Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 23-24)



Chương 23
Làng Trọng Nghĩa lại một phen vặn mình kêu răng rắc. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà xuất hiện luôn một chàng Thánh Cuội. Nguyên là Phó Cuội nổi tiếng mấy chục năm vì tài ba hoa khuếch khoác, thế rồi trong một trận tử chiến với trâu, bị trâu vằng thủng thái dương, hôn mê liệt giường hàng tháng, khi khỏi trở thành luôn Thánh Cuội .
 
Giờ thì gã tuyên bố với cả bàn dân thiên hạ rằng, sẽ trở thành nhà thơ trào phúng. Á à, khiếp thật. Cuội mà trở thành nhà thơ trào phúng chỉ có nhất. Suốt mấy chục năm qua Phó Cuội là nguồn vui vô tận cho dân làng cho dân xã. Những câu chuyện mà gã bịa ra người làng truyền khẩu cho nhau cười đến vỡ bụng, làm cho quên đi bao nỗi nhọc nhằn trong thời buổi nhọc nhằn đói kém. Cái thời Cuội qua đi thì Phó Cuội cũng coi như hết nhiệm kì một cách vinh quang để chuyển sang làm Thánh Cuội.  Danh hiệu hàn lâm này chắc chắn xếp trên Giáo sư Cuội, Tiến sĩ Cuội, chỉ đặt ngang hàng với Viên sĩ Cuội hoặc là Bác học Cuội mà thôi. Vì thời này những học hàm, học vị cao nhất đôi khi vẫn đồng nghĩa với Cuội. Có ý kiến còn muốn phong thêm chức Trạng Cuội. Nhưng với đức tính khiêm tốn, Phó Cuội chỉ nhân danh vị Thánh Cuội mà thôi.
Lần gặp nhà thơ Hoàng Thi – tình nhân xưa và nay của vợ mình, Thánh Cuội đã cầu khẩn nhà thơ dạy mình làm thơ, đặc biệt là thơ trào phúng. Ngay ngày mai Hoàng Thi mang đến ba tập thơ của nhà thơ Tú Xương, Tú Mỡ và Hồ Xuân Hương. Đặt vào tay Thánh Cuội ba quyển sách Hoàng Thi cười:
- Mỡ thì rán, Xương thì hầm, Hương thì ngửi, rồi mua cút rượu là ra thơ!
Thánh Cuội cúi đầu:
- Đa tạ quan bác!
Đãi tình nhân của vợ một chầu rượu túy lúy và tiễn đưa bằng một túi cam vườn chín mọng. Từ hôm ấy, suốt ngày rồi cả đến đêm khuya Thánh Cuội ngâm ngợi thơ. Trong vòng một tháng Thánh Cuội thuộc hết ba quyển thơ. Thế rồi vào một buổi chiều thấy cô vợ đã hết hàng, quẩy nồi niêu bát đĩa thong thả bước vào ngõ. Thánh Cuội ứng khẩu đọc luôn thơ:
Bánh cuốn cuộn với chả thơm
Ăn rồi nằm xuống ổ rơm anh đè…
Cô vợ nghe xong phì cười:
- Gớm thơ với thẩn gì mà lại có câu “nằm xuống ổ rơm anh đè?” Tôi nghe thơ trên đài trên đài chẳng bao giờ thấy có thơ như thế.
Thánh Cuội bác lại:
- Đài người ta chỉ yêu thơ trữ tình, còn tôi muốn làm nhà thơ trữ tình kiêm trào phúng,  không làm thế thì làm thế nào? Này nhé: Bánh cuốn với chả thơm là trữ tình, nằm xuống ổ rơm cũng là trữ tình. Nhưng thử hỏi đã ăn bánh cuốn với chả, lại nằm xuống ổ rơm, mà không có “anh đè” thì còn ra cái quái gì? Cái hồn của hai câu thơ bất hủ này chính là ở hai chữ “anh đè”, vừa hiện thực, vừa lãng mạn, lại vừa trào lộng, em có hiểu không?
Cô vợ ngẩn người:
- Gớm, dạo này anh “huyên bác” quá nhỉ?
Thánh Cuội được vợ khen gật đầu mãn nguyện. Rồi sáng hôm sau anh ta dậy rất sớm đi mua sơn trắng, sơn xanh về và kẻ bảng gỗ rất nắn nót viết hai câu thơ “Bánh cuốn cuộn với chả thơm. Ăn rồi nằm xuống ổ rơm anh đè” đem ra treo ngang tàng ngay trước của hàng. Một đám đông đứng vòng trong vòng ngoài, miệng lẩm bẩm như đọc kinh niệm Phật. Rồi thì bấm chí nhau cười rúc rích. Một vị reo lên:
- A ha! “Tứ khoái” đâu rồi! Bánh cuốn cuộn với chả thơm, ăn rồi nằm xuống ổ rơm anh đè! Thật tuyệt! Vào thời buổi này chỉ có Thánh Cuội mới làm nổi hai câu thơ này.
Một vị khác gật gù:
- Hay lắm! Câu trên đã hay được bởi cụm từ “cuốn cuộn”, câu dưới lại hay bở hai chữ “anh đè”, thật không chê vào đâu được!
- Còn hay bởi động từ “nằm xuống” – đã có “ổ rơm” lại có “nằm xuống” thì tuyệt quá, tất nhiên thêm “anh đè” nữa mà thành bất hủ!
Đám phó thường dân sau những giờ mệt mỏi bởi mưu sinh, gặp những chuyện thế này, họ thả phanh tếu táo. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, rồi buổi tối nữa, một ngọn đèn điện đã được mắc vào cạnh cái “bảng thơ” cho nó sáng rực để các chư vị phó thường dân vừa ngồi ăn bánh cuốn chả, vừa đọc và bình thơ. Vui đáo để!
Cô chủ hàng kinh ngạc thấy từ ngày ông chồng ngang ngạnh treo hai câu thơ “trào phúng” trước cửa hàng thì khách đến ăn hàng cứ tăng vọt, hơn cả thời còn nhiều cà cuống cay. Ông nào không ăn tại hàng thì mua cho túi ni lông cầm về nhà gọi vợ đến ổ rơm cùng ăn để ăn xong là “anh đè”!
Trong khi thiên hạ còn đang gật gù đàm tiếu về hai câu thơ treo ở cửa hàng thì Thánh Cuội gần như đã quên hẳn, cũng chẳng cần để ý đến hàng bánh cuốn của vợ mình đang “sầm uất” như thế nào. Anh ta cứ suốt ngày gật gù bên chén rượu với thơ Tú Xương, Tú Mỡ và Hồ Xuân Hương – Ba cuốn sách duy nhất trong đời mà cho tận đến giờ Thánh Cuội mới đọc. Rồi một buổi sáng khi chỉ còn một mình ngồi bên chén rượu gật gù với Xương với Mỡ, thì có ông đội trưởng Híp mò sang. Thoạt kì thủy ông Híp nói:
- Lâu nay nghe đồn rằng chú đã hoàn thành nhiệm vụ Phó Cuội và sau khi bị trâu vằng thủng đầu thì thành Thánh Cuội?
Chàng Thánh Cuội gật đầu:
- Chí phải bác ạ.
- Vậy chú cho tôi… biết thế nào là “Thánh Cuội”?
Lúc này Thánh Cuội mới nhìn những vòng xoáy trôn ốc trên đầu ông ta, trời ơi! Toàn lòng lợn, tiết canh, thèm đàn bà và một mớ những “nộp các khoản”. Thánh Cuội liền ứng khẩu luôn:
Vừa rồi bác chén tiết canh
Một đĩa lòng lợn có hành có răm
Một chai cuốc lủi sủi tăm
Có bà chủ quán háng hăm tiếp cùng
Nửa chừng bác nổi cơn khùng
Đưa tay mò mẫm… tứ tung lõm lồi…
- Có đúng không nào, thưa bác trưởng thôn?
Ông trưởng thôn đỏ mặt, tía tai:
- Láo thật!
- Thưa không láo đâu ạ! Để em hầu thơ tiếp bác nghe:
Bác còn gạ gẫm, ba hoa
Nào miễn “nộp khoản” nào là “tiền đây”…
Vào buồng ta bảo cái này
Đại bác một phát trúng ngay điểm tròn….
Nghe xong ông trưởng thôn gào lên:
- Thôi, thôi, anh đúng là thằng xỏ lá! Anh giết đám cán bộ chúng tôi có ngày. Anh học được ở đâu cái tài ma xó thế?
- Bẩm thưa bác trưởng thôn, trời cho đấy ạ!
- Còn bây giờ thì trời bảo anh phải nộp các khoản này…
Vừa nói, ông đội trưởng kiêm trưởng thôn liền móc trong túi xách ra tờ “nộp các khoản” đặt trước mặt Thánh Cuội!
Thánh Cuội nhìn vào tờ giấy viết tay chi chít các khoản, các con số, hỏi:
- Sao lắm khoản phải nộp thế?
- Ba mươi khoản tất cả! – Đội trưởng Híp trả lời – Ta nộp thế này là còn ít, có nơi đã nộp tới năm chục khoản! Chúng tôi đang đặt chỉ tiêu trong vòng mấy năm nữa là đuổi kịp họ.
- Phải nộp nhiều như thế thì hết thóc ạ?
- Chuyện đó bàn sau. Còn bây giờ thì anh đọc cho kĩ rồi kí vào và nộp!
- Được, tôi sẽ nộp!
- Tốt quá!
- Tốt các ông, nhưng chết bọn tôi, hiểu chưa?
- Tôi không cần hiểu!
 - Thế thì bác chọn đi: Một là tôi không phải nộp thì tôi sẽ giữ kín bài thơ vừa rồi. Hai là tôi phải nộp thì tôi sẽ cho cả xã biết bài thơ đó!
- Á à, anh dọa tôi đấy à?
- Phải, tôi thách bác bắt tôi nộp đấy? – Thánh Cuội đã nhìn rõ những vòng xoáy hình trôn ốc trên đầu lão trưởng thôn: “Chết mất, thằng trời đánh thánh vật này nó mà “phổ cập” bài thơ ấy thì mình chỉ còn nước là chui xuống lỗ…”-, Phải, tôi thách bác đấy!
- Ta sẽ báo cáo chuyện này lên xã .
- Được thôi! Bác có thể báo cáo cả lên huyện, lên tỉnh. Còn tôi, tôi cũng gửi thơ đến những nơi mà bác báo cáo chuyện tôi không chịu nộp các khoản…
Ngồi thừ một lát, rồi lão trưởng thôn đứng lên:
- Đồ xỏ lá! – Nói xong lão cuộn bản “nộp các khoản” lại đút túi rồi quay ngoắt về luôn.
Thánh Cuội nhìn theo khoái chí. Thế là chỉ bằng mấy câu thơ nôm na mách qué mà xóa đi được khoản nộp vô lí tới năm trăm ngàn đồng. Tối hôm ấy, Thánh Cuội mua hương hoa và xôi một chõ xôi, vặt lông một con gà béo mỡ, làm cỗ cúng ba vị: Tú Xương, Tú Mỡ và bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Cô vợ về biết tin, nhảy lên vỗ tay đồm độp. Những ngày gần đây hàng cô lúc nào cũng đông khách. Cô lấy làm tức cười, chẳng hiểu thế nào mà có vài câu mách qué trương lên ở cửa hàng mà tuyệt đến thế. Suốt cả ngày từ sáng sớm đến tối mịt, các phó thường dân, kẻ từ trong làng trong xóm mò ra, kẻ đi làm ngoài đồng trở về dừng lại, mỗi vị một đĩa bánh cuốn nóng, một lát chả, một mẩu cà cuống cay và một cốc rượu rồi gật gù “bình thơ”! Chỉ vẻn vẹn có hai câu “khỉ gió” như vậy mà tán ra đến ma quỷ nghe cũng phải phì cười. Rồi vị nọ hỏi thăm vị kia xem dạo này….
- Này, vụ rét này còn nằm ổ rơm không?
- Còn chứ! Thứ nhất ổ rơm, thứ nhì dồi chó, thứ ba ỉa đồng! Bỏ thế nào được ổ rơm!
- Thế khẩu “súng lục” còn bắn được không?
- Cũng chưa đến nỗi hỏng!
- Đêm nào cũng “bắn” à?
- Đã nằm ổ rơm là phải “bắn”! Ông ở cung trăng mới xuống à?
- Thôi ăn đi! Rồi cứ theo hai câu thơ của Thánh Cuội mà làm! Hớ hớ:
Bánh cuốn cuộn với chả thơm
Ăn rồi nằm xuống ổ rơm… anh đè!
- Tuyệt quá đấy các vị à…
Cô ngồi vừa tráng bánh vừa nghe các phó thường dân tán chuyện mà phì cười. Chẳng biết hay dở thế nào, cứ biết là vì có hai câu thơ treo trước cửa mà hàng lúc nào cũng đông khách là tốt quá. Thời buổi này người ta còn phải mất tiền triệu để quảng cáo trên ti vi cũng chả được như thế nữa là. Hôm nay vừa về đến nhà lại nghe thêm tin vui, cũng bằng mấy đoạn thơ mà chồng cô – tức Thánh Cuội, đã làm cho trưởng thôn Híp phải sợ tái mặt rồi lờ đi “nộp các khoản”. Cô nhìn bàn thờ nghi ngút khói hương với mâm xôi, con gà và ông Thánh Cuội đã đặt ba quyển thơ của bà Hồ Xuân Hương, ông Tú Xương, ông Tú Mỡ bên cạnh mâm xôi con gà và đang khấn vái rì rầm…
Có thể nói là chưa bao giờ Thánh Cuội phấn khởi như những ngày gần đây. Bị trâu vằng tưởng chết, hóa ra họa biến thành phúc. Mới ứng khẩu có mấy câu mà đã rôm rả, cả xã và chỉ một “đòn thơ” mà lão trưởng thôn đã xanh mắt! Hà hà! Con xin cắn cỏ lạy cụ Xuân Hương, cụ Tú Xương, cụ Tú Mỡ! Xương hầm, Mỡ rán, Hương thơm… con đã được ăn bữa đại tiệc thơ và con đã “ra đòn”, vợ con thì hàng đông khách, còn con thì xóa nộp các khoản! Mong ba cụ nhiệt tình giúp đỡ tiếp để con trở thành nhà thơ trào phúng…
Cô vợ đứng cạnh nói thêm vào:
- Anh khấn các cụ phù hộ cả cho anh Hoàng Thi...
Thánh Cuội quay lại hỏi:
- Phù hộ cái gì?
- Thì phù hộ cho anh ấy làm thơ hay và lấy vợ…
- Vâng… Con xin cắn cỏ lạy cả ba cụ cùng phù hộ cho anh Hoàng Thi lấy vợ. Anh ấy yêu cô Hương bánh cuốn cà cuống cay từ khi mới ngoài hai chục tuổi, rồi con cuỗm mất người yêu của anh ấy làm vợ mình cho đến giờ, cái cô đứng cạnh ngay đằng sau con đây này. Khổ một nỗi là con gái thì nhiều mà anh ấy lại chỉ yêu được mỗi một cô là vợ con thôi, mà con thì cho đến giờ cũng chưa muốn nhường, sẻ đôi con cũng chưa muốn. Vì thế mà cho đến giờ anh ấy vẫn chưa lấy vợ, vẫn cơm niêu nước lọ, nằm giường cá nhân… Con cắn cỏ con lạy cả ba cụ hãy đưa đến cho anh ấy một cô gái mà anh ấy có thể yêu, hoặc là các cụ phù phép để con không còn yêu vợ con nữa, để con nhượng lại cho nhà thơ Hoàng Thi…
- Phải gió ạ! – Cô vợ đứng cạnh phì cười, gắt.
Thánh Cuội vờ như không nghe thấy vợ nói. Chàng ta vái ba vái rồi lùi ra.
    Chương 24
Bữa cơm riêu cua rau sống, đũa tre, mâm gỗ ở cái trại nhỏ giữa đồng chiêm đã thức tỉnh trong lòng Thành một cái gì chưa cắt nghĩa ngay được. Anh thấy bâng khuâng nhớ về một thời, cái thời có nhiều người muốn quên và cũng nhiều người muốn nhớ. Riêng anh, giá không gặp lại Nhài, có lẽ anh cũng đã gần quên. Hai người con gái mà anh và Thông bế từ trong hang đưa ra xe lúc chỉ còn da bọc xương và áo quần rách bươm tả. Họ không biết tiếng súng đã im, hòa bình đã được thiết lập ở khắp quê hương xứ sở. Người đời mải vui và đã bỏ quên họ, và cả các anh nữa, cũng chỉ đưa họ từ hang ra rồi quẳng xuống bến xe, thả họ về với nơi mà từ đấy ngày trước họ ra đi. Số phận hai cô gái ấy sẽ thế nào họ không hề biết, rồi đến lúc biết thì thật đau lòng.
Sau bữa cơm trưa, Thành về luôn Hà Nội. Anh không về nhà ngay, mà rẽ vào nhà Thông. Hiện giờ Thông đang làm tổng giám đốc một tổng công ty làm ăn phát đạt. Thấy Thành đến bất chợt, Thông đang ngồi một mình ở phòng khách uống cà phê, bỗng reo lên:
- Ô kìa! Sao bảo cậu đi khảo sát vùng đồng chiêm Nam Định?
Thành ngồi xuống chiếc ghế đối diện:
- Thì mình vừa ở nơi “bông nổi cho chim, bông chìm cho cá” về đây!
- Cậu chưa về nhà hả? – Thông hỏi.
- Chưa! Mình vào thẳng cậu! – Thành trả lời.
- Có việc gì mà cần thế? – Thông hỏi.
- Cậu có còn nhớ hai đứa con gái mà mình và cậu bế nó từ trong hang ở trọng điểm A12 ra xe rồi đưa về Nam Định không?
Thông ngồi thừ ra một lúc mới nhớ nổi:
- Nhớ! Có nhớ! Thỉnh thoảng mình vẫn nằm mơ thấy hai con ranh ấy…
- Nằm mơ thế nào?
- Mình nằm mơ thấy hai đứa ấy béo tốt và vẫn xinh đẹp, vẫn mặc bộ quần áo sĩ quan mà chúng mình cho…
Thành gật đầu:
- Đúng! Bộ quần áo tớ và cậu mặc vào người cho hai con nhãi ấy, giờ các em vẫn giữ làm kỉ niệm. Có điều là chúng nó bất hạnh mất rồi!...
- Sao? Sao? Bất hạnh thế nào, cậu kể đi! – Thông giục -, Cậu mới gặp lại à?
- Thì tớ vừa ở đấy, cái xóm trại giữa đồng chiêm ấy, quê và nhà của hai con bé ấy về đây…
- Thế hả? Kể mau xem thế nào?
- Cả hai đứa đều nghèo khổ, và ế chồng! – Giọng Thành nghẹn lại – Bất hạnh! Bất hạnh mất rồi! Hiện giờ chỉ có cái Nhài ở nhà, còn cái Nhãn đã đi tu!
- Chết! Thế thật à? – Thông sững sờ hỏi lại – Sao đến nông nỗi ấy?
- Thì thế chứ còn sao với giăng gì?
- Thế thì phải cứu! – Thông nói.
- Thì mình không kịp về nhà, đến thẳng đây là bàn với cậu xem có cách nào…
- Phải có cách! – Thông nói – Chúng mình đã cứu hai đứa ấy khỏi cái chết ở Trường Sơn thì phải có trách nhiệm đến cùng. Có điều là cả tớ và cậu đều chưa xứng đáng là thằng đàn ông từng cầm súng ngoài mặt trận, vì đã bỏ quên chúng nó…
Sau câu nói của Thông, cả hai người đều ngồi im, cúi đầu suy nghĩ.
- Chủ nhật này cậu có bận gì không? – Thông hỏi.
- Không! – Thành trả lời.
- Thế thì chúng mình cùng về Nam Định và đến thăm hai cô bạn bé bỏng ấy rồi tìm cách….
- Đồng ý! Bây giờ mình phải về qua nhà một chút, đúng bảy giờ sáng chủ nhật mình đến đây rồi mình và cậu cùng đi, xe con hay xe máy?
- Đường vào làng Trọng Nghĩa có tốt?
- Cũng kha khá…
- Thôi thế thì ngồi xe con cho đỡ mệt, chúng mình cũng hư cả rồi, ngày trước hành quân dọc Trường Sơn thì không thấy khổ, còn bây giờ…. Này đúng hẹn đấy nhé, mình sẽ chờ cậu bằng cái xe đời mới nhất của Nhật, cứ yên tâm!
Vào sáng chủ nhật tuần ấy, chiếc Toyota đời mới, đúng bảy giờ đã bon bon trên đường Hà Nội - Nam Định, mới hơn 9 giờ nó đã vượt qua cầu treo bắc qua sông Đào, và chỉ ít phút sau nó đã rẽ vào làng Trọng Nghĩa. Xe dừng lại trên con đường chính trước làng. Cả Thành và Thông đều xuống xe, con đường ngay cạnh con sông, bên kia sông là cánh đồng, lúc này sau mấy đợt mưa lớn, nước đang trắng xóa cả một vùng. Chiếc Toyota ở lại, Thành và Thông xuống thuyền, vẫn là cái thuyền nan làm toàn bằng tre trát sắn, đẩy sào vun vút trên đồng. Khu trại nhỏ đây rồi, và mái nhà ngói nhấp nhô bên mái rạ, nó lọt thỏm giữa khu sóng nước mênh mông. Bà con xóm trại thấy chiếc thuyền chở mấy ông ăn mặc sang trọng ghé vào thì rối rít ra tận bến đón. Khi biết đó là khách của cô Nhài và Nhãn thì càng quý mến.
Nhài đang ốm. Mấy ngày nay vết thương cũ lại tái phát khiến cô nằm liệt, mấy bà hàng xóm phải nấu cháo mang sang. Khi Thành và Thông bước qua hè vào nhà, Nhài vẫn đang nằm thiêm thiếp trên chiếc giường giải quạt cũ, mặt quay vào phía trong tường. Thông và Thành đi đến gần.
Thông lên tiếng:
- Hòa bình rồi! Có còn ai ở trong hang ấy không?
Nghe tiếng gọi vừa lạ vừa quen ấy Nhài từ từ quay ra. Đôi mắt cô chớp chớp nhìn hai người đàn ông sang trọng đang đứng ngay cạnh giường, chỉ nhìn mà không nói gì.
- Thành đây, và Nhài có nhận ra ai nữa đây không? – Thành nói và chỉ tay vào bạn.
Nhài vẫn chớp mắt nhìn, không nhận ra. Không đợi được nữa, Thông ngồi luôn xuống cầm lấy tay Nhài:
- Mình đây, Thông đây mà…
- Ối anh Thông! – Nhài nói như reo lên. Thế là gặp cả hai anh rồi, giờ có chết em cũng không ân hận nữa.
- Đừng nói dại! – Thông ngắt lời Nhài – Hãy tha lỗi cho bọn  anh từ ngày ấy không có dịp đến thăm các em. Còn từ bây giờ thì bọn này không rời các em đâu. Nào ngồi dậy đi, em ốm à?
- Vâng, mấy ngày nay em ốm…
- Bệnh gì em có rõ không? Thuốc thang thế nào rồi?
- Mấy vết thương cũ tái phát ấy mà, chả thuốc nào chữa được…
- Em có dậy được không? Có ăn được gì không?
- Em vẫn ăn được cháo. Các anh đỡ để em ngồi dậy…
Cả hai người cùng cúi xuống đỡ cho Nhài ngồi dậy. Một lát sau Thông hỏi:
- Nhãn đâu?
- Em đã bảo với anh Thành là nó đi tu rồi như?
- Thế thỉnh thoảng có về thăm xóm Trại không?
- Chưa về lần nào.
- Em có biết rõ chỗ Nhãn tu chứ?
- Không biết! Nghe người ta nói là nó cũng đang ốm lắm, cũng như em, hai đứa đều bị sức ép của bom nhiều lần nên bây giờ hay ốm… Em ước gì khỏe dậy làm cơm, đãi hai anh bữa cơm canh cua…
Thông nói:
- Rồi có lúc chúng anh sẽ được mỗi người ba bữa cơm canh cua của Nhài và Nhãn. Thôi bây giờ em nằm xuống nghỉ cho đỡ mệt, các anh ra ngoài rửa mặt mũi chân tay cho nó mát mẻ một lúc nhé…
Thông nháy mắt cho Thành và hai anh cùng đi ra phía vườn. Đứng dưới bóng tre chỗ cầu bến, Thông hỏi Thành:
- Bây giờ làm thế nào? Phải cứu chúng nó bằng mọi giá…
Thành gật đầu:
- Đồng ý!
Thông nói:
- Trước hết phải đưa cả hai về Hà Nội chữa bệnh cho thật triệt để. Khỏi bệnh rồi sẽ bàn tiếp…
- Không chắc chúng nó có chịu nghe mình…
- Bằng mọi cách phải bắt nghe bằng được. Nhài nghe xong sẽ ngồi xe đến chỗ Nhãn đi tu rồi cùng đưa cả hai lên Hà Nội khám lại thương tật và chữa bệnh…
Thành và Thông quay trở vào. Nhài vẫn ngồi yên như cũ, gương mặt gầy hốc hác, rất buồn. Thành Thông và ngồi xuống hai bên. Thông nói:
- Bây giờ Nhài phải nghe hai anh…
- Vâng, các anh cứ nói!
- Đi Hà Nội chữa bệnh! – Thông nói.
Nhài lắc đầu:
- Em không đi!
- Tại sao? Cả Thông và Thành đều gắt lên.
- Em ốm qua loa rồi khỏi, có gì mà phải phiền các anh…
- Không có gì là phiền cả, bọn anh đưa các em đi Hà Nội chữa bệnh dễ như đến hàng ăn phở thôi mà.
Nhài ngồi im. Lúc này bà con xóm Trại nhỏ đã đến gần như đầy đủ cả. Nghe nói có bạn ở Hà Nội về đưa Nhài đi chữa bệnh, cả xóm mừng liền rủ nhau kéo đến. Rồi mỗi người một câu động viên, một câu vun vào, ai ai cũng mừng đến chảy nước mắt. Xóm Trại nhỏ chỉ có năm gia đình toàn là anh em dây mơ rễ má, họ hàng thân thích. Họ đồng cam cộng khổ, sống gắn bó như cùng một gia đình, vui chung, buồn chung. Truyền thống ấy có từ lâu, giúp con người nơi đây sống qua những đận hiểm nghèo, những đau thương tưởng như không gượng nổi. Cái ngày mà năm cô gái của năm gia đình ra đi để rồi trở về có hai, cả xóm vật vã khóc, rồi đến ngày giỗ thì cả xóm giỗ. Hai người con gái trở về là Nhài và Nhãn được cả xóm thương yêu. Thế rồi năm tháng cứ vùn vụt trôi đi, tuổi xuân phai dần, cộng thêm ốm đau bệnh tật do vết thương tái phát, đẩy cuộc đời đến trước bờ vực sâu bất hạnh. Nhãn đã đi tu, cả xóm không ai muốn mà cũng không sao ngăn được. Nhài vẫn ở một mình trong ba gian nhà trống trải, cả xóm thương mà cũng chỉ còn thở dài nhìn người con gái năm nào xinh xắn béo tốt, giờ héo như bông hoa sắp tàn.
Sau một giờ đồng hồ Thông và Thành dùng đủ lý lẽ để thuyết phục, cộng với những lời động viên của cả xóm, Nhài đã bằng lòng theo hai người đồng đội năm xưa lên Hà Nội chữa bệnh cho triệt để. Cả năm gia đình chở năm cái thuyền tiễn đưa, lưu luyến và hi vọng.
Thuyết phục được người con gái sau bao nhiêu năm sống mỏi mòn, khắc khoải, tâm trạng đã bị dồn đến chân tường tuyệt vọng để bừng lên chút hi vọng, có chút niềm tin vào ngày mai là một chiến công, ngang tầm với chiến công ngoài mặt trận một thời. Cả Thành và Thông cùng mừng vui cảm nhận điều ấy. Cho đến lúc chiếc xe đã rời khỏi làng Trọng Nghĩa các anh mới thở phào. Trước khi ngồi vào xe, Nhài nói:
- Phải đi tìm cái Nhãn nữa các anh ạ, nó cũng ốm yếu như em, rồi chán đời mới bỏ nhà đi tu…
- Nếu không tìm được Nhãn, bọn mình không về Hà Nội nữa!
Thông nói, Thành gật đầu tán thành. – Nhưng em biết rõ chỗ Nhãn đi tu chứ?
- Được, em sẽ dẫn, may ra…
… Ngày ấy, cái ngày Nhãn bỏ xóm Trại ra đi trong tâm trạng tuyệt vọng trước bao biến cố đời thường. Đi là đi chứ chẳng hi vọng gì ở sự tốt đẹp cho ngày mai. Nhãn đã tìm đến một ngôi chùa vắng nằm heo hút giữa một cánh đồng rất xa dân cư. Ngôi chùa này chẳng biết có từ bao giờ mà cho đến giờ vẫn tĩnh mịch, hoang sơ, cây cối rậm rạp um tìm bao phủ, đứng xa không trông thấy chùa, chỉ thấy um tùm một màu xanh mờ ảo đầy khói sương bao phủ. Chỉ có một con đường duy nhất, nhỏ bằng cái bờ ruộng mà dài hun hút nối từ con đường dải đá vào đây. Nó quanh năm vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có người đến thắp hương khấn lễ. Chủ trì ngôi chùa là một vị sư già, và một sư bác. Hôm ấy Nhãn đến đây thì trời đã nhập nhoạng tối, vị sư già đang ngồi tụng kinh gõ mõ. Phải chờ đến gần nửa đêm tiếng mõ mới ngừng. Sư cụ sau giây phút ngạc nhiên, đã ngồi im lặng lắng nghe người đang đến nương nhờ cửa Phật bộc bạch nỗi đời. Cái đầu của sư gật liên tục biểu lộ sự thông cảm sâu xa. Sư cụ biết rằng những năm gần đây do hậu quả của chiến tranh, cửa chùa đã  rộng mở để đón hàng trăm, hàng ngàn những số phận bất hạnh ngoài đời vào nương náu nơi cửa Phật. Có chùa đã đón tới mười cô thanh niên xung phong thời chống Mỹ sống độc thân vào quy Phật. Cửa Phật từ nay là nơi xoa dịu nỗi đau cho những ai không đứng vững ngoài đời, bất hạnh ngoài đời, thì vào đây tu nhân tích đức, cầu mong điều thiện để kiếp sau vẹn tròn. Từ đêm ấy Nhãn phải quên đi cuộc sống đời thường, quên đi thói quen và những nhu cầu của cuộc sống đời thường để nhập vai đời tu – cái thế giới ăn chay, rồi đêm ngày tụng kinh gõ mõ. Ngày còn tuổi thiếu niên, những lần ra chùa làng nhìn ông sư bà vãi trọc đầu, mặc áo chùng nâu suốt ngày mang vẻ mặt từ bi ngồi tụng kinh gõ mõ, Nhãn chỉ muốn bật cười, rồi rùng mình nghĩ nếu như cuộc đời mình mà như thế thì chán biết chừng nào. Thế rồi hôm nay qua cơn binh loạn, số phận lại run rủi cuộc đời cô vào nơi hư vô như một tiền định. Mỗi ngày hai bữa cơm chay rau muống muối vừng, ngồi cạnh sư cụ học tụng kinh gõ mõ. Từ cõi thực, cô đang đi vào cõi hư vô. Đạo Phật gốc ở đạo Bà-la-môn mà ra, do ông Thích-Ca-Mâu-Ni người Ấn Độ sáng lập, sau này các môn đồ suy tôn ông là Phật Tổ Như Lai. Nhưng ngay ông tổ của đạo Phật cũng lấy tới ba vợ và sinh con. Thế mà sau này các vị sư đều không được quyền lấy vợ, lập gia đình. Ai đã vào cửa Phật, đi tu là phải rũ sạch lòng trần tục, sống khổ hạnh ở cuộc đời trần thế để sau này khi đã đắc đạo thì được lên cõi Niết Bàn là chỗ cực lạc ở thế giới bên kia. Người tu hành phải học thuộc kinh Tam Tạng, gồm ba loại kinh: Kinh Tạng – Luật Tạng – Luận Tạng. Đó là các kinh về luân thường đạo lí, về những lời trời cấm, và những lời nghị luận của Phật Tổ Như Lai. Phải học Ngũ giới – tức là năm điều cấm kị: Bất sát sinh – Bất đạo – Bất gian dâm – Bất vọng ngôn – Bất ẩm tửu. Nghĩa là không được giết động vật, không được trộm cắp, không được gian dâm, không được nói càn, không được uống rượu và ăn thịt. Con người sinh ra không ai tránh khỏi quy luật: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Có tuổi trẻ ắt phải có tuổi già, rồi mắc các chứng bệnh, rồi chết! Cuộc sống là như thế, người trần mắt thịt là thế. Nếu chết là hết thì còn có ý nghĩa gì nữa đâu, kẻ ác cũng như người hiền không còn di chứng cho đời sau. Nhưng đây rồi, luật Luân Hồi trong đạo Phật khuyên con người ta lúc sống trên cõi đời phải tích thiện cho đời sau, phải bỏ hết lòng dục trói buộc ở trần thế, phải biết sống có luân thường đạo lí, có thủy có chung, sống với điều thiện, loại trừ điều ác. Nếu làm được thế thì kiếp sau sẽ vô cùng tốt đẹp. Ngược lại, nếu sống vô luân, bạn cùng cái xấu cái ác thì khi chết xuống âm phủ phải chịu những cực hình trừng phạt ở nơi ấy, rồi kiếp sau sẽ phải làm súc vật chứ không được làm người nữa. Đạo Phật là đạo thiện, tin hay không tin vào luật luân hồi, vào cõi Niết Bàn thì tùy, nhưng tâm tốt, lòng thành trước bàn thờ Phật và trước mọi lẽ phải ở đời, thì con người chắc chắn sẽ biết thương yêu nhau và sống tốt đẹp hơn. Đó là chân lí cũng là mặt giá trị cao đẹp nhất của Đạo Phật đã tồn tại từ ngàn đời.
Ngôi chùa vắng lặng, tĩnh tại, sư cụ Thích Thiện Ích là bậc chân tu đã sống ở đây gần nửa thế kỉ, còn sư bác ở chùa chưa bao lâu, có cái tên đời thường là Lê Văn Đấm! Đúng là tên cúng cơm cha mẹ đặt cho từ thuở lọt lòng, nhưng xem ra cậu ta cũng vô cùng thích hợp với cái tên “Đấm”. Trước khi vào chùa đi tu, cậu ta là một tay đấm có hạng .Có sức khỏe, lại biết võ vẽ các miếng đấm, mẹo đấm, cộng với cái tính bẩm sinh là thích đấm, nên cứ đấm bạt mạng, giới bị đấm nhiều nhất là các loại cán bộ từ xóm đến xã. Cậu ta có lối đấm rất đặc biệt, người bị đấm thì rất đau, om cả lục phủ ngũ tạng nhưng không hề có thương tích, mà đau lắm. Đám cán bộ hễ cứ lơ mơ là bị cậu dần cho một trận rất kín đáo, không ai bắt được quả tang trừ hai người là cậu ta và kẻ bị cậu ta nện, tất nhiên cũng chả có thương tích gì bề ngoài cả. Giới cán bộ xóm, xã bị nện đau, bị làm nhục thì rất cáu, đã nhiều lần đẩy cậu ta đi cải tạo, nhưng hồ sơ không ghi được điều gì cụ thể nên trên không chấp nhận, vì ai lại cho đi cải tạo mà lí lịch không có vết gì. Cậu Đấm vẫn sống rất bình thường. Hàng ngày cậu đối đãi với mọi người hòa nhã, vì có sức khỏe nên cậu ta hay giúp đỡ bà con láng giềng lúc khuân bao thóc lên xe, lúc vác cái cối đá từ nhà ra cầu bến, hoặc làm giúp ai đó vài buổi đào vác đất mà không tính công. Nhưng với giới cán bộ làm giúp ai đó vài buổi đào vác đất mà không tính công. Nhưng với giới cán bộ trong trong làng trong xã thì cậu chỉ tìm đủ mọi cách để đấm, càng ngày càng gia tăng các vụ đấm. Thời bao cấp quan liêu cứ mỗi lần nghe thông báo hoặc mở đại tiệc liên hoan mừng đông xuân đại thắng vụ chiêm hay vụ mùa đại thắng ở hợp tác xã là thế nào phó chủ nhiệm kế hoạch và chủ nhiệm cũng bị cậu đấm cho vài trận, vì cứ sau mỗi thông báo liên hoan đại thắng là một lần giá trị ngày công lao động bị tụt xuống đến mức chỉ còn độ năm lạng thóc mỗi ngày. Do những trận chủ nhiệm và phó chủ nhiệm bị đòn ngầm mà làng cậu và xã cậu cứ bớt dần, bớt dần những “đại thắng”. Đến thời đổi mới, tất nhiên chuyện làm láo báo cáo không còn, thì lại nổi cộm lên chuyện “nộp các khoản” leo thang: năm đầu có 5 mục phải nộp, năm sau đã thành 10, rồi tiến tới 15-20-25… theo tốc độ tên lửa xuyên lục địa và cậu Đấm đã đấm mỏi cả tay, các vị chánh phó chủ nhiệm, trưởng thôn, trưởng xóm bị ăn đòn ngầm liên tục… cho đến khi cậu biết rằng cậu sắp phải đưa đi cải tạo thật sự, dù không có chứng cứ rõ ràng, thì cậu liền bỏ làng tìm đến ngôi chùa vắng này để tự mình sẽ cải tạo mình bằng con đường tu Phật. Sư cụ Thích Thiện Ích nhiều năm đã được nghe lời đồn về một người hay đấm tên là Đấm, có lối đấm ngầm là om cả lục phủ ngũ tạng mà không để lại một dấu vết gì, người bị đấm ngầm là om cả lục phủ ngũ tạng mà không để lại một dấu vết gì, người bị đấm không chết nhưng ít ra cũng bị đau đớn nhiều ngày. Lạ một điều là người đó không đấm dân, chỉ đấm quan. Các quan thời nay đang sung sướng, ăn nhiều chơi lắm, mỗi bước đi xe về pháo, quan nọ che chở cho quan kia, quan trên che chắn cho quan dưới, anh dân thường chẳng ai dám động đến cái lông chân của quan cho nên da dẻ quan cứ mỡ màng. Ấy thế mà có có một gã phó thường dân trời phú cho không học mà có võ, trời lại phú cho giỏi giang tài tình về khoa đấm ngầm, được đăng phong là “Trạng Đấm”. Sư cụ cũng nghe đồn rằng bằng biệt tài đấm ngầm ,“Trạng Đấm” đã dạy cho nhiều quan bài học đường đời, bớt đi sự hống hách đè nén dân thường, bớt đi sự khuếch khoác làm báo cáo hay, và đặc biệt là bớt dần “nộp các khoản” . Trong kinh Phật dạy phải lấy thiện mà trừ ác, lấy nhân nghĩa mà thắng cường quyền, còn Trạng Đấm thì lấy ác diệt tà để làm nảy sinh cái thiện! Trạng Đấm đang lúc thất cơ lỡ vận sắp phải vào tù, tìm đến cửa Phật xin tu. Nhà chùa là cửa Phật bao giờ cũng rộng mở. Sư cụ Thích Thiện Ích không những bằng lòng mà còn rất vui đón Trạng Đấm vào nơi cửa Phật. Thế là Trạng Đấm đi tu. Giới cán bộ thở phào mà mổ gà mổ lợn liên hoan ăn mừng. Con người đã thành “Trạng Đấm” này liệu có tu được không? Giữa những cú đấm ngầm và kinh Phật có dung hòa được không? Câu trả lời cần có thời gian. Nhưng từ ngày nhập chùa, Trạng Đấm sống rất đúng mực, theo đúng bổn phận và sư cụ Thích Thiện Ích rất hài lòng. Với sức khỏe như trâu, anh làm lụng cày cấy năm sào ruộng chùa ngon ơ. Ngoài ra còn làm hết mọi việc mà chùa cần, khách thập phương đến lễ ai cũng khen. Năm nay sư bác tuy đã ở độ tuổi ngót bốn mươi, chưa một lần lấy vợ. Thế rồi một ngày kia có người con gái đã từng là thanh niên xung phong thời chống Mĩ cứu nước cũng vào xin tu ở chùa này. Trạng Đấm nhìn cô ta đoán cũng chạc tuổi mình thôi, nhưng sao gương mặt gầy, nước da tái xám và buồn đến thế? Trạng Đấm cứ nhìn mà không nói gì. Rồi từ hai khóe mắt anh ứa ra hai hàng nước. Anh quay đi lau, rồi lại nhìn. Không phải cái nhìn của trai gái nhìn nhau mà là cái nhìn của một người như đã hiểu thấu được nỗi đau kia, hiểu thấu được bề sâu của đáy lòng, nỗi buồn bao ngày chất trong ấy. Khi anh hỏi: Vì sao em lại đi tu? Người em gái ấy cũng không nói gì, đôi mắt câm lặng, gương mặt câm lặng, một nỗi niềm câm lặng, biết nói thế nào. Rồi từ hai con mắt câm lặng ấy ứa ra hai hàng nước, mà mỗi giọt cứ như là giọt máu. Trạng Đấm không hỏi nữa, cũng không nhìn đăm đăm nữa, anh quay đi thu xếp chỗ ở cho người con gái có gương mặt sầu thảm này. Một gian buồng ấm cúng kín đáo mà sư cụ dành cho anh, nay anh quét dọn sạch sẽ, kê lại giường chiếu, mắc lại màn, rồi anh đến ở cái gian nhà kho cạnh bếp. Sư cụ bằng lòng. Ngôi chùa bao năm vắng vẻ lúc nào cũng như đầy sương sa, giá lạnh, giờ thêm hơi người, có một cái gì đấy ấm cúng hẳn lên. Công việc hàng ngày ngoài giờ cầu kinh niệm Phật là làm năm sào ruộng và mấy sào vườn. Chỉ một mình Trạng Đấm làm hết, nhất quyết không để người con gái mới đến động vào những công việc nặng nhọc. Anh chỉ phân công cho cô đi chợ rồi thổi cơm nấu canh và giúp việc cho sư khi hành lễ. Cũng chẳng hiểu vì sao lại như vậy. Anh thấy thương. Ở đời thường, anh là Trạng Đấm – đồng nghĩa với tàn bạo. Người ta dùng tình cảm, dùng lí lẽ để uốn nắn những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, còn anh thì dùng quả đấm nặng cân đầy bí hiểm. Như vậy anh phải có trái tim đá! Thế mà trái tim anh lại rất mềm mới lạ. Nhãn đến đây, thật tình không biết chùa này ngoài sư cụ lại còn có Trạng Đấm. Cô chỉ tìm nơi thật hẻo lánh để quên đời và cũng là để đời quên mình. Thế rồi vào đây, cô bắt gặp một người con trai, cứ trông cái bề ngoài to béo lực lưỡng thì con người này đầy chất đàn ông mà lại đi tu. Anh ta thật tốt bụng, quần quật từ sáng đến tối không lúc nào ngơi chân ngơi tay. Hỏi ở đâu đến, và vì sao lại tìm đến cửa chùa để rồi suốt ngày làm quần quật như trâu thế này, anh ta chỉ cười. Mãi sau này Nhãn mới biết đó là Trạng Đấm. Cô kinh ngạc. Vì rằng chuyện Trạng Đấm thì cô đã nghe từ lâu, người đời đã đồn đại từ lâu, nghe vui chẳng kém gì chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn. Cô không ngờ con người đã đi vào huyền thoại, đã biến thành truyện dân gian ấy lại là sư bác ở cái chùa heo hút lạnh lùng này, hiền lành, chất phác đến thế. Hồi còn ở làng trại Nhãn nghe người làng bàn rằng làng Trọng Nghĩa có ngũ tử trình làng, tức là năm vị lên phó: Phó Lười, Phó Xoáy, Phó Ba Gai, Phó Cuội, Phó Tán Gái! Năm vị phó này đủ làm cho làng xã náo động suốt chiều dài nhiều thập kỉ, khuấy đảo cuộc sống vốn thầm lặng nơi làng quê yên tĩnh, người ghét cũng nhiều, mà người yêu cũng không ít. Nhưng ở xã bên có làng Trọng Hợp lại có một chàng trai lúc đầu phong là Phó Đấm về sau dân tôn lên làm Trạng Đấm, mà chỉ chuyên đấm quan, có lối đấm bí hiểm làm cho các quan đau ê ẩm mà không để lại vết tích gì, không có cớ gì để buộc tội kẻ đã đấm mình. Nhưng mà đau, đau lắm. Chính vì thế mà quan làng Trọng Hợp được coi là tốt hơn quan các nơi khác, bớt hống hách, tham nhũng cũng chỉ ở mức vừa phải. Rồi một lần vào buổi tối có người ở làng Trọng Hợp đến tìm Trạng Đấm. Đó là một người đàn ông, tuổi có lẽ đã ngoài sáu mươi, người cao gầy, tóc đã bạc quá nửa đầu. Sau khi đã lên chùa chào sư cụ xong, ông ta đến gian nhà nhỏ cạnh bếp, nơi Trạng Đấm ở, hai người ngồi ngay trên chiếc giường ba đai cũ kê phía trong pha trà uống nước và nói chuyện. Lúc ấy Nhãn đang đun ấm nước trong bếp nên nghe rõ câu chuyện. Thoạt kì thủy, ông khách nói:
- Cậu Trạng Đấm à, cậu phải về làng thôi…
Trạng Đấm rót nước vào tách mời, rồi thư thả trả lời:
- Bà con hàng xóm họ mạc cùng anh em quên cháu đi, giờ cháu tu nơi cửa Phật rồi.
- Nhưng không có cậu là gay…
- Gay thế nào, bác kể đi, bác Đụn?
Người đàn ông có tên Đụn nâng chén trà nóng lên uống một ngụm nhỏ rồi thư thả trả lời:
- Mấy vụ nay chuyện “nộp các khoản” lại tăng lên thêm mấy khoản nữa, mà toàn những khoản vu vơ cả!
- Thế à? Những khoản gì vậy?
- Nào góp tiền để xây nhà khách, nào thêm quỹ xã giao…
- Chết, thế à? Dân có nộp không?
- Không nộp mà được à? Ngày chú còn ở làng chú biết đấy, cán bộ đã bàn rồi ghi cái gì vào phiếu “nộp các khoản” mà dân ai chả phải nộp? Không nộp xã lấy ruộng thì có mà chết đói!
- Thế bác có biết rõ vì sao vụ này lại thêm hai khoản xây nhà khách và quỹ xã giao không?
- Tôi thấy trưởng thôn giải thích rằng bây giờ nông thôn đang tiến lên hiện đại hóa nên cần xây gấp cái nhà khách thật đẹp và phải có quỹ xã giao để tiếp khách mà quỹ xã không có, trên không cho thì không bổ đầu dân thì bổ vào đâu? Mà không có cái nhà khách đẹp và không có quỹ xã giao thì làm sao tiến lên cơ giới hóa, hiện đại hóa nông thôn?
- Thế đã phải đóng chưa?
- Đang chuẩn bị giục rịch đóng! Bà con đang bảo tôi đi tìm chú xem có cách nào, chứ cán bộ cứ tùy tiện thích cái gì là ép dân đóng tiền để làm thế này thì nặng quá…
- Thế bác có biết đích xác vị nào đầu têu ra cái chuyện xây nhà khách đẹp và quỹ xã giao không?
- Đích danh là chủ tịch xã!
- Vẫn là Ngô Văn Đụt à?
- Thì còn ai vào đây! Lão tên là Đụt mà chẳng có đụt chút nào cả! Mấy năm nay lão chỉ làm có hai việc là bán và xây. Muốn xây thì phải bán, mà có bán mới có xây. Đất đai và các công trình của xã, cái nào chỗ nào bán được là ủy ban bán tất, rồi lại vẽ ra xây lại ở chỗ khác. Mỗi lần bán thì bán cao, ghi hạ, tiền thừa ra chia chác nhau nhiều lắm, rồi khi xây lại thì xây hết một ghi thành hai, hoặc ăn vào mấy chục phần trăm ở hợp đồng với bên thầu xây dựng. Béo bở lắm! Xã đã có cái nhà khách rồi, cũng khang trang ra trò, mà diện tích đất sử dụng rộng hàng mẫu. Thế rồi đem bán nghiến cả đất lẫn nhà để hưởng chênh lệch giá cả, nhí nhúp giữa người mua kẻ bán. Chỉ được một phần tiền xây cái mới, thế là nảy ra chuyện cho vào mục “nộp các khoản” của từng hộ phải đóng góp…
Khách ở quê đến chỉ nói thế rồi ra về. Trạng Đấm tiễn ra  tới cổng chùa rồi mới quay vào. Đếm ấy anh đi ngủ sớm. Rồi hôm sau, mọi công việc nhà chùa Trạng Đấm làm gọn trong buổi sáng. Buổi chiều anh nằm nghỉ. Ăn cơm chiều từ lúc ba giờ. Bốn giờ anh vẫn mặc quần áo nhà chùa, nghĩa là bộ quần áo ta bằng vải màu nâu thẫm, đạp xe đạp đi, chỉ hẹn lại Nhãn: “Tôi có việc có lẽ quá tối mới về, sư cụ có hỏi thì bảo tôi đi mua hương hoa nhé…”
Tối hôm ấy, Trạng Đấm về làng, nhưng không về nhà, anh giấu xe đạp vào một bụi cúc tần rậm rạp bên đường, đoạn gần với trụ sở ủy ban xã, rồi cũng cởi nốt bộ quần áo nhà chùa bên ngoài buộc vào xe. Sau khi đã giấu kín xe đạp nhà chùa vào bụi, Trạng Đấm chỉ mặc độc nhất có quần đùi và may ô, trông khỏe như một cầu thủ bóng đá có hạng. Bằng sự nhạy cảm và sự tinh khôn nghiệp vụ mà hàng chục năm đã thành thạo, chỉ nửa giờ sau, Trạng Đấm đã tóm được Ngô Văn Đụt chủ tịch xã – con người mới vẽ thêm hai khoản nữa điền vào tờ “nộp các khoản” bắt dân Trọng Hợp phải đóng thêm. Những quả thụi túi bụi vào mạng mỡ, vào bụng cứ như trời giáng tới tấp. Sau hàng loạt cú đấm điêu luyện của Trạng Đấm, ngài chủ tịch xã chỉ còn có hự hự nuốt đòn, mồm ngài như có ai vừa khóa lại, lưỡi cứng ra, mắt hoa nẩy đom đóm. Ngài lảo đảo nhưng không đổ sụp xuống mặt đường được vì có một bàn tay sắt đã túm chặt lấy ngực áo ngài. Trong lúc hoảng loạn tâm trí, lúc đầu ngài tưởng bị chồng cô thư kí văn phòng đón đánh ghen, bởi vì mới tối hôm qua sau trận bia non và rượu ngoại tiếp ông phó chủ tịch huyện về kiểm tra tình hình đất đai tại văn phòng ủy ban, lúc tan thì đã 10 giờ đêm, mấy vị khách lên xe về huyện, lẽ ra trong cơn thèm khát sau bữa đại tiệc ngài phải về buồng nhà đè vợ, thì ngược lại “nhầm” đè luôn cô thư kí văn phòng. Hai người ôm ấp quấn quýt suốt một tiếng đồng hồ mới chịu buông, đến nỗi hai đầu gối ngài quỳ xuống nền nhà nhiều mà choét ra. Sáng hôm nay khi ngủ dậy, bà vợ phát hiện ra hai miếng choét ở hai đầu gối chồng liền hỏi: “Hai đầu gối anh sao thế?” Ngài ứng biến: “Anh ngã xe máy!” “Thế có bị chỗ nào nữa không?” – Bà vợ hỏi vặn lại. “Không! Anh chỉ bị choét hai đầu gối thôi!” – Ngài trả lời. Bà vợ nghi ngờ hỏi lại: “Vì sao ngã xe máy mà lại chỉ có hai điểm ở đầu gối bị choét giống hệt nhau to vừa bằng đồng xu?” Ngài liền lên gân quát vợ “Vớ vẩn!” Bà vợ cười nhạt: “Chắc tối qua ông lại nhầm tôi với con bé thư kí văn phòng chứ gì?” Ngài tái mặt lườm vợ: “Bà khóa cái mồm lại cho tôi nhờ!” Bà vợ ấm ức mà đành im. Vợ mình thì không lo – Ông nghĩ vậy – vì các vợ quan bây giờ đều “giác ngộ” đặt “sự nghiệp” của chồng cao hơn tình yêu. Chồng còn làm quan thì vợ ăn trắng mặc trơn, ra giày vào dép, đi đâu cũng có người vồ vập, còn nếu chồng mà hết quan thì coi chừng phải sắn váy quai cồng chổng mông ngoài ruộng mà “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, rồi cơm rau muống chấm nước cáy! Vì thế mà sáng nay ngài thoát cơn ghen của mụ Hoạn Thư. Còn bây giờ giữa cái lúc nhập nhoạng tối thế này, đã có thằng thộp ngực rồi đấm túi bụi vào cái mạng sườn thì ắt hẳn phải là thằng chồng của nàng thư kí ủy ban? Cái thằng chồng này vốn rất đần cơ mà, gặp mình đâu nó cũng anh anh em em chào hỏi rất tươm tất cơ mà? Ối chà, đần thì đần chứ anh đè vợ nó đến choét cả hai đầu gối thì uất lên là nó phải nện!
- Câm, sao mày lại đấm tao? – Chủ tịch Lê Văn Đụt vừa ôm bụng vừa thều thào hỏi.
Khốn khổ, người có tên là Câm – Phạm Đình Câm lúc này đang ngồi gò lưng giã bột cho con ở đầu hè nhà, thậm chí anh ta cũng không hề biết rằng đêm qua vợ về muộn là do “bị đè”. Thay cho câu trả lời là liên tiếp những cú đấm như kiểu các võ sĩ luyện đấm vào bì cát, vào bụng, vào sườn. Ngài chủ tịch thực sự hốt hoảng, trời tối lắm nên ngài chỉ loáng thoáng thấy một cái bóng lờ mờ lúc ẩn lúc hiện. Hay là ma? Ngài vốn không tin vào ma quỷ thánh thần, thế mà lúc này vẫn thoáng hiện trong đầu ngài cái ý nghĩ rằng mình bị ma hành. Phải, chỉ có ma mới làm được cái trò này. Trong khi ngài vừa chống đỡ, vừa nghĩ ngợi về chuyện ma quái thì bụng ngài, lưng ngài bị xơi liên tiếp các cú đấm… Đi cùng với những cú đấm hình như là có tiếng hỏi: “Đã chừa bịa ra các khoản mới chưa?” Hử? Thế này là thế nào? Ma nào lại hoạnh mình về chuyện “nộp các khoản” thế này? Lại một cú đấm trời giáng và kèm theo câu hỏi: “Chừa chưa?” Ngài chẳng biết mình phải chừa cái gì, nhưng vì đau quá nên lắp bắp trả lời: “Chừa rồi!”. Lại một cú đấm vào mạng mỡ và tiếng hỏi: “Chừa thế nào?” Chừa thế nào ư? Chừa bia? Chừa rượu? Chừa trà? Hay chừa đàn bà? Một trà, một rượu, một đàn bà – ba cái thú vui rất hợp ý ta – dùng được càng nhiều càng hay – Nếu không chết cũng sẽ ra ma! Cha cha! Ba bốn cái khoản này là chất lượng cuộc sống, khó chừa lắm!
- Ta hỏi nhà ngươi là chừa bịa ra các khoản chưa?
Tiếng rít trong bóng đêm kèm theo một cú đấm vào mạng sườn.
- Khoản nào ạ? – Ngài đau quá ú ớ hỏi lại.
- Khoản xây nhà khách! Khoản quỹ xã giao… - tiếng từ bóng đen rít lên.
- Ối cha mẹ ơi… - Ngài rên rỉ -, Tôi chết mất…
- Chừa chưa? Ta hỏi mi một lần nữa, nếu không ta sẽ cho về chầu Diêm Vương!
- Chừ a.. a… rô ồ i…ạ ạ ạ…!
Ngài lại rên rỉ trả lời. Lúc này đối với ngài tất cả là tối tăm mày mặt. Không hiểu đòn “săng đan” của mật thám Pháp ngày trước có đau đớn đến thế này không, chứ những cú đấm ngầm mà như trời giáng từ nãy đến giờ thì quả là địa ngục cũng chưa thấm gì. Nói được câu “chừa rồi” là ngài gục. Ngài nằm co như con tôm ở mé đường rất lâu cho đến khi trời đổ mưa rào, những hạt mưa to tới tấp đổ xuống đầu và toàn thân ngài làm ngài tỉnh hẳn. Ngài lao đầu chạy thục mạng về nhà. Ngôi nhà hai tầng của ngài đang sáng choang trong ánh điện. Ngài đứng bên cánh cổng khóa gọi thều thào vào nhà:
- Mình ơi…
Tiếng ngài lọt thỏm giữa những tiếng mưa rơi bồm bộp. Vợ ngài, một mẹ sề ngũ tuần có lẻ, hơn ngài vừa đúng hai tuổi - ấy là hồi ngài lấy vợ người ta bảo gái hơn  hai trai hơn một là tốt. Thời ấy thì ngài hôn hít, một điều anh hai điều em. Còn bây giờ, lúc vắng mặt, ngài toàn gọi là con mẹ sề. “Con mẹ sề” ấy được ngài vỗ béo cho, giờ cũng sắp to bằng cái phi thóc, lúc này đang ngồi ở bộ ghế sa lông đệm mút…
- Mình ơi…!- Ngài lại gào lên – Con mẹ sề, mày ngồi chết dí ở ghế thế mà không ra mở cổng cho tao vào hả? – Ngài gào lên rất to.
Người vợ nghe tiếng động biết chồng về, liền quàng áo mưa rồi chạy ù ra mở khóa. Thấy chồng ủ rũ, tím tái, liền hỏi:
- Ông làm sao thế?
- Sao với giăng gì, nhà còn thuốc bóp không? Lọ mật gấu ấy…
- Còn.. còn.. Nhưng mà làm sao thế? – Người vợ cuống quýt hỏi lại, rồi quàng vội áo mưa lên người chồng và dìu chồng vào nhà.
- Tao vừa bị ngã, hiểu không? – Ngài vừa nói với vợ lúc vợ dìu vào buồng để thay quần áo.
- Ngã đau lắm à? – Người vợ hỏi lại.
- Ừ đau! – Ngài gật đầu – Đưa bộ quần áo khô đến đây rồi lấy khăn khô lau khắp cái tấm thân phì nộn của chồng vừa dán mắt vào nhìn để tìm những vết bầm tím.
- Không! Không thấy có vết nào cả! – Bà vợ nói -, Ông ngã thế nào?
- Bị trời đánh! – Ngài trả lời –Thôi mọi cái bàn sau, đưa ngay lọ mật gấu ra đây…
Ngài nằm xuống giường, cái giường đệm mút êm ru, rồi bảo vợ dùng lọ mật gấu đã pha chế xoa lên khắp người. Bắt đầu từ đây, ngài mới thấy đau dữ dội, cơn đau như xé khắp người…
Trạng Đấm về đến chùa Đấu vào lúc nửa đêm. Sư cụ Thích Thiện Ích đang tụng kinh trên chùa. Nhãn vẫn ngồi trong phòng mình với ngọn đèn dầu vặn nhỏ. Chị không ngủ, đôi mắt luôn hướng về phía gian xép cạnh bếp. Chị đang mong và cũng đang lo. Không biết anh Đấm đi đâu, mà giờ này vẫn chưa về? Anh đã đi tu chùa, có nghĩa là vất bỏ đời thường, mọi sự đời coi như để ngoài, rũ sạch lòng trần tục, thế thì có việc gì mà người làng lại đến tìm rồi anh hớt hải ra đi và mãi đến bây giờ đêm đã khuya vẫn chưa về? Có chuyện gì không hay xảy ra với anh không? Nhãn đã tắt đèn lên giường nằm, nhưng rồi nằm mãi mà không ngủ được, cứ vẩn vơ lo nghĩ. Rồi Nhãn bật dậy, lại thắp đèn, đưa quyển kinh ra đọc. Một lúc sau thì chợt ngoài cổng có tiếng động, con chó vàng đang ngồi đầu hè bỗng cong đuôi mừng chạy ra đầu ngõ, cuống quýt nhảy bổ lên vì mừng. Trạng Đấm thư thả dắt xe vào sân. Nhãn cũng rời buồng mình đi ra:
- Sao anh về khuya thế? – Nhãn hỏi.
- Vì công việc mà! – Đấm trả lời rồi dắt xe đưa vào nhà ngang để.
- Chắc là anh đói lắm phải không? Có oản, chuối và chè kho để phần anh đấy. Lúc nãy sư cụ hỏi, em bảo anh đi mua hương….
Nói rồi Nhãn về buồng mình. Đấm đến nhà nhà ăn, ăn qua quýt mấy miếng chè kho rồi lên chùa dọn dẹp và mời sư cụ đi nghỉ. Anh khoan khoái ngả lưng xuống chiếc phản gỗ cũ, nhưng rồi nằm mãi mà không sao ngủ được. Đời thế mà phức tạp. Anh vừa mới đấm cho chủ tịch xã Trọng Hợp một trận phải nói là om đòn. Tay này hồi ở nhà, anh cũng đã đấm nhiều trận. Đời đã phong anh là Trạng Đấm thì có nghĩa đời anh gắn liền với quả đấm. Từ nhỏ anh đã đấm. Trưởng thành lại càng đấm. Giờ đã vào nơi cửa Phật, vẫn phải quay về làng: Đấm! Đấm vào cái ác để làm nổi lên cái thiện, có gì là trái với đạo Phật đâu? Đêm nay anh sẽ ngủ ngon giấc, khoan khoái như người vừa làm xong một việc thiện.
Đấm đã vào tuổi ngót bốn mươi. Ở vùng quê anh con người lam lũ, chẳng có gì làm vui ngoài trừ những giờ lao động cực nhọc, nên thường lấy vợ lấy chồng ở tuổi đôi mươi, và đấy là cái thú vui duy nhất mà tạo hóa công bằng ban cho. Mãi ở tuổi ngót bốn mươi mà chưa lấy được vợ là dứt khoát xếp vào hạng đại ế! Ế chồng thì nhiều chứ xưa nay ế vợ đã mấy ai? Thế mà con người to cao, đầy chất đàn ông như anh lại luôn luôn bị chế là “ế vợ”!
Thật ra anh cũng đã có mấy mối tình, ngọt ngào và đắng cay. Tạo hóa buổi đầu đã xếp cho anh yêu một người con gái cùng quê tên là Ngọc. Nàng xinh xắn, da trắng tóc dài, khi cười thì cả hai bên má đều có lúm đồng tiền. Nhà nàng ở thôn dưới, cách nhà Đấm một đoạn đường, một đoạn sông. Năm ấy Đấm mới ngoài hai chục tuổi, còn nàng thì vừa chẵn hai mươi. Quê Đấm cũng là vùng sông nước đồng chiêm. Ngày ấy Đấm thường đi câu vút, tức là câu cá quả, hay còn gọi là câu cá chuối. Năm nào cũng vậy, cánh đồng làng thường chỉ cấy mỗi vụ, sau vụ gặt chiêm là mùa mưa, cả cánh đồng chìm ngập trong nước, rồi rong rêu lăn lác mọc lên cùng với sen Nhật Bản. Cũng là nơi sinh sôi nảy nở của loài cá chuối. Đấm thường bồng bềnh chiếc thuyền nan đi câu khắp cánh đồng, chủ yếu là những vệt sen, vệt rong đuôi lươn, đuôi chó. Có một cô gái cũng hay xuất hiện ở đồng, lúc thì mò cua ốc, lúc lại xúc tép, mà đã mò đã lội xúc tép là nước đục, là “động” , bao nhiêu cá chuối kinh hoàng, lẩn chúi xuống bùn, làm sao còn có thể nhử chúng đớp mồi. Chẳng biết có phải nàng Ngọc chủ trêu ngươi chàng Đấm hay không, mà cứ hễ vệt câu nào đẹp là nàng lội vào để mò, hoặc xúc tép làm động hết. Đấm thở dài nhìn con cá sộp to sắp đớp mồi mà “động” liền quẫy mạnh rồi chuồn đi, nói:
- Cô ơi… cho tôi nhờ tí…
Cô gái thản nhiên vừa luồn rổ vào đám rong rêu lùa tép, vừa trả lời:
- Em cũng nhờ anh tí, vệt này lắm tép trứng lắm…
- Nhưng tôi đứng câu trước, còn cô thì đến sau…
- Sau trước thì làm sao hở anh?
- Chả làm sao cả! Có điều là con cá tôi nhử sắp cắn mồi thì cô đuổi nó đi!
- Anh câu vệt khác không được ư?
- Thế cô xúc  tránh ra một quãng cho tôi nhờ thì sao?
- Sao đến tối mới mọc! Còn bây giờ thì vệt này lắm tép anh ạ…
Tức uất lên, Đấm gắt:
- Có lùi ra xa không thì bảo? Còn sào đây tôi lại quật cho mấy quật bây giờ!
- Anh quật đi, đố anh đấy? Anh tưởng anh là Trạng Đấm mà em sợ anh à?
Đấm ngẩn người. Đây là lần đầu tiên Đấm gặp một tình huống thế này. Đúng là Phó Đấm, mới được phong Trạng Đấm, nhưng Trạng Đấm là Trạng Đấm với những ai kia chứ, lẽ nào lại “Trạng Đấm” với đứa con gái nứt mắt này?
- Này cô em, tốt nhất là cô để yên cho tôi câu…
Cô gái dẩu môi:
- Còn anh, tốt nhất là câu chỗ khác, vì chưa bao giờ có một nơi mà toàn tép trứng lẩn vào rong nhiều thế này…
Đấm ngừng câu, ngẩn người trước sự bướng bỉnh không ngờ của “con nhãi ranh”. Đấm thở dài rồi thu cành câu đi xuống thuyền, tiếc con cá sộp đứt ruột mà đành đẩy thuyền đi chỗ khác.
- Liệu hồn đấy nhá! – Đấm ném lại một câu như vậy.
- Có anh liệu hồn thì có! – Cô gái dẩu môi trả miếng.
Đấm đẩy thuyền đi khắp nơi khác đứng câu, nhưng tuyệt nhiên ngày hôm đó không hề có con cá nào đớp mồi, cuối ngày buồn bã đẩy thuyền về không. Cái nghề câu này tiền đề đã ám là hỏng. Rồi liên tiếp các ngày sau, ngày nào cũng chạm trán cô gái xúc tép, và phần thua bao giờ cũng thuộc về con người đã được phong làm Trạng Đấm. Đến lúc này thì chỉ còn có hai cách: một là “đấm” – phải cho con ranh này một trận nhừ tử để biết nếu vuốt râu hùm thì sẽ như thế nào! Hai là, giảng hòa – tức Trạng Đấm phải xuống thang. Mà con bé này sao nó lại bướng đến thế? Hay là có uẩn khúc gì chăng? Nó ngứa hay sao mà lại trêu ngươi để được ăn đấm? Thế rồi một lần, khi đang nhử tổ ròng ròng có con mẹ sộp to đến bằng bắp chân, cô gái xúc tép ấy lại đến. Hôm nay cô không xúc mà cô lại mò cua ốc. Mà đã mò thì ôi thôi, bằng đuổi cá đi chứ còn câu kẹo gì nữa! Giờ tính sao đây? Vác cành đẩy thuyền về không, hay là đấm?
Thoạt trông cô ta còn mò từ đằng xa, Trạng Đấm đã lên tiếng:
- Cho anh em nhờ tí nhé! Có tổ ròng ròng mẹ to lắm…
- To bằng nào? – Cô gái hỏi lại mà cứ mò lấn tới.
- Dừng lại! – Trạng Đấm quát – Nếu còn nhích một xăng ti mét nữa thì đừng có trách!
- Em sẽ nhích hẳn một trăm xăng ti mét nữa cho anh coi… Vừa nói cô gái vừa tiến thêm khoảng một bước.
- Dừng lại! – Trạng Đấm lại gào lên – Con mẹ nó sắp đớp mồi rồi! – Dừng lại cho nhờ…
- Em nói thế này….
- Nói mau! Và đừng nhúc nhích nữa!
- Em sẽ không nhúc nhích nữa, nhưng nếu được thì chia đôi?
Trạng Đấm gật đầu:
- Cho cả! Lùi lại phía sau năm bước, mau!
Vừa lúc ấy con cá mẹ ghen con, khi con mồi của Đấm vừa lướt vào chỗ của tổ con nó, nó liền lao ra đớp luôn, chờ cho nó nhai để bật cỏ độn ở đầu lưỡi câu là Đấm mới giật. Con cá bị vướng lưỡi câu bất ngờ hoảng loạn giãy giụa điên cuồng. Đấm phải dùng hết sức cuộn cước và kéo cần, con cá nặng quá làm cho ngọn cành câu gục hẳn xuống, tưởng gãy. Cô gái nhìn thích quá reo lên:
- To quá! Anh kéo nhanh lên kẻo nó tuột lưỡi mất…
Nhưng nguy rồi, con cá to đến bằng bắp chân, đầu nhô lên đen trũi, lôi được vào đến quãng giữa vệt câu thì nó giãy rất mạnh và bị vướng vào một đám rong rêu, rễ sen Nhật Bản nên không thể nào kéo tiếp nó vào bờ được nữa. Trong trường hợp này cứ cố kéo thật mạnh thì gãy ngọn cành câu hoặc bị oải lưỡi câu, hoặc rách mép cá, nó sẽ tuột và thoát. Trạng Đấm liền hô lên: “Em gái ngoan ơi em giúp anh với…”
- Giúp thế nào cơ?
- Bị vướng rồi không kéo nó vào được, anh giữ cần câu còn em thì đem cái rổ đến luồn vào dưới đám rễ bèo Nhật Bản, chỗ có con cá đang quấn vào đấy cho nó vào rổ đưa đến đây cho anh…
Cô gái nhanh nhẹn hối hả làm theo. Cô lội ào ào đến chỗ có đám sen Nhật Bản rồi luồn luôn cái rổ rất to của mình xuống dưới đám rễ có con cá sộp đang vướng trong ấy rồi bê cao lên trên mặt nước, và từ từ đưa đến chỗ thuyền câu của anh chàng Trạng Đấm. Con cá to thật! Khi cô bê cái rổ lên thuyền nó mới lộ hẳn ra đúng là dài và to đến bằng cái bắp chân người lớn. Trạng Đấm nhìn con cá thích quá. Cái nghề đi câu bao giờ cũng vậy, mỗi lần cá đớp sảy mồi là hồi hộp đến nảy tim, nó đớp trúng mồi thì càng hồi hộp và nếu giật sảy hoặc đang kéo vào bờ mà nó tuột ra được thì tiếc đến đứt ruột, còn nếu được thì nó sung sướng đến phát run, tưởng như vớ được vàng!
Hôm ấy Đấm đã tặng cô gái con cá quả to nhất mà anh câu được, bởi chẳng hiểu sao cho đến lúc ấy anh lại thấy không tức, không ghét con người đã mấy lần làm động vệt câu để suốt ngày anh chẳng câu được con nào, vác cành câu về không. Anh cứ nhìn như dán mắt vào hai lõm động tiền ở hai bên má cô gái. Làm lành từ buổi trưa hôm ấy. Rồi nhớ nhau cũng từ buổi trưa hôm ấy. Rồi cũng từ đấy ngày nào bóng hình hai người cũng thấp thoáng trên đồng ,con thuyền câu luôn tìm cô nàng xúc tép. Có thể là nó dõi theo cô, cô xúc tép chỗ nào, mò cua ốc chỗ nào là chiếc thuyền câu đi theo hướng ấy. Đấm quăng mồi cả những chỗ mà cô gái kia vừa mới lội đục, dĩ nhiên là chả có con cá nào cắn mồi cả, chỉ là để được gần, được tiếp cận một hình ảnh đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Rồi cũng chẳng hiểu thế nào mà một hôm cô nàng lại cho chàng Trạng Đấm ngân ngẩn rá tép. “Anh đưa về mà làm mắm! Khi nào ăn mắm ngon thì nhớ…” Cô ta nói vậy. Đấm đã đổ cả ngân ngẩn mủng cá quả sang cái rổ xúc tép rồi lại đổ tép vào mủng cầm về. Mẹ chàng đã làm một liễn mắm tép rất ngon, có cả giềng giã bỏ vào màu đỏ au, bác lên ăn thơm phức. “Ăn rồi nhớ…” gớm hẹn gì chả hẹn lại hẹn thế. Mà chả ăn mắm ngon thì cũng nhớ rồi còn phải hẹn gì nữa! Mà mắm tép đồng bụng đang chứa đầy trứng làm mắm ngon thật. Hết liễn mắm này lại được người đẹp cho liễn mắm khác. Thế rồi cái gì đến ắt phải đến. Vào những ngày ấy, Đấm gác hết mọi công việc khác, chỉ chăm chú đến chuyện đi câu mà cô nàng Ngọc cũng chỉ thích đi mò trai ốc, hoặc xúc tép mà thôi. Thế là cứ tha hồ gặp nhau, vừa giật cá bùng bũng vừa liếc gái. Ăn hết độ năm liễn mắm tép thì tình yêu trong Đấm bỗng cũng ngấu như mắm, cũng đỏ như mắm. Rồi một lần trời đang nắng bỗng mưa to, hai người lên cái trại hoang giữa đồng chui vào cái lều vịt bỏ không ngồi tránh mưa. Cơn mưa tháng bảy dai dẳng gần hết buổi chiều. Cho đến khi mưa tạnh thì bầu tâm sự cũng vừa trút xong. Thả vỏ quýt lâu ngày giờ được ăn mắm ngấu nên chóng vánh lắm, bên này chưa nói, bên kia đã gật. Rồi thì nụ hôn đầu đời trao nhau giữa tiếng sấm sét vang trời…. Cũng vào thời điểm ấy Trạng Đấm đang thực thi những cú đấm ngầm vào mạng sườn của các vị chức sắc trong làng, trong xã. Hàng loạt chức sắc từ cấp xóm đến cấp xã đã bị nếm đòn ngầm, trong đó có ông Ngọng là bố đẻ của nàng Ngọc, người mà Đấm đang yêu. Ông này hiện đang giữ chức trưởng ban thủy lợi của hợp tác xã. Đứng ở chức trưởng ban, nhưng ông chẳng hiểu mô tê gì về thủy lợi. Nghe thấy huyện, thấy tỉnh phát động phong trào thủy lợi mà mà cách tính thành tích là ở số lượng mét khối đào đắp, thế là về xã, ông cứ chỉ bừa ra cánh đồng và phát động đào bới thật nhiều. Kết quả là cánh đồng nào cũng như gà bới chi chít các mương ngòi chồng chéo mà chẳng để làm gì. Vì vậy, ngoài cái tên là Ngọng – do ông chúa là hay nói ngọng nói nhịu, người ta đặt thêm cho ông một cái tên nữa để ghi công tích của ông là “Gà Bới”. Ông trưởng ban Gà Bới này đã hai lần bị Trạng Đấm cho ăn đòn ngầm. Trận thứ nhất cách đây năm tháng. Ấy là vào một buổi chiều, suốt một buổi chiều ông đi “thị sát” các cánh đồng để chuẩn bị cho một chiến dịch “gà bới” lần này, thì từ bụi cúc tần bên vệ đường có một bóng đen nhô ra, rồi loáng một cái ông thấy mặt mày tối tăm, những cú đấm cứ tới tấp nhằm vào bụng, vào ngực ông mà nện. Rồi những tiếng quát giọng lơ lớ như giọng ma:
- Chừa “gà bới” chưa?
- Dạ…bẩm…
- Còn “gà bới” nữa không?
- Dạ…bẩm…
Thoạt đầu ông cho là bị ma hành. Bởi cánh đồng này xưa nay vẫn nổi tiếng là nhiều ma. Đã có mấy cô đi làm bèo dâu về đêm bị ma bóp vú đến nhũn nhẽo. Thế rồi ông ngờ ngợ. Ma lớp này cũng quan tâm đến trần thế? Mà lại hỏi ông chừa “gà bới” chừa là chừa thế nào? Tuy vậy, ông vẫn cho rằng đích thực chỉ có ma mới ghét ông, vì ông là trưởng ban thủy lợi. Mà đã là trưởng ban thủy lợi, tức là người cầm đầu cho đám chuyên đào bới, động tới âm ti. Thế thì ông bị ma hành, ma chặn đường đánh là có lý. Lúc này trời đã tối lắm, cả cánh đồng chỉ thấy vù vù gió thổi và đom đóm lập lòe chi chít. Những cú đấm của ma thật điêu luyện, cứ bình bịch, bốp bốp vào mạng sào rau của ông không tài nào chống đỡ nổi.
- Này trưởng ban thủy lợi này..
- Ối…
- Này trưởng ban gà bới này…
- Ối…
- Này liên hoan đại thắng gà bới này…
- Ối…
Phải một lúc lâu lắm ông Ngọng mới chạy thoát. Ông bỏ bữa liên hoan tối hôm ấy nằm ở nhà rên ư ử suốt đêm. Ông kể chuyện cho vợ nghe ông bị “ma nện” như thế nào. Bà vợ vốn duy tâm nên ngay hôm sau đi chợ mua đồ cúng lễ để ra nhà chùa, ra đền và các miếu trong làng. Bà khấn khứa rất lâu để các ngài phù hộ cho chồng mình đừng bị “ma nện” nữa. Phải một tuần sau, do các ngài phù hộ và lễ tốt, chồng bà mới bình phục. Nhưng vừa bình phục thì lại có công văn của huyện gửi về thúc thi đua thủy lợi, lần này cũng như các lần trước chỉ cần con số mét khối đào đắp, ngoài ra không cần biết gì thêm. Trong khi tất cả các cánh đồng đều đã chi chít kênh mương ngòi rạch ngang với gà bới, thì lại phát động tiếp chiến dịch gà bới mới. Lần này ông huy động toàn lực, ngoài đội thủy lợi 202, đội bán chuyên thủy lợi, lại huy động tất tật các xã viên ra đồng để thi đua làm thủy lợi, ai không làm sẽ bị trừ thóc vào mức ăn. Thế là cả xóm, cả thôn, cả xã đổ ra đồng đông như kiến, đào bới be bét suốt mười ngày liền. Hôm tổng kết chiến dịch thủy lợi, ban quản trị hợp tác xã ngả hai chó, ba gà, vị nào vị ấy say khướt từ chiều cho đến gần nửa đêm. Lúc ra về, từ trụ sở đến nhà ông phải đi qua một quãng vắng, đến đúng chỗ có khóm chuối tiêu đen xì xì trong đêm thì chiếc xe đạp Thống Nhất của ông vấp phải một hòn đất ải rất to chắn ngang đường. Ông Ngọng ngã sõng xoài ra mặt đất, rồi một trận mưa đấm cứ bình bịch thúc vào bụng, vào sườn…
- Này thi đua thủy lợi này… Bịch! Bịch!...
- Dạ bẩm…
- Này cố chạy giấy khen này….
- Dạ bẩm…
- Này liên hoan đại thắng này…
- Dạ bẩm…
- Này khuếch trương thành tích gà bới này…
- Dạ bẩm…
Ông trưởng ban thủy lợi Phùng Văn Ngọng líu hết cả lưỡi, ngọng nghịu như đứa trẻ lên ba. Đến lúc hoàn hồn thì chẳng thấy gì cả, chỉ có khoảng trời tối om với vô vàn đom đóm bay lập lòe ở các vệt giậu phía làng. Phải vất vả lắm ông mới dắt nổi cái xe đạp về nhà. Ông cởi hết quần áo, vào buồng lấy đèn pin soi khắp người để tìm các vết bầm tím trên da, nhưng tuyệt nhiên không hề có vết tím nào cả. Thế mà suốt đêm hôm ấy và mấy ngày sau ông còn thấy đau đớn. Lần này thì ông không cho rằng mình bị ma đấm nữa rồi. Không có con ma nào lại đấm giỏi thế! Mà ông có tội gì với ma quỷ đâu? Vợ ông lại luôn luôn mua các đồ cúng về cúng vái cơ mà?
Cũng vào thời điểm ấy, cô con gái đầu lòng của ông tên là Ngọc đang bắt tình nhân với một gã con trai, láo lếu đến mức được phong là Phó Đấm. Không một vị nào công khai nói là mình bị đấm. Trước đây Phùng Văn Ngọng cũng chỉ nghe đồn, chưa mục sở thị lần nào. Mà đã là lời đồn thì chẳng tin làm gì. Cũng đôi ba lần ông hỏi ông chủ tịch, ông chủ nhiệm về chuyện người ta đồn. Mấy ông bị nếm đòn Trang Đấm thì đều hùng hồn nói rằng chưa hề bị ai đấm cả! Các ông còn dài cổ lên gân: “Láo! Thằng nào dám đấm chủ tịch, chủ nhiệm?” Sau hai lần bị đấm mà không thể biết rõ kẻ đấm mình là ai thì trong ông bắt đầu nổi lên câu hỏi: “Hay là…” Tiếp đến, ông lại nghe thấy người ta đồn rằng con gái ông đã thành nhân tình của Trạng Đấm. Bằng chứng là ngày nào nó cũng thích đi mò trai ốc, hoặc là đi xúc tép, mà trước đây thì nó ngại. Mà đi mò hay xúc tép là cái cớ để gặp thằng Trạng Đấm cũng giả vờ đi câu! Hử, thế này là thế nào? Liệu ông có phải là “bố vợ bị đấm” không?
Chuyện tưởng như đùa, như tếu, không ai có thể tin nổi, mà có thật: Vào lúc đang yêu, Trạng Đấm vẫn đấm bố vợ tương lai! Mối tình của anh với người con gái có tên là Ngọc dập dìu ánh mắt vấn vương nụ cười trên cánh đồng chiêm mênh mông sóng nước đang mỗi ngày thêm ngọt ngào, thì cũng là lúc cái chất “Trạng Đấm” trong anh gồ lên cựa quậy. Yêu thì vẫn yêu, mà đấm thì vẫn đấm! Ban ngày chở thuyền đi câu để có dịp tiếp cận, để tán con gái người ta, để thả phanh những lời yêu. Còn tối đến, nấp một chỗ, dùng quả đấm thụi mạng sườn của bố người ta! Ngày ngày con gái ông vẫn đến điểm hẹn với người tình. Rồi sau lúc yêu thương ve vuốt thì chàng trai yêu nó sẽ tức khắc đến chỗ mai phục để thực thi cái quyền “Trạng Đấm”!
Ông trưởng ban “gà bới” cũng như hầu hết cán bộ ở xã Trọng Hợp bị nện ngầm rất đau, nhưng hoàn  toàn giấu giếm, chưa hề có một vị nào công khai nói ra, vì vậy mà mọi chuyện đều rất mù mờ. Rồi một đêm mất ngủ, ông trằn trọc lắng nghe con gái ông nói mơ từ phía giường đằng kia:
-Anh là “Trạng Đấm” nhưng đừng đấm bố em nữa nhé? Bố em là trưởng ban thủy lợi chứ có phải là trưởng ban “gà bới” đâu?
Nghe trọn lời nói mê của con gái, ông Phùng Văn Ngọc thật sự bàng hoàng. Giờ thì ông biết đích xác không phải thánh thần ma quỷ nào, mà đích thị là thằng Trạng Đấm đã đấm ông. Ông uất nghẹn trong cổ họng. Thế này thì không còn trời đất nào nữa! Nó yêu con gái mình, mà lại đấm mình bò lê bò càng! Ông muốn trừng trị ngay tức khắc, nhưng có hai điều làm ông phải bó tay: một là, tuy đích thực nó đấm ông, nhưng ông có chộp được tay day được trán nó đâu? Ông đau lắm, nhưng có vết tích nào trên người ông chứng tỏ là ông bị nó đấm đâu? Vả lại, ông cũng như các vị chức sắc trong làng trong xã đều muốn giấu kín chuyện mình liên tục bị đấm. Ông chưa nghĩ ra cách, nhưng nhất định từ ngày mai con bé Ngọc phải ở nhà, không có bắt cua bắt ốc, xúc tép xúc tôm gì nữa! Mình mà để chúng nó lấy nhau thì ra “bố vợ bị đấm” à?
Bẵng đi nhiều ngày, Đấm không thấy bóng dáng người con gái xúc tép trên đồng. Con thuyền câu của anh cứ lửng lơ chông chênh giữa đồng mênh mông sóng nước không còn định hướng, dạt vào bến này, lại trôi đến bến kia. Cá chẳng thấy cắn, mà lòng thì trống vắng, nhớ nhung. Có lẽ Đấm đã sai lầm, đã quá tay với bố vợ tương lai? Riêng về chuyện đấm thì Đấm không hiểu nổi mình. Từ thuở nhỏ cậu ta đã mê đấm và đấm túi bụi những ai đến gần cậu, rồi lớn lên, cái tật bẩm sinh ấy cũng trưởng thành theo năm tháng và đã tạo ra không biết bao nhiêu là huyền thoại và đưa cậu ta thành Trạng Đấm. Có điều nguy hiểm nhất đối với Đấm là khi đã ở tuổi trưởng thành, thì cậu ta không đấm lung tung nữa, mà chỉ đấm các vị chức sắc. Không hiểu có phải “trời xui” hay không? Điều ấy còn phải bàn cãi nhiều. Có điều là lúc bình thường thì Đấm rất hiền, chẳng có gì đáng sợ. Thế nhưng hễ nghe mấy ông chức sắc lại mới thế nào đấy, là Trạng Đấm cứ lừ lừ như kiểu người bị ma ám, và tối ấy thế nào Đấm cũng hành sự. Nhưng nhiều lần như thế, quả là cậu ta không tự biết mình, không hề ý thức rõ rệt về những hành vi mà mình đang tiến hành. Có một tín hiệu riêng nào đấy từ một nơi thiêng truyền đến. Có người bảo Trạng Đấm là con trời, là “đặc phái viên” của trời phái xuống để hỏi tội và đe nẹt những quan tham và quan dốt! Khổ cho cậu ta là số quan tham và quan dốt của thời nay lại quá nhiều nên vất vả. Gần bốn chục tuổi rồi vẫn chưa lấy được vợ cũng vì thế. Lần đầu yêu cô Ngọc con ông Phùng Văn Ngọng đã đến mức say đắm rồi cũng phải tan. Bởi vì sau hai lần bị đấm, ông quan “gà bới” này biết đích xác kẻ đấm mình đến om cả lục phục ngũ tạng là ai. Ông bảo con gái:
- Mày mà còn yêu nó thì tao từ mày!
Con gái ông hỏi lại:
- Vì sao lại như thế hả bố?
Ông quát lên:
- Mày còn phải hỏi điều đó à? Nó đã đấm bố mày đến om cả xương chứ còn vì sao?
Cô con gái cãi:
- Anh ấy bảo anh ấy chỉ đấm ông trưởng ban gà bới, chứ không đấm bố người yêu…
- Cấm! – Ông quát lên – Kể từ giờ phút này mà mày còn tằng tịu với cái thằng trời đánh ấy thì tao cắt gót chân…
Trạng Đấm nghe chuyện, thở dài rồi chia tay người yêu. Hai năm sau Đấm lại yêu. Lần này cũng là một cô gái rất xinh đẹp, tên là Hạ, con ông Phạm Quy Hoạch ở làng trên. Người làng gọi chệch đi là “Hoạch trớn” vì ông giữ chức trưởng ban quy hoạch của hợp tác xã. Xuất thân là trưởng xóm, văn hóa i tờ, một bước nhảy lên làm trưởng ban quy hoạch của hợp tác xã, ông có biết mô tê gì quy hoạch, quy hoẹt gì đâu? Nhưng trên đã giao việc thì ắt phải có việc để làm. Ông hỏi ông chủ nhiệm:
- Quy hoạch thế nào hả anh?
Ông chủ nhiệm lại còn lơ mơ hơn cả ông, nên ông ta trả lời:
- Như chơi ô ăn quan ấy, lấy chỗ này đập vào chỗ kia…
Á à! Thế thì được! Gì chứ kiểu chơi ô ăn quan hồi nhỏ ông có chơi với mấy đứa con gái thò lò mũi. Thế là cứ vận dụng kiểu chơi ô ăn quan bốc chỗ này đập vào chỗ kia chan chát. Trong vòng có độ một tuần lễ, ông vẽ xong cái bản đồ quy hoạch cho cả xã! Các nhà dân, xóm dân hoán vị chỗ này dịch sang chỗ kia, và ngược lại, chỗ kia dịch sang chỗ này, cả cồn đống mồ mả cũng hoán vị đổi chỗ cho nhau làm cho cả trên trần và dưới âm náo loạn! Hàng chục xóm trại và xóm lẻ, nơi con người đã an cư lạc nghiệp bao đời với những vườn cam vườn chè, ao cá, nhà xây, sân gạch phải dỡ tất để chuyển về sống tập trung ở một nơi quy định. Rồi nhà thờ các họ, rồi đình chùa, miếu mạo đều phải “quy hoạch” lại! Chỉ mới nghe thông báo trên đài của xã, nhiều người đã ngất. Thế là người ta gọi ông là Hoạch Trớn! Mặc kệ Hoạch Trớn hay Hoạch Trẹo không thành vấn đề! Cứ phải thi hành đi bà con ạ! Ai không chuyển nhà chuyển cửa, chuyển mồ chuyển mả, chuyển cả nhà thờ tổ cho nhanh là tôi điều máy húc nó đến nó húc đổ đấy, lúc ấy đừng có trách!
Nhưng rồi ngay tối đầu tiên, khi từ trụ sở ban quy hoạch trở về, sau khi đã ra lệnh phát trên đài  bản chương trình quy hoạch của mình thì ông Hoạch Trớn bị tóm giữa đường rồi bị đè xuống vệ ruộng. Ông tối tăm mặt mũi vì những cú đấm trời giáng vào bụng vào ngực.
- Này quy hoạch này! Bịch! Bộp!...
- Này hoán vị, di dân này… Bịch! Bộp!...
Cứ mỗi câu hỏi là kèm theo một tràng những quả đấm nóng. Mãi tới gần nửa đêm ông Hoạch Trớn mới về được đến nhà. Vừa đặt mình nằm lăn ra giường ông đã quát vợ:
- Xoa đi! Bóp đi… không tao chết đến nơi bây giờ…
- Hả? – Bà vợ ngạc nhiên hỏi lại.
- Hả cái mả mẹ mày! – Ông gầm lên chửi vợ - Ông gần chết rồi mà mày còn hả với hẻ hả? – Xoa bóp nhanh đi! Mày lại muốn ông chết rồi mày lấy chồng khác à? Đã bảo đưa lọ mật gấu ra xoa bóp đi không tao chết đến nơi bây giờ…
Người vợ vội vàng đến tủ lôi lọ mật gấu ra rồi chạy vội đến bên giường chồng:
- Xoa vào chỗ nào…?
- Xoa vào chỗ cái đầu b… ông ấy! – Ông chồng tức vì sự chậm trễ của vợ, gào lên văng tục.
Bà vợ đỏ mặt tưởng thật cứ đổ mật gấu vào cái cục dài đến ngót một gang tay của chồng mà xoa xoa bóp bóp… tưởng là chồng bị đau chỗ ấy thật. Ai ngờ mật gấu là thứ thuốc tiên… chỉ một lát sau bà đã bị chồng vùng dậy đè ra ngấu nghiến…
Trong vòng một tháng, ông Hoạch Trớn bị ba trận đòn trời giáng. Từ lần thứ hai thì dù có mật gấu xoa ông cũng chỉ nằm rên ư ử suốt mấy ngày, bỏ cả cơm cháo. Ông có một ông đồng sự trong ban quản trị tên là Toi, giữ chức trưởng ban chăn nuôi. Nghe tin ông Hoạch Trớn ốm, ông Toi đến thăm. Thấy ông Hoạch Trớn nằm phủ phục trên giường rên, ông Toi ghé sát tai hỏi:
- Thế nào?
Ông Hoạch Trớn cứ nằm yên chẳng nói gì.
- Bị đấm thế nào? – Ông Toi gặng hỏi – Cứ nói thật, tôi góp ý.
- Đau lắm! – Ông Hoạch Trớn lại rên.
- Biết rồi! – Nhưng đầu đuôi thế nào? – Ông Toi ngồi xuống mé giường hỏi gặng lại.
- Là cái tối đầu tiên hôm ấy tôi cho phát thanh chương trình quy hoạch xóm làng, đồng ruộng, chuyển đổi chỗ ở, cồn đống, mồ mả… Xong việc tôi về đến giữa đường thì bị nện…
- Bị nện như thế nào? – Ông Toi gặng hỏi.
- Cũng chẳng biết nữa! Tự dưng bị ngáng chân cho ngã lăn xuống vệ ruộng, rồi cứ thấy bình bịch vào hông vào ngực… Tôi phải dùng mật gấu và uống thuốc nam, một tuần sau mới đỡ, tuy rằng chẳng thấy thâm tím chỗ nào bên ngoài da, cũng chẳng nhìn rõ kẻ nào đấm mình.
- Thế còn lần thứ hai? Thứ ba?
- Cũng vậy thôi. Thấy đơ đỡ tôi liền đến văn phòng của ban quy hoạch và đề nghị phát thông báo tiếp để cho các hộ có tên trong danh sách chuẩn bị chuyển nhà hoặc mồ mả… lúc tối ra về đến giữa đường lại bị đấm, mà lần này thì đau hơn cả lần trước…
- Thế còn lần thứ ba? – Ông Toi gặng hỏi.
- Mới xảy ra cách đây ba ngày, cũng là vào buổi tối sau khi tôi đọc bản thông báo quy hoạch trên đài của xã…
Nghe xong bỗng ông Toi cười hố lên:
- Chết phải!
Ông Hoạch Trớn hỏi lại:
- Ông nói sao?
- Tôi bảo rằng ông chết là phải! Mà cứ đà này thì chắc chắn ông sẽ còn bị nện chưa biết đến bao giờ…
- Sao ông lại nói thế? – Ông Hoạch Trớn hỏi lại.
- Thế ông tưởng rằng chỉ có mình ông bị đấm à?
- Chả mình tôi thì mấy mình?
- Tôi kể cho ông nghe nhưng ông phải giữ kín nhé?
- Thì đã đành…
- Có rượu ngon đưa ra đây làm vài cốc đã…
- Ở tủ ấy, ông muốn uống bằng nào thì rót ra mà uống…
Ông Toi lững thững đi đến chỗ có chiếc tủ bóng loáng lấy ra chai rượu rồi rót đầy cốc, tu ngược một hơi hết, sau đó thư thả nói:
- Tôi cũng đã từng bị nện như ông…
- Thế à? – Hoạch Trớn hỏi lại.
- Đúng thế! Ông mới bị nện ba trận, còn tôi những năm trận cơ!
- Thế rồi sau vì sao ông thoát? – Hoạch Trớn lại hỏi -, và ông bị nện trong hoàn cảnh nào, kể nghe mau!
Ông Toi lại thư thả rót đầy cốc rượu, rồi thư thả nhấm nháp. Sau đó ông vỗ vai ông bạn đồng sự cùng ban quản trị hợp tác xã:
- Tôi cho rằng ở ta, từ chủ nhiệm, chủ tịch trở xuống, lão nào cũng xơi đòn ngầm cả rồi, nhưng vì sĩ diện nào đó mà ngậm miệng. Còn tôi thì thế này: Chắc ông nhớ tên tôi là Tỏi chứ không phải Toi! Nhưng vì tôi làm trưởng ban chăn nuôi, để lợn toi nhiều quá mà cái tên biến từ Tỏi sang Toi. Nếu chỉ thế thôi thì cũng chẳng sao, vì lợn càng toi nhiều càng có dịp đánh chén. Thế nhưng tai hại ở chỗ là cứ mỗi lần trại lợn tập thể bị vàng da, cứt trắng, sún răng, còi xương… là tôi bị đấm. Đã tưởng có trưởng ban gà bới, rồi trưởng ban Hoạch Trớn thêm tôi là trưởng ban lợn toi. Thế mà theo kế hoạch thì đàn lợn tập thể phải phát triển tới ngàn con! Lấy thóc ở đâu ra nuôi? Tất nhiên là sẻ mức ăn của xã viên! Họ đang đói mà mình lại sẻ ra nuôi lợn để rồi thành lợn toi cả! Cho nên tôi vừa mới công bố ở đại hội xã viên bản kế hoạch phát triển chăn nuôi hôm trước, yêu cầu các xã viên bớt khẩu phần ăn để nuôi lợn tập thể, khẩu phần xã viên ngày bốn lạng gạo, còn khẩu phần lợn là một cân, tức là tiêu chuẩn lợn cao gấp hai lần rưỡi tiêu chuẩn người, thì ngay tối hôm ấy tôi về đến nửa đường là bị đấm, cũng như ông chỉ thấy bình bịch, bộp bộp những cú thụi vào mạng sườn, rồi nằm vật ra mé đường. Tôi bị tất cả năm trận vì bản kế hoạch lợn toi ăn tiêu chuẩn gấp hai lần người. Mà lần nào cũng nghe tiếng quát: - Này chừa lợn tập thể ngàn con chưa nào.. Bịch! Bốp!
- Này chừa coi con lợn hơn con người chưa nào? Bịch! Bốp!
Sau năm lần bị nhừ tử, tôi mới giật mình biết rằng nếu mình không chùn lại thì chẳng những toi lợn mà toi cả mạng mình vì những cú đấm ngầm của một phép thiêng nào đấy. Trong khi đau nhừ tử nằm nhà, tôi cho gọi cậu phó ban chăn nuôi đến. Cậu ta hớt hải đến ngay “Này cậu, để bản kế hoạch chăn nuôi đâu rồi?” “Em chuẩn bị cho phát thanh trên đài xã..” “Ấy bỏ mẹ tớ đấy! Ỉm đi đã!” “Sao ạ?” “Sao cái con khỉ, cho vào tủ khóa lại đã! Mày muốn tao chết hay sao mà phát trên đài xã?” “Em không hiểu thủ trưởng nói gì!” “Cho vào tủ khóa lại đã, rõ chưa!” Cho đến bây giờ bản đề án chăn nuôi tập thể vĩ đại ấy còn nằm gọn trong tủ và trưởng ban Toi thôi không bị đấm ngầm nữa!
Nghe đến đây, vị trưởng ban kế hoạch Trớn mới giật mình. Cái kế hoạch di làng, di chùa chiền miếu mạo, di mồ mả… của ông còn tày trời hơn chuyện lợn ăn cao gấp hai lần rưỡi người của vị trưởng ban lợn toi gấp nhiều lần! Thế mà trưởng ban lợn toi đã bị đấm tới năm lần! Hoạch Trớn mới ba lần! Chắc chắn sẽ bị ăn đòn tiếp ít nhất là ba lần nữa… Ông rùng mình nghĩ rằng mình sẽ bị chết! Ông càng uất người lên khi biết rằng cái thằng trời đánh Trạng Đấm ấy đang yêu con gái ông. Nó yêu con gái mình mà lại đấm mình đến bại hông bại sườn thì còn trời đất nào nữa?
Mối tình thứ hai của chàng Trạng Đấm thoạt đầu cũng rất ngọt ngào – Cô gái con ông Phạm Quy Hoạch năm ấy mới vừa tròn mười tám tuổi, người mảnh mai, thon thả, rất hay cười, lại là chủ cửa hàng hợp tác xã mua bán của xã. Trạng Đấm mê cô, cô cũng mê lại không kém. Những ngày chủ nhật nghỉ bán hàng, cô thường theo anh chàng này đi câu. Là con gái mà cô lại rất thích câu. Hai người bồng bềnh thuyền trên cánh đồng chiêm đầy rong rêu lăn lác. Đấm câu vút, tức là câu cá quả bằng mồi ngóe, còn cô, cô ngồi trên mũi thuyền dùng cành câu con, lưỡi nhỏ mồi bằng cào cào. Có rất nhiều chú cá rói mắt đỏ hoe to bằng bắp tay cứ đuổi theo mồi ngóe từ xa cho tới sát thuyền nhưng không ăn nổi mồi vì con ngóe rất to, thế là cô quăng mồi của mình bằng con cào cào ra nhử, cá rói đớp mồi, cô giật cá giãy sùng sũng rồi bị kéo lên thuyền. Mỗi buổi có thể được hàng chục con như thế để về nấu riêu khế ăn với nõn chuối thái nhỏ. Hai người vừa câu cá vừa thổ lộ tâm tình, và tình yêu của họ cứ mỗi ngày lại lớn thêm. Cho đến khi bố Hạ được cử ra giữ chức trưởng ban quy hoạch. Rồi từ Phạm Quy Hoạch trở thành Hoạch Trớn vì cái bản đồ quy hoạch rởm của ông suýt làm lao đao khốn đốn cả xã. Lúc này thì không còn cách nào khác là Trạng Đấm phải ra tay. Trong vòng ba tuần lễ, anh đã nghiền cho ông Hoạch Trớn ba trận nên thân. Tất nhiên cô Hạ giận anh không thể nào hết giận và chia tay anh chàng mà cô tức gọi là “đồ cám hấp”!
Từ ngày ấy Đấm không yêu ai nữa. Trời đã ban cho anh cái tài Trạng Đấm thì ắt phải tước đi của anh những mối tình ngọt ngào. Đã gần bốn chục tuổi rồi còn gì nữa. Anh vào chùa với lòng kính yêu đức Phật, nhưng con người như anh dứt bỏ sao được với trần thế? Sự đời vẫn đuổi theo nhau. Mỗi khi làng xã nổi lên một việc gì mà dân kêu không nổi, dân nói không xong, thì người ta nghĩ ngay đến phải mời Trạng Đấm. Ở nơi tu hành cửa Phật nhưng đôi tai anh vẫn giỏng lên hướng về xóm làng mình mà nghe ngóng, trái tim anh vẫn bắt nhịp với niềm vui nỗi khổ của quê hương. Ban ngày anh đi lao động cực nhọc, làm ruộng làm vườn cho nhà chùa, ban đêm anh phải về làng, giúp bà con giải quyết chuyện này chuyện nọ, chẳng còn đâu thời gian mà khát thèm. Rồi anh quên đời, quên đi khát vọng sống với đầy đủ ý nghĩa của nó. Bỗng một ngày kia ngôi chùa vắng lạnh này có người con gái đến xin tu. Gương mặt người ấy ngày trước chắc là xinh xắn lắm, còn giờ đây chỉ là nỗi buồn, bao khát khao cháy bỏng cho cuộc đời ẩn hiện trong khóe mắt đầy vô vọng. Con người ấy nhã nhặn, khiêm nhường, cố thu hẹp mình trong cái vỏ rất nhỏ. Từ dáng đi, điệu đứng đến cách thức ăn mặc, đến những lời nói rất ít và thường là rất nhỏ… nhưng trong đôi mắt lúc nào cũng buồn kia có một ngọn lửa nhỏ, rất nhỏ, nếu được gió thổi vào nó sẽ cháy bùng lên, cháy bùng lên... Đôi lúc bắt gặp ánh mắt buồn thương ấy, Đấm ước mình là ngọn gió thần thổi vào người đàn bà bất hạnh này để những gì mà thời gian phũ phàng đã làm cho lụi tàn giờ lại bùng lên… Năm năm vào đây, năm năm ở ngôi chùa hẻo lánh này, Đấm đã sống một cuộc sống thật khắc khổ của người tu hành, mọi sự đời tưởng như đã chìm dưới đáy. Niềm vui duy nhất là thỉnh thoảng vào ban đêm được về làng đấm vào mạng mỡ những vị cậy quyền, cậy chức làm những điều gây gổ cho dân. Anh không dám nghĩ đến chuyện yêu ai rồi lấy ai nữa rồi. Hồi còn trẻ anh đã yêu mê mệt đến hai người con gái, nhưng rồi cái chức phận “Trạng Đấm” của anh đã khiến những mối tình ấy phải tan vỡ. Nếu còn yêu thì chắc chắn sẽ còn tan. Anh nghĩ vậy và cho đến tận cái tuổi gần bốn mươi này vẫn yên tâm với số phận mà đời dành cho có thế. Thế rồi những ngày tháng gần đây, cõi lòng băng giá như gặp sức nóng của mặt trời, những tảng băng tưởng như không bao giờ tan thì đang tan rất nhanh. Sức nóng mặt trời chính là từ người đàn bà bất hạnh, cái cô nữ  thanh niên xung phong thời chống Mĩ có đôi mắt rất buồn kia. Hầu như tất cả đàn ông đều bị chinh phục bởi đôi mắt rất tình, rất vui của đàn bà; còn anh, anh lại bị cảm hóa bởi đôi mắt rất buồn.Đôi mắt ấy nói lên điều gì? Và đằng sau nỗi buồn kia phải chăng là khát vọng? Chính những khát vọng sống mà chưa thành đã tạo nên đôi mắt buồn thăm thẳm ấy. Đời anh cũng là một cuộc đời buồn, rất buồn. Hai nỗi buồn gặp nhau, hoặc là tạo ra một nỗi buồn lớn hơn hoặc là cả hai nỗi buồn sẽ bị vỡ nát, để từ những mảnh vụn ấy mà bật lên một cái mới. Sống ở nơi cửa Phật hẻo lánh vắng vẻ này chỉ có ba mảnh đời: sư cụ Thích Thiện Ích là bậc chân tu, cụ lấy lẽ đạo làm lẽ đời để sống, đối với cụ thì mọi sự trên đời đều hư ảo, chỉ có cõi Niết Bàn mới là cái đích mà cụ cần nỗ lực để đi tới. Còn hai mảnh đời nữa đến đây mới chỉ là nương nhờ của Phật, cõi lòng đâu đã dứt ra được khỏi cuộc đời thực ngoài kia! Từ ngày vào chùa, Nhãn thấy lòng mình dần ấm lại, không còn những cơn lạnh buốt, bởi lần đầu tiên trong đời có một đôi mắt đàn ông nhìn Nhãn… Đôi mắt ấy, cái nhìn ấy đã bao năm là khát vọng, là ước mơ, là cái giá mà Nhãn có thể vứt đi tất cả để đổi lấy. Thế nhưng suốt bao năm Nhãn chỉ bắt gặp những đôi mắt đàn ông vô hồn, họ nhìn mà như chẳng bao giờ nhìn thấy Nhãn. Không một người con gái nào sống nổi nếu suốt đời không có những cặp mắt con trai nhìn mình say đắm. Nhãn đã tưởng mình phải rơi vào nỗi bất hạnh ấy suốt đời. Bởi vậy khi đã tuyệt vọng không thể kiếm đâu ra một đôi mắt đàn ông nhìn mình thì Nhãn mới vào chùa. Nào ngờ chính nơi cửa Phật lại có một đôi mắt như thế, chờ ở đây đã lâu. Cứ như chàng chờ em từ kiếp trước. Chàng ơi, lần đầu tiên em bắt gặp ánh mắt của chàng nhìn em, cái ánh mắt mà suốt cả cuộc đời em mong đợi ấy, tim em như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực. Em chưa biết một đôi mắt như thế bao giờ, cho nên em ngỡ ngàng xấu hổ quay đi. Cái phút giây xấu hổ ấy đời người chỉ bắt gặp một lần, nó là thứ phép tiên, để rồi sau ấy con người trở nên khác hẳn. Từ lúc bắt gặp ánh mắt của chàng nhìn em, mùa đông trong em tan nhanh, rồi một mùa xuân mới bừng lên. Ánh mắt của chàng là tia lửa, mà cũng là những hạt mưa xuân, những hàng cây trong em đang trụi lá, được hạt nước của chàng tưới vào, ngay tức khắc bật ra những mầm non. Giờ thì tất cả người em là những mầm non đang nhú. Những tế bào đã chết cũng hồi sinh, sống lại. Đời đối với em hôm qua là bể khổ, là tiếng cuốc kêu dai dẳng đêm hè, là tiếng trống tàn canh, còn hôm nay là bình minh thức dậy. Sao em không biết chàng sớm hơn nhỉ? Chàng ơi chàng nhìn em nữa đi, cứ nhìn em thật nhiều nữa em yêu đôi mắt chàng…
Đã đăng:

(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét