Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

VÀNG - THAU - MỘT - THỜI : Tiểu thuyết / Phan Đạt Ninh (Chương 11, 12, 13)



 


 
        Chương 11

        Sơn và Gã được bố trí ở chung một phòng nhỏ hơn hai chục mét vuông trong dãy tập thể những người độc thân.

        Buổi sáng tầm năm rưỡi Sơn và Gã đã dậy. Mất chừng mười lăm  phút thể dục, vệ sinh cá nhân, Gã cắm bếp điện rang cơm, hoặc áp chảo chút bột mì để ăn sáng. Sơn lần đầu nhìn thấy chiếc bếp điện.Nói là bếp điện chứ thực ra  là sợi may so đứt nối nhiều đoạn được nhét vào các rãnh tự cắt đục của viên gạch chịu lửa.
Sáu giờ  cả hai đã gọn gàng trong trang phục bảo hộ lao động xuống bến đợi xe. Tác phong sinh hoạt, làm việc cả hai đã thực sự thay đổi. Thói nề mề trước đây hoàn toàn biến mất để phù hợp trong môi trường công nghiệp.
        Công trường náo nhiệt. Tiếng mìn nổ phá đất đá, tiếng gầm gừ của máy xúc, máy ủi, của xe Ben la, xe gấu, xe bò chở đất, đá suốt .Tất cả cứ liên tục, nối đuôi nhau, dàn hàng ngang làm việc suốt ngày đêm.
        Sáng nay trưởng phòng cử Sơn làm việc cùng chuyên gia Sergey.
        Sergey đã có tuổi nhưng tác phong nhanh nhẹn. Hành trang theo ông khi trên công trường là chiếc cặp da nâu, to. Bên trong lỉnh kỉnh là dụng cụ kìm điện, đồng hồ vạn năng, tuốc lơ vít, đèn bin, linh kiện điện tử, bán dẫn và cuốn cẩm nang kĩ thuật. Sergey là chuyên gia nổi tiếng đã từng làm việc ở nhiều nhà máy như thủy điện lớn trên thế giới.
        Sergey trải bản vẽ  lên phiến đá. Sơn và ông cùng đọc. Sergey hỏi Sơn có biết tiếng Nga không, có biết về cầu trục không? Sơn trả lời cũng biết  khi học ở trường. Sergey hài lòng khi nghe Sơn phân tích các mạch điều khiển trong sơ đồ và chụp lại các mạch điện. Sơn nói  với Sergey “Công trường đang thi công ồ ạt, khi máy móc hay thiết bị gặp sự cố cần phải xử lý nhanh”.  Sergey nghe xong thích lắm. Seirgey nói:
        - Những máy móc gay thiết bị do Sergey quản lý Sergey đều nắm vững các“tật”thường xảy ra. Vì thế Sergey xử lý rất nhanh.
Ngày đầu Sơn đã học được điều lý thú ở người bạn Nga.
        Sáng nay Sergey và Sơn xử lý sự cố ở cầu trục.
        Sơn sử dụng các thiết bị đo khá thành thạo. Tháo lắp, hàn gắn các linh kiện rất nhanh. Công việc này ngày ở trường Sơn đã làm nhiều. Giờ ra công tác Sơn không xa lạ.
        Tầm trưa công việc xong. Chiếc cầu trục chân dê khổng lồ bắt đầu làm việc.
        Nhìn chiếc cầu trục nâng, hạ những cấu kiện hàng lớn Sergey nhìn Sơn bắt tay nhau cười. Sergey kéo Sơn vào chỗ râm mát ngồi uống nước, hút thuốc.
        Không xa là tốp công nhân đường ống đang lắp những đoạn ống có đường kính lớn sáu trăm mi li mét vào với nhau. Chiếc cần trục cặp nách nhấc từng đoạn ống, cánh thợ chia nhau đứng hai bên dùng xà beng bắn bẩy các đầu ống vào vị trí.
Xa hơn cũng là cánh thợ ống đang xảm ống. Những đoan dây gai tẩm nhựa đang được cánh thợ nhồi, nhét, nêm chặt vào đầu nối.  Đây là đường ống dẫn nước.
        Sergey hỏi Sơn :
        - Cánh thợ đầu kia có chuyện gì mà to tiếng thế ?
        Sơn đến gần cánh thợ để nắm tình hình. Khi đã rõ vấn đề Sơn không dám nói thật với Sergey. Sơn nói chệch đi:
        - Họ đang tranh luận với nhau về năng suất lao động.
        Sergey gật gật đầu:
        - Thế thì ở đâu cũng vậy! Ở Liên xô cũng thế! Hay!
        Đây là lần đầu Sơn chứng kiến mâu thuẫn căng thẳng giữa công nhân và cán bộ.
        Cán bộ kĩ thuật nói:
        - Các anh có biết một công nhật là tám giờ đồng hồ không?  Làm chưa đẩy bốn giờ đồng hồ mà các anh đòi tôi kí xác nhận hai công nhật mỗi người, tôi không kí!
        - Chúng tôi không quan tâm việc quy đổi ấy! Chính các ông ra định mức khoán cụm công việc này ngần ấy công là gì? Chúng tôi chỉ biết thế! Chúng tôi làm xong sớm do sáng kiến, do nhiệt tình sao ông lại cắt công chúng tôi? Chúng tôi có cần ông kí tăng đâu? Ông có kí  không thì bảo?
        Cán bộ kĩ thuật quá trẻ chừng hai mươi, hai mốt tuổi là đâm hoảng với cánh thợ đang nổi nóng vì bức xúc, vì thời tiết oi nồng vừa mưa vừa nắng. Cán bộ kĩ thuật tỏ ra luống cuống trước lý luận của cánh thợ.
        Sơn nghe có tiếng thợ dọa:
        - Không kí xác nhận thì nhét cha  ấy vào trong đường ống, bịt lại.
        Cán bộ kĩ thuật liếc mắt nhìn cánh thợ đành chấp nhận cầm bút kí xác nhận.
        Xong việc cánh thợ hò nhau thu dọn đồ nghề, vật tư về. Sơn lân la gợi chuyện:
        - Các anh nghỉ sớm thì chiều nay chơi à?
        - Chơi là thế đếch nào? Về nhà đầy việc ra đấy. Người lên núi trồng sắn, người lấy chuối về cho lợn. Ông nghĩ leo tít lên dãy núi kia dễ lắm hả? Đường dốc, trơn, trượt ngã như chơi, mùa này thì nóng, mùa đông rét buốt thấy bà! Gian khổ lắm! Lại còn muỗi, vắt nữa!
        Chỉ mấy cha nội kia chưa vợ con là sướng thôi. Về tắm rửa xong, cơm canh rau muống xong, ngủ một giấc xong, hai giờ chiều dạy xong, thắng bộ quần áo tươm tất xong, ra xe ngựa xong, đến trường sư phạm tán các em chấm hết!  Còn ông đã vợ con gì chưa? Nếu chưa thì đi cùng cánh họ. Này nhé...trường sư phạm bên thị xã nhiều gái mường xinh lắm! Tuyệt cú mèo!
        Sơn nghe chỉ cười...
        Câu chuyện cãi vã về định mức lao động hôm sau đến tai chỉ huy trưởng công trường. Các phòng chức năng kĩ thuật, lao động tiền lương, kế toán tài vụ, các đội trưởng sản xuất ngồi lại với nhau bàn lại về định mức lao động.
        Tiếng sì xèo lan truyền trong cánh thợ. Rất nhiều quan điểm xuất hiện. Tích cực có, tiêu cực có.
        Cuối cùng chỉ huy trưởng công trường quyết định “Định mức lao động do các anh xây dựng lên. Mới áp dụng mươi ngày đã gây ra nhiều vấn đề, ảnh hưởng tới tinh thần người lao động. Cứ thực hiện đi, sau ba tháng có gì mới điều chỉnh lại!”
        Sơn nhận ra tính phức tạp trong thực tế. Và còn rất nhiều việc nữa sẽ xuất hiện trong thực tiễn.
        Sergey bảo Sơn về nhà nghỉ. Công việc buổi sáng chỉ có thế. Chiều làm tiếp.
        Sơn cuốc bộ đến chỗ Gã.
        Gã nhận công tác ở công trường cơ điện. Thời gian này công trường đang khẩn trương thi công tuyến đường dây cao thế sáu ki lô vôn, lắp đặt các trạm biến thế trên toàn công trình.
        Công việc của Gã thường xuyên phải cơ động, nay chỗ này mai chỗ khác. Những va chạm cũng thường hay xảy ra. Gã lăn lộn trên hiện trường nắng nóng, mưa gió nên mới ít ngày Gã đã đen đi, rất nhanh.
        Lưới điện cao thế trải dài trên diện rộng. Đoạn qua đồng ruộng lầy lội, đoạn qua đồi núi, qua khe, qua suối khiến biện pháp thi công luôn thay đổi.
        Các trạm biến thế di động lúc phải đặt trên những bãi đá, khó cho việc tiếp đất tại chỗ. Lúc đặt ven mép sông khiến Gã và chuyên gia phải linh hoạt xử lý.
        Thế giới thợ thuyền cũng phức tạp. Công nhân có khi vào hùa với đội trưởng phản đối kĩ thuật. Lý do rất đơn giản “Thế là tốt, là an toàn rồi. Làm đi cho kịp tiến độ”.
        Chuyện thi công đầu cáp cao thế hôm nọ. Với cáp hạ thế cứ tách ba đầu cáp ra là đấu nối được. Cánh thợ điện làm thế quen như thế. Trường hợp cáp cao thế phải làm thêm công đoạn gọt hết lớp cao su bên ngoài từng pha rồi quấn băng dính cách điện mới được đấu. Tiến độ thi công gấp rút, cánh thợ không làm như vậy. Gã không cho làm. Cánh thợ khăng khăng bảo thế là được, nói Gã máy móc.
        Thế là Gã và đội trưởng khẩu chiến. Gã nổi giận không cho làm. Đội trưởng lấy quyền quyết định “ Ở đây tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất, cứ làm đi!” Đội trưởng ra lệnh đóng điện, một tia lửa lớn chớp lên phá hủy toàn bộ đường cáp và tủ điện.
Toàn bộ khu vực đang thi công mất điện. Mươi phút sau xe chở chuyên gia, chở lãnh đạo công trường đến. Phiên dịch lấy nhật kí công tác cho đoàn xem, lập tức đội trưởng bị cách chức. Gã được chỉ định quyền đội trưởng.
        Gã kể Sơn nghe nhiều chuyện vi phạm kĩ thuật, vi phạm an toàn lao động xuất xuất hiện hàng ngày trên công trường.


        Chương 12

        Ngày nghỉ chủ nhật Sơn và Gã rủ nhau đến Liên trạm cơ giới. Nơi có đội xe tải trọng và máy xúc, máy ủi lớn. Đây là một trong những  át chủ bài trong việc san gạt, vận chuyển khối lượng đất đá lớn trên công trình.
        Ở đây Sơn và Gã có thêm nhiều bạn Nga mới:
        Andrey: kĩ sư máy động lực.
        Boris: kĩ sư điện.
        Victor: thợ sửa chữa máy động lực
        Những tên tuổi này đã làm việc từ đầu trên công trình, có nhiều thành tích hướng dẫn, kèm cặp, đào tạo công nhân trẻ Việt nam.
        Các bạn Nga rủ Sơn và Gã đi chợ thị xã. Đường sang chợ phải đi qua chiếc cầu phao bắc ngang sông Đà. Trông thấy các bạn Nga khoác bị cói đi chợ, tốp công nhân Việt nam làm việc trên cầu bắt chuyện nói cười vui vẻ. Thôi thì tiếng Việt, tiếng Nga thỏa sức tung ra. Nghe họ nói chuyện Sơn và Gã vui ra mặt. Bởi Sơn và Gã vốn tiếng Nga cũng khá.
        Công trình thủy điện có hàng ngàn công nhân Việt nam học tập ở Liên xô về nên họ giỏi tiếng Nga. Họ có thể chủ động trao đổi công việc, thậm chí tán gẫu với các chuyên gia. Sơn biết có lần cánh công nhân Việt nam vác rượu mời bạn “Rượu ngâm rắn đấy! Tốt cho sức khỏe lắm”. Bạn cười rồi nhặt đoạn dây cuộn lại một đầu nói đầu rắn, đầu kia là đuôi, bạn khuấy trong chai bảo đấy là rượu rắn...Cả đám bò ra cười...
        Phiên chợ chính Hòa Bình đông người mua, người bán. Những nông phẩm của bà con làm ra như rau, củ, quả bày bán la liệt. Nhiều  phụ nữ Mường, Mán trong bản gần, bản xa đem măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong xuống bán. Các bạn Nga rất thích chụp ảnh với phụ nữ dân tộc trang phục thổ cẩm lung linh sắc màu.Tôi sắp xếp, dàn cảnh, bấm máy.
        Tầm trưa chợ tan. Sơ và Gã kéo bạn vào cửa hàng giải khát. Sơn gọi cà phê chiêu đãi. Các bạn tròn mắt khi thấy cà phê bán kèm thuốc lá. Sơn  giải thích thuốc lá không đủ bán nên phải bán kèm cà phê. Bốn cốc cà phê được mua một bao thuốc. Các bạn chau mày, lắc đầu, cười. (Cũng tình cờ có buổi này Sơn được bạn Nga mỗi tháng mua hộ một tút thuốc lá Nga.)
        Phía đập chính, trên núi cao, tiếng mìn nổ phá đá thỉnh thoảng vang lên. Những đụn khói trắng, khói đen, khói nâu bay lên vần vũ một khoảng không. Những chiếc xe tải chở đất đá, máy xúc, máy ủi vẫn cặm cụi làm việc, tiếng máy ì ầm.
        Phía hạ lưu hai chiếc tàu hút  “ Mười chín tháng năm” và “Hai hai tháng tư” mang ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày sinh Lê nin đang làm việc.
        Sơn hình dung ra hai con rồng khổng lồ đang rúc đầu xuống lòng sông Đà hút cát.
        Hệ thống đường ống dẫn cát và nước có đường kính trên sáu trăm mi li mét nổi trên các phao đỡ thỉnh thoảng lại chao đảo trên mặt sông, tiếng cát sỏi chạy trong đường ống nghe lanh canh. Nếu tính cả đoạn ống đặt trên bờ thì toàn tuyến chắc dài đến năm, sáu trăm mét.
        Boris nói:
        - Hôm trước hút cát trật ra quả bom hai trăm năm mươi bảng Anh nằm xiên trong lòng đất ở độ sâu ba mét. Hôm ấy bom nổ thì tất cả cánh chuyên gia Liên xô và công nhân Việt nam trên tàu chầu trời hết!
        Sơn nói:
        - Thời ấy nơi đây là trận địa pháo cao xạ, trận địa tên lửa  bảo vệ Hà nội. Thời chiến tranh nhiều chuyên gia quân sự Liên xô sang giúp Việt nam đánh Mỹ.
        - Bây giờ thế hệ chúng tôi sang Việt nam sát cánh cùng các bạn xây dựng công trình thủy điện lớn nhất đông nam á. Công trình này khi xong sẽ cung cấp một sản lượng điện lớn cho đất nước các bạn phát triển.
        Sơn và Gã chìa tay nắm lấy bàn tay các bạn Liên xô, những người bạn đang lăn lộn cùng với hàng vạn người Việt nam lao động trên công trình.
        Boris kéo Sơn và Gã xuống thăm tàu hút 19 tháng 5. Hôm nay không phải ca làm việc của mình, chuyên gia khác vẫn làm việc bình thường. Trong gian máy tốp thợ cơ khí Việt nam và chuyên gia mồ hôi đẫm lưng đang hì hục tháo bánh xe công tác mòn vẹt trong bầu máy để thay bánh xe công tác mới. Phía cuối tàu chuyên gia “Đầu rắn”(Cánh thợ Việt gọi Victor) đang cắm cúi hàn những bậc thang cuối cùng để hạ xuống phía  mõm hút cho cánh thợ xuống gỡ đoạn gỗ lớn đang mắc kẹt. Victor nói:
        - Mỗi lần mắc gỗ lớn tàu rung gớm lắm. Nếu khúc gỗ nhỏ  thì qua được. Khúc lớn làm kẹt cánh bơm phải dừng máy để gỡ. Lòng hồ sông Đà rất nhiều thứ dễ kẹt, ngoài những lõi gỗ rắn như sắt thép chìm dưới bùn hàng chục năm còn có cả những giá đạn, khí tài quân sự thời kháng chiến đánh Pháp của các bạn.
        Nắng lên gần đỉnh đầu.
        Sơn và Gã chia tay các bạn Nga, hai người đến khu tập thể gia đình cán bộ công nhân viên khối cơ quan thăm sếp trưởng phòng.
        Sếp là kĩ sư chính bậc bốn. Trên công trình thủy điện này người có bậc kĩ sư như sếp ít lắm. Sếp cũng từng xây dựng thủy điện Thác Bà ngay thừ ngày đầu.
        Thấy Sơn sếp chìa tay bắt, cười nói:
        - Ngày nghỉ tớ bầy việc cho vui. Các cậu ở đây lát nữa thưởng thức món  bánh dày bằng sắn.
        Sơn ngẩn người khi nghe sếp nói bánh dày bằng sắn.
        Cậu con trai năm tuổi của sếp ngồi cạnh sếp chờ để ăn. Sếp thì thụp giã những khúc sắn đã luộc chín trong chiếc cối sắt làm từ một đoạn ống nước.  Sơn hỏi sếp:
        - Sao anh không làm bằng gạo nếp?
        Sếp cười trả lời:
        - Có gạo nếp thì nói làm gì?
        Những khúc sắn nhuyễn dần dính chặt vào đầu chày mỗi khi nhắc lên. Sếp dùng tay gỡ xuống rồi tiếp tục giã.
        Cậu con trai sếp dường như nóng ruột đòi ăn nên cứ mè nheo, thấp thỏm. Sếp cố giã thêm vài chục chày nữa...
        Sếp nhúng mấy đầu ngón tay vào đĩa mỡ rồi véo từng cục bột nhỏ ra nặn. Sếp cười đưa cho cậu con trai chiếc bánh.
        - Bánh ngon cực kì đấy? Bố đoán Chung phải ăn ba bốn chiếc?
        Một bé gái hàng xóm  sang chơi thấy bánh chìa tay xin. Sếp đưa bánh cho bé.
        Cậu con trai sếp ăn vài miếng rồi  lắc đầu trả lại bố chiếc bánh. Nó nói:
        - Bánh ứ ngon! Trả lại bố!
        Nói rồi thằng bé ném chiếc bánh ăn dở vào đĩa.
        Sơn chạnh lòng...
        Sếp ngước mắt nhìn nó với vẻ mặt không vui. Sếp hỏi bé gái:
        - Bánh ngon không cháu?
        - Ngon ạ!
        - Thấy chưa? Em nó bé hơn còn khen ngon, anh Chung không biết ăn thì có!
        Bé gái bỗng rùng mình rồi lắc đầu trả lại sếp chiếc bánh.
        Bé Chung kéo tay bé gái chạy đi. Sếp cố nặn nốt chỗ bột thành bánh rồi bưng lên bàn.
        - Thưởng thức đi hai cậu!
        - Ăn cũng được đấy anh?- Sơn khen.
        - Cậu khen động viên tớ thì có. Tớ đang cố nuốt đấy. Để tớ hỏi vợ xem có còn dầu mỡ để tớ đem đi rán.
        - Hết rồi anh! Còn một tí mỡ vét nốt cho anh xoa tay rồi.
        Nghe vợ nói thế sếp cười...
        Sơn và Gã chỉ đến thăm sếp chừng tiếng đồng hồ rồi đi. Sơn biết ngày chủ nhật sếp và mọi gia đình ở đây rất bận. Nhiều người gánh phân lợn đi tưới rau. Người cầm dao đi cắt rau lợn. Người hùng hục vác chuối cây mới lấy trên núi cao về. Người xách chài lưới ra sông bắt cá.
        Sếp thấy Sơn có ý về, sếp nói:
        - Tối đến chơi, tớ đàn cho nghe sáng tác mới của tớ về thủy điện nhé. Ca khúc này hay lắm!


        Chương 13

        Thời gian nghỉ ngơi trên công trình thật quá ít. Mười một giờ ba mươi phút mới hết giờ làm việc buổi sáng. Sơn về nhà vệ sinh qua
        loa là xuống nhà ăn. Nhà ăn khá đông, Sơn lấy phần ăn của mình ra một góc bàn ngồi. Sơn cố gắng nhai hết mấy cục bột mì luộc. Bát cơm duy nhất Sơn ăn sau cùng với vài miếng thịt rang mặn. Sơn húp chút canh rau rồi về.
        Sơn vừa chớp mắt đã nghe thấy tiếng kẻng vang lên báo giờ làm việc. Đội chiếc mũ bảo hộ lên đầu Sơn ra bến xe.
        Ngày ngăn sông đợt một đến gần. Tờ lịch khổng lồ dựng bên đường ngày một rút ngắn lại như báo với mọi người. Chiều nay Sơn đến chỗ đơn vị Gã theo dõi tiến độ thi công.
        Đơn vị của Gã đang dựng cột tuyến điện sáu ki lô vôn băng qua cánh đồng ngập nước. Chiếc cột bê tông cuối cùng nằm chềnh hềnh trên hai chiếc xe cải tiến bằng sắt nặng nề bò, lăn, sục trong bùn nước. Sợ dây tời bằng thép căng như dây đàn. Bốn công nhân tay lăm lăm  xà beng sẵn sàng bẩy, bắn mỗi khi chiếc cột rời vị trí tâm xe.
        Sau mỗi tiếng hô của Gã, chiếc xe lại nhích một đoạn. Cứ thế nhích dần từng đoạn.
        Trần Tú tổ trưởng thấy Sơn giơ tay chào. Anh nói to:
        - Chiều nay chú Sơn làm ở đây à?
        - Vâng! Sếp cử em xuống xem các anh có ý kiến gì không trong quá trình thi công?
        - Thế à, có đấy! Chú nói sếp chú có ý kiến với sếp dưới này rộng tay kí thêm công cho anh em. Thi công nơi đồng nước thế này khó khăn lắm. Phát sinh phát tử nhiều lắm. Nhất là công đoạn đào móng và dựng cột. Mỗi lần trèo lên, trèo xuống đất cứ lở ùm ùm. Lại xúc, lại vét đất, lại đóng cọc, lại be bờ.
        Ngày mai chú có đến nữa không?
        - Không! Mai em đi mấy tiểu khu xem tiến độ xây lắp các trạm.
        - Thế hả! Mai chú xuống tiểu khu một thì kí xác nhận khối công việc trạm biến áp cho tớ nhé ? Không biết có đóng điện kịp cho ngày ngăn sông không? Mất ăn mất ngủ vì tiến độ ! Nào Tây ép! Nào ta ép! Phờ hết cả người. Sau đợt ngăn sông này tớ phải xin nghỉ hai phép về nhà. Gần ba năm rồi chưa về thăm vợ ! Cứ đà này vợ nó bỏ thôi...
        Cái nắng quái chiều hôm thật khiếp. Hơi nóng bốc lên nhìn thấy được. Nhiệt độ ngoài chắc trên bốn chục độ.
        Có tiếng con gái phía sau lưng Sơn.
        - Nghỉ tay uống nước anh ơi?
        Cô gái trút hai thùng nước gạo rang vào chiếc thùng lớn đặt bên đường. Cô gái bịt khăn kín mặt chỉ để hở hai con mắt. Sơn dừng tay hỏi chuyện:
        - Mỗi ca em gánh bao nhiêu chuyến lên công trình?
        - Em không nhớ. Kiểm tra thấy điểm nào sắp hết nước là em gánh lên bổ sung.
        - Vậy hả!
        Mươi phút sau Sơn xử lý xong sự cố. Sơn vẫy tay gọi chàng trai lái máy xúc lại. Chàng trai nhảy lên vận hành. Máy lục cục xúc những tảng đá lớn vào gầu rồi quay vòng đổ xuống thùng chiếc xe Ben La đứng bên.
        Sơn đến va gông trực ca ngồi nghỉ. Đây là chỗ trục sửa chữa của cánh thợ trên công trình. Ơ đây chủ yếu là thợ cơ khí và thợ điện.
        Thấy Sơn đến hai cậu thợ gọi vào uống trà.
        - Ông anh là kĩ sư mà cũng lăn lộn hiện trường ghê!
        - Hai anh thợ bậc mấy rồi? Lương tháng bao nhiêu?
        Hai người như tranh nhau nói:
        - Bọn tôi học Liên xô về. Liên xô xếp bọn tôi thợ bậc sáu. Chẳng hiểu sao về nước các cha nhà mình chỉ xếp có bậc ba?
        Sơn nói:
        - Người ta làm thế có lý của người ta. Các anh có biết ở ta yêu cầu thợ bậc sáu phải có trình độ thế nào không? Các anh đã xem tiêu chuẩn bậc thợ chưa?
        - Ừ thì tiêu chuẩn. Nhưng ít ra cũng phải xếp tụi tôi bậc bốn.
Chuyện ấy tôi không biết. Nhưng giờ cho các anh làm công việc của thợ bậc bốn các anh có làm được không?
        Nghe tôi giải thích hai cậu thợ chỉ cười. Tôi biết cái cười của họ đã chịu sự giải thích của tôi.
        - Anh là kĩ sư không ngồi trên phòng mà cứ đi hiện trường thế này?
        - Tôi mới ra trường nên cần xuống thực tế làm hiểu biết thêm. À, hai anh chưa nói lương mỗi tháng bao nhiêu đấy?
        - Lương hả? Ngày đầu cánh lao động tiền lương tính bọn tôi lương công nhật. Tụi tôi không chịu. Tụi tôi làm ầm lên đòi trả theo năng suất chung. Cánh tiền lương không chịu. Họ giải thích: Các anh chỉ phải làm khi máy có sự cố, còn là ngồi không có gì đâu? Chúng tôi không thèm nói với cánh lao động tiền lương, chúng tôi lên thẳng giám đốc.
        - Giám đốc giải quyết sao?
        - Giám đốc gọi cánh lao động tiền lương lên giải thích “Nếu thợ trực sửa chữa mà phải làm việc luôn tay thì khác gì máy hỏng”.Giám đốc cho chúng tôi hưởng lương theo năng suất. Ông chỉ yêu cầu thêm ngoài giờ máy sự cố chúng tôi nên tham gia làm cùng anh em  những việc có thể làm.
        - Mỗi tháng các anh được bao nhiêu tiền lương?
        - Có tháng gần một trăm, có tháng hơn một trăm đồng.
        - Lương các anh cao hơn lương tôi nhiều đấy!
        - Nhiều hơn là bao nhiêu?
- Gấp rưỡi đấy!
        - Các anh đã là kĩ sư, bọn tôi cu li cu lít.
        Sơn bật cười nghe cậu thợ điện nói thế.
        - Lương thực các cậu hai mươi cân, thịt các cậu một cân hai, và nhiều thứ khác đi kèm nữa. Bọn tôi lương thực mười lăm cân, thịt sáu lạng, vân vân...Thế chẳng kém các cậu à?
        - Tụi tôi ăn no vác nặng anh?
        - Cũng công bằng cả thôi- Sơn kết luận.
        - Thợ trực ơi? Ra cắt điện chuyển chỗ làm việc nào?
        - Ra đấu hộ máy hàn nào?
        - Đấy, anh thấy chưa? Công việc lắt nhắt lắm.
        Họ xách dụng cụ đi làm. Sơn cũng đi.
        Mặt trời đã ngả về phía núi. Sơn đến chỗ Gã làm việc.
        Sơn không nhận ra đâu là Gã, đâu là anh em nữa. Mấy chục người quần áo, mặt mũi đều lấm lem bùn đất trên cánh đồng lội. Chiếc tời nặng nề quay từng vòng rít lên kèn kẹt. Sợi dây cáp mỗi lúc một ngắn lại. Chiếc cột bê tông như cao như người khổng lồ bị nhấc đầu  dần lên khỏi xe.
        - Quay!
        - Đều tay!
        Tám thanh niên choãi chân quay tời. Chiếc cột đứng thẳng dần vào vị trí.
        - Thôi! Tất cả khóa dây lại ! Nhóm đổ bê tông chuẩn bị đổ!
        Sơn tháo giầy tất, đeo đôi găng tay xuống tham gia cùng anh em.
        Phía xa chỉ huy trưởng công trường đang đến. Chiếc xe u oát của ông đỗ bên đường. Ông xắn quần lội ruộng đến với anh em.
Ông chống tay ngang thắt lưng nhìn đạo quân của ông đang hối hả đẩy công việc về dần tới đích.
        Ông tuyên bố:
        -  Đợt thi đua chín mươi ngày đêm chắc chắn vượt kế hoạch một tuần. Anh chị em làm việc rất tốt. Cố gắng xong cột cuối cùng này rồi nghỉ.
        Tối nay chỉ huy trưởng công trường chiêu đãi toàn đội.
        Ông vừa tuyên bố xong cả đội reo lên:
        - Cám ơn thủ trưởng! Thủ trưởng chiêu đãi anh em món gì ạ?
        - Món gì cũng không bằng thủ trưởng cho em nghỉ phép về thăm vợ vài ngày! Nhớ quá rồi!
        - Xong chiến dịch mới cho nghỉ! Còn món gì ư ? Công trường hôm nay chiêu đãi bia. Hôm nay đến lượt công trường được cấp bia. Mọi người thả ga uống!


(Còn tiếp)
PHAN ĐẠT NINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét