Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

ĐÔI LỜI NGỎ VỚI VĂN NHÂN / Nguyễn Mộng Nhưng


Nhà văn Nguyễn Mộng Nhưng

                                                                      
Năm nay tròn 40 năm thành lập Hội VHNT tỉnh Nam Định.
Cơ quan ngôn luận của hội là tạp chí Văn Nhân.
Danh từ "văn nhân", hình tượng "văn nhân" trong một liên tưởng gần gũi nhất, những người thuộc truyện Kiều sẽ hiển hiện hình ảnh một người đàn ông  - chàng Kim Trọng hào hoa, phong nhã:
"...Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài thằng con con..."

Về sau, chúng ta còn thấy Kim Trọng – một người đàn ông mẫu mực về sự thủy chung, vị tha như thế nào.
 Cụ thể hơn, dưới lăng kính truyền thống và hiện đại, cái tên "văn nhân" còn thể hiện sự khác biệt. Bởi vì trong khi tất cả các hội VHNT trong cả nước đều lấy tên địa phương, tên sông núi để đặt cho báo, tạp chí của mình thì chỉ riêng tạp chí của hội VHNT Nam Định can đảm khoác lên mình tấm áo "văn nhân".
Nam Định được cả nước biết đến là miền đất văn chương, là quê hương của những tên tuổi (chỉ kể từ khi có địa danh Nam Định): Trần Bích San, Trần Tế Xương, Đặng Thế Phong, Nguyễn Bính, Văn Cao, Nguyễn Thi...
Làm văn học nghệ thuật tiếp nối danh thơm của những Văn Nhân tiền bối ấy, thiết nghĩ đó là tâm nguyện của những hội viên hội VHNT Nam Định thật đáng trân trọng.
40 năm, Nam Định là nơi vẫn đều đều sản sinh những tài năng văn học nghệ thuật (đáng chú ý trong số này có nhiều người đã thành danh ở địa phương khác). Còn tại bản quán, theo chu kỳ 10 năm lại nổ ra một "cuộc chiến".
(Mời xem lại bài viết "Cuộc chiến ở hội văn nghệ Nam Định trong mắt một hội viên" của Đặng Hồng Nam ngày 9-6-2006, vẫn còn treo trên Google)
 

Nhớ lại cũng vào năm Dậu cách nay 12 năm (Ất Dậu - 2005) "cuộc chiến" đang diễn ra ác liệt. Năm đó, nhân dịp 30 năm thống nhất đất nước, mình có chuyến vào Nam, đến thăm một số nhà văn mình quen biết hoặc ngưỡng mộ, có người mình chưa hề biết mặt. Vào Kon Tum gặp Tạ Văn Sỹ, Gia Lai gặp Văn Công Hùng, T.P Hồ Chí Minh gặp Đặng Nguyệt Anh, An Giang gặp Nguyễn Lập Em... Tưởng mình cũng là hội viên hội VHNT Nam Định, người nào cũng hỏi thăm, cũng ái ngại về "cuộc chiến" ở thành Nam. Có người bảo: Sợ các bác Nam Định quá! Văn chương sao lại "đánh nhau" dữ thế!
        Đã gọi là "cuộc chiến" đương nhiên phải có tổn thất. Hội viên không nêu tên trong bài viết của Đặng Hồng Nam chính là Nguyễn Danh Khôi - ông bạn văn tài hoa đã quá cố của anh em viết văn Hải Hậu chúng mình. Nhắc lại sự việc, càng thấy thương Khôi vô cùng! Vì quá tin tưởng, quá nghĩa hiệp bảo vệ "người thầy, người đồng đội" họ Lê của mình, Khôi đã gián tiếp tham gia "cuộc chiến" nên đã phải chịu liên lụy, đến nỗi "thân bại danh liệt". Đến lúc người ta tỉnh ra, sửa soạn khôi phục danh hiệu "hội viên" cho, thì Nguyễn Danh Khôi đã thành người thiên cổ!
Năm Dậu này, "cuộc chiến đấu đang còn tiếp diễn" theo chu kỳ, thường diễn ra trước khi đại hội.
Là người viết văn kém tài, mình biết thân biết phận, vẫn hằng "kính nhi viễn chi" Văn Nhân Nam Định. Nhưng mình không bao giờ coi mình chỉ là kẻ "bên lề". Mình thực lòng cảm thông với những người bạn viết thân thiết của mình - những Văn Nhân chân chính đang lâm vào cảnh "cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy", chữ "hiếu' chữ "trung", biết làm sao!
Dù vậy, mình vẫn mong "cuộc chiến" ở hội VHNT quê nhà sẽ chấm dứt. Sau đại hội, những Văn Nhân thời đại mới sẽ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trên con thuyền "văn dĩ tải đạo" như các bậc tiền bối đã nêu gương.

Hải  Trung, 28 -12 – 2017
N.M.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét