Đã đăng:
Chương 2 – 3: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/11/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_29.html
Chương 6 - 7): http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_4.html
Chương 8 - 9: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_6.html
Chương 10 – 11: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_10.html
Chương 12 – 13: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_11.html
Chương 14-15: https://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_13.html
Chương 18-19: https://tranmygiong.blogspot.com/2017/12/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_25.html
Chương 20
Làng Trọng Nghĩa có một khu đồng rất rộng gọi là đồng Quan. Vì từ ngày trước ruộng ở đấy là ruộng quan chuyên phát canh thu tô. Bao đời nay nó là đồng chiêm trũng chỉ cấy một vụ, quanh năm úng nước. Mỗi năm sau vụ gặt chiêm, tháng bảy, tháng tám về với những trận mưa bong bóng trắng xoá đất trời, cả cánh đồng chìm sâu dưới nước cứ mênh mông như biển. Nhấp nhô trên sóng nước ấy là một xóm trại rất nhỏ chỉ có bốn năm gia đình chuyên sống bằng nghề lưới, giậm, rọ cua, rọ cá, mò ốc, mò trai, mùa đến thì đi mót lúa, sau mùa đi tuốt lúa dài, cuộc sống như chìm trong nước.
Năm gia đình ở trong xóm có năm cô gái cùng lứa chơi thân với nhau từ thuở còn để chỏm. Khi còn nhỏ thì suốt ngày quấn quýt bên nhau như đàn sẻ ở những cái sân đất, lúc chơi chuyền, lúc nhảy dây, lúc chơi đồ hàng, lúc bịt mắt bắt dê, trồng nụ trồng hoa, hoặc chơi trốn tìm quanh trại. Lớn lên một tí, tóc mới chỉ chấm vai đã phải nai nịt gọn gàng theo chị theo mẹ dìm mình suốt ngày trên đồng chiêm mênh mông sông nước khi xúc tép, lúc mò cua bắt ốc. Rồi mùa đến từng đoàn năm đứa nối đuôi nhau đến các ruộng người ta vừa gặt xong để mót lúa sót, sau vụ gặt lại cùng nhau đi tuốt lúa dài ở ruộng ven trại. Rồi lớn lên cũng vậy thôi. Tuổi cắp sách chỉ được mấy năm cố cho hết cấp một. Rồi thì từ đấy lại suốt ngày ngâm mình dưới nước đồng chiêm. Năm người con gái ấy có tên là Nhài, Nhãn, Cam, Hến, Tép. Dù cuộc đời từ tấm bé đã vất vả mà khi lớn lên thì sao đẹp lạ lùng, một vẻ đẹp riêng của con gái đồng chiêm, do được ngâm trong nước trong mát nên da dẻ lúc nào cũng trắng và sạch, người lúc nào cũng thơm thoang thoảng hương đồng. Đẹp và riêng biệt như những bông hoa súng vượt nước sâu nhoi lên toả hương sắc cho trời. Nếu không có chiến tranh thì chắc chắn những nụ hoa này sẽ thành hoa, hoa sẽ thành trái - Ấy là hạnh phúc bình dị mà mỗi cuộc đời ai cũng có. Nhưng rồi một ngày kia, khói lửa đạn đã bay phả hơi độc vào khu trại nhỏ giữa đồng chiêm mênh mông sóng nước này. Năm cô gái xóm trại như năm bông hoa chưa xoè hết cánh, những đôi má cũng chỉ vừa mới biết ửng hồng còn phơn phớt lông tơ, cặp môi non nớt chưa kịp chúm chím một nụ hôn. Trong một cuộc họp Đoàn vào ban đêm, năm cánh tay non nớt đã giơ lên. Rồi cũng vào một đêm như thế, cả năm cô cùng ra đi. Lúc ấy đồng chiêm đang mênh mông sóng nước, những con sóng to đổ dồn vào khu trại. Con thuyền nan vượt sóng chở các cô vào làng. Đêm khuya. Trăng đầu tháng đã lặn từ lâu. Vài giọt sao rơi dưới đáy nước, nhóng nhánh. Tiếng cuốc kêu buồn bã tiễn đưa. Từ hôm nay cuộc đời có thể nói là sang trang. Sẽ chẳng còn đâu mỗi buổi sáng ngồi thuyền chải tóc cho nhau, chẳng còn đâu cảnh ríu rít gọi nhau đi mò rồi đi chợ bán cua ốc lấy tiền mua guốc, mua nón bài thơ, chẳng còn đâu buổi tối mùa đông ngồi ổ rơm trong bếp ăn khoai luộc…. Sao mà nhớ thế, sao mà tiếc thế….!
Năm cô gái xóm Trại của đồng chiêm trũng thành năm cô thanh niên xung phong làm nhiệm vụ cắm chốt ở trọng điểm A12 trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ chính của các cô là đếm bom và cắm những lá cờ đuôi nheo lên chuôi những quả bom nổ chậm khi máy bay Mỹ đánh vào trọng điểm. Nhiệm vụ này rất gần cái chết, thế mà suốt nhiều năm chưa ai việc gì. Cho đến lần ấy B52 Mỹ rải bom toạ độ, trong vòng có mấy phút, ba cô Hến – Cam – Tép lần lượt bị trúng bom rồi hi sinh luôn. Chỉ còn lại hai cô Nhài và Nhãn. Tình hình gay go căng thẳng, suốt nhiều ngày không có thêm quân số bổ sung. Các cô điện hỏi cấp trên thì được trả lời: “Tổ quốc coi các em như những người anh hùng!”. Các cô trả lời vào máy: “Chúng em không phải là anh hùng. Chúng em cũng không muốn chết mà muốn sống trở về xóm Trại đồng chiêm…” Vừa lúc ấy, đợt bom mới lại nổ. Máy điện thoại đi đời. Cả hai cô đều bị thương. Người ta coi cái trọng điểm ấy đã bị xoá sổ, không ai để ý đến nữa. Tuy nhiên, hai cô gái đồng chiêm ấy vẫn sống, tự cứu nhau để sống và tiếp tục độc lập làm nhiệm vụ. Không muốn chết nhưng hàng ngày vẫn phải làm nhiệm vụ của con người đi vào cõi chết. Suốt đêm ngày tiếp cận với những loạt bom nổ chậm, nổ ngay, công việc của cả đội giờ dồn lên đôi chân, đôi tay của hai người. Rồi bẵng đi một dạo không thấy máy bay đến rải bom nữa, các loài chim ở đâu bay về và cất tiếng hót ngay cửa hang. Điềm lạ này các cô chưa hiểu nổi. Các loại xe qua đây tự nhiên cũng vắng hẳn. Rồi một ngày kia, có một chiếc xe con còn rất mới dừng lại ở giữa trọng điểm. Một tốp ba sĩ quan từ trong xe chui ra. Cả ba người đều đứng nhìn về phía hang đá, rồi vòng tay lên miệng gọi rất to:
- Có em nào còn sống ở trong đấy không?
Nhãn và Nhài lúc ấy đang ngồi ăn sắn luộc, vì đã từ lâu không còn gạo để thổi cơm, liền chạy bổ ra cửa hang với bộ quần áo đã rách tươm, rách nát, gió thổi từng miếng rách bay phần phật.
- Còn chúng em đây, - Cả hai cô vẫy tay trả lời.
- Là người hay là ma thế? – Có tiếng hỏi từ đám sĩ quan vọng tới.
- Là người đây… là con gái chưa chồng đây… cứu chúng em rồi chúng em nhận làm chồng….
Ngoài này đám sĩ quan nhảy lên reo hò, rồi họ chạy ùa vào, chẳng cần hỏi han gì bế luôn các cô ra xe. Vừa bế các anh vừa hỏi:
- Hoà bình lâu rồi sao các em còn ở hang? Hay là muốn lấy hổ làm chồng?
Các cô đỏ mặt giãy giụa trên cánh tay sĩ quan. Ra tới xe, các anh ấn các cô vào ghế, rồi vội vàng cởi ngay quần áo mình đang mặc đưa cho các cô bắt phải mặc vào.
Giờ đây, vào những đêm trăng không ngủ, Nhài và Nhẫn vẫn thường nhớ về quãng đời ngày ấy. Xe các anh đưa các cô về tới thành phố Nam Định thì thả xuống, tặng luôn các cô bộ quần áo, rồi móc túi có bao nhiêu tiền thì cho hết để các cô mua quà về xóm Trại. Khi hai cô về đến nơi thì cả xóm khóc um lên. Lúc đi là năm mà giờ về chỉ có hai. Cam, Hến, Tép đã vĩnh viễn nằm xuống ở một vạt rừng dưới chân đồi, đem theo tuổi xuân và khát vọng trở về. Không phải chỉ có ba gia đình khóc, mà cả năm gia đình của xóm Trại đều khóc. Ngày ba bạn mất, các cô không thể khóc, nỗi đau lặn vào trong, phải bình tĩnh đến mức cao nhất để làm tròn bổn phận của người còn sống. Gói các bạn vào chiếc võng bạt mà hàng ngày các bạn vẫn nằm, đặt ba bạn vào một hõm núi rồi từ từ khuân những hòn đá nhỏ kê lên để các bạn khỏi đau. Khi hai ngôi mộ đã cao lên dưới gốc cây tùng già thì hàng ngày cứ vào lúc sáng sớm hoặc buổi chiều khi ánh ngày gần tắt, các cô đi hái hoa rừng đem đến đặt lên mộ đá rồi ngồi xuống chuyện trò tâm sự một lúc lâu, cứ như là lúc còn sống. Mấy năm trời đều không có tiếng khóc. Nhưng hôm nay chỉ vừa đặt chân đến xóm Trại thì các cô lăn ra khóc như mưa. Những ngày ở Trường Sơn ấy, những lúc rỗi sau mỗi đợt bom, các cô lại ríu rít ngồi bên nhau, giơ năm ngón tay trỏ ngoặc vào nhau hẹn rồi đây khi đất nước bình yên, không đi đâu cả lại cùng về xóm Trại, sẽ lại sáng sáng khi mặt trời vừa ló lên ở đằng đông đã í ới gọi nhau đi mò, gọi nhau đi tuốt lúa dài về làm cốm, và tối đến đẩy thuyền dưới ánh trăng đi ngâm rọ cua để ngày mai bán lấy tiền mua dép nhựa trắng Tiền Phong, mua nón bài thơ….
Xóm Trại đây rồi, bao năm nhớ thương. Vẫn là cánh đồng chiêm trũng với những con sóng đuổi nhau rồi dồn vào chân trại, hất lên rong rêu và cả những con cá mương, cá rói mắt đỏ hoe, những chiếc thuyền tre đầy sào lướt sóng. Vẫn là những vụ cấy sóng đánh ngang cằm, mùa gặt thì bông nổi cho chim bông chìm cho cá. Vẫn là những làng nghề mò cua bắt ốc, cào giậm, chài lưới rọ cua, rọ cá. Hai người con gái trở về lại sớm chiều ngâm mình dưới nước đồng chiêm. Cuộc đời cứ chầm chậm trôi. Đến một ngày kia hai người mới giật mình nhớ ra rằng tuổi đời đâu còn trẻ nữa, đến trước gương buồn bã nhìn thấy những vết chân chim kéo dài bên đuôi mắt. Lứa tuổi các cô, bạn bè xa gần đều đã con bế con bồng từ lâu. Những năm tháng ở Trường Sơn với những trận sốt rét đến sạm da, rụng tóc đã làm cho con người già đi nhanh lắm, và xấu đi rất nhiều. Hoa vẫn đợi nhưng không còn ong bướm lượn nữa rồi! Bắt đầu có những cơn buồn, nỗi buồn tê tái, chua chát. Hai tiếng “ế chồng” văng vẳng ngày đêm như một định mệnh tiền kiếp. Ngày trước, thời còn nhỏ ngồi nghe bà, nghe mẹ kể về những người con gái ế chồng. Ấy là những người xấu xí như ma, không thì cũng hư đốn, nghĩa là chẳng ra con người nữa mới phải chịu cảnh ế chồng, chịu làm bà cô suốt đời sống trong cô đơn, hiu quạnh. Nghe mà rùng mình, mà chán cho những cuộc đời bất hạnh. Từ bao đời, con người đã tổng kết rằng đối với người đàn bà thì chẳng có gì đáng buồn hơn là sự ế chồng. Nào ngờ đâu nỗi bất hạnh lớn nhất ấy lại chụp xuống đầu hai cô gái nơi xóm Trại đồng chiêm. Hai chị em cứ lủi thủi lẩn khuất như hai cái bóng âm thầm tủi phận. Để quên đi nỗi buồn, hai người rủ nhau đi làm từ lúc mặt trời chưa mọc đến lúc trăng lên mới chịu từ đồng đẩy thuyền về nhà. Năm tháng trôi đi, hai cô thanh niên xung phong chống Mỹ thuở nào ấy vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó ai trong giới đàn ông tìm đến họ…. Nhưng rồi năm này qua năm khác, chẳng thấy một người đàn ông chưa vợ nào đến nơi đồng không mông quạnh này. Thậm chí cả loại đàn ông trai tơ tán tỉnh lèng phèng cũng không. Đời cứ trôi đi trong nỗi buồn cay cực. Tuổi trẻ qua đi, sắc đẹp cũng qua đi, rồi sức khoẻ cũng mòn dần. Đôi mắt trũng sâu và có viền thâm. Đôi mắt đen hạt nhãn ngày nào giờ đây nhờ nhờ như những hạt nhãn non. Chẳng bao giờ cười, mà hễ cười là như mếu. Khi tâm linh bất ổn thì mọi sự đời đều vô nghĩa. Rồi một đêm ngồi cắn chắt trên cái ổ rơm ở bếp, Nhãn nói:
- Nhài ạ, mình không chịu nổi nữa rồi!
- Vậy thì làm sao? – Nhài hỏi lại.
- Mình muốn ra chùa….
- Cậu đi tu à?
- Thì đi tu đã sao? Ở nhà mà thế này thì cũng có khác gì đi tu?
- Cậu tiêu cực quá rồi đấy!
- Ai gặp phải hoàn cảnh như bọn mình mà chả tiêu cực!
- Nhưng cậu bỏ xóm Trại, bỏ tớ à?
- Không đâu! Mình đến nhà chùa sẽ cầu Phật phù hộ độ trì cho xóm Trại ta đừng có kiếp người nào như kiếp chúng mình, mà cầu Phật giúp cậu thể nào cũng kiếm được tấm chồng, chắc chắn thế nào thần phật cũng phù hộ, cậu cứ để mình đi!
Một tuần sau, Nhãn đã cạo trọc đầu, mặc quần áo nhà chùa ngồi đọc kinh niệm Phật ở một ngôi chùa cách xóm Trại mấy chục cây số. Nhãn đi rồi Nhài cảm thấy nỗi buồn nhân lên gấp bội, tưởng như chẳng còn gì để mà níu lấy cuộc đời đơn bạc này nữa. Vào lúc tiêu cực nhất, Nhài đã đi mua một trăm viên thuốc ngủ để ở đầu giường rồi đi tắm. Sẽ tắm cho người thật thơm tho sạch sẽ rồi sẽ vĩnh biệt cuộc đời đơn bạc này. Bố mẹ Nhài đã mất, hai đứa em một trai một gái, đứa lấy chồng, đứa lấy vợ đã rời xóm Trại lên phố ở từ lâu. Như vậy là chẳng còn gì níu kéo cuộc đời này nữa. Nhưng khi vừa tắm xong, mặc quần áo mới và đang đứng trước gương chải tóc cho gọn thì mấy bà hàng xóm chạy sang gọi rối rít:
- Cô Nhài ơi có khách! Có ông khách đi xe máy, đưa cả xe máy xuống thuyền rồi bảo thằng Sóng nhà tôi đẩy về xóm Trại để thăm cô Nhài… Kia kìa, ông ấy đang dắt xe vào gần đây rồi đấy!
Nghe vậy, Nhài liền giấu biến gói thuốc ngủ vào hòm rồi mới thư thả đi ra sân. Một người đàn ông đứng tuổi, dáng người cao gầy mặc bộ com lê màu tím than đang dắt chiếc xe máy loại đời mới đi thẳng vào ngõ. Từ xa ông ta đã gọi như reo:
- Nhài đấy à? Gặp được thế này thì vui quá….
Nhài nhìn chăm chú và nghe rất rành rọt nhưng không nhận ra là ai. Người khách lạ tươi cười dắt xe máy vào sân. Nhài chăm chú nhìn, ngỡ ngàng, ngờ ngợ….
- Có nhận ra tôi không?
Người khách hỏi và cũng chăm chăm nhìn Nhài.
- Em thấy quen quen, nhưng không nhớ rõ…
- Thế còn nhớ cái trọng điểm A12 không?
- Em quên rồi! Nhớ làm gì cái nơi chỉ có đau thương tang tóc! Không nhớ mà đời cũng đã buồn muốn chết!
Ông khách mỉm cười:
- Vậy thì anh đến để… đòi lại em bộ quần áo….
Bỗng Nhài reo lên.
- Trời anh Thành! Anh Thành…
Giá không có những tập tục ràng buộc thì có lẽ Nhài đã chạy đến ôm lấy Thành vì niềm vui gặp lại. Thế là đã hơn chục năm rồi còn gì. Ngày ấy không có cái xe con của mấy ông sĩ quan trẻ dừng lại gọi thì Nhài và Nhãn có lẽ sẽ thành người rừng mất. Thành và Thông đã đến tận cửa hang bế hai cô đưa tận quê Nam Định thả xuống và dốc hầu bao có bao nhiêu tiền các anh cho hết để mua quà về xóm Trại. Bộ quần áo các anh đưa mặc, cả Nhài và Nhãn còn giữ tận đến bây giờ, vừa là kỉ niệm, vừa là chứng tích của một thời thật khó mà quên. Có những người biết nhau rất lâu mà chẳng để lại điều gì. Ngược lại, chỉ gặp nhau một khoảnh khắc thời gian nhỏ nhoi, ngắn ngủi, cũng làm nên dấu ấn không mờ.
Mọi xúc động ban đầu qua đi. Nhài mời khách vào nhà. Vẫn là ngôi nhà tường đất mái rạ ba gian, với chiếc giường dải quạt và bộ bàn ghế ba đai đã cũ. Rót nước mời khách xong, Nhài hỏi:
- Sao anh còn biết em ở đây mà tìm?
Thành cười:
- Ngày trước các em ở hang bon anh còn biết nữa là…
Nhài cũng cười:
- Bây giờ anh kể cho em nghe đi, kể về anh ấy….
- Đơn giản thôi. Kết thúc chiến tranh được vài năm thì anh xin ra quân và xin đi học. Anh học đại học Nông nghiệp, vì nghĩ rằng nước ta vẫn là nước nông nghiệp. Anh đã tốt nghiệp khoa trồng trọt từ hơn mười năm nay, công tác ở Bộ. Anh về vùng này nghiên cứu để đưa các loại giống mới có năng suất cao về đồng chiêm trũng. Đột nhiên anh nhớ tới các em và quyết định đi tìm. À này, Nhãn đâu? Tí nữa em dẫn anh sang nhà thăm Nhãn nhé?
- Được rồi! Anh hãy nói hết về anh đi đã. Anh sống ở đâu? Chị ấy và các con anh… Kể cho em nghe đi đã.
- Anh lập gia đình từ hơn mười năm trước, đã có một cháu gái mười sáu tuổi. Gia đình ở cả Hà Nội, chấm hết. Còn em và Nhãn, lấy chồng từ bao giờ mà không thấy mời bọn này đến ăn cỗ?
- “Tìm anh như thể tìm chim, chim bay bể Bắc đi tìm bể Đông”, biết đâu mà tìm?
- Thôi vậy không trách nữa, kể đi xem các em sống thế nào?
- Nếu em nói sự thật thì anh có tin không?
- Em nói đi!
- Chúng em đều chưa lấy chồng. Đánh Mỹ xong lúc về thì quá lứa lại thêm gầy và xấu nên chẳng ai chọn chúng em làm vợ. Chúng em phải gắng gượng lắm mới sống được đến giờ. Cái Nhãn nó phải đi tu rồi…
Thành ngồi im, đầu cúi hẳn xuống. Lúc này anh mới thấy day dứt, bởi hai chục qua không tìm về xóm Trại – nơi có hai cô gái mà chính các anh phải bế từ hang đá ra đưa về. Giá anh đến sớm hơn thì chuyện đời các cô có thể đã khác đi nhiều. Một lúc sau anh ngẩng lên hỏi:
- Em có cần gì giúp đỡ về mặt kinh tế lúc này không?
- Không!
- Thôi được. Bây giờ anh phải về Sở vì chiều nay có cuộc họp. Anh sẽ trở lại đây vào một ngày gần nhất. Lúc đó anh sẽ có một số ý kiến với em. Còn từ giờ cho đến lúc anh trở lại em có hứa với anh rằng em sẽ vui lên không?
- Em chưa hứa được điều ấy!
- Vì sao vậy?
- Hai chục năm em buồn, đâu có một phút mà vui lên được!
- Sao lại không nhỉ! Vui hay buồn là do ở lòng mình cơ mà?
- Chính vì thế mà càng khó anh ạ. Thôi cứ mặc em! Lúc nào rỗi thì anh cứ đến thăm em là được.
Không biết nói thế nào nữa, Thành đành tạm chia tay. Chiều hôm ấy và suốt hai ngày tiếp theo anh phải làm việc với sở Nông nghiệp về vấn đề thâm canh và đưa giống lúa mới xuống đồng chiêm trũng. Sau đó anh dành một ngày về làm việc và khảo sát tình hình ruộng chiêm trũng ở khu vực phía nam thành phố, trong đó có làng Trọng Nghĩa, và đặc khu ruộng quanh xóm Trại. Cũng vừa kịp đến chủ nhật, Thành không quay về Hà Nội, mà phóng xe máy đến làng Trọng Nghĩa, rồi nhờ thuyền chở cả xe và người về xóm Trại. Nhài ra tận bến đón.
- Tưởng anh không về nữa!
- Sao lại có thể tưởng như thế được nhỉ? Em phải tưởng rằng anh về ngay hôm kia hôm kìa rồi mới phải!
- Cảm ơn!
- Mấy ngày vừa qua em buồn hay vui?
- Em vẫn buồn… Đã có gì đáng vui lên đâu!
Hai người cùng đi vào sân, rồi vào nhà.
- Hôm nay anh ở đây ăn với em bữa cơm riêu cua rau sống được không? Hay là anh làm quan to rồi chỉ quen ăn tiệc?
- Chẳng có cái tiệc nào ngon bằng riêu cua đồng chiêm cả! Bữa trưa hôm nay sẽ là đại tiệc, nếu em tiếp cơm anh với một tâm tình vui hơn trước.
- Đồng ý thôi! Được gặp lại anh là em đã vui rồi đấy như? Giá như cái Nhãn còn nhà và cả anh Thông cũng đến thăm thì hết ý.
- Sẽ như thế! Rồi anh sẽ rủ Thông về và ta cùng đến cái nhà chùa heo hút nào đó thăm Nhãn xem cô sư ấy bây giờ thế nào…
- Úi trời, thế thì thích quá còn gì! Anh Thành hứa rồi đấy nhé! Nào bây giờ thì anh cầm cái cần câu nhỏ này, ra bờ trại khua lấy mấy con cào cào con rồi cứ vệt khoai lang nước mà nhử cá rô thế nào anh cũng được mấy chú rô xù. Còn em thì đi làm cơm, nấu riêu…
Thành cầm cái cần câu nhỏ rồi ra ven trại bắt con cào cào và cứ theo lời dặn của Nhài tìm đến các vệt khoai nước mà thả mồi nhử. Thuở nhỏ ở quê, trưa nào đi học về Thành cũng cầm cành câu ra bờ ao, nhiều lần quên ăn bị mẹ mắng, nếu ông bố mà biết thì coi chừng vài roi nổi lươn mông. Giờ đã ở cái tuổi gần năm mươi lại được cầm cành câu thuở nhỏ, cứ run rẩy như được sống lại thời thơ bé. Mùa này đang là mùa cá rô đẻ, từng đàn rất đông kéo nhau đi kiếm ăn trong các vệt khoai nước, nước rất trong nên nhìn rất rõ qua khe lá khoai, hạ mồi xuống nhử là đớp liền. Không ngờ ở đây lại có nhiều cá đến thế. Một lúc Thành giật được mấy con, mà toàn là rô xù, con nào con ấy ăn màu mỡ đồng chiêm béo múp míp. Nhài thổi xong cơm, nấu xong xoong riêu vừa bê ra cửa bếp thì thấy Thành xách ra một xâu cá tới mười con toàn rô bằng nửa bàn tay đi vào.
- Ô anh Thành mà cũng giỏi câu thế cơ à? – Nhài reo lên.
- Em tưởng anh là công tử thành phố à? Trước khi đi bộ đội anh đã sống hai chục năm ở quê, đã mài mòn đũng quần trên lưng trâu và bắt đến vài tiểu đoàn cá. Nhà em có sẵn mỡ không, đem rán giòn để uống rượu..
- Có, nhà em mới mua mỡ, anh cứ để đấy, đi rửa chân tay mặt mũi đi, em rán một loáng là giòn thôi mà…
Mâm cơm thật ngon: hai bát riêu cua to nổi lên từng tảng gạch và màu vàng mỡ, đĩa cá rô rán đầy có ngọn vàng giòn thơm phức và một rổ rau sống non chẻ nhỏ cùng nõn chuối non thái nhỏ. Hai người ngồi vào mâm. Có cả một chai rượu sủi tăm nữa.
- Bây giờ thế này, trước khi ăn anh xin nói một câu…
- Sao cơ?
- Anh muốn giúp em làm… bà chủ…
Chương 21
Làng Trọng Nghĩa lại chuyển mình răng rắc. Việc bầu bán đang vào kì nước rút. Điểm chính của các phe phái lần này là phải giành bằng được cái ghế chủ tịch xã. Cái ghế ấy ở thời đổi mới cao hơn hẳn các ghế khác về mặt quyền và lợi. Chạy đua thì nhiều, nhưng rút gọn chỉ còn hai đối thủ ấy là Phạm Tằng và Phan Tít. Hai vị này đã chạy đua với nhau từ thời còn chưa vợ, giành giật người yêu, và suốt thời gian hai chục năm vẫn gằm ghè giữ miếng, cuối cùng cho đến giờ coi như hòa một đều: Phan Tít vớ được nàng Thắm, còn Phạm Tằng mất người yêu, sau này giành được ghế chủ tịch xã. Nhưng cái thế hòa hoãn ấy không làm hai bên vừa lòng. Tham vọng của mỗi bên đều muốn cao hơn cái mà mình đang có. Phạm Tằng thì nhất quyết giữ bằng được cái ghế béo bở đang ngồi và quyết thỏa mãn ít ra là một lần khát vọng với người yêu năm xưa. Cả hai mục tiêu ấy đều phải đạt. Còn Phan Tít vào thời điểm này nhất quyết muốn quẳng chức chủ nhiệm để giành bằng được ghế chủ tịch.
Theo các nguồn tin mới nhất thì Phạm Tằng đang dẫn điểm bởi ông ta đã huy động được cả họ vào trận mà cái họ Phạm này lại là cái họ đông nhất ở Trọng Nghĩa. Còn Phan Tít thì không gặp may bởi vấp phải ông trưởng họ đặc “bôn-sê-vích”, ông ta tuyên bố thẳng thừng là họ hàng không dính dáng vào chuyện tranh giành quyền lực. Với một vị trưởng họ nguyên là đại tá quân đội đã từng cầm quân hàng sư đoàn đánh đông dẹp bắc ngoài mặt trận, thì Phan Tít phải chào thua. Mà không được cả họ cùng xung trận thì làm sao thắng được phía bên kia có cả một họ lớn cùng sống chết lăn vào! Thôi, phải chuyển sang dùng mưu vậy!
Phạm Tằng đang đắc ý. Cái số ông ta thế mà đỏ thật, trình độ thấp, tài năng xoàng, nhân cách thì lèm nhèm mà đã một khóa ngồi chễm trệ trên ghế chủ tịch béo bở, đến khóa này sự thắng thế đã cầm chắc: trúng đảng ủy rồi, trúng hội đồng nhân dân rồi! Chỉ còn một lần họp hội đồng để đề cử nữa là… tuyệt! Thôi thì trăm sự cũng là nhờ cả họ! Cả họ có xúm vào đẩy lên thì mới đạt được điều ấy chứ! Vào cái lúc quá vui thế này lòng dạ xốn sang, nó cứ tâng tâng… Rồi thì, khỉ gió thật, nó lại bùng lên cái ngọn lửa khát thèm… Nằm một mình trên chiếc giường mới trong buồng, Phạm Tằng ôn lại tứ khoái, là cái khoái đàn bà! Với vợ thì giờ đây Tằng đã gạt ra rìa rồi, chẳng còn gì thấy khoái với con mụ gầy nhom ấy nữa. Đi chơi với các gái ở nhà hàng trên phố thì vừa tốn kém quá nhiều tiền, nhưng cái chính là cứ thấy chờn chợn bệnh lậu, bệnh giang mai, nhất là bệnh “Ết” thì ôi thôi, toi đời! Vả lại cái khoản đó không có tình, chỉ có cái xác chán bỏ mẹ! Giờ đây sau khi đã nếm đủ mùi thì cái mùi gây quyến rũ nhất lúc này là… cô nàng Thắm, vợ lão đối thủ Phan Tít. Nghe đâu thằng cha này đang mắc chứng bất lực, mỡ treo miệng mèo nhưng mèo không há nổi mồm để ngoạm. Được rồi, cứ để đấy cho tao, giờ thì tao không phải chần chừ gì nữa! Ối chao con bé đến bây giờ còn mỡ màng đến thế! Mỗi lần nó tắm ở cầu bến, mình đi qua liếc thấy, thèm đến nỗi chân không còn bước nổi nữa, tuyệt nhất là bộ đùi, vừa to vừa trắng nõn….
Hôm nay bà vợ đi chợ xa, mấy đứa con cũng đi biệt, có một mình ở nhà, Phạm Tằng vừa thấy buồn buồn lại vừa như thấy được giải phóng khỏi xích xiềng, cao hứng lôi luôn chai rượu ngâm dái dê ra uống. Vừa uống được vài chén thì có bóng người từ ngõ đi vào. Chả cần nhìn cũng nhận luôn ra mỹ nhân của cõi lòng.
- Anh Tằng ơi, anh Tít nhà em từ sáng đến giờ có đến đây không?
- Thắm đấy à? Chả có Tít Toét nào đến đây cả! Mà cho đến giờ em vẫn còn mê cái thằng que củi ấy à?
Nàng Thắm cười rất duyên:
- Chồng em sao anh lại nói xấu?
- Thì nó tốt đẹp với ai mà em bảo anh nói xấu? Mặt chuột tai dơi, chân tay như ống đồng ống sậy! Nghe người ta đồn hắn hết chất đàn ông rồi có phải không?
Thắm nguýt:
- Gớm cái anh này! Anh thì chắc đã hơn gì mà chỉ làm bộ…
- Thế em mở to mắt ra mà nhìn xem, chồng em đã được bằng nửa anh chưa? Anh vẫn nặng bảy chục cân và mọi bộ phận chưa chỗ nào hỏng hóc cả! – Nói xong Phạm Tằng cười ý vị, rồi nói tiếp: Giá mà ngày trước em lấy anh thì có phải chúng ta đẹp đôi quá không?
- Khốn ai hèn cho? Người ấy chỉ vừa dọa mà anh đã bằng lòng nộp người yêu luôn, tưởng là anh hùng lắm đấy hay sao mà còn khơi ra?
Phạm Tằng cụt hứng lặng im. Thắm đã khới đúng vào chỗ đau của anh ta. Vết thương này đã hai chục năm rồi mà vẫn chưa lành, thỉnh thoảng vào những dịp như thế này lại tấy sưng.
- Sao, anh đã cứng lưỡi chưa? Còn khoe mẽ nữa không?
- Thì anh dại mà…
- Dại à? Dại hay ham chức ham bổng lộc?
- Thôi thôi! Bây giờ mà em còn cứ giếc móc thế thì anh xin chịu! Cái số anh nó hẩm hiu…
- Hẩm hiu à? Khốn ai còn mơ chức chủ tịch xã để vừa giàu sang vừa thế này?
- Ối cha! – Phạm Tằng chặc lưỡi - Được em thì anh có thể vất đi tất! Cứ bảo lão Phan Tít sang đây vác cô Ninh gầy nhom về và trao nàng Thắm mỡ màng cho anh là anh cho lão luôn chức chủ tịch xã!
- Sao bảo lão ấy và anh đang choảng nhau vì tranh chức chủ tịch xã lần này?
Phạm Tằng cười:
- Thì choảng nhau chứ sao? Thời này mỗi lần đến kì bầu bán bao giờ chả có choảng nhau? Nhưng em xem rồi ai thắng ai? Thằng bảy mươi cân thắng hay thằng bốn chục cân thắng?
- Nhưng đâu có phải chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay? Hữu sức nhưng vô mưu là sẽ thua!
Phạm Tằng lại cười:
- Gớm cái lão cò hương nhà cô thì có mưu cao gì? Anh đây còn được cả họ xung trận cơ, còn Phan Tít thì bị trưởng họ bên ấy đá đít! Phần chiến thắng anh nắm chắc rồi em ạ! Nào vào nhà đi… thế thế… ngồi xuống cái ghế sa-lông đệm mút bọc da này cho êm…
- Thôi em về đây! Em chỉ tạt qua hỏi xem chồng em có bên này không vì ở nhà có khách. Em phải về kẻo chị Ninh về nhìn thấy em…
- Ối trời ghen với tuông gì! Cô ấy bây giờ gầy nhom thở cũng không xong còn ghen gì nữa! Đêm cô ấy vẫn đẩy anh ra và nói: ông đi với ai thì đi, tôi sức yếu lắm rồi không kham nổi cái sức trâu của ông nữa đâu!
Thắm nguýt dài:
- Cho chết! Ai bảo ngày trước tham quyền tham chức, đẩy người yêu đi để vơ vào cái người mình không yêu? Thôi chả nói chuyện nữa, em về đây.
Thắm về rồi, Phạm Tằng càng thấy lòng trống trải, đứng ngơ ngẩn nhìn theo khi bóng người đàn bà khuất ra khỏi ngõ. Rồi anh ta lại nằm vật xuống giường, tâm trạng đầy nuối tiếc. Cõi lòng con người đôi khi cũng thật khó hiểu. Cứ như cái lúc này thì Phạm Tằng muốn vất đi tất cả để được ôm ấp vỗ về, được ngủ trọn một đêm với người đàn bà mà suốt chiều dài mấy chục năm anh vẫn khát thèm. Của cải để làm gì, chức tước bổng lộc để làm gì, khi mà cuộc đời cứ như trong cơn khát nước triền miên. Cuộc chạy đua giành chức chủ tịch xã đang kì nước rút, đang đến giai đoạn quyết định. Lẽ ra hơn lúc nào hết, lúc này Phạm Tằng phải sống thật nghiêm túc, phải ép xác để mà sống, phải tạm hoãn mọi thú chơi đàng điếm, những khát thèm dù có cháy bỏng đến mấy cũng phải dùng gáo nước lạnh mà dội lên, để cố giữ được cái bề ngoài, cố giữ cho bộ mặt sạch sẽ để bước vào trận đấu cuối cùng, thì Tằng lại gia tăng hưng phấn, suốt ngày lục tung kí ức tìm về mối tình thuở trước rồi nhấm nháp từng chi tiết, ngất ngây với từng chi tiết trong tưởng tượng. Cái buổi đi chơi thuyền ở Bến Trăng ngày ấy được Tằng hâm lại cho nóng lên để thưởng thức. Vào cái tuổi bốn mươi người đàn bà hồi xuân thì ở người đàn ông cũng vậy. Sau thời gian dài mấy chục năm chung sống với vợ, vào thời điểm này cánh mày râu thường tự nhiên cảm thấy nhàm chán như phải ăn cơm nếp thổi nhão nhiều ngày. Rồi thì thèm nhạt khát khao đủ thứ. Trường hợp như Phạm Tằng thì hâm lại và nhấm nháp mối tình xưa. Những lúc nằm một mình anh cứ mơ tưởng như mình đang được ôm ấp con người mà mình đã để tuột khỏi tay. Tai hại hơn là dạo này anh gia tăng các vụ du ngoạn qua bến tắm dưới vòm tre. Cứ trưa đến, ăn cơm uống nước xong ngậm cái tăm vào mồm là Tằng lững thững đi ra ngõ. Rồi từ đấy anh lại lững thững đi đến chỗ cầu bến có phiến đá to. Vào giờ giữa trưa đường làng thường vắng, và bao giờ cũng có một người đàn bà mỡ màng ngồi trên phiến đá tắm. Đôi bàn chân của Phạm Tằng bước đến đấy là gần như không bước nổi nữa….
Dưới cầu bến, trên phiến đá to và rộng, người đàn bà thản nhiên ngồi kì cọ. Chẳng biết chị có biết có người đang đứng bên đường nhìn mình không, mà cứ hồn nhiên như chỉ có một mình với sông nước. Rồi chị giật mình nghe có bước chân ai đó đang xuống bến. Khi Thắm ngoảnh lại thì Phạm Tằng đã xuống tới bến. Thắm luống cuống chẳng biết thu vén thế nào, mặt đỏ lên vì ngượng, định nhào xuống nước nhưng rồi cứ ngồi im.
- Thắm tắm à? Có mát không? – Phạm Tằng hỏi và đôi mắt anh như dán vào người Thắm.
- Anh đi đâu về? Sao lại xuống đây? - Thắm hỏi vặn.
Tằng cười:
- À, thấy nước mát thì xuống ngâm chân, ngâm tay một lát cho đỡ nóng…
- Chỉ có thế thôi à? - Thắm hỏi kháy.
- Và nhân thể… bồi dưỡng mắt!
- Rõ rơ! Này thôi anh lên đi, nhỡ ai nhìn thấy…
- Cũng được! Nhưng tối nay đi chơi thuyền nhé? Lão Tít còn họp huyện ba ngày nữa mới về.
Thắm lắc đầu:
- Có còn trẻ như hồi nào nữa đâu mà đi chơi thuyền….
- Em còn đẹp còn trẻ và anh vẫn yêu…
- Thôi đi, anh hèn lắm!
- Giờ thì nhất định không hèn nữa đâu! Có mất chức chủ tịch xã anh cũng cóc cần!
- Thế anh đợi em ở đâu?
- Anh sẽ đẩy thuyền ép vào chỗ quãng giữa bờ vùng, chỗ có bụi cúc tần to rậm ấy. Anh đưa thuyền vào hẳn trong bụi rồi ngồi đợi em.
- Khoảng mấy giờ?
- Hôm nay mười bảy. Mười bảy sảy giường chiếu thì trăng lên. Em đến sớm một chút trước trăng mọc để khỏi có người nhìn thấy.
Thắm gật đầu:
- Thôi anh về đi, kìa đằng kia có người đang tới đấy…
Phạm Tằng lững thững từ bến đi lên đường rồi đi vội về nhà. Người anh như tỉnh hẳn, như vừa được uống một chén sâm, lại vừa ngỡ ngàng nuối tiếc cái khoảnh khắc như mê như tỉnh vừa rồi. Tằng đi đến bộ sa lông kê giữa nhà ngồi xuống rồi pha cà phê, lấy bánh ngọt trong tủ ra, lại bóc bao thuốc 555 để tự thưởng. Tằng ôn lại trong đầu để nhấm nháp từng chi tiết nhỏ người tình dưới bến tắm. Thế mới biết đàn bà cũng ghê gớm. Tưởng chỉ có mình thèm nó, té ra nó cũng đang thèm mình, đôi mắt nó nhìn vào mình cứ như người sắp chết đói thèm cơm. Người mình lúc đấy cứ nóng lên bừng bừng. Bốn mươi tuổi rồi mà sao người nó còn nõn nà đến thế!
Trời chưa tối Phạm Tằng đã bồn chồn, hết đứng lên lại ngồi xuống, nhìn cái nọ, ngắm cái kia đầu thì gật gật lắc lắc, rồi cười ruồi, cười tủm. Một lúc sau Tằng dắt xe máy ra ngõ chợt quay lại dặn vợ:
- Hôm nay họp uỷ ban khuya mới về…
Rồi nổ máy phóng đi. Trước hết anh ta ra nhà hàng đánh chén một bữa toàn là thứ ngon tẩm bổ, sau đó phóng xe về văn phòng uỷ ban ngồi nghỉ, xỉa tăm pha trà uống. Đến lúc trời nhá nhem tối Tằng mới đưa xe vào phòng để khoá lại rồi lững thững đi ra bến sông. Một chiếc thuyền nan đã ép sẵn ở đấy, Tằng xuống thuyền nhổ sào và đẩy vượt sang phía cánh đồng chiêm đang mênh mông nước, rồi đẩy đến chỗ bờ vùng có khóm cúc tần rậm rạp cho thuyền chui vào trong rồi nằm dài sạp thuyền đợi. Chỉ một lát sau là Thắm đến. Con thuyền lại chui ra khỏi đám cúc tần, vun vút rẽ sóng đi xa phía giữa đồng, rồi đến Bến Trăng. Ngồi ở đây mà tâm sự thì vừa an toàn đầy gió mát, trăng vàng. Trăng đang nhờ nhờ bỗng sáng rực, cảnh vật hiện ra như có phép lạ. Bến Trăng lúc này đầy trăng và sóng nước lấp lánh ánh vàng. Con thuyền không ra giữa mà lẩn vào giữa các khóm lác cao và rậm rì.
Hai chục năm về trước cũng cảnh này, con thuyền nan và đôi trai gái bập bềnh trên sóng nước. Ngày ấy cả hai còn rất trẻ, người vừa hai mươi, người hơn một chút, ngồi thuyền ra Bến Trăng để trao nhau mối tình đầu. Ánh trăng hôm ấy cũng vàng rực tựa như hôm nay, nước cũng mênh mông lăn tăn gợn vảy vàng, và gió đông nam cũng rì rào qua những ngọn lăn lác. Hôm ấy cũng ngồi trên cái thuyền tương tự như cái thuyền hôm nay. Con thuyền đứng im nín thở. Người con gái cũng nín thở đợi giây phút đột phá của người tình. Con bò mộng này ở các cuộc họp bàn về công điểm thì ba hoa khoác lác, còn bây giờ cứ im như thóc hột. Thật ra thì Phạm Tằng ngày ấy không ngốc, gã cũng là tay ranh ma. Nhưng đấy là ở những phương diện khác, còn chuyện con gái thì vào thời điểm ấy gã mới xung trận lần đầu cho nên còn rụt rè. Rồi một cơn gió thổi mạnh, con thuyền quay tròn, cái áo người con gái bay phần phật, mùi con gái bọc kín bao ngày bỗng bay ra làm gã con trai như bị cơn choáng. Giây phút thần tiên đột biến, các bộ phận trong cơ thể gã rung lên, mắt gã lừ lừ, chân tay gã ngọ nguậy ở tư thế “ra trận”. Rồi không một lời tán tỉnh, không một cử chỉ vuốt ve, bỏ qua các bài bản, gã chộp luôn vú… Người yêu của gã giật bắn người như bị trúng đạn kêu lên ú ớ “Anh Tằng! Anh Tằng sao lại thế?” Cô gắt lên đẩy gã ra. Nhưng gã như thằng điên và đang điên thật! Gã nuốt nước dãi mãi rồi, bây giờ thì gã phải nếm! Làm thằng con trai mà không dám sờ vú người yêu thì hèn quá còn gì! Nhưng vừa lúc đó thì có một con thuyền lao tới, nó xoè xoè rẽ nước rồi gần như lao thẳng vào hai người. Hai thuyền chạm nhau, chồng chềnh. Rồi một gã cỏn con đứng dạng háng ở thuyền bên kia quát: “Tằng! Ngay sáng ngày mai mày phải đưa sổ sách kế toán lên trình ban kiểm soát….” Tằng nhận ra thằng Phan Tít! Chuyện tình đứt ngang từ giờ phút ấy. Hai mươi năm đã trôi qua. Cái hèn của ngày ấy như một cục xương gà chắn ngang họng, không sao nuốt nổi!
Giờ đây, người tình xưa lại cùng gã ngồi thuyền cập bến ở Bến Trăng. Cơn khát thèm dồn nén suốt hai thập kỉ giờ bật nắp! Như một con hổ đói vồ mồi, từ trên sạp thuyền gã chồm xuống lòng thuyền đè ngửa người đàn bà đa tình cũng đang khát tình như gã. Hai thân thể đẫy đà ôm ghì lấy nhau, quấn vào nhau như một đôi rắn. Chiếc thuyền chòng chành như điên, chao bên này đảo bên kia như bị gió bão. Đôi trai gái trên thuyền càng lúc càng dấn sâu vào cơn điên ghì trên ấn dưới, lăn bên tả, ngả bên hữu, rồi đôi lúc chồm hỗm như ếch ngồi bờ ao… Nửa tiếng đồng hồ sau, cái thuyền dù đã khá to cũng không chịu nổi, bị nghiêng nặng quá về một phía, nước ào ào và… đắm! Cả hai chìm nghỉm và uống no nước mới chịu buông nhau! Vớt thuyền lên, tát nước, rồi cởi hết quần áo ướt ra và lại “xung phong” đánh giáp lá cà! Cả hai đều đẫy đà sung sức, một bên thì chồng bất lực, bên kia thì vợ yếu gầy, giờ giáp trận không ai chịu thua trước nên cuộc mây mưa vô cùng dai dẳng.
Trong khi ấy Phan Tít đang họp ở phòng Nông nghiệp huyện. Sau bữa cơm chiều, lẽ ra theo chương trình còn phải họp một buổi sáng ngày mai nữa, nhưng chẳng hiểu sao Tít thấy nóng ruột, và linh tính như mách bảo đang có những điều gì không hay xảy ra ở nhà, nên vào khoảng tám giờ tối, khi đã đi nằm định ngủ ở huyện đêm nay rồi sáng mai họp luôn cho đỡ mệt thì Phan Tít vùng dậy, mặc quần áo rồi phóng xe máy về nhà. Tít về đến nhà thì trăng đã lên được một lúc lâu. Cổng đã cài phía trong. Tít gọi. Người mở cửa không phải là Thắm mà là đứa con gái. Tít vội hỏi:
- Mẹ mày có nhà không?
- Không bố ạ!
- Đi đâu mày có biết không?
- Con không biết, à hình như mẹ bảo là sang bên ngoại chơi….
Phan Tít không hỏi thêm gì nữa, bảo con gái khép cổng lại rồi quay xe lại phóng sang phía nhà mẹ vợ ở cuối xóm. Đến nơi Tít đẩy cổng rồi bình tĩnh dắt xe vào nhà. Ông bà nhạc cùng lũ cháu đang ngồi quây quần xem ti vi, thấy con rể đến liền đứng lên rồi pha trà rót nước mời. Tít đưa gói kẹo cho các cháu, ngồi uống xong một chén nước là đứng lên về, không cần hỏi thì cũng biết là vợ không sang đây. Tít phóng xe máy đến một số nơi mà Thắm lúc rỗi thường hay đến đấy chơi như nhà ông anh trai và mấy cô em lấy chồng đã ở riêng, đều không có Thắm. Đến một vài chỗ bạn bè nữa cũng không thấy. Cuối cùng Phan Tít quyết định đến thẳng nhà Phạm Tằng, nếu Tằng có nhà thì Tít sẽ báo cáo tình hình họp ở phòng nông nghiệp huyện mấy ngày qua cho anh ta nghe, mà nếu Phạm Tằng không có nhà thì hỏi xem anh ta đi đâu? Chỉ có chị Ninh vợ Tằng ra mở cổng.
- Anh ấy có nhà không chị? – Tít hỏi.
- Ơ kìa sao bảo các anh tối nay họp đảng ủy ?-Chị Ninh trả lời.
Thế là có thể rõ rồi. Tít quay xe ra vội đến mức không kịp chào người đàn bà đã mở cổng cho anh. Tít thừa biết là lúc này có phải là chiến tranh đâu mà đảng uỷ phải họp về đêm. Đã mấy chục năm nay không có chuyện họp đêm. Vậy thì cùng một lúc hai người mất tích đi đâu? Mỗi người một nơi hay là đang ở cùng một điểm hẹn? Đã nhiều năm nay Phan Tít cảm nhận bi kịch gia đình đang xuất hiện và lớn dần. Cuộc đời đã ban cho Tít chức tước và bổng lộc mà nhiều ngừoi khác nằm mơ cũng không có được, nhưng quá ác khi tước đi của Tít năng lực đàn ông, đồng thời lại trao cho vợ Tít một năng lực đàn bà vượt trội. Cứ như tâm trạng của Tít thì chẳng có nỗi nhục nào hơn nỗi nhục phải thua kém vợ trong chuyện gối chăn. Người đời thường mong cho ngày chóng qua, đêm đến để được rúc đầu vào nách vợ, choàng rộng cánh tay mà ôm mà ghì món quà của tạo hoá, rồi dùng cái sức lực đàn ông cường tráng mà đè nén, mà “bắt nạt” vợ, để cô ta phải khen “Anh khoẻ thật đấy, thế mới đáng là chồng!”
Đối với Phan Tít thì lời khen ấy mãi ở chín tầng mây, chẳng bao giờ với tới. Người đàn bà gắn bó với chồng lâu dài, trước hết là vì người chồng đêm đêm đem đến cho vợ cái sướng vừa tâm linh vừa xác thịt. Chỉ một cái sướng kép ấy thôi đủ làm tan biến mọi lo buồn, lấp đi mọi khoảng trống. Họ có thể chấp nhận ăn đói mặc rách suốt đời mà vẫn gắn bó với chồng, vẫn không có ý đánh đổi. Nhìn bề ngoài họ đáng thương, nhưng nhìn bên trong thì họ đáng trọng. Thế nhưng khi người chồng có thể đem đến cho vợ mình tất cả, trừ cái tự có, thì không một người vợ nào coi đó là hạnh phúc, chẳng ai cam chịu, dù họ có thể là người đàn bà trông bề ngoài xấu xí. Đêm đêm Tít nằm mơ, trời hãy lấy đi tất cả rồi trả lại cho Tít cái khả năng làm chồng, để một lần Tít đè trên vợ, được nge vợ kêu lên “Thôi thôi, em hàng rồi, anh khoẻ lắm!” Điều đơn giản mà bất cứ một gã thợ cày nào cũng làm nổi, thì vị chủ nhiệm lại đầu hàng. Và giờ đây, cái gì xảy ra ắt đang xảy ra...
Phan Tít phóng xe đến nhà Híp. Gã trưởng thôn kiêm đội trưởng này đang ngồi khề khà uống rượu với đỗ lạc rang một mình, thấy chủ nhiệm đến, gã đứng lên ra tận cửa đón:
- Kìa bác Tít, sao bảo bác họp huyện mai mới về?
Phan Tít không nói gì, lẳng lặng vào bàn. Híp rót một chén rượu đầy đưa Phan Tít:
- Mời bác! Rượu ngon đấy! Mà sao bác lại bỏ họp về tối nay?
Tợp một lần hết chén rượu, Phan Tít nói:
- Vào cuộc rồi đấy!
- Hả? Cái gì vào cuộc? - truởng thôn Híp ngạc nhiên hỏi lại.
Bỗng Phan Tít rít lên:
- Còn vào cuộc gì nữa! Dẹp rượu lại rồi đi! Thuyền nhà chú có ép sẵn ở bến không?
- Có. Nhưng cần gì thuyền vào lúc này? Chả lẽ đẩy thuyền nhanh hơn xe máy?
Phan Tít gắt:
- Có thể đi trên mặt đồng chiêm sóng nước bằng xe máy à?
- Thế đi thăm đồng à?
- Thăm cái con khỉ! Phải tới Bến Trăng ngay lập tức! Bây giờ thế này… cái mã tấu chú còn giữ đấy chứ?
- Còn!
- Tốt! Cầm đi theo! Tôi để xe máy vào nhà chú. Tìm cho tôi một cái gậy dài độ thước rưỡi, bằng Lim!
- Có ngay! Nhưng để đi bắt kẻ trộm à?
- Được rồi, ra thuyền rồi tôi sẽ nói…
Mấy phút sau, hai người đã ở trên chiếc thuyền nan, Híp đứng trên lái, đẩy thuyền vun vút trên cánh đồng, nhằm thẳng hướng Bến Trăng mà lướt tới. Đi được một đoạn thì Phan Tít bảo Híp dừng thuyền lại ép vào khu lác rậm. Hai người cùng ngồi dưới lòng thuyền. Phan Tít nói:
- Chú đã đoán ra vấn đề gì chưa?
- Em mới chỉ ngờ ngợ…
- Thế này nhé, tình hình đúng như chú dự báo cho tôi, lần trước tôi có hỏi ý kiến chú. Hôm nay tôi họp ở phòng nông nghiệp huyện lẽ ra theo chương trình thì tôi ngủ đêm ở đấy để sáng mai họp tiếp một buổi sáng nữa, nhưng suốt từ chiều tôi thấy rất nóng ruột, linh tính báo cho tôi một điều gì đó chẳng lành đang xảy ra ở nhà lúc tôi vắng mặt, thế là dù đã đi nằm, tôi vẫn vùng dậy mặc quần áo rồi phóng xe về. Vợ tôi không có nhà, hỏi con thì bảo là sang bên ngoại. Tôi phóng xe sang đấy tìm không thấy, rồi lại phóng xe đến chỗ mấy anh em và bạn bè mà cô ta hay đến chơi cũng không thấy, tôi đâm nghi. Rồi tôi lại phóng xe đến nhà Phạm Tằng, lão ta không có nhà, hỏi vợ lão bảo rằng lão nói là đi họp đảng uỷ sẽ về khuya, tôi đến trụ sở đảng uỷ thì cửa đóng then cài, như vậy từ chập tối vợ tôi và lão Tằng mất tích. Tôi đoán lúc này họ đang hú hí trên thuyền ở Bến Trăng.
Híp reo lên:
- Đúng! Nhất định là đúng như vậy!
- Bây giờ làm thế nào mà tóm được? Mình cứ dưới trăng thế này mà đẩy đến thì bọn nó phát hiện ra từ xa, sẽ chuồn…
- Vậy thì thế này: Ta cắm thuyền ở đây. Tôi và bác cởi quần áo ngoài ra để trên thuyền, tôi mang theo mã tấu, bác cái gậy Lim, ta chỉ mặc có quần áo lót, sẽ ngâm từ đây, cứ theo những vệt lăn lác mà ngăm, rồi gần đến nơi thì lặn một hơi cho tới sát thuyền mới nhô lên, chắc chắn sẽ bắt quả tang trai trên gái dưới cho mà xem…
- Tuyệt! – Phan Tít gật đầu – cũng phải bàn trước tình huống thế này: giả thử ta tóm được hai đứa đang… thì cách ta giải quyết thế nào?
- Bắt để nguyên trạng rồi đưa về trụ sở uỷ ban lập biên bản…
- Thằng Phạm Tằng khoẻ như trâu, nó chống lại thì sao?
- Ối trời! Nó đang ngủ với vợ mình mà sao lại còn phải tính nọ kia, chống lại thì gậy Lim đấy, nện luôn…
- Thế mã tấu của chú?
- Ấy chết! Mã tấu là để doạ thôi, dùng đến thì em vào tù để vợ em ở nhà cho thằng khác nó vào sờ à? Vả lại nó đè bác gái chứ có đè vợ em đâu mà em hăng máu được? Vậy nếu nó chống lại thì chính bác phải ra tay…
- Được rồi! – Phan Tít gật đầu – Tao thề sẽ sống chết phen này! Hai người cởi quần áo để xuống lòng thuyền, chỉ mặc độc nhất có cái quần đùi, sau khi đã giấu thuyền vào bụi lác thì bắt đầu ngâm mình dọc bờ ngòi, con người đó sẽ dẫn đến Bến Trăng.
Lúc ấy vào quãng mười giờ đêm, trăng đã lên tới đỉnh đầu và sáng rực. Bến Trăng lúc này đẹp lạ lùng, trông từa tựa như một cái nia nhóng nhánh vẩy vàng. Đêm vắng lặng, gió mát thổi ràn rạt trong những cụm lăn lác. Có tiếng cuốc kêu đâu đó. Tằng và Thắm đang đắm mình trong khoái lạc. Hai tấm thân đẫy đà, béo mỡ ôm ghì lấy nhau như có chất keo dính chặt, nhịp thở gấp gáp….
Phan Tít cùng Phan Híp cứ dọc theo bờ ngòi, toàn thân dìm dưới nước, chỉ nhô từ cằm trở lên. Hai người liên tục bị đỉa cắn, những con đỉa to bằng đầu đũa, bằng ngón tay, bám vào bụng, vào nách cắn cho no máu. Cứ ngăm như thế một lúc lâu, Bến Trăng mới hiện ra trong tầm mắt. Từ đây lại càng phải thận trọng, ngăm rất khẽ, không để có tiếng động. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ, đôi nhân tình kia phát hiện ra có người là sẽ đẩy thuyền vun vút chạy, có trời mà bắt. Con ngòi mỗi lúc một khó đi, bởi nó vướng những rong rêu và từng đám bèo Nhật Bản dày đặc, có đoạn kín ngòi. Càng đến gần Bến Trăng càng gian nan vất vả, mình mẩy bị đỉa cắn, bị gai cào xước máu, ấy là những cành tre gai, cành sậy người ta vất xuống từng quãng ngòi để giữ cá tôm. Phan Híp to con nên bị gai cào nhiều rồi nước bẩn thấm vào, rất xót. Phan Tít nhỏ thó luồn lạch dễ nhưng sức yếu nên thở như bễ lò rèn. Vượt qua được mấy đoạn rào gai thì Bến Trăng hiện ra. Hai người ngăm hết sức từ từ để khỏi phát ra tiếng động. Rồi họ tiếp cận sát Bến Trăng. Bến Trăng vẫn như mặt trăng tròn vành vạnh, nhấp nhánh ánh vàng trên đầu những vảy sóng. Không một bóng thuyền, không một bóng người. Lạ nhỉ? Ngăm đến sát Bến Trăng hai người dừng lại quan sát thật kĩ những cụm lăn lác bao quanh Bến Trăng. Bỗng họ phát hiện ra ở cụm lác rậm rì um tùm phía bên kia hình như lác bị nghiêng ngả, mặc dù gió nhẹ. Hai người quyết định ngăm vòng theo các vệt lăn lác để đến. Một lúc sau thì họ đã tiếp cận một cụm lăn rất gần với cụm lác đang có hiện tượng lạ. Lúc này thì họ đã nghe rất rõ mọi tiếng động, như tiếng thuyền nghiêng ngả, tiếng những cây lác xô nhau ràn rạt, rồi tiếng cười rúc rích của đôi tình nhân. Hai người ghé sát tai nhau bàn bạc một lát rồi ngăm tiếp đến nơi mà họ đoán là đang diễn ra chuyện “tày trời”. Còn cách độ năm mét, ép sát vào một cụm lác, họ đã nhìn thấy rất rõ: Bên cạnh cụm lác lớn có một chiếc thuyền nan đang chòng chành. Trên chiếc thuyền nan ấy có nàng E va và chàng A đam đang cùng nhau ăn trái cấm…
- Xu….n….g…pho…ng…! – Phan Tít gào lên rồi cùng với Phan Híp, người mã tấu, người gậy Lim ào ào xông tới…
(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét