Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Từ Trường Ca Đăm San đến Sống chụ son san / Phạm Cao Phong







        Nhà nghiên cứu người Pháp Léopold Sabatier (1877-1936), người chuyển ngữ ‘Trường ca Đăm săn’ (phiên âm KLei khan Y Đăm Săn) của dân tộc Ê Đê sang tiếng Pháp năm 1929 không nghĩ rằng rất lâu sau bước chân ông có những học giả Việt nam cũng làm công việc tương tự.

        Tôi muốn nhắc đến tên tuổi Léopold Sabatier vì việc thiếu may mắn hay lệch lạc trong học hành, dạy dỗ đôi khi lèo lái chúng ta đến bến bờ khinh bạc, xem thường những dân tộc không phải như mình. Chúng ta vô tình hay quên những công lao của những người đã đổi tuổi trẻ của họ để giữ lại những vốn liếng văn hóa quý giá của các dân tộc sống dưới mái nhà chung các dân tộc Việt nam?
        Chúng ta đã vui mừng nông nổi quá chăng khi một cái gì đó được UNESCO công nhận là những giá trị vi vật thể, những giá trị văn hóa. Có nên hiểu đó là vì những báu vật văn hóa ấy đang mai một, mất dần và mai sau sẽ chẳng còn ai biết rằng những điều quý giá đó đã từng tồn tại?

        Vẻ đẹp bước ra từ Trường ca Đăm San

        Mới đây thôi, có người còn miệt thị một đứa con của dân tộc ấy vì cô tự hào với chiếc vương miện của cuộc thi sắc đẹp.  Một việc làm thô thiển và đáng trách. Song nỗi buồn đó như được khỏa lấp với thành công vượt trội của ‘Đêm vô thức bản địa’ của đạo diễn âm nhạc Nguyễn Nhất Lý mà tôi đã có dịp giới thiệu gần đây.
        Tại sao một ‘kẻ thực dân’ như Léopold Sabatier trong con mắt dung tục, hời hợt của những điều dạy dỗ sai lệch, của sự ấu trĩ lại bỏ 15 năm sống một mình với cộng đồng 150.000 người dân tộc, chỉ bảo họ, cùng họ xây đắp 600 km đường, trường học, bệnh xá? Những tư liệu này tôi tìm thấy trong những thư viện ở Paris, mà sao không phải ở Việt Nam?  Ông đã cặm cụi chuyển ngữ từ tiếng Rhade sang tiếng La Tinh một sử thi mà ngày nay chúng ta được cầm trên tay.  Một cuốn sách mà người Pháp từ năm 1929 đã được đọc.
        Nếu không có truyền thuyết ‘Sơn tinh, Thủy Tinh’, ‘Bánh chưng, bánh dầy’ ‘Đăm Săn’, sau đó ‘Đẻ đất, đẻ nước’ và gần đay nhất ‘Sống chụ son san’ (Tiễn dặn người yêu), gia tài văn hóa Việt Nam có côi cút lắm không? Chắc chắn.
        Và hôm nay, tôi muốn đề cập tới một tác phẩm vừa được thêm vào trong kho tàng văn hóa dân tộc bản địa, để nhắc nhở rằng, sự miệt thị những di sản nghệ thuật ấy thật đáng trách biết bao. 

        Đến Sống chụ son sao’

        Tôi gặp nhà văn Nguyễn Khôi tại Hà Nội.  Bài thơ "Về Hà Nội" của ông  sáng tác năm 2005 nhân dịp kỷ niệm1000 năm Thăng Long nhận giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, bộ sử "Cổ Pháp Cố Sự" đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô 2008.
        Gần đây ông cho ra mắt tác phẩm ‘Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại’.  Nhận định và đánh giá một số lượng đến chóng mặt (99 nhân vật), những cá nhân làng văn theo đúng lời nói ông, là mến mộ, tạc chân dung những người tài, thành danh.  Kể từ những soái ca của thi đàn như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ… đến  những nhà thơ mới chạm ngõ làng văn như Phạm Lưu Vũ.
        Nghĩa cử can đảm, khó khăn khi phải cô đọng mỗi người trong bốn khổ thơ cả văn tài và dấu ấn của các khuôn mặt góp sức dựng lên hình hài văn học Việt nam đương đại.
        Khi ông tặng tôi ‘Sống chụ son sao’, tôi đã cầm nó hờ hững.  Cảm giác đối nghịch, xấu hổ thế chỗ cho điều này sau khi đọc hết cuốn sách.  Xấu hổ về nhận thức mông muội, mang chất thực dân khi đánh giá các sắc dân khác.  Điều day dứt ấy bắt tôi phải đi đến những bản dân tộc miền núi phía Bắc, gặp gỡ người dân và ngắm những phong cảnh núi rừng bằng một cảm nhận hoàn toàn mới, như thu nhận sự rộng lượng của đất trời mà chiếu sáng cho những góc còn tăm tối trong suy nghĩ.  Tôi còn quay lại gặp nhà văn Nguyễn Khôi thêm một lần nữa, trao đổi với ông để đoạn tuyệt với những ấu trĩ cá nhân.
        Từ những vần thơ trong ‘Sống chụ son sao’, tôi cảm động như bắt gặp một giọt mưa dung dị, theo cánh mây mầu cánh bạc rơi xuống lòng bàn tay.  Giọt nước phôi thai cả ngàn năm trước, hoặc xa xưa hơn nữa đã một lần chạm xuống trái đất này, thấm qua những tầng đất, róc rách theo dòng suối  nhỏ, nhập vào đại dương cuộn sóng, hẹn hò với những cơn dông vần vũ, rồi chợt nhớ đến mảnh đất đầu tiên đã đáp xuống mà lần tìm về. Và hôm nay, tôi may mắn thấy giọt nước ấy, long lanh trong bàn tay mình, bồi hồi lật từng trang thơ cổ, được ví như 'Truyện Kiều' của dân tộc Thái.
        Những vần thơ không giấy giáng sinh, những vần thơ người nghệ sĩ  viết lên không để lại một chữ ký.  Và cả ký tự lưu giữ cuộc đời, lưu giữ khắc khoải, đau đớn viết về thân phận, về ngang trái ấy có bao nhiêu năm tuổi ?
        Tôi không biết.  Tôi chỉ đọc được những vần thơ cổ như lịch sử của mảnh đất Việt từ một bản dịch.  May thay, còn những người tìm lại hình hài của một văn hoá thể hiện qua ngữ nghĩa, hình hài một dân tộc ghi nhận thăng trầm, thơ ca của họ qua chữ viết.  Không nhiều dân tộc, đất nước có may mắn như vậy.  Nếu không, việc biết đến những câu chuyện thần thoại, những vần thơ chỉ tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác qua văn học truyền miệng.  Và ai khẳng định vốn liếng đó không bị méo xệch đi?
        Bây giờ tồn tại một dị bản, Thánh Gióng thắng giặc xong, đi tắm ở Hồ Tây đấy sao?

        Người mắc nợ lịch sử

        Người dịch thơ đôi khi như người mắc nợ cái nghiệp của lịch sử.  Làm thơ, ừ thì chỉ phải nhận câu khen, câu trách.  Dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác chữ khen chưa thấy đâu, đã  ám cái bóng của kẻ giết người, tội đồ tan hoang gia tài mang nặng đẻ đau của nhà văn, nhà thơ đi trước.  Dịch hỏng, chuốc hoạ vào thân, nhận  gạch đá tanh lòng, đắng mật.
        Thơ mà dịch là mắc nợ bậc tiền bối, kẻ đương thời.  Hiểu cái ý của người xưa, đong đầy câu chữ mà xao xuyến lòng người nay.  Bước từ thời con người  chỉ lấy trăng làm bạn bắc cầu qua thời đương đại, con người khắc khoải nhìn vào không gian xanh thẳm, băn khoăn ‘không lẽ chỉ trái đất này sự sống là độc nhất’.
       
Nhọc nhằn, gian truân ấy, dễ ai tỏ mà sẻ chia ???

        Kiếp hoa rơi vương mầu  ca dao

        Hiếm có một trường ca nào có cái tên ‘ngộ nghĩnh’ như vậy.
        Nói là trường ca vì ‘Sống chụ son sao’ gồm tới 1840 câu thơ.  Cái tên cũng gây tò mò ‘Tiễn dặn người yêu’.
        Yêu là yêu, là trái tim xẻ nửa, là nền dân chủ thánh thiện, nhường nhịn, đam mê.   Tình yêu là phiêu lưu, chiếm đoạt, nhà đề biển ‘Có chó dữ’ cũng mặc.
        Tình yêu ấy ở đây đẹp, tinh tế, hình tượng như trong không gian ba chiều, cuộn xoắn, quấn quýt khát vọng ngày trầu cau. Viên ngọc ấy, ai đã được nâng niu?
        Dây trầu leo cuốn hồn yêu.
        Ai lại tiễn dặn người yêu đi lấy chồng?  Nhường đam mê, nhường một nửa của mình cho tình địch mà còn tỉnh, căn với dặn?  Hay đó là cao thượng giả dối, biết thân, biết phận?  Hay sự lên gân dối trá được viết thành lời?
        Không phải! Đằng sau những câu chữ ấy là một nền văn hóa mộc mạc, sơ khai, không bị Hán hóa, Kinh hóa, tha hóa… Vẫn nguyên sơ, kỳ ảo như Loa thành An Dương Vương và nàng Mỵ Châu thẫn thờ chờ Trọng Thủy.  Ừ mà những câu thơ này chắc cũng được viết cùng thời đó, thời vương quốc Mân Việt hoang tàn, Thục Phán xuôi gềnh sông Đà, có Long Môn, nước sâu ‘trăm tầm’, cá chép vượt lên hóa thành rồng.  Mảnh đất  nhờ núi sông che chắn mới tồn giữ được nền thanh bình trầm tĩnh đi qua thời gian, với ngọn gió khô sảng khoái không làm mục nát những trang chữ, để bây giờ dưới ánh mặt trời uể oải mà sinh trở lại trong những âm vực khác.

        Dịch giả Nguyễn Khôi là người mắc nợ ấy.

        Nợ 21 năm trai trẻ xứ Thái, nợ cái chữ, vần thơ mà ít ra ba lần các bậc lắm chữ, bén duyên càng lần càng thấy tơ vò, chưa đi hết chiều sâu con chữ ngàn xưa để lại.  Xuyên từ bản dịch đầu tiên ‘Sống chụ son sao’ với Điêu Chính Ngâu (1914-1958), ra mắt năm 1957, một năm trước khi ông mất.  Bản thứ hai của nhà văn Mạc Phi (1928-1996) ra mắt 1960, chỉ ba năm sau bản dịch lần đầu của nhà thơ Thái Điêu Chính Ngâu.  Bản này bổ sung thêm 242 câu thơ, so sánh và chỉnh lý từ các văn bản sưu tầm trong các năm 1957, 1958, và năm bản chép tay khác tìm thấy được ở Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La.
        Nguyễn Khôi đã chuyển thể khác góc chuyển ngữ của hai tác giả trước, mà xuôi theo dòng dân ca, như cái chất quan họ trong ông, để cái hồn, cái chất mộc mạc xứ Thái vào dòng chảy dân ca đất Kinh Bắc, đất Thăng Long, đất Việt.
        Phảng phất đâu đây một nàng Kiều của Nguyễn Du.
        Cũng 'những điều trông thấy mà đau đớn lòng’ phận bạc kiếp hoa rơi người thiếu nữ sinh ra không phải ngày:
        Cúng gà người cũng chẳng xem
        Cúng voi người ngoảnh mặt xem gọi là
        Những thứ ấy sao mà em có
        Phận nghèo hèn khốn khó kiếm đâu
        Người xui chồng nện thật đau
        Gậy phang chập tối, đêm thâu sáng mờ
        Chồng đánh em như vồ nện bịch
        Như Tạo Mường vui thích đánh chuông

        Đuổi em, dao quẳng xuống sàn
        Guồng tơ khung cửi đạp tan ... đuổi về

        Người con gái về làm dâu bàng hoàng khi thấy lưỡi dao oan nghiệt ném trước mặt như một lời đe dọa sinh tử của kẻ thất phu.  Phận bẽ bàng như khung cửi hàng ngày cúi mặt, nuốt tủi cực vào câm nín, mong yên bề trong tan hoang, kiếp rạc, thân đợ nhà người.
        Rời nhà này, về làm dâu nhà khác, cũng vẫn chỉ ‘phận mỏng cánh chuồn’
        "Về chồng mới em buồn, cáu gắt
        "Phơi thóc thì mắng cót chửi sân
        "Hạch chồng giữa chốn làm quan
        "Vào nhà cười bác, ra sàn khích anh
        "Nói xấu mẹ, đành hanh với bố
        "Vào bếp chân đá đổ chậu nồi
        "Dỡ xôi làm vỡ mâm xôi
        Khách vào, mặc áo để lòi vú ra
        Vú quả mướp vòng ba vòng bảy
        Ngủ đệm chê... rận chấy như sung
        Tỉnh ra lại mắng nhiếc chồng
        Tóc em chải ngược, ghế lồng lật ngang
        Cha mẹ than :mua nàng dâu dữ
        Nhà chẳng yên, xấu hổ, cơm toi
        Bạc mười ta trả đủ rồi
        Thôi tống ra chợ lấy mươi ba đồng
        Đổi gạo chẳng ai màng đến đổi
        Đổi muối chẳng ai tới đổi cho
        Nghìn lần, chín chợ vòng vo
        Lá dong một cuộn đổi cho xong đời...

        Con đường nghệ thuật làm dâu trầy trật trong uất ức, tủi nhục.  Cô gái Thái mong ngày cưới để được búi tóc lên đỉnh đầu như vệt son đỏ của cô gái Ấn bên dòng sông Hằng, cái hãnh diện yên bề gia thất, lại bị nhà trai coi như cái ‘chải ngược’, bất cần đời.  Cái giá nhà trai mua cô con dâu từ 10 đồng bạc trắng ngày đầu thoắt cái đem ra chợ bán không được nắm gạo, nhúm muối.  Thân gái dặm trường chỉ còn mỏng tang như những chiếc lá dong cắt bìa rừng gói tròn một bó.
        Cái 'duyên mơ' bồng bềnh tình đầu úa tàn trong xa xôi, chợt thức với nghịch cảnh.  Người tình thất thế không lấy được vì cái nghèo không đồ sính lễ ngày nào thành kẻ đứng ra mua, đứng ra chuộc 'phận lá dong' gói những đau buồn, nhức nhối.  Cay đắng hơn, thoắt sau thời để yêu, thời để say, thời lấy tiếng khèn bên suối, đầu nương trấn yểm khao khát gặp gỡ thì nay gặp lại cũng chẳng còn nhận ra mặt.  Chỉ còn biết gửi lòng vào vô định, gửi hy vọng vào một hẹn hò kiếp sau.
        Dù thành vợ người ta, cứ xẻ lòng chờ, em ạ !
        Mùa hoa bưởi ngắt hoa bưởi ngồi mong
        Mùa hoa vông ngắt hoa vông ngồi đợi
        Mùa hoa mạ, ngắt hoa mạ ngồi chờ
        Hoa sắp héo, sương mai em nhúng
        Hoa sắp tang, nước rượu em ngâm
        Hoa gói khăn đào 20 năm không phai
        19 đời Tạo quan vẫn thắm
        Những câu chữ ấy tìm ở đâu, trong bể sóng văn học các nhánh dân tộc khác? Cô gái ấy đáp gì với những dòng nhắn nhủ người tình, lúc kiếp đời chung tách bến?
        Đôi ta yêu nhau, anh gửi chiếc đàn môi đồng
        Còn thương anh, đàn môi đồng nhớ mãi
        Duyên mai sau, đàn môi đây, hãy lấy nhận người
        Cất kỹ trong lòng, em ơi, đừng nhầm lẫn nhận sai !
        Con khóc giơ đàn môi dỗ nín
       
‘Sống chụ son sao’ như đi vào một cuộc vong thân ngậm ngùi, có hàng nghìn giọt nước mắt, con đường đi tìm một hạnh phúc không thật.  Song phải chăng, chính cái hư thực ấy là giá trị thực của tác phẩm.
        Ngày về Trời theo cánh ngựa bay
        Lời thương em nhớ đừng phai
        Hồn thương đừng có đổi thay cõi trời
        Như hóa phép vàng tươi cánh bướm
        Qua hè về đông đến cưới nhau
        Lên cao nguyên Mộc Châu, tôi gặp nhiều nụ cười của những cô gái Thái.
        Ai cũng biết ‘Sống chụ son sao’.
        Phải chăng những câu thơ ấy có thể chữa lành và an ủi nỗi đau tâm hồn từ thế hệ này, qua thế hệ khác?
        Cám ơn nhà văn Nguyễn Khôi và công sức của ông đã bỏ ra để chúng ta có một tác phẩm cho ngày hôm nay.

        Phạm Cao Phong
Nhà báo tự do ở Paris (Pháp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét