Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 14 - 15)



Đã đăng:

Chương 14
Thiên tình sử của Phó Cuội ngày ấy rất dài, và cũng là cả một kì tích góp phần đưa Lê Bánh Cuốn trở thành Phó Cuội. Sau khi kể đi kể lại với cô hàng bánh cuốn làng rằng mình nhiều lần lên tận cung trăng gặp Cuội, vì “ngài Cuội” phán rằng chỉ cô gái tên là Hương bán bánh cuốn ở cuối làng Trọng Nghĩa là tuyệt vời. Ngài còn nói thêm rằng ai làm bánh cuốn giỏi thì người ấy là cô gái đẹp nhất. Cô hàng bánh cuốn nghe cứ tròn xoe đôi mắt. Rồi cô nói:
-            Vậy thì anh Cuốn ơi, anh giúp em đi! Mà làm sao anh lại có cái tên là Lê Văn Cuốn? Hay là….

-            Họ anh là Lê Văn, tên anh là Cuốn, ấy là trời sui bố mẹ anh đặt cho anh cái tên ấy, ngụ ý rằng sau này thế nào cũng yêu một cô nàng bán bánh cuốn….
-            Gớm thôi đi! Bạn thân với Cuội có khác. Mà anh có giúp em không? Liệu anh có làm được cái việc mà em nhờ không?
-            Việc gì mà anh chả làm được? Anh lên trời chơi như đi chợ thì ở hạ giới này việc gì anh không làm được!
-            Thế nhé, hứa rồi đấy nhé. Mỗi ngày hai chục con cà cuống cay đưa đến cho em….
-            Có hai chục con thôi à? Hai trăm con anh đây cũng chỉ vẩy tay là xong!
     Nói khuếch khoác thì dễ, có thực hiện những lời khuếch khoác mới thật là gay go. Vào thời ấy cà cuống cay còn chưa bị tuyệt chủng, ở sông ngòi, và nhất là ở những cánh đồng chiêm sau vụ gặt nước nổi lên mênh mông, lẩn trong những cụm rong đuôi lươn, đuôi chó, những búi rễ bèo Nhật Bản, từng đôi cà cuống nhởn nhơ bơi lượn cùng các loài tôm tép, bọ rạ, cà liễng… Những chú cà cuống to và dài đến bằng hai ngón tay màu hung hung có bốn chân như bốn cái gọng vó, lại có cả đôi cánh có thể bay vè vè trên không, bắt được loại này cũng không phải dễ, mà phải bắt được con cái mới cay, mới thơm. Từ nói khoác đến việc làm thực sự có một khoảng cách quá xa. Buổi đầu tiên xoay trần đi tìm ròng rã suốt mấy tiếng đồng hồ, chàng Cuốn cũng chỉ bắt được có năm con. Buổi sáng cậu ta đút túi quần rồi lững thững đi ra hàng. Nhìn từ xa, cô nàng bánh cuốn đã cười rồi đi tìm cái giỏ to để đựng. Khi anh chàng đến gần, nàng hồ hởi:
-            Nhiều chứ anh? Vài trăm con chứ anh?
Lê Văn Cuốn gật đầu:
-            Anh bắt được có tới ba trăm con toàn là cà cuống cay, anh nhốt đầy một thùng gánh nước, thế mà qua một đem chỉ còn có năm con! Này Hương dùng tạm, mai anh sẽ bù…..
Nói xong Cuốn móc túi quần lấy ra năm con cà cuống đã vặt trụi chân tay đặt vào cái đĩa để trên mặt bàn bán hàng. Cô hàng bánh cuốn cầm xem và kêu lên:
-            Hỏng rồi! Toàn là cà cuống đực không cay….
-            Thế sao hôm qua anh ngửi thấy cay?.....
Cô hàng bánh cuốn mỉm cười:
-            Anh ngửi thật à? Cái ngòi nó không châm sưng mũi anh lên à? Xưa nay có ai dám đưa cà cuống sống lên mũi mà ngửi đâu?
-            Mũi tôi ấy à? Bao nhiêu rắn hổ mang bành cắn vào mà có việc gì đâu?
Cô hàng bánh cuốn cười như nắc nẻ:
-            Anh giỏi thế cho nên anh bắt được toàn cà cuống hôi…. Rồi cô nguýt: Nếu anh không bắt đủ cho em hai chục con cà cuống cay thì từ mai em không mượn anh nữa đâu, sẽ có chàng thay anh bắt bốn chục con!
Đêm ấy Lê Văn Cuốn thao thức suốt đêm. Thật lòng thì cậu chàng mê cô nàng bánh cuốn lắm rồi. Việc khuếch khoác nhăng cuội vô tội vạ là ở chỗ khác, còn như với người yêu, rất có thể sai một ly đi một dặm. Nhưng làm thế nào mà mỗi ngày bắt được tới mấy chục con cà cuống cay? Suốt đêm không ngủ mới thấy thấm thía cái giá khuếch khoác của mình. Rồi từ hôm sau cứ sau một ngày lao động theo công điểm, chiều và tối cho tới khuya, chàng Cuốn vác cái cào lội khắp cánh đồng chiêm trũng nước ngang bụng đầy những rong rêu, đi truy lùng họ hàng nhà cà cuống, chỉ khi nào bắt được ba mươi con cà cuống cay trở lên mới chịu vác cào về, rồi sáng sớm hôm sau đem ra nộp cho cô nàng bánh cuốn. Ròng rã như thế hàng năm trời, mọi chuyện tưởng ăn chắc đến nơi. Ai ngờ vào một ngày kia, cũng vào một buổi sáng có một gã thanh niên trắng trẻo, diện quần ka ki, áo Pơ-pô-lin, dép nhựa trắng Tiền Phong, đầu chải Bisatin bóng loáng, đạp cái xe Pơ-giô mới choáng đến quán bánh cuốn. Chàng ta ăn thì ít mà ngắm cô bán bánh cuốn thì nhiều. Rồi khi đứng lên thì trả tiền không cần đếm. Rồi từ đấy, gần như sáng nào chàng cũng đến ăn. Tất nhiên là chạm trán anh chàng Lê Văn Cuốn! Hai chàng ở hai đầu bàn với hai đĩa bánh đầy đặn như nhau, cô bán hàng ngồi giữa lùi về phía trong. Cô ban phát nụ cười duyên dáng của cô cho cả hai chàng, gần như với tỉ số cân bằng tuyệt đối. Cà cuống cay cô cũng cắt miếng đúng bằng nhau, chả cũng vậy. Nghĩa là vào thời điểm này hai chàng ngang sức, chưa có ai vượt trội. Chàng Lê Văn Cuốn lâu nay cô có cảm tình bởi cái tính khuếch khoác vô tư, những câu chuyện bịa bốc trời nghe vui như Tiếu lâm, làm cô cười đến đau cả bụng, rồi thì ngày nào chàng cũng lặn ngụp ở các cánh đồng, bờ sông bờ ngòi để bắt được tới ba chục con cà cuống cay đưa về tặng cô để cô làm hàng. Chàng không đẹp trai nhưng cũng không xấu, miệng chàng rộng để chàng tha hồ nói cuội rất có duyên, mũi chàng to, hai cánh mũi cứ phập phồng khi bốc khoác. Tất cả những cái ấy cô không thấy ghét vì chàng khuếch khoác rất hồn nhiên vô tư. Người mới đến tên là Hoàng Thi, nhà giáo, nhà ở trên thành phố Nam Định. Người chàng cao gầy, nước da trắng xanh. Chàng không thích lấy vợ phố phường mà thích một cô thôn dã, hồn nhiên chung thủy. Ấy là nghe chàng nói vậy với những người ăn hàng. Sáng nào chàng cũng đạp xe Pơ-giô từ thành phố về (cách 3km). Chàng ngồi ăn nhỏ nhẹ như nhấm nháp từng sợi bánh. Và không bao giờ chàng ăn hết một nửa đĩa bánh. Lúc trả tiền, chàng móc phứa một tờ bạc nào đó và không bao giờ chịu lấy tiền thừa trả lại, nói rằng đó là thói quen chưa sửa được, tiền thừa cứ  để đấy rồi sau này chàng lấy một thể, nhưng rồi chẳng bao giờ chàng hỏi đến. Chàng đến đây vô tư như đi vào cõi mộng. Một lần, đang ngồi ăn bánh, chàng thấy một thanh niên trong làng đi đến, tay xách một cái giỏ trao cho cô chủ hàng xinh đẹp. Lúc người ấy về, chàng hỏi: “Ai đấy” Cô chủ quán mỉm cười: “Người đưa cà cuống cho em” “Chạy vật tư hả?” ‘Vâng!” “Bao nhiêu một mớ cà cuống ấy?” “Em không biết!” “Thôi cứ để ngày mai anh ra chợ mua về cho”. Rồi chả cần cô hàng bánh cuốn có đồng ý hay không, từ sáng hôm sau Thi ra chợ phố lùng mua bằng hết những con cà cuống bày bán ở chợ đem về cho cô hàng bánh cuốn, mà toàn là cà cuống loại đặc biệt. Lê Văn Cuốn ngạc nhiên hỏi:
-            Cà cuống ở đâu ra thế?
Nàng Hương mỉm cười:
-            Có người tặng!
-            Ai?
-            Anh xem toàn cà cuống cay đấy, mà những năm chục con. Đã hơn hẳn anh Lê Văn Cuốn, tức Cuội chưa nào? Anh thì chỉ nói bốc là giỏi thôi!
Lê Văn Cuốn im lặng ra về. Hôm sau Cuốn mua hẳn một cái cào to và cứ vào giờ nghỉ là vác cào ra mé sông mé ngòi để truy kích họ hàng cà cuống. Dù có cố gắng hết sức cũng chỉ được độ ba chục con mỗi ngày là cùng. Trong khi có kẻ nào đấy không biết hắn phù phép thế nào mà ngày nào cũng có đủ năm chục con đều là loại tuyệt hảo. Bàn thua đã rõ. Thế mới biết nói bốc thì dễ, mà làm mới thật là khó. Có thể mất cô nàng bánh cuốn chỉ vì mấy con cà cuống! Rồi Văn Cuốn gặp Văn Xoay - sau này là Phó Xoáy. Văn Xoay hỏi:
-            Sao mày buồn thế? Thất tình à? Nói đi, tao giúp cho.
-            Mày giúp được gì?
-            Bất cứ việc gì tao cũng có thể giúp được.
-            Lại rượu vào rồi nói bốc hả?
-            Cứ khai đi, tao giúp!
Văn Cuốn liền kể cho bạn nghe tình huống nguy cấp của mình rồi nói thêm:
-            Nếu thằng cha kia cứ có đều mỗi ngày năm mươi con mà tao chỉ có ba mươi thì có nghĩa là tao bị đo ván!
-            Thế thằng cha ấy ở đâu?
-            Làm gì?
-            Gõ đầu trẻ! Tên là Hoàng Thi.
-            Thế thì làm sao nó lại bắt cà cuống giỏi vậy?
-            Nó mua! Nó tung tiền ra mua tất cả số cà cuống ở chợ rồi sáng nào cũng đem về.
-            Thế thì mày thua rồi! Mạt kiếp mày cũng không thắng nổi nó!
-            Thế mày bảo tao phải làm gì bây giờ?
-            Làm gì ấy à? Kéo cờ hàng là thượng sách!
-            Mày nói ngu!
-            Thế mày sáng sao mày chịu bó tay?
-            Tao còn đang tính kế.
-            Tính được kế thì người yêu của mày đã là vợ nó rồi!
-            Vậy mày giúp tao đi! Bạn bè nhờ nhau lúc khó khăn…..
-            Để tao tính. Ngẫm nghĩ một lát rồi Văn Xoay hỏi:
-            Mày biết chỗ ở của thằng cha Thi ấy chứ?
-            Tao đã điều tra và đã rõ. Nó ở phố Trần Hưng Đạo!
Ngẫm nghĩ một lát Văn Xoay nói:
-            Thế này nhé, từ ngày mai mày tạm thời không đưa cà cuống đến nữa….
-            Sao? Tao bỏ cuộc à? Tao đang yêu, mày biết không?
-            Thì ai cấm mày? Nhưng muốn đoạt người yêu thì phải biết lùi rồi lại tiến!
-            Xin mày nói rõ….
-            Cứ nghe tao đi, trong vòng ba ngày mày không đưa cà cuống đến và cũng đừng đến nữa, ngày thứ tư mày đến tao cam đoan cô nàng sẽ vồ vập hết sức. Thế nhé, nhớ là sau này phải đãi tao một chầu bánh cuốn chả đấy!
Lại nói về nhân vật thứ ba, người mới đến quán hàng ngày mà ngày nào cũng có một gói đủ năm chục con cà cuống cay để làm quà cho cô chủ quán. Đó là một chàng trai đẹp mã và hào phóng. Ở phố, hàng quà bánh thiếu gì, vậy mà sáng nào chàng cũng đạp xe về nơi ngoại thành này ăn bánh cuốn, phần vì bánh cuốn tráng mỏng như tờ giấy cùng với hành phi và đặc biệt là cà cuống cay để cả con trong bát nước chấm, phần vì cô chủ quán ngon lành như thế. Chàng đọc nhiều tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, chàng ước mình giống như nhũng nhân vật trong các tiểu thuyết ấy. Một chàng hào hoa phong nhã con nhà giàu ở thành phố yêu cô thôn nữ, nơi có những nương dâu bãi mía, nơi có cánh đồng lúa xanh, những cánh cò và lũy tre làng, và lời ru ngọt ngào chào đón:
Anh về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ hay về thăm ai….
Một buổi sáng chàng đạp xe thư thả dọc phố Trần Hưng Đạo rồi đến bến đò. Con đò gỗ bồng bềnh qua sông Đào đỏ ngầu phù sa. Bên kia là bến Đò Quan, dưới Đò Chè một quãng và bên trên Đò Bái một quãng như thế.
Cô kia thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách có nghề ươm tơ…
Một buổi sáng hai lần đi về bằng đò vượt sông Đào. Con thuyền dập dềnh trên mặt sóng, người đi đò đôi lúc cũng nghiêng ngả say sóng. Đối với chàng, đó là một cảnh vừa lãng mạn vừa nên thơ, đầy sức cám dỗ. Chả trách gì cụ Tú Xương ngày trước, khi con sông Vị Hoàng đã bị lấp rồi mà đêm đêm nằm nghe tiếng ếch kêu vẫn tưởng là có tiếng ai gọi đò. Rồi thi sĩ Nguyễn Bính, chiều nào mà chả ra bến đò, rồi mặc dù không có việc gì vẫn xuống đò để được cái thú dập dềnh trên sóng và mơ:
Tưng bừng vua mở khoa thi
Anh đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.
Chàng Thi bây giờ cứ ngày hai lần ngồi đò ngang thế này lòng cũng đầy mộng mơ. Lên bến Đò Quan, chàng thong thả đạp chiếc Pơ-giô vượt qua dốc đê rồi băng xuống mặt con đường 21 nằm giữa một vùng lúa và dâu tằm xanh mướt. Một thoáng chàng rẽ vào đường làng. Từ ngôi chùa cổ kính đầu làng với hai cây đa cổ thụ to đến bằng mấy quầng tay ôm, chằng chịt những rễ từ những cành cao lòng thòng xuống mặt đất, cành lá vươn xa tỏa bóng râm mát cả một vùng. Dựa xe vào gốc đa, chàng ngồi xuống một cái rễ chồi lên to bằng bặn, như một cái ghế. Ngồi dưới gốc đa, chàng phóng tầm mắt để nhìn cả cánh đồng lúa đang vào kì con gái với màu xanh nõn nà và từng đàn cò nghiêng cánh trên đồng. Đó là những câu thơ mà hẳn là từ đây nhảy vào trang sách “Con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. Rồi chàng đến giếng chùa. Lần đầu tiên chàng nhìn thấy một cái giếng chùa không phải là trong sách. Người ta đồn là nước giếng chùa vừa trong vừa mát, uống nước giếng ấy là người sẽ thanh tịnh. Những người khó tính nhất về ẩm thực, ngày ngày vào lúc ánh trời vừa rạng, giọt sương đêm còn đậu trên ngọn cỏ, đã đưa cái hũ sành ra giếng  lấy những hạt nước nổi trên mặt giếng đưa về cất pha trà đãi khách quý. Những cái giếng chùa còn phải là giếng tình nữa chứ:
Giếng khơi trong trẻo bao đời
Là nơi hò hẹn là nơi thắm tình
Quanh bờ giếng mát cười xinh
Để lòng ai nhớ để hình ai theo…
Và đây là sân chùa. Một mảnh sân vuông vắn lát gạch chỗ rêu phong, chỗ nhẵn bóng, xung quanh là tường hoa, hoa mẫu đơn đỏ, hoa hải đường và hoa đại vàng thơm mùi của Phật. Vậy mà chàng vẫn thấy có thơ tình:
Sân chùa rộn rã trống chèo
Làng mình vào hội trăng treo ngọn đề
Rủ nhau lúc đến lúc về
Ngủ rồi tiếng trống lời thề thức canh….
Từ chùa đầu làng, chàng đạp xe thong thả theo con đường cát mịn dọc bờ sông. Con sông thật đẹp, thật trong, bên kia là đồng lúa, bên này là làng xóm, những mái nhà tranh nhỏ nhắn như thiu thiu ngủ trong sương sớm dưới những hàng cau cao vút, có buồng cau non hẹn mùa cưới của những lứa đôi, và dưới những gốc cau là những chum nước mưa trong vắt, thứ nước lọc hảo hạng nhất trên đời này và đây là những cây tre thân dài óng ả, tóc xõa ra rủ xuống soi bóng dưới dòng sông trong vắt, những cái võng bện bằng đay nối hai đầu võng từ cây này sang cây kia rồi lời ru muôn thuở ngọt ngào từ đây bay ra. Chàng sinh ra và lớn lên ở thành phố, chẳng bao giờ chàng được nghe lời mẹ ru dưới bóng tre, chỉ khi về đây chàng mới được uống những cốc sữa ngọt ngào ấy. Cho đến khi những vòng quay cuối cùng của bánh xe dừng lại để nó chạm nhẹ vào một quán nhỏ cũng nằm sát mé đường bên dòng sông, chàng mới như bừng tỉnh. Lòng chàng đã đầy ắp thi vị đồng quê. Đĩa bánh cuốn mà cô chủ quán đưa ra sao mà nó ngon đến thế. Cái mùi cà cuống cay trong bát nước chấm chỉ đến giờ chàng mới được biết, cả con cà cuống nữa cũng cho đến tận giờ chàng mới được biết, mà đã biết rồi thì không sao quên được. Chàng ngồi ăn bánh cuốn mà lòng đầy ắp thi vị đồng quê, cho nên nhìn đâu cũng thấy đẹp. Cô chủ quán cũng là một bài thơ, còn đẹp hơn cả những cô thôn nữ trong các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, chỉ khác điều là cô không mặc váy nơm bằng vải trúc bâu, không đội khăn vành rế, không thắt lưng xanh, yếm trắng, ăn trầu và răng đen. Cô mặc quần phíp, áo đông xuân trắng cộc tay cổ tròn, tóc tết đuôi sam, răng trắng má hồng với hai lúm đồng tiền… Tất cả những nét ấy đối với chàng cũng là thơ cả. Để chiều cô, chàng đã cứ sáng sáng ra chợ tìm đến những hàng tôm cua cá ốc, cứ nhìn thấy con cà cuống nào bay trên mẹt bán là hỏi xem nó có cay không, hễ đúng là cà cuống cay thì mua luôn không cần mặc cả, và mua đủ năm chục con mới thôi. Thì cả chợ cũng chỉ có chừng ấy. Quà tặng cho cô thôn nữ xinh đẹp thật mĩ mãn – Thế rồi một ngày kia, cả chợ bỗng nhiên không còn con cà cuống nào. Hỏi những người bán, họ đều trả lời là bị mất cắp hết. Tên kẻ cắp này không lấy một thứ gì ngoài cà cuống cay!
Ba ngày liền chàng Hoàng Thi trên phố không thấy về, chàng Văn Cuốn ở làng cũng không thấy đến, cô hàng bánh cuốn như ngồi trên đống lửa. Khách hàng các nơi đến đây toàn là dân nghiện cà cuống cay, bát nước chấm nhất thiết phải có cà cuống cay họ mới ăn. Không có thì họ quay ra. Ngày trước chưa có hai chàng đem biếu, thì cô mua ở chợ. Còn bây giờ chợ cũng không có vì bị kẻ nào đó ăn cắp hết rồi. Mà kì lạ là ngày nào các bà bán cà cuống cũng bị mất cắp hết! Tên kẻ cắp này thộc hạng cao thủ đến nỗi không còn có một con cà cuống nào còn sót lại. Nhưng vì sao lại có chuyện này? Từ cổ chí kim chưa bao giờ có hiện tượng cà cuống bị mất cắp, mà bây giờ ngày nào cũng bị mất đến hết? Chẳng ai hiểu nổi là thế nào cả. Cô hàng bánh cuốn tức đến phát khóc vì hàng ngày nào cũng ế. Rồi một buổi sáng cô đang ngồi buồn bã nhìn mẹt bánh cuốn ế thì lù lù một chàng trai bước vào quán. Chàng ta không nói không rằng đặt luôn lên mẹt bánh cuốn một gói to toàn cà cuống cay đã nướng chín. Cô nàng bánh cuốn chớp mắt lia lịa nhìn gói cà cuống, rồi nhảy lên vỗ tay đồm độp:
-            Ở đâu ra thế? Anh vớ được ở đâu mà nhiều thế?
-            Em cần bao nhiêu? Từ mai tôi có thể đưa cho em mỗi ngày một trăm con!
Cô hàng bánh tròn xoe mắt:
-            Thế hả? Thật thế hả? Hoan hô Lê Văn Cuốn!
Thật là trời sai anh xuống để cứu em! Cà cuống cay vừa qua ngày nào cũng bị ăn cắp nhẵn chợ mà anh lại có à? Anh giỏi thật đấy!
-            Thế thi sĩ thành phố của cô thì sao?
-            Ối dào! Anh ấy chỉ mơ mộng thôi, về thôn quê nhìn đâu cũng thấy ra thơ, còn cà cuống cay thì chịu rồi, chả còn cho em được con nào nữa!
-            Thế có về ăn bánh cuốn nữa không?
-            Mấy ngày nay không thấy!
-            Thế em Hương yêu thơ hay yêu cà cuống?
-            Hỏi gì mà lạ thế? Thơ ra thơ, cà cuống ra cà cuống chứ!
-            Nhưng không có thơ thì không sao, chỉ bớt chút viển vông mơ mộng đi thôi, còn không có cà cuống thì có người ngồi khóc đấy!
-            Khóc cũng thành thơ đấy! Em nghe anh Hoàng Thi đọc bài thơ “Nước mắt giời” hay lắm!
-            Nhưng đấy là nước mắt giời, chứ còn nước mắt người thì không hay đâu!
-            Nếu em vẫn thích nghe thơ thì anh có cho em cà cuống nữa hay không?
-            Đời nào!
-            Vậy là anh không cao thượng rồi. Thơ dạy con người ta phải cao thượng.
-            Thế không có cà cuống cay để bán hàng, mà cứ ngồi khóc thì có cao thượng được không?
-            Thôi chả bán nữa! Ngày mai anh nhớ lại đưa nhiều cà cuống cay đến nhé!
Văn Cuốn gật đầu. Điều này thì chả phải nói. Văn Cuốn cũng cóc cần phải đi mò, đi dậm nữa, đã có ông bạn nối khố Văn Xoay trổ tài bắn một mũi tên trúng hai đích, vừa tiêu diệt đối phương, vừa tăng cường tiềm lực cho mình. Chính là gã “kẻ cắp”, mỗi buổi sáng gã chỉ cần lượn qua các hàng cua cá một lượn là bao nhiêu cà cuống cay các bà các cô bày lên mẹt bán chui hết vào hai túi quần và một cái túi vải xách tay của gã, mà không ai để ý nghi ngờ gì cả! Gã diện quần phăng ka-ki Nam Định, áo sơ mi trứng sáo bỏ trong quần, chân đi dép nhựa trắng Tiền Phong, đầu chải Bisatin bóng lộn – đặc công tử dạo chơi chợ. Các bà các cô mải tít mắt ngắm gã, thế là gã nẫng hết cà cuống bỏ vào túi lúc nào không biết. 
Chương 15
Ngô Văn Dế - cái tên cúng cơm của Phó Dê bây giờ. Ngay từ thuở nhỏ, Ngô Văn Dế đã có một cơ thể khác thường, cao to hơn các bạn cùng lứa đến một cái đầu. Cũng như phần đông những đứa trẻ ở làng Trọng Nghĩa, từ năm lên sáu, bảy đã ngồi vắt vẻo trên mình trâu mỗi buổi sáng, buổi trưa và nhất là những buổi chiều hè chăn trâu trên cồn, buộc trâu vào cọc rồi thả diều, chơi khăng, chơi đáo, nhất là chơi đánh trận. Bao giờ Dế cũng thắng, dù làm quân ta hay quân địch cũng vậy, vì Dế cao to và khỏe gấp rưỡi những thằng bằng tuổi Dế. Vào tuổi mười tám, hai mươi Dế đã là một lực điền chính cống, cao một mét tám lăm và nặng tới gần tám chục cân, chất đàn ông đậm đặc đến từng chi tiết trên cái cơ thể cường tráng ấy. Rồi Dế yêu ngay từ thuở mười tám. Mối tình đầu đơn phương với cô Cún to béo trắng trẻo vào bậc nhất trong làng. Dế có tài lặn xa và lặn lâu, nên tình yêu của chàng cũng thể hiện dưới hình thức lặn. Con sông làng không sâu lắm nhưng rất rộng và bốn mùa trong mát. Những cô gái làng sau giờ lao động, vào những trưa và chiều hè thường ra sông tắm mát, dưới làn nước trong xanh ấy là các cơ thể nõn nà của các nàng. Ngô Dế dường như sinh ra để mà mê những thứ ấy. Với chàng thì nụ cười, ánh mắt, lời nói ngọt ngào không làm chàng rung động bằng những hình khối, màu sắc. Chàng nghiêng về dục tính, cái hồi chàng yêu cô nàng Cún, chàng biến thành người cá để cứ trưa đến khi nàng Cún và mấy cô bạn gái từ ngoài đồng lấm láp trở về, ào xuống sông tuột quần áo ra để da thịt nõn nà ấm trong dòng nước mát, thì từ cầu bến đằng này, chàng lặn ngụp rồi trườn đi như một người cá thực sự. Chẳng bao lâu chàng đã lượn quanh những “tòa thiên nhiên” đang vô tình phơi ra dưới làn nước trong. Nếu chàng chỉ có ngắm không thì có lẽ an toàn, đằng này vì mê quá mà chàng phạm phải sai lầm, một lần chàng giơ tay lên sờ vào cặp đùi mát như kem của cô Cún để cô giật nảy mình, cho là có “giặc nhái Mĩ” đã mò vào đến sông làng sờ đùi con gái tắm. Chuyện ấy đã ầm ĩ một thời. Người ta đã phát động cả xã chiến dịch quyết tâm bắt sống giặc nhái Mĩ, huy động hàng đại đội dân quân với các loại súng từ mút-cơ-tông đến AK, từ lựu đạn mỏ vịt đến lựu đạn chày, cả đến những vũ khí thô sơ như dao bầu, mã tấu, đòn sóc đòn càn, liềm, cu liêm… đều được huy động sẵn sàng chiến đấu để bắt sống giặc nhái Mĩ. Rồi chính thằng “giặc nhái Mĩ” ấy bị cắt vào chân trực chiến ở bờ sông suốt ngày đêm để rình rập chính mình. Cả một thời gian dào bị giam hãm như vậy, nên không còn cơ hội để đi tán, cuối cùng nàng Cún đã tuột khỏi tầm tay chàng Dế để sang tay chàng Lưới – tức Phó Lười cùng hội Ngũ Tử sau này. Sau thất bại lần ấy Ngô Dế đâm hoang mang. Vào tuổi mới ngoài hai mươi một tí mà lúc nào cũng khát thèm tình dục, cái vật gây giống chưa có đất để hoạt động, lúc nào cũng cương cứng một cách bất trị, cồm cộm trong quần nhiều khi đến bất lịch sự. Có lẽ khi pha chế các chất cấu tạo nên cơ thể Ngô Dế, tạo hóa đã quá tay khi đổ vào người chàng quá nhiều chất cường dương. Mười sáu mười bảy tuổi cậu ta đã chỉ nhìn xoay xoáy vào chỗ gồ lên giữa hai bắp đùi đàn bà con gái, chứ không khát làn môi, đôi vú. Chàng hay nhìn trộm đàn bà, con gái tắm, nhiều lần đứng ngẩn người nhìn khúc đùi nần nẫn trắng hồng khi các ống quần đen vừa vén lên bên vệ cỏ. Sau cú vồ xảy nàng Cún, thì Ngô Văn Dế - gọi tắt là Ngô Dế - mà gọi lái đi là Dê Ngố - nói với bố mẹ rằng, trong vòng một tuần nữa là phải lấy vợ. Bố mẹ Dế mỉm cười:
-            Tốt lắm! Lấy vợ đi càng nhanh càng tốt!
Rồi Dế lấy vợ ngay trong tháng ấy, năm ấy Dế mới hai mốt tuổi, cao hơn mét tám, nặng tám chục cân. Cô vợ người làng bên thuộc lọai da trắng tóc dài, mỏng mày hay hạt, nặng vừa vặn có bốn hai cân. Đêm tân hôn, Dế quần con người ta từ lúc bỏ quần áo cưới đi nằm cho tới lúc mặt trời lên quá con sào! Cô bé này là gái trinh chính hiệu, lại mảnh mai liễu yếu đào tơ, vớ phải gã chồng to sù, lại háu ăn, cho nên cô bị một phen vô cùng đau đớn. Chưa cởi xong quần áo đã bị gã đè ra. Cô bảo:
-            Từ từ chứ nào, sao mà như ăn cướp thế?
Gã cười:
-            Còn hơn cả cướp chứ em! Hì hì….
     Máu trinh nhoe nhoét trên mặt chiếu, cô gái trẻ ngây thơ lần đầu tiên va chạm, thật sự kinh hoàng. Trời ơi đau chẳng khác gì bị xé thịt, chẳng khác gì một thanh sắt bằng cổ tay cứ đâm mãi vào cơ thể. Cô bảo:
-            Từ từ chứ anh, không em chết mất…
Gã ghé sát mồm vào tai cô trả lời:
-            Cái khoản này không thể từ từ! Mà có chết cũng chết lịm thôi!
-            Nhưng em đau lắm…..
-            Không sao, rồi sẽ quen dần em ạ…..
-            Nhưng em chảy máu rồi….
-            Tuyệt quá! Phúc đức nhà anh đấy….
-            Nhưng cái của anh to quá, em chết mất….
-            Không chết được đâu! Mà có chết thì chết lịm thôi….
-            Thế này thì em lấy anh làm gì…. Cô gái mếu máo.
Gã lại ghé tai bảo nhỏ, trong khi vẫn tiếp tục…
-            Vậy anh lấy em để làm gì?
-            Lấy để làm vợ chứ còn làm gì, đồ phải gió ạ!
-            Vậy làm vợ nghĩa là…
-            Nghĩa là… từ từ in ít thôi kẻo chết mất…. – Cô gái lại mếu máo… ối mẹ ơi…
  Gã thèm lắm. Làm thằng con trai thật là cực khổ. Từ ngày tới tuổi trưởng thành gã luôn luôn khổ sở. Đi cày giữa này nắng tháng sáu, mồ hôi vã ra như tắm, hay giữa mùa đông ngăn sông vác đất, nhổ mạ suốt đêm, gánh những gánh phân từ trong làng ra ruộng nặng oằn xương sống… gã không coi là gì, chẳng có gì đáng khổ. Ở đời này, theo quan niệm của gã thì mọi cái đều sướng, duy chỉ có phải nhịn đàn bà là khổ nhất! Vào cái thời mà gã phải chịu nhịn ấy, quanh vùng này chưa có mát-xa, chưa có bia ôm, chưa có karaoke, vừa luồn tay vào váy đàn bà, mà dù có đi nữa thì gã “Dê Ngố” đi cày chỉ được ngày công là năm lạng thóc, ăn còn chưa đủ làm sao với tới chuyện đó? Cũng vào thời điểm đó ở đây đàn ông chỉ nghĩ đến sờ háng vợ, đàn bà suốt ngày đi làm vất vả, đêm về chỉ chiềng cái ba góc cho chồng sờ. Chưa có phong trào bồ bịch, chưa có mốt ngoại tình, “không vợ thì lắt l… mo”!
Người đời nói như vậy giờ đây không phải là mo mà là thật!
Cứ đêm bảy ngày ba vào ra không kể mà giã! Cô vợ chịu đựng được vừa đúng có ba ngày thì bỏ về nhà mẹ, rồi làm đơn ra tòa xin li dị. Ngô Dế thẫn thờ như người vừa đánh rơi mất cục vàng vài ký. Chưa được nếm mà đã qua thèm, giờ đã được nếm rồi thấy nó ngon quá đáng, càng thèm dữ. Rồi một hôm Ngô Dế ở nhà một mình, đang nằm vắt tay lên trán ở cái phản gỗ tre nhớ lại cái khoảng thời gian ba đêm ba ngày tuyệt nhất trần đời, chàng ta ôn lại từng li từng tí, cố hình dung “cái ấy” của vợ nó có giống hệt con trai vẫn nấu riêu, hay giống cái hình ba góc lệch, ba góc cân? Nó trắng nõn hay là… nó thơm như múi mít, hay là hơi khai khai… úi chà, chả có khai tí nào, cứ gọi là thơm tất. Ngô Dế nhớ lại và thèm rỏ rãi. Anh chàng cứ phập phồng hai cánh mũi như đang được hít ngửi thật sự, rồi quờ tay bên đông, quờ tay bên tây, lúc lại ôm ghì trong tưởng tượng… chả thấy gì, chỉ thấy có phản gỗ! Mặt đỏ bừng bừng, mồm há hốc, bọt phun cả ra hai bên mép. Vừa lúc đó có tiếng gọi ở ngoài ngõ:
-            Anh Ngô Dế có nhà không đấy?
-            Có tôi! – Dế trả lời vọng ra – ai đấy?
-            Tôi đây. Tôi sang mượn anh dọi lại mấy chỗ nhà dột…
-            Thì vào đây đã nào! Có phải chị Tròn Xoe đấy không?
-            Phải “Tròn xoe Tròn Xoáy” đây! Thôi chả vào nữa, đúng sáng sớm ngày mai anh sang “dọi” cho tôi nhé!...
Ngày mai Ngô Dế nghỉ một buổi cày cho hợp tác xã để đi “dọi”. Chị Tròn Xoe sau đó còn cứ dặn đi dặn lại mãi là phải sang từ tờ mờ sáng, làm đến tối đất mới được về, còn việc ăn uống bồi dưỡng và công xá thì khỏi bàn. Đúng sáng hôm sau, vừa lúc gà gáy sáng Ngô Dế đã thức dậy, rồi lững thững đi tắt lối ngõ xóm sang bên nhà chị Tròn Xoe. Nhà chị ở về phía cuối làng. Một khu vườn rộng tới ba bốn sào, toàn là cây lưu niên như bòng, mít, ổi, thị, hồng cao vút tỏa bóng râm, đang vào mùa quả chín thơm lừng. Một ngôi nhà ba gian mái rạ tường đất nằm lọt giữa khu vườn. Nhà chỉ có hai người: chị Tròn Xoe và đứa con gái nhỏ. Chồng chị đã hi sinh ở chiến trường phía Nam từ năm ngoái. Nhà chị tuềnh toàng giản dị. Có ba gian thì một gian ngăn làm buồng, hai gian nhà ngoài. Một gian đầu kê chiếc giường xoan kiểu cũ, có bốn chân như cái chõng, trải chiếc chiếu trơn còn mới, gian giữa kê cái phản gỗ, áp vào tường phía bên trên là cái xích đông, trên có kê bát hương để thờ. Ngô Dế đến ngõ thì đã thấy chị đứng đón ở đấy rồi. Chị tủm tỉm cười, nói:
-            Ngoan nhỉ, sang rất sớm!
Rồi chị ra mở cái cổng tre cho thật rộng: Vào đi, cổng này lúc nào cũng mở rộng để đón chàng Ngô Dế đấy!
Hai người đi vào cái ngõ sâu hun hút giữa hai vệt xoan táo xanh rì, đến một cái sân, trước sân có hàng cau cao vút, dưới gốc có chum nước mưa, có cái vòi bằng tàu cau quấn ngang thân cau rồi bắt mỏ vào miệng chum. Một gian bếp nhỏ bắt góc với ba gian nhà trên. Bước qua hè vào đến nhà, chị Tròn Xoe ấn Ngô Dế ngồi xuống phản, rồi chị cũng ngồi xuống ghế bên này, đưa tay nhấc cái lồng bàn đang đậy trên mâm ở giữa phản ra:
-            Ăn đi, uống đi, rồi dọi…
Ngô Dế trố mắt nhìn: một đĩa thịt gà luộc, một đĩa xôi đỗ xanh, một chai rượu cuốc lủi! Có nằm mơ thì mới thấy các thứ này vào thời điểm ngày công có năm lạng thóc!
-            Sao bày vẽ quá thế hở chị Tròn Xoe?
-            Có gì mà bày vẽ? Mượn được thợ dọi nhà như anh đâu có là chuyện dễ! Ăn đi rồi làm thế nào cho đáng mặt đàn ông thời làm. Có hiểu không hở chàng Dê Ngố?
Ngô Dế biết chị Tròn Xoe vui tính nên chẳng để ý gì đến những lời bóng gió ấy cả. Chàng cứ việc ăn xôi với thịt gà luộc và tợp mấy tợp rượu cho hăng để làm. Kề cà thế nào mà cho đến sáng bảnh một lúc cũng chưa xong. Đứa con gái của chị Tròn Xoe cũng đã dậy, ăn uống xong là đi học lớp một.
-            Bây giờ làm gì đây? Ngô Dế hỏi.
Chị Tròn Xoe dẫn Ngô Dế đi quanh ngôi nhà nhỏ của chị:
-            Thấy chưa? Nhiều rãnh lắm, mà rạ mục cả rồi, mưa là dột lung tung.
-            Nhưng tôi chưa chữa nhà dột bao giờ?
-            Không khó đâu! Người ta bảo anh đè tốt lắm mà dọi cũng tốt lắm. Nào anh trèo lên đi, móc ra rồi tôi….
Ngô Dế tìm cái thang đặt xoai xoải từ nền sân lên mái, định trèo thì Tròn Xoe bảo:
-            Cởi quần áo ngoài ra, chỉ mặc quần đùi thôi cho đỡ vướng, dọi mới không dột trở lại.
Ngô Dế đứng tần ngần một lát rồi nghe theo lời chị chủ. Cái quần phăng xanh đã cũ và cái áo nâu cũng đã cũ được cởi ra vắt lên dây phơi. Ngô Dế chỉ còn mặc mỗi cái quần đùi vừa cộc vừa chật. Cái cơ thể cao mét tám, nặng hơn tám mươi cân của chàng phơi ra cuồn cuộn cơ bắp trông tựa như bức tượng đồng đen. Chị Tròn Xoe bỗng cười tít mắt:
-            Nhảy lên đi!- Tròn Xoe giục.
Ngô Dế leo lên từng bậc thang, cái thang tre oằn xuống dưới sức đè của gã lực điền. Chị Tròn Xoe đứng dưới giữ chân thang, đắm đắm nhìn lên.
-            Móc đi! – Chị Tròn Xoe gọi với lên – Cứ chỗ nào mềm mềm và có rãnh là móc vào, chỗ ấy lá có lỗ đấy….
Ngô Dế quan sát hai mái nhà và thấy đúng là có nhiều rãnh thật. Dế moi hết rạ mủn, rạ thối rồi dọi rạ mới vào, cào cào vuốt vuốt cho thật phẳng phiu. Chốc chốc chị Tròn Xoe lại bảo Dế xuống thang nghỉ tay uống nước đã, và chị vào buồng bê ra hàng rổ ổi, rồi bổ cả một quả mít to đùng. Suốt cả ngày hôm ấy, cặp mắt của chị Tròn Xoe lúc nào cũng tít lại và cười nói luôn mồm. Cho tới đúng lúc trăng lên, công việc mới tạm ổn.
-            Thôi bây giờ thì xuống đi rồi nghỉ và vui, chàng Dê Ngố ạ….
Chị Tròn Xoe nói vậy.
Ngô Dế thở phào. Vẫn ngồi yên trên mái nhà, chàng đưa mắt nhìn khắp lượt: tất cả có đến vài chục chỗ phải sửa lại, buộc lại cả hai chái nhà. Một ngày một người làm xong từng ấy việc, thật là vượt mức.
-            Anh sức trâu đấy anh Dê Ngố ạ! – Chị Tròn Xoe từ dưới sân ngẩng lên nói vậy – Thôi tuyệt rồi! Anh dọi cho tôi cả một ngày, vừa móc, vừa cào, vừa đút, vừa ấn, vừa xoa… cái gì anh cũng khéo. Trong nhà mà có người đàn ông như anh thì cái gì cũng nhẹ như…. lông tơ! Nào xuống đi, tôi giữ chân thang cho.
Ngô Dế gật gù nhìn mái nhà rồi từ từ đi xuống từng bậc theo nấc thang. Cái thang lại oằn võng xuống như cái võng. Chị Tròn Xoe cứ đứng sát chân thang, làm cho Ngô Dế phải chạm vào ngực chị mới xuống tới mặt sân. Chỉ chờ có thế là chị kêu lên:
-            Úi giời ơi! Người anh như hộ pháp thế mà chạm vào người ta, thì người ta nhũn nhèo ra chứ còn gì! – Nói xong chị cười rất vui. Rồi chị bảo: Đi tắm đi, người anh như trâu đầm ấy!
Ngô Dế đang vui. Gã vừa làm xong một công việc rất khó. Thợ cày, thợ bừa, làng Trọng Nghĩa này có đến mấy chục, nhưng thợ dọi nhà thì mấy ai làm nổi?
-            Đi tắm đi! – Chị Tròn Xoe giục – Rồi còn ăn cơm nói chuyện vui…
Ngô Dế ra cầu ao để tắm. Nhà chị Tròn Xoe có hai cầu, trong này là cầu ao, ngoài kia cạnh sông là cầu bến. Cầu bến đông người, cầu ao thì chỉ có riêng mình. Cái ao không rộng nhưng nước rất trong, Ngô Dế tắm rất thoải mái. Gã đang ngồi mân mê cái của quý thò ra ngoài quần, dài có tới một gang tay, thì chị Tròn Xoe bất chợt xuống bến rửa rau. Vì cái đó vừa dài vừa to nên gã không ấn kịp vào quần, cứ gật gù ngất nghểu như chào mời. Chị Tròn Xoe đỏ mặt, lườm gã:
-            Khiếp! Đồ khỉ gió ạ! Có cất ngay đi không hay muốn xẻo thì bảo?
Nói thế thôi, nhưng xem ra giọng chị đã líu lại rồi, mặt chị cứ đỏ vầng, đôi mắt long lanh khác lạ, rổ rau trên tay chị bỗng rơi tuột, nổi lều phều trên mặt nước….
Chị Tròn Xoe là một con người chỉ có đáng thương chứ chẳng bao giờ đáng trách. Cuộc đời chị buồn nhiều hơn vui. Năm nay chị đã ba chục tuổi. Chị lấy chồng từ năm hăm hai, sinh được đứa con gái giờ đã lên tám. Chồng chị là anh Đống, hi sinh cách đây đã lâu. Chị không đẹp nhưng có duyên, và người thì rất to béo đẫy đà cho nên mới có cái tên là Tròn Xoe. Về mặt vật chất chị không khổ, vì chị lao động giỏi, lại có mảnh vườn rộng những ba sào toàn cây ăn quả có giá. Cái khổ nhất đối với chị nhiều năm nay là thiếu thốn tình cảm. Còn gì buồn hơn, chán hơn là sau một ngày lao động mệt nhọc, về nhà lại thui thủi một mình, một bóng. Đứa nhỏ cũng chỉ an ủi được phần nào. Nhớ lại những ngày còn là gái son, cứ là ra bấu vào hôn ríu rít bên nhau như đôi chim, cứ là ôm nhau và chiều nhau suốt suốt. Thế là đủ hạnh phúc. Hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ vậy thôi mà không đạt. Chị lấy chồng vào tuổi hăm hai. Ngày ấy ở làng bên có chàng trai tên là Đống làm nghề thả lưới bén. Nhà Xoe ở ngay sát bờ sông. Sáng nào cũng vậy, vào lúc gà gáy dồn là Xoe cắp rá gạo ra bến vo để thổi cơm sớm còn ăn đi làm. Lúc ngồi cầu bến vo gạo, bao giờ cũng nhìn thấy bóng hình một người con trai ngồi trên chiếc thuyền bơi rất nhỏ, lúc thì thả lưới lúc gỡ cá, lúc gõ cắc cắc vào cạnh thuyền, vào thang thuyền để đuổi cá. Bóng người và bóng thuyền cứ nhoang nhoáng trên mặt sông. Rồi chàng ép thuyền vào bờ:
-            Em có lửa cho anh xin hút thuốc….
-            Em có nhưng em ứ cho!
-            Sao vậy?
-            Anh phải đổi con cá to nhất dưới thuyền của anh cơ….
-            Em muốn thế thật à?
-            Chả muốn mà lại nói!
Chàng liền đến thuyền bắt con cá to nhất đưa đến, mỉm cười chìa cho cô gái:
-            Cá đây…
-            Em không lấy nữa!
Vài ba lần trêu nhau như thế là thành quen, thành nhớ. Rồi những đêm trăng sáng Đống đưa những chiếc thuyền tre to hơn đến rủ Xoe cùng đi. Thả lưới song chở thuyền vượt sang phía cánh đồng đi tìm tổ chim để lấy trứng ở các cụm lăn cụm lác rậm rì, dùng bếp dầu luộc ngay giữa thuyền, trứng chín bóc vỏ bỏ vào mồm cho nhau. Tình yêu rồi cũng chín và ngon như những quả trứng chim. Đống là một chàng trai tuy không to béo lực lưỡng nhưng gân guốc, trông như một phiến gỗ lim chưa gọt đẽo, tuy lầm lì ít nói nhưng thật đậm đặc chất đàn ông. Ngay thời còn yêu, phần lớn thời gian ngồi với nhau gọi là tâm sự, chàng cứ lẳng lặng như người câm, thế rồi đột nhiên chẳng cần gợi ý, hỏi han thăm dò, vụt một cái chàng ôm ghì bạn gái. Được cái cô Tròn Xoe lúc nào cũng béo núc ních và rất thích được ôm ghì, nên những cú ôm liều của Đống chẳng xảy ra tình huống gì rắc rối bao giờ. Ngược lại, rất được lòng, cô Tròn Xoe thích cái mẫu người như thế, nói ít mà hành động thì nhiều, đừng có ẻo lả, nói năng lả lướt như con gái. Bàn tay chàng phải cứng, vòng tay chàng phải rộng, và chàng cứ ghì hết ga thì thôi. Thế mới là đàn ông! Rồi thì chàng Đống và cô Tròn Xoe cưới nhau. Đêm tân hôn, chàng chẳng nói năng gì, cứ hùng hục bắn phá khung thành, đạn của chàng là loại đạn xịn, cho nên ngay phát đầu tiên lô cốt bê tông đã thủng một mảng lớn để xung kích ào ào tiến lên. Đoàn quân xung phong như nước chảy suốt đêm. Cô vợ trẻ mãn nguyện vươn hai tay qua hông xoa xoa lưng chồng “Tuyệt quá! Em đã chọn đúng anh!” Nhưng rồi đạn trên giường nổ thì đạn ngoài chiến trường cũng nổ: Ai đang ôm vợ thì phải buông ra – Ai đang xây nhà cũng dừng lại! Bảy ngày sau khi cưới, Đống có giấy gọi nhập ngũ. Cô Tròn Xoe mếu máo tiễn đưa chồng, và dặn nhỏ vào tai: “Em còn thèm lắm! Đừng chết nhé. Cố mà về, giữ nguyên cái chày hành và hai củ từ lông anh ạ…” Chàng Đống gật đầu nói nhỏ lại: “Anh có thể mất đầu, chứ không thể để mất “cái ấy”!” Nhưng rồi chàng đi từ ngày ấy không về. Đứa con gái của chàng để lại giờ đã lên tám. Những năm tháng dài dằng dặc trong buồn thương, nhớ tiếc, trong khát thèm cứ mỗi ngày một chất cao trong người vợ xa chồng. Thời gian có thể làm nguôi ngoai nỗi nhớ và sau bữa nữa là nỗi buồn mất chồng. Còn khát thèm thì chỉ có tăng lên, và càng trở thành điều không sao chịu đựng nổi. Tròn Xoe vốn là người đàn bà đa tình, đa cảm, ở chị vào tuổi ba mươi, mọi đòi hỏi đều đang dồn ứ. Chị nghiệm ra rằng trên đời này không có cái khổ nào bằng cái khổ của người đàn bà còn trẻ mà không có đàn ông nằm cùng giường. Nhưng giờ đây chị đã ra người đàn bà góa có con. Ở cái làng Trọng Nghĩa này, đàn ông ra đi rồi chết vãn giờ trở nên khan hiếm. Bao năm rồi chị muốn kiếm một người đàn ông mà không sao kiếm nổi. Con gái chưa chồng cũng ế khối ra đấy, ai người ta màng đến nạ dòng. Biết thì biết vậy mà nỗi khát khao không hề vơi, cứ đầy dàn như chum nước dưới gốc cau sau trận mưa rào. Thôi thì không kiếm được chồng thì hãy kiếm lấy nhân tình vậy. Nhưng nhân tình cũng rất khó. Đàn ông ra đi rồi chết vãn, còn anh nào trở về, không cụt chân thì cũng hỏng hóc bộ phận gây giống, có đốt lửa ba ngày cũng không cứng lên được, đến vợ cũng không kham nổi huống chi người ngoài! Đã có biết bao người chồng sau hàng chục năm mới trở về, người vợ mừng quá, sắm chăn bông, giường mới, chiếu mới để bù đắp cho nhau cái quãng đời xa vắng, buồn thương. Thế rồi ngay đêm đầu tiên ấy, người chồng cứ nằm yên như khúc gỗ. Người vợ thổn thức đợi chờ cái hạnh phúc ngọt ngào mà chỉ người chồng mới mang lại cho mình được. Người chồng lại càng nghĩ đến cái bổn phận bù đắp. Anh ta thổn thức trăn trở, quay trong, quay ngoài, rồi gắng gượng làm các động tác bề ngoài như ôm vợ, sờ vợ. Nhưng mọi hưng phấn đã bị tê liệt từ bao giờ bởi mùi bom, thuốc súng, bởi những cơn sốt rét ác tính, bởi chất độc màu da cam, bởi những khát thèm dồn nén quá lâu, giờ mất hẳn. Thế là sống dở chết dở. Bỏ thì thương vương thì tội, chỉ còn cách là ôm nhau mà khóc hết đêm này qua đêm khác. Nhưng nước mắt đâu có giải quyết được vấn đề gì!
Những người còn chồng đã vậy, thì những người mất chồng còn tìm đâu ra được tình nhân? Tìm đâu ra được biện pháp để giải tỏa nỗi khát thèm đầy ứ trong người? Và cho đến tận hôm nay…
Cái rổ rau muốn tuột khỏi tay để rồi từng cọng rau cứ nổi lều phều trên mặt nước. Chị Tròn Xoe như người động kinh, mặt đỏ vầng, đôi mắt long lanh, chân tay run rẩy, luống cuống. Lúc này chị cũng chỉ mặc trên người có cái quần đùi bằng vải phíp đen rất mỏng, và cái áo đông xuân màu trắng cổ tròn rách mấy chỗ ở lưng ở ngực, để hở những mảng da trắng. Suốt ngày nay chị phục vụ anh thợ dọi nhà. Chị đứng dưới, khi thì giữ chân thang, khi thì đưa rạ. Anh thợ lợp nhà cao to lực lưỡng, lại sù sì rắn chắc như phiến gỗ lim, cứ ẩn hiện trong đôi mắt thèm khát của chị. Nó nhắc nhở chị cái tuần trăng mật cách đây tám năm về trước, nhớ tới người chồng cũng sù sì rắn chắc như một tảng gỗ lim, nhờ những “phát đạn” tuyệt vời mà anh đã “bắn” liên tiếp vào chị, làm cho chị như mê, như điên, những ngọt ngào điên loạn ấy còn lưu giữ nguyên vẹn trong chị. Nó có bị thời gian phủ lên một lớp bụi. Giờ đây chỉ cần một làn gió nhẹ từ chàng trai kia thổi tới là toàn bộ lớp bụi thời gian sẽ bay hết, để gọi dậy những khát thèm mà sức người không cưỡng lại được. Ngày hôm nay cũng có thể gọi là một ngày hạnh phúc của chị. Suốt từ sáng sớm, chị được thỏa thích ngắm một người đàn ông mà cơ thể anh ta là ước mơ thèm khát của đàn bà. Anh không giấu giếm gì cả, mà hình như anh cũng không biết cả giá trị của mình, cứ phơi ra một cách tự nhiên. Chị cảm ơn anh ta về điều này. Nhưng cũng chỉ vì thế mà chị thật khổ sở trong việc kìm nén cho khỏi phạm những điều kiêng kị ở người đời. Người đàn ông này kém chị sáu tuổi. Nhưng cái thèm muốn bản năng ở con người chả cần gì đến tuổi tác…
Suốt cả ngày, Ngô Dế cặm cụi làm, tất nhiên chẳng có thì giờ đâu mà nghĩ đến những ham muốn. Chàng thật vô tình trước mọi ý tứ của chị chủ nhà. Vì trời nóng bức mà theo thói quen chàng đã cởi hết quần áo, chỉ mặc mỗi cái quần đùi mỏng vừa cộc vừa chật so với cơ thể đồ sộ của chàng. Rất có thể khi ngồi trên mái nhà cũng như lúc ngồi ăn cơm, chàng có nhiều lần vô ý vô tứ mà đối với một người đàn bà đang khát thèm đã lâu thì nên thận trọng. Cho đến khi trăng lên chàng mới buông tay làm và đi tắm. Gió mát, nước trong đã làm cho chàng tỉnh hẳn. Rồi chàng lại vô ý lần nữa. Và lần này thì thật là nghiêm trọng… Cơn khát thèm lên cao cực điểm, chị Tròn Xoe đổ ập người vào Ngô Dế, tay chị quờ quạng rồi đập đúng vào chỗ thừa ra cứng như thanh sắt ở người đàn ông… Ngô Dế lúc này thì không Ngố nữa, chất đàn ông vốn quá đậm đặc trong người anh đã được khởi động từ nãy giờ vút lên nhanh như tên lửa phóng tàu vũ trụ. Cái cơ thể đàn bà đẫy đà vừa mát rượi vừa nóng hổi đang áp sát cái lưng cánh phản, rồi đôi môi chị trùm lên môi gã đàn ông mút như xoáy chôn ốc. Gã đàn ông xoay người lại, vòng tay ôm lấy lưng người đàn bà. Họ vật nhau ngay trên bờ ao có phiến đá rất rộng, phẳng phiu. Hai con hổ này quần nhau quên trời đất cho tận đến lúc cả hai lăn tùm xuống nước, trước nguy cơ chết sặc mới chịu buông nhau.
-            Thay quần áo, rồi ăn cơm uống rượu… Đêm nay ngủ ở đây nhé?
-            Có sức chịu nữa không?
-            Mười anh đây cũng chấp! Dê Ngố ạ!
-            Được rồi, nhớ lấy!
Đêm ấy, sau khi đã cơm no rượu say thì Ngô Dế ở lại thật. Chị Tròn Xoe đưa đứa con gái sang ngủ bên bà ngoại. Họ khóa cổng ngoài, gài cửa trong, cứ để yên đèn sáng, cởi hết quần áo ra để vào cuộc động trời. Hai cơ thể hừng hực sức sống, tích tụ khát thèm vồ lấy nhau như trống chèo, lúc lại dập dồn như ngũ liên khi đê sắp vỡ…
Rồi từ đấy, ngày nào chị Tròn Xoe cũng có việc để thuê Ngô Dế sang làm. Khi thì cuốc vườn, khi sửa lại chuồng lợn, chuồng gà, khi lợp lại bếp, khi xuống ao gánh bùn đổ gốc cây… Tất nhiên là đêm cũng phải làm cật lực. Chàng Dê Ngố thế mà chẳng Ngố tí nào, cứ cơm no bò cưỡi liên miên. Nhưng rồi ba tháng sau, một lần chị Tròn Xoe bảo Ngô Dế sang chơi, vào một buổi trưa hè yên tĩnh. Chị cười nói:
-            Này, mình có chửa rồi đấy!
Ngô Dế trố mắt:
-            Cái gì?
-            Còn cái gì nữa! Bị cái chày hành của anh ấn vào nhiều quá thành ra bụng to…
-            Thì làm cho nó dẹp đi! – Ngô Dế nói bừa.
-            Dễ nhỉ? Thế anh không muốn cưới à?
-            Cưới ư? -  Ngô Dế ngồi thừ ra, bây giờ mới thấy mình đúng là thằng liều.  Chị ta đã ba chục tuổi, lại có đứa con lên tám tuổi, còn mình mới có hai tư…
Thấy Ngô Dế cứ ngồi thừ, chị Tròn Xoe nói tiếp:
-            Làm con người ta to bụng rồi chạy làng à? Tôi giết! Anh nhớ rằng tôi là vợ liệt sĩ đấy. Thời buổi này chạm vào vợ liệt sĩ là đi tù có phen!
-            Nhưng chính chị cũng thích cơ mà? – Ngô Dế cãi.
-            Thích thì ai mà chẳng thích? Nhưng thích xong rồi thì phải có trách nhiệm chứ?
-            Nhưng tôi kém chị những sáu tuổi, mà chị lại đã có con!
-            Tuổi với tác! Thế cái lúc anh dùng chày hành đâm vào bụng người ta anh có nghĩ đến tuổi tác hay không? Một đêm anh vần vò tôi mười lần! Béo tròn béo trục như tôi mà cũng hụt hơi, hôm sau phải nằm cả ngày mới lại sức…
-            Nhưng đầu tiên là ở cầu ao, tại chị…
-            Ai bảo anh thò ra? Người anh như hộ pháp, chày hành lại cứng lên rồi thò ra ngoài quần! Đấy, anh đắc tội là ở chỗ ấy!
-            Nhưng chị đã ôm lấy tôi trước…
-            Thử hỏi đến lúc ấy anh đã làm cho tôi phát điên, thì không ngã đổ vào anh sao được?
-            Nhưng sau đó chị còn giữ tôi ở lại suốt đêm, và đêm hôm sau, hôm sau nữa cũng thế, chị bảo tôi đã giúp chị khỏi cơn khát thèm, tôi là cứu tinh cho đời chị khỏi buồn, chị yêu tôi…
-            Thế còn anh? Anh không yêu tôi à?
-            Tôi chưa thấy yêu chị, nhưng tôi thích đè chị, lúc nào tôi cũng thích đè chị…
-            Khôn nhỉ? Thế mà người ta cứ bảo anh là Dê Ngố?
-            Tôi không biết là tôi có ngố hay không, nghĩ thế nào thì nói thế!
-            Thế anh nghĩ thế nào về cái bụng này? – Chị Tròn Xoe vừa nói vừa chỉ vào bụng mình.
-            Có lẽ là chị béo quá trông nó thế!
-            Này đừng có nói thế! Béo khác, mà chửa khác. Tôi tắc kinh hai tháng rồi, anh hiểu không?
-            Tắt kinh có nghĩa là bị chửa à?
-            Còn phải hỏi điều ấy à? Tôi buộc cổ anh vào đấy! Cứ ỡm ờ là tôi đưa anh ra tòa cho mà xem!
-            Trai không vợ, gái không chồng ôm nhau mà cũng phạm pháp à?
-            Chắc chắn anh sẽ bị truy tố và bị tù ít ra là chung thân!
-            Thế tôi mà đi tù thì lấy ai để mà đè chị?
-            Tôi sẽ tìm người khác!
-            Thế thì cứ để yên tôi phục vụ tận tình cho chị có hơn không? Những lúc ấy chị chả bảo không ai sánh kịp tôi là gì?
-            Thì anh cứ cưới tôi đi có hơn không? Vừa không phải đi tù, lại vừa có cái ấy lúc nào cũng bên cạnh để ôm ấp.
-            Nhưng chị hơn tôi những sáu tuổi, lại đã có con gái những tám tuổi…
-            Tôi chỉ có vợ vừa đúng ba ngày…
-            Nhất là chỉ cưới được một lúc thì anh cũng là trai đã “mất trinh” anh hiểu không? Mà vì sao con bé xinh xắn thế nó lại bỏ anh?
-            Nói ra chị đừng cười nhé?
-            Tôi sẽ không cười. Nếu tôi buồn cười quá thì tôi chỉ nhe răng thôi. Nào nói đi!
-            Nó bỏ tôi vì bị tôi đè nhiều quá. Đêm tân hôn nó chan chứa máu mê, kêu đau như bị chọc tiết. Nó bảo “cái ấy” của tôi chỉ kém cái chày giã hành một nấc mà thôi. Mà “con bươm bướm” của nó lại bé tẹo, rách toạc lung tung ngay lần đầu, ngang là bị thương trong chiến tranh. Nó yêu tôi nhưng đành phải bỏ tôi để an toàn tính mạng.
-            Đấy, anh thấy chưa? Anh là tên khủng bố có hạng, đám con gái lau nhau ở cái làng này nó vái anh từ xa. Tôi anh hùng lắm mới kham nổi anh suốt mấy tháng, đưa đến cho anh cái khoái nhất đời mà anh lại phụ công tôi. Bây giờ anh có muốn không? Cái gì trong quần anh mà cứ cồm cộm nên thế? Tôi đã cần giã hành đâu mà anh vác chày sang cho mượn? Người ta gọi là anh Dê Ngố, anh có thấy mình có ngố thật không?
-            Tôi ngố thật đấy chị ạ!
Chị Tròn Xoe cười:
-            Phải anh ngố thật còn thế, nếu không ngố thì đàn bà con gái cả làng cả xã này anh sẽ dè khắp lượt, rồi con hoang, con riêng mọc lên như nấm!
-            Chị mong thế à?
-            Không, ấy là nói thế. Còn tôi thì chỉ ước mong là anh chỉ đè mỗi mình tôi thôi!
-            Chị không sợ bị tôi đè chết à?
Chị Tròn Xoe cười:
-            Có chết cái con bướm của tôi ấy! Sức vóc anh mới chỉ làm tôi ngưa ngứa mà thôi!
-            Thế sao chị còn ép tôi làm chồng?
-            Thời nay vớ được một ông chồng chuyên môn làm cho mình ngứa cũng tốt quá rồi!
Cả hai cùng cười. Họ thật hồn nhiên, nghĩ sao nói vậy, chẳng cần e lệ, đắn đo gì cả. Nói bốp chát, nói thẳng thừng, nói dung tục, thế mà lòng dạ vẫn lành, chẳng có gì là ác ý với nhau. Họ chưa chọn nhau làm vợ chồng, nhưng trong lòng thì thật sự cảm ơn ông trời có mắt đã run rủi họ đến với nhau, bù đắp cho nhau nỗi khát khao cháy bỏng.
                      (Còn tiếp)
                 Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét