Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

VÀNG - THAU - MỘT - THỜI : Tiểu thuyết / Phan Đạt Ninh (Chương 5)






     Chương 5

          Sớm nay mới bốn giờ Sơn đã tỉnh giấc. Sơn thấy Gã  nhẹ nhàng chằng buộc túi đồ dùng cá nhân vào xe rồi thận trọng mở cửa phòng dắt xe ra. Sơn biết Gã làm vậy để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của hai người. Thấy Sơn ngồi dậy, Gã đến bên nói nhỏ:
          - Còn sớm, dậy làm gì ? Ngủ tiếp đi.
          Sơn bảo Gã :
          - Trong ngăn bàn còn chiếc bánh mì cậu cầm đi ăn sáng. Mấy đồng này cất vào túi để phòng xe pháo hỏng trên đường. Chiếc lốp trước  quấn cao su chỗ phình, nhớ đừng bơm căng quá, nổ đấy.
          Vinh cũng nhổm dậy. Vinh bật nhanh xuống sàn rút chiếc áo phơi trên dây đưa cho Gã.Vinh nói:
          - Cậu đem về diện với người yêu. Ai lại như ăn mày thế?
          Gã cười rồi cất chiếc áo vào túi.
          Sơn dặn thêm:
          - Về nhớ cho bọn tớ hỏi thăm sức khỏe mẹ và nàng nhé. Ảnh của nàng tớ vẫn giữ, tối về tớ trả.
          Vinh chọc gã:
          - Nàng xinh thế chết mê chết mệt là phải! Thôi về nhanh đi không thằng khác nó chôm mất... Khổ vì tình chưa? Cứ như tớ ăn no, ngủ kĩ, vô tư, đếch phải lo nghĩ gì, mệt người...
          Gã lẳng lặng dắt xe đi...
          Gã vừa đi chừng nửa tiếng đồng hồ thì trời đổ mưa lớn và gió mạnh. Cánh cửa sổ phòng rung bần bật. Bộ bản lề cửa vốn dĩ đã gỉ cùn gỉ cụt giờ bị luồng gió mạnh thổi bay xuống đất. Mưa hắt vào trong phòng rào rào.  Vinh hét toáng kêu Sơn dậy. Sơn và Vinh không biết còn cách nào ngoài việc kéo chiếc giường của Gã vào sâu phía trong. Trời mỗi lúc mưa một to, gió một lớn. Cây xà cừ bên cửa sổ cành lá tung lên quật xuống, vật vã. Sơn nghĩ cứ thế này chắc chỉ mươi phút nữa nó sẽ bị gió mưa quật đổ. Đúng vậy, cây xà cừ đổ thật. Cành lá của nó bị gió xé tơi bời bay loạn ra tứ phía, bay cả vào phòng hai người.
          Vinh bảo Sơn lên giường ngủ tiếp:
          - Kệ mẹ nó mưa gió! Ướt mỗi cái giường sắt han gỉ, cái chiếu rách cần chó gì.
          Vinh leo tót lên giường kéo màn phủ kín ngủ. Sơn làm sao ngủ được. Bản mệnh Sơn vốn đa cảm. Sơn lôi chai rượu dưới gậm giường ra rót uống. Khốn khổ, trong chai còn độc một chén. Sơn nâng chén ngâm nga:
          - Người đi một sớm trời mưa gió.
          Sơn đọc xong câu thơ thì cụt vốn, nghĩ không ra. Sơn lẳng vỏ chai vào gậm giường. Chiếc vỏ chai lăn lông lốc phát ra âm thanh như tiếng ai đang khóc. Ngoài trời mưa gió vẫn hoành hành. Gió rin rít trên đường dây điện thoại. Sơn hé cửa lách ra ban công nhìn sang phía nhà sinh viên nữ. Ôi chao ... mưa gió vẫn dữ tợn thổi, tiếng hét oai oái của đám chị em hò nhau thu kéo những quần, những áo vào phòng...
          Rụp! Mất điện! Tất cả tối sầm tối sịt trong mưa gió...
          Sơn nhìn đồng hồ mới bốn giờ bốn mươi phút. Chiếc đồng hồ cũ rích của Sơn bữa nay nó không chết vặt như bữa trước, nó vẫn chạy.
          Trận mưa gió quái ác kéo dài cả tiếng. Sáng ra Sơn thấy các ngả đường cây xanh đổ ngổn ngang.
          Chiếc cầu “kiều” bằng sắt bắc ngang sông Tô trong trường, nơi mọi người hàng ngày qua lại giờ cũng nằm chỏng gọng dưới dòng nước đen ngầu.
          Sáng nay nhà trường cho sinh viên nghỉ học để thu dọn lại chỗ ở. Sơn rủ Vinh tìm kiếm vật liệu làm cánh cửa sổ. Vinh nói như gắt:
          -  Đào đâu ra vật liệu để làm. Cứ lấy chiếu che tạm. Chắc một vài hôm nữa ông già kí túc cũng cho người làm cánh cửa mới. Bây giờ tớ với cậu xuống nhà thầy Trí để giúp thầy đã. Ngôi nhà của thầy cô lợp toàn giấy dầu, thưng bằng tre cót có lẽ bay xuống hồ rau muống rồi!
Sơn nói chọc Vinh xem phản ứng thế nào:
          - Cậu có lòng tốt nhỉ? Thầy vừa kỉ niệm điểm hai dạo trước không nhớ à? Quên đi! Có ra chợ Trời ngáo ngơ một chút không?
          Vinh quát vào mặt Sơn:
          - Đếch ai lại nghĩ như cậu! Đồ tiểu nhân. Tớ xơi con ngỗng là tại tớ, liên quan gì tới thầy? Cậu không đi thì tớ đi! Cần đếch gì cậu! Đồ khốn!
          Nghe Vinh nói như mắng vào mặt nhưng Sơn thấy thấy vui, thấy quý Vinh hơn. Sơn cứ nghĩ Vinh là tầm thường, tào lao, phổi bò, ai rè Vinh cũng rõ ràng, mạch lạc về tư tưởng, về quan điểm.
Vinh lùi lũi bỏ đi mặc Sơn. Đang đi bỗng dưng Vinh quay ngoắt lại nói:
          - Ông tướng vẫn cầm ảnh người yêu của Gã đấy nhé! Coi chừng ông tướng lại ngâm ráo vào xô nước, về Gã giết!
          Sơn nói:
          - Đếch phải người yêu của Gã đâu?
          Vinh nổi nóng, nói rõ to:
          - Tướng này sáng nay kì thật! Làm sao thế? Dở người à?  Người yêu người ta lại bảo không phải!
          Kệ Vinh nói, Sơn chạy lại cầm tay Vinh lôi vào quán.
          - Nói đùa chút thôi, tớ cũng đi làm với cậu .Giờ vào quán xơi cái bánh rán đã...
          - Hay! Hay! Cậu chi tiền nhé! Tớ nhẵn thín rồi!
          Sơn và Vinh cúi đầu chui vào quán lá lúp xúp bên đường.
          Hai chiếc bánh rán vào bụng mỗi ngươi như muối bỏ bể nhưng cũng đành chịu. Ngân khố chỉ có thế. Tiền dạy học thêm chưa có. Vinh chép chép miệng:
          - Chẳng bõ bèn gì, chua cả mồm!
          Bà chủ quán cười. Bà nói:
          - Cứ ăn thêm đi, bu cho chịu?
          - Thôi, bu để hôm khác. Giờ tụi con còn vào nhà thầy giúp thầy.
          Chủ quán giọng rầu rầu:
          - Nhà thầy tốc hết mái rồi. Cái bếp bay xuống tận ao! Chúng cháu rủ thêm bạn vào giúp vợ chồng thầy đi!Rõ khổ!
          Đúng như lời bà chủ quán nói. Nhà thầy xiêu vẹo, hai bên mái tốc gần hết. Tấm bạt lớn căng vội chéo lệch một bên. Cái bếp nhỏ thó bay nằm gọn dưới hồ rau muống.
          Vợ chồng thầy thấy Sơn và Vinh vào mừng lắm. Thầy nói:
          - Đây rồi, có quý nhân phù trợ. Hai đứa giúp thầy đi...
          Sơn và Vinh nhìn thầy bơ phờ đầu tóc, may ô, quần đùi mà buồn cười.
          Sơn nói:
          - Chắc sớm nay thầy vất lắm phải không?
          Thầy ngửa mặt nói:
          - Hai cậu nhìn tớ thì biết. Khốn nạn quá! Một mình tớ phải chống chọi với mưa gió. May mà có tấm bạt này căng lên không thì ướt hết.
          - Thầy làm thế nào mà căng được tấm bạt này?
          - Thế mới hay chứ! Tớ buộc hai góc bạt vào hai cột nhà, hai góc kia buộc hai sợi dây dài rồi tung nó qua mái kéo lên. Tại gió lớn quá nên nó mới chéo ngoe thế!
          Vợ thầy giục:
          - Thôi anh dừng tay, để mình em quấn cũng được. Cũng gần đủ để giao cho quán rồi!
          Nghe vợ nói vậy, thầy rời bàn thuốc. Thầy vươn vai, ưỡn ngực như để giãn cơ bắp chống mỏi mệt.
          - Cả đêm qua vợ chồng tớ quấn trên hai kí thuốc để sáng nay rao cho người ra. May mà tớ cất trong thùng tôn trước khi ngủ, nếu để ngoài như mọi khi thì mưa gió sớm nay vất hết rồi...
          Thầy cười vui. Cái kiểu cười của một trí thức tầm cỡ trước những chuyện nhỏ nhặt, vớ vẩn diễn ra hàng ngày... Vinh hỏi thầy:
          - Ba cháu đi học rồi hả thầy?
          - Ừ, các cháu đi học rồi. Khổ chúng nó! Sớm nay mặc tạm quần áo ẩm ướt, ăn mì luộc đi học. Không biết bao giờ kinh tế mới khá lên được. Thằng Mĩ ác thật! Nó lôi kéo nhiều nước cấm vận mình. À, hai đứa ăn sáng chưa?
          Sơn đang bí cách trả lời thì Vinh nói luôn:
          - Bọn em mỗi đứa vừa làm tô phở rồi!
          - Sang thế! Tớ cả tháng nay chưa biết mùi phở là gì? Hết mì luộc rồi mì áp chảo. Đến mỡ cũng thiếu!
          Vợ thầy vừa quấn thuốc vừa cười vừa nói.
          - Phở có người lái hay không người lái?
          Sơn và Vinh im lặng vờ như không nghe thấy. Vinh bảo Sơn:
          - Bây giờ tớ trèo lên mái buộc lại, đóng đinh lại số cây que kia. Còn cậu và thầy chuẩn bị giấy dầu ở dưới. Khi nào xong, thì đưa lên cho tớ.
          Vinh nhét tất cả búa, kìm, đinh, dây thép vào chiếc túi vải rồi trèo phắt lên mái nhà. Vinh cứ như con mèo, cứ như thợ lão luyện. Vinh nhanh thoăn thoắt sắp xếp lại mớ cây que, chỗ buộc, chỗ đóng đinh đâu ra đấy.
          Sơn và thầy hì hục khuân từ góc nhà ra năm, sáu cuộn giấy dầu ra sân và lội xuống hồ rau muống kéo lên bờ những mảnh giấy dầu lớn.
          Sơn thấy thầy mồ hôi thầy toát từ mặt, từ tay, từ lưng rất nhiều, Sơn thấy thương thầy. Mái tóc thầy dài, thưa và hơi quăn giờ duỗi xuống, bết vào da đầu nom thầy đến vất vả. Tuy thế thầy vẫn cười, nói như không:
          - May đấy, mình lo xa mua mấy cuộn giấy dầu từ trước không bây giờ gay...
           Ba thầy trò mỗi người một tay nên công việc tiến triển nhanh. Vinh kêu Sơn trèo lên mái cùng Vinh trải giấy dầu. Ba thầy trò cứ như người làm xiếc, người đưa nẹp tre, người luồn mép gấp, đóng đinh, buộc dây nên khi mặt trời gần tới đỉnh hai mái ngà đã lợp xong.
          Thầy vui lắm. Thầy giục vợ:
          - Mình đi giao thuốc khi về ghé chợ mua thứ gì về ăn tươi nhé! Hai em ngồi nghỉ để thầy châm bếp dầu đặt nồi cơm. Mọi ngày nhà thầy đun than, giờ than, củi ướt hết ráo rồi.
          Nhìn thầy lóng ngóng châm bếp dầu, lóng ngóng đổ nước đặt nồi lên bếp, lóng ngóng vo gạo Sơn và Vinh buồn cười lắm.
          Vinh móc túi cuộn thuốc hút, hút chừng nửa điếu Vinh nói:
          - Thầy ơi mỗi tháng thầy cô quấn được bao nhiêu cân thuốc?
          - Chừng năm mươi cân.
          - Năm mươi cân!- Sơn thốt lên.
          - Thầy cô lấy thuốc ở đâu?
          - Mua ở chợ Đồng Xuân.
          Vinh nhìn Sơn:
          - Cậu có suy nghĩ gì không? Năm mươi cân thuốc một tháng đấy?
          Sơn gật gù chưa trả lời để có thêm thời gian suy nghĩ .
          Nồi cơm trên bếp sắp cạn, thầy tôi trút đám mì sợi tự sản xuất vào nồi trộn đều. Thầy vặn nhỏ lửa bếp.
          Sau vài phút suy nghĩ, Sơn mạnh dạn nói:
          - Thầy tính xem , tụi em sẽ cấp đủ thuốc cho nhà mình hàng tháng. Giá rẻ hơn là cái chắc!
          Nghe tôi nói thế, thầy tôi cười rõ to. Không phải thầy cười Sơn mà cười vợ thầy đang đạp xe về đến cổng. Thầy bảo:
          - Ba thầy trò ta hôm nay được bữa cá rô phi rán giòn rồi. Cái chợ cóc đầu phố này bán nhiều cua cá lắm. Cá ao nhà, cá ao hợp tác, cá  câu trộm hồ công viên Thống nhất.
          Bữa cơm trưa thật vui, thật nhiều ý nghĩa. Vợ thầy luôn tay gắp thức ăn vào bát chúng tôi. Ba thầy trò nhâm nhi rượu với cá rô phi rán giòn. Chừng nửa bữa thầy nói:
          - Các em nói sẽ cung cấp thuốc sợi cho nhà mình đấy? Thuốc ngon hơn, rẻ hơn chợ Đồng xuân mình nghĩ sao?
          - Hay quá còn gì! Cô sẽ trả thêm vài giá để các em có thêm tiền để chi tiêu.
          Vinh hỏi:
          - Hai thầy cô quấn kiểu gì mà năng suất thế? Những năm chục cân  một tháng?
          - Không! Nhà quấn chỉ khoảng  bốn chục cân thôi. Mười cân còn lại đưa cho hai mẹ con cô giáo nhà bên quấn...
          Vinh lại hỏi thầy:
          - Vị chi mỗi tháng thầy cô lãi được bao nhiêu?
          Thầy nhìn vợ...
          - Bằng hai lần lương tháng phó giáo sư tiến sĩ của thầy đấy!
          Vinh nghe xong liền hét toáng lên...
          Sơn bậm chặt môi, mặt thộn ra...
          Bữa cơm trưa xong, thầy bảo Sơn và Vinh mắc võng dưới gốc cây ổi nằm nghỉ.
          Chiếc võng gai vừa cũ,vừa buộc thêm dây chỗ mắt đứt nhưng được cái to nên Sơn và Vinh nằm giở đầu đuôi cũng ổn.
          Gió từ hồ rau muống thổi về từng cơn mát rượi. Những đốm nắng vàng hoe như quả chín lo le trong tán lá. Vinh ngủ thiếp từ lúc nào. Vinh ngáy như thợ cày, thợ cấy nơi quê. Sơn thì nghĩ miên man nên không chợp mắt. Sơn ngồi dậy nhường chỗ để Vinh nằm thoải mái.
          Sơn đến bên thầy cô nói chuyện.
          - Thầy cô không tranh thủ nghỉ trưa lại ngồi quấn thuốc à?
          - Em bảo thầy cô không tranh thủ những buổi trưa để quấn thuốc thì thời gian đâu? Thầy cô phải gồng người lên mà quấn mới hi vọng vài năm sau có tiền làm nhà. Em tính xem lương thầy mỗi tháng xấp xỉ một trăm đồng, lương cô nghỉ mất sức khoảng bốn chục đồng, nhà năm miệng ăn, phải kham khổ mới đủ.Thời buổi bây giờ thế đấy. Phải tính toán chân trong chân ngoài mới ổn. Mọi ngành, mọi người đều phải làm kế hoạch hai, kế hoạch ba. Bọn em còn năm nữa ra trường. Em có biết lương kĩ sư khởi điểm mỗi tháng bao nhiêu không? Hơn sáu chục đồng tiền lương mỗi tháng kéo dài suốt ba năm. Ba năm không vướng kỉ luật mới được hưởng lương chính thức.
          Sơn nghe thầy nói chuyện mà thấm tới gan tới mật.
          - Dạo ấy cô ốm đau nhiều hay sao mà phải nghỉ mất sức?
          Nghe Sơn hỏi cô chỉ cười. Thấy vậy thầy đỡ lời:
          - Cô có ốm đau gì đâu. Thầy cô tính không thể hai người cùng bám nhà nước được. Một người phải ra ngoài bươn chải. Thầy thì không nghỉ được. Cô nghỉ để chú tâm vào làm ngoài, kể từ làm đậu đi rao, làm bánh đi rao, cuối cùng được một thầy cô bên trường bạn mách quấn thuốc. Cô bây giờ đã có thâm niên năm năm quấn thuốc rồi đấy, hay không?

(Còn tiếp)
PHAN ĐẠT NINH         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét