Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

VÀNG - THAU - MỘT - THỜI : Tiểu thuyết / Phan Đạt Ninh (Chương 22, 23,24,25 hết)



 


        Chương 22

        Thời gian lặng lẽ trôi.
        Bộ ba Sơn, Gã, Vinh bốn mươi năm rồi họ mới gặp lại nhau. Vinh với Gã thì không nói làm gì bởi họ đã là một nhà. Chỉ có Sơn là biền biệt mấy chục năm.

Năm 2016 Hội người cao tuổi các tỉnh đi tham quan công trình thủy điện Hòa Bình, tình cờ lần ấy họ gặp lại nhau.
Với Vinh thì không có chút kỉ niệm gì với công trình này. Bởi từ ngày ra trường Vinh chỉ có loanh quanh trong tỉnh. Còn Sơn và Gã là người đã gắn bó với công trình này một thời gian, nhất lại là Vinh  nhiều năm nhất.
Ba mái đầu tóc đã bạc, đã thưa thớt xin phép tách khỏi đoàn để đi đến những nơi mà mấy chục năm trước họ đã từng làm việc.
Đứng trên đập nhìn lên phía thượng nguồn là biển nước mênh mông. Nhìn phía hạ lưu nước qua cửa xả tràn chảy xiết cuộn tung lên như núi bông mờ mịt.
Ông Vinh nói to:
        - Ông Gã tham gia công trình này có gần ba năm thôi nhỉ? Ngày đó chắc còn ngổn ngang lắm.
- Đúng rồi! Dạo ấy tôi đang thi công tuyến đường dây sáu ki lô vôn.Tuyến đường điện này đây. Thi công xong là có quyết định của Bộ đi làm đường dây năm trăm ki lô vôn.
- Ông Sơn tham gia bao nhiêu năm ?
- Hai mươi tư năm.
- Không phải đến khi nghỉ hưu à ? Tôi làm ở đây đến tháng tư năm một ngàn chín trăm chín mươi tư, khi tổ máy số tám phát điện hòa lưới quốc gia thì chuyển đi nơi khác.
- Đi đâu?
- Đi thủy điện Yaly.
- Lại thủy điện?
- Ờ! Năm ấy tôi ba mươi tám tuổi, cái tuổi đang sung mãn.
- Thế lúc ấy vợ con ông ở đâu?
- Tôi đi đâu vợ con theo đấy! Lúc rời Yaly tôi cũng ngũ tuần rồi, sức khỏe yếu do bệnh phổi, các ông trên Bộ thương tôi tạo điều kiện cho tôi cắm dùi một chỗ. Tôi về Hà nội làm chân giáo viên ở trường trung cấp điện. Tôi ở đấy cho đến khi nghỉ hưu. Mai về Hà nội các ông vào nhà tôi chơi.
- Bà xã ông người ở đâu? Hai người con cháu ra sao, tốt đẹp cả chứ?
- Bà xã là em gái Dung kiến trúc sư thủy điện Hòa Bình, ông Gã biết đấy?
Ông Gã ngửa cổ lên giời nheo nheo đôi mắt cố nghĩ:
- Dung nào nhỉ?
- Cái bố này! Dung có chồng là giáo viên đại học đấy thôi?
Ông Gã lắc đầu:
- Chịu! Lâu quá rồi không tài nào nhớ nổi.
- Ông Gã, ông Vinh được mấy cháu?
- Chắc cũng như  ông thôi! Mô hình hai con mà.
Nghe xong Ông Vinh gật đầu:
- Con cái bây giờ chúng nó khác mình ngày xưa nhiều lắm!
Thời các ông và tôi đi làm là để xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời chúng nó bây giờ là để kiếm tiền, càng nhiều tiền càng tốt. Ngồi nói chuyện với chúng nó mà cứ như mâu thuẫn, mâu thuẫn đối kháng. Nghe chúng nó nói chuyện với nhau mà lộn ruột. Mà toàn thạc sĩ, tiến sĩ cả, không thấy đứa nào mở miệng ra nói đến câu xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội cả !
- Đúng như ông Sơn nói. Chúng nó toàn làm ở viên nọ viện kia thu nhập thấp là bỏ ráo ra làm với công ty nước ngoài. Tiền lương tính bằng đô chứ không đồng đâu? Con tôi hai đứa thế đó!
Gã lên tiếng:
- Thời tụi trẻ bây giờ khác với thời anh em mình. Khác hoàn toàn. Không giống một chút nào! Hai đứa con tôi nó nói thẳng với tôi: “Bây giờ chỉ có người không có năng lực, không phát triển được mới chịu làm trong nhà nước, trừ lũ con ông cháu cha ngồi hết ghế lãnh đạo chỉ tay năm ngón. Chính nó còn ai nữa, nó đang học tiến sĩ mà dưới quyền đứa kém, đứa dốt lương cao gấp ba bốn lần lương nó lại còn ăn phết phẩy, bổng lộc cho nên nó bỏ sang công ty nước ngoài làm.”. Đấy hai ông thấy không? Chúng nó suy nghĩ hành động thế. Chúng nó không nhìn thấy nhiều người không bằng chúng nó đang phơi mặt ra đường kiếm tiền ư ?
Thôi chuyện con cái về Hà nội nói, dài lắm, mất thời gian lắm. Bây giờ ta chiêm ngưỡng cảnh nhà máy đi.
Nói rồi ông Gã im lặng.
Sơn dẫn chuyện:
- Công trình thế kỉ này phải mất mười lăm năm mới làm xong. Tôi nói cho hai ông nghe từng giai đoạn của nó:
+Ngày 6 tháng 11 năm 1979 khởi công.
+Ngày 12 tháng 1 năm 1983 ngăn sông Đà đợt 1.
+Ngày 9 tháng 1 năm 1986 ngăn sông Đà đợt 2.
+Ngày 30 tháng 12 năm 1988 tổ máy số 1 hòa điện lưới quốc gia.
+Ngày 4 tháng 4 năm 1994 tổ máy số 8 hòa điện lưới quốc gia
+ Ngày 20 tháng 12 năm 1994 khánh thành nhà máy.
Tổn thất về người:
+ 11 chuyên gia Liên xô hi sinh
+157 cán bộ công nhân Việt nam hi sinh.
Tôi không được trực tiếp nghe nhưng được nghe lại lời ông Tổng chuyên gia Liên xô Ba ga chen ko nói khi ông tận mắt chứng kiến vụ đá sập trong hầm khiến ba chuyên gia và công nhân Việt nam thiệt mạng. Ông giụi mắt nói “Chúng ta đang làm một trận đánh, không có trận thắng nào không phải đánh đổi bằng xương máu”
Năm tháng thi công căng thẳng lắm. Mỗi khi tiến độ thi công chậm lại bởi rất nhiều lí do, vẫn lời ông Tổng chuyên gia Liên xô “ Các anh ngủ gật à? Tiến độ chậm như rùa! Hãy nhớ rằng điện là máu của nền kinh tế”
Còn ông phó tổng chuyên gia Liên xô viết trong hồi kí “ Thủy điện Hòa Bình được xây dựng trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn”
- Đúng! Đúng ! Ông Sơn ngắt lời: Thời ấy khổ thật !
Ông Gã cười hà hà:
- Cái ông em rể này già rồi mà vẫn không đổi tính? Chẳng lẽ hồi kí người ta viết không đúng à? Thôi ông Sơn nói tiếp! Về hưu rồi ông viết văn đi? Ông nhớ nhiều thật đấy!
Ông Sơn nói tiếp:
-  Ông Tổng giám đốc Việt nam công trình thủy điện ngày ấy  đọc bức thơ gửi cho hậu thế bằng tiếng Việt, ông ấy bây giờ cũng già lắm. Tôi nghĩ ông ấy cũng ngót nghét tám chục tuổi rồi. Còn ông  Bí thư đảng ủy đoàn chuyên gia Liên Xô đọc tiếng Nga. Bức thư ấy để trong khối bê tông đặt trong sân nhà truyền thống thủy điện Hòa Bình. Lá thư này đến năm 2100 mới mở.
- Nội dung thư viết gì? Ông Vinh lại láu táu hỏi.
Ông Sơn hắng giọng rồi nói như đọc vắn tắt:
- “Thế hệ chúng tôi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, nhưng chúng tôi vẫn chắt chiu của cải và sức lực quyết tâm xây dựng thành công thủy điện Hòa Bình - công trình lớn nhất Đông Nam Á, biểu tượng tốt đẹp của tình hữu nghị Việt - Xô cho đời đời con cháu mai sau”
Nghe ông Sơn đọc xong, ông Vinh thở dài sườn sượt rồi nói:
- Năm 2100 khi đó anh em mình đang du hí mãi tận đẩu đâu rồi đấy!
Nói đến đây ông Vinh thay đổi nét mặt. Ông nghiêm mặt nói tiếp:
- Nghiêm thật ! Nghiêm thật! Công trình vĩ đại như vậy, kéo dài tới mười lăm năm, không biết bao nhiêu là tiền của đổ vào đấy mà có ai tham ô, tham nhũng, ăn cắp đâu? Đúng là một thời vàng son. Ừ thì có tranh cãi trong cuộc sống nhưng là để đi đến chân lý, đến thống nhất. Tôi nói hộ hai ông, thật tự hào về thế hệ chúng ta. Còn bây giờ ư ? Khiếp quá! Tham ô, tham nhũng, ăn cắp tràn lan. Theo dõi trên truyền thông đại chúng mà khiếp, hàng ngàn ngàn tỉ đồng thất thoát, chảy vào túi quan chức tham ô, tham nhũng. Dân tình kêu giời, kêu đất!

        Chương 23

        Ba ông tách đoàn ở lại thêm Hòa Bình mấy ngày để la cà hết những nơi mà ông Sơn, ông Gã đã từng sống và làm việc. Thời gian đã xóa đi hầu hết những gì của ngày trước. Ba ông tối hôm nay bách bộ từ nhà nghỉ ra cầu hóng gió. Chiếc cầu bê tông bắc ngang qua sông Đà nối liền hai bờ lại.
Ông Gã chỉ tay về phía thượng lưu nói:
- Thời tớ ở đây phải đi cầu phao. Ông đội trưởng cầu ấy giờ không biết ở đâu? Tớ đã từng bắt tay ông ấy khi nhịp cuối cùng nối vào với nhau. Hàng trăm người ùa xuống đi lại ngược xuôi trên cầu. Ờ...ông Đoàn. Tớ cũng chứng kiến cơn lũ lịch sử đã bẻ gãy đã đẩy trôi từng đoạn phao về tận sông Hồng khiến tướng, quân nhà ông Việt, ông Tám mất ăn, mất ngủ theo tàu kéo về tận ngã ba sông Hồng dìu kéo về.
Tớ còn dự đám cưới của một công nhân cầu phao lấy cô giáo hiệu trưởng trường mẫu giáo. Và chứng kiến ngày cô ấy sinh đứa con đầu lòng mới hai ngày tuổi thì cô ấy băng huyết chết. Đứa bé hai ngày tuổi ấy được các bà, các mẹ bế về cho bú mớm khi bố nó chưa biết đang mải mê công việc ngoài cầu phao. Đứa bé ấy bằng con lớn nhà mình.
Sáng hôm sau ba người lên xe khách về Hà nội. Ông Sơn gọi điện cho vợ:
- Mình à! Nhà mình có khách nhé!  Tôi có hai người bạn từ thuở thanh xuân nay gặp nhau trên Hòa Bình. Bà chuẩn bị cơm nước trưa nay cho chúng tôi nhé. Chú ý mấy món để anh em chúng tôi uống rượu.
Ông Gã nói:
- Hay thật đấy! Đúng là “ Trời còn để có hôm nay”
- Quả đất tròn mà. Cái ngày tôi lấy vợ ba anh em mình gặp nhau rồi sau đấy là biết bao công việc như núi lôi cuốn. Mình cứ chúi đầu, chúi mũi vào công việc không còn nghĩ được gì khác. Mà khổ nỗi cái thời ấy đã làm gì có điện thoại như vây giờ mà thông tin liên lạc.
Về đến cầu Đuống ông Sơn kêu lái xe cho xuống. Cánh lái xe ôm từ xa chạy xe xúm lại mời chào:
- Ba bố ơi để tụi con chở!
-  Cám ơn! Bố về đến nhà rồi. Để các bố đi bộ vài trăm mét cho khỏe chân. Ngồi xe mấy tiếng đồng hồ tê dại cả người.
Nhà ông Sơn và nhà ông Gã thực ra cũng không cách xa nhau lắm. Người bên này cầu, người bên kia cầu cách nhau dăm cây số mà mấy chục năm qua đi không ai biết.
        Về đến đầu ngõ ông Sơn đã nhìn thấy vợ đứng trước cổng đón.
- Bà xã đấy hả?
- Vâng, bà nhà tôi đấy!
Ông Sơn thấy vợ chạy lai. Ông nói:
- Bà có nhận ra ai một trong hai vị khách này không?
Vợ ông Sơn cúi đầu chào rồi mới nói:
- Để tôi từ từ nhớ lại đã...
Bà không tài nào nhớ nổi. Bà lắc đầu. Ông Sơn bật mí:
- Thời trên thủy điện Hòa Bình bà hay lên chơi với chị Dung, bà có nhớ tôi hay chơi thân với ai không? Người ở cùng phòng với tôi đấy?
        - Trời ơi...Thế thì tôi nhớ rồi... Anh Gã chứ gì? Trời đất ơi, mới thế mà đã mấy chục năm ! Sao anh già... già... thế!
Ông Gã cười nói:
- Bà giỏi lắm! Chúng tôi không già mới lạ.
- Đây là ông Vinh. Người ở cùng phòng ba anh em thời sinh viên.
- Quý hóa quá! Em chào anh! Hai anh để em xách túi cho...
Ông Gã, ông Vinh đưa cho bà hai túi măng.
- Mình này! Mình gọi điện cho hai anh em nó về ăn cơm trưa nhé! Bảo bố gọi.
- Hai anh ra bể rửa tay chân. Em ra hiệu mua thêm chút gì về để  các anh uống rượu.
Mười hai giờ trưa hai đứa con ông Sơn đi ô tô về.
- Con chào hai bác!
- Chào hai cháu! Cơ quan có gần đây không cháu?
- Dạ, bên Hà nội ạ. Mẹ cháu nói hai bác là bạn học thời sinh viên với bố cháu. Chúng cháu mừng lắm! Tranh thủ về thăm hai bác. Hai bác có khỏe không ạ?
- Các bác khỏe. Thế vợ hai cháu làm việc ở đâu không về ?
- Dạ, cũng bên Hà nội ạ. Tối vợ cháu mới về.
- Anh cả ở đây còn anh thứ nhà ở đâu?
- Cháu bên Hà nội.
- Nhà bố mẹ mua hay anh tự mua?
- Bố mẹ cháu “ Bôn”lắm, tiền đâu có, cháu tự mua.
- Giỏi đấy! Mua được nhà, mua được ô tô, con học trường quốc tế , giỏi quá thật!
Bà vợ ông Sơn dọn cơm xong chạy vội lên nhà xoa tay rối rít:
- Cơm canh xong rồi, bố mời hai bác ra ăn cho nóng.
- Mời hai ông. Anh trưởng rót rượu nào.
Anh trưởng của ông Sơn cẩn thận mở chai rượu ngoại.
Ông Sơn nhắc ly rượu trên tay, ông đọc câu thơ kiều:
- Trời còn để có hôm nay ...
Nghe ông Sơn đọc câu thơ trong truyện Kiều, ông Gã và ông Vinh cùng cười, cùng nâng ly. Ông Gã nói:
- Mừng cuộc hội ngộ, chúc sức khỏe ông bà, chúc sức khỏe con  cháu.
Bà Sơn ,ông Sơn thay nhau gắp thức ăn cho ông Gã, ông Vinh.
Chừng nửa bữa, ông Gã cầm chai rượu còn non nửa lên hỏi:
- Chai này giá thị trường bao nhiêu tiền hả con?
Anh trưởng nhà ông Sơn chỉ cười không trả lời. Thấy vậy anh thứ lên tiếng:
- Rẻ thôi bác. Bác thử đoán xem bao nhiêu tiền?
- Bác chịu!
Lúc này anh thứ nói:
- Chai này có giá mua được một trăm con gà hơn cân đấy bác.
Ông Gã không tin vào tai mình. Ông hỏi lại:
- Một trăm con hả cháu?
- Vâng ạ !
Ông Gã giờ mới tin. Ông ngồi thừ người ra như nhẩm tính.
Ông Vinh cười nói:
- Tết vừa rồi nhà tôi cũng có chai rượu như thế này thằng rể tương lai biếu. Tôi vẫn để trong tủ. Ngày mai lên nhà tôi khui ra anh em mình uống.
Ông Gã nói:
- Như vậy bữa ăn này chỉ có sáu người mà xơi hơn một trăm con gà ác nhỉ ? Chia ra mỗi người chén hai chục con...
Ông Vinh này... ông Gã dừng lại chưa muốn nói. Anh trưởng nhà ông Sơn nhìn ông Gã cười, nói:
- Thế này đã nhằm nhò gì bác. Năm ngoái cháu  làm việc ở cơ quan cũ, doanh nghiệp nhà nước, đi công tác với sếp tổng, với sếp chủ tịch hội đồng quản trị ở Thái Lan, vào nhà hàng một tối khi thanh toán hết cả trăm triệu đồng. Về nước nghĩ lại cháu thấy sợ. Phải vẽ ra chứng từ để thanh toán, kiểu này dễ đi tù lắm. Tháng sau cháu xin chuyển sang làm với công ty nước ngoài.
Ông Gã một lần nữa lại tai nghe, mắt thấy. Ông giãy nảy người lên, ông nói hổn hển qua hơi thở:
- Hơn trăm triệu! Thế này thì chết! Ăn tiêu như phá mả!
Ông Vinh hai mắt mở tròn xoe như hai viên bi nói:
Anh lạ thật! Người ta ăn vào mồm, uống vào mồm chứ vất đi đâu? Ăn thế mới khỏe ! Có gì mà anh giãy nảy lên?
-Chú đừng đùa nữa! Ăn sơn hào hải vị à? Tiền chùa nên mới thế! Tôi nói cho chú nghe dân bây giờ biết hết!
Ông Vinh vặn lại:
- Biết sao không phản đối?
Ông Gã lúng túng không biết trả lời thế nào?
Ông Sơn lên tiếng:
- Chai rượu là sếp người Nhật tặng sinh nhật anh trưởng nhà tôi.
Ông Gã nhìn sang ông Vinh nói:
- Chai rượu của chú vừa nói, ít nữa mang bán đi lấy tiền mà làm từ thiện. Anh em mình cứ quốc lủi là tốt rồi. Uống sang thế này tôi thấy nhục lắm!
Ông Vinh vặn lai:
- Ơ, bác này lạ thật? Mình có thì mình uống, mình có ăn trộm ăn cắp đâu mà nhục !
- Chuyện này nữa, phó giám đốc công ty vật liệu vừa lên chức giám đốc thay giám đốc cũ đi nơi khác làm phó tổng, lập tức chuyển ngay chiếc ô tô giám đốc cũ đi xuống xưởng, mua ngay xe mới mấy tỉ đồng để đi, nghênh ngang lắm, vừa rồi lại còn trúng đại biểu quốc hội nữa.
Ông Gã lại thở dài. Lại than:
- Đất nước này hỏng rồi, ăn tiêu như chúa Chổm. Nợ nước ngoài đầm đìa. Mà ăn cũng đáng bao nhiêu so với tham ô? Tại sao vậy? Tôi đố hai ông và hai đứa cháu giải thích cho tôi tâm phục, khẩu phục việc này? Tôi đã nghe loa đài, báo chí, lãnh đạo các cấp quán triệt, giảng giải nhưng tôi thấy không thỏa đáng, không chỉ đúng bệnh.
Nghe chuyện ông Gã hai cậu con nhà ông Sơn được bữa cười no.
Cậu trưởng đưa tay nhìn đồng hồ rồi đứng dậy xin phép:
- Hai bác ở lại chơi với bố mẹ cháu. Đến giờ chúng cháu phải đi làm ạ.

Chương 24

Bữa cơm trưa sắp tàn.
Ông Vinh đưa ra một câu khiến ông Gã, ông Sơn phải suy nghĩ. Ông Vinh nói:
- Người ta nói cấm sai, người già thường hay hoài cổ, hay nghĩ về chuyện cũ của mình, của đời. Người già thường không bắt nhịp được với xu thế, trào lưu của thời đại. Nói một cách khác là người già lạc hậu rồi. Từ đầu bữa đến giờ chúng ta toàn nói chuyện buồn phiền, cấm thấy chuyện vui, chuyện lạc quan.
Ông Vinh nói xong thì ông Sơn lên tiếng:
- Ừ già rồi mới có điều kiện ngồi với nhau để tâm sự chuyện nhà chuyện cửa, chuyện nhân tình thế thái. Nhiều khi tôi thấy cuộc đời như cuốn sử bỏ trong túi áo. Mỗi lần mở ra lại thấy những trang tràn trề ánh sáng, lấp lánh hào quang. Mở ra cũng thấy những trang chẳng vui chút nào, cứ sập sùi mưa phùn gió bấc. Mở ra cũng thấy những trang thật đau buồn, tủi nhục. Ôi mẹ lòng dạ con người khi sâu, khi cạn, khó lường. Mở ra thấy hạng người này, hạng người kia. Kẻ ban ơn,kẻ xin ơn, kẻ đội ơn. Tất cả cứ cuốn vào cuộc sống...
Ông Gã trong người đã lơ mơ say. Ông lắng nghe từng câu nói một của hai người. Ông tựa lưng vào thành ghế, ông ngửa cổ lên lắc nhẹ cho đỡ mỏi. Ông nói:
- Chú Vinh này, chú nói người già nghĩa là thế nào? Ba chúng ta ngồi đây đã phải già chưa? Tôi nói cho chú rõ nhé, chúng ta chưa già đâu! Chưa lạc hậu đâu! Chú phải biết chỉ khi nào người ta ngồi đâu biết đấy, phụ thuộc hoàn toàn vào người khác mới là già nhé!
Chúng ta có bắt nhịp được xu thế thời đại không? Chúng ta bắt nhịp được! Chú đừng lầm tưởng thời đại máy tính với với chúng ta nhé ? Máy tính là thành tựu khoa học kĩ thuật. Chúng ta rõ ràng không biết hoặc dốt về máy tính nhưng không phải chúng ta không hiểu thời cuộc, không phải chúng ta lạc hậu nhé!
Tôi thống nhất với chú là từ đầu bữa đến giờ chúng ta toàn nói chuyện tiêu cực trong xã hội. Tiêu cực bây giờ có phải là hiện tượng không? Là cá biệt không? Thời cách đây mười mấy năm hay hai mươi năm có như bây giờ không? Có tiêu cực! Tôi khẳng định là có! Nhưng chỉ là cá biệt! Là hiện tượng! Bây giờ, thời bây giờ tiêu cực là phổ biến. Tỉnh thành nào cũng đầy rẫy chuyện tiêu cực. Nói như ông nguyên thủ quốc gia thì tiêu cực bây giờ là quốc nạn.
Còn ông Sơn, tôi biết ông từ thời trẻ, thời sinh viên. Ông là người kín mồm kín miệng, ít lời, ông thích quan sát, thích nghe, thích trải nghiệm, tôi ví ông như tờ giấy thấm, thấm tất tật. Có lẽ ông chưa thành nhà văn, nhưng những lời ông vừa nói đã chứng tỏ ông đã là nhà văn rồi.
Chú Vinh, ông Sơn tôi nói thế có đúng không? Hai người đừng trả lời tôi bây giờ ? Đời vui ra phết hai ông nhỉ? Ngày mai lên xe ô tô về nhà ông Vinh, tôi nghĩ ba chúng ta lặng im để nghe thiên hạ trong xe nói những chuyện gì? Vàng hay thau hay vàng thau lẫn lộn.
Ông Sơn nói thêm:
- Đâu phải trên xe, chỗ nào cứ tụ tập ba bốn người trở lên là có chuyện như thế cả. Chuyện quốc nạn mà...
Bà vợ ông Sơn biết là cả ba người bắt đầu ngà ngà say...Bà lặng lẽ đứng dậy...

Chương 25

Ngồi trong xe khách về nhà ông Vinh ba ông ngồi ba ghế khác nhau. Ông Sơn dường như mải mê ngắm cảnh dọc đường đi. Thỉnh thoảng ông mới nhòm lên màn hình ti vi xem vở táo quân. Ông cảm thấy khó chịu khi nghe những tiếng nói rất to từ phía cuối xe:
- Đề nghị mọi người nhỏ miệng lại để còn xem táo quân.
- Ông về nhà mà xem! Tết đếch nào táo quân chẳng thế!
- Cái tay Thắng mũi to diễn hay đáo để!
- Tay Ngọc hoàng kia đếch chịu lấy vợ! Chắc là có vấn đề gì rồi?
- Tay Công lý vào vai nữ trông điêu quá!
- Đấy là kiểm duyệt còn cắt đi những phần nóng hổi đấy!
- Tắt táo quân đi bác tài ơi ? Bác mở thời sự xem đi? Xem lò nóng đến đâu rồi? Xem củi khô, củi tươi cháy thế nào?
- Phen này cánh đã dính chàm tham ô, tham nhũng lo ra phết!
- Người ta đang phanh phui ra thêm rất nhiều vụ tham ô, tham nhũng trên báo chí đấy! Nào giám đốc sở này, bí thư tỉnh kia, nào công an, nào quân đội, nào ngân hàng, một người làm quan cả họ nhờ. Nào ảnh chụp biệt phủ này, biệt phủ nọ... phen này vào lò hết.
- Cánh quan tham này là hệ quả của nhiều năm trước.
- Cứ phải làm mạnh tay thế mới lấy lại lòng tin cho mọi người.
-Tôi nghĩ trên trung ương một lò, tỉnh một lò,huyên một lò, xã một lò mới thiêu đốt nhanh được.
Theo đề nghị của nhiều người, bác tài đành chuyển kênh thời sự.
Trên màn hình đang đưa tin vụ thuốc chữa ung thu rởm..
Xe chạy đã lâu, bác tài lên tiếng:
- Ba ông già xuống đâu đấy, sắp tới bến rồi?
Không có tiếng trả lời.
Ông Sơn, ông Vinh, ông Gã cả ba đã ngủ tít trên xe từ lúc nào.
- Lay các ông ấy dậy?

                HẾT.
Tháng 26 tháng 10 năm 2017.
        PHAN ĐẠT NINH






























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét