Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

ĐỌC THƠ CHỮ HÁN BÙI THÚC TRINH / Trần Mỹ Giống





        1- Bùi Thúc Trinh (1811 – 1891) tự Anh Xuyên, tục gọi Nhất Trung, quê thôn Trung Cường, xã Quần Anh Hạ, huyện Chân Ninh (nay là xóm Đông Cường, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

         Sinh trưởng trong một gia đình trung hậu, ba đời làm nghề thuốc trị bệnh cứu người, Bùi Thúc Trinh sớm tiếp thu được kiến thức y học và tấm lòng yêu thương con người, tất cả vì người bệnh. Ông thông minh, chăm chỉ, học khá nhưng “nửa đời thi danh chửa đạt”, chỉ đỗ đến Nhất trường. Sau nhiều năm nghiên cứu không mệt mỏi và trực tiếp trị bệnh cứu người, ông trở thành vị danh y nổi tiếng, một tác giả y học có nhiều bộ sách quý để lại cho đời: Hội anh (28 quyển), Sơ thí tiện dụng (3 quyển), Vệ sinh mạch quyết, Vệ sinh yếu chỉ (8 quyển), Thuyết nghi, Điển trai y môn tạp chứng... Vừa làm nghề thuốc chữa bệnh, ông vừa mở trường dạy nghề y, đào tạo được nhiều thày thuốc giỏi trong vùng. Các tác phẩm y học của ông là sự tổng kết kinh nghiệm và kiến thức trong nhiều năm thực hành chữa bệnh. Các tác phẩm này đề cập những vấn đề y học rất cơ bản về lý thuyết và thực hành như cách phân biệt bệnh, phương pháp xem mạch, phương pháp chữa bệnh, các bài thuốc nam dễ kiếm mà công hiệu. Ngày nay các tác phẩm của Bùi Thúc Trinh được các lương y ở Nam Định vận dụng, coi như cẩm nang nghề y học dân tộc.

        2 - Bùi Thúc Trinh không chỉ là một tác giả Hán Nôm về lĩnh vực y học, mà ông còn là tác giả văn học với tác phẩm Di nhàn tập khá xuất sắc. Di nhàn tập là tập thơ của một lương y, thể hiện y đức và tình yêu thiết tha đối với quê hương, đất nước, thiên nhiên, con người.

        Hàng ngày chứng kiến những cảnh sống nghèo khổ, cơ cực của người dân, Bùi Thúc Trinh mủi lòng, thương xót. Ông tố cáo hiện thực xã hội thực dân phong kiến đương thời là bệnh hoạn, rối ren và xấu xa. Trong xã hội “âm u”, “mưa gió sập xùi”, người dân lương thiện luôn phải sống trong cảnh “tê cóng co ro”... Trong xã hội quan lại nhiễu nhương, trình độ học vấn của dân thấp kém, lại sinh ra nhiều loại người làm khổ dân lành như “thày phù thuỷ”, “thày lang băm”... đời sống nhân dân càng thêm khổ cực.

        Năm Ất Sửu (1865), bão vỡ đê Đông, nhà cửa trôi dạt, nhiều người bị chết đuối, sau chết đói, chết bệnh. Hiện ở xã Hải Tây (Hải Hậu) còn đền Âm Hồn thờ các nạn nhân năm đó. Bùi Thúc Trinh đã ghi lại cảnh sống khổ cực của dân năm đó:
                Thu nguyệt vô như ất sửu thu
                Thê thê lãnh lãnh nhất hà vưu.
Yên không tây xá triêu do tịch,
Chử đảo đông lân dạ vị hưu.
Đối nguyệt hồng nhan tu phấn giảm,
Lâm phong kiềm thủ khiếp dung thu.
Khởi kỳ ngọc nhữ thiên tâm hậu,
Thu nguyệt vô như Ất Sửu thu?
                   (Thu thiên cảm tác, kỳ nhị)

Thu năm Ất Sửu có thu nào.
Tê cóng co ro cực xiết bao!
Bóng dãi, nhà bên tro vẫn lạnh,
Canh khuya, xóm cạnh cối còn kêu.
Ngắm trăng mặt ngọc hờn son nhạt,
Lướt gió, đầu đen sợ vóc hao.
Chuốt ngọc phải chăng trời tốt bụng,
Thu như Ất Sửu có thu nào?

        Những dòng thơ trên là lời than thể hiện tấm lòng thông cảm thương xót người nghèo trong cơn hoạn nạn, cũng là bản cáo trạng lên án vua quan, những kẻ thay trời chăm lo đời sống trăm họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

        Bùi Thúc Trinh là một thày thuốc giỏi, từng cứu sống nhiều người bệnh bằng các bài thuốc nổi tiếng công hiệu như thần, nhưng lại bất lực trước căn bệnh của xã hội. Ông quan niệm chữa bệnh cho con người và chữa bệnh thời cuộc đều có thuốc cả “Y bệnh y thời thục phỉ y” (Chữa bệnh và chữa thời cuộc đâu chẳng phải là chữa thuốc). Nhưng khi bất lực trước thời cuộc, ông tự an ủi mình rằng đó là số mệnh: “Ký ngôn “Tuỳ ngộ nhưng an mệnh” (Nhớ câu “Tuỳ mệnh” mà yên phận), “Tu tín nhân sinh đô phận mệnh” (Cuộc thế nên tin đều có số).

        Hạn chế về tư tưởng tin vào số mệnh ở Bùi Thúc Trinh cũng là hạn chế thời đại khó tránh khỏi. May thay, ông không buông trôi tất cả, mà ông chuyên tâm nghiên cứu y thuật và truyền lại cho đời: “Cố tương Kỳ, Biển pháp vi sư ” (Đem pháp thuật của Kỳ Bá, Biển Thước làm thày).

        Dù đã là bậc y sư nổi tiếng, Bùi Thúc Trinh vẫn luôn luôn khiêm tốn, tự thấy mình vẫn còn phải học tập thật nhiều:
Bất tài tự quý “Liên quân tử”
Độc thị ô nê nhược vị tri.
    (Hoạ Châu Hải Cử nhân Đinh Chính Phủ thi tặng, kỳ nhất)

Tài sơ thẹn với Sen quân tử,
Có ố bùn không vẫn chửa hay.

        Ông tự thẹn vì chưa hiểu thấu đáo y thuật của các vị y sư nổi tiếng của Trung Quốc như Biển Thước: “Tự quý học phi Lư Biển ngộ” (Thẹn học Biển, Lư chưa thấu đáo). Ông một lòng nuôi dưỡng tâm nguyện không ngừng học hỏi y thuật. Một khi chưa làm được việc cứu giúp rộng rãi thì ông đâu giám tự nhận mình là có tài:
Đắc dưỡng “tam nguyên” tồn thuật nghiệp,
Vị năng “phổ tế” cảm vân hoài.
(Hoạ Lạn Hải Đỗ Tú tài hạ nhật lai phưởng hữu thi tặng)

“Tâm nguyên” bồi dưỡng nền y học,
“Phổ tế ” chưa hay dám nói tài!

        Bùi Thúc Trinh là nhà y học có tài thơ văn. Nghệ thuật thơ của ông khá già dặn, nhất là thủ pháp tả cảnh tả tình. Phải là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương sâu đậm Bùi Thúc Trinh mới sáng tạo được những câu thơ tả cảnh thôn quê đẹp như đoạn thơ sau đây:
Giao duyên hồi chuyển mai đình bắc,
Yên vụ mê li trúc ổ đông.
Thanh phú miêu vân thiên tễ hậu,
Lục phù áp trướng vũ thu trung...
               (Thu thiên chu hành quá Trung xã giang phận, diểu vọng Nguyễn gia trang cảm tác ký chủ nhân)

Đồng ruộng loanh quanh mai ngõ bắc,
Sương mù mờ mịt trúc tường đông,
Mây xanh vừa tạnh lúa mơn mởn,
Nước biếc sau mưa vịt vẫy vùng...

        Trong “Di nhàn tập” của Bùi Thúc Trinh có nhiều câu thơ tả tình tả cảnh hay như thế, như câu sau:
Hoàng thư tùng cúc kim trang kính,
Bích trướng hoành đường thuỷ tẩm thiên.
Vạn khoảnh giao nguyên phù thuý lãng,
Thiên gia thôn lạc đậu tình yên.
               (Thu thiên tễ cảnh kỷ kiến, ký Nguyễn Trứ phủ)

Xoè vàng, tùng cúc: vàng in lối,
Dềnh biếc, ao ngang: nước nhuộm trời.
Muôn khoảnh, lờn vờn màu trả nổi,
Nghìn nhà, lơ lửng khói vàng phơi.

Hoặc câu:
Sơn tước tam phong nghi hổ phục,
Thuỷ trừng nhất giám ẩn du ngư.
Thanh hàm lương suý lan hương viễn,
Cao phất tà dương bách ảnh sơ.
              (Đề Thành Chương phương viên)

Ba ngọn lô nhô hùm phục cảnh,
Một gương trong vắt cá len bờ.
Vi vu gió mát hương lan thoảng,
Vòi vọi trời hôm bóng bách thưa.

        Nghệ thuật chơi chữ trong thơ Bùi Thúc Trinh cũng thật tài tình, như khi tả cái giàu của người buôn bè, ông dùng chữ “phong lưu” nghĩa đen là gió thổi dòng trôi, thuận buồm xuôi nước để mừng người buôn bè gặp vận may, làm ăn phát đạt; Hoặc khi hoạ thơ một người bạn là lương y, đồng nghiệp với mình, ông khéo lồng vào những tên bài thuốc bổ, ngụ ý vừa trân trọng, vừa trìu mến một cách hóm hỉnh mà tuyệt diệu:
“Biệt ly” kỷ độ bội tương tư.
Hà hạnh “ôn trung” cộng luận y.
Hữu “ích âm” lương lưu viện vũ,
Giải “thanh thử” nhiệt mãn giao kỳ.
“Thập toàn” ý củ do huyền tưởng,
“Tam diệu” chân thuyên mạn tự kỳ.
Đắc dưỡng “tâm nguyên” tồn thuật nghiệp,
Vị năng “phổ tế” cảm vân kỳ.
(Hoạ Lạn Hải Đỗ Tú tài hạ nhật lai phưởng hữu thi tặng)
 
Tự buổi “biệt ly” tưởng nhớ hoài,
“Ôn trung” may được góp đôi lời.
“Ích âm” mát mẻ tràn trong viện,
“Thanh thử” thung dung khắp cõi ngoài.
Đúng cách “thập toàn” hằng tưởng muốn,
Thật liều “tam diệu” chẳng đơn sai.
“Tâm nguyên” bồi dưỡng nền y học,
“Phổ tế ” chưa hay dám nói tài!

        Với “Di nhàn tập”, Bùi Thúc Trinh đã để lại cho đời một bản trường ca về nhân thuật và tâm nguyện, thể hiện tấm lòng bác ái của vị lương y như từ mẫu. Đọc thơ chữ Hán Bùi Thúc Trinh, hiểu rõ tâm sự của một lương y nổi tiếng, càng yêu mến và kính trọng nghề y và lương y, vì thơ ông toát lên y đức trong sáng mà hơn cả y thuật là tình yêu thương con người sâu sắc, tinh thần hết lòng vì người bệnh.

        TRẦN MỸ GIỐNG
                     
                  Các ví dụ minh họa được lấy từ bản dịch của cụ Đoàn Ngọc Phan

Một số trang chữ Hán "Di nhàn tập" được sử dụng minh họa trong bài






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét