Chương 22
Cho đến tận bây giờ chàng Đinh Ba Góc - tức Ba Gai thỉnh thoảng vẫn mỉm cười nhớ lại chuyện tình của mình ngày ấy. Cũng có thể nói là nhờ Ba Gai mà lấy được vợ. Từ thời còn nhỏ cho đến thời niên thiếu cậu ta nổi tiếng ba gai, cò ngàng, nghĩa là sẵn sàng gân cổ lên cãi chày cãi cối, bất chấp phải trái, cãi mà không ổn là giơ luôn quả đấm. Vì thế mà ai cũng ngán.
Nhưng lạ kỳ thay, có một con bé từ thuở nhỏ cho đến khi khôn lớn, nó chẳng bao giờ ngán anh chàng Ba Gai cành bứa này. Nhà gái cùng một xóm với nhà kiện tướng ba gai. Trước hết là con bé rất thích nghe và xem những cuộc cãi nhau mà có anh Đinh Ba Góc – tên gọi Phó Ba Gai thuở ấy. Những cuộc cãi vã ấy thì bao giờ Đinh Ba Góc cũng trổ tài cãi chày cãi cối, chính vì vậy mà nghe rất buồn cười và hấp dẫn. Cái Gái đâm nghiện nghe, chẳng khác gì được đi xem phim, xem diễn kịch ở bãi chợ. Cãi chày cãi cối mà bao giờ cũng thắng, phía đối phương thường là chịu lép rồi chuồn. Trước mắt Gái, anh Đinh Ba Góc đúng là một người hùng, nó rất phục và rất thích, nhất là cái lúc anh giơ quả tống nóng lên, phía “địch” phải chạy giật lùi thì tuyệt vô cùng. Thế là hễ cứ nghe thấy ở đâu cãi nhau mà có anh Phó Ba Gai là dù bận mấy, đang vớt bèo hay đang đun dở nồi cám lợn nó cũng bỏ đấy dập lửa rồi ba chân bốn cẳng chạy đến nghe, và thế nào nó cũng nhảy lên vỗ tay hoan hô. Rồi chiều hoặc trưa, lúc rỗi là nó sang giúp anh quét sân hoặc băm bèo lợn, có bắp ngô nướng hoặc củ khoai lang luộc lắm bột nó cũng giấu mẹ đưa sang cho anh Phó Ba Gai. Anh Phó Ba Gai hơn nó những sáu tuổi, lúc anh đã hai mươi thì nó mới có mười bốn. Nhiều lần nó nói bướng để trêu nhưng anh Phó Ba Gai chỉ cười. Với Gái thì anh Phó Ba Gai rất hiền lành, chẳng có “ba gai” tí nào, nó quý anh, coi anh là người tốt bụng. Mà anh tốt thật đấy, cứ mỗi lần cãi vã với ai hay đấm nhau nữa chẳng hạn, thế nào anh cũng cởi quần áo rồi nhảy xuống sông tắm, con sông trước làng lúc nào cũng trong mát để đón anh. Anh bơi sải mấy vòng qua sông rồi lặn tùm hụp để moi củ ấu và mấy bông hoa súng rất đẹp cho Gái. Năm tháng trôi đi. Từ cô bé mười ba, mười bốn, Gái thành thiếu nữ mười bảy, mười tám. Lúc này anh Đinh Ba Góc đã ngoài hai mươi và được phong là kiện tướng Ba Gai, hoặc là Phó Ba Gai! Phải nói là tiếng tăm vang dội…. Mặc người đời đàm tiếu về anh đủ điều, nhất là những ông cán bộ thì ghét anh lắm, bởi anh hay bới móc tội của họ, riêng Gái thì khác hẳn. Càng lớn lên Gái càng nghiện nghe những cuộc “ba gai” của anh. Nghe anh đốp chát với lão đội trưởng Híp, lão chủ nhiệm Tít mà sướng tai. Anh đấu lí với cả chủ tịch Phạm Tằng. Các vị này đã gần như quên rằng mình được phong làm đầy tớ cho dân, trở thành con mọt đục khoét. Dân rất oán nhưng khiếp không dám nói. Còn chàng Phó Ba Gai thì gần như là liều mạng, cứ việc đốp chát bừa. Gái đứng bên ngoài nghe chàng vạng nhau tay đôi với cán bộ mà phục chàng hết ý, lần nào cũng thầm nói: “Anh giỏi quá, nếu anh thích thì em tặng anh một cái hôn!” Ấy là nghĩ thế thôi, chứ chưa bao giờ dám nói, chỉ lẳng lặng ra hàng mua một bao thuốc lá Tam Đảo, rồi tìm cách bỏ vào túi chàng. Đến một ngày, hôm ấy đúng vào buổi tối ngày rằm tháng tám, Gái đang ngồi ở sân chơi cỗ trung thu với mấy đứa em nhỏ thì chàng Phó Ba Gai đột kích vào. Chàng nhìn trước nhìn sau không thấy có người lớn, liền ghé sát tai Gái nói nhỏ: “Đi chơi thuyền hái hoa súng…” Gái đỏ mặt, vì từ trước Gái chưa để anh con trai nào ghé sát vào tai thì thầm bao giờ, cũng chưa bao giờ đi chơi thuyền riêng như chàng Phó Ba Gai đang rủ. Thế mà Gái vẫn “vâng “một tiếng rõ ngọt. Chàng Phó Ba Gai lủi luôn. Gái để các em chơi cỗ trung thu, rồi đứng lên vào nhà thay quần áo, cái quần phíp đen mới, cái áo đông xuân trắng cộc tay bó sát lưng ong, mốt của các cô gái nông thôn thời ấy. Rồi đến trước giương chải lại tóc, mái tóc đã dài tới giữa lưng được cặp gọn lại đằng sau bằng cái cặp sáng loáng. Làm dáng một lúc rồi Gái tung tăng như con sáo nhảy ra bờ sông. Chàng Phó Ba Gai đã ép sẵn cái thuyền nan bên gốc tre ngồi chờ. Bước xuống thuyền, Gái hỏi:
- Anh đợi em có lâu không?
- Anh đợi em từ tối hôm qua…
Gái cười:
- Đấy, anh lại “ba gai” rồi đấy!
- Anh nói thật mà! Nếu phải đợi thì dù phải đợi từ tối hôm qua hay tối hôm kia cho đến tận giờ, anh vẫn đợi….
Gái ngồi lên cái thang thuyền đằng mũi, còn chàng Phó Ba Gai đứng lái cầm sào đẩy. Hôm ấy hai người không đến Bến Trăng mà đưa con thuyền đến một quãng vắng khác cũng mênh mông sóng nước. Vừa cắm sào cho thuyền đậu lại, ngồi xuống sạp thuyền, chàng Phó Ba Gai chẳng mào đầu gì cả, nói luôn:
- Anh yêu em, muốn em làm vợ, em có bằng lòng không?
Gái đỏ mặt ngồi im. Từ bé đến giờ cô chưa được ai hỏi cái câu như thế, cũng không biết rằng khi trai gái yêu nhau người con trai phải ngỏ thế nào, và người con gái phải trả lời ra sao nếu lòng cũng yêu. Cho nên cô chỉ đỏ mặt, ngồi im.
- Vậy là em không yêu, không bằng lòng sẽ làm vợ anh phải không?
Chàng Phó Ba Gai hỏi lại với vẻ thất vọng.
- Em không biết! – Gái nói ấp úng.
- Hay là em yêu ai rồi?
- Không, em chưa yêu ai…
- Thế anh?
- Em không biết…
- Anh nghe bạn bè nói rằng hễ người con gái trả lời không biết, nghĩa là… có yêu!
- Em không biết…
- Ô hay, cái gì cũng không biết! Khéo em lại còn “ba gai” hơn cả anh nữa rồi!
- Vâng, em thích được ba gai như anh…
- Thật à?
- Thật ạ! Lần nào nghe anh đang “ba gai” với ai đó em cũng chạy ngay đến và nghe bằng hết bài ba gai của anh, em cứ ước giá mà em cũng có tài ba gai như anh…
- Trời đất ơi…
- Thật mà, giữa một vùng quê phẳng lặng, nổi lên một “cái gai” như anh là của hiếm….
- Em nghĩ thế thật à?
- Vâng… em đi móc cua nửa ngày mới đủ tiền mua bao thuốc lá đặt vào túi áo anh đấy như?
- Thế thì em phải yêu anh và muốn sẽ làm vợ anh chứ?
Gái lại đỏ mặt:
- Em không biết…
- Không biết nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là em không biết!
- Thôi vậy, chúng ta đi tìm tổ chim lấy trứng về luộc ăn nhé!
- Vâng ạ!
Chàng Phó Ba Gai đứng lên nhổ sào rồi đẩy thuyền luồn vào các khóm lăn khóm lác, ở đấy có rất nhiều tổ chim cuốc, chim gà gô. Hôm ấy hai người vớ được nhiều trứng chim đến mức đựng vào cái gầu tát nước thuyền mà lưng lưng gầu. Lúc chia tay, chàng Phó Ba Gai ấn gầu trứng vào tay Gái:
- Em cầm cả về luộc ăn, bao giờ ăn hết thì trả lời anh…
Gái mỉm cười:
- Em không ăn hết được đâu. Nếu anh muốn nghe em trả lời ngay thì cái khăn mùi xoa của em đây anh gói về một nửa….
- Được rồi!
- Xong chưa?
- Xong rồi! Em nói đi….
Bỗng Gái víu cổ chàng trai xuống nói nhỏ mà nghe rất rành rọt:
- Em rất yêu và sẽ làm vợ anh… Phó Ba Gai …
Ông Phổng là bố cô Gái được tin con mình yêu cái gã Phó Ba Gai thì hết sức bực. Ngày ấy ông đang làm tuyên huấn xã. Mà đã là tuyên huấn vào thời điểm ấy thì cái gì cũng phải nói hay, làm giỏi, đánh giặc cừ, tiến lên chủ nghĩa xã hội đến nơi. Thế mà cái làng này lại tự nhiên xuất hiện một thằng ba gai có hạng, bất cứ điều gì ở hợp tác xã nó cũng nhúng mõm vào rồi đưa lí sự cùn ra vặc nhau với cán bộ. Mà mỗi lần nó đưa ra thắc mắc kiểu ba gai như thế, rất tai hại là đám xã viên lại xúm xít đến nghe, thậm chí có mấy thằng điên cùng giuộc lại còn động cỡn nhảy lên vỗ tay đồm độp cổ vũ động viên gã ba gai là cứ cãi nhau nữa đi! Thành ra nhiều khi trống đánh xuôi, kèm thổi ngược. Có vụ ông đang mở đợt tuyên truyền là vụ lúa chiêm xuân này sẽ đại thắng lợi với xã viên thì cái gã Phó Ba Gai ấy nhè lúc ông đang đứng cạnh một mảnh lúa xấu lại đông xã viên làm xung quanh, hỏi vặn ông:
- Xin ông cho biết, căn cứ vào đâu mà khẳng định vụ lúa này sẽ đại thắng lợi?
Linh tính báo cho ông biết rằng thằng nhãi con Phó Ba Gai này định gây sự để thỏa mãn thói quen thích ba gai cò bứa. Ông liền lừ mắt:
- Việc của anh hay sao mà chõ mõm vào Đinh Ba Góc?
- Thưa bác, không phải việc của cháu thì còn việc của ai? Thế bác cho rằng cháu không phải là một xã viên à?
- Tất nhiên rồi, anh là một xã viên, và nhiệm vụ của anh là cầm cày theo đít trâu thế nào cho giỏi….
- Chỉ có thế thôi à, thưa bác?
Ông Phổng bắt đầu thấy gay gay, liền nói:
- Tất nhiên là còn tinh thần làm chủ hợp tác xã nữa.
- Tức là cháu là xã viên thì cháu cũng là chủ hợp tác xã phải không bác?
- Phải!
- Thế chả nhẽ làm chủ mà không được hỏi rằng căn cứ vào đâu mà nói rằng lúa vụ này sẽ đại thắng lợi?
- Tất nhiên là căn cứ vào thực trạng đồng lúa….
- Thế những bông lúa vừa nhỏ rẻ vừa lép thế này… - Vừa nói Phó Ba Gai vừa dứt cả một cây lúa cạnh đó giơ lên –, có phải là lúa “đại thắng lợi” hay không?
Ông Phổng tái mặt. Đám xã viên đứng xúm xung quanh lấy tay che miệng cười rúc rích làm ông xấu hổ. Một lần khác, ông đang khuếch đại giá trị của trại chăn nuôi lợn tập thể trước đám đông xã viên trong trại chăn nuôi, thì Phó Ba Gai ở đâu lẻn vào đứng cạnh. Ông lườm gã, rồi nói tiếp:
- Đấy bà con xem, chúng ta mạnh dạn đầu tư bình quân mỗi đầu lợn một ki-lô-gam gạo mỗi ngày…
Phó Ba Gai liền nói chen vào:
- Thế là bác coi trọng con lợn hơn con người rồi!
Ông Phổng liền quát:
- Tại làm sao anh dám nói là chúng tôi coi lợn hơn người?
- Là vì xã viên được hai lạng rưỡi gạo mỗi ngày, con lợn lại được những một cân! Thế có phải lợn giá trị gấp bốn lần người không? Ới bà con xã viên ơi… kiếp sau ta nên làm… lợn!
Ông Phổng đứng im vì chưa nghĩ ra câu gì đốp lại, thì Phó Ba Gai đã rất cung kính nói:
- Thưa bác, riêng cháu không đủ kiên trì để chờ đến kiếp sau, ngay từ bây giờ cháu xin “làm lợn” để hưởng thụ một ngày tiêu chuẩn là một cân gạo!
Bà con xung quanh nghe vậy vừa phì cười vừa vỗ tay đồm độp, đồng thanh nói:
- Tất cả chúng em tình nguyện xin làm… kiếp lợn…!
Những chuyện như thế này về cái gã Phó Ba Gai còn nhiều lắm. Giới cán bộ xã Trọng Nghĩa rất bực vì nhiều phen, bằng những lí lẽ của gã ba gai mà các vị bị dồn vào thế bí, xấu hổ trước một đám đông xã viên. Riêng ông Phổng thì lần nào cũng bị tím mặt, tức ơi là tức. Ngay cái tên ông có lẽ cũng tại cái gã Phó Ba Gai này mà bị chệch đi một cách tai hại. Nguyên tên cúng cơm của ông thuở ban đầu là Pha. Đến thời biết yêu, anh chàng Pha yêu tha thiết một cô gái làng tên là Chớn. Chẳng biết có phải vì cô hay Chớn mà có cái tên ấy không, chỉ biết là cô rất hay cười, hay nô với đám con trai trong làng, dù thời ấy là thời trai gái thụ thụ bất thân. Nhưng mà cô đẹp, rất đẹp: răng đều và đen nhánh, môi đỏ vì luôn nhai trầu, áo cổ thìa, thắt lưng xanh, khăn nhiễu vấn tròn phất phơ đám tóc đuôi gà đằng sau… làm mê mệt đám trai làng. Người mê cô Chớn nhất là Pha. Hai người thường chạm trán nhau ở giếng làng lúc ra gánh nước. Rồi một lần, anh chàng Pha hát trêu:
Răng đen rưng rức hạt dưa
Miệng cười tủm tỉm là chưa có chồng…
Cô Chớn nghe xong cười tít mắt và nói:
- Hát nữa đi xem nào…
Chàng Pha đặt gánh nước xuống bờ giếng rồi hát tiếp:
Chưa chồng anh kiếm chồng cho
Chưa con anh lại kiếm cho con bồng…
Cô Chớn nghe vậy nguýt dài:
- Rõ dơ…!
Thế mà yêu nhau từ đấy. Nhưng rồi khi đã chọn anh chàng Pha là đối tượng chính, cô Chớn lại còn một lô đối tượng phụ nữa, và cô thì lúc nào cũng thả rộng nụ cười tình. Điên tiết chàng Pha cắt luôn và đổi tên mình từ Pha thành Phăng – có nghĩa là phăng teo! Ấy thế mà đến thời làm cán bộ tuyên truyền thì tự nhiên lại thành Phổng, chẳng hiểu là thế quái nào! Đầu tiên nghe người trong xóm gọi “ông Phổng ơi…”, rồi nghe người trong thôn gọi “ông Phổng ơi…”, lại nghe người trong xã gọi “ông Phổng ơi…” Rồi cuộc họp nào cũng nghe người ta hỏi nhau trước “Có ông Phổng phát biểu không? Có à? Thế thì tôi tranh thủ xay vài cối thóc nữa sang họp cũng được…” Rồi ông để ý những cuộc họp từ xóm đến thôn đến xã, có ông thuyết trình thì thấy thưa thưa và đa phần là ngồi ngủ gật. Rồi mỗi lần ông đi qua các xóm thì đều nghe thấy văng vẳng từ bên trong bờ giậu: “Bố nó ơi, nhớ rang cho tôi nắm “phổng” ngô nhé, gớm có một tí thế mà “phổng” lên thì to lắm…” Quái thật! Thế nào mà từ Phăng lại thành Phổng, rồi gắn liền với phổng ngô, phổng gạo thế này? Thằng nào đầu têu đặt tên mình là Phổng? Chỉ có thằng Phó Ba Gai thôi! Ông suy luận như vậy rồi mở cuộc điều tra ngầm, té ra là đúng. Nó bảo ông này một tấc tới trời, có bằng con đom đóm thì phổng lên thành bó đuốc, cho nên để ghi nhớ công trạng này thì gọi luôn ông ta là Phổng! Một thằng lếu láo đến thế mà bây giờ lại “chim” con gái ông, định làm chàng rể nhà ông? Không đời nào! Phải ra tay trị trước mới được!
- Gái! Mày định yêu rồi lấy cái thằng Phó Ba Gai ấy à?
- Thế thì đã sao, thưa bố?
- Còn sao giăng gì nữa! Làng này chết hết trai tráng rồi hay sao mà mày đi yêu Phó Ba Gai?
- Người ta nói oan cho anh ấy…
- Mày bênh nó à?
- Con không bênh, nhưng anh ấy bị oan…
- Oan thế nào mày thử nói tao nghe?
- Anh ấy cãi cái gì cũng có lý, thế mà cứ bảo anh ấy ba gai!
- Trời đất ơi, con này khéo cũng nhiễm thói ba gai mất rồi!
- Con ấy à? Còn lâu mới theo được cái ba gai của anh ấy! Bố tưởng ga gai có lý mà dễ lắm sao?
- Dễ hay khó thì cũng là đồ ba gai ba góc mày hiểu chưa?
- Con không hiểu mà con lại yêu anh ấy à?
- Mày mù quáng!
- Con mới đi khám mắt, đạt mười trên mười đấy bố ạ!
- Trời đất ơi… Con này… Thế mày có biết đứa nào chữa tên tao từ Phăng ra Phổng không?
- Con có biết!
- Đứa nào?
- Người ấy sẽ là con rể bố!
- Trời ơi, mày giết tao rồi!
- Tại bố hay phổng thì anh ấy đừng chữa tên cho bố là Phổng à?
- Thế mày có biết “phổng” có nghĩa là gì không?
- Có nghĩa là “phồng lên”, có ít mà phồng lên nhiều, bé mà phồng lên thành to…
- Đấy! Đấy! Nó chế giễu bố mày ở điểm ấy đấy!
- Con thì con thấy thế là đúng! Sự thật bao giờ cũng tốt bố ạ… Chúng con còn trẻ, chúng con yêu sự thật.
- Nhưng mày yêu nó rồi lấy nó làm chồng, tức là mày hạ thấp tao!
- Vì sao như thế là hạ thấp bố?
- Nó chế giễu tao, mà rốt cuộc tao lại phải nhận nó là con rể, tức là tao đã bị hạ đòn đo ván!
- Con lại nghĩ khác…
- Thế nào?
- Bố nhận anh Phó Ba Gai là con rể là bố cao tay!
- Thế nào?
- Trước hết đối thủ của bố khi đã lấy con gái của bố thì anh ta phải biết phận mình là con, dù muốn hay không thì cũng không dám ba gai với bố nữa!
- Ờ…
- Sau này bố được tiếng là rộng lượng, cao cả, là người thu phục được nhân tâm…
- Ờ… ờ… mày nói nghe được đấy!
- Được hả bố?
- Ừ được! Mày học ở đâu mà giỏi giang thế?
- Con học anh Phó Ba Gai đấy bố ạ!
- Hả?
- Vâng, người biết mới hay nói cãi, rồi thành Phó Ba Gai, còn người đần, người hèn thì chỉ im lặng. Cho nên các cụ ngày xưa có dạy “Biết thì thưa thớt, không biết dựa cột mà nghe!” là thế bố ạ!
Ông Phổng nghe con gái nói mà giật mình. Mới có mấy năm trời mà nó khôn ra nhanh quá, nghe nó nói ông còn không nhận ra đó là lời của đứa con gái ông, mà ông cứ tưởng rằng nó chỉ hiểu được giỏ cua mẻ ốc. Có lẽ mình cũng mắc bệnh quan liêu mất rồi! – Ông trầm ngâm cúi đầu nghĩ ngợi – Nó khôn ra thế này không phải do mình dạy mà lại do cái thằng Phó Ba Gai ấy dạy! – Ông ngẩng lên nhìn con gái nói:
- Biết thế đã! Ngày mai mày bảo nó đến đây. Nếu nó quy thuận thì tao sẽ liệu…
- Sao lại quy thuận hả bố? Anh ấy có phải là “địch” đâu mà bố dùng từ “quy thuận”?
- Ờ ờ…
Bây giờ thì phải cảnh giác cả với con Gái này, nó cùng giuộc với Phó Ba Gai rồi! Ông nói tiếp:
- Cứ bảo nó đến!
Ba ngày sau, vào một buổi sáng, ông Phổng đang ngồi bàn uống trà thì chàng rể tương lai xuất hiện chỗ đầu ngõ, đi vào sân. Thoạt trông, ông biết ngay rằng nó thật lòng muốn làm rể nhà mình. Nó mặc bộ quần áo mới, gồm quần phăng xanh tím than, áo sơ mi trắng bằng phin Nam Định, đầu cắt cao, tóc chải mượt rẽ ngôi, chân đi dép nhựa Tiền Phong, dáng vẻ hiền lành, nhũn nhặn.
- Cháu chào bác ạ! – Nó cúi gập người chào.
Ông Phổng vẫn ngồi yên trên ghế, trả lời:
- Phải! Anh đã sang!
Nó đi đến gần ông:
- Cháu có được phép ngồi phía bên này không ạ?
- Được!
Nó ngồi xuống ghế rồi nói:
- Cháu sang để hầu chuyện bác…
Ông Phổng rót nước mời rồi nói:
- Anh hãy nói cái ý của anh…
Nó trả lời luôn:
- Ý cháu là xin được làm rể nhà bác…
- Ờ… à…
- Cháu xin nhắc lại rằng cháu muốn làm rể nhà bác, cháu và con gái bác yêu nhau…
Suy nghĩ một lát rồi ông Phổng hỏi:
- Thế tôi hỏi anh….
- Dạ, xin bác cứ hỏi…
- Tôi hỏi anh rằng thì là nhiệm vụ của con rể đối với bố mẹ vợ như thế nào?
- Một là tôn kính quý trọng, hai là có trách nhiệm lúc bố vợ về già, tuổi cao sức yếu…
- Vậy trước mắt anh sẽ tôn kính quý trọng tôi như thế nào?
- Cái gì đáng kính ở bố thì con xin kính, cái gì đáng trọng ở bố thì con xin trọng, cái gì đáng nghe ở bố thì con xin nghe, cái gì là lẽ phải ở bố thì con xin theo, việc làm nào ở bố trung thực, có ích thì con sắn tay áo lên cùng làm….
- Ờ ờ… Anh nói nghe thì hay lắm đấy! Giá anh bớt cái ba gai đi mà chỉ thế thôi thì hay quá!
- Thế con hỏi bố… bố cứ tạm cho con gọi bố là bố rồi sau sẽ hay, con hỏi bố ba gai là cái gì ạ?
- Là cái gì à? Là cái lý sự cùn của anh đưa ra để hoạnh họe chúng tôi!
- Thế chẳng lẽ các bố đều được học qua trường lý luận mà lại không đủ lý sự để đè bẹp cái lý sự cùn của con?
- Nhưng anh láu cá lắm!
- Thưa bố, nếu chỉ là láu cá thì con đã bị các bố bóp cổ chết từ lâu còn đâu sống đến hôm nay để yêu tha thiết con gái của bố?
- Nhưng tôi không mong muốn có đứa con rể đã thành Phó Ba Gai!
- Còn con và con gái của bố lại yêu nhau và muốn làm vợ chồng của nhau… Bố là cán bộ tuyên huấn, bố cho con biết luật hôn nhân của ta thế nào? Có điều nào nói rằng cấm những ai đã thành Phó Ba Gai lấy vợ không?
- Anh muốn lấy ai thì lấy, ai cấm?
- Thế sao bố định cấm con lấy con gái bố? Bố đưa luật hôn nhân ra đây, nếu con trái luật thì con xin đi tù, còn con không trái luật thì bố phải gả con gái bố cho con…
- Ờ… ờ… Bây giờ anh lại giở luật ra cơ à?
- Vâng, con xin đấu với bố bằng luật, nếu con thua, con sẽ trắng tay ra về…
- Còn nếu tôi thua?
- Thì bố phải gả con gái bố cho con! Con không tham ô, không hủ hóa, không rượu chè, cờ bạc gái trai, lại to béo khỏe mạnh đẹp trai và hay làm….
- Và hay ba gai nữa!
- Không sao! Cái đó không sao cả! Con gái bố yêu con, trước hết là yêu cái ba gai của con đấy bố ạ!
- Nó yêu cái ba gai của mày?
- Vâng ạ!
- Thảo nào mà dạo này tao thấy nó bắt đầu ba gai… Thế là mày hại tao rồi, thằng nhãi ạ!
- Con hại bố thế nào?
- Tao làm cán bộ tuyên truyền mà trong nhà lại có cả con rể và con gái thuộc loại ba gai thì có chết tao không? Thôi cút! Đấu lý với anh tổn thọ lắm!
- Bố đuổi con thì con về, nhưng con nhất quyết sẽ lấy con gái bố đấy!
Phó Ba Gai mỉm cười đứng lên:
- Con chào bố!
- Phải! Anh về!
Nhưng vừa ra tới ngõ thì cô Gái nấp trong buồng nghe, đã nhào chạy theo gọi với:
- Đợi em với… Anh Phó Ba Gai ơi, đợi em với….
- Đứng lại! – Ông bố quát theo –, đứng lại!
Nhưng tiếng ông rơi tõm vào khoảng không. Lúc này con gái ông chỉ nghe theo tiếng gọi của trái tim! Cô đuổi qua ngõ một tí là kịp, liền nắm lấy tay anh chàng giật lại:
- Sao dát thế? Sao lại bỏ về? Không yêu nữa rồi à?
Chàng Phó Ba Gai sững lại nhìn cô:
- Anh tuyên bố trước “thế giới” rồi đấy như?
- Mặc kệ, anh tuyên bố lại em nghe?...
- Anh tuyên bố rằng bố đuổi thì con về, nhưng con nhất quyết sẽ lấy con gái bố đấy! Được chưa nào?
Cô gái mỉm cười:
- Được rồi! Thế thì hôn đi để ghi nhớ…
- Để tối, lúc đi chơi thuyền, bây giờ mà hôn, ông cụ vớ được cứ gọi là cả hai đứa ốm đòn!
- Cứ hôn đi rồi chịu đòn cũng được! Này em bảo nhé: Làm trai cho đáng nên trai, cứ hôn bạn gái, có mất tai cũng cóc cần!
Nghe người yêu đọc thơ, chàng Phó Ba Gai đứng ngẩn người, rồi chàng xô đến kéo người yêu vào khuất khóm chuối, hôn một cái hôn rõ dài. Khi ông bố hắng giọng đi ra thì họ đã chạy biến.
Chuyện tình ngày ấy là như thế. Anh Phó Ba Gai đã thể hiện chất ba gai cả trong chuyện lấy vợ. Thế mà anh thắng đấy! Ông bố vợ không bằng lòng gả con gái cho anh chỉ vì chê anh hay ba gai, đã mấy lần vặn vẹo ông làm ông ngượng với đám xã viên, thì anh lại dùng luôn cái ba gai để vặn ông: “Cháu xin hỏi bác, có điều luật nào trong luật hôn nhân gia đình của ta lại cấm chàng ba gai yêu con gái ông trưởng ban tuyên huấn xã?” Có đời thuở nhà ai đi hỏi vợ lại dùng lý để hỏi vặn vỏ ốc với bố vợ tương lai như thế không? Nhưng mà có lý! Thằng nhãi ranh này thế mà gớm! Một câu hỏi tưởng vớ vẩn mà đánh gục ông. Bởi ông là nhà tuyên huấn cao nhất ở làng ở xã, ông phải là biểu tượng của cái đúng, cái đẹp, phải là người hiểu luật pháp. Nếu ông làm trái luật thì hỏi ông còn giáo dục được ai? Qua ba lần đấu lý nữa thì ông phải gật đầu. Ông còn dặn đi dặn lại chàng rể tương lai rằng coi như không có chuyện gì, coi như tôi đồng ý ngay từ đầu, anh hiểu chưa? Chớ có hở cho ai biết rằng tôi và anh đã “đấu lý” rồi tôi chịu thua anh! Không, không, bố vợ không bao giờ chịu thua con rể, anh hiểu không? Cũng như nước không bao giờ chảy ngược. Tôi đồng ý gả con gái tôi cho anh, không có nghĩa là tôi thua anh, anh hiểu không? Con hiểu rồi bố ạ! Con được con gái bố thế là quý hóa quá rồi, con đâu dám coi mình là người chiến thắng! Tốt, tốt lắm! Thời này mà con rể biết nghĩ về bố vợ như vậy là tốt lắm. Mà cả những lần trước nữa, những lần anh ba gai với tôi hồi trước ấy mà, phải coi là anh cũng thua, anh hiểu chưa? Thưa bố con hiểu rồi, cứ coi là cái gì con cũng thua bố, con được con gái bố dù có trắng tay con cũng cho rằng con được hời, bố ạ! Dù có phải nhịn đói một năm vừa đúng ba trăm sáu lăm ngày, hay là bị dìm xuống nước giữa mùa đông thì con thấy đời thật là đáng sống. Tốt, tốt. Thế bao giờ thì xin chạm ngõ? Dạ thưa bố, chạm ngõ thì con đã chạm ít ra là vài ngàn lần rồi, còn ăn hỏi và cưới thì chập một cho nhanh! Chết chết, có phải là điện đâu mà nhanh thế? Dạ thưa bố, về chuyện này thì con nhanh hơn điện ạ. Nghe nói ngày trước bố lấy vợ cũng chỉ vèo một cái là xong… ấy ấy ngày ấy là đang thời bom rơi đạn nổ, nên bố mới phải cưới tăng chui… Con lại ước giá cũng được “tăng chui” như bố hồi nào… Chớ chớ! Mà này, tôi cấm anh không được ăn cơm trước kẻng đâu đấy! Vâng ạ, cái ấy thì con không học bố đâu ạ…!
Thế là chàng Phó Ba Gai lấy được con gái ông tuyên huấn xã làm cho cả xã sửng sốt, ngạc nhiên. Người ta tiên đoán rằng cái gia đình này chắc chắn sẽ suốt ngày lục đục: chồng ba gai, vợ cũng thích ba gai, lại làm rể một vị đứng đầu tuyên huấn xã, mà tuyên huấn với ba gai thì chúa là ghét nhau. Chuyện ông bố tuyên huấn có hòa hợp được với chàng rể đã thành Phó Ba Gai hay không sẽ nói sau. Còn bây giờ ta hãy xem hai vợ chồng Ba Gai này nó sống với nhau như thế nào. Ngay đêm tân hôn, lúc đi ngủ, cô vợ nói nhỏ:
- Tắt đèn đi anh ạ…
Anh chồng cũng ghé tai nói nhỏ:
- Tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà gianh, mà em thì lại là “ngói mới”….
- Em chỉ là “túp lều rạ” thôi…! – Cô vợ trả lời.
- Thế thì càng cần phải để đèn! – Anh chồng quả quyết.
Cô vợ liền bấu cho một cái vào tai:
- Thật đúng là Phó Ba Gai! – Và cô chịu để đèn.
Vào cuộc xong lần thứ hai thì cô vợ rỉ tai chồng:
- Thôi nhé! Ngủ đi để đêm mai…
Anh chồng cãi liền:
- “Bất tam ba lượt”, các cụ xưa dạy thế, em không nghe lời các cụ dạy à?
Cô vợ liền cốc vào trán chồng:
- Thế các cụ bảo mười lần thì anh cũng nghe à?
Anh chồng cười:
- Giá mà các cụ dạy thế thì tuyệt quá!
Cô vợ cảnh cáo nhỏ:
- Từ từ thôi kẻo sau một tháng cưới vợ là còn xương không đấy!
Anh chồng cười hì hì:
- Nhiều xương càng “cứng” em ạ…
Cô vợ lại lườm nguýt:
- Anh thật đúng là Phó Ba Gai!
Ấy thế mà suốt chục năm cặp vợ chồng này sống với nhau rất hòa thuận. Vào những năm ấy những con người sống xu thời được hưởng những bổng lộc của kẻ xu thời còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chẳng là người sống thẳng, cho nên rất dễ hiểu vì sao vợ chồng Phó Ba Gai nghèo hơn ai hết. Nhà thì nhà rạ, tường đất, giường xoan, chiếu trơn, ổ rơm lúc rét, quanh năm chỉ quần đen áo gụ, cơm độn khoai lang với rau muống chấm tép. Nghèo thì nghèo chứ nhất định không chịu từ bỏ “ba gai” để cuộc chiến dễ chịu hơn. Những người chỉ đâu đánh đấy, bảo sao nghe vậy, là tiêu chuẩn căn bản nhất để được cất nhắc vào các tổ chức, và guồng máy. Ngay từ thời ấy, chỉ cần làm cái chức thấp nhất là đội phó, hoặc thư kí đội sản xuất thì đời sống cầm chắc là không đói, không khổ, nếu biết xoay sở thì giàu có và sung sướng nhờ cái chức tép riu ấy. Thế nhưng với vợ chồng Phó Ba Gai thì chẳng bao giờ đến lượt. Ngay những công việc lao động hàng ngày cũng chỉ việc nào nặng nhọc vất vả mà ít điểm thì mới được giao làm, ví dụ gánh phân chuồng đổ đồng xa, mà lại phải lội qua một quãng bùn ngập tới đầu gối, hay đi cày chiêm nước ngang ngực ngập cán cày và bị đỉa cắn tứ tung trong người. Phải cho thằng này thật khổ thì nó mới gắn cái mồm ba gai thắc mắc lại! Đám cán bộ dặn nhau như vậy. Phó Ba Gai cũng biết vậy, nhưng không chịu gọt mình cho nó vừa khuôn mẫu thời đại. Anh ta như cây dứa, khắp người chỗ nào cũng thấy có gai, động vào đâu là cào toạc ra đấy. Chấp nhận một lối sống như vậy, người bảo khôn, kẻ bảo dại, thôi thì khôn khôn dại dại ở đời này đâu là thước đo giá trị? Có điều sống được theo ý mình thì anh chàng này đã đạt đến độ hiếm, đạt tới cái độc đáo của thân phận con người. Có lẽ ý thức được điều đó chăng, mà người ta thấy anh thản nhiên trước bao nhiêu nỗi khổ của cuộc sống hàng ngày. Kinh nghiệm cho thấy rằng, cứ mỗi lần lao vào “ba gai” là một lần phải hứng chịu những tai hại ngay sau đó, thế mà suốt mấy chục năm trời chẳng bớt đi được một tí tẹo nào. Ông bố vợ giờ đây đã già lắm, đã vượt quá cái tuổi cổ lai hi, cũng nghỉ công tác từ lâu. Cả đời lạc quan, cả đời tin tưởng, lúc về già mới thấy hụt hẫng, nhìn lại đằng sau chỉ là khoảng trống. Cũng vào tuổi này tự nhiên ông xóa bỏ mọi tội lỗi cho thằng con rể mà ngày trước có lúc ông xếp nó vào loại đứng đầu bảng cần phải đưa đi cải tạo. Ôi trời, tội tình gì đâu, đôi mắt đen quá thành ra nhìn vào đâu cũng thấy đen. Ông nghỉ công tác rồi xin một cái trại để hoang ở giữa cánh đồng. Cái trại này cũng là di tích của thời kì quá độ. Cách đó hơn mười năm, chính ông đã đến đây bảo với chủ trại: “Này cơ giới hóa sắp vào đấy, máy húc đi trước máy cày đi sau, khôn hồn thì dọn dẹp ngay sang làng mà ở kẻo rồi máy móc nó vào nó húc là không kịp chạy đừng có trách!” Chủ trại vốn là người hiền lành, thật thà, nghe nói máy húc vào húc cái trại thì hoảng quá liền dỡ nhà chuyển vào làng luôn. Nhà ngói sân gạch, vườn cam ao cá… niềm mơ ước của nhiều đời, công sức của nhiều đời, giờ chỉ một câu nói với thời gian mấy ngày đã bay vèo cả, sau đấy nó để hoang cho rắn và chuột ở. Cái gia đình ấy từ ngày phản trắc lại tổ tiên bỏ vào làng rồi đi khai hoang biệt tích. Thôi công tác xã, ông xin sang đây muốn làm kinh tế, phần muốn sửa lại cái lỗi ngày nào. Trong vòng mấy năm trời đã hiện lên vườn cây, ao cá và một ngôi nhà ngói. Thằng con rể ông, tức là thằng Phó Ba Gai mỗi lần sang trại lại ngắm nghía, gật gật cái đầu bảo bố vợ:
- Ba mươi năm làm cán bộ bố chỉ ăn lương và phá, đến cái tuổi cổ lai hi bố mới là người có ích….
Giá mà là ngày trước thì ông có thể vả rụng răng cái thằng con rể bất trị này vì nó đã xúc phạm quá đáng đến niềm kiêu hãnh của ông, còn giờ đây thì ông im lặng. Cũng phải đến tuổi này ông mới biết giá trị của sự im lặng.
- Bố có giận không?
- Không!
- Thế thì con xin vái bố ba vái…
Và nó chắp tay hướng vào ông, vái thật. Ông không chờ đợi cái vái ấy, cũng không dám mơ ước bao giờ. Ngày ông còn là tuyên huấn, ông đã làm cho nhiều người vái ông, ấy là người ngoài, người mộ đạo, còn con cháu thời nay nó không chửi mình thế là mừng rồi, sao dám mơ đến chuyện nó vái mình. Cái không dám mơ ấy thì lại đến, đến bất ngờ, trọn vẹn. Vào tuổi bảy lăm ông lại háo hức làm giàu, lạ chưa? Giờ đây ông cùng bà vợ đã bảy ba sang cái trại này với quyết tâm làm giàu! Suốt mấy chục năm chửi rủa giàu sang, vì giàu sang tức là tư sản, mà tư sản thì xấu quá rồi. Ông dùng tài bẩm sinh của một anh làm xiếc bán thuốc để chửi cái giàu, đề cao cái nghèo, dân làng Trọng Nghĩa nghe ông và hết sức phấn đấu để được nghèo, vì có nghèo mới có sang, đúng mốt thời đại, con cái học lên mới được thông qua lý lịch, rồi mới được cất nhắc vào việc nọ việc kia, nghĩa là cái nghèo là cái gốc để thành đạt ở đời. Những năm tháng ấy giết một con gà, mua một cân thịt ngon đều phải giấu giếm, quần áo mới phải làm thế nào cho nó cũ đi một tí mới dám mặc, chớ nên đẹp về hình thức, nhìn bề ngoài càng luộm thuộm, nhom nhem, nhất là gương mặt lại đần đần càng tốt. Đừng tỏ ra hiểu biết, đừng tỏ ra trí thức, chớ dại mà cầm những quyển sách có chữ tây ngoài bìa. Cứ lấy ông mà làm mẫu, cả đời ông không biết cái quần phăng áo sơ mi là gì, càng không bao giờ biết tới vecton, comple. Tứ thời, ông chỉ mặc bộ quần áo nâu hoặc gụ, mùa rét thì ông mặc thêm cái áo trấn thủ đã sờn lòi bông ra ngoài. Ông không đội mũ mà chỉ đội nón cũ con cái thải ra, chân chưa bao giờ biết xỏ giày, chỉ để không hoặc là đôi dép cao su sáu quai chằng chịt. Tóc cắt cao và chỉ lấy tay vuốt chứ không bao giờ dùng lược để chải. Răng ông không trắng đã đành, mà cũng không hẳn đen, nó vàng màu ám khói thuốc lào. Nhà ông mái rạ tường đất, giường xoan, chiếu trơn, ổ rơm… Khi ăn cơm, dọn ngay ở bếp, ngồi xổm, ngồi bệt tùy ý, rau để cả rổ, tương mắm để cả niêu lên mâm, cái mâm gỗ ăn xong chỉ lấy cái rơm bếp lau chứ không bao giờ rửa. Một nếp sống như thế được coi là chuẩn mực, là cái đẹp của một thời, ai muốn được xã hội coi trọng thì cần phải phấn đấu để đạt. Ngày ông quá tuổi nghỉ công tác xin sang cái trại lẻ giữa đồng này không phải với ý định làm giàu, vì trong ông suốt mấy chục năm cái giàu thường đi đôi với cái ác, cái xấu. Thế nhưng, sự giàu có vẫn có mặt khách quan, tự đến, tự đi. Ruộng đất đã chia. Vườn cây ao cá là của mình. Thóc nhiều, cá lợn nhiều, cây cho nhiều quả… Không nghèo được nữa rồi, muốn nghèo lại là điều rất khó, gần như không thể làm nổi, cũng như trước đây không thể giàu nổi bằng cơ chế cũ. Thế là cứ dần dần, dù không muốn, ông cũng bắt buộc phải giàu, mà giàu lên rất nhanh mới chết chứ. Có hai vợ chồng, một cái thổ rộng tới một mẫu, với hai cái ao mỗi cái hơn ba sào, vườn trên ao dưới thôi thì cứ tha hồ mà thu hoạch, ấy là chưa kể còn cấy thêm vài mẫu ruộng nữa. Dù cả hai vợ chồng tuy tuổi đã cao nhưng còn rất khỏe, lại cố gắng hết sức cũng không thể nào kham nổi một phần công việc. Thế là phải thuê nhân công. Suốt mấy đêm ông trằn trọc về chuyện này. Thời cải cách bị quy lên địa chủ, bị đấu tố, bị tich thu tài sản là do bị quy vào tội bóc lột nhân công, tức là thuê mướn người làm. Suốt bao năm trời ông giảng giải cho dân hiểu hành vi của kẻ bóc lột là thuê mướn nhân công, đó là tội ác mà ai ai cũng phải đấu tranh để loại trừ. Khi nào còn tình trạng ông chủ và người làm thuê, khi ấy vẫn tồn tại xã hội người bóc lột người, bất công và xấu xa. Thế mà bây giờ, sau khi đã để gần trọn đời để đấu tranh loại bỏ cái điều ác ấy, thì những năm tháng cuối đời này ông lại bắt tay vào làm ‘điều ác”? Lúc này ông thấy ngờ ngợ: đó có phải là điều ác thật không? Mình thuê bà con làm cho, có cơm ăn, có tiền công sòng phẳng, như thế có phải là bóc lột người ta không? Cuối cùng ông dứt khoát trả lời: Không! Một từ đơn giản và dễ hiểu như thế thôi mà phải mất gần trọn đời ông mới tìm ra được. Khi ông trả lời “không” thì cũng có nghĩa là ông phủ nhận ông, cái công lao suốt mấy chục năm trời để đạt con số không! Buồn lắm chứ, chẳng ai dễ gì mà vất mình đi được. Buồn là buồn cái viển vông. Còn vui là vui cái sát thực. Khi lưng vốn trong nhà đã rủng rỉnh mấy chục cây vàng thì cái buồn đánh rơi quá khứ không còn chỗ đứng.
Giờ thì ông đã là ông chủ. Tuổi tám mươi trở về trước phấn đấu để làm đầy tớ. Tuổi tám chục tự nhiên làm ông chủ, một ông chủ đúng nghĩa, có tới hàng chục “đầy tớ” quanh năm làm thuê được trả công khá tốt, và cuộc sống của những người này cũng theo đà ông chủ mà đi lên.
Nhưng rồi, vào một ngày ông bị đưa ra chi bộ để phán quyết. Một đảng viên trong chi bộ đứng lên nói:
- Ông Phổng sa ngã rồi! Đề nghị ông ra khỏi Đảng!
- Tôi sa ngã thế nào? – Ông Phổng vặn lại.
- Ông đã phản bội giai cấp nghèo, chạy sang giai cấp giàu. Tôi là người trước đây được ông tuyên truyền giác ngộ để vào Đảng. Ông còn nhớ là ông giáo dục tôi những gì chứ? Ông bảo tôi là phải căm thù giai cấp bóc lột, thế mà bây giờ ông lại là thằng bóc lột…
- Xin cho biết bằng chứng về sự bóc lột của tôi?
- Bằng chứng là ông giàu! Không bóc lột sao giàu được? Nào còn chối cãi nữa thôi? Ngày xưa ông đã bao nhiêu lần giảng giải cho chúng tôi nghe như thế, rằng cứ thằng nào giàu thì không tham ô cũng bóc lột!
Ông Phổng như người bị dội gáo nước lạnh, gục đầu ngồi im. Một lúc sau, ông đứng lên, nhìn người vừa đấu mình:
- Đồng chí đã nói đúng! Tôi đã phản bội lại chính mình. Thú thật là vào tuổi này tôi lại muốn làm giàu. Tôi xin trả lại thẻ Đảng…
Nói xong ông móc túi ngực lấy ra cái thẻ Đảng đặt lên bàn rồi lững thững quay ra về .
Cách đây ba ngày ông có gặp gã Phó Cuội là bạn của Phó Ba Gai con rể ông. Cái gã chuyên nghề khuếch khoác này suốt mấy chục năm cũng gây không ít phiền phức cho công tác tuyên truyền của ông. Giờ vừa gặp gã đã nói:
- Chào cụ tư sản!
- Hả? Tư sản nào?
- Thì địa chủ vậy! – Gã nói thản nhiên – Trong đầu cụ lúc này không còn một tế bào cộng sản! Trong vòng ba ngày nữa, vào lúc 8 giờ tối cụ sẽ bị mời ra khỏi Đảng…
- Không trách người ta gọi anh là thằng Phó Cuội!
- Vâng! Nhưng lần này thì không có cuội đâu đấy!
Ông Phổng lắc đầu:
- Ta không tin! Đúng là trong đầu ta không còn chất cộng sản nữa rồi! Nhưng bảo ta ba ngày nữa phải ra khỏi Đảng thì là nói láo!
Gã lại thản nhiên:
- Vào tuổi tám mươi, cụ xây mộng làm giàu và xây mộng bắt nhân tình với một cô làm công có chồng mà lẳng…
- Láo! – Ông gắt cho oai.
- Thưa, không láo đâu ạ! Con nhìn thấy trong đầu cụ có dáng hình cô ấy lúc đang tắm…
- Anh điên rồi à?
- Thưa cụ địa chủ thời mới, con là bạn của anh Phó Ba Gai, lẽ nào con dám bịa để hỗn láo với cụ?
Vừa giờ, lúc đứng dậy móc túi đặt cái thẻ Đảng lên bàn, ông bất giác nhìn đồng hồ để bàn, kim chỉ đúng 8 giờ! Ghê quá! Phó Cuội không khéo thành thánh sống mất rồi! Thời đổi mới lắm chuyện lạ quá! Sự chuyển hóa trong ông từ cực này sang cực kia, biến đổi nhanh đến mức ông không nhận ra nữa! Ba chục năm ông nói một đằng, chục năm cuối đời ông lại làm một nẻo, mà cứ tự nhiên như là nó phải thế. Các đồng chí đã mang ông ra đấu. Ông không oán ai cả. Đấy toàn là những người mà trước đây ông dìu dắt vào Đảng, đã tuyên truyền, giác ngộ, lời chỉ bảo của ông suốt mấy chục năm như mưa dầm thấm vào đất ải, lẩn vào trong, khó lòng mà chảy đi đâu được. Bây giờ họ hạ ông, chỉ lấy nguyên những lời ông dạy họ ngày trước ra làm thước đo để đánh giá và quy kết ông, ông còn biết chối cãi làm sao, biện bạch làm sao! Mà đã tám chục tuổi đầu rồi, coi như đã kê gối nằm bên miệng huyệt, mà sao không sống nốt cái mẩu thời gian tí tẹo để tròn chặn với lý tưởng mà một đời khoác nó lên người? Thế mà khó quá! Nửa thế kỉ thì đeo được mà chỉ một vài năm nữa thì không sao gồng nổi, nó là cái ách, là những dây dợ chằng chịt khắp người phải tuột cho nhanh để hít khí trời tự do chăng? Không hẳn là thế, mà vẫn có thể là thế. Đặt cái thẻ Đảng lên bàn rồi ra về, lòng ông bỗng nhẹ bẫng, cả khối đá trong người như trút lại phía sau. Từ hôm nay, từ lúc này ông nghĩ gì, làm gì là hoàn toàn tùy ông, miễn là hợp với cái thiện, nó tránh cái ác, nó tuân theo tiếng gọi của khát vọng cuối đời. Ai bảo đảm những khát vọng cuối đời của con người là không có? Có đấy!
Trong ông những năm gần đây đầy ắp những khát vọng mà suốt đời ông đã phải khép lại để sống hẹp trong một khuôn mẫu có sẵn. Giờ thì bật nắp! Tám chục tuổi rồi, khát vọng thanh xuân còn bật nắp tung ra!
Từ nơi họp chi bộ, ông không về thẳng nhà, mà rẽ lối xóm vào nhà cô Ngân. Lúc này thì ông thấy thằng Phó Cuội đúng là thánh sống. Ông rất muốn làm trái cái điều nó dự báo để ngày mai sạc cho nó một trận vì nói sai, thế nhưng chân ông không thể bước vào con đường để dẫn tới bến thuyền và về trại, nơi có người vợ già chắc giờ này còn đang ngồi đợi, mà nó cứ rẽ quặt vào nhà cô Ngân.
Cô Ngân đang ngồi vá áo ở đầu hè thấy ông chủ thong thả đi vào sân, cô để áo xuống rồi đứng lên tươi cười:
- Em chào bác! Bác đi đâu về mà rẽ vào nhà em?
Ông cũng tươi cười nhìn Ngân:
- Tôi đi trả thẻ Đảng, xong rồi rẽ vào đây.
- Chết rồi, sao lại trả thẻ Đảng ạ?
- Có gì đâu mà cô cho là quan trọng vậy! Cái lúc mình còn xứng đáng với Đảng thì mình ở, lúc mình thấy không xứng đáng nữa thì mình ra. Mình ra thì vừa có lợi cho Đảng, vừa có lợi cho mình. Có lợi cho Đảng là không mang tiếng là có đảng viên xấu. Có lợi cho mình là được tự do sống theo khát vọng của mình…
Cô Ngân mỉm cười:
- Nghe bác nói hay thật!
Ông mỉm cười:
- Ngân thì lúc nào cũng khen tôi. Này thế thằng Toác nó đâu rồi?
- Lão ấy bây giờ chắc chắn là đang uống rượu ở quán mụ Béo.
- Ngày nào cũng thế à?
- Vâng, ngày nào cũng vài ba lần ra đấy, thế nào rồi cũng mãi đêm khuya mới về!
- Thế mấy đứa trẻ?
- Các cháu chắc đi xem nhờ ti vi bên hàng xóm…
Ông Phổng ngồi xuống hè, Ngân vội vào nhà cầm tích nước vối và hai cái cốc ra rót đầy vào hai cốc, rồi đưa cho ông chủ một cốc:
- Bác uống nước vối đi, nhà em không có chè.
Ông Phổng đỡ lấy cốc nước và cố tình cầm cả bàn tay của cô Ngân. Ngân chỉ cười:
- Nước vối bây giờ sang hơn nước chè. Giá mà anh cứ được suốt ngày uống nước vối của em…
Cô Ngân lại mỉm cười. Nghe ông lão tám mươi còn tán tỉnh anh anh em em thì ai mà chả mỉm cười. Nhưng nụ cười của Ngân có lẽ không phải nụ cười chế giễu. Gương mặt chị lúc này nửa vui, nửa buồn, nửa vui được ánh trăng dọi vào lấp lánh ở phía ông chủ, còn nửa buồn khuất phía trong, nó cũng tối như cái giường cũ mà đêm đêm chị phải nằm cạnh người đàn ông say rượu nằm dõng chân dõng tay. Ngân thấy ông Phổng tối nay khác hẳn ông Phổng của bao ngày về trước. Vẫn biết là lâu nay ông già này trái tính trái nết, đôi mắt ông không phải là đôi mắt của người đã tám mươi mà là đôi mắt của chàng trai đang háo hức tìm nét mới cho cuộc đời. Ngày Ngân mới đến làm cho ông, Ngân gọi ông chủ bằng cụ và xưng cháu. Ngày ấy ông bảy tám, còn Ngân mới tròn bốn mươi. Làm được vài tháng thì ông bảo không phải làm đồng nữa mà ở nhà dọn việc nhà. Rồi khi công việc phát triển thêm, ông phải thuê thêm nhiều người làm giúp việc đồng, thì ông giao luôn cho Ngân việc chợ búa và nấu ăn cho người làm, vì bà vợ mắt đã kém lắm không thể đảm nhiệm được. Ông Phổng khác những ông chủ khác, là những ông chủ khác thuê ngày thuê tháng và chỉ trả tiền công thôi, ông Phổng thì tổ chức cho người làm ăn ngày đúng ba bữa no đủ, còn tiền công thì trả vừa phải. Ông nói rằng có thế mới có tình cảm giữa ông chủ và thợ. Mà chủ và thợ lúc này là ai? Chẳng qua cũng là bà con hàng xóm, cùng ở trong một hợp tác xã, cùng chung nỗi khổ của năm tháng trước đây, bây giờ người khôn thì giàu lên, kẻ đần thành người làm thuê, cái tình làng nghĩa xóm dù có phai mòn theo sức nặng của đồng tiền cũng không mất hẳn đi được. Ngân được ông chủ giao tiền đi chợ, lo toan cơm nước cho hàng chục người làm, trước hết vì chị là con người rất chân thật và cũng là con người rất đảm đang, tháo vát, với số tiền vừa phải mà bao giờ cũng lo được những bữa cơm dẻo, canh ngọt, thợ làm ngày nào cũng hết lời khen. Tất nhiên người khen nhiều nhất, quý nhiều nhất phải là ông chủ. Ông mừng vô cùng khi có được một người giúp việc như vậy. Ngược lại Ngân cũng coi ông là chỗ dựa của cuộc đời chị lúc này.
Uống một mạch hết cốc nước Ngân đưa cho, ông Phổng nói:
- Sáng mai em đến sớm nhé, rồi đi chợ mua thức ăn, ta sẽ làm một bữa ngon ngon đãi người làm.
Ngân có vẻ ngạc nhiên:
- Vì sao tự nhiên đãi người làm?
- Từ ngày mai anh mới dám nhận là ông chủ. Tối nay anh trả thẻ Đảng rồi, nếu có mắc tội gì thì cũng không liên quan xấu đến Đảng. Anh đã là con chim tự do muốn bay ra biển hay bay lên trời cũng được. Anh đãi bà con một chầu rượu để ghi nhớ cái bước ngoặt của cuộc đời này.
- Thế anh có còn sống lâu không? – Chẳng hiểu sao Ngân hỏi một câu như thế, và chỉ khi có hai người Ngân vẫn gọi ông Phổng bằng anh.
Ông Phổng cười nói một câu rất ý vị:
- Anh có quyền được sống lâu hơn nữa là…
- Là thế nào nói đi!
- Là tùy thuộc… vào em! Em cho anh sống đến đâu thì anh sẽ sống đến đó.
- Thế nhỡ em bảo anh phải sống hai chục năm nữa?
- Anh sẽ sống đúng như ý nguyện của em, anh thề là như thế!
- Thế, anh có thể trẻ lại được không?
- Anh biết thể nào em cũng hỏi một câu như thế. Giờ thì anh chưa trả lời. Anh vừa được tự do rồi. Tối mai em có thể đi chơi thuyền ở dưới Bến Trăng cùng anh được không? Cái lúc ngồi thuyền ngắm trăng ấy anh sẽ trả lời câu hỏi của em! Vậy em có đồng ý đi chơi Bến Trăng với anh một tối không?
- Có chứ! Sao em lại không đồng ý? Đồng ý quá đi chứ!
Ông Phổng nắm bàn tay Ngân:
- Anh đang trẻ lại từ giờ…
Ngân mỉm cười:
- Vậy em chờ anh ở đâu? Anh đẩy thuyền hay em?
- Phải là anh. Anh sẽ đẩy thuyền đến chỗ đầu cầu ngồi đợi em đến, anh sẽ đưa em đến Bến Trăng rồi tâm sự cùng em.
Ngân lại mỉm cười:
- Anh làm chàng trai hai mươi, còn em làm cô gái mười tám nhé?
- Đồng ý!
Ngân ngước nhìn lên bầu trời, ở đấy treo lơ lửng một ông trăng tròn vành vạnh.
- Gã chồng say rượu của em sắp về!
- Anh cũng về nhé?
- Anh sợ à?
- Sao anh lại sợ? Anh sẽ “chiến đấu” đến cùng để giành người yêu, em hiểu không? Giờ thì anh tạm về.
- Hẹn gặp lại tối mai anh nhé!
- Đồng ý… tuyệt!
Chuyện tưởng như đùa như bỡn mà có thật. Chẳng biết tình yêu là cái gì mà nó ghê gớm đến thế? Chuyện kể rằng từ ngày xửa ngày xưa, vào thời mới khai thiên lập địa, tạo hóa sinh ra con người lúc đầu có đầy đủ cả như tình dục, tình cộng đồng… Nhờ những tình này mà con người tồn tại và phát triển. Nhưng con người vẫn như một bó đũa ghép vào thì chặt, bỏ ra thì lỏng, không có ma lực. Mà nhờ những ma lực ấy trái tim biết thổn thức, ánh mắt biết nhìn đắm đuối, đôi môi biết nở nụ cười… Và nếu không có cái này thì loài người chắc chắn sẽ bị diệt vong! Để cứu loài người, tạo hóa ra ơn ban cho con người một loại tình đặc biệt, mà theo ngôn ngữ ngày nay thì là tình yêu nam nữ! Từ ngày có được cái ma lực này, con người mới thật ra con người, trái đất mới lung linh trăm hồng nghìn tía. Con người vượt qua nghèo đói, vượt qua tật bệnh, vượt qua bao tai ác của thiên nhiên là nhờ mãnh lực của tình yêu. Lịch sử loài người đã ghi nhận hàng ngàn thiên tình sử.... Chính tình yêu làm con người trường thọ, sưởi ấm tâm hồn, trẻ mãi không già…
Làng Trọng Nghĩa đang chứng kiến một mối tình vượt ngoài khuôn phép của tạo hóa. Với tập quán thì nó ngược, với tình người thì nó xuôi, chẳng những xuôi mà còn đẹp theo đúng cái nghĩa của tình yêu. Chính mối tình này đã đẩy tình yêu đến mức bí hiểm. Thật ra từ ngày tạo hóa ra ơn ban cho con người cái thứ tình cảm đặc biệt ấy, chẳng một ai cắt nghĩa nổi tình yêu là cái gì, nó vừa hữu hình mà cũng vô hình. Chẳng ai nhìn thấy hình thù, chẳng ai nắm bắt được, không ai đo đong đếm được. Thế mà nó vẫn hiển hiện nồng thắm trong mỗi trái tim. Tình yêu không có tuổi, không ai kể cả tạo hóa dám quy định là bằng nào tuổi thì yêu, bằng nào tuổi là hết yêu. Trong thực tế đã có những người cả đời chưa một lần yêu, cả đời không biết thế nào là tình yêu. Có người lại bắt gặp hàng chục mối tình, yêu rồi hết, hết lại tìm thấy một mối tình mới, rồi lại hết, họ xoay tròn như chong chóng và nếm trải đủ cả cay đắng ngọt bùi. Có người yêu nồng say lúc trẻ, về già an phận với số không, chỉ sống với tình yêu trong ngưỡng vọng, trong kí ức xa xăm. Thật ra thì không ai mất, không ai hết được cái thứ tình cảm gọi là đặc ân của tạo hóa, thời gian quá dài trôi đi, nó bị dồn đuổi, bị nén, bị ấn xuống khoảng đáy của cõi lòng bởi bổn phận lúc cuối đời. Cái khoảng nén ấy nếu không kiên cố sẽ bị bật nắp!
Ông Phổng là một trong số những người mà cái khoản nén tình yêu có che đậy kiên cố vẫn bị bật nắp. Vào tuổi tám mươi, ông thấy lòng mình bừng lên một thứ tình cảm mới mẻ mà ông chưa bắt gặp bao giờ. Cách đây hơn nửa thế kỉ ông lấy vợ, chuyện lấy vợ thời ấy bây giờ có kể lại cũng chẳng ai tin. Đúng là tận lúc dẫn dâu về ông mới biết mặt vợ, và vợ cũng mới biết mặt ông. Theo đúng luật tạo hóa, con cái ghép vào con đực là thành vợ chồng, là sinh con đẻ cái, là thành một gia đình để làm nhiệm vụ duy trì nòi giống. Ông sống với người vợ ghép ấy đã hơn nửa thế kỉ và làm tròn bổn phận của giống đực, thế thôi. Ngoài những động tác truyền giống ra ông không biết trên đời này vẫn đang tồn tại một thứ tình cảm đặc biệt không gì so sánh nổi, gọi là tình yêu nam nữ. Cho đến những năm tháng cuối đời này, khi mà sức lực tưởng như sắp suy kiệt, khi mà tuổi thanh xuân đã qua từ lâu lắm, khi mà máu trong cơ thể tưởng như đã loãng ra và lạnh đi… thì chuyện đời lại bừng lên ở điểm bắt đầu. Thoạt tiên là từ đôi mắt. Hai con mắt bỗng sáng ra đến mức xỏ chỉ vào chôn kim không cần đeo kính. Với một con mắt trẻ như thế, ông tiếp cận sự đời. Với người vợ già, ông hiểu rằng đó là quá khứ, ông đã sống gần trọn cuộc đời với bà mà không hề biết thế nào là tình yêu. Giờ thì ông như cây bàng qua mùa đông, lá đỏ phải rụng đi để ông đón cái mầm xuân mới. Lạ chưa, ông thấy rất rõ một mùa xuân của cuộc đời đang hồi xuân trong ông. Có thể là bắt đầu từ việc cô Ngân sang làm thuê cho ông. Không biết đây có phải là ý trời, là sự xui khiến của đấng thiêng liêng nào không mà mỗi buổi sớm khi nhìn thấy Ngân tất tưởi đi từ ngõ đi vào, là ông thấy trong người rạo rực, mọi nỗi buồn coi như tan biến, lòng vui như ngày trẻ. Cô Ngân cũng nhìn ông bằng đôi mắt khác lạ, nói bằng giọng nói ngọt ngào, êm ru. Giọng nói, tiếng cười, đôi mắt ấy chưa bao giờ ông thấy có ở người vợ ông. Bà cũng thường mỉm cười với ông, vẫn thường nói với ông dịu dàng, thế nhưng vẫn là những cái gì đấy thường thường lẫn trong cuộc sống bình thường, chẳng khơi dậy ở ông một cái gì đặc biệt, mà chỉ là bát nước ấm rồi nguội dần. Cô Ngân mới là ngọn lửa đốt lên trong ông cái mà đời ông cho đến giờ chưa biết đến. Cũng chưa biết thế nào. Có điều là ông thấy đời đẹp hẳn lên, khỏe hẳn ra…
Chia tay cô Ngân, về nhà lòng ông vô cùng rạo rực. Vợ ông, bà Bần đang ngồi đầu hè nhai trầu, thấy chồng về, bà nhả miếng bã trầu ra cầm ở tay rồi hỏi:
- Có việc gì không ông?
Ông đi đến bên bà nhã nhặn:
- Chẳng có việc gì cả. Có điều là tôi xin trả lại thẻ Đảng.
- Sao lại thế? – Bà hỏi – Sao ông lại trả thẻ Đảng? Thế ông không ở trong Đảng nữa à? Ông xin ra Đảng à?
Ông ngồi xuống đầu hè ngay cạnh bà:
- Phải thế thôi! Các đồng chí bảo tôi giờ đã thành địa chủ, là bóc lột, mà trước đây tôi giáo dục các đồng chí ấy vào Đảng là chống lại bóc lột, địa chủ. Còn bây giờ theo như các đồng chí ấy nói thì tôi đã thành địa chủ, tư sản rồi, lại thuê mướn người làm, tức là bóc lột nhân công. Vậy tôi còn ở trong Đảng làm gì để làm xấu Đảng? Tôi đặt thẻ Đảng lên bàn trả lại các đồng chí ấy rồi. Từ nay tôi “trọc đầu” bà hiểu không?
Bà vợ lại đưa miếng trầu đang cầm tay lên miệng nhai chóp chép, rồi thong thả nói:
- Thôi thế thì càng mát…
Ông nhìn bà hỏi:
- Bà thấy thế nào?
Bà vợ vẫn đủng đỉnh nhai trầu rồi trả lời:
- Tôi cũng không biết thế nào cả. Nhưng xem ra ông cũng gần thành địa chủ thời mới rồi. Hồi cải cách như ngữ ông là bị đưa ra đấu, bị hô “đả đảo” có tới vài trăm lần. Bây giờ không bị đấu tố, không bị tù đày là phúc rồi!
Có điều lạ là bao nhiêu năm ông vẫn đi tuyên truyền chửi địa chủ, tư sản, thế mà lúc sắp chết ông lại biến thành địa chủ!
Ông cười hiền lành:
- Nào ai học được chữ ngờ! Giá mà biết trước được rằng bây giờ mình là địa chủ thì ngày trước đã chả đi tuyên truyền đánh đổ địa chủ!
Chẳng hiểu nghĩ thế nào mà bà lại hỏi kháy ông:
- Thế bây giờ là địa chủ rồi thì ông thấy địa chủ đáng ghét hay đáng yêu đáng quý?
Ông cười nói vui:
- Tôi thấy tôi yêu quý tôi!
Bà cười:
- Thế là ông yêu thằng địa chủ Phổng phải không?
- Thế còn bà? – Ông hỏi lại.
- Tôi ấy à? Sắp xuống lỗ rồi nên tôi chẳng yêu quý ai cả! Suy cho cùng thì suốt đời tôi có được ai yêu đâu mà tôi phải yêu lại người ta!
- Bà cho rằng tôi không yêu bà? – Ông hỏi vặn.
- Ông chỉ lợi dụng cái thân xác của tôi chứ ông yêu quý gì tôi! – Bà trả lời.
- Bà có bằng chứng gì không mà dám nói như thế? – Ông hỏi vặn lại.
- Bằng chứng à? Có hàng ngàn bằng chứng. Nhưng thôi, già quá rồi ai còn đi vặn nhau chuyện yêu ghét làm gì!
- Thế thì tôi xin cảm ơn bà!
- Không dám!
Nói rồi bà thản nhiên lại đưa miếng bã trầu vào mồm nhai bóp bép. Ông nhìn bà vừa thấy thương, vừa thấy xa lạ. Rồi ông đứng lên vào giường nằm.
Con thuyền từ từ rời bến. Nó lượn vòng vo trên đoạn sông quanh cửa đình một lát rồi vút sang phía cánh đồng. Đêm nay trăng sáng lắm. Có lẽ đã lâu rồi mới có một đêm trăng sáng và đẹp như đêm nay. Trăng nhấp nhánh ánh vàng trên đầu những vẩy sóng, nhấp nhánh trên đầu những bông hoa súng màu tím trắng trồi lên từ mặt nước đồng chiêm. Con thuyền nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng vàng, nó đi từ từ, nhún nhảy nhịp nhàng theo từng con sóng nhỏ. Con thuyền nhỏ bé và thơ mộng này đang đựng trên nó một cặp tình nhân, chàng đã ở tuổi vừa chẵn bát tuần, còn nàng đã hơn tứ tuần một chút. Chàng đẩy sào, còn nàng ngồi ở thang thuyền phía đằng mũi, quay ngược mặt lại phía chàng. Thuyền đang từ từ đến Bến Trăng! Bến Trăng này đã có từ xa xưa. Bao đời nay những trai thanh gái lịch yêu nhau không có đôi nào là không đến Bến Trăng để tình tự, nhưng chưa có một đôi nào mà chàng đã tám chục xuân xanh, còn nàng thì hơn bốn chục! Bến Trăng đêm nay thật đẹp, trông tựa tựa như cái mâm vàng, cái âu vàng, khảm trên mặt nó là chiếc thuyền nan có đôi tình nhân đang ngồi kề bên nhau tình tự.
Ông Phổng đang hồi xuân vào tuổi tám mươi! Không biết đây có phải là phép lạ của tạo hóa hay không? Nếu không phải là phép lạ của thiên nhiên thì cũng là phép lạ của chính bản thân con người của thời kì cực hiện đại. Nếu con người tuổi thọ là trên trăm thì vào tuổi tám mươi là đang thời trai trẻ với những khát thèm cháy bỏng con tim! Theo lệ, trước khi đậu hẳn, con thuyền phải lượn vòng quanh Bến Trăng như là động tác có lời chào: chào nước, chào gió, chào ánh trăng lấp lánh, chào những bông hoa sen, hoa súng tím trắng, và chào nữ thần tình yêu coi quản Bến Trăng. Chuyện rằng từ ngày xửa ngày xưa, khi cánh đồng này còn hoang dại đầy chất nguyên sơ, mùa mưa nước sâu ngập đầu người, lăn lác mọc như rừng rậm, chim chóc nhiều vô kể, thì nơi đây vẫn có một khoảng trống rộng đến bằng mười cái ao to mà tròn vành vạnh như mặt trăng mười sáu. Cặp tình nhân đầu tiên đẩy thuyền đến đây là một đôi trai gái thanh lịch, chàng tên là Tú còn nàng tên là Quỳnh. Năm ấy chàng hai mươi, còn nàng thì mười tám. Họ yêu nhau tha thiết. Nhưng nhà Tú nghèo, quá nghèo, còn Quỳnh lại con vị chánh tổng giàu có, không thể nào môn đăng hộ đối. Ngày mai là phải về làm dâu gia đình quan tri huyện. Đêm nay nàng cùng người tình đẩy thuyền đến Bến Trăng. Họ cởi hết áo quần vất trôi trên mặt nước đầy trăng rồi ôm riết lấy nhau trên lòng thuyền đã trải một chiếc chiếu hoa mới. Hai người dâng hiến cho nhau đến tận cùng suốt gần trọn một đêm. Vào quãng gà gáy canh tư sang đầu canh năn thì họ dùng hai cái thắt lưng xanh, tự quấn, buộc chặt hai thân thể trong tư thế làm tình, rồi lăn xuống nước và chìm tới đáy. Khi biết được chuyện đau xót về mối tình ghê gớm này, người ta đã không vớt xác đem về cồn bỏ ván chôn, mà cứ để yên hai thi thể ôm nhau nằm dưới đáy nước, rồi dùng thuyền chở đá hộc đem đến lấp thành cái mộ cao nhô lên mặt nước. Cái mộ ấy giờ thành quả núi nhỏ giữa lòng Bến Trăng. Người ta cũng kể cho nhau nghe rằng vào những đêm trăng sáng lúc khuya, ai đẩy thuyền qua đây đều nhìn thấy đôi trai gái ngồi tình tự với nhau trên chỏm ngôi mộ đá ấy với tư thế không có quần áo trên người. Một trăm năm, hay mấy trăm năm đã trôi qua mà tình yêu của họ vẫn nồng thắm như thuở ban đầu, không hề già đi dù chỉ bằng hạt bụi. Đời này qua đời khác, bao nhiêu đôi lứa đã đến đây, đến cái Bến Trăng này để thưởng trăng, để khấn thần tình yêu phù hộ cho họ nên vợ nên chồng và yêu nhau tới tóc bạc răng long.
Con thuyền tình yêu đêm nay cũng lượn lờ quanh đỉnh mộ của thần tình yêu, có lẽ vì còn sớm quá nên chưa thấy xuất hiện cặp uyên ương thoát ra khỏi mộ để lại ngồi ôm nhau giữa trăng vàng và gió mát. Con thuyền lượn lờ một lát rồi rẽ ra khoảng trống phía đằng này, cắm sào neo lại.
Ngân nói:
- Anh đến đây…
Anh Phổng – Xin phép bạn đọc lúc nàu được gọi là anh Phổng cho hợp với không khí đầy thơ mộng của tình yêu – Anh Phổng cắm sào xong, liền đến ngay chỗ có mùi hương lạ đang vẫy gọi. Cô Ngân đêm nay là công chúa, là nàng tiên của lòng anh. Từ ban chiều, nàng đã đun một nồi nước mùi ngọt ngào hương thơm để vừa gội đầu vừa tắm, chẳng khác gì tất niên chiều ba mươi tết. Rồi nàng thay bộ quần áo mới rất thơm tho, sạch sẽ. Cũng chỉ là cái quần lụa đen hoa rất mỏng, cái áo cánh bằng lụa trắng cộc tay may khéo làm nổi cái lưng ong. Đầu nàng chải mượt, tóc cặp ra sau lưng, nhưng lúc này gió thổi mạnh bay lõa xõa, mấy sợi tràn sang cả má người tình. Anh Phổng phập phồng hai cánh mũi. Cái thời còn công tác, anh chúa là hay bốc phét, nói một tấc tới trời, cái gì cũng cực kì, cũng vĩ đại, và mỗi lần bốc khoác như vậy thể nào hai cái lỗ mũi to như hai cái loa cũng phổng lên rồi phập phà phập phồng, vì thế mà tên anh thành Phổng! Từ ngày nghỉ công tác, anh lại đắc ý về sự làm giàu nên cánh mũi vẫn phổng. Lúc này tất nhiên là phổng hơn bao giờ hết. Đời anh từ thuở bé đến giờ chưa biết yêu, chưa được yêu, mới biết mùi đàn bà chứ chưa biết “mùi người yêu”. Giờ đây ngồi cạnh người tình, lòng anh hún hớn như trẻ con. Gió đông nam nhè vào lúc này mà dập dìu thổi. Một mùi hương lạ quấn quýt lấy anh, bao bọc lấy anh, mơn man khắp người. Đã bao năm rồi, anh chỉ quen ngửi mùi nước cốt trầu ở mồm người vợ già lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu, ngửi mùi hôi hôi từ cái khăn đen bùn mỏ quạ, và thỉnh thoảng cái mùi khai khai từ đũng quần bà già. Những mùi vị ấy quen đến phát ớn, nó làm anh sợ chứ không làm anh say. Giờ thì say thật. Cô Ngân đã bốn mươi tuổi mà cho anh cảm giác mới độ ngoài hai mươi. Anh cảm thấy cô non tơ, mỡ màng, nõn nà và thơm phưng phức…
- Anh nói với em điều gì đi chứ? – Ngân giục người tình.
Anh Phổng vẫn ngồi im. Hồn anh đang bị ru vào cõi mộng bởi những mùi lạ, cảm giác lạ. Anh ngẩn người một lát rồi như bừng tỉnh.
- Anh không biết nói gì cả!
- Sao vậy? – Cô Ngân vặn lại.
- Người đời bảo rằng khi lòng trống rỗng thì không có gì để nói, ngược lại khi lòng đầy ắp… thì cũng không nói được gì.
- Thế… anh có thích em không?
- Anh thích lắm!
- Vậy anh hôn em đi! Đời anh đã hôn nhiều chưa?
- Chưa! Bà xã nhà anh lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm thì hôn thế nào được? Vả lại, hôn tức là yêu. Đời anh chưa yêu bao giờ trừ…
- Thế sao anh có vợ?
- Nhưng chưa bao giờ anh yêu vợ.
- Em cũng chưa bao giờ yêu chồng, cũng chưa bao giờ được chồng hôn và cũng chưa bao giờ hôn chồng! Em khát khao tình cảm lắm anh ạ. Chồng em, gã nghiện rượu từ lâu, mà gần đây nghiện cả ma túy cũng nên. Em thèm khát một tình yêu chân thật anh ạ…
- Còn anh, trước đây anh khát mà không biết khát, từ ngày gặp em anh mới biết khát khao…
- Vậy anh hôn em đi, như trong phim ấy, hôn môi anh ạ…
Lửa tình giờ thì thật cao, bốc ngùn ngụt giữa hai trái tim tội nghiệp. Ông Phổng – xin trở lại đại từ ông cho đúng nghĩa – Ông Phổng xoay người lại giơ hai tay choàng lấy người tình, run rẩy lập cập như người ăn vụng sợ bị bắt quả tang. Nàng bảo ông rằng phải hôn môi, nhưng ông không biết hôn thế nào. Đời ông chưa hôn môi lần nào nên không có khái niệm về hôn môi. Ông chỉ biết “bóp vú” nên luồn tay qua lần áo mỏng của nàng xoa xoa bóp bóp. Nàng nằm ngả vào lòng ông, một cơ thể chắc mẩy, mát lạnh. Vậy mà người ông lại bừng bừng như lên cơn sốt. Tất cả các bộ phận trong người đều được đánh thức, bộ óc ông trở nên rất minh mẫn, các rễ, dây thần kinh đều nhạy cảm. Toàn người ông rạo rực, háo hức muốn chộp choạp ngấu nghiến món quà Thượng Đế vừa gửi tặng đang mát lạnh trên tay…
- Anh không biết hôn à? Có hôn mới là yêu…
Nàng nói và ngửa mặt lên. Ông nhìn rõ đôi môi hơi dày mọng đỏ của nàng. Ông liền cúi xuống ngoạm rồi mút… nàng vươn tay ghì cổ ông để ông hôn thật lâu. Lúc này tất cả sức trẻ đã thức dậy trong người ông. Ông không còn là ông lão tám mươi nữa, mà là chàng trai ba mươi! Từ ngày giàu có, được tẩm bổ nhiều ông thành to con, cao những một mét bảy lăm và nặng tới trên bảy mươi cân. Người tình trong tay ông chỉ nặng có bốn lăm cân. Nhưng mà khao khát, nàng đang thèm khát đến mức tấm thân mảnh mai của nàng rung lên và nóng hôi hổi. Nàng lấy chồng đã lâu, có tới mấy chục năm rồi, nhưng chồng nàng là dân cò hương, người bé loắt choắt, lại nghiện ngập, gã thích rượu hơn thích vợ. Năm thì mười họa gã mới mó đến vợ, vừa làm tình vừa thở như bễ lò rèn, chưa lên đã xuống, chỉ tổ làm cho nàng thêm ngứa! Có lúc điên lên, nàng rủa: “Đàn ông đàn ang gì mà b… vừa bằng quả ớt, lại nhũn như dọc khoai nước hơ vào lửa thế?” Gã cũng điên, đốp lại: “Bố mày chỉ bé bằng quả ớt thế thôi! Thích to thì sang Châu Phi mà sờ b… tây đen, để nó chọc cho tới họng lè lưỡi ra con ạ!” Vì vậy mà trong bao nhiêu cái khổ của đời nàng, có cái khổ là chồng thiếu chất đàn ông.
Người tình của nàng giờ đây là ông lão tám mươi. Ông chinh phục nàng bằng sự giàu có, bằng tâm hồn trẻ lại, bằng chất đàn ông mạnh mẽ cũng đang trẻ lại của một cơ thể cao to như hộ pháp! Đừng đổ oan cho một mình ông săn nàng. Chính nàng cũng gài bẫy săn ông. Nàng làm thuê cho ông từ sáng sớm, tối mịt mới về. Trưa nào nàng cũng tắm. Mùa nắng thì nàng tắm cầu ao, mùa lạnh thì nàng tắm trong nhà tắm có nước nóng. Những trưa hè yên tĩnh, người làm công đã về nhà nghỉ, bà vợ nằm trong giường nhai trầu, thì nàng ra cầu ao ngồi tắm. Ông Phổng bao giờ vào thời điểm ấy cũng giả vờ đi quanh trại xem xét công việc, kì thực đôi mắt ông chỉ nhìn vào chỗ cầu ao dưới bóng mát của cây bàng. Ngân ngồi trên chiếc cầu bằng ba thanh tre ghép lại là là trên mặt ao. Nàng thừa biết có đôi mắt đàn ông từ chỗ gốc mít đang nhìn mình tắm, nhưng nàng lại như là không hay biết gì, như là chỉ có một mình mình tắm nơi buồng kín. Nàng cởi áo ngoài, chỉ mặc xu-chiêng và một cái quần đùi nhỏ xíu và mỏng dính bằng lụa đen làm nổi bật lên cái màu trắng nõn mà da dẻ nàng bẩm sinh đã có. Người đàn ông đứng ở gốc mít dù đã ở tuổi tám mươi nhưng thể lực đang được tạo hóa cho hồi sinh cứ nhìn như dán mắt vào rồi người cứ rung lên….
Bà vợ già nằm trong nhà thỉnh thoảng lại gọi với ra: “Trưa rồi, sao ông không vào giường nằm nghỉ cho đỡ nóng…” Với một người đã tắt mọi ham muốn từ hàng chục năm rồi thì bà không thể hiểu nổi những uẩn khúc kín đáo trong lòng những người đang ham muốn. Cái việc cứ trưa nào ông cũng như thằng ngớ ngẩn đứng ngồi dưới gốc mít, bà cho là tật của người già, chẳng để ý làm gì. Rồi bà thiêm thiếp ngủ. Đúng lúc bà thiêm thiếp ngủ ấy thì cô Ngân quay ra chỗ gốc mít mỉm cười và khẽ đưa tay vẫy vẫy. Ông Phổng run rẩy đi đến. Chớm đến chân cầu ao, ông nghe cái giọng ngọt ngào: “Kì hộ em cái lưng…!”
Bến Trăng càng về khuya càng mờ ảo, đầy huyền bí. Trên đỉnh ngôi mộ thần Tình yêu lúc này như có một màn sương mỏng bao phủ, ấy là cảm giác thế thôi, chứ mùa này chưa phải mùa sương buông. Trong cảnh huyền ảo ấy, đúng là có đôi trai gái ngồi ôm nhau ngắm trăng. Hằng trăm năm, hằng mấy trăm năm đã trôi qua, đôi tình nhân này chẳng già đi tí nào, vẫn óng ả, non tơ như thuở nào. Những người thả lưới đêm còn nói, họ còn nghe được cả tiếng than thở, hoặc nũng nịu của đôi trai gái ấy. Giờ là mấy giờ mà đôi trai gái ấy đã hiện lên? Đêm nay trăng sáng quá, gió đồng lồng lộng thổi, nước ở Bến Trăng lúc này trong như nước suối… đã như lời mời gọi để họ thoát mộ mà trở lên cõi trần đau thương đầy sức cám dỗ chăng?
Bến Trăng đêm nay còn chứng kiến một cặp tình nhân người trần mắt thịt đang tình tự trên con thuyền nan ở góc đằng này. Ngân đã nằm ngả hẳn vào lòng người yêu và ngửa mặt lên, chìa môi chìa má để đón nhận những nụ hôn. Quả thật, đời nàng cũng chưa được hôn. Chồng nàng là gã đàn ông cục cằn nát rượu, suốt đời mồm sặc sụa hơi rượu, không bao giờ nàng để gã hôn, mà gã cũng chẳng đòi hôn bao giờ cả. Bởi nụ hôn là thể hiện tình yêu, có yêu mới có hôn. Đời nàng mãi lúc đã ngoài bốn mươi mới nhận biết thế nào là tình yêu. Giờ đây nàng đang trong vòng tay người tình là một ông già đã tám mươi. Nàng không ngờ ông cũng biết hôn, biết đánh lưỡi vào môi và lưỡi nàng, tạo cảm giác đê mê cho cả hai người. Rồi cái gì xảy ra ắt cũng phải xảy ra. Như một con mãnh thú tràn đầy sinh lực, cùng lúc đôi bàn tay gân guốc đã lần đến cái cạp quần chun mỏng dính kéo tụt xuống dưới đùi, rồi kéo tuột hẳn ra. Nàng bằng lòng. Nàng thỏa thê dâng hiến. Có lẽ trong cuộc đời của cả hai người chưa bao giờ chuyện gối chăn lại đạt tới đỉnh điểm của hứng thú, của khoái cảm như lúc này. Nàng để cho người đàn ông to như hộ pháp phủ lên cái tấm thân mảnh mai của nàng, rồi nàng cũng vòng tay ôm ghì lấy cái lưng cánh phản, trên dưới cứ nhịp nhàng từng đợt, từng đợt như sóng xô bờ….
Đã đăng:
Chương 2 – 3: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/11/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_29.html
Chương 6 - 7): http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_4.html
Chương 8 - 9: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_6.html
Chương 10 – 11: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_10.html
Chương 12 – 13: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_11.html
Chương 14-15: https://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_13.html
Chương 18-19: https://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_25.html
(Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét