Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

GẶP NỮ TU SĨ CỞI ÁO CÀ SA RA TRẬN / Đồng Ngọc Hoa




Nhà sư Thích Đàm Dần

       Đó là nhà sư Thích Đàm Dần, có tên khai sinh là Trần Thị Dần, sinh năm 1926 tại thôn Nho Lâm, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cụ sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước. Bố đẻ cụ có thời gian làm phó lý đã hô dân làng trùm chăn đập chết thằng Tây rồi dẫn người em trai đi theo Việt minh hoạt động cách mạng. Sau này người em làm đến chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh. Đó là cụ Trần Văn Soạn.


        Lên năm tuổi cụ Dần đã vào chùa Cổ Lễ, được sư cụ Phạm Thế Long dạy chữ rồi xuống tóc cho tu phục vụ Phật sự. Sau đó cụ được Ni trưởng Thích Quang Thụ ở chùa Giàu (Yên Khánh, Ninh Bình) xin về làm tiểu. Chùa Giàu là cơ sở cách mạng từ trước những năm 1945. Ở đây cụ được thầy dạy bảo, giác ngộ cách mạng, cùng chăm lo việc nuôi dưỡng, giữ bí mật cho những cán bộ, bộ đội, dân quân du kích ẩn náu, qua lại chùa. Năm 19 tuổi cụ được thượng tọa Phạm Thế Long sau này là phó chủ tịch quốc hội xin với cụ Quang Thụ cho đầu quân.

Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa
         Ngày 27-2-1947 ở Nam Định, tại chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Nam Định cùng chính quyền, nhân dân huyện Trực Ninh và tín đồ trong vùng đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư (trong đó có hai ni cô) “cởi áo cà sa ra trận”. Đoàn nhà sư khoác áo cà sa, chân đất, đầu trần, tay cầm mũ vải xếp hàng ba do đại đức Tường Minh chỉ huy. Cuối hàng là hai ni cô Đàm Dần và Đàm Nhung khoác túi chữ thập đỏ tiến ra xếp hàng ngang trước ban thờ Tam Bảo nơi thiết lập lễ đài. Thượng tọa Phạm Thế Long đọc diễn văn khai mạc. Sư ông Nguyên Hồng thay mặt các tăng, ni sắp nhập thế lên phát biểu. Sau khi cử lễ “tam bảo tứ ân” theo điển thức lễ trọng, tất cả 27 vị tăng, ni tọa thiền đồng thanh trong một đoạn kinh Bát nhã và kết thúc bằng bốn câu nguyện phổ thông của chư Phật bồ tát:
        “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
        Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
        Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
        Phật đạo vô lượng thệ nguyện thành”.
        Câu kệ dứt, cả đoàn đứng lên cùng cởi áo cà sa để lộ những thân hình tráng kiện, rắn rỏi trong bộ quân phục màu cỏ úa. Thượng tọa Phạm Thế Long đỡ các tấm áo cà sa đặt trước ban thờ Phật. Tường Minh hô: “Đội mũ”. Đồng loạt các vị đội mũ có gắn sao lên đầu. Thế là 27 nhà sư đã thành 27 vệ quốc quân. Đại diện chính quyền, mặt trận Liên Việt tỉnh, huyện lên phát biểu cảm tưởng khích lệ động viên.    Trong lễ tiễn đưa sư nữ Đàm Dần lúc này có tên trong quân ngũ là Trần Ngọc Đĩnh xúc động đọc bài thơ đầy nhiệt huyết:
        “Chúng con xin dốc lòng phát nguyện
        Đem thân ra tiền tuyến cứu nhân
        Diệt trừ cho hết thực dân
        Trở về bái tạ trọn thân tu hành
Và bốn câu:
        “Cởi áo cà sa khoác chiến bào
        Việc quân đâu có quản gian lao
        Gậy thiền quét sạch loài xâm lược
        Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”.
        Là bộ đội lăn lộn với chiến trường trong ba năm làm y tá, cứu thương cụ lại được xuất ngũ về với chùa Giàu để được trọn thân tu hành và được giáo hội cho đi học ở chùa Bồ Đề. Hòa bình lập lại, năm 1954 cụ trở lại chùa Giàu làm Phật sự. 
 
Ở tuổi 92 cụ còn đọc được sách
        Nói chuyện với chúng tôi cụ kể: Tham gia diệt xong giặc Pháp cụ lại về diệt giặc dốt theo lời Bác Hồ kêu gọi. Hàng ngày việc chùa xong cụ lại đi dạy bình dân học vụ ở khắp các xã trong huyện. Khi dân ở làng này biết đọc, biết viết, cụ lại đi dạy cho dân làng khác.

Vào đầu thập niên 60 của thế kỉ trước cụ được hòa thượng Thích Thế Long bổ nhiệm trụ trì chùa Thủy Nhai ở Xuân Trường nơi chốn tổ của hòa thượng với pháp danh Thích Đàm Dần, pháp hiệu Thích Đàm Thành. Năm 78 tuổi ni trưởng Thích Đàm Thành về ở chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong với thượng tọa tiến sĩ Thích Thanh Đoàn gọi cụ là bác ruột. Tuy đã ở tuổi 92 nhưng cụ còn minh mẫn, còn đọc sách, viết sớ và lên khoa cúng được. Chụp ảnh cho cụ để đăng báo chúng tôi bảo:
        - Cụ đeo huân huy chương vào.
        Thấy cụ đứng tần ngần, tưởng cụ không nghe rõ tôi lại hỏi:
        - Cụ được nhà nước thưởng cho mấy huân huy  chương?
        Cụ nói:
        - Chẳng được gì, được mỗi đất nước hòa bình.

        Người viết bài này cũng không quên đề nghị với các cấp lãnh đạo xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định xét quan tâm đến quyền lợi của cụ trong hoạt động kháng chiến.

        ĐỒNG NGỌC HOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét