Năm 1997
nhà xuất bản Văn học cho ra đời cuốn Lược khảo tác gia văn học Nam Định do
nhóm tác giả Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống, Phương Thuỷ, Trần Bá Giao biên
soạn. Sách dày 333 trang, khổ 14 x 21 cm, bìa vàng trang nhã nổi bật tên sách
chữ đỏ.
Nội dung sách gồm ba phần chính:
- Phần I: Tác gia Hán - Nôm Nam Định: Giới thiệu 76 tác giả người Nam Định có
sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm.
- Phần II: Tác gia văn học hiện đại: giới
thiệu 44 tác giả Nam
Định sáng tác bằng chữ quốc ngữ.
- Phần III: Phụ lục: Thống kê các nhà
khoa bảng Nam
Định và tuyển thơ của tác giả Hán - Nôm. Phần cuối sách là Bảng tra tên tự, tên
hiệu, biệt hiệu, bút danh và thư mục tham khảo.
120
tác giả được giới thiệu trong sách là những người quê ở Nam Định, hoặc quê nơi
khác nhưng định cư ở Nam Định. Bạn đọc sẽ bắt gặp những tác giả nổi tiếng trong
sách như Dương Không Lộ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Vũ Huy Trác, Ngô Thế
Vinh, Đặng Xuân Bảng, Đặng Xuân Viện, Lã Xuân Oai, Lương Thế Vinh, Trần Bích
San, Phạm Văn Nghị, Trần Tế Xương, Nguyễn Bính, Nguyễn Thi, Trường Chinh, Nguyễn
Hồng, Trần Huy Liệu... Sách cũng giới thiệu nhiều tác giả có trước tác giá trị
nhưng còn ít người biết đến như Lê Văn Nhưng, Cả Ngô, Bùi Trình Khiêm, Hồng Vũ,
Việt Quyên, Trần Trung Hiếu, Trần Xuân Hảo, Trần Tường, Tuệ Trang...
Nội dung chủ yếu của sách này là cung cấp
cho bạn đọc những tư liệu cụ thể, chính xác về tiểu sử và sự nghiệp của các tác
giả văn học Nam
Định tiêu biểu. Mỗi tác giả được giới thiệu ngắn gọn nhưng khá đầy đủ về tên thật,
biệt hiệu, bút danh, tên tự, tên hiệu, năm sinh, năm mất, quê quán, trú quán, học
vị, hành trạng, các tác phẩm chính của tác giả. Về tác phẩm của tác giả, bạn đọc
sẽ nhận được thông tin về tình trạng tác phẩm còn hay mất, các yếu tố thư mục
cơ bản của tác phẩm...
Với tiêu chí chủ yếu nhất là tuyển các
tác giả văn học Nam Định, nhóm soạn giả đưa vào sách nhiều tác giả ở mọi thời đại,
không phân biệt quan điểm chính trị của tác giả. Thái độ của nhóm biên soạn là
khách quan trong việc đánh giá nhân vật, hoặc cung cấp cho bạn đọc những nhận định,
đánh giá của người xưa về tác phẩm, về nhân vật giúp bạn đọc tham khảo đánh giá
về tác giả và tác phẩm. Đối với những tác giả mà trong lịch sử có vấn đề
"nổi cộm”, nhóm biên soạn đã cố gắng nêu sự việc đúng như nó vốn có. Chẳng
hạn về Trần Ích Tắc: "Trần Ích Tắc là người có tài thơ văn, giỏi môn đá cầu.
Khi còn ở trong nước, ông có mở một ngôi trường dạy học. Vì phản bội Tổ quốc, đầu
hàng giặc nên ông bị nhân dân căm ghét”. Về Nguyễn Duy Hàn: "Do làm tay
sai cho thực dân Pháp, đàn áp những người yêu nước ở Thái Bình nên ông bị ám
sát bằng tạc đạn ngày 12 - 4 - 1913”.
Đối với tác giả nổi tiếng, nhóm soạn giả
đưa ra nhiều nhận định của người xưa để bạn đọc tham khảo. Về Đặng Xuân Bảng:
"Sĩ phu đương thời tôn ông là bậc học nhiều biết rộng”. Về Lã Xuân Oai:
"Thơ văn của Lã Xuân Oai thể hiện lòng căm thù quân xâm lược, nỗi u hoài
trong cảnh nước mất nhà tan, tình cảm tha thiết với quê hương”. Hoặc về Trần Tế
Xương: "Trong thơ ông ngôn ngữ hàng ngày đã được nâng lên thành ngôn ngữ
nghệ thuật với tất cả vẻ đẹp của nó. Nhiều người đã đánh giá ông là thần thơ
thánh chữ. Nhiều nhà thơ trào phúng sau này tự nhận mình là môn đệ của ông.”
Việc chuyển đổi địa danh quê quán xưa của
tác giả ra địa danh hiện nay là yếu tố thiết thực, cần thiết cho người đọc. Chẳng
hạn, tác giả Lê Văn Nhưng quê làng Trà Lũ (huyện Giao Thuỷ) nay là các xã Xuân
Trung, Xuân Bắc, Xuân Phương, Xuân Nam của huyện Xuân Trường. Vậy quê Lê Văn
Nhưng nay thuộc xã nào? Câu trả lời đã có trong sách.
Qua mỗi trang sách, chân dung từng tác giả
được khắc họa đơn giản mà khá cụ thể. 120 tác giả được giới thiệu trong sách thể
hiện diện mạo tác gia văn học Nam
Định trong mười thế kỷ qua, góp phần minh chứng truyền thống văn hiến của Nam Định địa
linh nhân kiệt.
Phần phụ lục Các nhà khoa bảng Nam Định
giới thiệu tiểu sử sự nghiệp của 87 nhân vật đỗ từ Phó bảng đến Trạng nguyên của
đất Nam Định thời phong kiến. Phần lớn các nhà khoa bảng là những người giỏi
thơ văn, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà trước tác của họ không còn lưu truyền
đến nay, hoặc còn mà các soạn giả chưa tìm được. Phần phụ lục này là cơ sở để bạn
đọc nghiên cứu tìm hiểu phát hiện những tác giả và tác phẩm mà “Lược khảo tác
gia văn học Nam Định” bỏ sót.
Tuyển thơ các tác giả Hán Nôm Nam Định gồm
50 bài tiêu biểu, phần nào giúp bạn đọc tiếp cận nội dung và phong cách của từng
tác giả.
Sách được bố cục làm ba phần cân đối, mạch
lạc. Trong từng phần, các tác giả được xếp theo vần chữ cái họ tên, không căn cứ
vào thời gian tác giả sống. Cách xếp này giúp bạn đọc tra cứu dễ dàng. Trong mỗi
tác giả, nội dung được trình bày theo một quy định thống nhất.
Trong việc khắc họa nhân vật, nhóm soạn
giả chú trong chọn chi tiết điển hình thể hiện rõ tính cách của nhân vật. Chẳng
hạn, Nguyễn Khắc Doanh là nhà thơ trào phúng đầu thế kỷ 20. Thơ ông đả kích sâu
cay bọn xâm lược và tay sai bán nước, được nhân dân hào hứng đón nhận. Bọn thực
dân Pháp phải ra lệnh cấm lưu hành ngay khi tập Chim
oanh học nói của ông vừa ra đời. Bài Thi
trường thảm trạng của ông là một tác phẩm nổi tiếng, có giá trị đả
kích mạnh mẽ chế độ thi cử thời xưa. Nhóm soạn giả đã viết về Nguyễn Khắc
Doanh: "Năm 1925 ông cưỡi bò đi xem xử án cụ Phan Bội Châu. Ông khảng khái
xin chết thay cho cụ Phan. Ông bị Pháp bắt giam. Sau được tha về, ông lại đón
xe toàn quyền Varenne, một lần nữa đòi được chết thay cho cụ Phan”. Hoặc viết về
anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, nhóm soạn giả sử dụng lời văn đầy cảm xúc, lựa
chọn nhiều chi tiết điển hình thể hiện chân dung ông: "Do có mối thù bị Trần
Thủ Độ ép nhường vợ cho em là vua Trần Thái Tông, cha Trần Quốc Tuấn là Trần Liễu
đã di chúc cho ông phải cướp ngôi nhà Trần. Trần Quốc Tuấn không nghe theo lời
di chúc của cha, trái lại ông càng ra sức phấn đấu xây dựng cơ nghiệp nhà Trần
ngày càng thêm vững mạnh”... "Con Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Tảng có ý muốn
ông cướp ngôi vua, ông nổi giận rút gươm toan xử tội”... "Đến trước khi mất
ông còn dặn vua Trần phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.
Riêng phần Tác gia văn học hiện đại còn một
vài nhân vật chưa nhất quán trong cách viết, một vài chi tiết thiếu chính xác.
Do tiêu chí tuyển chọn là tác giả quá cố nên một số tác giả lớn còn sống không
được đưa vào sách. Mặc dù còn một số khiếm khuyết, “Lược khảo tác gia văn học
Nam Định” vẫn là tập sách khái quát được diện mạo tác gia văn học Nam Định
trong mười thế kỷ qua, là công cụ tra cứu giá trị cho bạn đọc. Bạn đọc muốn biết
Nam Định có những tác gia
văn học tiêu biểu nào, họ có những tác phẩm gì, xin hãy đọc “Lược khảo tác gia
văn học Nam
Định”. Hy vọng cuốn sách đem lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích.
ĐINH THỊ KHẾ
Nguyên chuyên viên chính Thư viện tỉnh Nam Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét