Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

TƯ TƯỞNG TÌNH CẢM KHIẾU NĂNG TĨNH QUA THƠ ÔNG / Trần Mỹ Giống - Trịnh Thị Nga


Trần Mỹ Giống (áo sẫm màu), Trịnh Thị Nga (ôm hoa)

        Khiếu Năng Tĩnh (1835 - 1920) quê xã Chân Mỹ, huyện Đại An nay là thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Khiếu Năng Tĩnh rất chăm chỉ học tập và sớm bộc lộ trí thông minh, học giỏi. Khoa Mậu Dần (1878), ông đỗ Cử nhân. Khoa Canh Thìn niên hiệu Tự Đức 33(1880) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khoa này ông đỗ Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội). Ông làm quan trải các chức Đốc học Nam Định, Đốc học Hà Nội, thăng Quốc tử giám Tế tửu.

          Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh là một học giả uyên thâm, nhà văn, nhà giáo nổi tiếng, tác gia Hán - Nôm tiêu biểu thời cận đại. Sách địa phương chí của ông hiện còn đến nay là những tài liệu rất có giá trị đối với bạn đọc nói chung và các nhà dân tộc học, nhà địa phương học, nhà nghiên cứu lịch sử  nói riêng như Đại An bản mạt khảo, Đại An huyện chí, Hà Nội tỉnh chí,  Quốc đô cổ kim chí, Thăng Long chư thần ký, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Tiên phả dịch lục...

        Là một nhà giáo nổi tiếng, chắc hẳn Khiếu Năng Tĩnh có viết sách giáo khoa. Trong bài Ngôn chí ông đã nói rõ việc ông mở trường dạy học trò con nhà nghèo, có viết sách giáo khoa: 


Hoặc tương thiết trướng trợ bần gia
Vô học an năng biệt chính tà
Thuỷ trước “Hoá nhi sơ tập” vận
Tái thành “Huấn trưởng nhất thi” ca
(Nghĩ nên mở trường dạy học để giúp người nghèo
Nếu không học thì sao phân biệt được lẽ hay điều dở
Lúc đầu viết quyển Hoá nhi sơ tập
Rồi lại chế sách Huấn trưởng nhất thi)
        Nhưng rất tiếc là hiện chúng tôi chưa sưu tầm được tác phẩm nào của ông về lĩnh vực này.
        Riêng về thơ,  ông có các tập Cố hương vịnh tập, Cổ thụ cách vịnh. Ngoài ra  ông còn Hoài lai thi tập tuyển thơ  của nhiều tác giả khác...
          Hầu hết các tác phẩm của Khiếu Năng Tĩnh tản mát trong dân gian, được nhân dân lưu truyền khá phổ biến, được trích dẫn trong nhiều tác phẩm của các tác gia đương thời. Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Dương Văn Vượng, nguyên chuyên viên Bảo tàng tỉnh Nam Định đã nhiều năm sưu tầm, dịch một số tác phẩm của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, góp phần lưu giữ và phục vụ bạn đọc di sản quý của quan Nghè. Tác giả Trịnh Thị Nga và Dương Văn Vượng đã thu thập trong các thư tịch, trong dân gian được hơn trăm bài thơ của Khiếu Năng Tĩnh, tuyển dịch, in 53  bài...
            Thơ Khiếu Năng Tĩnh thể hiện cốt cách nhà giáo, tâm hồn cao đẹp, tấm lòng vì nước vì dân, những tâm sự vui buồn và tài năng tinh tế của ông. Ba chủ đề tập trung trong thơ Khiếu Năng Tĩnh là vịnh cảnh thiên nhiên, di tích và nhân vật lịch sử, thế sự. Âm hưởng thơ ông là tình cảm yêu nước thương dân thiết tha, xót xa và bất bình trước thời cuộc đảo điên, buồn đau vì tự thấy mình không làm được nhiều cho dân cho nước.
        Sinh thời, ông rất thích tập Cổ thụ cách của Đông Sơn Lão Phố. Trong cuốn này có vẽ 36 thế cây cảnh, mỗi thế kèm hai câu thơ tổng vịnh. Khiếu Năng Tĩnh đã làm 36 bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán, mỗi thế một bài để thể hiện rõ tính chất của tranh vẽ trong Cổ thụ cách, gọi là Cổ thụ cách vịnh. Ông gửi gắm vào các bài tứ tuyệt những tình cảm, suy tư, tâm sự và thể hiện nhân sinh quan của mình.
        Cũng như nhiều nhà nho đương thời, Khiếu Năng Tĩnh mong muốn những người đứng đầu trong bộ máy nhà nước phải là những người có tài có đức, vua phải sáng, tôi phải hiền. Có như thế mới có thể giành lại và giữ được nền độc lập tự chủ. Ông khuyên các quân thần: 

Quân tu tri kính tại tâm trung
Thần tảo đương tư nhất thế cung
(Quân minh thần lương cách)
Vua nên giữ đạo kính tin
Tôi nên sớm nghĩ một niềm cúc cung.
           Trong việc dạy học trò, cũng như trong xử thế ở đời, ông quan niệm mọi việc muốn thành công thì phải dựa vào chính mình, không thể trông chờ vào người khác. Muốn giành lại non sông, xây dựng đất nước thì phải tự mình tiến hành, chứ không thể trông chờ vào nước ngoài. Trong bài Ký Nguyễn đại nhân, một người bạn là Tổng đốc, ông nói rõ:  

Kim nhược ỷ nhân tầm hoạt kế
Hữu thê tha nhật thủ an kiều
(Nếu cứ tựa người tìm kế sống
Nhờ thang, sao ngẩng nổi đầu lên)
        Bản thân Khiếu Năng Tĩnh từng cùng Phạm Thận Duật dự hội nghị các quan đầu tỉnh bàn việc xây dựng lực lượng chống quân xâm lược. Trong bài Phụng vãng chư xứ tuyên thiết các đội dân binh,  ông kêu gọi khích lệ mọi người nêu cao tinh thần chiến đấu chống quân xâm lược: 

Khuê trung phụ nữ bão nhi thuỵ
Tặc chí nan an thị tố hoài
Huống ngã nam nhân vô quật khởi
Thủ gia báo quốc vọng thuỳ tai
(Người đàn bà chốn khuê phòng bế con kia, khi thấy giặc xông tới cũng còn chẳng yên tâm. Huống chi ta là đấng nam nhi, còn chờ đợi ai lại không trỗi dậy giữ nghiệp nhà, đền nợ nước).
      Trong xã hội phong kiến đang suy tàn, quan lại không còn là phụ mẫu của dân, vua cũng không là vua sáng, đời sống nhân dân ngày càng cơ cực. Ông chán ngán trước cảnh tình đời đen bạc, có mới nới cũ, quan lại xu nịnh cầu vinh, vua bạc nhược trước bọn thực dân cướp nước: 

Cầu thân dương thức phi thân nhật,
Tiền sỉ Trường Giang tẩy bất thanh.
                    (Khuất kỷ cầu thân cách)
Cầu thân khi chủ không thân nữa,
Nhục ấy Trường Giang rửa sạch đâu?


Kiến tân vong cựu suy dương nhật,
Quân bất quân hề, thần bất thần.
              (Kiến tân vọng cựu cách)
Ngày nay thấy mới quên xưa rõ,
Vua chẳng ra vua, tôi chẳng tôi.
                Sống trong xã hội có nhiều điều nhiễu nhương, cuộc đời dâu bể, ông vẫn tâm niệm phải giữ vững khí tiết của kẻ trượng phu và tự hào rằng mình trong sạch: 


Đông lai hà vật bất điêu linh?
Điền xá cổ tùng độc tú thanh
Vũ đả phong chàng tâm tự tại
Trượng phu bất quý thế gian bình.
                (Tự tại trượng phu tùng cách)
Mùa đông mọi vật đều xơ xác
Xóm ruộng, thông già cứ tốt xanh
Mưa dội, gió lay, lòng vẫn thế
Trượng phu không thẹn với câu bình.
      
Quả thật, Khiếu Năng Tĩnh không những không phải hổ thẹn với đời vì ông đã giữ vững phẩm chất tốt đẹp của một nhà nho yêu nước, mà còn rất đáng tự hào trước con mắt khâm phục và sự đánh giá của nhân dân.
            Trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, nhân dân lầm than, quan lại chỉ lo thu vén cho mình, Khiếu Năng Tĩnh tự thấy mình bất lực nên ông không tha thiết gì với con đường làm quan: 


Giang sơn vạn lý tha nhân đế
Phong hoá thiên thu dị chủng đồ
Bất liệu lai thi sinh tử kiếp
Đãn tri kim nhật phú hào phô
Vô tài tảo phản điền viên cựu
Ngưu mã tầm vi bách tính cô
                       (Kiếm Hồ thế thuyết)

Giang sơn vạn dặm quân thù chiếm
Phong hoá ngàn thu giống khác lo
Chẳng liệu về sau điều sống chết
Chỉ hay trước mắt sự sang giàu
Vô tài sớm trở về quê cũ
Luống thấy dân mình kiếp ngựa trâu.

        Trong bài Ngôn chí, Khiếu Năng Tĩnh đã nói rõ chí nguyện của ông là muốn đem hết tăng sức lực để dạy học. Theo ông, người ta không học thì không biết đúng sai (Vô học an năng biệt chính tà), muốn diệt trừ kẻ bạo tàn (quân xâm lược) thì phải có tài (Trừ bạo phàm tài khởi đắc da). Ông coi việc dạy học là hành động báo đáp tổ tiên, đền nợ nước. Với cương vị học quan đứng đầu tỉnh và Tế tửu Quốc Tử giám (Hiệu trưởng Trường Đại học đầu tiên của nước ta), ông đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.
        Khi làm Chủ khảo Trường thi Nghệ An, ông đã phát hiện tài năng Phan Bội Châu, hết lòng giúp đỡ để Phan Bộ Châu đỗ thủ khoa. Điều đó đã chứng tỏ Khiếu Năng Tĩnh có con mắt tinh đời và tấm lòng ưu ái đối với những tài năng của đất nước. Với danh hiệu Giải nguyên, Phan Bội Châu có thêm uy tín, danh tiếng rất thuận lợi cho hoạt động cứu nước. Các sĩ tử khoa ấy ai nấy đều vui mừng thừa nhận Phan Bội Châu đỗ Thủ khoa là xứng đáng. Phan Bội Châu đã trở thành một yếu nhân của phong trào Đông Du, một chí sĩ yêu nước được nhân dân vô cùng cảm phục cũng một phần có công đóng góp của quan nghè Khiếu Năng Tĩnh.
            Cũng trong khoa thi Hương năm 1900 tại trường thi Nghệ An, có một thí sinh 82 tuổi là Đoàn Tử Quang, người Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đoàn Tử Quang là người rất hiếu học, từng hai lần đỗ Tú tài. Mặc dù tuổi cao, Đoàn Tử Quang vẫn không ngừng học tập, thi cử, mong có điều kiện cống hiến được nhiều cho dân cho nước. Cảm phục tấm gương kiên trì học tập và tài năng thực sự của Đoàn Tử Quang, Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh đã lấy Đoàn Tử Quang đỗ Cử nhân. Sau khi đỗ Cử nhân, Đoàn Tử Quang được bổ chức quan, làm  tới chức Huấn đạo. Với việc lấy Đoàn Tử Quang đỗ Cử nhân, Khiếu Năng Tĩnh đã tạo điều kiện cho Đoàn Tử Quang thoả nguyện cống hiến sức lực, tài năng cho nước. Khiếu Năng Tĩnh được các sĩ phu đương thời ca ngợi là người biết trọng nhân tài, không bỏ sót nhân tài và có tấm lòng bao dung nhân ái.
        Khi về quê, ông mở trường dạy học tiếp tục sự nghiệp giáo dục mà mình theo đuổi cả đời. Khác với nhiều nhà nho đương thời mở trường dạy học trò để thi tú tài, cử nhân, trường của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh lại nhận dạy con em nhân dân nghèo học chữ. Ông vui vẻ chấp nhận cảnh "sáng cơm tối cháo", bỏ tiền mua sách bút tặng học trò để thực hiện chí nguyện của mình. Quan tâm giáo dục cho đại đa số người nghèo là một tư tưởng tiến bộ của nhà giáo Khiếu Năng Tĩnh.
           Phê phán lối sống cầu vinh, bán nước của một số quan lại đương thời, mong muốn nước nhà có nhiều bậc tài đức, ông làm thơ ca ngợi những gương sáng tiền nhân của quê hương. Trong Cố hương vịnh tập, ông có nhiều bài ca ngợi công thần, những người có nhiều đóng góp cho quê hương, những người hết lòng vì nhân dân... Thọ Tung phúc thần là một bài trong loạt bài này của ông. Bài thơ ca ngợi Tướng quân Bùi Ngọc Oánh, người có nhiều công lao trong kháng chiến chống Minh và xây dựng quê hương: 


Diệc vi khai quốc nhất công thần,
Lê đế đương thời thị chí trân.
Sơ vị gia bần hương bất trọng,
Hậu thành lương tướng sắc phong thần.
Khai hoang tế cấp do tồn tích,
Tộc miếu hương từ thượng mộc ân
Khuất chỉ hoàng hoa tứ bách tán
Hương yên thi chúc kế truyền văn.
Dịch thơ:
        Cũng là khai quốc công thần,
Đương thời Lê đế nhiều lần ban khen.
        Lúc đầu nghèo, có ai tôn,
Sau thành tướng giỏi ơn trên phong thần.
        Khẩn hoang còn giúp khó bần,
Họ thờ, làng cúng đội ân tỏ lời.
        Bốn trăm năm chục năm rồi
Khói nhang cầu vọng nối đời không quên.
                                (Dương Văn Vượng dịch)
          Khiếu Năng Tĩnh luôn day dứt tự trách mình không đủ tài cứu nước, tâm trạng chán cảnh làm quan, muốn lui về quê, nhưng vẫn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước. Trong bài Xuân du ông chỉ rõ Thăng Long linh khí" chưa phải đã mất, "Quốc giám thạch bi" còn đọc rõ, mảnh đất dấy vương nghiệp c òn nhiều dấu vết trong lòng người. Ông tiên đoán: 
 

Cận bách niên lai đương toán định
Thanh bình hồi nhật để xâm xâm.
(Có lẽ trăm năm chừng độ ấy
Thanh bình trở lại mới nghe tăm)
           Niềm tin của Khiếu Năng Tĩnh ngày nay đã thành sự thật. Sau gần trăm năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta đã quét sạch lũ giặc ngoại xâm, giành lại non sông gấm vóc của mình. 
            Thơ Khiếu Năng Tĩnh ít khi dùng điển cố nên dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Hầu hết các bài thơ của ông ở thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Chúng tôi mới chỉ thấy duy nhất bài Nho Lâm thôn dùng thể lục bát. Do ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, việc dùng thể thơ Đường luật trong sáng tác của các nhà nho thời đại Khiếu Năng Tĩnh sống là tình trạng phổ biến. Với số câu, số chữ quy định và sự đòi hỏi chặt chẽ về niêm, luật của thể thơ Đường luật, đòi hỏi các tác giả phải có tài mới tránh được tình trạng gò bó, khuôn sáo. Thơ Khiếu Năng Tĩnh vừa đảm bảo những quy định nghiêm ngặt của thể loại, vừa diễn tả những suy tư, tình cảm của mình một cách tự nhiên, giàu hình ảnh, gây được cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc. Phải là người gần gũi, quan sát tinh tế, yêu thiết tha thiên nhiên đất nước mới có thể viết được những câu thơ giàu hình ảnh đẹp như: 


Trúc dương bách thủ khu vân tán
Kính tiết hoàn lưu thất ngoại phiên
Điểu vấn hoa nghinh tiên hậu tiếp
Lai niên dục ký tự tiền niên
                               (Hạ từ)
(Trăm tay trúc khua mây tan tác
Khí tiết còn vương dậu phên nhà
Chim hỏi, hoa chào sau trước đón
Chắc rằng năm tới tựa năm qua)

Hoặc như cảnh thôn quê trong bài Mai vịnh:

滿

Vị xuân bạch sắc mãn sơn đầu
Bố nhập phong trung kích ngọc lâu
Phiến khởi tử bào tàn ảo mộng
Nông gia xứ xứ tốc khu ngưu
(Chưa xuân sắc trắng khắp đầu non
Theo gió hương vào tận gác son
Bào tía bỗng nhiên tàn mộng ảo
Lùa trâu vội vã cảnh nông thôn).

        Dường như Khiếu Năng Tĩnh làm thơ chỉ để ghi lại những suy nghĩ, những sự kiện như là nhật ký của mình. Vì vậy, đọc thơ Khiếu Năng Tĩnh, chúng ta hiểu thêm về cuộc đời, về tư tưởng tình cảm của ông, càng kính trọng ông với tư cách là một nhân cách cao đẹp, một người thầy lớn, một danh nhân văn hoá của đất nước. 

TMG - TTN
……….

            Trần Mỹ Giống – Trịnh Thị Nga, bài tham luận trong Hội thảo khoa học “Tế tửu Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh” tại trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử giám, Hà Nội tháng 9 năm 2009.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét