con cua bé tẹo của em!
-        Không! – Cô vợ quả quyết! Anh đừng có khinh con cua bé tẹo của em! Nào đấu…
  Hai người vào cuộc… Lúc đầu, anh chồng từ từ nhích từng tí một, cứ độ một phân lại hỏi: “Có nữa không?”. Lúc đầu cô vợ còn kêu “ái ái đau quá, từ từ thôi…” Độ năm phút sau thì anh chồng toàn nghe thấy vợ vừa ư ử vừa giục “vào đi, cứ nữa đi anh…” cho đến khi hết không còn gì nữa mà vợ vẫn giục “Vào nữa đi”…
-        Rồi thì sao? – Phó Dê vội hỏi.
-        Rồi thì chẳng có ai chết cả, con cua nhỏ đã nuốt chửng cái chày. Sáng sớm hôm sau, cặp vợ chồng ấy dẫn nhau sang nhà vợ lại mặt trước sự kinh ngạc của họ hàng làng xã. Cô dâu quên béng người tình cũ, không nghĩ đến tự tử mà vênh váo nói rằng: “Tôi là người vợ hạnh phúc nhất thế gian, vì “cái ấy” của chồng các người chỉ bằng quả chuối tiêu, còn cái của chồng tôi vừa to vừa dài như cái chày giã giò…”
  Ngừng một lát để dốc ngược bát rượu, Phó Cuội kể tiếp:
-        Tôi suýt chết vì lần kể cái chuyện này cho đám đàn bà con gái nghe hôm đào ngòi đồng Dộc. Bọn cua cái ấy nghe xong liền vốc bùn chát vào người tôi đúng từ chỏm tóc tới gót chân, rồi định dìm tôi xuống ngòi, cũng may mà tôi có võ, chớ không thì nghẻo rồi!

            Chương 3
        Làng Trọng Nghĩa vặn mình kêu răng rắc. Thời hai buổi đi làm theo kẻng gõ, con người phải có mặt ngoài đồng từ mồng hai tết cho đến ngày tận cùng của một năm mà ruộng đồng vẫn cảnh bừa chùi cấy chay. Ngày nào đám đàn bà con gái cũng chổng mông ngoài ruộng, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà vẫn để mạ già mấy đốt chưa kịp cắm xuống ruộng. Đến lúc làm cỏ thì ngày nào cũng vác cào ra đồng làm cỏ mà cỏ vẫn cao hơn lúa. Lúa đã xấu mà vụ gặt kéo dài hơn tháng để “bông nổi cho chim, bông chìm cho cá”, hạt thóc hai sương một nắng giờ nằm dưới bùn, chìm dưới nước, nứt nanh, nảy mầm, thối nhủn, lại đưa về sân kho chất đống. Hạt thóc đã ít ỏi, hạt nào mẩy thì nhập kho, trẩy thuế, bán nghĩa vụ, còn hạt nào hẩm thối, mộng mị, lên men xanh mới phân cho xã viên, xay ra ba phần tấm cám mới có một phần gạo, rồi chia ra húp cháo cầm hơi mà theo công điểm. Mỗi gia đình một quyển sổ điểm giữ khư khư như bùa hộ mạng, nếu mất thì gào khóc vật vã còn hơn là bố chết. Cuối vụ gặp nhau không ai hỏi thăm sức khỏe hoặc tài lộc gì mà hỏi:
-        Vụ này gia đình ta được bao nhiêu công điểm?
-        Cám ơn bác, gia đình tôi được hơn vạn điểm!
Hơn vạn điểm có nghĩa là đã làm cho hợp tác xã hơn ngàn ngày công. Nhìn vào điểm thì hớn hở, phấn khởi, cười như nắc nẻ suốt ngày. Rồi vụ ấy, họp tổng kết, ông chủ nhiệm tuyên bố:
-        Vụ này ta dong công phóng điểm nhiều quá, đóng thuế và bán thóc nghĩa vụ vừa hết, không còn thóc chia công điểm!
Xã viên nghe xong ngã gục, ngất liền. Quyển sổ điểm, bằng chứng của mồ hôi nước mắt hàng ngàn ngày công trở thành vô nghĩa. Có làm mà không có hưởng, đau khổ thật đấy, bất công thật đấy, tai họa thật đấy, nhưng đấu tranh thì tránh đâu? Cả làng, cả xã đều thế chứ đâu phải một người, một nhà? Trăm sự lại đổ tại trời. Ông Trời bị oan chưa từng thấy mà không có cách nào cãi lại. Không còn cách nào khác là lại vác cày, vác cuốc ra đồng và lại đóng quyển sổ mới để ghi công điểm. Rồi lại đến vụ gạt nước mắt mà nhận mỗi ngày công năm lạng thóc! Ấy là còn may!
Phải tìm một phép thần! Chỉ còn có phép thần mới giúp được người nông dân thoát khỏi cảnh này. Nhưng phép thần ấy ở đâu ra? Ai tìm ra sẽ được nhận giải thưởng Lê-Nin! Mười năm liền thực thi các nghị quyết. Hỏng! Cuối cùng chân lý tòi ra, đơn giản như củ khoai, hòn đất: Trả lại quyền làm chủ thực sự cho dân cày! Khoán! Chia ruộng! A ha! Phép thần đây rồi! Ngay vụ đầu tiên đã bội thu! Trước làm cả năm, bây giờ làm một tháng! Làm cả năm thì đói, làm một tháng thì dư ăn, có thóc bán ra nước ngoài! Ông trời thở phào: Từ nay mình đã được minh oan!
Làng Trọng Nghĩa lại chuyển mình kêu răng rắc. Khát vọng làm giàu! Lúc đói quá chỉ mong ngày vài bữa cơm no. Hàng mấy chục năm trời người cầm cày chỉ ước ao những bữa cơm không độn thêm khoai sắn, chai xì dầu không pha thêm nước muối, và những ngày giỗ tết không bị ông đội trưởng lôi ra đồng làm chiếu lệ có cờ dong trống đánh thì thùm. Khi người cày có ruộng và làm chủ thực sự thì ngay vụ đầu tiên đã nuôi nổi con người ngày hai bữa cơm no không cần độn sắn khoai. Nghề đời được voi đòi tiên. Cơm no bò cưỡi không thỏa những anh thợ cày vừa thoát đói.
Làm giàu! Ái chà, ghê gớm quá nhỉ! Bình quân mỗi đầu người vài sào ruộng lại chia thành những bốn năm chỗ, mỗi chỗ vừa đủ để trâu đằm, ranh giới giữa người này và người kia là cái bờ gió be tạm! Ông để khô mà tôi tát nước thì nước ruộng tôi sẽ theo lỗ cua cùng với phân mới rắc hết sang ruộng ông! Lúc có sâu, tôi phun thuốc mà ông không phun thuốc thì lúa tôi vẫn chết! Đi mà hỏi cả địa cầu xem có nơi nào mà mỗi mảnh ruộng hỉ bằng cái vũng trâu đằm? Và có nơi đâu con người làm giàu được bằng vài sào ruộng?
Người đầu tiên ở cái làng Trọng Nghĩa này nuôi mộng làm giàu lại là anh Phó Lười. Những ngày đầu tiên quay trở lại với lao động vất vả, anh thật khốn khổ. Hàng chục năm anh nằm ươn xác, lười đến mức không còn gì mà lười hơn nữa, bụng thì xệ mà các cơ lại nhão ra. Vừa cầm đến cái cày, cái cuốc đi được vài đường đã rủn đầu gối, vã mồ hôi, thở dốc như bễ lò rèn. Đêm nào chị Cún cũng phải đấm bóp cho chồng, vất vả khổ nhọc đấy nhưng mà vui. Người chồng mà chị đã tưởng rằng chỉ là cái gánh nặng cho cuộc đời chị, chẳng ra khôn cũng chẳng ra đần, cứ ương ương dở dở với cái lý thuyết dở hơi “Tôi không muốn làm chứ không phải tôi lười”. Vào những năm tháng ấy ai còn muốn làm? Từ thời thượng cổ đến giờ người đi làm thuê, dù hèn mọn đến mấy thì sáng trưa và tối cũng được ăn cơm, khi về được trả công luôn bằng mấy đầu thóc hoặc tiền, người thợ cày, thợ cấy cha truyền con nối một tâm lý một thói quen rồi hiển nhiên như một chân lí. Đến thời tập thể, đi làm cho hợp tác xã thì cũng là đi làm thuê cho những ông chủ không mặc áo lương, đội khăn xếp, chống ba toong mà mặc áo đại cán, đeo xà cột, không dùng bút lông mà dùng bút máy, không nhận mình là chủ mà nhận mình là đầy tớ. Ông chủ bà chủ xã viên đi làm cho “đầy tớ” không được ăn cơm, tối ngày không được lĩnh tiền lĩnh thóc, lĩnh một mảnh giấy xé vội ở quyển sổ nhàu nát, có con số nguệch ngoạc 10 điểm!
Thế là ốm! Ngày nào cũng ốm, ốm vờ còn khó gấp trăm lần ốm thật. Đầu phải làm thế nào cho hâm hấp nóng, giọng nói phải như người thở hắt ra, tiếng rên phải như người sắp chết… Hàng chục năm Phó Lười đã luyện cho mình một cái mẹo ốm vờ giỏi đến mức thầy thuốc vào khám đã ghi: “Sốt cao. Hen phế quản cấp. Cho nhập viện ngay.” Khi đội trưởng đến báo đi làm, chị Cún chạy vội ra chìa cái đơn thuốc “Nhà em gay lắm… phải đi viện gấp! Bệnh này phải hàng năm mới khỏi!” Vào những năm ngày nào cũng có năm lạng thóc thì không chỉ có mình Phó Lười hay ốm. Ban ngày cáo ốm nằm đắp chăn ngủ, tối đến vừa nhọ mặt người là vác riu ra ngòi, vác lưới ra hồ, đàn bà con gái thì mò cua bắt ốc vào ban đêm… sáng mai đi chợ sớm bán đi, đong gạo, không no thì cũng đỡ đói. Nó hơn chán vạn cái sổ ghi điểm. Phó Lười những năm ấy không đi đánh giậm đêm như nhiều vị phó thường dân  khác mà đóng vai đồ tể giết lợn thuê. Lợn ngày ấy thường bị chọc tiết vào ban đêm. Người nông dân những năm của thời kì quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa phải gánh đủ thứ nghĩa vụ. Họ phải nuôi sống các cơ quan Nhà nước không chỉ bằng hạt gạo mà còn bằng cả thịt lợn, thịt gà. Nhà nào cũng phải có nghĩa vụ bán lợn, bán gà theo giá Nhà nước quy định gần với cho không. Lợn mình nuôi, gà mình nuôi là để cho người khác hưởng, nếu mình tự hưởng là phạm pháp. Bởi thế mới nảy ra chuyện lợn chỉ chết về đêm. Phó Lười giỏi chọc tiết lợn. Một con lợn năm mươi cân vào tay anh ta chỉ nháy mắt là xong. Lúc bắt ở chuồng cũng như lúc chọc tiết đều không có tiếng kêu, êm và nhẹ nhàng như làm thịt một con gà. Mỗi tuần ba lần Phó Lười được mời đóng vai đồ tể. Không công xá gì. Một bữa rượu và một cân lòng hoặc cân thịt xách về. Giá trị bằng mười ngày theo công điểm! Đến thời đổi mới, lợn không bị chết về ban đêm nữa thì Phó Lười cũng hết lộc!
Hàng chục năm ươn xác, đã lười đến mức không còn lười hơn được nữa, bụng thì xệ, các cơ nhão ra, vừa cầm đến cái cày cái cuốc đi được vài đường đã nhủn đầu gối, vã mồ hôi, thở dốc như bễ lò rèn. Hàng tháng liền Phó Lười sống như bị tra tấn, toàn bộ cơ thể anh chỗ nào cũng kéo còi báo động.
-        Tao hàng thôi, em Cún ạ! Người tao sắp rơi ra từng mảng rồi! Sống mà khổ thế này thì sống làm chó gì!
     Chị Cún cười:
-        Thế cái lúc đè lên bụng vợ thì có khổ không? Lúc ấy anh có muốn chết không?
Phó Lười gật đầu:
-        Ừ phải, chỉ có khoản ấy là đáng sống! Không có cái ba góc lúc nào cũng phồng lên của bu nó thì tao chỉ muốn chết!
Chị Cún cười:
-        Thì hồi mới yêu tôi thầy nó chả nói rằng anh không lấy được em thì anh chết là gì? Giả thử như em không có cái ba góc trắng phôm phốp thì anh có nói thế không?
Phó Lười cười tít mắt. Vợ chồng nhà này vẫn thế, khi chỉ có hai người với nhau họ mở hết ga, cứ tha hồ mà tếu táo. Phó Lười sán đến vật vợ ra ổ rơm, đè rồi nói nhỏ vào tai:
-        Ừ thì vì cái ba góc trắng hớ mà sống, mà chịu khổ vậy…
Làng Trọng Nghĩa vặn mình kêu răng rắc. Cái thời làm chung có đủ ban bệ thi đua, luôn luôn phát động thi đua thì chẳng có ai thi đua thật. Lúa chẳng bao giờ tốt. Nó xấu nhưng cũng không ai xấu hổ vì lúa, vì có ai là chủ ruộng thật sự đâu. Vụ nào lúa cũng xấu đến thảm hại, thế nhưng tất cả phải đồng thanh nói: Tốt lắm! Vụ này đại thắng! Từ ngày chia ruộng, mảnh lúa là gương mặt của mỗi con người, lúa tốt thì mặt chủ nó đẹp, lúa xấu thì mặt chủ cũng xấu. Thua giời một vạn không bằng kém bạn một li. Những bác thợ cày, những bà thợ cấy, mới ngày hôm qua còn cày lỏi để rờn to cho chóng hết ruộng để đạt nhiều điểm, cắm cây mạ vội vàng, dù mạ đứt chồi, dẻ cao, dẻ thấp, cây lúa trẻ tòe miễn là kín diện tích để nhận phiếu khoán, thế mà hôm nay chân ruộng nhà nào cũng tơi bùn hoa, lúa cấy cứ đều tăm tắp, rồi đứng ngắm có khi hàng giờ mảnh lúa của mình, xanh vàng hơn nhau một tí đã thấy khó chịu. Người hay ra đồng ngắm lúa nhất chính là Phó Lười.
-        Này, lớp này anh ra tay thóc xay ra gạo đấy em Cún ạ…
Cún vừa bị đè trên ổ rơm đang tức cũng phì cười:
-        Hay quá nhỉ? Ra tay thì thóc xay ra gạo! Dễ thường từ trước đến giờ thóc xay ra đất?
Phó Lười gật đầu:
-        Thì không ra đất là gì? Thóc mộng, thóc thối, không xay ra đất là cái gì? Làm cho thóc xay ra gạo bu nó tưởng dễ đấy à?
Cô vợ cười:
-        Gớm! Đã lâu lắm rồi, bây giờ tôi mới nghe bố nó nói được một câu hay như thế. Dưng mà anh chưa ra tay em đã phải đấm bóp suốt đêm, nếu lại “ra tay” nữa chắc là…
Phó Lười tủm tỉm cười:
-        Chắc là bu em sẽ xoa bóp đến… “cứng” ra chứ gì?
Cô vợ liền đấm thùm thụp vào lưng chồng. Rồi thì lại ôm nhau xoay tròn trên ổ rơm.
(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét