Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 18 - 19)



Đã đăng:

    Chương 18
Chiều nay Phan Tít bảo đội trưởng Híp đến nhà để bàn công việc. Híp tức Phan Ninh Híp người cùng họ cùng phe cánh của Híp hiện đang làm đội trưởng. Thằng cha này thuộc loại người bảo đâu đánh đấy, mọi việc cứ xoèn xoẹt như xé vải. 

Chả thế mà vào những năm cuối thập kỉ bảy mươi, đồng ruộng lúa xấu như cỏ may, giá trị ngày công chỉ còn có mấy lạng thóc, xã viên đói quá thì đâm liều, lĩnh thóc về rồi xay ra ăn để có sức đi làm, đến lúc cộng sổ mới biết là phải trả ra nhiều mà thóc trong bồ trong cót lại hết hoặc gần hết rồi, không còn để trả ra nữa, thế là mắc nợ. Rồi vụ sau lại cũng thế hoặc là tồi tệ hơn thế. Vào những năm tháng ấy gần như toàn dân mắc nợ. Nhà nhà đều nợ. Người người đều nợ. Nợ hơn chúa Chổm ngày xưa. Rồi từ đấy trong các cuộc họp từ xóm đến xã, cấp nào cũng vậy, ngành nào cũng vậy, bao giờ cũng có mục “bàn về thu nợ”. Rồi có cả cuộc họp “Chuyên đề thu nợ” kéo dài suốt ngày, suốt đêm, bàn cãi sôi động ầm ĩ như sắp có chiến tranh xảy ra lần nữa. Nhưng không bao giờ đạt được kết quả. Bởi một lẽ hết sức đơn giản là chẳng buồng nhà nào có thóc. Người nông dân làng Trọng Nghĩa từ ngày xưa đã rất trọng nghĩa cả. Họ vốn là những con người thật thà như đếm, thuế không thiếu một cân, quân không thiếu một người cho cả hai cuộc chiến tranh. Trai tráng trong làng, cứ lớn lên là ra đi, lớp trước đi không về, lớp sau lại lên đường luôn. Tính mạng là cái quý nhất ở mỗi con người, mỗi gia đình, mà không có một người nào, một gia đình nào “khất nợ”, thế thì một vài ba tạ thóc là cái gì mà phải chịu tổn thương danh dự? Nhưng buồng rỗng rồi thì phải làm thế nào? Đem cả cuộc sống gửi gắm vào hợp tác xã, những mong ngày thêm no ấm, nào ngờ cứ mỗi ngày mỗi nghèo, cứ mỗi ngày  càng đến gần cái đói. Đi làm quần quật hai sương một nắng, sáng đi sương ướt gấu quần, tối về sương ướt đầu, ướt hai vai áo, chỉ được ghi mấy điểm vào sổ. Những năm trước, ngày công còn được cân thóc, bây giờ thì không được nữa rồi. Mỗi gia đình được lĩnh mấy tạ thóc ướt, thóc mộng từ sân kho mang về phơi, trời lại mưa dầm dề, thóc không phơi được, hết gạo ăn phải đem xay thóc ẩm, mỗi thúng thóc chỉ được mấy bơ gạo, còn thì thành tấm, thành cám cả. Xay giã một thúng thóc, quay đi quay lại vài ngày đã hết. Cái khó khăn này nó kéo theo khó khăn kia, cái khổ này nó kéo theo cái khổ khác, cứ thế như dây cà dây muống, chẳng sao gỡ ra được, thoát ra được. Giờ thì đói rồi, sáng đi làm lót dạ vài củ khoai lang hà cay sè làm bụng sôi réo, trưa về mấy bát cơm độn với rau muống luộc chấm xì dầu pha loãng, tối lại vài củ khoai. Mấy tạ thóc ướt lĩnh về thành bột thành cám, người ăn, lợn ăn chả mấy lúc là hết, đang lo nay mai rồi khoai lang, cơm độn cũng không có mà ăn! Thế rồi họp đội. Đói mờ mắt cũng phải đi. Chồng dùn vợ, vợ dùn chồng suốt buổi tối, vì đi họp đội chán ngang với đi đày. Cái sân kho sứt sẹo nham nhở toàn vẩn rác và mùi cứt chó, đám xã viên ngồi bệt ngồi xổm, rồi nằm dài, tùy nghi di tản. Đội trưởng Híp giơ cái đèn bão lên, giở quyển sổ nhàu nát luôn luôn được cuộn tròn đút túi quần, túi áo, nó lem nhem cả những vết mỡ, vết lòng lợn tiết canh, nó thum thủm cái mùi mắm tôm, giềng mẻ giả cầy. Sau này nên đưa những quyển sổ thế này vào viện bảo tàng. Chỉ cần nhìn vào đấy người ta thấy được lịch sử của một thời  , giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là như thế nào. Ông Híp đã làm đội trưởng từ những ngày ấy. Về văn hóa ông chỉ mới thanh toán xong cái nạn mù chữ, tay viết còn run rẩy như trò mới tập viết, nhưng ông được một điều cơ bản là tuyệt đối phục tùng cấp trên. Cấp trên bảo gì là nghe thế, cứ thế mà làm, giờ đây ông đang chuẩn bị thực thi một nhiệm vụ hết sức vẻ vang là: thu nợ! Cuộc họp nào ông cũng nói rằng những phần tử dây dưa không trả nợ hết cho hợp tác xã là phần tử phá xã hội chủ nghĩa, cần phải có biện pháp cứng rắn. Ông vừa giơ quyển sổ lên trước đèn, đôi mắt híp nhìn vào đấy rồi đọc rất to tên từng hộ và số thóc còn nợ. Nghe nó gần như bản cáo trạng trước tòa hình sự. Đám xã vien ngồi rúm ró, cứ nghe đến tên gia đình mình là giật mình thon thót.
- Nguyễn Thị Bờm, hai tạ mười sáu cân nợ mới cộng với nợ cũ một tạ mốt là ba tạ hai mươi cân! Nghe rõ chưa?
- Nghe rõ rồi ạ!
- Ngay sáng sớm ngày mai phải nhập kho đầy đủ, rõ chưa?
- Nghe rõ rồi!
- Nguyễn Văn Cối, ba tạ sáu mươi tư cân cũ cộng với hai tạ mười lăm cân mới, vị chi tất cả là năm tạ bảy chín cân! Nghe rõ chưa?
- Nghe rõ rồi!
- Phó Lười nợ cũ một tấn mười lăm cân, cộng nợ mới hai tạ hai, vị chi là một tấn ba tạ ba lăm cân, rõ chưa?
- Nghe rõ rồi!
- Phó Dê ba tạ hai mươi cân nợ cũ cộng một tạ linh năm cân nợ mới, vị chi là ba tạ hai lăm cân, nghe rõ chưa?
- Rõ rồi!
- Phó Ba Gai tám tạ nợ cũ hai tạ nợ mới, cộng cả hai khoản nợ là một tấn tròn… Phó Ba Gai đâu?
- Có ta!
- Anh có công nhận số nợ của gia đình anh là đúng không thì bảo!
- Tôi có công nhận nhưng tôi cóc trả!
- Á à! Anh định bán trời không văn tự đấy hở? Tại sao anh dám ngoác mồm ra nói có công nhận nhưng không trả?
- Tôi cóc cần trả! Nếu tính cho sòng phẳng thì hợp tác xã còn nợ lại tôi những vài chục tấn thóc!
- Đúng là thằng nói khoác “một tấc đến trời”! Ông Phó Ba Gai ạ, ông thử cho biết tại làm sao ông đang nợ hợp tác xã những một tấn thóc mà hợp tác xã lại nợ lại ông những vài chục tấn là thế nào?
- Là vì mấy chục năm nay tôi bị cái lối làm ăn kém hiệu quả của hợp tác xã làm hụt mức thu nhập bình quân mỗi năm là vài tấn thóc. Ruộng đất nhà tôi nộp vào hợp tác xã là hơn một mẫu, nếu để tôi cấy riêng mỗi vụ tôi sẽ thu trên hai tấn thóc, một năm là khoảng năm tấn thóc, trừ chi phí đi tôi cũng còn ba tấn để ăn, thừa ăn. Nhưng cũng số ruộng ấy đem vào hợp tác xã, làm quanh năm suốt tháng, mỗi vụ gia đình tôi chỉ thu về có mấy tạ. Chỉ cần một phép trừ là thấy hợp tác xã còn nợ tôi ít ra cũng hơn vài chục tấn! Mà ông đã biết làm tính trừ chưa thế hở ông Híp?
Ông Híp bực tức quay sang hỏi đám đông:
- Bà con thấy lão Phó Ba Gai nói có ngứa tai không?
- Không đâu! Nghe có lý đấy ông đội trưởng ạ! – Có ý kiến trả lời.
- Chúng tôi đều là những người lao động giỏi và chăm chỉ, thế mà mang công mắc nợ mới là vô lý! – Một ý kiến khác.
- Thế này là thế nào? – Ông Híp gào lên – Tôi đang công bố danh sách xã viên nợ đọng thóc của hợp tác xã thế mà các vị lại bảo là chính hợp tác xã nợ lại, rõ mới khéo nhỉ! Thôi giải tán! Tất cả những người nợ đọng thóc ngay sáng ngày mai phải đem thóc đến kho nộp đủ. Còn lão Phó Ba Gai thì từ giờ trở đi khóa cái mồm vào cho bọn này nhờ, lý sự của anh là lý sự cùn! Tôi tuyên bố trong vòng buổi sáng ngày mai anh không đưa một tấn thóc nợ ra nhập khi thì anh đừng có trách!
- Anh dọa tôi đấy à? – Phó Ba Gai vặn lại.
- Dọa anh để rồi đổ thóc giống trong bồ ra mà ăn à? Với cái hạng anh thì nói thật còn chẳng nước mẹ gì chẳng là dọa! Thôi, không lôi thôi lý sự cùn nữa, giải tán!
Sáng ngày mai, rồi sáng ngày kia, rồi mấy sáng nữa trôi qua, trên những con đường làng, ngõ xóm không thấy ai gánh hoặc xe thóc đem ra kho hợp tác xã. Ban thu nợ liên miên họp bàn cách. Đội trưởng Híp phát biểu:
- Kẻ dây dưa không chịu trả nợ hợp tác xã, chắn chắn đấy là phần tử phá hoại. Tình trạng này sẽ vỡ hợp tác xã. Mà vỡ hợp tác xã tức là vỡ xã hội chủ nghĩa. Dứt khoát phải thẳng tay!
Có ý kiến phát biểu:
- Nhưng có lẽ xã viên không còn thóc để trả?
Ông Híp đốp luôn:
- Anh mờ gà nó vừa vừa chứ! Anh đã chui vào buồng họ chưa mà biết không còn thóc để trả? Con người thời nay ma mãnh lắm, nhà nào nhà ấy sơ tán cả rồi…
- Hả, anh nói cái gì? Sơ tán à? Chả lẽ lại chiến tranh nữa hay sao?
- Không còn chiến tranh nữa, ai chả biết như vậy. Nhưng vẫn còn chuyện sơ tán. Những hộ nợ, còn ít thóc nào họ đem sang nhà những hộ không nợ gửi. Họ chuyển vào ban đêm. Làng xóm những đêm vừa qua lục cà lục cục, chỗ này bồm bộp, chỗ kia lách cách, rồi chó cắn sô cắn đuổi cứ như là có trộm…
- Vậy thì bây giờ làm thế nào để thu được nợ?
Híp bóp trán:
- Họ có vỏ quýt dày thì chúng ta phải có móng tay nhọn…
Đúng như lời đội trưởng Phan Híp nói, làng xóm những ngày này thật khác thường, chỗ nào cũng thấy tụm năm tụm ba thì thào bàn bạc. Đây là những con người từ xưa tới nay vốn thật thà như đếm, chưa bao giờ biết dối trá. Thời chống Pháp, cái làng này nhà nào cũng có hũ gạo kháng chiến, từng bữa một, mỗi khi đong đấu gạo vào rá đem đi vo để thổi cơm thì bốc lại vài nắm cho vào cái hũ sành để góc nhà, khi nào đầy thì đem nộp để góp phần nuôi anh cán bộ đang ngày đêm nằm bờ nằm bụi chịu đói chịu rét vì dân. Cán bộ ngày ấy được dân yêu dân tin, dân quên mình để bảo vệ, nuôi nấng. Niềm tin ấy giờ đây không còn. Thay vào đấy là nỗi sợ. Mỗi khi có cán bộ đến đầu ngõ, anh dân đã hoảng sợ không hiểu lại có chuyện gì đây, không đòi nợ thì cũng hạnh họe về chuyện sao hôm qua không thấy đi lao động tập thể, hoặc nghĩa vụ hơn năm nay chưa đi, chắc chắn sẽ bị phạt vào thóc mức ăn… Cứ thế dần dần ngày nay một tí, năm này một tí, đã thay đổi hẳn cách nhìn và tình cảm của người dân với cán bộ, cho đến giờ người dân nơi đây hễ nhìn thấy cán bộ là nhìn thấy nỗi sợ mà thôi…. Những năm gần đây động ruộng sút kém đã đẩy người dân đến cảnh đói khát, thiếu ăn, thóc hết hoặc gần hết ngay sau vụ gặt. Rồi từ chất phác thật thà họ bắt buộc phải thành người dối trá. Đi làm ngoài đồng, vì đói, vì chán mà làm rối làm ẩu cốt chạy theo công điểm. Và bây giờ, cứ mỗi vụ lĩnh thóc tươi ở sân kho về phơi, rồi ăn bâm vào không còn trả ra nên họ trở thành con nợ của hợp tác xã. Mà ông chủ nợ này nắm trong tay quyền lực nên còn ghê gớm hơn tất cả những ông chủ nợ khác. Ông chủ nợ này đang ngày đêm bàn mưu tính kế đưa ra chùm móng tay nhọn để cấu ngọn mồng tơi leo. Trước tình thế ấy, đám dân nợ cũng tụm năm tụm ba bàn cách đối phó. Cuộc đụng độ giữa đói nghèo và quyền lực sẽ diễn ra gay gắt. Ắng đi độ ba ngày. Đến ngày thứ tư thì xóm làng náo động. Ấy là chiếc xe công nông chạy sầm sầm vào các ngõ đem theo một đoàn thu nợ tiến vào từng nhà. Ngay từ lúc còn nghe thấy tiếng máy từ đằng xa, những gia đình mắc nợ đã rất lo sợ sai con ra ngõ thập thò đứng nhìn dõi theo chiếc xe công nông xem vào nhà ai trước rồi đến nhà ai, cách mấy nhà nữa là sẽ đến nhà mình… Cả gia đình nhốn nháo, cứ như là sắp chạy loạn. Còn tí thóc nào, họ liền đem xuống bếp, xuống chuồng lợn rồi vơ rơm vơ rạ đậy lên trên, hóa trang thật kĩ càng cũng vẫn còn thấp thỏm. Phan Híp ngày ấy là ủy viên ban quản trị hợp tác xã, do có ưu điểm cấp trên bảo gì nghe thế, chỉ đâu đánh đấy, nên được chỉ định làm trưởng ban thu nợ. Ông ta thật sự coi những hộ xã viên nợ nần dây dưa chưa thanh toán được là những kẻ phá hoại hợp tác xã. Chứ không à? “Mỗi người một nắm thì đắm đò ông”! Hợp tác xã lâu nay vốn đã như con thuyền ọp ép, đã mục nát cả trên đầu và dưới đít, nước rò rỉ lung tung, giờ thêm các xã viên lĩnh thóc rồi để ăn không trả ra nữa thì đắm hẳn chứ còn gì? Mà nếu vỡ hợp tác xã thì Phan Híp đâu còn chức ủy viên ban quản trị kiêm trưởng ban thu nợ, người làng ai trông thấy cũng phải khép nép, sáng nào cũng uống rượu với tiết canh lòng lợn tì tì ở cửa hàng mụ Béo. Thế rồi Phan Híp dẫn đầu một đoàn ngồi xe công nông phành phạch vào từng nhà. Trước hết là tuyên đọc số nợ của chủ hộ. Thứ hai là lên lớp cho con nợ hiểu rằng đã mắc trọng tội như thế nào. Thứ ba là yêu cầu nộp thóc. Tất nhiên là chẳng hộ nào còn gì để nộp, mà nếu có còn năm ba thúng thì người ta cũng giấu sang nhà hàng xóm vào những nhà may mắn không nợ, cho nên chẳng còn gì để đưa ra. Thế là chuyển sang giai đoạn khám nhà, khám buồng. Những gia đình này vốn đã rất nghèo, chỉ độc mấy gian nhà tường đất mái rạ, buồng the chỉ có cái dây thừng cũ vắt toàn áo vá, quần rách và chỏng trơ mấy cái xoong nồi cũ ở gậm giường. Khám mãi cũng chỉ có thế, đoàn thu nợ liền chuyển sang giai đoạn năm là tịch thu các đồ vật trong nhà để thế nợ, như bàn ghế tủ,… chất lên xe công nông đưa về trụ sở. Khốn khổ, bàn ghế có ra bàn ghế, tủ có ra tủ đâu, toàn là đồ cũ và xấu xí. Có điều là cái tủ để giữa nhà cạnh tường, cũng là nơi đặt bát hương để thờ cúng ông bà tổ tiên, giờ bị ban thu nợ bắt, quẳng lên xe công nông đưa về trụ sở hợp tác xã thì lấy gì mà đặt bát hương thờ? Khi lấy cái tủ ấy đi thì đoàn thu nợ để những bát nhang ấy xuống đất! Ông Phan Híp trưởng ban thu nợ không cho như vậy là vô lễ, là xúc phạm đến gia chủ bởi vì ngày trước ông cũng đã từng tham gia ban diệt cổ, đi phá phách miếu mạo, đền chùa  lấy gạch về xây nhà vệ sinh công. cộng.Còn  tượng và bát nhang cũng lẳng vào gian nhà kho để Phật cùng nằm đất với giun dế, thì mấy cái bát nhang ở những gia đình đang mắc nợ có là cái quái gì! Mà nó có nhục nó mới nghĩ đến việc phải lo toan như thế nào để trả nợ để lấy tủ bàn về mà đặt bát hương, rồi tổ tiên, ông bà ông vải mới phù hộ cho chứ! Nghĩ vậy rồi Phan Híp chỉ đạo làm thật triệt để. Chẳng có nhà nào còn thấy thóc lúa gì cả. Nhưng tất cả đều phải tịch biên bàn ghế, tủ… để khi nào trả thóc thì sẽ được lấy về. Không ai dám chống lại. Oai của hợp tác xã lúc này là oai trời. Đội đi thu nợ cũng là mang cái oai nhất đội nhì trời! Trong vòng một tuần lễ, ban thu nợ đã dùng xe công nông đưa về chật cứng tất cả các nhà kho và sân hội trường toàn bàn ghế giường tủ cũ rích, cai long đinh, cái gãy chân, nhưng không hề thu được tạ thóc nào. Chủ nhiệm Phan Tít chun chun hai lỗ mũi vì mùi hôi cứt gián cứt chuột từ đống bàn ghế tủ giường bốc lên, nhăn mặt hỏi trưởng ban thu nợ Phan Híp:
- Ông định làm gì với những của nợ này?
Phan Híp trình bày:
- Báo cáo anh, đây tuy là những đồ cũ kĩ chẳng ra gì nhưng đứng về mặt tâm lý mà nói thì nó lớn. Mất đi những cái bàn cao, cái tủ cao là mất đi chỗ thờ cúng…
Phan Tít gật đầu:
- Ban thu nợ thâm nho gớm nhỉ! Thế này thì bằng các ông đuổi ông bà ông vải người ta ra đường rồi còn gì?
- Nhưng không mạnh tay thì làm sao thu được nợ?
- Mười ngày nay chỉ thấy khuân bàn ghế giường tủ của người ta về chứ có thấy hạt thóc nào đâu?
- Xin anh cứ thư thư, rồi những tay nợ ấy giấu thóc ở đâu sẽ phải phọt ra để đưa được những thứ này về…
Ngày ấy Phan Tít đã phải gật đầu khen Phan Híp là mưu cao. Hai người cùng họ, Phan Tít là bậc trên, Phan Híp phải gọi bằng anh, tuy rằng tuổi tác ngang nhau. Trong ban quản trị hợp tác xã hai người thường dựa vào nhau. Thời này mà vớ được thằng cấp dưới chỉ đâu đánh đấy thì còn gì bằng! Phan Híp đã giúp Phan Tít được nhiều việc, là một trong những vây cánh chủ yếu để đo gang với các phe phái khác. Thời gian thấm thoát trôi qua. Giờ thì cả hai phải vào cuộc. Phan Híp nói:
- Anh không thể mất chức chủ tịch xã lần nữa được!
- Tôi mời chú sang là để bàn về chuyện ấy… Phan Tít nói rồi với tay lấy chai rượu ngoại để trên mặt tủ rót vào hai cốc đầy – Uống đi rồi ta bàn….
- Ngon quá! – Híp dốc ngược đít cốc xong rồi nói vậy – Anh định thế nào?
Phan Tít đưa cốc lên môi uống một tợp:
- Thằng cha Phạm Tằng lần này nó huy động cả họ vào cuộc....
- Thì ta cũng vậy, chứ kém gì? – Phan Híp nói:
- Họ ta thì không thể được!
- Vì sao? – Phan Híp có vẻ ngạc nhiên – Một người làm quan cả họ được nhờ thì dứt khoát cả họ phải sắn tay áo lên mà xông vào cuộc chứ!
- Cái họ khác thì thế, riêng họ ta lại không thể thế được!
- Vì sao?
- Chúng ta vấp phải lão trưởng họ cám hấp! Giữa cái thời nhố nhăng này mà cái gì cũng đòi trong sáng...
- Ông ta không nghe à?
- Không nghe!
- Thế thì làm thế nào bây giờ?
- Thì bàn xem. Tôi mời chú sang là để ta bàn bạc xem thế nào. Cái họ của Pham Tằng đã họp tất cả ba lần, giơ tay biểu quyết xông vào “trận đánh”....
- Còn họ ta thì nằm há mồm chờ sung rụng?
- Đại khái là như thế!
- Thế thì sẽ thua vãi đái ra chứ còn gì nữa!
- Phen này mà tôi không chiếm được ghế chủ tịch xã thì ngay cái ghế trưởng thôn của chú cũng lung lay!
- Vậy thì anh vạch nước cờ đi, bảo tôi làm gì tôi cũng làm, chỉ đâu là tôi đánh đấy! Như cái hồi đi thu nợ ấy....
- Chuyện này lại không thể dùng xe công nông được!
- Thế có cần nắm đấm không?
- Dĩ nhiên là không!
- Thế thì tắc tị à? Thế thì đầu hàng vô điều kiện à? Thế thì cái họ Phan đến ngày mạt vận à?
Phan Tít trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói:
- Ta vấp phải cái lão trưởng họ cám hấp không có nghĩa là bó tay. Nếu bí quá thì phải dùng mẹo vậy!
Phan Híp hỏi lại:
- Bác bảo mẹo gì?
- Nhưng điều này phải tuyệt đối giữ bí mật, chỉ tôi và chú biết mà thôi.
- Tất nhiên rồi! Thời này toàn Sở Khanh cả mà bác! Bác nói đi!
- Cậu thấy cái thằng trai lơ Phạm Tằng ấy thế nào?
- Bác hỏi về vấn đề gì?
- Mình hỏi về cái khoản trai lơ của nó...
- À cái khoản ấy thì thằng cha này vẫn đứng đầu bảng dê, nó đĩ tính nhất trong đám cán bộ xã này. Người ta bảo những thằng đa dâm là dễ diệt lắm! Vua chúa còn chết vì khoản này nữa là...
Suy nghĩ một lát rồi Phan Tít nói:
- Ở xã này chú thấy nó say ai, theo đuổi ai?
- Bác có cho em nói thật không?
- Tôi hỏi như thế là để được nghe chú nói thật, rồi ta bàn...
Phan Híp trầm ngâm:
- Khó nói quá! Em chỉ sợ nói ra bác lại cho em một quả tống nóng....
- Ô hay, không nắm được sự thật thì làm sao thắng nổi đối phương?
- Vậy em nói nhé?
- Nói đi!
- Thế thì thế này... Em để ý thấy Phạm Tằng còn rất chi là mê... bác gái nhà ta!
Nói xong câu ấy Phan Híp phải cứng người để nghe sự phản ứng từ phía ông anh họ. Nhưng Phan Tít cười:
- Chú không nói sai chứ?
- Ô hay, chuyện hệ trọng thế làm sao dám nói sai?
- Thế chú có bằng chứng gì không?
- Bằng chứng để buộc tội thì chưa. Nhưng bằng giác quan thứ sáu, em biết chắc chắn gã ta còn mê bác gái lắm. Có thể vẫn theo đuổi mà chưa đạt.
- Thế chú có biết chuyện thời chưa vợ giữa bộ ba xe pháo mã chúng tôi không?
- Dĩ nhiên là em có biết. Mà chả cứ em, ai mà chả biết! Anh chàng Phạm Tằng và anh chàng Phan Tít cùng mê cô Thắm đẹp mỡ màng. Phần thắng đã nghiêng về phía Phạm Tằng vì gã này rất đẹp trai, to cao, lại tán giỏi. Nhưng rồi bằng miếng võ bất ngờ từ chiếc ghế thường trực ban kiểm soát bác đã hạ đo ván đối thủ và chiếm luôn người đẹp. Phạm Tằng nuốt hận giơ tay đầu hàng để khỏi đi tù. Nhưng gã vẫn còn thèm thuồng theo đuổi cho đến tận giờ.....
     Phan Tít nhìn thẳng vào mặt Phan Híp hỏi:
- Xưa nay những kẻ mạnh thường chết vì gái phải không?
Phan Híp gật đầu:
- Vua chúa cũng chết vì chuyện ấy....
Phan Tít cũng gật gù:
- Hay lắm! Hãy dùng mĩ nhân kế để giành chiến thắng!

    Chương 19
Chuyện lạ lùng đã xảy ra ở làng Trọng Nghĩa. Làng từ trước tới nay cũng đã lắm chuyện lạ, nhưng chưa có chuyện nào lạ lùng như chuyện về Phó Cuội gần đây. Đã vài chục năm nay Phó Cuội nổi lên như một con người sinh ra để bốc phét một tấc tới trời. Những câu chuyện gã bịa ra thì đến thánh thần cũng phải chào thua. Người làng cười đến vỡ bụng khi nghe hắn khuếch khoác từ cái vật gây giống to đến bằng cái chày giã giò ngày tết đến chuyện giải lao nhiều đến mức ngồi để dái chảy ra ngoài quần rồi rơi ra bờ ruộng để nửa đêm vợ sờ không thấy liền khóc hu hu rồi ngỏm dậy lao ra bờ ruộng tìm được hai hòn dái về lắp vào chỗ cũ cho chồng. Cũng vì thế mà khi nghe gã nói về bất cứ một cái gì, người ta cũng bảo nhau: “Chuyện Cuội ấy mà!” dĩ nhiên là chỉ để cười chứ chẳng ai tin. Thế rồi vào một ngày tháng sáu trời nắng chang chang như đổ lửa, gã đang cày ải mảnh ruộng sau chùa, con trâu bị nóng quá bỗng vùng vằng phá chỉ giẫm chân tại chỗ mà không chịu bước. Gã giục “vặt”, “diệt” liên tục mà nó vẫn vùng vằng rụt cổ lại để tụt dây chão, rồi thì lại còn bước chân ra ngoài chão. Điên tiết gã quật luôn cho con vật mấy roi liền. Con trâu bỗng lồng bổ lên kéo theo cả dây chão và cái cày cứ bập lên bập xuống, và cả người gã đang cầm cày và cầm thừng ngã dúi lao theo. Gã tưởng chết lần này vì có thể bị mũi cày xiên hông. Con trâu vẫn lồng bổ lên kéo theo gã vì tay gã bị quấn vào cái thừng quá chật không tự tuột ra được. Gã bị kéo trượt đi trên mặt ruộng ải lô nhô toàn gốc dạ mới gặt sắc như dao làm xước cả mặt và chân tay. Gã cáu lắm. Trong đời làm canh điền của gã đã gặp không ít con trâu nghịch, phá, nhưng chưa lần nào làm gã đau nhừ tử như lần này. Có lẽ con trâu giữa trời nắng tháng sáu bị kéo cày quá sức nên nó lồng bổ qua hết ruộng này đến ruộng khác, chiếc cày và người cũng phăng phăng giật theo. Rồi lưỡi cày bập vào bờ, người cũng vật vào bờ, vật như một tảng đất đắp đường nghe cứ huỳnh huỵch. Cho đến lúc con trâu cũng nhọc phờ và Phó Cuội chưa chết. Khi được dừng lại, gã tức sùi bọt mép, liền vớ luôn lấy cái bắp cày lao đến quật vào đầu con trâu. Nhưng rồi một cú vằng, cái ngà trâu nhọn hoắt đã phập vào chỗ thái dương bên trái của gã. Gã ngã vật ra rồi mê man bất tỉnh. Cả cánh đồng chạy đến. Phó Ba Gai, Phó Xoáy, Phó Dê cũng từ ngõ ngách nào đấy lao ra để cứu nguy cho bạn rượu. Rồi tất cả thay nhau cõng gã về làng. Một chiếc võng đay ghé vào, cả hội Ngũ Tử đưa gã đến bệnh viện. Bốn tuần liền gã trong gã trong tình trạng hôn mê. Hơn một tháng sau gã mới tỉnh. Ba tháng sau đó gã mới xuất viện. Cả làng Trọng Nghĩa bỗng nhận ra gã thay đổi hẳn. Giờ đây cái đầu gã cạo trọc trắng hớ, một cái sẹo đỏ hỏn to đến bằng cái đít chén ở chỗ thái dương bên trái. Đôi mắt, nhất là con mắt bên phía sẹo xếch hẳn lên, nhìn vào đấy ai cũng thấy chờn chợn. Nhưng xem người gã lại có cái vẻ lớ ngớ, hiền lành của một chàng ngốc bẩm sinh. Hôm ở bệnh viện về, gã ngồi xe ôm hết năm nghìn là tới nhà. Rồi gã mò luôn ra hàng bánh cuốn của vợ. Vợ gã dùng kéo cắt nhỏ từng miếng cà cuống cay vào bát nước chấm cho khách, thấy chồng cô ả ngẩng lên mỉm cười. Nhưng kìa, rõ ràng là gã nhìn thấy vòng xoáy hình trôn ốc trong đầu vợ, và gã “nghe” thấy vợ mình nói:
- Bây giờ mới dẫn xác về à? Canh điền với chả canh đất, người với ngợm trông thế mà để trâu vằng thủng đầu! Cũng may là chưa chết hẳn! Bộ dạng thế này thì liệu có còn bắt được cà cuống cay nữa không!
Gã liền hỏi:
- Cô nói lảm nhảm gì thế, cà cuống cay với chả cà cuống đực...?
Cô vợ trố mắt:
- Anh điên à? Em có nói gì đâu!
Nhưng ngay lúc đó gã lại nhìn thấy những vòng xoáy trôn ốc trên đầu vợ phát ra tín hiệu: “Mấy tháng nằm viện tốn đến mấy triệu bạc mà khéo không ra hồn người..”
Gã không nói gì. Cô vợ nhìn gã mỉm cười:
- Anh khỏe hẳn rồi à? Xuất viện sao không nhắn để nhà lên đón?
- Việc gì mà phải đón! – Gã trả lời.
- Chắc là đói lắm rồi, anh ăn đĩa bánh nhé? – Cô vợ vừa nói vừa xếp một đĩa bánh và múc một thìa nước chấm đã pha cà cuống cay đặt trước mặt chồng.
Gã lại “nghe” thấy từ những vòng xoáy trôn ốc trên đầu vợ:
- Ăn cho no đi rồi về mà nằm nghỉ để đêm nay “mỗi người làm việc bằng ba” con này ở nhà khối thằng tán đòi chọc ngoáy nhưng cố nhịn, bây giờ thèm lắm rồi.... Liệu cái thần hồn không làm tròn bổn phận là đây sẽ chìa “con ba ba” cho thằng khác....
Gã không nói gì, ăn hết đĩa bánh rồi đứng lên về. Gã yên tâm là thời gian gã nằm viện, vợ gã ở nhà chưa chìa “con ba ba” cho thằng nào cả. Và đêm nay nghĩa vụ của gã là phải xông pha quyết liệt. Gã về đến nhà không đi nằm mà ngồi ghế đưa cái điếu cày ra mồi thuốc rồi xòe diêm hút. Ngẫm nghĩ. Chẳng biết là nên vui hay nên sợ. Từ ngày bị trâu vằng thủng đầu rồi bị hôn mê mấy tuần liền, khi tỉnh lại gã đã “nghe” thấy trong người có nhiều cái khác lắm. Gã đã mấy lần “nghe” thấy cô y tá vừa tiêm vừa rủa gã “Thằng kiết xác này bà thức đêm thức hôm vì mày, mà chưa thấy mày cho bà được trăm nào...”. Rồi mụ hộ lý khi phải dọn phòng, những cái vòng xoáy trôn ốc trên đầu thì lại nói toàn là bậy bạ. Từ trước đến nay gã chỉ muốn vui nên thường bịa chuyện để cười, ở đời đã có lắm cái đau buồn thì cũng phải có những giây phút cười sảng khoái. Vả lại ông trời sinh ra gã như thế, bẩm sinh gã đã là một thằng tếu táo gây cười cho trẻ con. Năm tháng trôi đi cuộc đời bao biến đổi, cái tật từ thuở nhỏ cứ lớn dần mãi lên đến trở thành Phó Cuội. Các làng giờ đây đều có Chí Phèo, Bá Kiến toàn gây chuyện khóc mếu thì cũng phải có Phó Cuội để đưa đến cho con người những trận cười. Giá chỉ thế thôi, suốt đời gã chỉ làm Phó Cuội thôi, nhìn đời qua con mắt Cuội, sự hiểu biết mọi mặt cũng chỉ tầm ngang tuổi Cuội, thì chắc chả có chuyện gì rắc rối. Đằng này, sau một trận “chiến đấu” với trâu, gã bị con trâu quen thuộc của mình hạ đo ván, cái “ngà” nhọn hoắt của nó đã cắm phập vào cái đầu Cuội của gã, sau bốn tuần hôn mê lúc tỉnh lại, cái tài khuếch khoác biến mất,thay vào đấy là một khả năng kỳ diệu : Nghe được,đọc được những ý nghĩ thầm kín của con người qua những vòng xoáy trôn ốc ở đầu người ta. Điều này không hiểu là may hay rủi đối với gã. Gã còn đang suy nghĩ miên man thì chợt vợ gã quẩy hàng về. Gã hỏi :
-Sao về sớm thế ?
Vợ gã cười :
-Hết hàng sớm thì đừng về sớm à ?
Cùng lúc ấy gã nhìn thấy những vòng xoáy trôn ốc trên đầu vợ nói rằng :” Thèm lắm rồi,tôi bán rẻ đi để về sớm đấy “. Gã cười thầm. Vợ gã vội vã để các thứ đồ hàng chỗ cửa bếp,rồi cũng vội vã ra cầu bến rửa chân tay mặt mũi.Lúc vợ gã trở vào,gã nhìn thấy mặt vợ gã tươi cười ròi hơi ngẩn ra một lát. Những vòng xoáy trên đầu vợ gã nói:  ” À quên,phải rửa cái ấy cho sạch để chốc nữa lão chồng còn hôn hít...” Gã cũng mỉm cười nghĩ bụng bọn đàn bà thế mà gớm thật.,giá mình không đọc được những vòng xoáy thì biết sao được những ý nghĩ tầy trời như thế ,nó thích mình hôn vào chỗ ấy nên nó mới rửa sạch trước để nhử mình... Qủa thật gã cũng đang thèm.Trận trâu vằng chỉ thủng đầu làm biến dạng khả năng từ nói cuội thành người nhìn thấu được ý nghĩ của người khác ,chứ không tước đi khả năng tình dục của gã,ngược lại có phần tăng lên.Cho nên gã rất thích thú khi đọc được những vòng xoáy trôn ốc trong đầu vợ.Vợ gã đã ra nhà tắm để rửa cái ấy cho sạch,xong rồi trở vào,mặt thị cứ đỏ lên trông đến ngứa mắt.Tối nay mấy đứa con ăn cơm xong đã rủ nhau đi xem phim ngoài bãi chợ,vì thế hai vợ chồng có thể ngủ trước gà được.Chà chà suốt mấy tháng nằm việ chẳng được sờ mó gì,giờ thèm quá rồi,nhưng trước hết mình phải xem có mất dấu không đã.Mà mặt cô vợ sao cứ đỏ mái thế kia?Vừa lúc ấy cô vợ lườm nguýt mấy cái rồi định khép cửa, thì ngoài ngõ có tiếng gọi nheo nhéo
-Phó Cuội đã về rồi đấy à ?Còn sớm thế này mà đã cuộn nhau trên ổ rơm hay sao ?
Dứt câu nói đoàn tứ tử từ ngõ tiến vào,đi đầu là Phó Ba Gai,tiếp theo là Phó Xoáy,rồi đến Phó Tán Gái, cuối cùng là Phó Lười, trong tay mỗi vị là chai rượi cuốc lủi và gói thức nhắm,gói trong lá chuối,buộc túm lại bằng dây đay .
Trời đánh thánh vật những lão này,đồ phá đám...Phó Cuội mỉm cười nhìn vòng xoáy trong đầu vợ nói vậy, tuy ngoài mồn thì cô vợ lại đon đả :
-Chào bốn bác,nhà em mới xuất viên ban chiều đang ngồi chờ các bác sang chơi...
Bốn vị tiến vào đặt bốn chai rượu và bốn gói thức nhắm lên mặt bàn rồi gần như cùng lúc nói :
-Chúc mừng bác Phõ Cuội...Hôm nay tha hồ hít ngưởi trên ổ rơm...
Phó Cuội chạy tới ôm lấy từng bạn rượu .
 Tất nhiên là cả bốn vị này chưa biết ông bạn vong niên của họ sau trận bị trau húc thủng đầu lại thêm một tài mới, ngoài tài đại nói khoác. Họ chỉ chờn chợn nhìn cái đầu sao lại trọc lếu để hở ra cái sẹo to tướng đỏ hon hỏn.
- Đừng nhìn tớ như thế! – Phó Cuội mỉm cười – Chỉ đơn thuần là tôi thích trọc đầu cho nó mát. Trước đây thì tôi cũng là dân trọc đầu, vì chức Phó Cuội thì có mang đến lợi lộc gì đâu, khi tôi bịa chuyện b... to bằng cái chày giã giò mà cô vợ cứ luôn mồm bảo “Vào nữa đi anh!” thì tôi bị các bà vợ tuy là cười đến chảy nước mắt nhưng cũng cốc cho tôi đến vài ba chục cái vào đầu thế thì chức Phó Cuội chỉ làm tổn thọ phải không? Nhưng mà vui, tôi đã góp được tiếng cười làm át đi tiếng khóc. Giờ tôi sắp chuyển ngành từ Phó Cuội sang Phó Nói Thật nghĩa là anh nào....
- A ha! Lại còn có chức danh Phó Nói Thật. Tôi tưởng rằng chỉ có Phó Cuội đã là vinh dự cho ông lắm rồi! – Phó Lười hỏi vặn.
- Bác Phó Lười ạ, mồm thì bác nói vậy, nhưng trong đầu bác lúc này lổn nhổn toàn những cua đang bò, tôi còn ngửi thấy mùi hành mỡ phi gạch thơm lừng nữa đấy! Phó Cuội nói và mỉm cười.
- Đúng, đúng! Tôi đang lo đám cua đang nhốt trong thùng để ở góc sân quên không đậy không biết nó có bò ra ngoài được không, và ngày mai lúc phi gạch để làm màu mà chưa có hành tỏi gì cả. Mà này ông Phó Cuội kiêm Phó Nói Thật dạo này ông giỏi ghê quá nhỉ?
      Chị Hương dù trong đầu có bực với đám bạn bà của chồng đã kéo sang “không đúng lúc” để chị phải nén khát thèm, nhưng bên ngoài chị vẫn tươi cười đon đả dọn một mâm rượu rất tươm tất để chồng và bạn ngồi nhậu nhẹt. Xong rồi mặc, chị vào buồng nằm ổ rơm đưa tay gãi sồn sột mấy chỗ trong quần, cái của nợ, đã rửa sạch sẽ đến thế mà vẫn còn thấy ngứa. Chị nằm đây mà vẫn nghe vọng ra ngoài. Chồng chị, anh Phó Cuội kiêm Phó Nói Thật hình như đang quay sang nói chuyện với Phó Dê:
- Sao đang ngồi uống rượu với đàn ông mà cái đầu cậu lại lổn nhổn toàn những cái ba góc của đàn bà thế?
- Đàn bà nào? – Phó Dê chống đỡ.
- Cậu đang nhớ lại cái đêm hôm mưa to gió lớn sang “đè nhà” cho chị Tròn Xoe, nhà thì không đè, cậu toàn đè hừ hự lên cô chủ nhà béo mỡ là thế nào?
Phó Dê tái mặt, thằng chó Phó Cuội này thành ma xó mất rồi! Đúng là có chén rượu vào hâm nóng các thứ nên làm mình nhớ lại....
Phó Cuội kiêm Phó Nói Thật lại quay sang ông bạn Phó Xoáy:
- Tôi tưởng từ ngày đổi mới, ông đã thôi nghề “Phó Xoáy”?
- Đúng vậy! – Phó Xoáy gật đầu.
- Thế sao trong đầu ông, tôi lại nhìn thấy một cặp gà mái tơ đã biến thành nồi cháo bốc hơi? Và lúc này đây, các vòng xoáy trên đầu ông đang nói “Thằng trời đánh! Mày biết cả những chuyện ma quỷ không biết à?”
Phó Xoáy cười:
- Chào thua!
Phó Cuội kiêm Phó Nói Thật đắc ý quay sang Phó Ba Gai:
- Dạo này ông còn hay ba gai nữa không?
- Trừ lúc đi ngủ, còn lúc nào tớ cũng sẵn sàng ba gai!
Phó Cuội phì cười:
- Thằng cha này nói thật!
*  *
     Không hiểu sao đêm nay, lúc nằm bên vợ, Phó Cuội lại thấy mình là chàng Lê Văn Cuốn ngày nào. Bánh xe thời gian như ngược chiều quay lại, nó quay vun vút rồi dừng lại ở cái thời điểm đang bập bềnh sóng vỗ tình yêu. Văn Cuốn đang đứng trước tình thế mất trắng tay cô nàng bánh cuốn xinh đẹp mỡ màng. Hương đang gần như ngả hẳn về phía Hoàng Thi – một chàng trai hào hoa phong nhã sống nơi thị thành hoa lệ. Chàng đưa đến cho cô những cảm giác mới, những mơ mơ thực thực đan chen. Mỗi buổi sáng chàng đạp cái xe bóng nhoáng đến hàng, người chàng thoang thoảng mùi nước hoa phố phường, lại như vừa tắm trong hương đồng gió nội. Chàng ngồi ăn nhỏ nhẻ, đôi mắt mơ màng nhìn những làn sóng lăn tăn dưới làn gió thu ở con sông đầu làng, và chiếc cầu tre mỏng mảnh vắt ngang sông. Lúc vắng khách, chàng đọc thơ Nguyễn Bính. Cô nàng Hương lim dim đôi mắt ngồi nghe. Nàng mới học hết lớp bốn trường làng. Tuổi thơ của nàng được ru trên lưng trâu cùng những giỏ cua giỏ ốc. Nàng chỉ được nghe những câu ca dao ngày nhỏ nằm võng mẹ nàng ru. Giờ được nghe thơ Nguyễn Bính, lòng nàng như có gió thổi vào, nàng thấy đời như khác hẳn. Rồi sáng nào khi ngồi bán hàng, nàng cũng ngong ngóng đợi, đôi mắt lá răm luôn luôn liếc nhìn con đường ngoằn ngoèo lượn theo con sông bốn mùa trong mát. Bóng chàng xuất hiện là tim nàng thổn thức, niềm vui dù đang ngủ cũng bật dậy khiến nàng cười nói luôn mồm quên cả múc thêm nước chấm và cắt thêm cà cuống cho khách. Với anh chàng Văn Cuốn thì lúc này lòng nàng đang nguội. Nàng nhìn cái mồm rộng, hai cánh mũi to của cái chàng nói khoác như cuội sao thấy ghét. Những câu chuyện cuội của Văn Cuốn những ngày trước rất hấp dẫn nàng, nó ru nàng vào mộng mơ, mà đời không có những phút mộng mơ, những phút lên tiên dù trong mộng tưởng thì sao gọi là đời? Nhưng khi Hoàng Thi xuất hiện để đối sánh thì Văn Cuốn chỉ là anh nhà quê bẻm mép, nói khoác thành thần, ăn một lúc hết ba đĩa bánh, lại không biết cả đến thơ Nguyễn Bính để đọc cho nàng nghe. Vì thế mà nàng bắt đầu thấy ghét cái mồm rộng, hai cánh mũi to cứ phập phồng.....
Ngày ấy chàng Văn Cuốn ngờ nghệch không rõ được những ngóc ngách tâm lý ấy. Nhưng sao đêm nay, cái đêm sau ba tháng bị trâu vằng vỡ đầu, nằm cạnh vợ nghe rõ tiếng thổn thức từ con tim đang khát thèm thì Phó Cuội lại nhìn rõ đến chân tơ kẽ tóc cái tâm lý con gái một thời. Vùng sáng kí ức lại dẫn dắt chàng đi tiếp trên con đường tình. À đây rồi, Văn Xoay ra tay, tất cả những con cà cuống ở chợ đều biến mất. Bộ mặt buồn thiu của chàng Hoàng Thi khi không không có cà cuống cay đưa về làm quà cho thôn nữ đành ngồi ru tú ở nhà đọc thơ Nguyễn Bính một mình. Cô nàng Hương cũng buồn thiu. Rồi Văn Cuốn xuất hiện trước mặt nàng mỗi buổi sáng trên tay cầm một giỏ cà cuống cay. Nàng mỉm cười gật đầu rồi đưa đĩa bánh ra mời. Tình yêu nối lại từ mùi thơm cay của cà cuống và những đĩa bánh tráng ngon đến quên đời....
Thế là đã hai mươi năm trôi qua kể từ ngày ấy. Đột nhiên Phó Cuội xoay người lại, trong bóng đèn mờ mà vẫn nhìn rõ gương mặt hãy còn xinh đẹp của vợ, hỏi:
- Có bao giờ em còn gặp lại anh Hoàng Thi nữa không?
- Có đấy! Thỉnh thoảng khi em lên mua hàng trên phố, vẫn gặp.
- Anh ta giờ ra sao, có còn mơ mộng vẩn vơ như hồi trước không?
- Anh ấy thành nhà thơ nổi tiếng rồi!
- Thế à? Thành một nhà thơ nổi tiếng cơ à? Ngày ấy anh chỉ thấy anh ta ngơ ngơ ngác ngác, mơ mơ mộng mộng...
- Em nghe người ta nói rằng đấy là đặc điểm của những tâm hồn thơ, vị nào cũng mơ mộng, họ sống đầy chất lãng mạn viển vông...
- Em có nghe thơ anh ấy không?
- Có ở đài ấy! Mục “Tiếng thơ” lúc mười giờ ngày chủ nhật em vẫn nghe chị Vũ Kim Dung ngâm thơ anh ấy.
- Có hay không?
- Theo em thì hay lắm, giống thơ Nguyễn Bính có hương đồng gió nội, có giậu cúc tần, có ao rau muống và chum tương, có hàng cau và trên ngọn cau có tổ chim sẻ...
- Em có vẻ nhập tâm thơ anh ấy....
- Thì ngày trước em suýt lấy anh ấy vì mê thơ...
- Và em giữ mãi một tình cảm thuở ấy?
- Em để nó dưới đáy lòng của em.
- Thế em không sợ anh ghen à?
- Em không sợ, vì em đã để dưới đáy cơ mà?
- Theo luật thì anh có quyền đòi hỏi em phải quăng nó đi chứ không được để trong lòng!
- Thế anh không muốn nghe em nói thật à? Nếu em bảo em quẳng xa rồi thì anh cũng tin chứ gì?
- Lúc này thì anh có thể biết được ai nói dối ai nói thật. Từ tối đến giờ em nói với anh rất thật.
- Những gì là tếu táo thì em có thể nói dối. Những gì là trang nghiêm thì em nói thật.
- Thế có bao giờ em ước được làm vợ một nhà thơ không?
- Em có ước đấy! Sở dĩ bánh cuốn của em rất ngon, bởi vì nó có chất thơ, lúc làm bánh cuốn ấy em vẫn nghe thơ từ đài... giá mà chồng em là một nhà thơ thì hay biết mấy. Chàng sẽ đọc thơ cho em nghe lúc tráng bánh, và chàng sẽ làm thơ về bánh và cô hàng bánh cuốn chả cà cuống cay...
Phó Cuội gật gù:
- Biết vậy thì anh sẽ làm nhà thơ để vừa lòng em...
- Anh cũng làm nhà thơ hoặc nhà văn được đấy! Em nghe người ta nói là muốn làm nhà thơ nhà văn trước tiên phải có tài bịa, bịa như thật và hơn cả sự thật. Thế thì ở đời này còn có ai giỏi bịa bằng anh, đến mức đã thành Phó Cuội?
- Thế à?
- Thật thế đấy. Em ít đọc sách vì bận làm bánh, nhưng em nghe mục văn thơ trên đài, em thấy các nhà văn nhà thơ nói trên đài là phải giỏi bịa....
- Vậy hôm nào gặp nhà thơ Hoàng Thi em mời về chơi nhé!
- Nhưng anh không ghen chứ?
- Lẽ nào anh lại còn ghen?
- Thế anh không sợ cái tình cảm xưa kia em nén nó xuống đáy lòng ngỡ nó bật dậy thì sao?
- Anh không sợ! Ở đời mà nói đến cái gì cũng sợ thì chẳng ra con người nữa! Cứ mời anh Thi về, chúng ta coi anh ấy là bạn cũ.
- Em nghe đài nói anh Hoàng Thi đã được vào Hội nhà văn Việt Nam...
- Thế cơ à? Hai mươi năm trôi qua anh ấy thành nhà thơ quốc gia còn anh thành Phó Cuội!
         Có tiếng cười rúc rích. Rồi cô vợ nói:
- Trở thành Phó Cuội tưởng dễ à? Cũng phải có biệt tài mới thế được chứ? Nhà thơ thì nhiều, chứ Phó Cuội chỉ có một anh....
- Không thời này từ quan tới dân đã thành Phó Cuội cả, chả hiếm hoi gì đâu! Nếu anh mà là nhà văn thì anh sẽ viết một quyển sách nhan đề “Thời Cuội”!
- Anh ạ, sau trận trâu vằng thủng đầu không chết giờ em thấy anh khác hẳn trước, khéo anh thành Phật mất...
- Chẳng biết sẽ thành Phật hay thành ma, có điều là em nói đúng, anh cũng thấy mình khác hẳn trước. Này em, anh rất muốn gặp anh Hoàng Thi....
- Nhưng chắc chắn là anh không ghen chứ?
- Khổ quá, nói mãi rồi, đã bảo anh coi anh ấy là bạn cũ vừa là thượng khách của vợ chồng ta.
- Thế thì được rồi, hôm nào đi phố gặp em sẽ mời.
- Hôm nào... thì lâu quá!
- Biết làm thế nào được?
- Thế em không thể đến Hội nhà văn à?
- Hội nhà văn Việt Nam mãi ở Hà Nội cơ mà?
- Thì Hà Nội chứ có là ngoại quốc đâu?
- Em còn phải bán bánh....
- Thì hãy hoãn bán bánh mấy ngày đã chết ai? Cứ đến gặp nhà thơ đi, và nói rằng Văn Cuốn có lời xin lỗi về hành động ngày trước.
- Sao anh lại phải xin lỗi? Dở thế?
- Có lỗi thì phải xin lỗi, có gì là dở?
Cô vợ cười:
- Không khéo Phật chưa thành,  mà thành hâm cũng nên!
Bỗng Phó Cuội ôm lấy vợ:
- Ngày ấy để được em, anh đã bàn với Văn Xoáy tức Phó Xoáy sau này, đi nẫng hết mọi con cà cuống ở chợ để Hoàng Thi không còn cà cuống mà mua đem về tặng cô gái hương đồng gió nội....
- Tranh người yêu thì phải giở thủ đoạn chứ có gì là lỗi?
- Thế mà có lỗi đấy! Mà lại phạm lỗi với một nhà thơ cỡ quốc gia sau này. Giả thử anh không làm teo hứng của anh Hoàng Thi thì biết đâu anh ấy lại chả bật ra được khối bài thơ hay về....
- Thôi thôi, ai lại tính cua trong lỗ như thế!
Đêm đã khuya. Tiếng côn trùng rả rích từ bờ sông bờ ao. Gió thổi vèo vèo lướt bên ngoài cửa sổ. Tiếng gà gáy nửa đêm về sáng văng vẳng cất lên rồi chìm dần trong màn đêm đầy sương phủ. Vợ chồng Phó Cuội thiếp dần vào cơn ngủ say....
Một ngày kia, vào quãng mười giờ sáng, tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội, nhà văn Ma Văn Kháng đang ngồi làm việc tại bàn thì có một người đàn bà đẩy cánh cửa “Ban sáng tác” bước vào, tự giới thiệu:
- Tôi là Hương, quê ở Nam Định....
- Vâng, xin mời chị ngồi – Nhà văn Ma Văn Kháng rót nước vào chiếc cốc nhỏ mời khách – Chị uống nước đi, chị cần hỏi việc gì thế ạ?
- Tôi hỏi nhà thơ Hoàng Thi ạ....
- Chị là người nhà của anh Hoàng Thi từ quê lên thăm hay thế nào ạ?
Người đàn bà rụt rè:
- Vâng tôi là bạn.....
Nhà văn Ma Văn Kháng bây giờ mới để ý quan sát. Rõ ràng trước mặt anh là một cô gái thôn quê thon thả óng ả với cái quần đen, cái áo gụ tươi may kiểu ngày xưa cổ tròn hơi trễ, thắt hông và có hai túi nhỏ ở hai tà áo phía trước, lại có cả nón trắng và đôi guốc đen cao gót, gương mặt trái xoan, mắt đen hạt nhãn, răng trắng, có má lúm đồng tiền ở cả hai bên má, cười rất duyên, tóc dài đen mượt cặp gọn ra sau lưng. Tuy tuổi đã không còn là tuổi con gái nữa, nhưng mà vừa đẹp lại vừa có duyên, một thứ duyên thầm của đàn bà nhà quê rất quyến rũ. Tâm hồn anh cho đến giờ vẫn là một tâm hồn quê nên anh rất vui khi có phái đẹp thế này đến chơi, hay hỏi việc gì đó.
- Có phải chị là Hương? – Nhà văn Ma Văn Kháng hỏi thăm dò.
- Vâng ạ! Sao anh biết được tên em?
Nhà văn Ma Văn Kháng cười:
- Đọc thơ Hoàng Thi toàn thấy hương đồng gió nội, bài nào cũng có cô gái quê tên là Hương....
Nàng Hương mặt hơi đỏ, im lặng.
- Lại còn có cả mấy bài thơ về bánh cuốn mà chỉ nghe thơ đã thấy ngon tuyệt vời! Hoàng Thi đang rủ tôi về Nam Định để ăn bánh cuốn với nước chấm cà cuống đồng.....
- Thế anh Hoàng Thi bây giờ ở đâu ạ?
- Ơ kìa, Hoàng Thi vẫn ở Nam Định chứ? Mà không ở phố đâu, đã từ lâu anh ấy về một vùng quê ngoại thành, hình như là ở xã....
      Nghe tên nơi ở xong, Hương đứng lên lễ phép:
- Em xin cảm ơn. Em mời anh một ngày nào đó về em ăn bánh cuốn....
Ma Văn Kháng tít mắt mỉm cười rồi đưa chân người đẹp hương đồng gió nội ra tới cổng, gọi xe xong anh mới yên lòng quay vào bàn làm việc.
Cái nơi ấy thì Hương không lạ, cũng là vùng quê bông nổi cho chim bông chìm cho cá đồng chiêm cạnh bãi ven sông, cách quê của Hương chỉ nửa giờ đi xe đạp. Thế mà những lần gặp trên phố, anh Hoàng Thi niềm nở hỏi han đủ điều Hương, mà chẳng bao giờ anh nói về anh, chẳng bao giờ anh nói về một chỗ ở mới. Từ Hà Nội, Hương về nhà, rồi khoảng bảy giờ sáng hôm sau Hương hỏi chồng:
- Có nên đi tìm anh Hoàng Thi nữa không anh?
- Có chứ! – chồng Hương trả lời – Nếu gặp được Hoàng Thi thì cứ thư thả chuyện trò, ăn với anh ấy bữa cơm trưa rồi chiều mời anh ấy cùng em về nhà ta.
Hương thay quần áo mới – cũng chỉ là quần lụa đen, áo cánh màu nâu non cũng nón trắng và đôi guốc sơn đen cao gót, nghĩa là đặc quê. Chưa đầy nửa giờ sau, Hương đã đến cái nơi mà người ta nói là nhà thơ Hoàng Thi đang ở. Một vùng quê nghèo đang khởi sắc với những mái nhà còn tươi màu ngói, dòng sông trong trẻo uốn lượn bên con đường mới rải đá, chiếc cầu tre vắt vẻo, rặng tre xanh rủ bóng đôi bờ... Hương hiểu ngay ra vì sao nhà thơ có tâm hồn hương đồng gió nội ấy lại chọn nơi đây? Rồi những hình ảnh của ngày trước lại thấp thoáng hiện về... Cái lúc này Hương như quên đi hiện tại, lòng bồi hồi xao xuyến nhớ lại buổi ban đầu gặp gỡ, Thi đã đến hàng của Hương để ăn bánh cuốn cà cuống cay, nhẹ nhàng, thanh nhã như một làn gió thơm thoang thoảng. Chàng thư sinh ấy ngay lập tức đã tưới lên tâm hồn cô thôn nữ một dòng nước mát, để rồi cho đến giờ sau hai mươi năm vẫn còn thấy mát. A, nhà anh Thi đây rồi! Một cái ngõ hẹp mà dài chạy giữa hai hàng xoan táo dẫn đến một cái sân sỉ nhỏ con, rồi một ngôi nhà rất nhỏ hai gian mái rạ, vách đất trộn rơm quét vôi....
Thi từ trong nhà đi ra nhìn thấy Hương dắt xe đi vào, bỗng reo lên:
- Ô kìa, cơn gió lành nào đưa em đến đây?
Hương mỉm cười:
- Em cứ lần theo con đường nào có “hơi thơ” là đi và tìm được nhà thơ. Ghét anh lắm! Những lần gặp ở phố, anh chẳng bảo chỗ anh ở bao giờ, làm em mò cả lên Hội nhà văn ở Hà Nội để tìm. Cũng may là gặp được anh Ma Văn Kháng cho em địa chỉ ở ngay cạnh quê em...
- Vậy em vào nhà đi, chờ anh rửa cái mặt, chải cái đầu để tiếp người đẹp...
Hoàng Thi đi ra chỗ chum nước dưới gốc cau, dùng cái gáo dừa múc nước từ chum ra đổ vào cái chậu sành để rửa mặt. Hương chống xe rồi vào nhà. Một chiếc giường tre nhỏ kê phía bên này, trên ấy là cái chiếu trơn, cái chăn màu tro và một cái gối mây. Phía bên kia một bộ bàn ghế ba đai, còn thì toàn là sách ở các giá trên tường. Một lát sau Hoàng Thi từ chỗ chum nước đi vào. Hai người nhìn nhau đều mỉm cười.
- Bây giờ em thích ngồi bàn ghế uống nước hay ngồi giường? – Thi hỏi bằng cái giọng rất thật thà.
- Em thích ngồi giường vì giường mới chiếu mới nhiều hơi ấm... Hương nói và mỉm cười.
- Thế thì cầm hộ anh bộ ấm chén xuống giường, để anh đặt ấm nước lên bếp dầu...
Hương đi đến bàn, nhìn cái ấm màu gạch to vừa bằng nắm tay và bộ đĩa chén hạt mít mà buồn cười:
- Anh Thi ạ, cái chén bằng hạt mít này anh đãi khách nhà văn của anh thì được, chứ còn em phải uống vài trăm chén mới đỡ khát! Mà anh chưa lấy vợ hay sao mà giường hẹp thế này, lại chỉ có một cái gối?
Thi không nói gì. Anh cứ lẳng lặng đốt bếp dầu rồi đặt siêu nước lên đấy. Người đàn bà đang ngồi ghé mép giường nhìn anh thắm thiết thế kia là nguyên nhân của mọi niềm vui, nỗi buồn. Anh thành một nhà thơ hương đồng gió nội nổi tiếng cũng là ở cô gái quê này, mà cho đến tận giờ đã ngoài bốn chục tuổi vẫn chưa vợ cũng từ cô gái quê này....
Ngày ấy, cái ngày cách đây đã hai mươi năm, một buổi sáng anh từ thành phố đạp xe ra vùng ngoại thành lúc đầu chỉ là để hít thở bầu không khí trong lành, để được tắm mình trong hương thơm buổi sớm của đồng lúa đang phơi màu, được nghe gió hát từ những ngọn tre và nhìn con sông làng êm ả có những chú cá mương, cá rói mắt đỏ hoe lượn lờ quanh cầu bến. Rồi chiếc xe đạp đưa anh đến một quán hàng bên bờ sông, mái rạ, cột tre với mấy chiếc ghế dài mộc mạc nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Anh sững sờ trước một thôn nữ với bàn tay nhỏ nhắn thoăn thoắt cuộn bánh, cắt bánh. Cô gái này so với các cô trên phố chắc chắn không phải là người đẹp nhất, càng không phải là người chạy theo mốt. Chỉ là chiếc áo gụ, quần đen, tóc cặp ra sau, môi má không hề son phấn, thế nhưng có một cái gì đấy cuốn hút hồn anh ngay từ phút đầu. Ngày ấy, Hoàng Thi chưa phải là một nhà thơ, nhưng trong anh đã có một hồn thơ, cũng có thể nói là một hồn thơ lai láng. Cái hồn thơ ấy lâu nay vẫn ẩn, có lẽ nó bị lớp bụi của phố phường làm mờ, bị những tiếng ồn chợ búa át đi. Và giờ đây, khi chỉ vừa chợt nhìn thấy người con gái này, trong anh đã thấy một cái gì rạo rực, ngọ nguậy. Cho đến lúc đạp xe trở về phố thì hồn anh như gửi hết lại nơi đây. Hàng ngày Thi ra chợ từ sáng sớm, mua vét bằng hết mọi con cà cuống để đưa về tặng cô hàng bánh cuốn. Con người Thi những ngày ấy như sống trong mơ, mỗi bước đi cứ phập phồng như đi trên mây trên gió. Mọi cảnh vật, mọi lẽ đời Thi đều nhìn qua một hồn thơ vừa chớm dậy. Hoàng Thi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Nâu, nơi ngày xưa Tú Xương từ đấy vác lều chõng đi thi và vẫn đến phố Hàng Thao nơi Tú Xương đi hát mất ô, vẫn thường đến con sông Vị Hoàng để nghe tiếng gọi đò cùng tiếng ếch. Thật ra thì quê Thi lại ở một vùng đồng chiêm trũng ngoại thành, vì thế mà anh có cái gen quê, ở thành phố mà tâm hồn đặc quê, chỉ có yêu cảnh sắc và con người nơi thôn dã. Cái tạng của anh không tiếp nhận được những cái ồn ã nơi phố phường. Còn nhỏ đã vậy, lớn lên lại càng thế. Thi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm mới hai mươi tuổi. Học giỏi, đỗ cao. Thi thừa sức xin được một chân dạy cấp ba trường huyện để được ngày ngày đạp xe đi trên những con đường đầy gió mát, nghe chim trời hót và ngắm cảnh làng quê. Thầy giáo dạy văn Hoàng Thi cho đến những ngày ấy chưa một lần yêu ai, thế mà vừa bắt gặp đôi mắt đen hạt nhãn của cô nàng bánh cuốn đã bị hút hồn luôn vào. Rồi cứ sáng sáng thầy ra chợ Cửa Trường, có bao nhiêu cà cuống cay thầy hỏi mua cho bằng hết để về làm quà cho đôi mắt hạt nhãn kia. Rồi cà cuống tự nhiên không còn. Về gặp nàng mà không có cà cuống thì coi như thất hứa, thầy ngại ngùng không dám về….
Giờ đây hai chục năm đã qua, người con gái mắt đen hạt nhãn ấy đang ngồi đối diện với Thi, nàng nhìn đăm đắm và hỏi:
- Ngày ấy sao không thấy anh đưa cà cuống về nữa?
- Cà cuống tự nhiên biến mất không còn con nào ở chợ để mua….
Hương lấy tay che miệng cười:
- Thì cứ về như? Sao anh dại thế?
Thi cười:
- Dại thế nên mới côi cút đến giờ….
Hương ngạc nhiên:
- Anh chưa lấy vợ à?
Hoàng Thi ngồi im, rót nước chè nóng vào cái chén hạt mít đưa cho Hương:
- Em uống đi…..
Biết nói thế nào với người yêu năm xưa? Có những trái tim chỉ rung cảm bắt nhịp với một trái tim mà thôi. Anh cũng ở trong hàng ngũ những người có trái tim như thế. Vừa nhìn thấy em anh đã thấy thích rồi thấy yêu. Anh hiểu rằng đây là người bạn đời mà bấy lâu mình tìm kiếm. Những con cà cuống cay mà sáng sáng anh đưa đến cho em là những tình cảm của anh gửi cả vào đấy. Chỉ gửi có một lần, gửi hết, và không bao giờ đòi lại. Hồn anh em thu mất rồi. Anh còn gì đâu để tìm người con gái khác…..
Thấy Thi cứ ngồi im, Hương nói:
- Thôi em chẳng hỏi anh cái chuyện vợ con nữa. Giờ em hỏi anh thành nhà thơ từ bao giờ? Em vẫn nghe thơ anh ngâm trên đài. Sao bài nào em cũng thấy như là anh viết cho em?
Thi cười:
- Anh thành nhà thơ từ phút gặp em! Em có tin điều đó không?
- Em không biết!
- Sao lại không biết! Em phải biết chứ?
- Em không biết thật mà….
- Vậy thế này, nói như người ta nói là trong anh bẩm sinh đã có sẵn mầm thơ. Cái mầm ấy suốt bao năm bị cuộc sống phố phường lấn át, rồi bị lớp bụi đời phủ mờ, cho đến khi anh gặp em thì lớp bụi tự nhiên tan đi, cùng với tình yêu, anh thấy lòng mình lai láng hồn thơ. Ngày đầu tiên khi gặp em trở về, đêm ấy anh thức trắng để làm thơ về em. Bài thơ ấy là niềm say mê của anh, là lời yêu cho mối tình đầu và cũng là mối tình cuối cùng của anh….
- Thế sao ngày ấy anh không đọc cho em nghe?
- Anh có đọc đấy chứ! Nhưng anh nói dối em là thơ của ông Nguyễn Bính….
- Thảo nào mà em cứ thấy ngờ ngợ cái cô gái trong bài thơ ấy lại giống em đến thế!
- Sau đấy hầu như ngày nào anh cũng làm thơ về em, và chỉ về em thôi. Em là đề tài bất tận cho thơ anh, là cảm hứng làm cháy bùng lên ngọn lửa thơ. Thơ anh liên tục được in trên những tờ báo, tạp chí có uy tín về văn chương. Bài thơ đầu tiên anh viết về em cũng là về lòng mình theo thể lục bát có tên là Hương đồng – Đó là tên em và tên anh ghép lại. Thuở còn rất nhỏ tên anh là Đồng, sau này lớn lên mới đổi thành Thi. Chỉ bằng một bài thơ ấy anh đã được gọi là học trò của thi sĩ Nguyễn Bính. Nó được in trên báo Văn nghệ, sau đó thì được giải thưởng….
- Thế mà anh không cho em ăn liên hoan….  Hương nói với giọng trách móc.
- Anh được thưởng thơ nhưng mất em, niềm vui này không bù nổi nỗi đau kia! Làm sao còn dám tổ chức liên hoan?
- Thế rồi sao?
- Thế rồi chàng thất tình lao vào làm thơ để quên đi nỗi buồn, có điều lạ là ngay trong lúc thất tình anh vẫn làm thơ yêu, một tình yêu rất thật lại vừa mộng tưởng. Bài thơ nào cũng viết mãi không cạn. Cho đến giờ anh đã viết mười tập thơ về em, trong đó có ba tập được giải thưởng…..
     Hương cười:
- Thế là anh thành nhà thơ nổi tiếng là do em….
Hoàng Thi gật đầu:
- Không gặp em thì chẳng biết đến bao giờ mới có cảm hứng làm thơ, và chắc là không thành nhà thơ được….
- Giờ thì sao?
- Giờ thì em đã có chồng từ lâu, còn anh thì chẳng bao giờ có vợ. Anh sống với lí thuyết: Chỉ có tình yêu là không có gì phá vỡ nổi!
- Thế có là hâm không?
- Nếu bảo hâm thì nó hâm. Còn nếu bảo không hâm thì nó là cái gì đấy đứng cao hơn sự bình thường. À, anh quên chưa hỏi: Em sống thế nào?
- Em không biết nói là thế nào cả.
- Em đến đây thăm anh hay có việc gì không?
- Chồng em bảo em đến mời anh đến nhà chúng em chơi…
- Sao lại có chuyện như vậy được?
- Thật mà! Anh ấy bảo em đến tận Hội nhà văn tìm anh cơ mà?
- Để làm gì? Hay là anh ấy muốn “hỏi tội” anh rằng thời ấy đã hôn em chưa chứ gì?
Hương đỏ mặt:
- Không phải thế! Anh Phó Cuội không thế đâu.
Hoàng Thi trố mắt:
- Sao lại là Phó Cuội?
Hương cười:
- Thì anh ấy hay sáng tác ra những câu chuyện để người ta phải ôm bụng cười, cho nên bị cả làng cải tên từ Văn Cuốn thành Phó Cuội!
- Hay nhỉ!
- Hay lắm! Vừa qua anh ấy trong lúc đi cày giữa trời tháng sáu, con trâu phá không chịu làm, anh ấy đánh nó, nó vằng luôn cái ngà nhọn hoắt vào đầu anh ấy làm thủng một miếng, hôn mê một tháng mới tỉnh, chữa ba tháng mới tạm ra viện. Giờ thì anh ấy trở nên con người khác hẳn, anh ấy bảo anh ấy đọc được ý nghĩ của người khác qua những vòng xoáy trôn ốc trên đầu và muốn trở thành nhà văn, vì vậy mà nhờ em đến mời anh đến chơi, hẹn thế nào anh cũng phải đến.
- Anh sẽ đến thăm anh ấy. Nhưng trưa rồi, em ở lại ăn với anh bữa cơm rau được không?
- Anh không mời thì em cũng ở. Nào chúng mình đi làm cơm…
      Hoàng Thi đến góc nhà cầm ra một cái niêu đất và một cái rá tre đã cũ cũng chỉ nhỉnh hơn cái niêu một chút, rồi đến hũ gạo, rút cái nút bằng lá chuối khô ra rồi bê cả hũ lên đổ một ít gạo vừa ngân ngẩn cái rá cầm ra bảo Hương:
- Em vo gạo rồi đưa xuống bếp đun, ở đấy có rơm rồi. Còn anh ra vườn hái rau sam, rau dền để luộc. Anh có cả tương, cả mắm tép để chấm. Em ăn với anh một bữa cơm như vậy được không?
Hương mỉm cười:
- Và anh sẽ đọc bài thơ “Hương đồng” cho em nghe nhé?
Hương cầm cái niêu đất và cái rá gạo ra chỗ chum nước mưa dưới gốc cau vo gạo đổ nồi rồi đổ nước và đưa vào bếp. Bếp của Thi là một gian rất nhỏ và thấp, có ba ông đầu rau nặn bằng đất sét chụm lại từ ba góc để bắc nồi. Một đống dấm bằng trấu âm ỉ, bới tro phía ngoài ra, đặt mồi rơm vào, khói lên, cúi xuống thổi phù vài hơi là lửa bốc. Giữa thời văn minh hiện đại, người ta dùng bếp điện, bếp ga, nhà thơ của hương đồng gió nội vẫn đun rơm. Trong trí tưởng tượng của Hương, các nhà văn, nhà thơ phải sống cao sang lắm: ở biệt thự, đi xe con đời mới, ăn uống toàn đồ ngon... Trong khi ấy Hoàng Thi đang cúi khom người vặt từng ngọn rau rền, rau sam ngoài vườn. Rồi thì cũng được một chít tay. Cơm vùi mới bắc nồi nước rau. Rau được là cơm cũng vừa chín, bác thêm niêu mắm tép nữa là ổn. Lúc dọn cơm Thi lôi đâu ra được một cái mâm gỗ, mấy cái bát chiết yêu, hai đôi đũa tre. một bát sau, một bát nước rau đỏ lừ trông rất đẹp, một bát mắm tép bác với tóp mỡ. Nhưng tất cả sạch sẽ, gọn gàng toát lên vẻ thanh lịch. Bữa cơm trưa hôm nay là bữa cơm ngon nhất của đời Hương, bởi vừa ăn vừa được nghe thơ của người tình thuở trước giờ là nhà thơ nổi tiếng.
- Sao mãi anh chưa đọc bài thơ “Hương đồng”? – Hương hỏi:
Thi trầm ngâm một lát:
- Một dịp nào đó anh sẽ đọc, còn bây giờ thì chưa!
- Vì sao lại chưa?
- Thôi cứ biết vậy. Hôm nay được ngồi ăn cùng em bữa cơm rau anh vui quá nên chưa thể đọc bài thơ tâm đắc nhất trong đời thơ của mình.
- Vậy anh có thể tặng em một tập thơ có bài thơ ấy không?
- Anh chưa thể.....
- Vì sao đã viết mười tập thơ mang bóng hình em, vì yêu em mà thành nhà thơ nổi tiếng mà không gửi tặng em tập nào, giờ em xin cũng không cho?
- Nhưng cũng chính vì em mà anh cơm niêu nước lọ đến tận giờ? Vậy nên ơn hay nên oán? – Thi cười.
- Em còn đứa em gái út xinh lắm, anh có đồng ý không?
- Có giống em như hai giọt nước không?
- Cần gì phải giống. Cứ xinh là được chứ! Thôi vậy, chuyện ấy bàn sau. Bắt đền anh đấy, anh phải cho em nghe bài thơ “Hương đồng” đi!
- Đừng bắt anh thế! Một ngày nào đó anh sẽ đọc bài thơ ấy, một ngày nào đấy anh sẽ ký tặng em cả mười tập thơ. Còn bây giờ thì chúng mình phải ăn hết niêu cơm và niêu mắm tép bác tóp mỡ này. Rồi chiều anh sẽ đi với em sang thăm anh Phó Cuội!
.... Anh Phó Cuội thấp thỏm từ sáng tới giờ. Từ lúc vợ đạp cái xe đi là anh đã sắn tay áo lên quyết dọn nhà cửa cho thật sạch sẽ, rồi cứ chạy ra chạy vào sếp cái nọ, đặt cái kia. Bằng linh tính anh biết chắc chắn vợ mình sẽ tìm được nhà thơ và thế nào chiều nay khách thơ cũng tới thăm. Quả đúng như vậy, vào lúc ba giờ chiều thì vợ anh về dẫn theo cả nhà thơ - người tình cũ của nàng. Phó Cuội ra tận ngõ bắt tay:
- Xin kính chào nhà thơ nổi tiếng...
- Xin chào anh! – Nhà thơ Hoàng Thi lịch sự đáp lễ.
Hương đứng bên khẽ mỉm cười nhìn chồng và người yêu cũ gặp nhau thân tình như người thân lâu ngày gặp lại.
- Xin mời nhà thơ vào trong nhà – Anh Phó Cuội mời tiếp rồi đi đầu dẫn nhà thơ vào nhà. Sau đó quay ra rỉ tai vợ: Em đi làm cơm đãi khách. Đôi gà mơ anh đã nhốt vào cái nơm ở góc bếp ấy. Phải làm cho thật lịch sự em hiểu không?
Chỉ chờ có thế là cô vợ ra tay luôn. Phó Cuội quay lên nhà. Anh pha trà, rồi pha cà phê, rồi bóc bao thuốc lá thơm đầu lọc loại đắt tiền ra mời Hoàng Thi, rất thật lòng. Ngay từ lúc Phó Cuội chợt nhìn thấy hai người dắt xe từ ngõ đi vào, anh nhìn những vòng xoáy trôn ốc trên hai cái đầu ấy mà biết được rằng sự trong sáng vẫn là chủ yếu. Và giờ đây, khi ngồi đối diện với nhà thơ, anh thấy nhà thơ nghĩ thế nào nói thế, rất chân tình, cởi mở, mặc dù anh cũng biết được rằng nhà thơ này vẫn rất yêu vợ anh, và trong trái tim anh ta hai chục năm nay chỉ mang mỗi một dáng hình cô nàng bánh cuốn.
- Anh Hoàng Thi ạ, muốn trở thành nhà văn, nhà thơ có khó lắm không? – Phó Cuội vào đề.
Hoàng Thi ngạc nhiên:
- Anh muốn thế à? Khó thì chắc chắn là khó rồi, nhưng cố gắng thì biết đâu lại chả thành công. Anh muốn nói lên sự thật phải không? Thì hãy làm nhà báo…
- À phải rồi! – Phó Cuội reo lên – Tôi sẽ viết ra sự thật!
Nghĩ một lát rồi Phó Cuội lại hỏi:
- Nhưng mà ai in cho tôi? Chắc là không có chỗ nào dám in bài của tôi đâu. Thôi thế này, có lẽ tôi nên chọn ngành thơ trào phúng! Được không?
Hoàng Thi gật đầu:
- Được thì được rồi! Nhưng làm thơ trào phúng cũng khó lắm!
- Tôi van anh! Anh hãy giúp tôi thành nhà thơ trào phúng….
- Thế anh chán nghề cày ruộng rồi à?
- Tôi vẫn đi cày để sống. Nhưng… tôi van anh, nếu anh còn yêu tha thiết vợ tôi thì anh phải giúp tôi làm thơ trào phúng.
Nhà thơ Hoàng Thi trố mắt kinh ngạc. Phó Cuội nói tiếp:
- Những cái vòng xoáy trôn ốc trên đầu ông toàn là hình ảnh vợ tôi cả. Suốt mấy chục năm nay ông toàn mơ tưởng đến vợ tôi. Ông không lấy ai được là vì ông chỉ yêu có vợ tôi thôi. Và chính vì quá yêu vợ tôi mà ông làm thơ, ông làm những mười tập thơ mà bài nào cũng có hình bóng vợ tôi. Vợ tôi đã nâng ông lên tầm cỡ thi sĩ quốc gia. Vậy vì lẽ gì ông không chịu giúp tôi làm thơ trào phúng?
Mặt nhà thơ cứ tái dần tái dần. Phó Cuội nói tiếp:
- Ông đừng lo gì cả. Việc ông trở thành nhà thơ nổi tiếng mà bắt nguồn từ tình yêu vợ tôi, tôi lấy làm vinh dự được hưởng một chút phần thơm. Còn vợ tôi được là người tình của nhà thơ nổi tiếng là quá vinh dự rồi. Vậy cả tôi và vợ tôi đều coi điều đó là vinh hạnh. Chính mấy ngày nay tôi bảo vợ tôi phải đi Hà Nội đến Hội nhà văn để tìm ông, rồi được nhà văn Ma Văn Kháng mách bảo và hôm nay đã đến được chỗ ông ở ẩn để mời ông về đây. Ông đích thân đến thăm gia đình tôi, thế này là một vinh dự quá lớn đối với vợ chồng tôi! Tôi khuyến cáo ông cứ yêu vợ tôi….
Vừa lúc ấy chị Hương bê mâm cơm khách lên đặt xuống giữa cái giường có trải chiếu hoa mới phía đằng này.
- Xin mời hai anh đến uống chén rượu! - Chị tươi cười nói.
Phó Cuội cũng xoa tay nói bằng giọng rất tôn kính:
- Vợ tôi - người tình của nhà thơ đã có lời mời, tôi cũng xin mời anh…
Hoàng Thi đứng lên cùng với Phó Cuội đến mâm cơm khách. Cả hai anh đều gọi cô chủ nhà đến ngồi cùng. Rồi Hương nhanh nhảu rót rượu cho hai người đàn ông mỗi người một chén đầy:
- Hai anh uống say đi nhé!
(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét