Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

NHÀ THƠ LÝ HẠ / Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ



        Thi quỷ Lý Hạ 李賀 (790-816) thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường, cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, khi mới lên bảy đã biết làm thơ. Danh sĩ đương thời là Hàn Dũ nghe tiếng Hạ bèn cùng Hoàng Phủ Thực đến nhà. Hai người muốn thử tài nên bắt Hạ làm thơ. Hạ thản nhiên cầm bút viết ngay bài Cao hiên quá trình lên, hai ông xem xong đều kinh hoảng.


        Bài thơ Cao hiên quá có những câu vô cùng kỳ dị, nếu đúng là do một cậu bé làm ra như giai thoại được kể trong Thái bình ngự lãm thì hai nhà thơ đương thời có kinh tâm động phách cũng là điều dễ hiểu:
Điện tiền tác phú thanh ma không
Bút bổ tạo hoá thiên vô công
        Trước nhà, làm thơ trình, thanh âm của bài thơ chạm vào bầu trời
        Ngọn bút bổ sung những chỗ khiếm khuyết bất toàn của tạo hoá một cách dễ dàng, không tốn chút công sức nào…
        Theo tiểu truyện về Lý Hạ do Lý Thương Ẩn - một nhà thơ lớn thời Vãn Đường - viết, thì khi Lý hạ bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con cù long màu đỏ, bay đến bên cửa, cầm một cuốn sách, chữ giống như chữ triện thời thái cổ, trao cho Lý Hạ và nói: “Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký” (Đế thành Bạch Ngọc lâu, lập quân chiêu vi ký). Lát sau Lý Hạ mất. Người nhà thấy hơi và khói thấp thoáng qua cửa sổ, và nghe tiếng xe đi trong tiếng sáo réo rắt. Trong lịch sử Đường thi, có lẽ chỉ có Thi Tiên Lý Bạch và Thi Quỷ Lý Hạ mới có huyền thoại chung quanh cái chết mà thôi. Một người nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi con kình ngư lên cõi thiên khung (tương truyền khi Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng thì có con kình ngư tới đón và chở lên trời. Tô Đông Pha có nói: “Văn đạo kỵ kình du Hãn mạn” (Nghe nói ông cỡi kình ngư rong chơi cõi trời Hãn mạn)), một người được Thượng đế cho tiên nhân đem xe nhạc đến mời lên viết bài ký cho lầu Bạch Ngọc chốn thiên đình. Ai dám khẳng định điều đó là hoang đường không thực, khi mà cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc không không ?
  

Phiên âm:
NAM VIÊN KÌ I
Hoa chi thảo mạn nhãn trung khai,
Tiểu bạch trường hồng Việt nữ tai.
Khả liên nhật mộ yên hương lạc,
Giá dữ xuân phong bất dụng mai.

Dịch nghĩa:
NAM VIÊN KÌ 1
Hoa trên cành lớn và trên các cây leo đều nở trước mắt,
Hoa nhỏ trắng hoa hồng lớn như má các cô gái Việt.
Tiếc thay, chỉ đến chiều là hương sắc tàn phai,
Đem gả cho gió xuân không cần mai mối.
Nam viên là vườn nhỏ để đọc sách ở phía nam trong nhà của tác giả, tại hẻm núi Xương Cốc, huyện Phúc Xương (nay là huyện Nghi Dương), tỉnh Hà Nam.

Dịch thơ:
NAM VIÊN KÌ 1
Hoa lớn trên cây trước mắt tôi
Hoa nhỏ trắng hồng gái Việt thôi
Tiếc chiều tối sắc hương tàn hết
Gả gió xuân mà chẳng mối mai


Phiên âm:
NAM VIÊN KÌ 5
Nam nhi hà bất đới Ngô Câu,
Thu thủ quan san ngũ thập châu.
Thỉnh quân tạm thướng Lăng Yên các,
Nhược cá thư sinh vạn hộ hầu?

Dịch nghĩa:
NAM VIÊN KÌ 5
Là thân trai sao lại không đeo kiếm Ngô Câu?
Đặng lấy lại 50 châu bị quân Phiên chiếm.
Các ông hãy thử leo lên gác Lăng Yên,
Xem có thư sinh nào được phong vạn hộ hầu?
  
Dịch thơ:
NAM VIÊN KÌ 5
Làm trai chẳng có kiếm Ngô Câu
Đặng lấy quan san năm chục châu
Các ông leo thử Lăng Yên các
Xem có thư sinh vạn hộ hầu?


Phiên âm:
NAM VIÊN KÌ 6
Tầm chương trích cú lão điêu trùng
Hiểu nguyệt đương liêm quải ngọc cung
Bất kiến niên niên Liêu hải thượng
Văn chương hà xứ khốc thu phong.

Dịch nghĩa:
 NAM VIÊN KÌ 6
Tuổi già thân tàn đọc sách tìm lấy từng chương từng câu
Gặp lúc trăng buổi sớm như chiếc cung ngọc treo trước rèm
Chẳng thấy năm năm trên biển Liêu Đông
Văn chương chốn nào khóc cùng gió thu.

Dịch thơ:
NAM VIÊN KÌ 6
Tuổi già đọc sách lấy từng chương
 Buổi sớm trước rèm tựa cánh cung
Chẳng thấy năm năm Liêu hải thượng
Văn chương nào khóc gió thu cùng!


NAM VIÊN KÌ 7
Trường Khanh lao lạc bi không xá,
Mạn Thiến khôi hài thủ tự dung.
Kiến mãi Nhược Da khê thuỷ kiếm,
Minh triêu quy khứ sự Viên công.

Dịch nghĩa:
 NAM VIÊN KÌ 7
Trường Khanh khốn khổ trong căn nhà trống không,
Mạn Thiến khôi hài dễ hoà hợp.
Muốn mua một cây kiếm rèn ở suối Nhược Da,
Những buổi sáng lại thày họ Viên học kiếm.

Dịch thơ:
NAM VIÊN KÌ 7
Trường Khanh khốn khổ căn nhà trống
Mạn Thiến khôi hài dễ hợp dung
Suối Nhược Da muốn rèn cây kiếm
Buổi sáng thầy Viên học kiếm cùng.


NAM VIÊN KÌ 8
Xuân thuỷ sơ sinh nhũ yến phi,
Hoàng phong tiểu ốc phác hoa quy.
Song hàm viễn sắc thông thư hoảng,
Ngư ủng hương câu cận thạch ky.

Dịch nghĩa:
 NAM VIÊN KÌ 8
Nước suối vừa dâng cao, chim én mới nở đang tập bay,
Ong vàng tới phòng nhỏ kiếm phấn hoa mang về.
Qua bức rèm cửa sổ thư phòng thấy cảnh sắc ngoài xa,
Cá đâu đang đớp động lưỡi câu có mồi thơm bên ghềnh đá.

Dịch thơ:
NAM VIÊN KÌ 8
Suối dâng chim én đang tập bay
Ong vàng kiếm phấn có ai hay
Qua rèm cảnh sắc ngoài xa đó
Cá động mồi thơm cạnh ghềnh này

 Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

Phiên âm:
NAM VIÊN KÌ 10
Biên Nhượng kim triêu ức Thái Ung,
Vô tâm tài khúc ngoạ xuân phong.
Xá nam hữu trúc kham thư tự,
Lão khứ khê đầu tác điếu ông.

Dịch nghĩa:
 NAM VIÊN KÌ 10

Sáng nay Biên Nhượng tưởng nhớ Thái Ung,
Không còn tâm để viết, nên nằm khểnh trước gió xuân.
Phía nam nhà có bụi trúc tốt mà khó viết ra chữ,
Về già ra ngồi ở đầu suối làm ông già câu cá.


Tác giả tự ví mình như Biên Nhượng, không có Thái Ung là người hiểu mình nên nhà đầy trúc tốt mà không viết gì cả.

Dịch thơ:
NAM VIÊN KÌ 10
Sáng nay Biên Nhượng nhớ Thái Ung
Trước gió nằm kềnh óc trống không
Trúc tốt phía Nam mà khó viết
Già ra đầu suối làm ngư ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét