Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 29-30)



Chương 29
Nhà văn Trần Quốc Tiến

Mùa hè rồi mùa thu qua mau. Mùa đông đã về với những cơn gió mùa đông bắc thổi vèo vèo dọc đường làng, thổi ràn rạt trên mặt sông, mặt đồng xám xịt. Cánh đồng vừa sau vụ gặt, nhôm nhoam toàn gốc rạ, nhấp nhô vịt lớn vịt nhỏ tìm thóc rụng thóc vãi trên mặt ruộng, thấp thoáng bóng trẻ con chổng mông móc cua ở các bờ vùng bờ thửa. Con người được nghỉ ngơi mấy ngày trước khi lại bắt tay vào làm chiêm đầy mệt nhọc. 

  Những ngày này người ta hay rủ nhau đụng chó đụng lợn, chó thì hai nhà, ba nhà một con, lợn thì tùy to nhỏ chia xâu, mỗi xâu tuốt tuột cả thịt cả xương, cả lòng đến ba bốn cân. Suốt mấy ngày, nhằm nhà ai có chó to, có lợn to, không có to thì choai choai cũng được là rủ nhau đến rồi “khớp”, ngã giá, rồi thì bất kể sáng trưa chiều tối, đủ người và cao hứng là “chọc tiết” ! Tiếng lợn kêu, tiếng chó kêu cứ gọi là váng làng, vui chẳng kém gì chiều hai chín, sáng ba mươi tết mỗi năm. Rồi tiếng người gọi nhau cầm bát, cầm rổ đến nhận phần, ăn bốc ăn bải từ lúc ấy. Rồi về đến nhà, chồng thái thịt, vợ đun cơm, con đi hái rau thơm. Nếu cái ổ rơm mới chưa kịp trải thì ngay lập tức, người chồng thái xong thịt là ra sân vườn ôm từng ôm rơm mới còn thơm mùi lúa chín vào buồng trải một cái ổ thật dày. Vừa chập tối, lúc gà lên chuồng là cả nhà vào mâm ngay trên cái ổ rơm vừa cổ sơ vừa hiện đại ấy, với một niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Ngoài sân, ngoài vườn gió rét rít lên từng cơn, nhưng không bao giờ làm rét nổi những bữa cơm gia đình trên cái ổ rơm dày cộp. Đổi mới đã lâu mà con người vẫn thích được ngồi ăn với những cọng rơm, như một thứ nghĩa tình vợ chồng không nỡ dứt. Nhưng tối nay, cũng trên cái ổ rơm ở gian phía trong của quán hàng “Bún riêu cua – Rượu ếch xào – Cua nướng – Cá quả luộc chấm mắm tôm chanh” Hội Ngũ Tủ tựu tề đông đủ. Nếu tính từ trái sang phải thì đầu tiên là Phó Lười – chủ quán đến Phó Ba Gai, rồi Phó Xoáy, Phó Dê, Phó Cuội. Cứ nhìn thoáng qua những gương mặt này đã thấy ngay họ không còn là thân tàn ma dại như ngày nào. Bữa rượu họp mặt tối nay tuy vẫn trên cái ổ rơm, nhưng đã không phải là lòng trâu luộc thái nhộm nhoạm đặt trên lá chuối, rượu uống toàn bát sành cốc gặm rồi lấy “năm quân” bốc lòng dùi vào bát nước muối pha gừng từng búi cho vào mồm nhai nhồm nhoàm. Cũng là ổ rơm nhưng thời ấy là cái ổ rơm hôi ngang ổ chó. Thì chính những con người nằm ngồi trên cái ổ rơm ấy cũng rất hôi. Vì quần áo cũ lâu ngày không chịu giặt, ghét và các thứ tạp nham bốc mùi cùng với cái mùi thum thủm của dạ dày trâu không chịu bóp với muối cho sạch. Tối nay, cái hội Ngũ Tử này, nhân việc gặt hái vừa xong, trời lại rét nên lại rủ nhau đến quán ông bạn Phó Lười để gật gù chén rượu. Mà là thứ rượu hảo hạng nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng chính cống, đến Tây nếu được uống cũng phải gật sái cổ. Thức nhắm tuy là đồng quê dân dã: Ếch xào chua ngọt, cá quả to bằng bắp đùi luộc nước gừng gỡ lấy toàn nạc để chấm mắm tôm chanh ớt, thì đến dân sành ăn ở các thị thành cũng còn ao ước! Trên cái ổ rơm mới, lại trải chiếu mới, chị Cún đặt lên đấy một cái mâm nhôm sáng loáng, hai chai rượu nấu bằng gạo nếp hoa vàng, hai đĩa ếch xào chua ngọt, hai đĩa to cá quả luộc nước gừng đã gỡ bỏ xương và hai bát nước chấm pha rất khéo léo, cùng với năm cái bát hoa Trung Quốc và năm đôi đũa nhựa màu sữa rất sạch, rồi chị tủm tỉm cười nhìn cả Hội Ngũ Tử:
- Các bác cùng với nhà em cứ say đi nhé! Hôm nay em sẽ đãi các bác hết ý…!
Cả hội Ngũ Tử gật đầu rồi nâng cốc. Năm anh phó tối nay đều mặc comple Tàu màu đen giá có hơn một trăm ngàn một bộ mà trông oách ra trò, lại còn mặc cả sơ mi kẻ cũng của Tàu giá có ba chục ngàn một cái, rồi lại thắt cả cavat Tàu giá có sáu ngàn một chiếc. Thời kinh tế thị trường mà, cứ hàng nào rẻ mà chất lượng cũng khá là mua. Ông Phó Lười cùng với vợ là chủ bữa “nâng cốc” hôm nay. Cái Hội Ngũ Tử này tồn tại cho đến giờ là mấy chục năm. Ngày trước họ hợp với nhau là vì họ cùng được phong chức “phó” đầy kỳ tích. Dân làng, dân xã những năm ấy, đói thì đói thật, nhưng hễ cứ nghe chuyện về năm anh hùng hảo hớn này thì phải buồn cười quên đói. Không biết ông trời quái ác thế nào mà lại sinh cho họ những cá tính lạnh lùng, rất đáng ghét mà cũng rất đáng thương. Bảo ban mãi, giáo dục mãi nhưng vẫn chứng nào tật ấy, suốt một thời gian dài không hề sửa chữa. Thì thôi, mặc cứ là Phó Lười, Phó Ba Gai…suốt đời! Và chắc chắn là cái nghèo, cái khổ cũng bám theo suốt đời. Thì đã là Phó Lười, Phó Ba Gai, Phó Cuội… thì còn khấm khá làm sao được! Cái câu mà gã Phó Lười đưa ra bào chữa cho bệnh lười của mình: “Tôi không muốn làm chứ không phải tôi lười!” thì đúng là lý lẽ của thằng đại lãn! Ối chà, lười không chịu làm thì nói chày, nói cối thế thôi, làm gì có thứ người không muốn làm chứ không phải lười! Nghe “lý luận” của gã nằm gốc há mồm chờ sung rụng này thì chỉ có đổ thóc giống ra xay mà ăn! Nào ngờ thời này đi làm hai buổi theo tiếng trống vừa qua thì Phó Lười cũng tung cái chăn đại lãn ra: “Này thiên hạ mở mắt ra mà nhìn giờ thì tớ không lười đâu nhé!” Đúng là thiên hạ phải căng mắt thật. Nhưng các cơ bắp hàng chục năm lười nay nhão nhoét cả rồi thì làm sao? Đúng là phải trả giá quá đắt. Hàng tháng liền cứ ngày đi cày, đi cuốc, đi nhổ mạ, gánh phân, tối về lại bắt vợ đấm bóp cho chồng thì vừa giận vừa thương, nhưng có lẽ thương nhiều hơn giận. Rồi phải dùng cao, dùng mật gấu để xoa bóp. Thế rồi cái gì phải qua thì sẽ qua. Phải một vụ, vụ sau là khỏe ngay. Và hôm nay thì anh lười năm xưa đã là ông chủ. Đầu tiên là anh nhận ruộng, nhưng chỉ với số ruộng mỗi đầu người vài sào thì có cố gắng làm cho mùa màng bội thu cũng chỉ đủ ăn. Nhưng mộng Phó Lười lại là mộng làm giàu sau khi đã “mãn hạn lười”. Tiếp đến là xoay xở mở cửa hàng bún riêu cua – sáng bán hàng, chiều chị Cún đi bắt cua, đêm về lại cùng chồng xay bột làm bún. Vất vả thật nhưng thu nhập thì hơn cấy lúa nhiều lần. Rồi khấm khá lên, anh đấu thầu cái đầm hơn hecta của xã để thả cá. Bên bờ đầm làm một dãy chuồng để chăn nuôi lợn vừa ngan giống, ngan thịt và gà công nghiệp. Toàn bộ phân của năm đàn lợn nái, hàng trăm con ngan đẻ và mấy trăm con gà công nghiệp là thức ăn cho hàng vạn con cá thả dưới đầm. Cửa hàng bún riêu cua cũng ngày càng phát triển thành cửa hàng vừa bún riêu loại đặc biệt, vừa rượu loại đặc biệt với các thứ nhắm đặc sản, thu hút không chỉ khách trong vùng mà cả khách thành phố về thưởng thức mỗi ngày một đông. Giờ thì anh đã là ông chủ, thường xuyên trong nhà có hơn chục người làm công. Ngồi canh Phó Lười là Phó Ba Gai. Chàng này cho đến nay chưa từ bỏ được tính Ba Gai, nên khó thành ông chủ. Ngày trước khi đã được phong là Phó Ba Gai mà lại quyết tâm yêu và quyết tâm tán con ông trưởng ban tuyên huấn xã làm vợ. Đã là tuyên huấn thì tất nhiên ghét những ba gai bậc nhất. Làm thế nào mà chấp nhận thằng ba gai nhất xã làm con rể của mình khi mình chỉ có một mụn con gái cưng? Khốn nỗi con gái ông cũng có máu ba gai, nên nó yêu thằng Phó Ba Gai mê mệt. Ông đấu lý với nó suốt nửa ngày. Cuối cùng Phó Ba Gai thắng và được vợ. Thế là một nhà có tới hai người ba gai, tưởng cả xóm sẽ không yên vì cặp vợ chồng ba gai này sẽ suốt ngày cãi nhau. Nhưng không, khi hai cái ba gai chụm một thì không còn ba gai ấy nữa. Ấy là nói chuyện gia đình. Ngoài ra thì tính cách ba gai gặp thời đổi mới không hề mất bản lĩnh ba gai. Người ta xây nhà cửa, sắm tivi, xe máy ầm ầm, riêng Phó Ba Gai thì vẫn nhà luồng mái rạ, xe đạp tòng tọc. Chỉ có chất ba gai là giàu lên. Vào thời đổi mới mà vẫn liên tục vặc nhau với trưởng thôn, trưởng xóm, gọi chủ nhiệm Phan Tít là chủ nhiệm “Hít”, vụ nào cũng vậy, cứ đến lúc phải nộp các khoản là y như rằng cãi nhau. Cho nên bao nhiều đầm, hồ, ao chuôm, ruộng thừa… không bao giờ đến lượt Phó Ba Gai được thầu, được thuê. Vẫn chỉ là mấy sào ruộng được chia. Thế thì giàu làm sao! Nhưng trong Hội Ngũ Tử thì cho đến tận bây giờ, Phó Ba Gai vẫn là người được kính nể nhất. Chẳng riêng gì hội Ngũ Tử mà cả xóm thôn, rồi đến cả xã cũng thế. Chính cái chất ba gai ở con người này đã làm cho mấy ông chức sắc phải chùn tay trong nhiều vụ việc, đè bẹp hoặc làm thui chột nhiều mầm mống tham ô. Phó Ba Gai không làm được ông chủ, nhưng cũng nhất định không chịu làm đầy tớ cho ai, kể cả bố vợ  mình. Ông Phổng, bố vợ anh giờ đây thuộc loại giàu nứt đố đổ vách, thuê mướn hàng chục nhân công mỗi ngày, thế nhưng không bao giờ thuê được thằng con rể làm dù có trả công nó gấp mười lần thuê người ngoài. Ông chỉ có một người con, lại là con gái, lấy Phó Ba Gai. Ông thương con, bảo vợ chồng nó vất cái nhà “chị dậu” đi rồi dọn sang khi trang trại của ông, làm thì làm mà không thì chơi cũng được, ông giàu lắm rồi, ông sẽ nuôi cả nhà. Thế nhưng Phó Ba Gai đã mỉm cười chắp tay vái bố vợ ba vái:
- Con xin cảm ơn bố, nhưng bố cứ kệ con, con được ở cái nhà của con là con sướng nhất!
- Vì sao thế? Chẳng lẽ anh không biết rằng thời thế đã thay đổi rồi sao? - Ông Phổng từ tốn hỏi con rể.
- Con biết lắm chứ ạ! - Phó Ba Gai trả lời – Nhưng con không muốn sống khác mình. Mình sống đúng với mình là điều hay nhất ạ!
Ông Phổng lắc đầu:
- Lý lẽ của anh là một dạng biến thể của ba gai, hay nói cách khác đó là ba gai kiểu mới!
   Và cho đến nay Phó Ba Gai vẫn là người duy nhất ở làng còn ở nhà mái rạ. Người ngồi cạnh Phó Ba Gai lúc này là Phó Xoáy. Đây là con người gian nan nhất trong việc thay đổi lại cách sống của mình. Hồi nhỏ thì cái đói khổ mà hay xoáy vặt rồi quen. Lớn lên đã mang quyết tâm sửa chữa, thế rồi lấy vợ, vì phải chiều vợ, nịnh vợ mà lại lao vào xoáy. Đã thành kiện tướng xoáy. Có điều chỉ xoáy của các quan chức, chưa một lần xoáy của dân nghèo. Cho nên, ngoài các quan ra thì không ai ghét. Hội Ngũ Tử cũng thông cảm, chuyện nịnh vợ thì vua cũng còn mắc nữa là phó thường dân! Tất nhiên, dù là thời đổi mới đi nữa cũng chẳng giàu được khi vớ được cô vợ xinh thì xinh thật, đùi vế có trắng nõn nà thật, chiều chồng thật đấy, nhưng không chịu làm! À, à! Đời thế mà rắc rối gớm! Và đây là Phó Dê ngồi cạnh Phó Xoáy. Cũng khốn khổ, lao đao chẳng kém gì các phó khác. Khổ vì sao? Khổ vì dê! Mà chất dê thì có phải tự mình chuốc lấy được đâu! Trời sinh ra thế chứ! Đã quá dê, lại quá to con, cho đến lúc này vẫn nặng trên tám chục cân, cái vật giống lại thuộc loại quá cỡ. Cô vợ đầu tiên hết sức yêu chồng. Nhưng rồi chỉ sau ba đêm là phải khăn gói về nhà mẹ đẻ. Hai năm sau, lúc đã to khỏe hơn bỗng nhiên thèm khát lại đến, quyết tâm dâng hiến. Nhưng rồi chàng Dê đêm nào cũng giã như giã cối, sức khỏe của cô nàng cứ đuối dần, cho đến lúc cô phải chuồn nhanh trước khi chết thực sự. Giờ thì lại già nhân ngãi, non vợ chồng với chị Tròn Xoe!
Người đặc biệt của hội Ngũ Tử là Phó Cuội, lúc này ngồi ngay bên cạnh Phó Xoáy. Một cú trâu vằng vào trán đã biến Phó Cuội thành Thánh Cuội! Rồi bây giờ thành Phó Thơ Trào Phúng! Từ ngày thành Phó Thơ Trào Phúng thì bỗng nhiên mặt dài oãng ra, còn hơn là mặt ông Trịnh Thịnh diễn viên điện ảnh! Lại thêm bộ ria cáo vểnh ngược rất chi là khác đời. Đi đâu cũng cắp nách ba quyển sách: thơ Tú Xương, thơ Tú Mỡ và thơ Hồ Xuân Hương. Và đọc làu làu vanh vách cả thơ mình lẫn thơ ba thi hào. Chức sắc làng này bắt đầu ghét cay ghét đắng cái lão nguyên là Phó Cuội giờ thành Phó Thơ. Như chúng ta đã biết ở phần trên, trưởng thôn kiêm đội trưởng Híp là người đầu tiên trong giới chức sắc nếm đòn thơ trào phúng của Phó Thơ. Với câu thơ bất hủ “Một chai cuốc lủi sủi tăm – Có bà chủ quán háng hăm tiếp cùng” đến nỗi phải xóa nộp các khoản vụ ấy, rồi chuồn nhanh. Rồi một câu thơ rởm cao hứng lên vẽ nguệch vẽ ngoạc treo ở cửa hàng vợ “ Bánh cuốn cuộn với chả thơm – Ăn rồi nằm xuống ổ rơm anh đè!” Thế mà hiệu nghiệm vô cùng, khách khứa bốn phương tám hướng rủ nhau đến thưởng thức thơ hay và ăn bánh cuốn trên ổ rơm, cứ mỗi ngày một nhiều. Tiếng đồn đến cấp xã. Một hôm chủ nhiệm Tít ngồi rỗi cạo râu tại trụ sở, hỏi đội trưởng Híp cũng đang ngồi ghế phía bên kia:
- Này nghe nói cái thằng Phó Cuội ấy thế nào?
- Sao lại là Phó Cuội? Bây giờ người ta gọi hắn là Thánh Cuội!
- Thế cơ à? Làm gì có chức danh Thánh Cuội? Mà hắn có kỳ tích gì mà được phong là Thánh?
- Thì bị trâu vằng vỡ đầu chứ còn kỳ tích gì . Liệt giường ba tháng thì thành Thánh .
- Nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là bây giờ hắn rất thánh và trở thành nhà thơ trào phúng rồi .Tôi cam đoan là trên đời không có thằng nào giỏi hơn thằng này .
- Nó giỏi thế nào? Chú không tâng bốc nó lên đấy chứ?
- Nó giỏi thế này, nói bác tha lỗi, một hôm vào buổi sáng sớm tôi tạt vào cửa hàng tiết canh của cô Béo, tất nhiên cũng có tươi mát tí chút, thế mà lúc về vừa gặp định giở sổ “nộp các khoản” ra bảo hắn nộp thì hắn…
- Thì hắn thế nào?
- Thoạt đầu tôi nói nguyên văn thế này: Lâu nay tôi nghe người ta đồn rằng chú đã hoàn thành nhiệm vụ Phó Cuội và sau khi trâu văng thủng đầu thì thành Thánh Cuội? Nó gật đầu “Chí phải!” Tôi nói tiếp: Vậy chú cho tôi biết thế nào là Thánh Cuội! Tôi thấy nó liếc mắt nhìn vào đầu tôi rồi kêu lên “Trời ơi, toàn lòng lợn tiết canh và thèm đàn bà… cùng một mớ nộp các khoản…” Thế rồi trong khi tôi trố mắt kinh ngạc, nó liền ứng khẩu luôn bài thơ…
- Bài thơ thế nào, đọc mau!
- Bài thơ thế này, tôi nhớ kỹ lắm đọc lại bác nghe:
Vừa rồi bác chén tiết canh
Một đĩa lòng lợn có hành có răm
Một chai cuốc lủi sủi tăm
Có bà chủ quán háng hăm tiếp cùng
Nửa chừng bác nổi cơn khùng
Đưa tay mò mẫm tứ tung lõm lồi…
Nghe thế tôi giật bắn mình. Chết mất, thằng Phó Cuội này không khéo thành thánh thật rồi. Để ra oai tôi liền quát: “Láo thật!” Nó cười hì hì: “ Thưa, không láo đâu ạ! Để em hầu thơ tiếp bác nghe…” và nó đọc luôn một tràng:
Bác còn gạ gẫm, ba hoa
Nào miễn nộp khoản, nào là tiền đây
Vào buồng ta bảo cái này
Đại bác một phát trúng ngay điểm tròn…
Nghe xong chủ nhiệm Tít trố mắt hỏi:
- Thế có đúng không?
- Nhưng bác đừng phạt em nhé?
- Thì chả lẽ, tôi lại phạt chú?
- Thế thì xin em nói thật là đúng thế!
- Thế trước đó chú có  nói cho ai biết không? Lúc chú ngồi ăn rồi vào buồng hú hí với con mụ Béo nó có lảng vảng đi qua không?
- Không! Tuyệt đối không!
- Chắc chứ?
- Chắc!
- Được, để tao thử xem, làm chó gì có thằng người trần mắt thịt mà lại giỏi đến thế!
Ngày hôm sau chủ nhiệm Phan Tít giả vờ như tình cờ phóng xe rẽ vào ngõ nhà Thánh Cuội. Thánh Cuội lúc này đang chống ba-toong đi bách bộ quanh sân. Thoạt nhìn Phan Tít đã giật mình: Gớm ghiếc chưa, cái mặt tự nhiên dài oãng ra, râu cáo vểnh ngược, mắt to thêm, lồi ra và xếch lên. Gã vừa đi vừa lẩm bẩm câu gì đó. Chiếc Dream đã đưa Phan Tít vào đến sân mà Thánh Cuội vẫn chống ba-toong đi bách bộ với dáng trầm ngâm học giả không hề quay ra.
- Chào Thánh Cuội! - Phan Tít cất tiếng chào trước khi vừa dừng xe chỗ đầu sân.
Thánh cuội lúc này mới dừng bước quay ra:
- A chào!
- Nghe đồn ông mới được lên chức “thánh”, tôi đến thăm ông…
- Không dám!
- Lại nghe đồn ông đã là nhà thơ trào phúng tuyệt vời, xin được nghe một tuyệt tác của ông…
Thánh Cuội một tay chống ba-toong, một tay đưa lên vuốt vuốt hai hàng ria cáo rồi sau đó vừa nhìn vào những vòng xoáy trôn ốc trên đầu chủ nhiệm Phan Tít vừa đọc:
Cái đầu ông chứa quả TRANH
Lại thêm hai quả giành GIÀNH to ghê
Có con cá chuối, cá trê
Con theo mồi cắn, con tê tái tình…
Phan Tít ấp úng hỏi:
- Ấy là ông nhìn thấy ở đầu tôi?
Thánh Cuội vẫn một tay chống ba-toong, tay kia vuốt vuốt bộ ria cáo vểnh và dài tới ngón tay, khẽ gật đầu:
- Phải!
- Thế nghĩa là thế nào?
- Kim – Cổ - Đông – Tây – xưa nay chưa có thi hào nào đã làm thơ lại phải giảng thơ!
Ghê quá! Phan Tít nghĩ bụng cái thằng cha chuyên đời khuếch khoác này bây giờ lại lên mặt học giả! Đứng ngẩn tò te một lát rồi Phan Tít quay xe phóng về đi tìm Phan Híp, tóm được gã này lại đang ngồi nhai lòng lợn ở hàng mụ Béo.
- Thêm bát tiết canh và bát rượu nữa em Béo ơi…
Người được Phan Híp gọi là “em Béo” là chủ quán lòng lợn tiết canh đầu xã. Mụ Béo núng nính và trắng ngồn ngộn. Ngay tức khắc mụ bê đến một bát tiết canh và một cái cốc to đặt trước mặt Phan Tít, cười nói:
- Hai ông anh cứ say bí tỉ đi nhé!
Phan Híp gật đầu với mụ Béo rồi tợp một tợp rượu, sau đó xúc một thìa tiết canh cho vào mồm nhai nuốt. Một lát rồi nói với Phan Híp:
- Tôi vừa đến gặp thằng cha Thánh Cuội!
- Có chuyện gì không? - Phan Híp hỏi lại.
- Có đấy. Nó đọc bốn câu thơ mà tôi chẳng hiểu mô tê gì cả!
- Thế nào, bác đọc tôi nghe?
- Nó thế này, thằng cha Thánh Cuội tôi trông dạo này gớm ghiếc quá, cái đầu thì trọc lốc, cái mặt thì dài oẵng, lại thêm bộ ria cáo vểnh ngược, lại chống ba-toong kiểu như chánh phó lý ngày xưa. Nó cứ trừng trừng nhìn vào đầu tôi rồi đọc bốn câu thơ:
Cái đầu ông chứa quả TRANH
Lại thêm hai quả giành GIÀNH to ghê
Có con cá chuối, cá trê
Con theo mồi cắn, con tê tái tình…
- Đấy, thế là thế quái nào?
Phan Híp tợp một tợp rượu rồi trầm ngâm. Bài thơ thằng cha Thánh Cuội vịnh mình hồi nọ thì dễ hiểu quá “Một chai quốc lủi sủi tăm – Có bà chủ quán háng hăm tiếp cùng” thì rõ quá rồi. Cứ như bài này… hai vị gật gù, nâng lên đặt xuống, tính ra hôm ấy hết tất cả sáu bát tiết canh, hai đĩa lòng, hai chai rượu mà cuối cùng khật khưỡng ra về chẳng hiểu mô tê gì cả. Cho đến khi xảy ra sự cố Bến Trăng lại đưa ra bàn. Phan Híp nói:
- Nó bảo đầu của bác có quả “tranh” và quả “giành”, tức là đang có sức “tranh giành” chức chủ tịnh xã với Phạm Tằng. Còn con cá chuối và con cá trê tức là bác và Phạm Tằng. Con theo mồi cắn là Phạm Tằng theo đuổi con mồi “Thắm” tức vợ bác. Con tê tái tình chính là bác, kẻ thất tình! Có đúng không nào?
Phan Híp gật đầu:
- Đúng quá! Quả là thằng cha này thánh thật! Giá mình hiểu ngay ra thì đâu đến nỗi? Tiếc quá!
Thế rồi ngày hôm sau Phan Tít lại giả vờ tìm cách giáp mặt Thánh Cuội. Lúc ấy là buổi chiều theo như thường lệ, Thánh Cuội đang gõ ba-toong thư thả trên con đường trước bến, đang thả tâm  hồn theo mây gió, lắng hết lòng mình để tìm một ý thơ nào đó thì chiếc Dream màu mận chín bóng loáng đi xịch đến rồi dừng lại. Phan Tít xuống xe, rất lễ độ đi đến gần con người đang vểnh râu trê, chống ba-toong đi bách bộ:
- Xin kính chào Thánh Cuội…!
- Phải, chào…! - Thánh Cuội lơ đãng gật đầu.
- Xin cho nghe mấy câu thơ, rồi cái gì tiếp đây?
Thánh cuội vẫn không dừng lại, anh ta vẫn đi với đôi mắt cực kỳ đăm chiêu, bộ râu cứ vểnh lên cụp xuống. Phan Tít dắt xe theo sau. Một lát Thánh Cuội mới quay lại, sau khi đã vểnh lên cụp xuống mấy lượt bộ râu trê thì đọc:
Mây mưa chớp nhoáng trong buồng
Đầu mày cuối mắt coi thường thế gian…
Đọc xong Thánh Cuội nhếch mép cười, rồi không nói năng gì nữa. Phan Tít cũng tái mặt. Chiếc Dream rồ máy rồi vụt đi. Về đến nhà Phan Tít nhìn thấy vợ đang ngồi tỉa tót lông mày, cố giữ bình tĩnh không để lộ trong lòng đang nghĩ gì, bình thản cất xe để vào nhà dưới rồi lên nhà trên, lên tầng hai đóng cửa lại, ngồi một mình trầm ngâm suy nghĩ bên bao thuốc ba số. Cuộc chiến đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Cho đến lúc này Phan Tít đang ở thế có nguy cơ thua trắng: Chức chủ tịch xã sẽ không chiếm được mà còn mất nốt cả vợ. Sự kiện Bến Trăng là sự thất bại thảm hại của Phan Tít, có đời nào nó ngủ với vợ mình bị mình tóm quả tang mà còn bị nó giơ con sào nện túi bụi, đến nỗi phải lặn ngụp rồi chạy thoát thân! Vậy câu sấm truyền của Thánh Cuội là thế nào đây? Bằng giá nào từ giờ đến đêm cũng phải giải mã câu này. Nhưng rồi linh cảm mách bảo ngay là trò ở Bến Trăng sẽ còn tiếp tục tái diễn ở mức độ táo tợn hơn. Muốn chiến thắng thì phải góp phần để nó tiến triển thật nhanh. Sau khi đã cố gắng nuốt đi những cục hận to bằng nắm tay chẹn ngang cổ họng thì Phan Tít xuống nhà, bình tĩnh ngồi ăn cơm cùng vợ và con gái. Phan Tít hiểu rằng cứ theo như câu thơ của Thánh Cuội thì lần này trận mưa sẽ không diễn ra ở Bến Trăng, mà diễn ra ngay trong buồng của vợ chồng Phan Tít! Phan Tít liền nói với vợ mình rằng mình có công việc phải đi Hà Nội ba ngày mới về. Sáng hôm sau khăn áo ra đi, lấy vé lên ô tô hẳn hoi, rồi xe đi được mươi cây số thì nhảy xuống, chập tối đã nằm ở vườn nhà, theo dõi diễn biến đầy đủ từ đầu đến cuối, nửa đêm đột nhập và mọi diễn biến đã diễn ra theo đúng kịch bản mà thơ Thánh Cuội đã nói.
Giờ đây Thánh Cuội ngồi trên ổ rơm cùng bạn bè trong Hội Ngũ Tử nét mặt hiền lành, rạng rỡ, cây ba-toong đặt ngắn dựa vào tường. Cả Hội Ngũ Tử không phục sự giàu có của Phó Lười mà phục sát đất thằng cha bốc phét năm nào giờ chỉ qua một lần trâu vằng vỡ trán mà được phong thánh!
- Nào chúc mừng Thánh Cuội của chúng ta, cùng nâng cốc!
Phó Ba Gai nói và tất cả thành viên Hội Ngũ Tử cùng nâng cốc. Họ uống rượu và cười nói như ngày nào…

Chương 30
Thành đã trở về cái gốc của đời mình. Cái gốc đa xù xì của cuộc đời thường là ngọn nguồn của tất cả, là thành công, là thất bại, là được, là thua, là đắng cay, là ngọt bùi, là niềm vui, là nỗi buồn, là lên cao, là xuống thấp, là rét buốt mùa đông, là nắng bừng mùa hạ, là tươi thắm mùa xuân, là vàng úa mùa thu…, mọi lẽ đời đều có dây mơ rễ má từ cái gốc ban đầu. Cái gốc đa xù xì của cuộc đời với trăm ngàn cái rễ lúc nào cũng rủ  xuống cho ta níu bám. Có một lúc nào đó ta tưởng đã đủ lông đủ cánh để bay cao, bay xa, ta liền buông tay ra khỏi những chùm rễ. Rồi một ngày kia, không sớm không muộn ta nhận ra mình đã nhầm, đôi tay ta lại bám bíu vào những chùm rễ  vì nó là cái gốc của cuộc đời. Thành đúng là một người như thế. Anh ta đã đi quá xa cái gốc ban đầu, tưởng như mình sẽ trở thành một người hoàn toàn khác. Thế rồi cái gốc đa xù xì toàn những rễ to rễ nhỏ chằng chịt đan xen trong anh đã làm cho anh không sao biến thành người khác không phải là mình, buộc anh phải trở về với những gì là đích thực, là nơi trời đất sinh ra đặt mình vào và tìm ý nghĩa cuộc đời từ nơi ấy.
Cuộc đời này biết thế nào là khôn là dại. Chọn chỗ đứng làm vua, có vị vua chỉ tồn tại mấy tiếng đồng hồ, vậy là khôn hay là dại? Chọn chỗ đứng là anh dân thường cơm canh cua cà muối, ban ngày cày ruộng rét buốt thấu xương, ban đêm nằm trên ổ rơm ôm cô vợ thủy chung suốt năm canh để rồi sáng mai sương còn phủ trắng mặt đường đã lại dậy, ăn qua loa củ khoai luộc hoặc vét nồi được lưng bát cơm nguội với thìa nước mắm, lại vác cày dong trâu ra đồng, để rồi đêm về lại được nằm ổ rơm ôm vợ suốt năm canh… là dại hay là khôn hơn vị vua chỉ tồn tại vài giờ có ba trăm sáu mươi mỹ nữ cung tần để mốc? Thành đã từ bỏ nơi phồn hoa đô thị, từ bỏ người vợ xinh đẹp, đài các và cuộc sống quý phái rồi về với cái gốc đa của cuộc đời, người bảo khôn, kẻ bảo dại, thôi thì khôn khôn dại dại ở đời này, đâu là chuẩn mực, đâu là thước đo, đâu là bến mê, đâu là bến tỉnh? Vất cái gốc đi để ngồi trên cái ngọn là khôn? Nhảy từ ngọn, hay nói khác đi là cú ngã từ ngọn nhào xuống gốc, trở về gốc là dại? Mặc kệ, ta sống theo ý ta là được. Sướng hay khổ suy cho cùng là cảm nhận của mỗi người. Ai dám bảo vua khổ? Ấy thế mà nhiều vị vua thấy chán đời muốn tự tử! Ai ca ngợi kiếp sống ăn mày? Thế mà đã có rất nhiều vị ăn mày cảm thấy đời là vui sướng, khi suốt ngày vừa chìa tay xin vừa cười vui cùng số phận.
Thành đã tiếp nhận cuộc sống hôm nay, khi đã hết một chặng đường quá dài, lại bắt đầu từ cái gốc đa xù xì ngày nào. Anh như sống lại một thời trai trẻ. Cái thời ấy ăn cơm độn khoai, ở nhà rạ, nằm ổ rơm mà nghêu ngao ca hát suốt ngày. Mấy chục năm đã qua, đời đã bao nhiêu biến đổi, đã ru anh đi vào cõi mộng nơi phồn hoa đô thị, lại hất anh về với thôn dã hôm nay. Anh như con cá lạc trên bãi cạn giờ được trở về với nước. Suốt hàng năm trời Thành không cho sửa nhà, không cho xây nhà mới, cặp vợ chồng sống trong ngôi nhà của cha mẹ, ông bà ngày trước để lại: ba gian cột xoan, dầm luồng, tường đất, mái rạ, sân xỉ, hàng cau, chum nước, bếp đun vẫn bằng ba ông đầu rau nặn bằng đất sét, bữa cơm rau muống dầm tương, nằm giường xoan, màn mộc, chiếu trơn, đến vụ rét thì trải ổ rơm, đắp chăn chiên, tối đến nằm trên ổ vừa bốc ngô rang ăn vừa hú hí vợ chồng. Thành nói với vợ rằng đời anh đã nhiều năm sống trong biệt thự, mỗi bữa cơm như bữa tiệc, nhưng không sao tìm được hạnh phúc, tìm được niềm vui, lúc nào cũng có cảm giác mình ăn nhờ ở đợ. Giờ đây cuộc đời như vừa bắt gặp một cái gì vốn có nhưng đánh rơi nay tìm lại được. Nhà gianh, ổ rơm, cơm nắm… đã đưa anh về với tuổi đôi mươi ngày nào trẻ trung và háo hức. Ngày ấy có tát nước đêm trăng, có gánh bùn ao phơi khô làm phân đổ ruộng, có đêm trăng ngồi đầu cầu dưới bóng tre hò hát cùng trai gái trong làng, có họp Đoàn, có liên hoan góp mỗi người bát gạo và năm hào… Ôi chao, cuộc đời đơn sơ mà đẹp lạ lùng, thế mà bao năm anh gần như quên mất để đi đến với cái không phải là mình, cứ quanh quẩn kiếm tìm đến khi tóc trên đầu đã điểm bạc. Và giờ đây bàn tay cô gái đồng chiêm đang nhổ cho anh những sợi tóc phôi pha một thời nắng gió, trả lại cho anh màu xanh tuổi trẻ bằng các thứ hương đồng gió nội. Người con gái ấy mới thật lạ kỳ! Bằng tình yêu của người đàn ông mà mình yêu tha thiết đã gợi dậy ở cô tất cả những gì mà một thời cô đánh mất, một thời bom rơi đạn nổ đã làm khô cằn, một thời lỡ thì đã làm buồn chán, tóp teo. Không còn ai nhận ra cô nữa. Đã vào tuổi ngót bốn  mươi, lại một thời da chì, tóc rụng, bụng ỏng, đùi teo, mà giờ đây cô phổng phao, da dẻ hồng hào, đôi mắt long lanh ướt át tình đời chẳng khác nào mười tám đôi mươi…
Thông từ Hà Nội tháng nào cũng vài lần đánh xe về xóm trại đồng chiêm. Anh rối rít giục vợ chồng Thành xây nhà và tạo khuôn viên thật đẹp, Thông nói:
- Này Thành, ông hưởng hương đồng gió nội kiểu nguyên sơ dân dã như thế đủ rồi! Hãy  xắn tay áo lên mà dựng cơ đồ…
- Khoan đã! - Thành cười – Cậu để mình hưởng thêm chút nữa đã…!
- Này tớ nói cho cậu biết, rằng cậu đã hưởng quá mức cho phép rồi đấy. Tớ chỉ mong được hưởng một ngày như cậu mà cũng chẳng được. Cơm mắm tép, ở nhà rạ, ôm vợ quê là đặc sản cao cấp lúc này, ông hưởng nó vừa vừa thôi, ông hiểu chưa? Bắt tay ngay vào việc đi, một vùng quê chiêm còn hoang sơ thế này mà kỹ sư nông nghiệp trong cậu cứ đắp chăn nằm ngủ mãi à?
- Ờ…à…
Thành đang trong cơn say. Chẳng phải một cái gì ghê gớm lắm mới làm con người say. Đôi khi có những cái nhìn bề ngoài rất bình thường mà vẫn tạo men say phi thường. Thì đây, cái hạnh phúc đơn sơ muộn mằn này đã làm cả hai người say lử đử chẳng khác gì chàng thợ cày say thuốc lào sáng sớm.
Rồi một ngày kia, vào lúc mặt trời gần lặn, có một người đến gõ cửa. Lúc đó Thành và vợ đang cuộn tròn trên cái ổ rơm dày ở gian buồng. Từ ngày trở về miền quê đồng chiêm, Thành ghét tất tật các thứ đệm, mùa rét đến chỉ thú độc nhất là nằm ổ rơm, đắp chiếu cói hoặc chăn chiên. Từng ôm rôm vàng óng được nắng thơm như hương cốm mới đưa vào buồng xếp gọn rồi trải cái chiếu cói mới cũng thơm như thế lên trên nồi ngả lưng xuống và ôm vợ… thì chả còn lạc thú nào trên đời sánh kịp. Thiên đường này chỉ có dân quê mới được hưởng mà thôi. Chiều nay Thành cũng đang tọa hưởng ổ rơm thì ngoài sân có tiếng gọi vọng vào:
- Anh phó tiến sỹ đã ngủ rồi cơ à?
Thành bảo vợ cứ nằm yên, rồi anh trở dậy, mặc thêm quần áo ngoài cho ấm rồi ra nhà ngoài. Ông khách đã đứng ngay ngoài cửa.
- Có nhận ra mình không? - Ông khách hỏi.
Thành chớp mắt nhìn. Trước mặt anh là một ông già khoảng ngoài bảy mươi, người cao gầy, tóc bạc, râu cằm, râu mép, râu quai nón rất rậm nhưng cũng đều bạc, chỉ đôi mắt là còn rất sáng…
- Có nhận ra không? - Ông khách lại hỏi.
- Trời ơi! Thành kêu lên – Thủ trưởng Đốc… - Sao thủ trưởng lại ở đây?
Ông Đốc cười:
- Thì quê mình ở đây mà! Tớ ở thôn dưới. Nghe nói có thằng phó tiến sỹ về làm rể cái làng này chỉ thích ăn cơm rau muống chấm tương, ở nhà rạ, nằm ổ rơm, tớ đến thăm thì té ra là cậu…
Thành vui mừng hết chỗ nói. Nhài nghe vậy cũng tung chăn, mặc thêm áo quần rồi đi ra. Ông đại tá Đốc về hưu đóng hai lò gạch xây nhà thì Nhài không lạ gì, cả xã này ai mà chả biết, nhưng lại là thủ trưởng của anh Thành…
- Cháu chào bác! Nhài chào, mời bác ngồi ghế uống nước, thế này thì vui quá…
Hai người đàn ông ngồi vào ghế. Nhài tung tăng pha trà, rót nước. Thành nhìn đại tá Phạm Văn Đốc, nguyên thủ trưởng của mình hỏi:
- Bác ra quân năm nào?
- Năm năm rồi!
- Sao bác không ở thành phố Hồ Chí Minh? Ngày mới giải phóng, cấp đại tá như bác được cấp biệt thự là chuyện thường.
Ông Đốc chậc lưỡi:
- Cậu không nghe cánh lính nó hát à: Áo lính chưa ráo màu đào, mà xe quan tướng đã vào tới nơi… Vả lại, cái thằng gốc gác cầm cày theo đít trâu như mình và cậu thì ở biệt thự thế quái nào được!
Thành cười:
- Thủ trưởng thế mà khôn! Cụ về luôn cái gốc rồi cứ thế mà tọa hưởng…
- Tọa hưởng cái con khỉ, mình về rồi xoay trần ra đóng gạch và cả đi cày ruộng khóan cho bà xã nữa, chật vật lắm mới xây nổi cái nhà, giờ mình là thợ nuôi lợn hay gọi vui là đại tá lợn, vì tớ nuôi những hai chục con lợn…
Nghe đến tiếng “đại tá lợn” Thành suýt phì cười. Ông Đốc cũng cười:
- Hết quan thì hoàn dân! Sau chiến tranh, cánh trẻ các cậu thì đi học tiếp, còn cánh già không về đuổi gà, nuôi lợn thì làm gì? À này, nghe nói cậu đã đỗ “phó nghè” rồi phải không?
Thành gật đầu:
- Vâng, em đã thành “phó nghè”
- Thế có “đe hàng tổng” không?
Thành cười:
- Em cuộn tròn trên ổ rơm rồi, con đe ai hở thủ trưởng…?
- Thế làm sao đã là “phó nghè” còn cuộn tròn trên ổ rơm?
- Em làm phó nghè lúa thì nằm trên ổ rơm để lúc nào cũng được ngửi hương lúa…
- Và đang “chết lịm” trên ổ rơm phải không?
- Vâng ạ…!
- Vâng cái con khỉ! Ngày trước cậu là thằng đại đội trưởng năng động nhất sư đoàn, còn bây giờ thì “năng động” trên ổ rơm! Rõ mới đẹp mặt chưa! Này mình nói thật, vui thú trên ổ rơm thế là đủ rồi! Rất mừng là cậu đã trở về với cái gốc, về đúng chỗ mà cuộc sống đang cần. Phó nghè mà không ra tay là phó nghè đút bếp!
Nói xong ông Đốc đứng lên:
- Thôi tôi về! Tôi chờ tin: hoặc là tỏ rõ chất “phó nghè” hoặc là đút bếp!
Ông Đốc về rồi, hai vợ chồng Thành lại cuộn tròn trên ổ rơm, vì trời lúc này đã tối mà gió bấc lại cứ ràn rạt thổi ngoài vườn. Nhài ôm lấy cổ chồng, ghé sát mồm vào tai nói:
- Ông Đốc bảo anh là phó nghè đút bếp đấy…
Thành cười:
- Cũng tại em cả đấy! Em cứ trải cái ổ rơm ấm thế này thì đến “chánh nghè” cũng bị đút bếp, nói gì đến phó nghè...
Nhài lại hỏi:
- Thế bao giờ thì ông phó nghè khỏi “đút bếp”?
- Anh sẽ “đút bếp” hết đợt ổ rơm này, rồi anh và em sẽ ra tay!
- Đồng ý ý ý…!
Họ lại ôm nhau lăn tròn trên ổ rơm, mặc kệ ngoài kia gió bấc cứ ào ào thổi rít lên từng cơn. Cho đến nửa thu năm sau thì chàng “phó nghè đút bếp” này ra tay và giúp vợ trở thành bà chủ của một vùng chiêm còn nhiều hoang hóa. Ấy là những ao chuôm, thùng đấu,… các mặt bờ đều được cơi cao. Rồi chẳng bao lâu, ruộng thì cấy lúa, ao, chuôm, thùng đấu thì thả cá. Rồi hai dãy nhà chăn nuôi lợn và gà công nghiệp cũng mọc lên, dùng cám ở trạm xay xát để nuôi lợn, lại dùng ngay phân lợn để nuôi cá… Quanh các bờ vùng, bờ ao thì trồng khoai nước để nuôi lợn. Được chồng là kỹ sư nông nghiệp bồi dưỡng, Nhài dần vươn lên làm bà chủ thực sự. Điều kỳ diệu đã đến với người con gái đồng chiêm này. Vào tuổi mới ngoài đôi mươi, biến hẳn cái nước da tai tái màu sốt rét rừng đeo đẳng hàng chục năm trời, đôi má suốt bao năm hóp lại giờ mịn màng hồng như thoa phấn, đôi mắt đen hạt nhãn nhìn vào đâu cũng tình tứ lạ thường, đôi môi đỏ thắm của nàng rất hay cười. Trước lúc gặp lại Thành, nàng chỉ còn nặng có bốn chục cân, nay sau khi lấy chồng nàng đã đạt tới năm mươi lăm cân, đùi to, ngực nở mộng như quả hồng chín cây. Mái tóc một thời bị sốt rét đã rụng thưa, nay gần như mọc lại đầy đủ, vừa dài vừa dày, lúc nào cũng bồng bềnh như mây. Tâm hồn nàng vốn đã trong nay lại càng trong, đầy háo hức trước cuộc đời. Nàng đã làm “bà chủ”, một bà chủ mà những “đầy tớ” đều là người thân ở xóm trại hoặc bên làng. Những người này một thời đã nhìn nàng với bao xót xa, đã chảy nước mắt trước số phận hẩm hiu của người con gái đi thanh niên xung phong chống Mỹ trở về sống trong mỏi mòn, khắc khoải và vô vọng. Họ đã thay nhau đến an ủi, động viên, những lúc nàng ốm thì viên thuốc cảm, bát cháo hành. Khi nàng vượt được qua tất cả để có hạnh phúc, thì chính những con người này lại rỏ nước mắt vì vui. Rồi cuộc đời xoay vần, nàng thành bà chủ, những bà con ấy thành người làm thuê. Phía ngoài là chủ tớ, phía trong là cả  nghĩa tình. Nàng chắp tay khấn trước Trời Phật “Nếu con mà đối xử tệ với những người làm thuê cho con, thì xin Trời Phật quật chết con ngay”. Lời hứa ấy Thành cũng nghe rõ ràng vì nàng đứng giữa sân, ngồi hè đọc sách. Thành nói thêm khi cô vợ vừa ngừng lời “Em khấn cả cho anh cũng như thế!” Nàng liền khấn lại “Nếu vợ chồng con mà đối xử tệ với những người làm thuê cho con, thì xin Trời Phật quật chết chúng con ngay!”. Có lẽ cái trang trại nhỏ này đi lên từ lời khấn ấy. Hàng ngày có chục bà con đến làm thuê, họ được đối xử đúng như người nhà, là cô bác chú gì, anh em trong một gia đình. Cô chủ nói: “Công việc là thế, bà con hãy làm chủ, coi công việc là của chính mình, nếu chúng ta làm khéo, có lãi nhiều thì hưởng chung” Nói thế, nghĩ thế và làm như thế. Với cô chủ này thì những người làm hôm nay đang làm thuê đã thương từ lâu, chả có một tí gì băn khoăn cả. Cô chủ chẳng bao giờ đến nơi làm, chẳng bao giờ phải cắt đặt việc nọ việc kia, thế mà mọi công việc cứ đâu ra đấy, bà con tự bảo nhau làm còn chu đáo hơn cả việc của chính nhà mình. Thành không dính dáng gì đến công việc quản lý, anh dành toàn bộ thời gian và tâm huyết vào việc nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cả hai khâu trồng trọt và chăn nuôi. Giờ mới đúng là công việc của anh, là đúng nơi lý tưởng của kỹ sư nông nghiệp. Cái mảnh đất đồng chiêm mỗi năm chỉ cấy một vụ, cả cánh đồng lúc nào cũng đầy rong rêu, lăn lác này đang cần một nhà khoa học giỏi. Thành đã về đúng nơi của mình. Cái ổ rơm ấm quá đã ru Thành ngủ suốt mùa đông, đến nỗi thủ trưởng cũ phải đến đánh thức, dọa gọi Thành là thằng “phó nghè đút bếp”. Thì cũng có lúc phải ỳ một tí chứ! Đã gần năm chục tuổi mới vớ được cô vợ ý hợp tâm đầu thì trùm chăn ủ nhau suốt một mùa đông rồi lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, mạnh dạn thực hiện các biện pháp thâm canh tiên tiến, kiên quyết thay toàn bộ giống lúa cũ, đưa giống lúa mới nhất vào, đồng thời cũng áp dụng như thế đối với chăn nuôi lợn, gà công nghiệp và cả nghề nuôi cá nữa. Vụ đầu chưa thắng lợi lắm. Nhưng đến vụ thứ hai trở đi thì thật tuyệt vời, năng suất lúa của cả trang trại cao gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi so với mặt bằng chung của cả xã.
Đã đăng:

(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét