Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 16)



Đã đăng:

Chương 16
Một trong những thành viên nổi tiếng của hội Ngũ Tử là Phó Xoáy. Tên ban đầu là Hoàng Văn Xoay. Khác với Ngô Dế có thân hình lực sĩ, Xoay từ thuở lọt lòng đã rất nhỏ bé, chỉ nặng có hai cân hai. Khi đến tuổi trưởng thành, Xoay vẫn là một thanh niên cao có một mét năm mươi, nặng chừng hơn bốn chục cân. Bù lại, chàng có đôi mắt tinh ranh, chân tay khỏe mạnh, cứng cáp. Đặc biệt là rất nhanh nhẹn, tháo vát, tính tình gan cóc tía, thích trò mạo hiểm. Thời nhỏ tuổi chơi bịt mắt bắt dê, nhất là trò trốn tìm bao giờ Xoay cũng rất khéo, đã trốn là không bạn nào tìm nổi, mà đã tìm thì không thể nào tìm ra. Xoay cũng được bạn đồng lứa rất mến phục còn bởi cái tính thích cào bằng, thằng nào có cái gì cũng phải đem chia đều, đứa nào mà giấu giếm là Xoay xoáy luôn rồi đem chia. Càng lớn lên, những đặc điểm bẩm sinh ấy càng nổi rõ. 

    Nhà Xoay đông anh em, những sáu đứa, cộng thêm hai bố mẹ và người bà nội nữa là chín. Nhà đông miệng ăn đến thế mà chỉ có hai bố mẹ Xoay làm. Xoay là con trai cả, nên phải nghỉ học từ cấp một để lao động giúp gia đình. Cái thời hợp tác xã ấy, những năm đầu mỗi ngày công còn được vào ba cân thóc. Rồi cứ tụt dần, tụt dần xuống ngày công còn một cân, và sau cùng là dưới một cân. Gia đình Xoay chín miệng ăn mà chỉ có hai lao động chính thì làm sao no đủ được. Xoay bỏ học rồi nhập lao động phụ từ năm mười bốn tuổi. Lao động phụ như Xoay chỉ được sáu điểm, tính ra chỉ được sáu lạng thóc một ngày. Tổng thu của cả gia đình gồm hai lao động chính, một lao động phụ, mỗi ngày được hai bảy điểm, tức là hai cân bảy thóc, khoảng một cân rưỡi gạo, mà nuôi chín miệng ăn. Sáng đi làm, lót dạ một củ khoai lang luộc, trưa hai lần sới cùng cơm độn khoai hoặc ngô, tối cũng chỉ vài lần sới và cũng cơm độn, cái ăn thì tứ đời cứ rau muống chấm xì dầu pha muối rất loãng. Cuộc sống ấy đối với một thằng bé mới lớn lại phải lao động nặng nhọc suốt ngày thì thật khổ. Mức sống thấp đến vậy mà cũng khó duy trì, bởi ngày công lao động ở hợp tác xã ngày một thấp đi, tuổi bố mẹ ngày một cao, sức khỏe yếu, bà thì già thêm và luôn đau yếu, năm đứa em đều lớn lên, ăn thêm, mặc thêm, tiền học thêm, chưa làm được gì đáng kể để giúp gia đình. Mới mười bốn mười lăm tuổi, Xoay đã phải lo toan cho cuộc sống gia đình cùng bố mẹ. Đôi vai mảnh dẻ đã phải gồng lên cho thành vai người lớn. Vậy mà kinh tế gia đình cứ mỗi ngày một sút đi theo đà xuống dốc của hợp tác xã.
Vốn là cậu thiếu niên ngay thẳng, thế rồi một ngày kia nó phải còng đi. Vào những năm tháng ấy, cả làng cả xã cũng cong queo bởi cái đói, cái túng thiếu. Buổi sáng hôm ấy, lúc đi gặt, mẹ dặn:
-            Hôm nay trưa và chiều sau lúc làm, con ở lại hót thóc rụng ở ruộng con nhé. Nhớ mang cái túi để đựng.
     Nghe lời mẹ dặn, trưa và chiều sau giờ lao động, mọi người ra về, còn Xoay thì ở lại hót thóc rụng ra ruộng, được vừa vặn hai túi căng, có đến mấy cân thóc. Thì ra hôm ấy bố Xoay bó lúa, ông đạp mạnh lên vài đạp để thóc rụng thêm ra ruộng rồi con ông lại mót những hạt rụng ấy đem về thêm bữa cháo sáng đi làm. Hàng xóm cũng có mấy bà đội lúa từ đồng về làng. Vừa đi vừa ngửa nón hứng phía đầu bông của bó lúa, rồi nhún nhảy mạnh cho hạt lúa rụng xuống nón, khi đội qua ngõ nhà mình thì đưa cái nón ấy cho con cầm về. Nhiều chuyến như vậy cũng thêm được bữa cháo sáng cho cả nhà. Cuộc sống lúc này là như thế. Mọi người đều phải xoay sở hết cách mới mong tồn tại. Có người còn bỏ cả thóc vào xà cạp quấn chân, làm choét cả hai bắp chân từ đùi trở xuống. Có người đi rắc phân hóa học cho hợp tác xã, bớt một ít nhét đầy hai túi quần, rồi tạt qua cái mảnh phần trăm của mình, móc túi phân ấy đem ra rắc cho lúa của mình. Cuộc sống quá khó khăn thiếu thốn đã biến những nông dân chất phác thật thà thành kẻ ăn cắp vặt. Nổi bật lên trong đám người này là Hoàng Văn Xoay, mà sau này được phong là Phó Xoáy! Từ thuở nhỏ, Xoay đã nhanh nhẹn, tháo vát, có biệt tài trốn tìm. Đến khi vào cuộc xoáy vặt thì cái tài này thật đắc dụng. Đầu tiên là mấy gồi lúa, hoặc mấy bơ thóc ở sân kho lúc trời tối, rồi đến việc xoáy các món chén mới thật tài tình. Vào những năm tháng ấy, ban quản trị hợp tác xã chúa là hay liên hoan, nếu kể cả liên hoan đội, các ban ngành và tiếp đãi cấp trên về làm việc thì gần như ngày nào cũng có vài bữa đánh chén, bữa to thì giết lợn, bữa nhỏ thì giết chó, mổ gà, đánh cá ao. Mà Xoay thì lúc nào cũng thấy bụng réo, vì lúc nào cũng bị đói. Mùi thịt rang thơm đến ngạt mũi từ bếp của nhà khách hợp tác xã cứ nhằm mũi những anh đói bay vào, cào cấu, thúc giục. Nhà khách kề ngay cánh đồng, nơi hàng ngày những xã viên chỉ có củ khoai lót dạ để đi làm. Xoay là một trong những người khốn khổ về cái mùi này. Nhiều lần cậu ta phải lấy khăn tay buộc ngang mũi để khỏi phải ngửi cái mùi thơm nguy hiểm từ bếp nhà khách hợp tác xã bay ra. Nhưng đều vô tác dụng. Rồi một lần không chịu nổi, cậu ta tự bảo mình: “Phải chén một bữa mới được!”. Nhưng bằng cách nào? Địa vị thấp như cậu tất nhiên là không bao giờ được mời chén! Họ không mời mình thì mình tự lấy mà chén! Những mâm cỗ ấy có mồ hôi công sức của mình hàng ngày đổ xuống ruộng để cây lúa mọc lên, rồi từ cây lúa hạt thóc mà thành mâm cỗ bốc mùi thơm! Cậu ta nghĩ vậy. Rồi ngay đêm hôm ấy cậu ta tự lấy cỗ cho mình. Số là hợp tác xã có một cái nhà khách mà thực chất là nhà ăn. Nơi đây ngày nào cũng diễn ra các bữa ăn ngon, đãi khách khứa từ huyện, tỉnh về, nhưng phần chính là tự mình đãi mình, tức là liên hoan nội bộ.
Bếp nhà khách lúc nào cũng đầy ắp thực phẩm, tươi sống có, xào nấu chín cũng có để trong một dãy trạn. Ở hai gian nhà tường xây mái ngói rất rộng, tất nhiên có cửa đóng then cài lúc nào lão Đớp đi ngủ. Lão ta là thủ kho kiêm bảo vệ. Còn đội nấu ăn bao gồm ba người thạo việc thì cứ sáng đến, tối về. Tên cúng cơm của lão là Đơ, nhưng vì hay ăn nên người đời gọi luôn lão là Đớp. Lão Đớp người to bè, thấp lùn, bụng xệ, chén mỗi bữa năm bát cơm, một bát thịt, một bát rau, và một chai rượu đầy. Một ngày lão chén bốn bữa, sáng, trưa, chiều và đêm. Lão không có vợ con. Cả đời trai trẻ của lão chỉ vác b… đi chọc ngoáy lung tung những mụ góa chồng hoặc chồng đi xa mà ở nhà lại ngứa nghề. Ai thích thì gọi lão, rỉ tai lão, bất kể là đêm ấy mưa rét, gió bão thế nào lão cũng đến. Mà lão đến ngay từ chập tối. Sau khi đã đả một lúc hết nồi ba cơm, với mấy đĩa xào, dốc ngược đít chai rượu vào mồm, là lão “vào cuộc”. Lão làm hùng hục như đánh vật với con trâu sứt mũi. Được cái lão rất khỏe, chân tay đen đúa nhưng săn chắc như sợi chão trâu mới vặn. Lão quần cho đến lúc người đàn bà nằm dưới lão mặc dù háo hức thèm thuồng cũng phải bấu mạnh vào lưng lão ra hiệu ngừng ngay lại không thì chết mất, không thì tắc thở đến nơi. Tỉnh rồi lão ghé sát cái mồm còn sặc sụa hơi rượu vào tai mụ đàn bà “nữa không?” Mười mụ thì có tới chín mụ kéo ấp cái mặt râu ria đen đúa của gã vào đôi vú đang trương lên của mình, có mụ còn tai quái ghì đầu gã vào đấy cho đến ngạt thở. Đây là những mụ đàn bà đang khát tình hơn khát nước, có mụ chồng chết sớm, có mụ chồng đi làm ăn xa. Những người đàn bà này giải cơn thèm khát bằng bất cứ giá nào. Thiếu đàn ông, họ thấy cuộc đời này vô nghĩa. Nhưng vào những năm ấy, chiến tranh cứ liên miên, đàn ông chỉ có đi mà chẳng thấy về, mà tuổi xuân có thì, cuộc đời có hạn. Chồng chết rồi, rất thèm lấy chồng, chồng đi xa không về cũng muốn bỏ mà lấy chồng khác. Nhưng những người đàn bà bất hạnh ấy không thể làm được điều đó, vì làng xóm giờ đây toàn những ông già hom hem chống gậy run rẩy dò từng bước. Duy chỉ có lão Đớp, vì hỏng một mắt từ nhỏ, mắt còn lại cũng rất kém nên chẳng phải đi đâu, lão cứ lì ở làng. Sống chan hòa cùng đám đàn bà con gái. Lão chẳng đẹp tốt gì, gương mặt thô đen đúa, được cái người lão săn chắc khỏe mạnh. Lão lại thích tự do, phóng khoáng. Lão thừa sức lấy vợ, nhưng lão nhất quyết chẳng lấy ai để một mình làm chồng thiên hạ. Lão làm đủ nghề: từ đi cày đi bừa, gánh phân, nhổ mạ, đào mò, vác đất… cho đến đi câu, đánh dậm, bắt lươn, bắt ếch, cho đến cái việc như đào huyệt chôn người chết, hoặc mò xương trong ván bỏ vào tiểu sành để cải táng. Lão rất dễ tính, chỉ có ăn là lão làm ngay, nên trong làng ai có việc gì đều nhờ lão. Lão làm suốt ngày mà không lấy công. Nếu là đàn bà chồng đi xa lâu ngày thì đêm đó lão ngủ lại để dốc sức một lần nữa. Lâu nay lão được cử trông coi nhà ăn cho hợp tác xã. Cái công việc này  thật là vô cùng hợp với lão. Lão vừa là nhà bếp, vừa là thủ kho, vừa bảo vệ, coi sóc cả đêm lẫn ngày. Lão không cần đòi hỏi một xu lương, chỉ xin đồ thừa để đánh chén.
Những năm ấy Xoay mới vào tuổi mười lăm, mười sáu, là lao động phụ, ngày công chưa nổi một cân thóc. Những lúc giải lao, Xoay thường vào nhà khách của hợp tác xã xin lão Đớp điếu thuốc lào vê tròn cho vào lỗ điếu, rồi châm đóm ngửa cổ lên rít từng hơi dài. Đã đói, hút thuốc lào nhiều càng cồn cào. Mùi thịt xào, mùi cá rán từ trong bếp cứ thơm lừng. Khởi thủy là Xoay ăn vụng tại chỗ. Cầm cái điếu cày giơ lên giơ xuống giả vờ sắp hút, nhưng hễ các bà nấu bếp hay chính cả lão Đớp nữa chỉ quay ngang một giây là luôn một miếng thịt đã thái sẵn để trên mâm chui vào mồm Xoay và nuốt chửng không cần nhai. Cứ như thế mỗi lần giả vờ hút thuốc lào, Xoay chén được năm, sáu miếng thịt đủ loại, gà có, lợn có, bò có, chó có. Rồi tiếp tục lối đánh du kích ấy, phát triển thành lối đánh đặc công. Cứ vào quãng nửa đêm, khi đã ngủ xong một giấc, tỉnh dậy Xoay tìm cái túi khâu bằng những mảnh áo mưa ghép lại, khá to, củ vào bụng dưới lần áo rồi ra đi. Cánh đồng hớp tác về đêm vắng lặng, chỉ có gió hoặc mùi bùn đất hoặc mùi thơm của lúa lúc trỗ bông. Xoay đi tắt chỉ một loáng là đến nơi. Lão Đớp vốn là con người bộc tệch, chẳng có gì là tinh khôn. Vả lại lão đâu có coi hợp tác xã là nhà và chẳng bao giờ coi mình là chủ cái gì. Lão vớ được cái chân béo bở này là do có câu chuyện sau đây: Ngày ấy, lão làm nghề đơm đó bắt tép. Lão đơm mười cái đó ở cánh Rộc và đêm nào cũng phải đi coi. Lão thường ngồi trên cái mả xây ở cồn Con Sộp để coi. Rồi một đêm lão cũng ngồi đấy, đang gật gù ngủ thì bỗng lão nghe như có tiếng cười rúc rích đâu đây. Lạ nhỉ, giữa cái cồn hoang đồng trống này, thường là chỉ có tiếng rắn, tiếng chuột, tiếng mèo hoang gào đực, sao giữa đêm khuya khoắt thế này lão lại nghe có tiếng người? Lão cho là mình nghe nhầm. Rồi lão cứ tự nhiên mà ngủ. Vài phút sau, những tiếng cười rúc rích lại vang lên, lần này thì rất rõ tiếng con gái “Lạy phật! Sao lại có đàn bà con gái ở chốn cồn hoang lúc này?” Tiếng cười vẫn rúc rích ran ran. Bỗng lão sởn tóc gáy: hay là ma? Có lẽ là ma thật! Cái cồn này lắm ma lắm! Những đêm đông, những đêm mưa phùn, từ trong làng nhìn ra đây thấy lập lòe toàn ma chơi. Rồi văng vẳng tiếng khóc của những hồn oan. Có nhiều con ma rũ tóc trên mả bắt chấy cho nhau. Người làng còn đồn rằng có cả ma hôn nhau nữa! Thì chính mắt lão, những đêm đi coi đó, đã nhiều lần nhìn thấy từng cặp ma ôm nhau, hôn nhau chun chút trên nóc các mả xây, hay bên vệ cồn có đám cỏ dày ngồi rất êm đít. Những lần ấy lão chặc lưỡi “Kệ! Trần sao âm vậy! Ở trên trần bây giờ chỗ nào cũng thấy hôn hít sờ sà, thì dưới âm cũng thế…” Nghĩ vậy rồi lão ngoảnh mặt sang bên mà bước vội. Còn giờ đây thì lão đích thị nghe rõ những tiếng cười rúc rích. Rõ là tiếng cười nũng nịu của con người, nhưng vang lên giữa chốn tha ma thế này nghe cứ trờn trợn. Có lẽ ma đấy thôi! Ma cũng biết cười. Nhiều con ma còn cười duyên dáng tình tứ hơn cả người ấy chứ! Nghe nói bọn ma làm chuyện yêu đương, chuyện vợ chồng ma mãnh lắm. Có con ma chơi vợ đêm bảy ngày ba vào ra không kể cơ mà. Có cặp ma ôm nhau, sờ nhau từ tối đến sáng vẫn không chịu rời tay. Chúng đè nhau ở cồn đếm mọc rễ cũng không chịu dậy. Từ tối đến giờ tiếng cười rúc rích đích thực là ma con gái hoặc ma đàn bà ngoại tình. Mà cái giống ngoại tình bao giờ cũng cười nhiều và cười dai. Lão cứ ngồi yên, đôi mắt hướng về phía có những cái đó của lão đang nằm ngang bờ, dưới dòng nước chảy. Những con tép gạo bụng đầy trứng theo dòng nước chảy vào giờ đang nhảy tanh tách. Mỗi một đêm thế này, lão vớ hàng rổ tép. Ấy thế mà nếu không coi là có thằng nẫng tay trên ngay, chỉ còn đó không với mấy cuộng rong rêu bám vào. Những tay đi đổ trộm rất ma mãnh, lấy trộm hết tép xong, các gã đặt cái đó đúng như cũ, thậm chí cả vết đánh dấu cũng y hệt như cũ, làm cho người bị mất trộm tưởng rằng mình không mất gì. Lão đã bị nhiều lần như thế mới phát hiện ra. Rồi từ đấy đêm nào cũng phải lượn lờ ngang dọc ở cánh đồng, hoặc mệt thì ngồi trên nóc mả xây mà nhìn bao quát. Lão cũng đã gặp những thằng đổ đó trộm mấy lần. Có điều là khi lão hô lên, bảo nó là đổ trộm tép của lão, thì lập tức nó cũng hô hoán lên là lão đổ trộm tép của nó. Mà mồm nó lại to hơn mồm lão. Ở giữa cánh đồng đêm khuya thế này ai ra mà phân sử, mà lấy cái gì làm rạch ròi giữa lấy cắp và mất cắp? Rất có thể chính lão bị nghi là ăn cắp! Mà những thằng đêm đi đổ trộm tép này xem ra thằng nào cũng có gan đốt trời cả, tay lăm lăm cái gậy tre già, vụt ai người ấy gãy xương luôn. Xem tình thế bất lợi, lão liền giảng hòa:
- Chứ người anh em đi lạc mất rồi, đó của người anh em ở khu bên phải cơ…
   Mấy tay kia cũng cười:
-            Ông biết điều đấy, ông già ạ!
Nói rồi bọn ấy cười hô hố rồi bỏ đi. Lão tự cho mình là không ngoan, đã không bị gậy nào vào lưng mà còn giữ được cái đó. Còn hôm nay lão không đi tuần quanh đồng nữa mà chỉ ở cái mả xây, lúc ngồi lúc nằm ngửa đưa hai tay gối đầu rồi đếm sao: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…” ấy thế mà tiếng cười rúc rích đâu đây vẫn cứ vọng đến. Bực mình, lão liền đưa cái bình toong rượu đang đặt cạnh miệng lên tu ngay một chập gần hết nửa bình. Người lão bừng bừng. Chất men đã làm cho lão không thể nằm yên ngửa mặt đếm sao. Lão nhỏm dậy, rồi quên hết mọi chuyện ma mãnh, lão săm săm bước tới chỗ phát ra tiếng cười rúc rích. Nào thử xem ma hay người mà cứ đú đởn lâu thế!
Đôi tình nhân đang cuộn tròn trên mặt cái mộ xây. Cái mộ này là mộ tổ của dòng họ to nhất làng Trọng Nghĩa, nên mộ to, trên mặt mộ trát xi măng nhẵn thín, lại xây bao quanh, vì thế mà nó gần như một cái nhà. Cặp tình nhân này đã chọn nơi đây làm cái giường ân ái của mình. Chàng A-đam và nàng E-va đang say sưa cuồng nhiệt trong điệu nhảy nằm có thoát y vũ, thì lão coi đó sòng sọc bước tới. Lão ta đang láng tráng say vì tu gần hết nửa bình toong rượu.
-            A ha, những con ma nào đây? – Lão hỏi lè nhè.
Hai người đang trần chuồng ôm nhau, người trên nằm sấp, người dưới nằm ngửa đang nhún nhảy điệu tình có nhạc đệm ti ti toen toét. Cơn đê mê trời đất cuồng loạn đang vào cao độ thì giật bắn mình. Lão Đớp không nói gì, chỉ cúi xuống vơ hết đống quần áo rồi lừ lừ đi ra. Cặp tình nhân đã tỉnh, dập dình thêm tí nữa để nước tràn bờ rồi buông nhau.
-            Làm thế nào bây giờ? – Con cái hỏi con đực – Mất hết quần áo rồi, đuổi theo đi anh…
Gã đàn ông đứng vút dậy, chẳng còn mảnh vải nào để giấu cái của quý đi, cứ thế lủng lẳng mà nhảy qua tường bao để đuổi theo con người đã hiện diện như một bóng ma mang theo áo quần…
-            Đứng lại! – Gã đàn ông quát.
Lão Đớp không nghe thấy, hoặc có nghe thấy mà lão vờ đi, cứ bước rảo. Gã đàn ông chạy sấn đến chộp lấy mớ áo quần trên tay lão. Nhưng lão đã giật lại ôm chặt.
-            Tao không đưa! – Lão nói – Tao sẽ nộp cho trưởng xóm để nó đưa ra cuộc họp xóm! Hớ hớ…
-            Ông có nhận ra tôi là ai không? – Gã đàn ông rít lên – Tôi sẽ phạt điểm ông, phạt mức ăn của ông!
-            Hớ hớ! Tao nhận ra mày rồi, mày là thằng Híp, đội trưởng, mày đè con nào trên nóc mả thế?
-            Tôi đè vợ ông đấy!
-            Hớ hớ, tao lại chưa lấy vợ chứ giá tao lấy vợ rồi thì mày cũng đè thật. Con nào mà tao thấy trắng hơ hớ thế?
-            Ông đưa trả chúng tôi áo quần…
-            Đã bảo tao đưa về nộp trưởng xóm để bán đấu giá lấy tiền uống rượu…
-            Một, ông có đưa không?
-            Không đưa thì mày làm gì tao?
-            Hai, ông có đưa không?
-            Mày phết vợ người ta mà mày còn dọa tao à?
-            Ba, ông có đưa không?
Lão Đớp chưa kịp trả lời thì Híp đã xông vào. Một cuộc vật lộn quyết liệt diễn ra ngay trên mặt cồn. Hai bên cân sức nên thế trận giằng co một lúc lâu. Cuối cùng vì một tay còn phải giữ chặt bốn cái quần áo, hai của đàn bà hai của đàn ông, chỉ còn có một tay chống đỡ nên lão bị đội trưởng Híp chộp đúng dái và bóp mạnh. Lão điếng người há hốc mồm kêu được có một tiếng “ối tao đau quá!” rồi vật ra cồn. Híp nhân đó nghiến răng bóp và hỏi:
-            Đã chừa chưa?
-            Bẩm chừa gì ạ?
-            Là chừa cái thói rình trộm người ta đè nhau rồi vơ quần áo chạy….
-            Chừa rồi ạ… ối ái nhẹ tay thôi không choét ra mất…
-            Cho nó choét! Lão vác b… đi khua khoắng suốt đêm đè các mụ góa, các mẹ chồng đi xa và cả các mụ có chồng sờ sờ ra nữa mà khát đàn ông đến lệch chân chõng, đến sai chân giường thì sao?
-            Dạ dạ, bẩm đội trưởng, quần áo đây đội trưởng và cái bà đùi to trắng hớ ấy cầm lấy mà mặc vào rồi buông tay ra kẻo đau lắm… Trời ơi tôi chết toi mất rồi…
-            Thế đã chừa cái thói rình trộm người ta đè nhau chưa?
-            Bẩm chừa thật rồi ạ….
     Gã đội trưởng buông tay ra, vơ vội đống quần áo chạy đến chỗ người tình đang ngồi xổm trên nóc mả đợi, mặc liền rồi lủi về xóm.
   Ngày hôm sau, lão Đớp nghỉ buổi làm ở nhà viết tờ đơn có cái đầu đề: “Tôi bị bóp dái”. Lão định gửi tờ đơn đến mười cơ quan từ xã, đến tỉnh. Chưa kịp gửi thì đội trưởng Híp đến. Lão Đớp chưa kịp giấu thì Híp đã nhìn thấy.
-            Ông định kiện tôi đấy à?
-            Phải! Chả kiện thì sao?
-            Nhưng bộ luật  hình sự mới ban hành làm gì có tội danh bóp dái?
-            Tôi cóc cần biết! Anh đã hủ hóa chọc vợ người ta ở trên nóc mả, tôi vớ được anh lại còn bóp dái tôi thì tôi cứ kiện!
-            Kiện thế thì ông được gì?
-            Tôi được người đời hiểu rằng dái tôi bị anh bóp…
-            Thôi thế này, để đổi cái việc phơi bày cho thiên hạ biết cái dái mình bị bóp, chả hơn là ông hãy nghe tôi…
-            Nghe thế nào?
-            Vụ này tôi ghi thêm cho ông ba trăm điểm, để ông lĩnh thêm vài mô thóc mà không cần ghi sổ. Rồi tôi nói với ban quản trị điều ông lên chân nấu bếp, coi kho thức ăn ở nhà khách của hợp tác xã. Bằng chuột rơi chĩnh gạo còn gì? Ông biết không? Gọi là nhà khách cho sang chứ nó là cái nhà ăn sang nhất trần đời đấy, kho thức ăn mà ông sẽ coi lúc nào cũng toàn là thịt và rượu để trong ấy… Rồi muốn thì đêm rủ đàn bà vào tay bốc thịt, tay sờ l…, đồng ý chưa nào?
Lão Đớp gật sái cổ. Lão xé toạc cái đơn “Tôi bị bóp dái” ra đến năm bảy mảnh. Mười ngày sau, lão được điều đến nhà khách làm chân bảo vệ.
Xoay làm thân với lão Đớp đầu tiên từ những lần vào bếp, hút nhờ thuốc lào rồi bốc trộm thịt bỏ vào mồm. Lão Đớp mắt kém nên chẳng bao giờ nhìn thấy. Sau đó thì Xoay mở các cuộc tập kích vào ban đêm. Cứ đến khoảng nửa đêm là Xoay từ nhà ra đi, mang theo một cái túi bằng vải áo mưa khâu lại to đến bằng một phần ba cái bao đựng thóc. Khu nhà khách của hợp tác xã nằm trên một khu đất xã làng, tiếp giáp với cánh đồng, xung quanh có xây tường bao kín đáo, lại có cổng sắt, cứ tối là khóa im ỉm. Rồi một đàn chó vừa đực vừa cái bốn con to đùng hễ thấy đụng là cắn vang làng. Lão Đớp cũng cẩn thận lắm. Ban ngày lão cũng khóa cổng, có khách hoặc cán bộ hợp tác xã đến lão mới mở cổng. Còn ban đêm thì cứ đúng sau bữa cơm tối, các cán bộ ra về là lão khóa cổng luôn, rồi xua bốn con chó hung dữ ra bốn phía coi trộm. Đến lúc đi ngủ, lão kê giường ngay trong nhà kho để ngủ, và bao giờ cũng cửa đóng then cài thật chặt. Ấy thế mà lão bắt đầu ngờ ngợ nồi thịt gà bị xúc trộm, nồi thịt đông cũng ngoảnh đi một góc, rồi những khúc giò nạc, giò mỡ hình như cũng bị thiếu đi một phần, thậm chí các bao gạo nếp, gạo tám, gạo tẻ hình như cũng vơi đi quá nhiều so với phần hàng ngày lấy ra để thổi cơm đãi khách. Thế này là thế nào? Chắc chắn chỉ có ma mới làm nổi chuyện này. Ờ mà ở đay gần cồn là lắm ma, mà nghe đâu dạo này dưới âm phủ do tiếp nhận quá tải những người trên trần chết xuống, thiếu lương thực trầm trọng nên sinh ra nhiều ma đói. Có thể đêm đêm hàng đàn ma đói mò vào đây, mò mẫm ăn vụng từ miếng thịt đến bơ gạo. Lão suy ngẫm như thế, nhưng lão không dám báo cáo với các vị trong ban quản trị hợp tác xã, vì lão thừa biết các vị này sẽ chụp luôn cho lão cái mũ mê tín dị đoan là lão teo đời. Lão lẳng lặng lập bàn cúng ma thập phương nay ở trong kho thức ăn, ngay trên chỗ đầu giường lão nằm: Một cái mâm gỗ để trên chồng gạch xếp cao, trên cái mâm gỗ ấy là ba cái bát con có đựng đầy gạo để cắm chân hương, rồi nải chuối, đĩa hoa, rồi bát cơm lồng, đĩa thịt, đĩa xào… Rồi tối nào sau khi thắp nhang xong là lão chắp tay khấn vái mời các vong hồn đói khát về hiến hưởng, và đừng lấy cắp đưa đi nữa. Ấy thế mà mất vẫn hoàn mất. Thời ấy là thời bao cấp, có ai đếm từng miếng thịt, đong từng bò gạo để giao cho lão đâu? Mà mất thế chứ mất nữa cũng chẳng vị cán bộ nào biết. Hết thịt thì mua, hết gạo thì lấy thóc ở kho ra người ta xay, giã, rồi đưa đến trại cứ đổ phứa vào bao, vào hòm. Chẳng có sổ sách gì, chẳng bao giờ kiểm kê, kiểm toán gì. Lão biết vậy, nên lão từ một người có trách nhiệm trở thành kẻ vô trách nhiệm. Lão chặc lưỡi cho qua. Vì nếu báo ra thì hoá ra là mình vạch tội mình, rồi biết đâu lại chẳng bị tống cổ về đội sản xuất cho một kẻ khác thế chân? Cái đơn “Tôi bị bóp dái” chắc chẳng ăn thua gì nữa rồi. Thằng cha đội trưởng Híp chắc sẽ cãi béng rồi đổ tội cho lão là vu khống, bôi đen cán bộ. Chỉ một tội ấy thôi, lão sẽ bị quy là phần tử rồi bị đẩy đi cải tạo ba năm ở nơi khỉ ho cò gáy là hết đời! Chả dại. Mất thì mất, mất bao nhiêu ngày mai có người mua bù lại bấy nhiêu. Lão vẫn cứ ngày ba, bốn bữa cơm rượu tì tì. Thế là lão khoá mồm lại.
Xoay thành Xoáy bắt đầu từ đấy. Cậu chàng nhỏ con mà nhanh nhẹn tháo vát. Có điều mãi mãi lão Đớp không sao hiểu nổi cái kho thức ăn đêm nào trước khi đi ngủ lão cũng cài then trên then dưới thật cẩn thận và thắp đèn suốt đêm sáng trưng mà vẫn bị mất cắp, khi các then vẫn còn nguyên như lúc cài. Ma lấy cắp thì cho đến giờ này lão không tin cho lắm, vì hồi còn đi coi đêm, thú thật là lão toàn gặp “ma người” làm các chuyện bậy bạ ở hè đình, ở cồn đống. Ma thật trăm phần trăm thì lão chưa gặp bao giờ. Thế mà từ cửa đóng then cài, thịt, giò, gạo,… đêm nào cũng vơi đi thì bố ai hiểu nổi? Với thành tích bất hủ này, Hoàng Văn Xoay trở thành Phó Xoáy vào năm vừa tròn mười tám tuổi! Cũng từ ngày ấy Phó Xoáy cóc cần lao động cộng điểm nữa, chàng ta suốt ngày dong chơi, chỉ đêm đến mới đi “làm” mà cũng chỉ duy nhất đến “làm” ở kho thức ăn của nhà khách hợp tác xã.
Vào năm hai mươi tuổi, chàng Phó Xoáy bắt đầu yêu. Cái yêu bắt đầu từ cái ghét. Chẳng biết từ bao giờ mà nhà chàng và nhà nàng là láng giềng ghét nhau thậm tệ. Hai mảnh vườn giáp nhau, vạch ngăn cách là vệt giậu cúc tần mỏng mảnh. Con gà nhà này chui giậu sang bên kia liền bị đánh què. Con chó con mèo của bên kia lọt sang bên này là ăn đòn chí tử. Rồi là quăng bã mía sang tặng nhau, thậm chí mản sành mảnh chai cũng quẳng sang vườn nhau. Rồi hễ mất cái gì bên đây chửi đổng, bên kia cũng tìm cớ để chửi khéo lại. Hai nhà từ lâu cắt đứt “quan hệ ngoại giao”, nửa đêm tắt điện hết diêm phải đi vòng sang nhà khác để xin. Nhỡ thìa mắm, hạt muối, bát gạo… tránh không bao giờ vay mượn của nhau. Các thành viên trong hai bên gia đình gặp nhau ngoài đường ngoảnh mặt đi, hoặc lườm nguýt. Hai ông bố của hai gia đình cùng tổ canh điền cùng đi cày, đi bừa ở một mảnh ruộng, ông kia guộn lá chuối, ông này còn hàng gói, ông kia hết đành ngồi nhịn. Nghe đâu cũng đã mấy lần các vị tháo bắp cày nện nhau. Phó Xoáy cũng không đứng ngoài cuộc. Chàng có cách “choảng” riêng. Nhà bên có một cô con gái kém chàng hai tuổi. Năm chàng mười tám thì cô ta mười sáu. Năm chàng hai mươi thì cô ta mười tám. Phải nói rằng con bé này trông ngon lành lắm, da trắng, tóc dài, mắt đen hạt nhãn, má lúm đồng tiền… mà cực kì kênh kiệu. Tất nhiên cô nàng nhìn Phó Xoáy bằng nửa con mắt. Điều ấy làm cho Phó Xoáy tức lộn ruột. Chàng trả đũa bằng cách “xoáy” hết mọi nữ trang của cô láng giềng. Hễ sắm được cái gì buổi sáng thì buổi tối sẽ mất. Từ cái cặp tóc, cái khăn mùi xoa, cái lược chải đầu, cái gương nhỏ bỏ túi để soi những lúc đi đây đó, đến đôi guốc, đôi dép mới mua, cái nón trắng, cái khăn hoa, quyển thơ tình Nguyễn Bính, thậm chí đến cái quần chí cẩm, cái áo phin nõn, bộ diện mà phải mấy tháng đi móc mới may được… đều bị Phó Xoáy nẫng hết đưa về để góc hòm. Cất đâu, để đâu dù kín đáo đến mấy cũng chỉ trong vòng một vài ngày là mất. Vì vậy mà cô láng giềng cứ suốt ngày khóc thút thít. Chàng Phó Xoáy chỉ chờ có thế là lấy làm khoái chí lắm. Cười một mình “có thế chứ”! Trò đùa tinh ác của chàng đã làm cho cô láng giềng tuyệt vọng muốn chết. Cô đang ở cái tuổi làm dáng. Có được một cái gương nịnh mặt, một đôi dép nhựa, một đôi guốc sơn đen gót cao quai nhựa trắng lốm đốm hoa vàng, một cái nón bài thơ, nhất là bộ cánh diện quần chí cẩm áo phin nõn quả là một ước mơ, một niềm vui tràn bờ. Thế mà bị mất! Để đâu cũng mất. Mặt cô bé lúc nào cũng đầm đìa nước mắt. Cô âm thầm đau khổ mà không dám nói một lời với ai, nhất là với bố mẹ thì càng phải giấu biệt. Đêm đêm cô nằm vắt tay lên trán suy đoán xem những vật quý của cô bị ai lấy mất. Nhà cô không mất cái gì bao giờ, kể cả lợn ngoài chuồng ngay đầu ngõ chẳng có cổng giả gì. Thế mà mọi vật cá nhân cô để trong buồng riêng cũng mất? Cô bắt đầu rình. Nhất định là phải bắt quả tang tên kẻ trộm tày trời này. Hằng đêm cô vẫn tắt đèn khép cửa buồng giả vờ đi ngủ, nhưng nằm căng mắt nhìn vào bóng tối, và cô tập trung hết mọi thính lực để nghe tiếng động từ mọi phía, nhất là phía cửa buồng. Hàng chục đêm như thế chẳng phát hiện được cái gì. Đôi dép và cái nón mới của cô để làm mồi nhử ở trên mặt cái hòm phía cuối chân giường vẫn còn y nguyên. Cái tên kẻ trộm thế là chờn rồi đấy. Đêm thứ mười một cô tự thưởng cho mình một giấc cũng ngắn thôi. Thế mà khi mở mắt ra đưa tay sờ đến cái nón và guốc thì đã không cánh mà bay từ lúc nào. Cô tức uất người. Rồi phán “Đúng rồi! Chỉ có Phó Xoáy mới đủ tài làm cái chuyện này!” Ngày hôm sau, khi hai người chạm trán nhau ở cầu bến, cô bảo:
-            Anh giết tôi rồi đấy!
Gã cười:
-            Anh không giết em, mà anh mê em…
Thế có lộn ruột không kia chứ! Cô đấu dịu:
-            Đừng trêu em nữa. Cho em xin rồi khi nào cưới vợ em làm phù dâu cho…
Gã lại cười:
-            Em là cô dâu về nhà anh thì anh sẽ trả…
     Cô nguýt dài rồi bỏ đi. Gã nhìn theo cho đến khuất bóng. Nhà hai người ở sát nhau, một vệt cúc tần chia ranh giới, bên này khẽ nói bên kia đã nghe, bên kia phi hành mỡ thì bên này điếc mũi, thơm lây. Ngày trước, khi bố Xoay và bố Lan – tên cô gái – còn là hai chàng trai thì thân nhau lắm. Tuổi nhỏ chơi khăng chơi đáo, đánh bi, lớn lên đi cày, đi vác đất có nhau, đúng là đôi bạn nối khố. Rồi chẳng hiểu thế nào mà hai chàng lại cùng yêu một cô gái làng. Cô này tên là Hoa, nhà cũng ngay gần đấy, sáng nào cũng đội thúng bánh khúc đi bán lúc tảng sáng và bao giờ cũng gặp hai chàng vác cày dong trâu ra đồng. Lúc thì cô tặng nụ cười, lúc cô tặng cái lườm cái nguýt cho cả hai. Cả hai chàng cũng tít mắt, tự bảo là “nó yêu mình”. Thế rồi đùng một cái, chàng Sô vớ được mà chàng Đáy thì truợt vỏ chuối. Hồi Sô cưới vợ, Đáy choảng liền một lúc năm hòn gạch củ đậu sang và toan đốt nhà Sô, quan viên hai họ bị một phen hú vía. Hoa về làm vợ Sô, thỉnh thoảng lại hát vọng sang:
“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu…”

       Chàng Đáy bên này nghe vừa xót xa vừa lộn ruột nhưng không nói được gì. Ai bảo không há mồm ra mà hỏi trước, còn kêu ai? Rồi Đáy tức tốc lấy vợ. Tất nhiên là lấy hoả tốc, mã đã hoả tốc là gay rồi. Một cô gái bán rượu ngoài chợ, mà những lúc lên cơn buồn chán Đáy thường mua uống. Đến lúc ngà ngà say, Đáy gật gù:
-            Em có lấy anh không?
Cô hàng rượu rót thêm cho chàng Đáy một cốc rõ đầy không tính tiền:
-            Ỡm ờ à? Hỏi thật hay đùa?
-            Ờ à… hỏi thật…
-            Thế thì anh về bảo mẹ anh mang cau trầu sang…
Năm ba lần như thế, chuyện như đùa rồi hoá thật. Trông cô hàng rượu cũng mỏng mày hay hạt, còn rượu của cô thì cứ là ngon nhất. Một tháng sau chàng Đáy cưới cô bán rượu. Bốn tháng sau kể từ ngày cưới, nàng đã sinh con tức là cậu công tử Phó Xoáy bây giờ. Bốn tháng đã đẻ, thiếu đứt năm tháng mười ngày! Chàng Đáy đâm nghi. Thế là mất cả chì lẫn chài! Vừa mất Lan, lại vớ phải vợ thừa, nuôi con người khác, tức lên Đáy chửi loạn xạ. Bên kia giậu, Sô nghe tưởng nó tức nó chửi sỏ mình liền cũng chửi trống không vọng sang. Hai nhà láng giềng, hai người bạn nối khố trở thành kình địch từ đấy.
Giờ đến lượt con họ, tức là Lan và Xoay. Lan giống mẹ rất xinh gái, còn Xoay chẳng có gì là đẹp trai, người lại nhỏ con, rồi lại mang biệt danh là Phó Xoáy! Chỉ được cái liều. Một điều nữa là rất thảo, và có lòng thương người. Xoay không có thì thôi, nếu có gì, ai cần là cho ngay. Những cuộc tập kích vào kho của lão Đớp, Xoay chỉ dùng một phần, còn thì cho hết bạn bè. Vào những năm tháng gian nan thiếu thốn của cả cộng đồng, đức tính ấy rất đáng quý. Lan và Xoay hai nhà kề nhau, cùng một trang lứa, lẽ ra hai trẻ phải có tình thân, nhưng vì hai ông bố đối chọi nhau nên chẳng bao giờ sang nhà nhau. Gặp nhau ngoài đường cũng chẳng hỏi. Thế nhưng những buổi chiều, buổi sáng, những khi trăng lên, Xoay vẫn đứng tần ngần bên giậu cúc tần nhìn sang phía bên kia có người con gái đang ngồi gội đầu bên chậu nước hương nhu. Chàng cứ đứng đấy, qua những khe giậu mà rình mái tóc dài đen nhánh thả xuống chậu nước thơm. Nàng ngồi trên cái ghế rất nhỏ, đầu cúi, gương mặt đẹp soi mình nhóng nhánh trong chậu nước, cái lược nhỏ màu tím trong bàn tay thon nhỏ của nàng trải đều đặn từ chân tóc rồi kéo theo chiều dài của tóc, thỉnh thoảng nàng mới ngước lên, gương mặt trái xoan và đôi mắt đen tròn đẫm nước. Gội đầu xong nàng đến bên giậu cúc tần đứng vuốt tóc cho nước chảy và quay đầu tóc cho tóc chóng khô. Hình như nàng cũng cảm giác thấy có đôi mắt nào đó lấp ló bên kia giậu cúc tần. Có thể nói, càng lớn lên thì chàng Xoay càng mê cô gái xóm giềng, bất chấp hai ông bố cứ luôn luôn gằm ghè nhau. Chàng nhìn cô lúc gội đầu, chàng nhìn cô lúc quét sân, băm bèo, chàng nghe cô ru em từ chiếc võng trong nhà vọng sang, lời nào của nàng chàng cũng thấy ngọt, hình ảnh nào của nàng chàng cũng thấy đáng yêu, nó như những giọt mật ong cứ dần thấm dần vào trái tim chàng. Nhưng chàng chẳng có cơ hội nào để ngỏ lời yêu. Sang nhà thì không ổn rồi. Gặp nhau ngoài đường thì chàng chưa dám, vì đã có cớ gì đâu. Yêu mà không ngỏ được, không hé ra được chút gì thì đến phát điên. Thế rồi chàng đã nghĩ ra được cách ngỏ yêu độc đáo là hãy cuỗm hết những cái mà cô gái có. Thế là một lô những cặp tóc, gương lược, guốc, nón và bộ quần áo diện nhất của cô láng giềng đã về nằm gọn trong cái hòm gỗ nhỏ để ở góc buồng nhà chàng. Mất hết những đồ trang sức, người con gái nào mà chẳng tức uất lên. Thì hãy cứ để cho nàng tức giận. Nàng nghi ngờ ta, nhưng nàng chưa nắm được tay ta thì chẳng bao giờ nàng làm gì được ta. Ta vẫn nắm đằng chuôi, còn nàng thì đằng lưỡi. Nàng gặp ta bảo: “Anh giết em”, ta bảo: “Anh không giết em mà anh mê em!”, nàng lườm rồi bỏ đi. Ngày hôm sau, gặp ta nàng bảo: “Em vui rồi”, ta hỏi lại “Sao vui?”, nàng trả lời: “Vì nếu anh Phó Xoáy lấy thì có nghĩa là em chưa mất hẳn!”. Ta cười. Ta chưa biết, hiểu lời nói ấy của nàng như thế nào cho đúng nghĩa theo ý nàng. Chưa mất? Có nghĩa là nàng nhìn thấy ở ta điều tốt lành cho nàng. Mặc kệ, nếu nàng không yêu ta thì ta sẽ “xoáy” hết mọi thứ của nàng! Nếu cuối cùng nàng vẫn ngoan cố thì ta sẽ “xoáy” nàng đưa về nhà ta! Phó Xoáy người nhỏ con, nhưng trong tình yêu lại rất quyết liệt. Vào thời điểm ấy, Lan đã có ba chàng trai cùng theo đuổi: một chàng ở thôn trên, một chàng ở thôn dưới, và một chàng làm công nhân nhà máy Dệt trên thành phố. Cả ba chàng này về hình thức cũng như sự cần cù lao động thì hơn hẳn Phó Xoáy. Trước địch thủ như vậy chàng sẽ chiến thắng bằng cách nào? Chàng đã nhiều đêm ngày uất nghẹn vì thế yếu của mình. Chàng mong có một sức mạnh để đạp đổ các đối thủ. Nhưng sức mạnh ấy lấy ở đâu? Những điểm yếu đang dồn về phía chàng. Từ tư thế nằm dưới, chàng quyết vùng lên cho đối phương đòn đo ván!
Ba chàng trai kia ở ba phía mở ba mũi tấn công vào cô gái xinh đẹp làng Trọng Nghĩa. Vũ khí lợi hại của các chàng lúc này là phô trương hình thức: xe đạp mới, quần áo mới và sang, đồng hồ, nhẫn vàng… Đối với cô gái thôn quê xinh đẹp mà nghèo thì đó là lực hấp dẫn. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn cả ba chàng cùng bị đánh gục. Các chàng đều là những công tử bột, cứ chiều chiều là diện quần phăng màu hạt dẻ, áo sơ mi pơ-pô-lin màu trứng sáo, tay đeo đồng hồ Pốt, đạp xe Phượng Hoàng hoặc Thống Nhất đến nhà người đẹp để tán tỉnh. Thế mà bỗng nhiên ba chàng đều mất sạch chỉ còn vài bộ quần áo vá để mặc hàng ngày, đến nỗi xấu hổ không dám đi tán gái. Các chàng đều cố gắng vét tiền để mua sắm tiếp, nhưng mua bằng nào là mất bằng ấy ngay tức khắc. Trong vòng nửa năm, các chàng khánh kiệt gia tài, lần lượt chào thua, lảng dần. Lan cũng vậy. Nhà cô nghèo nên mất đi cái gì là rất khó mua lại. Rồi cô cũng chỉ còn quần áo vá để mặc. Dù nghi cho anh chàng Phó Xoáy là thủ phạm của mọi chuyện, nhưng không có một chứng cớ dù nhỏ nhất, nên chẳng thể làm gì. Có gặp nhau ở ngõ, ở cầu bến hoặc là bên đây bên kia giậu cúc tần, Lan chỉ dám nói trống không: “Anh giết em!” và cô cũng nhận được câu trả lời trống không “Tất cả vì tình yêu!” – Câu trả lời đó có ý nghĩa mà cũng vô nghĩa vậy thôi. Rồi thời gian nhanh trôi đi, Lan vẫn đẹp mà chẳng thấy chàng trai nào đến tán tỉnh. Cái gương ba chàng trước bị trời phạt đã khiến họ phát khiếp. Thời này cánh mày râu đụt bệt  lắm, chả còn một ai dám xả thân vì người yêu. Cô gái hương đồng gió nội bỗng tẻ ngắt. Hoa vẫn thơm mà bướm không lượn thì thơm mấy cũng vô nghĩa. Các bạn cùng trang lứa đang lần lượt đi lấy chồng để lại đằng sau một khoảng trống vắng. Một năm nữa lại trôi qua. Lúc này Lan đã ở tuổi hai mươi lăm. Ở vùng này, con gái lấy chồng từ mười tám, đôi mươi, đã bước sang tuổi hai lăm là gần như cầm chắc cái ế. Lan cuống cuồng. Rồi một lần đang đứng quay tóc bên giậu cúc tần, nhìn thấy Xoay lấp ló phía bên kia, Lan nói:
-            Anh giết em thật rồi đấy!
Xoay trả lời vọng sang:
-            Nếu em chết thì anh tình nguyện chết theo!
-            Có thật không? Lan hỏi lại.
-            Chả thật thì sao?
-            Vậy tối nay cùng ngồi thuyền ra giữa cánh đồng rồi cùng chết!
-            Xong ngay!
Vào quãng bảy giờ tối có một chiếc thuyền nan ép vào cạnh một chiếc cầu tre, một bên là sông, một bên là đường làng, xa xa bên kia sông là cánh đồng chiêm mênh mông sóng nước và đầy lăn lác. Cô gái ép thuyền, chàng trai đã từ trên bờ nhảy xuống. Thuyền chòng chành. Cô gái vừa đẩy thuyền ra sông vừa hỏi:
-            Anh đi để “chết” cùng em mà sao ăn mặc đẹp thế?
Gã con trai cười.
-            Có đẹp thì mới chết được!
Con thuyền vun vút rẽ sóng trên mặt sông rồi vượt sang phía cánh đồng. Đêm nay là đêm trung thu. Trăng lên đẹp lắm. Trên trời trăng như một cái đĩa vàng khổng lồ lừ lừ trôi. Không gian vàng rực. Mặt sông, mặt đồng nhấp nháy những vẩy vàng. Tiếng cuốc kêu trong các bụi lăn, bụi lác. Nó kêu từ đầu hè, hết hè đã sang giữa thu mà vẫn kêu. Cô gái đồng chiêm đẩy thuyền thật giỏi, con thuyền cứ vun vút luồn lách qua những bụi lăn lác rậm rì. Rồi nó dừng lại ở một khoảng trống, đấy là một hố bom rất sâu, lúc này mênh mông sông nước. Cô gái nói:
-            Anh đã triệt đời em, đến nỗi đã hai lăm tuổi mà em chưa lấy được chồng. Bây giờ em chỉ muốn chết. Nếu anh có gan thì hãy chết cùng em… Nói xong cô gái lao thẳng xuống cái hố bom sâu tới con sào.
Hoảng hốt đột ngột, bằng một phản xạ tự nhiên, Xoay vụt lao theo. Cuộc đời này thật không biết thế nào mà lường. Tất cả những hành động với cô gái láng giềng, với ba đứa con trai đến tán tỉnh, Xoay chỉ coi là trò đùa, hoặc là làm theo tiếng gọi của trái tim, nghĩa là mở đường chông gai để đi đến hạnh phúc. Những câu nói trách móc, và những câu trả lời ỡm ờ từ chiều cho đến lúc cùng ngồi thuyền dưới ánh trăng rằm sáng soi vằng vặc, cũng là trò đùa. Ấy thế mà kết cục lại là cú lao thẳng xuống hố sâu nhanh đến không kịp ngăn lại. Cho đến nhiều năm sau khi kể lại chuyện này, Xoay còn hoảng hốt, run rẩy. Khi Xoay lao theo người con gái là lao theo phản xạ. Cô gái đang chìm thì Xoay nắm được tà áo, rồi Xoay lặn ngụp xuống, ôm ngang hông, cố đẩy cả hai lên mặt nước. Giá mà Xoay có sức khoẻ lực điền thì mọi chuyện dễ dàng, đằng này nhỏ thó, cũng may mà vớ được cái cạp thuyền bám vào mà thoát chết. Hai người ngồi trên thuyền cùng ướt sũng. Cả hai đều đã uống gần no nước. Người con gái vẫn còn như ấm ức, nói:
-            Sao anh đã bảo sẽ chết theo, lại còn vớt lên?
Xoay lúc này mới mỉm cười:
-            Anh không ngờ em lại liều đến mức ấy!
-            Có gì là liều! Anh đã dồn nén em đến mức ấy!
-            Nhưng động cơ không chủ hại em, mà là để buộc em phải yêu anh…
-            Tình yêu đâu có ép buộc được?
-            Mỗi người đạt đến tình yêu một cách khác nhau. Ở miền núi, chàng trai có quyền bắt cóc người yêu đưa về buồng mình…
-            Sao anh không làm thế đi!
-            Vậy em có đồng ý không?
-            Nói dễ nghe nhỉ? Yêu thật hay yêu vờ? Chân thành hay lừa dối?
-            Khi anh đã nói rằng anh có thể chết theo em thì tình yêu ấy không phải yêu vờ!
-            Nhưng em đã mất trinh rồi!
Người con trai choáng váng ngồi im, người bỗng run bắn lên, hỏi lắp bắp:
-            Em nói thật hay nói đùa?
-            Em không biết nói đùa!
-            Vậy thì em biết nói dối! Em bảo với anh rằng em nói dối đi…
-            Giả thử em không nói dối thì sao?
-            Anh bảo em nói thế nào thì em cứ nói như lời anh!
-            Vậy em nói lại nhé: Em không còn trinh đâu. Em đã ngủ với ba gã đàn ông…
Gã con trai ngồi im, đôi mắt rực lửa như muốn thiêu đốt cả thế giới này.
-            Hãy nói đi! Đứa nào?
-            Anh là người đến sau thì có quyền gì mà trừng phạt người đến trước?
-            Chỉ phạt thôi à? Ta đốt cả làng này cho coi!
-            Có trừ em không?
-            Đốt tuốt!
-            Thế mà bảo yêu em?
-            Nhưng em đã đem cái quý giá nhất của em cho người khác rồi, thì ta phải đốt cháy em tới ngàn lần!
-            Vậy em phải chết tới ngàn lần ư?
-            Phải!
-            Thế sao vừa giờ em quyết chết anh còn cứu?
-            Ta nhầm!
 Vút cái người con gái lại lao xuống nước. Chàng trai cũng lao luôn, và lần này anh phải chật vật lắm mới cứu được người yêu và bản thân mình.
-            Anh vẫn yêu em! - Lời cuối cùng đêm ấy Xoay nói với người yêu. Nhưng sự đời đâu có suôn sẻ. Bố Xoay và bố Lan ngày xưa cho đến tận bây giờ vẫn là tình địch, ghét nhau lắm, người phải xuống thang trước là ông Đáy. Bởi có một lần thằng Xoay đã vằn tia mắt hỏi ông:
-            Con lấy Lan thì bố mất gì?
Mất gì ư? Ừ nhỉ, mà sao cho đến giờ ông vẫn chưa tự hỏi điều ấy!
Thằng Xoay lấy con bé Lan thì mình mất gì? Được gì? Ngày xưa các cụ dạy thế nào nhỉ? Chẳng nên tình nghĩa trước sau, có con ta gả cho nhau thiệt gì! Ờ ờ… thế mà thâm thuý đấy! Có con ta gả cho nhau thiệt gì! Tuyệt! Chỉ có thằng cha Sô là… ừ mà chỉ có nó không muốn, chứ sao mình lại cũng thế? Khi hai gia đình đã là thông gia với nhau, ta sẽ có nhiều dịp để ngắm nghía, chuyện trò với người tình cũ của ta. Vả lại ta ngắm con Lan bây giờ cũng chính là ta ngắm cô ấy mấy chục năm về trước. Con bé sao mà giống mẹ nó như giọt nước xẻ đôi. Nếu có ai thiệt thì đó là lão Sô! Ha ha! Tuyệt!
Nghĩ thế rồi lão Đáy quay ra trả lời con:
-            Mày bảo tao thiệt gì ư? Thiệt hay không mặc mẹ tao! Cưới đi! Con lợn tạ đấy mổ ra mà làm cỗ!
   Xoay thông báo gấp tin này cho người yêu. Cô cậu thích quá ôm hôn nhau chùn chụt. Nhưng còn lão Sô, bố Lan? Lão này phản đối ghê gớm lắm, vì lão ghen. Lão vớ được cô vợ đẹp, đẩy thằng bạn nối khố ra rìa, lão phải ôm khư khư, quyết không cho có dịp nào “hai đứa” - tức vợ lão và bạn lão - được dịp nhìn nhau trò chuyện. Kinh nghiệm đời lão cho biết rằng đàn ông, đàn bà chẳng khác gì nam châm với sắt, hễ cự li gần là hút nhau luôn! Lão để ý lúc vợ lão ngồi đầu hè vén quần cao lên để quạt, cái khúc đùi trắng nõn của vợ lão như cục nam châm hút đôi mắt cú vọ của lão Đáy lấp ló bên kia giậu cúc tần. Những lúc ấy lão phải giả đò gọi vợ xuống bếp cầm hộ cái giỏ mới tuột vành lên để lão cạp lại. Vợ lão đứng lên, cái gấu quần tụt xuống mắt cá chân, đôi mắt cú vọ bên kia giậu cúc tần cũng biến mất. Còn bây giờ nếu con Lan mà lấy thằng Xoay thì ôi thôi, vợ lão có quyền sang nhà ông thông gia lắm chứ? Biết đâu thằng dê già ấy lại chả lôi người tình cũ vào buồng? “Chuyện ấy” chỉ nháy mắt là xong! Lão bảo con gái:
-            Con đẹp gái, con phải tìm một người chồng giàu! Sao lại chọn một thằng Phó Xoáy?
-            Bố cứ mặc con!
-            Nhưng ngày trước mẹ mày với bố thằng Xoáy có vấn đề, bây giờ mày lấy thế sao tiện?
-            Tiện tất đấy bố ạ!
Bà vợ ngồi đầu hè nghe thế liền hỏi chen vào:
-            Ông bảo tôi có vấn đề gì?
-            Là tôi nói thế. Hai nhà từ trước vốn ghét nhau, giờ con cái lại yêu nhau, liệu có được không?
-            Sao lại không được?
-            Thì tôi hỏi bà, bà lại cứ vặn tôi như là vặn ốc ấy là thế thế nào?
-            Vậy thì ông nên nghe tôi với con…
-            Nghe thế nào?
-            Chúng nó yêu nhau thì cứ để chúng nó lấy nhau!
-            Còn bà?
-            Tôi làm sao?
-            Ấy là tôi nói thế!
-            Thế là thế nào?
-            Cái lão Đáy vẫn còn lấp ló qua giậu cúc tần nhìn trộm bà đấy!
-            Đầu hai thứ tóc rồi mà ông vẫn còn nói điêu!
-            Đứa nào nói điêu đứa ấy chết sặc gạch!
-            Mà nếu có vậy cũng chẳng sao! Không lúc nào đàn bà nó nhìn trộm ông à?
-            Tôi không biết!
-            Tôi cũng không biết!
-            Nhưng tôi biết!
-            Ông biết thế nào?
-            Đáy vẫn nhìn trộm bà!
-            Khoá cửa, khoá hòm chứ làm sao khoá được mắt người ta! Chỉ nhìn trộm thì mất cái gì mà sợ?
-            Nó nhìn rồi nó say, nó say rồi nó bổ…
-            Bổ gì?
-            Bổ nhào!
-            Ông nói cứ như là trẻ em! Người ngoài nghe nó cười cho!
-            Cười hở mười cái răng!
Cô con gái đang tức mà nghe bố mẹ vặn vẹo nhau cũng buồn cười. Không biết rồi đây cô sẽ bị chồng vặn vẹo thế nào khi cô đã bảo rằng cô mất trinh và đã ngủ với ba gã đàn ông! Cô bỗng cười thầm. Người tình của cô bị cú trời giáng khi cô công bố điều ấy. Gã đau khổ đến tột cùng, cô cứ tưởng gã sẽ rủ vào mặt cô rồi quay đi, ai ngờ khi vượt qua cơn sốc gã vẫn nói “Anh vẫn yêu em!” Gã cao thượng hay là chấp nhận nỗi nhục? Không, không phải nhục vì gã là người đến sau. Nhưng sao cô tàn nhẫn đến thế? Hành động như vậy, cô nghĩ, một là mình sẽ chọn được một người chồng đứng đắn, đại lượng, hai là mình sẽ vất đi một gã nhỏ nhen, ích kỉ. Khi gã đã rất đau khổ để rồi nói được cái câu “Anh vẫn yêu em!” cô nghe mà người run lên vì cảm động. Một người con trai yêu mình đến thế, có thể chấp nhận cái điều tối kị nhất, khủng khiếp để yêu, người ấy có quyền được mình yêu lại. Từ đấy lòng cô nhúm lên tình yêu đối với gã. Nghe bố hoạnh mẹ những cái vớ vẩn, cô thấy buồn cười. Rõ ràng anh chàng Xoay cao thượng hơn bố mình – Cô nghĩ. Rồi cô lảng xuống bếp.
Mặc dù bà vợ vặn vẹo ông Sô trả lời vớ vẩn, nhưng đó là cõi lòng ông. Lâu nay ông tạo nên sự căng thẳng giữa hai nhà xóm giềng có chung giậu cúc tần cốt là để cái lão Đáy đừng có mò sang giả vờ xin tí lửa hút thuốc lào rồi cứ nhìn xoay xoáy vào cái chỗ không được nhìn trên người vợ ông. Kinh nghiệm cho ông biết trong chuyện đàn bà, đàn ông thì cẩn thận sẽ vô áy náy. Ở xóm dưới có gã đã làm đến chức đội trưởng sản xuất, có một cô vợ đẹp rất hay cười, bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra yêu chồng, chung thuỷ sắt son đến trọn đời mãn kiếp. Anh chồng rất hãnh diện về đức tính cao đẹp ấy của vợ, tin vợ như tin mặt trời buổi sớm mọc đằng đông, chiều lặn đằng tây. Thế rồi một lần họp tổ sản xuất, cô vợ bảo chồng là cô mệt ở nhà ôm con coi nhà. Anh chồng thấy hợp lí liền đồng ý ngay. Khoảng bảy giờ tối anh đến mời họp - chỉ cách nhà anh có hai nóc nhà, lúc bắt đầu họp anh mới sực nhớ ra mình để quên quyển sổ ghi chương trình họp ở nhà, liền vội vàng về nhà để lấy. Anh về nhà, nhà ngoài bố mẹ anh đang ngồi uống nước, các con đang học bài. Anh đẩy cửa buồng phía ngoài bước vào. Buồng tối om. Anh sờ soạng trên giường vợ xem vợ mình ốm nằm đâu để lần cái bật lửa vẫn để trong túi áo, ai ngờ sờ phải cái “của nợ” đang cương cứng của gã đàn ông đang nằm cùng giường với vợ mình. Hắn đang “làm việc” thay anh lúc đi họp, thấy động hắn vừa lật người xuống thì anh quờ phải, anh giật bắn người không hiểu là vật gì, tưởng cầm phải cái đầu con rắn hổ mang, nhưng đầu rắn gì mà lại cứng cứng đến thế? Anh hô lên. Nhà ngoài bố mẹ và các con cầm đèn chạy vào. Không ai còn tin ở mắt mình nữa, vợ hắn và gã đàn ông hàng xóm đang trần như nhộng!
Chuyện này đã dạy cho cánh mày râu một bài học tin bạn mất bò, tin bạn mất vợ nằm co một mình. Lão Sô nghĩ vậy. Rồi lão lại ôn lại bao nhiêu chuyện đùa như thật nữa: Nào vợ ông Sản ốm mời ông Độn sang tiêm lúc ông chồng không có nhà. Ông này bảo bà kia phải vén cao quần lên để tiêm vào chỗ háng non. Bà Sản tưởng thật vén quần cao đến mức để bẹn ra ngoài. Và lão Độn cứ thế mà sờ sà để “tìm chỗ tiêm”. Rồi thì không tiêm thuốc nữa, lão dùng luôn cái tiêm to bằng nửa cổ tay của mình để tiêm cho vợ ông hàng xóm. Ông chồng chợt về vớ được. Một cuộc đấm đá toé lửa đã diễn ra. Rồi một thầy lang làm nghề châm cứu, bất cứ là bệnh gì, hễ là đàn bà là thầy bảo phải cởi quần áo ra để thầy châm vào huyệt thì mới khỏi được, mà những huyệt quan trọng ấy đều nằm ở vú, ở bẹn, ở mu… Kết quả là những ai được thầy châm cứu vào huyệt thì sau đó đều bụng to cả. Rồi một ông trong ban quản trị đi thăm đồng để phát hiện sâu bệnh, sâu thì không nhìn thấy, lại nhìn luôn một bà đang vén quần cao tới háng ngồi dạng ra trên bờ vùng, thế là cao hứng ông đè luôn bà xã viên trên bờ vùng rồi viết phiếu ghi cho bà hai chục điểm để bà về sớm. Ông chồng phát hiện ra liền mài dao đến nhà ông quản trị “Xin anh hòn dái”!
Lão Sô tự cho mình không có võ nên không thể xẻo dái của ai được. Vậy phải phòng ngừa từ xa. Lão luôn luôn hẹn vợ rằng, thời nay đàn bà không được mặc váy, vì váy là dễ tốc lên lắm. Phải mặc quần, mà cũng không được mặc quần ống rộng vì dễ vén. Cạp quần không được dùng chun vì dễ kéo tụt xuống, phải dùng dây rút thật bền, khi ra đường phải thắt cho thật chặt, hễ gặp đàn ông là phải cầm cho chặt cái chỗ nút thắt để đề phòng mọi bất chắc. Mót đi giải phải về nhà mà đi cho an toàn, vì đã có nhiều trường hợp bạ chỗ nào cũng vén lên, liền bị những gã máu dê ở đằng sau luồn tay vào sờ, móc. Đặc biệt phải có mặt ở nhà trước khi trời tối. Những vị dê cụ thời nay đều lợi dụng bóng tối để làm chuyện bậy bạ. Biết bao vụ hiếp dâm, thông dâm đều diễn ra vào ban đêm. Không được đi xem phim ở bãi, khi ngồi bị luồn tay vào bẹo đến đỏ lên, khi đứng bị xiên từ sau ra trước. Khi đi họp không được ngồi cạnh cán bộ đàn ông, bọn này no ăn rồi dửng mỡ, chúa là hay luồn tay qua váy đàn bà lúc ngồi để hở. Bà vợ nghe chồng dặn dò cặn kẽ như vậy không nín được phát phì cười liền bị phê luôn là nhiều gã đàn ông có máu dê chỉ nhè các vị đàn bà hay cười mà tấn công! Cái “súng đại bác” của nó lúc nào cũng ngẩng cao đầu có nạp đạn sẵn, hễ thấy bà cười là nó “đốp” luôn!
-            Thế thì phải ngậm miệng suốt ngày hả ông? – Bà vợ hỏi lại.
-            Ấy chết! Ngậm miệng không nói là nó tưởng đồng ý ngầm!
-            Thế thì làm thế nào? – Bà vợ hoang mang.
-            Tất nhiên là “kính nhi viễn chi”! Bà phải lánh xa cái “súng lục” của nó để nó có bóp cò thì đạn cũng không tới. Như thằng Đáy ấy, ngày nào nó cũng ngất ngó bên kia giậu cúc tần, súng chĩa sẵn sang đây. Nếu bà đi giải mà bà ngồi sát vào giậu cúc tần thưa có kẽ hở, bên kia nó cũng đưa súng ra áp sát là thành bom nổ ngay đấy bà hiểu không?
-            Tôi chả hiểu gì sất!
-            Thế thì bà giết tôi rồi!
-            Tôi giết ông thì tôi ở với ai?
-            Bà sẽ dọn sang ở với lão láng giềng ngay đêm đầu tiên khi tôi chết!
-            Ông chỉ được cái độc mồm!
Tuy vậy, bà vợ lão Sô không ghét chồng, mà bà còn rất yêu chồng là đằng khác. Trời gán cho lão ấy cái tính hay ghen thì đến vỡ bụng vì cười. Thế nhưng ngoài cái tính phải gió ấy ra, lão hoàn toàn là con người tốt. Lão yêu vợ thương con thật lòng. Lão lao động suốt ngày hùng hục như trâu. Lão không rượu chè cờ bạc, trai gái. Lão thương người và hay giúp những người cùng khổ.
     Về tính hay ghen, nhân loại đã bàn nhiều. Sự tai hại nhiều khi đưa đến đổ vỡ hạnh phúc. Nhưng về một phương diện nào đó, hoàn cảnh nào đó, một cặp vợ chồng cụ thể nào đó, không phải nó không có mặt tích cực. Có thể nói xã hội loài người, từ khi tâm lý con người hình thành tính tư hữu là đã có ngay tính ghen. Chính cái tính ghen ấy là nhân tố thúc đẩy con người phá vỡ sự chung chạ trong giao hợp, hình thành từng cặp đực cái để tiến tới lập gia đình – nhân tố cực kì quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Có thể nói, không có gia đình thì không có xã hội, văn minh. Gia đình là nền tảng, là nguồn gốc của mọi giá trị. Trong mỗi gia đình, từng thành viên gắn bó, yêu thương nhau, là của riêng của nhau. Con cái là của riêng bố mẹ. Vợ chồng là của riêng của nhau. Nó giống như một phần xương máu của mỗi con người sẻ ra, bù đắp. Những người hay ghen nhất cho biếy rằng ghen chính là cái đau cộng cái sướng, cái tưng tức bừng bực hoà trong một tâm trạng hỗn độn có gì như khoái chí, như hả hê. Và vì vậy mà có không ít những người nghiện ghen. Thường là sau cơn ghen cặp vợ chồng lại vồ vập ôm ấp, chiều chuộng nhau gấp mấy lần và đưa đến cho nhau những khoái cảm mà không có ghen thì không có được. Có ông chồng đã nói rất thành thật rằng ngày nào cũng có nhu cầu được ghen, tìm được cái cớ gì đó để ghen, để chất vấn bà vợ vốn thật thà nhưng nhẹ dạ và hớ hênh là khoái lắm. Ông ta nhấm nháp từng tí một cái cớ sắp được đưa ra chất vấn, dồn vợ đến tắc tị, tình ngay lý gian, biết cãi thế nào. Để cho vợ mặt mày đỏ lên, ông chồng liền quát:
-            Nó đã làm gì được cô chưa?
-            Chưa!
-            Thật không?
-            Thật!
-            Đưa tao khám…
Nói xong ông nhào đến đè vợ ra luồn tay vào “khám”. Lúc đầu là do ghen tức mà ông day ông bóp. Bà vợ tức nên hất tay chồng ra rủa: “Rõ dơ cái mặt!” Ông chồng càng tức, quyết “khám” bằng được, liền mở cuộc đại tấn công bằng sức mạnh cơ bắp, tất nhiên rồi, ngứa ghẻ đòn ghen, ông đè bằng được rồi vạch áo kéo quần vợ để “khám”. Lúc đầu chỉ là bàn tay phải với đội quân năm ngón, sau vì vợ chống cự mạnh nên ông ập cả người xuống, đè dí bà vợ dưới sức mạnh đòn ghen của mình. Do va chạm chà xiết mạnh giữa hai cực âm dương mà tạo ra tiếng sét vô cùng mạnh. Cơn ghen cao độ biến thành cơn khát tình cao độ. Người vợ coi đấy như sự bù đắp, sự làm lành, là biện pháp hoà giải nên chiều hết ý, hưng phấn cũng cao lên tột đỉnh. Chộp choạp nhau rất lâu như ngày mới cưới. Xong cuộc rồi vẫn ôm nhau xoa xoa nắn nắn, thơm chỗ nọ véo chỗ kia. Không có cơn ghen thì không bao giờ tạo được điều kỳ diệu như thế. Cho nên thật sự đã có nhiều ông chồng nghiện ghen, chỉ có ghen họ mới muốn gần vợ, mới tạo được cảm giác ham muốn. Không ghen lòng họ lạnh, tình họ nguội.
Lão Sô là một trong những đấng mày râu như thế. Lão không có cái ghen trí thức, làm tình trí thức. Lão sống tuêch toạc nghĩ thế nào, nói như thế. Từ ngày lấy vợ, trừ ba ngày mỗi tháng phải kiêng, còn thì đêm nào lão cũng chồm hỗm đè trên bụng vợ. Lão cũng rất biết cách làm thế nào cho vợ cũng hứng như mình. Ấy là do hồi chưa vợ lão vẫn ngồi nghe lỏm các vị có vợ bàn tán, dạy nhau. Nào là âm chậm, dương nhanh, đàn ông vài giây đã cứng, đàn bà lại như dây cháy chậm. Nhiều gã đàn ông dùi đục chấm mắm cáy, vớ được vợ là như quạ vào chuồng lợn, làm hùng hục, hối hả như trống ngũ liên lúc đê vỡ, nháy mắt là xuất tinh, mà đã xuất tinh rồi thì gã đàn ông chẳng khác gì con gà rù, cái vật gây giống ấy của gã đang cương cứng bỗng nhũn nhẽo như cái dọc khoai nước hơ lửa, và chỉ còn bé một tẹo, gã nằm vật ra chiếu rồi gáy váng nhà chẳng biết trời đất là gì nữa. Đúng lúc ấy vợ gã mới thấy thích, mới bắt đầu sự đòi hỏi, mới cần gã, mới ham gã, mới thấy cơn khát tình cháy bỏng… Thế là suốt hôm sau gã bị vợ lườm nguýt, có khi hờn dỗi bỏ cơm. Cho nên những gã chồng sành phải thuộc lòng ba giai đoạn: cầm cự - quấy rối - rồi tổng phản công! Thoạt kỳ cứ hãy sờ sà, hôn hít, vừa móc vừa xoa, cấu chỗ nọ bẹo chỗ kia, có thể cả bú chùn chụt nữa. Cô vợ có thể cốc vào trán chồng, hất tay chồng ra rồi vả bem bép vào cái mồm đầy râu ria đang ngậm vú. Mặc kệ cô ta! Cô ta làm thế là cô ta đang thích đấy. Tâm lý đàn bà con gái hễ cứ đánh là yêu, lườm nguýt là muốn, ẩy ra là đang thích ghì vào. Cứ để ý mà xem, lúc nào cô vợ bảo “Em ghét anh lắm - ấy là lúc cô đang yêu, đang muốn được yêu, anh chồng “yêu” luôn là trúng ý! Giai đoạn cầm cự là chà sát, nắn bóp, hôn mút kéo dài khoảng nửa giờ cho tới một giờ, khi nào thấy cô vợ cứ lịm đi, người cứ thuỗn ra, đặt tay đặt môi vào đâu cũng thấy nóng lên thì chuyển sang giai đoạn quấy rối. Quấy rối là đã vào trận đánh, nhưng đánh đấm kiểu thò vào rút ra để kéo dài thời gian để tạo cảm hứng cao trào tiến tới tổng phản công thật mãnh liệt. Giai đoạn quấy rối tuỳ ý, có thể nửa tiếng, cũng có thể kéo dài suốt đêm. Cuối giai đoạn quấy rối đã là sự âm dương kết hợp hài hoà. Khi chuyển sang tổng phản công thì cả hai đều chết…lịm!
Từ thời chưa vợ, lão Sô đã học lỏm được vô khối điều như vậy. Rồi lấy vợ, lại vớ luôn được cô vợ xinh gái và đa tình nên lão ôm ấp kĩ lưỡng lắm và cũng quản lý cực kì chặt chẽ, đặc biệt với ông bạn nối khố láng giềng. Giờ đây con gái lão đặt lão vào tình huống cực kì khó xử. Lão không muốn vứt bỏ thói quen của mình, cá tính của mình. Nhưng mặt khác, lão lại là người thương con chiều vợ, nên cuối cùng dù không muốn thì lão cũng phải gật đầu. Lão bảo vợ:
-            Bà đã thoả lòng chưa nào? Nhưng tôi cấm bà nói chuyện riêng với thằng Đáy!
-            Trời ơi! – Bà vợ kêu lên – đã có con rể mà ông còn gọi người ta bằng thằng à?
-            Ấy là tôi gọi kiểu ngày xưa rủ nhau chơi khăng chơi đáo…
-            Ông vẫn nhớ đến tình bạn thì việc gì ông phải lo?
-            Trời ơi! “Tin bợm mất bò, tin bạn mất vợ nằm co một mình!” Con Lan nó yêu thằng Xoay thôi đành. Nhưng tôi cấm bà hát cái câu “tình trước nghĩa sau, có con ta gả cho nhau thiệt gì”! Câu ấy là kim châm vào tim tôi đó!
-            Có gì đâu mà ông bảo kim châm vào tim ông?
-            Thôi thôi thôi! Ngày trước lão Đáy dập dình yêu bà, mà hình như ngày ấy bà mê cả hai, mắt phải bà liếc tôi, mắt trái bà liếc lão Đáy! Tôi mới vội kéo thật nhanh bà về phía tôi, để lão ta ngơ ngẩn đến giờ. Rồi lão lại vội vàng lấy phải cô vợ đã chửa sẵn nên tức tím ruột. Vì thế mà suốt mấy chục năm lão nhìn vợ tôi một cách thòm thèm. Tôi đoán trong thâm tâm là lão muốn sờ cái háng non của cô Hạ một lần để rồi có nhắm mắt cũng sướng, vì vậy mà tôi phải hết sức đề cao cảnh giác!
Bà vợ đỏ mặt:
-            Gớm, ông ăn nói mới phát khiếp!
-            Tôi không biết nói văn hoa, nghĩ thế nào, nói thế vậy. Tôi sẽ bảo với lão Đáy rằng Xoay nhà anh lấy con Lan nhà tôi thế là tôi với anh trước là nối khố, sau là thông gia, phải sống cho có phép, đừng có thập thò bên giậu cúc tần mà nhìn trộm đùi non vợ tớ nữa. Khi thảo luận các nghi lễ cưới xin, mắt cậu chỉ được nhìn vào các mâm lễ vật, tuyệt đối không được nhìn bà thông gia, tức vợ tớ! Nhớ rằng tớ lúc nào cũng thủ sẵn quả tống nóng…
Nghe chồng nói, bà Hạ rũ ra cười:
-            Thông gia thông rể mà lại dùng quả tống nóng hở ông?
Lão Sô không nói gì. Lão mồi thuốc vào miệng điếu rồi xoè diêm rít một hơi rõ dài. Sau đó vác cày don trâu ra đồng.
Hai tháng sau đám cưới Lan và Xoay được tổ chức. Thế là Phó Xoáy được vợ. Năm ấy chàng vừa mới tròn hai mươi, cô vợ mười tám. Đêm tân hôn đầy bất ngờ. Bố mẹ cho đôi vợ chồng mới gian buồng. Trong gian buồng xung quanh là tường đất, vách đất, chỉ có một cái cửa sổ nhỏ chấn song bằng hóp. Một cái giường xoan, một đôi chiếc trơn, một cái chăn chiên, một cái màn mộc. Vào những năm ấy, thế cũng tốt lắm rồi, Xoay chẳng có gì than vãn về mặt tiện nghi, vật chất. Nhưng sao nét mặt chú rể ngày cưới mà có vẻ buồn, nỗi buồn có vẻ sâu thẳm khó cắt nghĩa. Càng đến tối thì càng buồn. Cho đến đêm lúc đôi vợ chồng trẻ sắp vào buồng ngủ thì nỗi buồn càng thể hiện ra rất rõ. Thường tình thì chú rể vào buồng trước, cô dâu dọn dẹp vờ vịt rồi vào sau, thậm chí là còn để bố mẹ chồng giục đôi lần mới chịu vào. Nhưng ở cặp này thì Lan lại là người vào buồng nằm nghỉ trước, có lẽ vì quá mệt sau những ngày làm việc vất vả, căng thẳng. Xoay cứ nấn ná ở nhà ngoài, ngồi hút hết bao thuốc lá. Mãi quá nửa đêm chàng mới chịu vào buồng. Cứ tưởng rằng Xoay sẽ vồ lấy vợ mà hưởng cái giây phút sung sướng tột đỉnh mà đời người chỉ được hưởng một lần duy nhất. Ai ngờ chàng cởi quần áo ngoài rồi nằm thừ ra giường thở dài. Lan ngượng ngùng xấu hổ như bao cô dâu ở thôn quê đêm đầu tiên về nhà chồng, nằm ngửa nhưng khép kín hai đùi.
Lời thú nhận của Lan hôm nào cứ rành rọt âm vang trong tai Xoay, như một cơn ác mộng. Nó nhè đúng cái đêm tân hôn này mà hiện về để hành hạ để xé nát trái tim đang thổn thức yêu. Là đàn ông ai có nuốt trôi nhanh được cơn ghen tai ác này không? Lan nằm kia, đẹp và quyến rũ vô cùng, là niềm ao ước của Xoay bấy lâu nay. Xoay đã phải dốc hết lực, đã liều lĩnh đủ điều, quyết tâm đạt bằng được người mình yêu. Giờ đây, khi người yêu đã ở trong tầm tay thì bỗng nhiên Xoay cảm thấy có một cái gì nghèn nghẹn khó nuốt trôi. Câu nói hôm nào của Lan lại lởn vởn bay về, day dứt ngay đêm tân hôn. Mọi cảm hứng bỗng nhiên nguội lạnh. Những khát thèm bao ngày dồn nén tưởng như giờ đây phải bật nắp tung ra thì cái nắp ấy vẫn im ỉm đậy. Rồi một lúc Xoay nhìn vợ đang nằm chờ với một cảm giác ớn lạnh sống lưng. Rõ ràng một nửa muốn vồ ngay lấy mà ôm ấp, mà vỗ về, mà ghì siết, mà hưởng cái giây phút thiêng liêng nhất của cuộc đời. Mặt khác có cái gì như muốn giữ lại, muốn can ngăn. Có hai con mắt thì một con nhìn vợ xinh đẹp nõn nà trong trắng đầy sức cám dỗ, gọi mời những khát thèm, còn con mắt kia lại thấy xấu xa, tởm lợm. Người con gái nằm ngửa hai chân khép lại đây là báu vật hay chỉ là đồ phế thải? Là cái ta ước mơ mong đợi hay là cái ta phải vất luôn đi?
-            Anh sao thế? – Cô vợ trẻ nhìn nét mặt có vẻ rất buồn của chồng, hỏi.
-            Anh váng đầu! - Chồng cô trả lời gượng gạo.
-            Anh nằm xuống đi em xem nào!
Người chồng nằm xuống, cô vợ quay nghiêng đặt tay lên trán chồng.
-            Đầu anh vẫn mát. Trong người anh thấy thế nào?
-            Anh thấy buồn!
-            Anh không nói dối chứ?
-            Nói dối để làm gì?
-            Thế sao lại buồn vào cái lúc vui nhất?
-            Em còn gì dành để cho anh mà bảo anh vui?
Cô vợ bỗng cười rú lên, rồi giơ tay vít đầu chồng vào ngực mình.
-            Thì cứ hưởng đi nào, xem em có còn gì để dành cho chồng không?
Phó Xoáy chỉ giỏi xoáy, còn chuyện làm tình thì gã vô cùng dốt. Gã chẳng biết bắt đầu từ đâu, từ chỗ nào. Vợ gã cũng chỉ nói được vài câu thế rồi xấu hổ cứ nằm yên. Cái khoản này chưa có ở đâu mở trường để dạy. Bố mẹ cũng chẳng dạy con. Anh em cũng chẳng dạy nhau. Những lão đàn ông có vợ lại hay ta đây đã biết rồi riếc những thằng chưa vợ là đồ “Đầu trở xuống, cuống… trở… lên… nó thế nào mày cũng cóc biết!” Nào là “cái ấy… nó có răng đấy, lơ mơ là nó cắn đứt cái gây giống của mày…” làm cho nhiều trai tơ hoảng loạn. Xoay là một trong những thằng được bổ vào đội quân ngốc ngếch ấy. Gã cứ để cô vợ khép kín hai đùi mà “làm”. Mồ hôi mồ kê vã ra như tắm mà chẳng đâu vào đâu cả, xiên chỗ nọ chệch chỗ kia, vật vã nhọc nhằn như cày ải, cả hai đều kêu đau như sắp chết đến nơi. Xoay vừa thở vừa nhìn xuống chỗ dưới bụng vợ và kêu lên hốt hoảng:
-            Máu! Có nhiều máu quá… Gay quá rồi, có phải đưa em đi bệnh viện không?
Cô vợ trẻ của gã lấy ngón tay trỏ ấn vào trán gã:
-            Ngốc ơi là ngốc! Phần thưởng quý nhất đời em dành để tặng anh đấy! Nào cười đi, đừng mang bộ mặt đưa đám nữa!
Gã ật người ra và bỗng lờ mờ nhận ra… hình như máu ấy người ta gọi là máu trinh? Gã lắp bắp hỏi vợ:
-            Máu trinh phải không em?
-            Thì còn gì nữa, đồ ngốc ạ…
-            Thế sao hồi nọ em bảo…
-            Em bịa ra để thử anh. Nếu anh vì thế mà lắc đầu thì ta chia tay, em hơi đâu đi lấy một lão chồng hâm dở? Cũng may anh bảo “vẫn yêu”, thế là anh được em…
-            Trời ơi! – Gã kêu lên một tiếng sung sướng tưởng phát điên.
Gã ôm ghì lấy vợ rồi dụi gương mặt đầm đìa nước mắt vào ngực vợ.
Sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy gã đã dẫn vợ đến góc buồng, chỉ vào cái hòm nhỏ để trên cái ghế đẩu rồi nói:
-            Anh gửi lại em…
-            Cái gì thế? – Cô vợ hỏi lại.
-            Những đồ tư trang anh thó của em hồi nọ! – Gã trả lời rồi đưa cho vợ cái chìa khoá.
Cô vợ mở hòm ra nhìn thấy tất cả những gì mình bị mất suốt mấy năm đều nằm gọn trong đó,  liền ôm chầm lấy gã:
-            Anh thế mà hay thật đấy!
Gã gật đầu:
-            Không giở món võ xoáy thì làm sao mà cuỗm được em?
-            Thế còn đồ của các anh kia?
-            Các anh nào?
-            Mấy anh đến tán em bị anh cho khuynh gia bại sản ấy!
-            À tiêu rồi! Thành rượu để giải sầu cả rồi! Đó là đòn trừng phạt của anh, là cái giá mấy thằng ấy phải trả!
-            Thế của em sao anh không tiêu đi cho nó thành rượu?
-            Đêm đêm anh hôn hít bộ quần áo của em cả mùi mồ hôi và mùi khai anh đều hít tất! Thế thì em bảo anh biến nó thành rượu thế nào được?
-            Trời ơi! – Cô vợ trẻ kêu lên- rồi cười rũ rượi – Hôm ấy em đi phố về thay ra chưa kịp giặt thì bị anh xoáy mất! Cô đấm vào vai chồng hỏi nhỏ: Có thơm như múi mít không?
Anh chồng gật đầu:
-            Còn hơn cả mít na nữa!
Sự tích Phó Xoáy lấy vợ là như thế. Câu chuyện lan đi, làng Trọng Nghĩa cứ bò ra mà cười. Cuộc đời này không có những chuyện như thế, tuổi thọ sẽ giảm đi chỉ còn một nửa!
                      (Còn tiếp)
                 Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét