Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

VÀNG - THAU - MỘT - THỜI : Tiểu thuyết / Phan Đạt Ninh (Chương 7)





                    
          Chương 7

          Sáng nay chủ nhật được nghỉ. Gã, Sơn, Vinh về quê.
          Gã và Vinh xuống nhà thầy mượn xe để về quê. Vinh cứ oang oang nói với thầy cô:
          - Em về để gặp mặt người em yêu. Còn người ấy có yêu em không thì chưa biết, hồi sau sẽ rõ. Bữa nọ Gã nói nhà Gã có bè tre ngâm, em tính sẽ đóng cho thầy chiếc giá sách.

          Nghe Vinh nói vậy, thầy lên tiếng :
          - Hai đứa có biết làm mộc đâu? Tre ngâm mà đóng giá sách cũng tốt. Người ta còn đóng cả giường, cả bộ tràng kỉ bằng tre đấy!
          Nghe thầy nói thế Vinh cười bảo :
          - Em tuy không phải thợ nhưng tay nghề cũng khá, rồi thầy xem.
          - Thế hai đứa chuyển về bằng cách nào ? Xe khách không đến lượt đâu ? Bữa nọ tôi đi từ Hòa Bình về Hà nội mà mất cả ngày đấy ! Khổ lắm ! Có hơn bảy chục cây số mà mấy lượt xe đi không thể nào mua được vé. Vé họ bán chui từ bao giờ không biết ? Rõ ràng mình xếp hàng thứ năm mà không mua được vé. Cô bán vé bán cho bốn người đứng trước mình đã thông báo hết vé. Nói rồi cô ta đóng sập cửa bán vé lại.
          Thầy thở dài.
          - Bến xe nào cũng thế thầy ạ. Phe vé từ người trong bến. Cánh phe bên ngoài chầu chực trước cửa bán vé mua hết lượt này đến lượt kia thì làm sao đến người khác ? Thầy biết không, vé gốc chỉ có một đồng tám, mua lại của cánh phe giá lên tới bốn đồng, có khi năm đồng. Chỉ cần một vé họ đã thu lời bằng một ngày lương kĩ sư, lợi nhuận cao thế nên họ phe vé là phải. Chiếc xe bốn mươi lăm ghế ngồi, nhà xe nhồi nhét hơn trăm người. Có chuyến người ta ngồi cả trên nóc xe. Tất cả là đi bằng được, chở bằng được. Đúng là những chuyến xe bão táp! Riêng em, em quên hẳn xe khách. Em đạp xe còn nhanh hơn, thoải mái hơn. Em đã tính chở cái giá sách theo kiểu  cáng võng chở người ốm đi viện.
          Vinh nói xong thầy khen Vinh rất nhiều.
          Tầm sáu giờ sáng cả nhóm lên đường. Vinh đi xe của Sơn. Gã đi xe của thầy. Sơn đi xe của Nga.
          Chiếc xe hiệu Thống nhất nữ màu xanh đậm thầy mới được mua phân phối tháng trước. Thầy tôi thuộc diện ưu tiên bởi công tác lâu năm, có nhiều thành tích mới được phân chiếc xe này.
Tầm chín rưỡi sáng cả nhóm về đến nhà.
          Từ xa Gã đã nhìn thấy mẹ. Gã gọi to :
          - U ơi !
          Mẹ Gã đang đang kéo đám rào tre khô bà dừng tay nhìn.
          Cả nhóm tiến nhanh lại chỗ bà. Bà nói:
          - Mấy anh em được nghỉ học về thăm u hả ?
          - Vâng ! U có được khỏe không? Sơn trả lời.
          - Không khỏe cũng phải khỏe. Công việc đồng áng vất lắm.  May mà vụ này mưa thuận gió hòa nên cũng được. Cả xã vừa mới thu hoạch xong. Nghe đâu số thóc chia theo công điểm cao hơn năm trước. Nhưng vẫn gay lắm. Cứ cái kiểu chấm công tràn lan thế này, sáng bảy tám giờ mới đủng đỉnh vác cày cuốc ra đồng, vừa làm vừa chuyện, chín rưỡi mười giờ đã về. Buổi chiều ba giờ ba rưỡi mới đi bốn giờ bốn rưỡi đã về thì năng suất ở đâu? Cái kiểu làm ăn hợp tác cha chung không ai khóc hỏng rồi. Tất tật mọi việc từ cây trồng, phân bón, thời vụ đã có ban chủ nhiệm hợp tác lo.  Thứ gì cũng ban chủ nhiệm. Thử hỏi dăm bảy con người ấy, trình độ quản lý, trình độ kĩ thuật có hơn gì người khác mà cứ đại diện? Cứ lãnh đạo? Kiểu thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo từ trên xuống gay lắm. Dân tình có ý kiến phê phán, góp ý cách làm chủ tập thể thì nói người ta đi ngược đường lối chủ trương của đảng, của nhà nước. Quy chụp thế này, thế nọ. Bác trai nhà này là một ví dụ. Mấy năm trước bác trai và vài hộ tự ý trao đổi với nhau chia lại ruộng đất cho liền mảnh để dễ trồng trọt, chăm bón, ban chủ nhiệm lôi ra phê phán, nào là phá hợp tác, chống lại đường lối của đảng, rồi cô lập, rồi khai trừ đảng... Ông ấy nghĩ ngợi nhiều, ưu phiền nhiều, sinh bệnh ốm mà chết...Cả xã này từ trước tới giờ có năm nào đủ ăn đâu ? Một hạt cơm cõng năm sáu miếng khoai, miếng sắn.
Sơn và Vinh nghe bà nói chuyện mà mặt cứ đần ra....
          Gã dường như không muốn nghe chuyện ưu phiền cũ. Gã hỏi mẹ:
          - U ơi, em con đâu ?
          - Nó cùng đoàn thanh niên xã đang chăm sóc mấy thửa bèo hoa dâu ngoài đồng từ sớm. Chẳng biết có kết quả gì không mà tốn công, tốn sức lắm. Mấy ông cán bộ kĩ thuật xã đi tập huấn trên huyện về quảng bá rầm rộ bèo hoa dâu như nhà máy phân đạm, thay thế được cho phân bón ruộng. Đoàn thanh niên xã xung phong nhận làm. Nào trống dong cờ mở, loa đài sôi nổi lắm. Hàng chục thanh niên trai tráng bu quanh mấy thửa bèo, người rắc tro bếp, kẻ dùng sào đập đập để bèo sinh sôi nảy nở, kẻ chắp tay đứng ngoài ghi ghi chép chép, kẻ ngơ ngác nhìn, thôi thì lắm vấn đề... Thế rồi sáu tháng đầu năm, sáu tháng cuối năm nào phụ nữ, nào đoàn, nào đảng, nào chính quyền chỗ nào cũng lấy đó là thành tích đưa vào báo cáo tổng kết cuối năm. Chuyện làm chủ tập thể dài lắm, các cháu có trình độ tìm hiểu thêm. Bây giờ cũng có nhiều nơi người ta giấu diếm “phá rào” đấy! Em  Vân giờ này chắc cũng sắp về rồi.
Vinh lảng sang chuyện khác.
          - Sao u không cho em đi học nghiệp vụ gì đó mà lại ở nhà làm ruộng?
          - Con gái ở nhà một hai năm nữa lấy chồng thôi cháu. Học nhiều làm gì? Mình anh nó học là được rồi. Còn năm nữa anh nó học xong, ông nhà nước lại phân công đi tận đẩu đâu đấy? Ở nhà còn ai? Em nó lấy chồng trong xã còn có mẹ, có con. Đi học rồi thoát ly nốt thế là hết. Em nó về rồi đấy!
          Vinh nhìn ra cổng thấy em gái Ngã áo nâu, quần đen xắn gọn lửng bắp chân, vác trên vai cây nứa dài vừa đi vừa nói chuyện với một thanh niên cùng đi làm về.
          Tới cổng nhà hai người còn đứng nói chuyện thêm chừng mươi phút. Nghe tiếng cười, nghe giọng nói của cô, nhìn vóc dáng cô, Vinh định chạy ra đón nhưng lại thôi. Có lẽ Vinh nghĩ nếu làm thế thì không hay, không lịch sự, nhất là lúc cô đang nói chuyện với bạn trai. Vinh tiếp tục nói chuyện với mẹ Gã:
          - Con nghĩ u nên nghĩ lại cho em Vân đi học. Chứ ở nhà làm ruộng thuần túy thì phí quá ? Mười năm đèn sách bỏ hết hả u?
          - Đấy! Nếu anh giúp cho em nó vào trường thì anh giúp. Nhưng học xong phải về xã, hoặc huyện làm việc.
          Vân em gái Ngã thấy nhà có khách cô chưa vào nhà ngay. Cô ra ngoài giếng kéo nước rửa mặt, rửa chân tay.
          Thấy anh trai đang giặt chiếc màn cho mẹ, cô hỏi :
          - Anh và bạn anh về khi nào? Các anh ấy cùng học với anh à? Các anh ấy có cùng tỉnh mình không?
          Nghe em gái hỏi Gã cười nói thật to :
          - Cô hỏi gì mà kĩ thế? Tí nữa tha hồ hỏi.
          Nghe anh trai nói vậy, Vân chỉ cười.
          Vinh nhân cơ hội này liền ra giếng nói chuyện :
          - Công trình bèo hoa dâu của đoàn thanh niên các em đến đâu rồi? Anh vừa nghe mẹ em nói chuyện xong.
          - Khoảng tám sào thôi anh.
          - Đủ để rải hết cánh đồng của xã không?
          Vân không trả lời câu hỏi của Vinh.Vân kéo cây chuối ra góc giếng  thái cho lợn.
          - Để anh làm cho!
          Nói rồi Vinh nhận con dao từ tay Vân, ngồi thái sồn sột. Nhìn Vinh thái chuối rất khéo,Vân cười khen:
          - Bàn tay sinh viên mà anh thái chuối cũng giỏi ghê!
          Vinh cười :
          - Việc gì anh cũng làm được. Cứ xem người ta làm là khắc biết!
          Vinh ngước mắt nhìn như ngắm Vân. Cái nhìn sâu hun hút của Vinh khiến Vân lúng túng.
          - Các anh học cùng lớp với anh Gã em à ?
          - Ừ ! Anh Gã có lần cho anh xem ảnh Vân. Bây giờ anh muốn ngắm kĩ xem có đúng người trong ảnh không?
          Vân cười :
          - Anh có thấy giống không ?
          - Giống ! Ở ngoài Vân đẹp hơn!
          Trong bếp mẹ Gã lúi húi làm cơm. Sau khi ghế xong nồi cơm bà kêu Vinh giúp bà bê nồi cám lợn ra chuồng.
          Trong chuồng đôi lợn cỡ năm sáu chục cân ngửi thấy mùi cám chúng  ghếch mõm lên kêu ầm ĩ.
          Vân múc cám trong nồi đổ ra chậu rau chuối, Vinh trộn đều rồi bưng đặt vào chuồng.
          Đầu hè mẹ Gã lom khom lấy trong hũ sành ra mấy khúc cá mè ướp muối. Bà múc nước trong chiếc vại rửa qua cho bớt mặn. Bà kẹp các khúc cá bằng chiếc kẹp tre bắc lên bếp nướng.
          Vinh để mắt không thấy Gã đâu, Vinh hỏi Vân :
          - Em có biết anh Gã đi đâu không ? Tuần trước anh Gã cho bọn anh xem ảnh người yêu, chuyện buồn cười lắm!
          - Ảnh chị Hoa phải không ? Chị Hoa đẹp lắm. Chị ấy mới ra Hà nội học may. Sao lại buồn cười hả anh ?
          - Chuyện thế này, hôm anh Gã đưa chị Hoa đến nhà thầy giáo tụi anh chơi. Anh Gã giới thiệu với thầy và bọn anh chị Hoa là người yêu. Anh thấy chị Hoa không phải người trong ảnh tụi anh đã xem.
          Thế là anh mắng anh Gã té tát, nói anh là kẻ lừa dối trong tình yêu. Chị Hoa thấy thế khóc hu hu bỏ chạy...
          Không khí căng thẳng lắm. Anh Gã chỉ im lặng.
          Chị Hoa bỏ đi. Vợ thầy phải chạy theo, khuyên mãi chị Hoa mới chịu quay trở lại.
          - Thế là thế nào ? Vân hỏi.
          - Tấm ảnh ấy là ảnh Vân !
          Vân cười phá lên . Vân bảo bữa nào chị Hoa về Vân sẽ trêu chị ấy một trận.
          Cơm canh chuẩn bị xong, bà gọi mọi người vào ăn cơm. Vinh chắc lâu lắm rồi mới nhìn thấy bữa cơm đam bạc thế này:
Chiếc mâm gỗ sứt mẻ, cũ kĩ. Những chiếc bát sành vá víu. Đĩa cá mè ướp muối nướng. Bát tô rau muống luộc. Bát nước cua muối thay nước mắm. Đĩa trứng vịt rán không mỡ. Nồi cơm độn nhiều khoai.
          Nhà Vinh ở thị xã , kinh tế khá giả. Vinh là con một nên được bố mẹ ưu ái. Vinh chỉ chịu khổ khi về Hà nội học đại học. Những ngày ở nhà Vinh có biết cơm độn ngô, khoai, sắn là gì?
Bữa cơm trưa nay, Vinh tranh ngồi đầu nồi đối diện với Vân. Vinh gạt đám khoai sang một bên. Vinh xới bát cơm trắng đưa cho bà.
Vinh xới cho Vinh bát cơm đầy hầu như toàn khoai.
          Bữa cơm thật vui khi Gã lên tiếng:
          - Đấy, em gái tớ đấy ! Ở trường cứ bẻm mép nhận là người yêu. Giờ thì thể hiện đi ?
          Vinh bất ngờ bị Gã phang cho một câu như vậy khiến Vinh đỏ cả mặt.
          Vinh lúng túng đôi phút rồi nói câu độc :
          -Vân có thấy khó chịu khi nghe anh Gã nói anh thế không ?
          Vân không trả lời chỉ cúi đầu cười.
          Vinh chuyển sang nội dung khác:
          - Anh nghĩ Vân nên đi học trung cấp kế toán. Anh giúp được.
          - Em đi học thì ai ở nhà với u em?
          - Học trên tỉnh thì tuần nào chẳng về thăm u được. Nay mai lấy chồng thì sao?
          - Em không lấy chồng xa.
          Gã ngồi nghe Vinh và em gái đối thoại mà buồn cười.
          Bữa cơm xong ba người chỉ nghỉ ngơi mươi phút rồi rủ nhau ra bãi tre ngâm. Gã và Sơn xuống bè tre chọn những cây thật thẳng khênh lên bờ.
          Vinh cởi trần ngồi cưa tre thành những đoạn có kích thước đã chọn. Gã dùng dao, dùng nêm tách những đoạn tre thành nhiều mảnh nhỏ.
          Vừa làm Vinh vừa hỏi Gã:
- Ông anh Gã ơi, tớ thấy em Vân có cảm tình với tớ rồi đấy! Tớ sẽ nói với cụ “khốt” xin cho Vân vào trường trung cấp kế toán trong tỉnh.
- Tớ cũng đồng ý với quan điểm của cậu. Vân mến cậu đấy. Cậu tán gái siêu ra phết ! Sau này cậu phải tăng tốc nhiều hơn. Ở xã này cũng lắm vệ tinh bay quanh Vân đấy- Sơn nói vun vào.
- Tớ lo cho Vân đi học, học xong lo cho về tỉnh, nếu thích gần nhà thì về huyện. Một hai năm sau là xin cưới liền.
Nghe Vinh nói như thánh phán, Gã và Sơn nhìn Vinh cười.
Cái nắng trưa hè miền quê cũng chói chang không kém gì Hà nội.
Ba anh em chúng tôi mồ hôi mồ kê khắp người. Sơn kéo những thanh tre mà Gã đã tách nhỏ vào bóng râm ngồi tuốt lại cho nhẵn. Sơn nhìn thấy Vân từ xa đang tới. Vân xách cho chúng tôi siêu nước.
Gã lên tiếng:
-Vinh ơi, đủ rồi đấy ?
Vinh dừng tay cưa lại tiếp tục dùng dao, dùng nêm tách nốt mấy đoạn tre còn lại. Gã bê số tre vừa tách vào chỗ tôi.
- Nghỉ tay uống nước các anh ơi ?
Vân gọi rõ to rồi rót nước ra mấy chiếc bát sành.
Ba anh em tôi khát nước nên cứ ngửa cổ uống ừng ực. Với tôi thứ nước lá vối này tôi không lạ gì.
- Nước chè gì mà lạ thế em Vân?- Vinh hỏi.
- Cậu không biết nước vối à?
Vinh nhấp đi nhấp lại thứ nước nâu nâu, hăng hăng rồi uống hết bát.
- Vân ơi, thứ chè vối này nhà mình mua ở đâu ? Anh thấy uống ngon ra phết!
Vân cười bảo cây vối nhà trồng. Đến mùa mẹ Vân thường hái lá rồi đem ủ, đêm phơi sương, ngày phơi nắng. Khi lá đã ngả màu nâu thì khô cất vào bồ uống dần. Lá vối uống rất mát gan, tiêu độc.
Nghe Vân nói thế Vinh đưa bát cho Vân rót thêm bát nữa. Cầm bát nước vối trên tay, Vinh cứ giơ lên trước mặt, xoay trái, xoay phải rồi cười, nói :
- Thống nhất đất nước sáu, bảy năm rồi, đến giờ dân ta vẫn phải dùng loại bát sành này ? Đã méo, đã sần sùi lại còn miếng vá nữa ? Khổ thật!
Nghe Vinh nói vậy Vân kêu lên:
- Hàng hợp tác xã phân phối đấy anh. Mỗi nhà chỉ được mua có năm chiếc thôi. Ở xã mình nhiều nhà có trẻ nhỏ nó chẳng làm vỡ nay một chiếc, mai một chiếc, phải dùng thêm bát nhôm đúc đấy.  Xã này có nhà ông Phùng chuyên thu mua nhôm đồng nát về đúc bát, đĩa, xoong nồi, thìa, muôi đấy anh.
Vân trầm tư giây nát rồi nói tiếp:
- Nói gì thì nói, phải phục dân mình. Khó khăn mấy cũng xoay được. Đúng là cái khó ló cái khôn.
Vinh cắt lời Vân:
- Có thế thằng giặc nó mới thua . Thời đánh Pháp mình chỉ có gùi, gánh, xe đạp thồ mà vận chuyển ngàn tấn lương thực, vũ khí lên tận Điện Biên Phủ. Thời đánh Mĩ gian khổ hơn. Anh đọc sách, nghe người lớn tuổi kể chuyện mà cứ như chuyện không tưởng, chuyện trên trời. Đúng là cuộc kháng chiến thần thánh !
          Bỗng Vinh kêu lên:
          - Ờ Sơn quên rồi sao? Hẹn người ta tối thứ bảy đi chơi mà giờ còn ngồi đây ?
          Gã giục Sơn về.
Vân hỏi tôi:
          - Người yêu anh ở đâu?
Sơn cười :
          - Ở xa lắm. Mãi Hà nội.
Vinh nói nước đôi:
- Người yêu anh ấy không ở gần như anh đâu?
          Câu nói của Vinh khiến Vân thật thà hỏi lại :
- Người yêu anh Vinh ở đâu mà gần thế ?
          Vinh không trả lời, cười chỉ tay về phía Gã. Thấy thế Vân quay sang hỏi anh trai.
          Gã nhìn em gái mình không nói chỉ cười. Thấy thế Vân càng hỏi:
          - Có gì bí mật đâu mà  hai anh cứ phải giấu em ?
          - Dốt ạ! Vinh nó nói thế mà không hiểu ! Là cô chứ còn ai ?
          Vân đỏ cả mặt.
          Lúc này Vinh có đủ điều kiện để đặt vấn để chính thức với Vân.
          Sơn và Gã về trước để cho Vinh và Vân ở lại tâm sự.

(Còn tiếp)

PHAN ĐẠT NINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét