Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 17)



Đã đăng:

    Chương 17
Thoáng cái đã mấy năm trôi qua, giờ lại sắp đến kì bầu bán. Cái thời chống gậy làm chủ nhiệm, chủ tịch đến già đã qua rồi. Cái thời sắp xếp êm đềm cũng đã qua. Miếng mồi càng béo bở thì cuộc đấu đá càng quyết liệt. 

Từ ngày ruộng đất chia về cho từng khẩu, từng gia đình phải lo toan tất cả và chịu trách nhiệm tất cả về mảnh ruộng được giao thì cái chức chủ nhiệm chỉ là chức thừa, hữu danh vô thực. Đứng ở chức ấy, nhàn thì có nhàn thật, chính vì thế mà việc kiếm chác lại càng hạn chế. Quyền ít thì lợi nhiều làm sao được? Chủ nhiệm hợp tác xã chỉ vồ được con sưn sứt, trong khi ấy chủ tịch xã mới là kẻ bắt được con cá trê! Tất cả những tay đua đều nhằm vào chức vị mà sau khi lên nắm chính quyền sẽ hốt được nhiều tiền của. Kỳ này vẫn là Phạm Tằng và Phan Tít. Nếu tính sổ thì họ đang ở thế một đều: thua một và thắng một. Hai chục năm về trước Phạm Tằng mặc dù đẹp mã vẫn bị hạ đo ván trước một đối thủ gầy còm, xấu trai là Phan Tít. Cô Thắm xinh đẹp hừng hực sức xuân đã ngả vào tay tên cò bợm. Nhưng rồi trong cuộc đọ sức dành ghế chủ tịch lần trước thì Phạm Tằng đã thắng. Mới làm chủ tịch xã một khoá đã đưa Phạm Tằng lên hàng đế vương kinh tế ở vùng này. Cả Phạm Tằng và Phan Tít đều của đã giàu, chức đã sang, ông Lý ông Bá ngày trước còn thua xa, phải gọi loại cháu chắt này bằng “cụ” về khoản đục khoét. Các cụ chánh phó lý ngày trước “ốp triện” cho anh bạch đinh xong, thường là được buồng cau, gói trà, nhiều lắm cũng chỉ năm ba hào, còn bây giờ các ông chánh phó thời mới, nếu ốp một cái triện cho đất, anh dân phải đưa một cái phong bì tiền triệu! Nếu như ngày trước, các chức sắc trong làng xã trong mỗi năm chỉ nhằm vào kỳ bổ thuế mà kiếm chác, mà bớt xén mà hà lạm vào khoản này khoản nọ, chia nhau cao nhiều thấp ít, thì ngày nay lại nhằm vào những đợt chia đất, cấp đất, bán đất, xây trường, xay chợ… mà kiếm chác gấp trăm thời Bá Kiến, Lý Cường. Cho nên cứ đến kì bầu cử là nện nhau. Nện công khai và nện ngầm. Trước hết bao giờ cũng là những cú nện ngầm, chưa thấy sây sứt mặt mày, nhưng om cả lục phủ ngũ tạng. Thoạt kỳ thuỷ, từng phe cánh họp lại vạch chiến lược, chiến thuật đề cao mình và hạ thấp đối phương. Những gì là người phe mình làm được, dù chỉ một tí cũng bơm lên cho nó thành “cực kì to lớn”. Chính những cuộc tranh cử mới thật là cháy nhà ra mặt chuột. Ông này tham ô, bà kia hủ hoá, nếu chưa đến bầu cử thì thường là được ỉm đi, hoặc là phê bình nội bộ một cách hình thức cho qua chuyện vì sợ “con sâu bỏ dầu nồi canh”, một người bị gục thì cả bức tường sẽ lung lay. Cũng lấm láp nhoà nhem cả. Nó ăn cái này thì mình chấm mút cái kia, mình mà moi nó, nó nể gì mà không moi lại mình, thế là chết cả lũ! Trong tình trạng cái xấu tràn lan, thì chính những cái xấu ấy lại làm vỏ bọc cho nhau, rất có hiệu quả. Có thể khẳng định một cách xác thực rằng sở dĩ những cái xấu trong xã hội cứ tồn tại dai dẳng và ngày càng phát triển vì nó được chính những cái xấu khác bảo vệ, che chắn. Đã có một thời gian quá dài, những cán bộ chủ chốt, chỉ nói ngay ở cấp thấp nhất là xã, mặc dù anh ta là người thế nào, vẫn được coi là của quý, là tài sản vô giá của quốc gia, gần như là một vật bất khả xâm phạm. Dù anh ta có mắc tội tham ô, hủ hoá thì cũng chỉ phê bình nội bộ, bọc giữ cho kín rồi thuyên chuyển công tác từ cấp xã lên cấp huyện, hoặc từ huyện lên tỉnh. Đôi khi vì mắc tội mà được đá ngược lên để rồi sau đó là lên chức, lên lương. Người nào đấu tranh mạnh đòi đưa ra công khai sẽ bị chụp luôn cái mũ bôi đen cán bộ, bị đòn quật lại coi chừng gãy xương sống. Vì thế những vị tham ô, hủ hoá cứ thế mà hoành hành hết địa bàn này đến địa bàn kia, hết lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, thả sức reo rắc mầm xấu. Có vị là giám đốc nông trường, vừa tham ô vừa phá tán, vừa sờ háng tới vài ba chục đàn bà con gái ở nông trường, khi bị phát hiện đã không bị ra toà, lại được điều sang làm giám đốc nhà máy để rồi trong vòng vài năm ông ta làm vỡ nhà máy và ngủ với cả nhân viên dưới quyền chỉ ngang tuổi con gái mình, sau đó lại được điều lên Sở rồi hạ cánh tuyệt đối an toàn. Khi cái xấu được bao bọc, che chắn bằng cả bộ máy điều hành thì nó sẽ sinh sôi nảy nở nhanh hơn cả giòi bọ. Đến thời kì đổi mới nó biến dạng và khôn ngoan hơn nhiều, tồn tại và phát triển thành quốc nạn! Tuy nhiên, vì ghen quyền ghen chức, ghen ăn mà nội bộ trở nên mâu thuẫn nặng nề. Chỗ nào cũng thấy trưởng, phó vạch tội nhau, đấm đá nhau loạn xạ! Gần như là kẻ thù bây giờ không phải là ngoại xâm, nạn đói, nạn dốt… mà là giữa những người hàng ngày hàng giờ giáp mặt nhau, ăn cùng mâm, ngồi cùng xe, có cùng trách nhiệm. Đấu đá nội bộ trở thành nạn dịch, thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp sống, biến thành hành động “thành mục tiêu phấn đấu” của một bộ phận không nhỏ những nguời có chức từ thấp tới cao. Chỗ nào cũng thấy bè cánh, phe phái. Họ ăn lương nhà nước, tức là hướng vào mồ hôi nước mắt của dân, nhưng không làm lợi gì cho dân cả, mà thời gian sức lực, trí tuệ và hàng đống của cải của dân được ném vào những trận thanh toán lẫn nhau để tranh chức, tranh quyền.
Làng Trọng Nghĩa lại vặn mình kêu răng rắc. Kỳ bầu bán này lại có hai phe. Thời trước nói đến hai phe ai cũng hiểu rằng đó là phe ta và phe đế quốc. Còn bây giờ thì “phe ta” và “phe nó”, lấy bạn làm thù để mà chia phe phái. Cụ thể hơn là phe ông Tít và phe ông Tằng. Một bên quyết giữ, một bên quyết chiếm. Từ ngày trúng ghế chủ tịch xã, Phạm Tằng cảm thấy như mình được lên ngôi vua. Ông bí thư thì to hơn ông chủ tịch, nhưng ông bí thư không phải là người ký giấy cấp đất, ký giấy cho đấu thầu ruộng, đấu thầu ao, hồ, đầm… để thả cá, ký giấy cho họ bán cái này, chuyển nhượng cái kia… nên ra đường gặp ông có người chào, có người không chào cũng chẳng sao. Còn như ông Chủ tịch xã, thì dù trong lòng có ghét đến mấy, miệng vẫn phải tươi cười chào hỏi tươm tất từ xa, ông có trả lời hay không trả lời cũng không mếch lòng mà tai vạ. Chỉ cần đến lúc có con ra ăn riêng đệ đơn xin cấp đất, dù có làm đúng luật là phong bì đi trước mực thước đi sau mà ông ta thù ghét không đóng triện vào đơn là đủ chết. Gia đình nào mà chả không trước thì sau phải làm đơn xin đất? Chỉ nội một việc thôi, chủ tịch xã đủ là ông vua ở một vùng. Cứ nhìn chủ tịch Phạm Tằng ở làng Trọng Nghĩa thì thấy. Về hình thức con người, dù chỉ là cán bộ cấp xã, nhưng do ngày nào cũng cơm gà cá gỡ tươi bổ nên trông ông phương phi chẳng khác gì một vị quan huyện, quan tỉnh. Ông lại có những hai Dream II, một của riêng ông, một của xã dành riêng cho chủ tịch. Mồm ông lúc nào cũng sặc hơi bia và mùi thuốc lá ngoại. Chân ông dận giày da bóng, đầu ông đội mũ phớt màu tro, tay ông đeo đồng hồ mạ vàng, rồi mùa hè thì sơ-vin, mùa đông veston đủ loại. Nội trong cái xã này, đi ăn cỗ ở đâu ông cũng được ngồi mâm sang nhất. Ông cười, ông gật, ông lắc… mỗi cử chỉ của ông đều được anh dân đen dõi mắt nhìn. Điếu thuốc trên môi vừa tắt đã có mấy cái bật lửa ga xoè lên. Ông ngồi đâu là người ta phải dịch quạt, bê nước đến để hầu ông. Chánh tổng ngày trước nếu có sống lại cũng phải vái ông bằng cụ. Nhà anh dân còn mái rạ, mái ngói thì nhà ông đã biệt thự hai tầng. Anh dân xem ti vi đen trắng, còn ông thì Soni màu cỡ lớn cùng với dàn loa chát sình. Vợ ông ăn trắng, mặc trơn. Con ông quần bò, áo phông, mới ít tuổi mà đã đầu rồng, đuôi cáo, ngự Dream đi học trường làng. Ấy là của nổi. Còn của chìm, đố ai biết được ông đã tích bao nhiêu cây vàng! Dân nói rằng trúng chức chủ tịch xã ngày nay là trúng số độc đắc liên tỉnh. Bởi vậy mà ông mong cái khoá mà ông trúng cử kéo dài mãi để ông phục vụ nhân dân được lâu dài. Tuy nhiên thời gian lại không phải thứ dây cao su, đến thời điểm nhất định, là nó hết để chuyển sang nhiệm kì mới. Việc bầu bán, bề ngoài thì đã có luật, nhưng cái “luật bề trong” mới là cái quyết định. Muốn làm chủ tịch xã thì phải có ba cái trúng: một là trúng vào Hội đồng nhân dân, hai là trúng đảng uỷ viên, ba là trúng Uỷ ban nhân dân. Trong ba cái phải trúng ấy thì trúng cái ghế đảng uỷ là cái trúng quan trọng bậc nhất. Nếu không được ghế đảng uỷ thì coi như là trượt hết. Cho nên những cuộc chạy đua chức quyền bao giờ cũng là cuộc chạy đua từ cái ghế gốc, ghế cơ bản ấy. Muốn trúng ghế đảng uỷ thì phải có phe cánh trong Đảng. Trước hết hãy điểm mặt xem những vị nào là đảng viên mà mang họ Phạm.
Việc này thì cả họ phải ra tay. Xưa các cụ đã dạy: “Một người làm quan, cả họ được nhờ!”. Thời nào cũng thế cả. Cái họ có người làm chủ tịch xã là cái họ nhà quan, dân hàng thôn, hàng xã phải nể trọng. Rồi con em trong họ được cất nhắc lên chức nọ, chức kia trong bộ máy điều hành của xã. Rồi xin duyệt lí lịch đi học, đi làm, dù có láo toét cũng được cộp triện và phê hai chữ “Rất tốt!”. Ông Phạm Tằng bấm đốt ngón tay tính rằng chỉ nội bộ có một khoá vừa qua, ông đã cất nhắc tới năm người trong họ vào các chức vụ từ xóm, thôn, đến xã, duyệt gần hai chục lí lịch cho đi học, đi lao động xuất khẩu, xử tám vụ kiện tụng giữa người trong họ với người ngoài họ, mà phần có lợi nghiêng hẳn về phía người trong họ, duyệt đơn xin cấp đất cho ba chục con em trong họ, cho đấu thầu ruộng, đấu thầu ao hồ sông ngòi cho hàng chục người khác. Cái lợi ấy chưa có họ nào sánh kịp, kể cả họ của bí thư đảng uỷ. Cho nên lần này cả họ phải ra tay giúp để ông đứng nguyên chức chủ tịch vào khoá sắp tới. Ngày hôm qua, toàn thể các thành viên quan trọng trong họ Phạm đã họp mặt tại nhà thờ. Trước hết là làm cỗ cúng tổ. Ông trưởng họ là Phạm Văn Bồng khăn xếp áo lượng thay mặt toàn họ thắp hương khấn tổ mong tổ phù hộ để người trong họ lại được tái cử chức chủ tịch uỷ ban nhân dân xã kì này. Bài khấn của ông dài tới ngót một tiếng đồng hồ. Sở dĩ phải dài như thế là ông muốn phân tích cho các cụ tổ thấy được tầm quan trọng của vấn đề người trong họ chiếm được chức chủ tịch xã thì sẽ có lợi như thế nào. Con cháu trên trần khấm khá, thì tổ tiên dưới âm cũng hả hê. Nó có quyền, có chức, có của ắt nó phải nhớ ơn tổ tiên, phải làm nhà thờ tổ to hơn, đẹp hơn, ngày giỗ tổ phải mổ lợn, mổ bò. Rồi tuần nào tiết ấy hương hoa cúng bái đều đặn. Nếu con cháu trúng chủ tịch xã khoá này thì sang năm sẽ khởi công làm lại nhà thờ tổ to đẹp nhất xã, xây lại mồ tổ to đẹp nhất xã. Sau khi đã khấn vái và phân tích cụ thể, chi tiết dài dằng dặc thì toàn thể trai đinh trong họ xếp hàng khấn lạy tổ năm lạy và phải phục dưới chân bàn thờ tổ để ông trưởng họ xin âm dương. Ông tung hai đồng trinh khấn để cả ba lần sấp ngửa thế nào thì ông quay ra nhìn đám đàn em trong họ, có cả Phạm Tằng đang phải phủ phục dưới chân bàn thờ mà nở một nụ cười, nói rất to:
- Thuận rồi! Thuận rồi!
Tất cả vái lạy một lần nữa rồi bê mâm xuống để hưởng lộc tổ. Ăn uống xong là họp họ. Đại khái: tất cả các đảng viên là người họ Phạm, khi bầu đảng uỷ phải bầu cho người trong họ và mỗi đảng viên phải vận động thêm năm đảng viên khác họ bầu cho họ mình - tất nhiên những họ này không có người được đề cử vào đảng uỷ. Mỗi công dân là người trong họ, khi bầu Hội đồng nhân dân xã phải bỏ phiếu cho người họ mình và vận động từ hai chục người khác nữa bỏ phiếu cho người họ Phạm. Tất nhiên là những người mà họ của người ta không có người được đề cử vào Hội đồng nhân dân xã. Thực hiện được đầy đủ những điều này thì Phạm Văn Tằng – gọi tắt là Phạm Tằng, sẽ trúng hội đồng nhân dân xã và trúng cử đảng ủy viên lần này. Và có điều kiện để nhảy một bước nữa lên giữ nguyên chủ tịch uy ban nhân dân xã!
Trong khi ấy chủ nhiệm Phan Ninh Tít – gọi tắt là Phan Tít, cũng bắt đầu vào cuộc. Phan Tít thuộc loại mặt choắt tai dơi, gầy cao như cái sậy mọc bờ ngòi, chất đàn ông rất kém. Nhưng Phan Tít giỏi mánh khóe, mưu mẹo. Hơn hai chục năm về trước, trong lúc Phạm Tằng và nàng Thắm đang bồng bềnh trên chiếc thuyền nan ở Bến Trăng đang vào cuộc “hôn mê” thì từ phía ngoài Phan Tít lao vào thuyền như tên bắn vào chiếc thuyền của đôi nhân tình kia rồi nhân danh thường trực ủy ban kiểm soát hợp tác xã dõng dạc tuyên bố ngay sáng ngày mai thư kí đội Phạm Tằng phải nộp sổ sách để kiểm tra. Cú đấm này thật sự nặng cân, nó đã đẩy anh thư kí đội Phạm Văn Tằng đến nước hoặc là vào tù hoặc là nhường lại người yêu. Tất nhiên là Phạm Tằng đã phải lảng xa nàng Thắm xinh đẹp, nhân cơ hội ấy mà Phan Tít cuỗm được. Xấu xí gầy còm mà lấy được cô vợ xinh đẹp mỡ màng như tấm bánh cuốn chưa hẳn là đã có phúc hay là họa. Thế rồi đến kì tranh chức chủ tịch xã lần trước liền bị đối phương cho đo ván. Một khóa đã qua. Giờ đây lại vào trận đấu. Cái chức chủ nhiệm hợp tác xã mà Phan Tít đang phải giữ đây, nó là chức hờ hữu danh vô thực ở thời kì đổi mới, đã làm cho Phan Tít chán ngấy đến tận cổ. Phải ngồi bằng được vào ghế chủ tịch xã kì này. Phan Tít biết rằng đối thủ của mình đã huy động cả họ vào cuộc để tạo thế mạnh. Cái họ Phan của Tít cũng có kém cạnh gì đâu, cũng vào loại có máu mặt, đông vào loại nhất nhì hàng xã. Thế nhưng gặp phải tay trưởng họ hâm dở. Nguyên là một đại tá về hưu, vì là ở ngành trên, nên ông ta là trưởng họ, thay ông trưởng họ cũ đã qua đời mà không có con trai. Nghe chuyện sắp kéo cả họ hàng vào cuộc đấu đá, vị đại tá tái mặt tìm chủ nhiệm Phan Tít hỏi:
- Có thật vậy không chú Tít?
- Thật thế đấy bác ạ! – Phan Tít trả lời.
Ông ngồi trầm ngâm một lúc rất lâu rồi khe khẽ hỏi lại:
- Vì sao lại phải thế?
Câu hỏi này làm cho Phan Tít lúng túng. Những năm gần đây địa vị thường đi đôi với quyền lợi. Địa vị càng cao, quyền lợi càng lắm chẳng những lộc cho gia đình mình mà còn có thể ban phát phúc lộc cho họ hàng, bè bạn, anh em. Cái câu “một người làm quan cả họ được nhờ” trở nên đắc nghĩa. Vì thế mà xuất hiện phe nọ phái kia, không chỗ nào không có. Toàn xã hội đã ở trạng thái sốt cao, tranh giành quyền lợi mà vị trưởng họ mình, nguyên đại tá quân đội lại hỏi một câu như thế.
- Đó là tình trạng chung hiện nay bác ạ. Nếu không áp dụng thì sẽ thua.
- Thua được là thế nào?
Ô hay cái ông này! Phan Tít bực mình nghĩ bụng – Hỏi gì mà hỏi vặn vỏ ốc lắm thế! Ông không biết cả xã hội đang chạy đua giành quyền lực hay sao? Ông ở cung trăng vừa rơi xuống à?
- Thua được là thế nào thì bác phải tự hiểu lấy chứ! Bác đã là đại tá quân đội cơ mà?
Ông đại tá gắt lên:
- Tôi đã là đại tá quân đội, không có nghĩa là buộc tôi phải hiểu những cái vô nghĩa ấy!
- Nhưng giờ đây vai trò của bác không phải là tư lệnh của họ Phan ta hay sao?
- Tôi là trưởng họ chứ không phải là tư lệnh!
- Ngày trước bác bày binh bố trận cho cả một sư đoàn còn được nữa là bây giờ bày binh bố trận cho một họ?
- Hả? Bày binh bố trận cái gì?
- Chả lẽ bác không muốn người họ mình làm chủ tịch xã? Này nhé, họ mình đã có đại tá rồi, nếu vớ được chân chủ tịch xã nữa thì chỉ có nhất! Bác phải cầm quân đợt này mà xông lên phía trước quyết tâm dành thắng lợi…
Quái quỷ thật! Ông đại tá về hưu kiêm trưởng họ tên là Phan Văn Đốc ngẫm nghĩ – chuyện họ chuyện hàng chuyện làng chuyện xã mà lại những “bày binh bố trận” với “xung phong” … là thế quái nào?
Quả thật từ ngày được nghỉ hưu về quê sống với gia đình, làng xóm, có biết bao điều làm ông day dứt không sao hiểu nổi. Cái làng Trọng Nghĩa của ông trong kí ức ông nó là cái làng hiền lành, chất phác, người dân chỉ biết cầm cày, cuốc đất để kiếm ra ngày vài bữa cơm rau tương cà mắm mặn. Sống trong hoàn cảnh như thế, con người bao đời rất biết yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chia đắng sẻ bùi lúc tối lửa tắt đèn. Ông đã được chứng kiến hoặc nghe kể bao nhiêu chuyện về những tấm lòng hiếu thảo, những nghĩa cử nhân ái giữa những bà con xóm giềng, làng trên xã dưới. Đêm nay ông Phan Văn Đốc gần như không ngủ, ông trằn trọc như bao năm nào trước giờ vào trận đánh. Rồi ông nhớ ra cách đây mấy hôm ông có đọc một bào báo trên báo Văn nghệ của một nhà văn, có cái tiêu đề rất “cổ lỗ”: “Nhớ túp lều tranh đựng trái tim vàng”. Ông ngổm dậy đi đến bàn lục tìm bài báo rồi pha ấm trà, ngồi ghế ngả hẳn lưng về phía sau, thư thả đọc như nuốt từng câu từng chữ trong bài báo của nhà văn mà ông vẫn hay đọc.
    NHỚ TÚP LỀU GIANH CÓ TRÁI TIM VÀNG
Những đêm chập chờn khó ngủ buồn về nhân tình thế thái ở nơi bao đời là đất văn hiến có thuần phong mĩ tục, thì lòng tôi lại hướng về một cõi xa xăm, cái thời đói cơm rách áo, cái thời gian truân vất vả, cái thời mà hôm nay nhìn lại thấy rùng mình vì đã gần thoát ra được. Khi đói con người chỉ mơ bữa cơm no. Khi no rồi thì không nghĩ đến cơm nữa mà mơ một cái gì đó còn đứng trên cả miếng cơm manh áo. Có lẽ nào khi từ giã túp lều tranh, con người cũng phải từ giã luôn trái tim vàng? Cái thời mới cách đây không lâu, tình người sao đẹp thế. Dưới những mái nhà gianh lụp xụp, bên cạnh những mủng ngô, mẹt cám, là những gương mặt gầy guộc, hốc hác vì đói, vì truân chuyên vất vả, nhưng lại thấm đẫm tình người, tình đời. Nửa đêm có bát cháo ngô, củ khoai luộc, giữa lúc trời mưa rét, không có áo mưa, không có áo ấm, đầu đội trời chân đạp đất, ủ khoai ngô vào bụng dưới làn áo mỏng đưa cho xóm giềng cùng ăn. Giữa đêm, một người bị cảm, bị đau bụng thì cả xóm cả làng thức dậy, người đưa đến hộp cao con hổ, người hái nắm lá cúc tần, người rang gói cám… túm vào cứu chữa. Nếu phải đi bệnh viện đường xa hàng chục cây số thì ngay lập tức những đôi vai gầy guộc ghé vào cáng đi thoăn thoắt trong đêm. Từng người một móc ở túi áo rách ra xem còn đồng nào đặt lên giường bệnh rồi mới chịu ra về. Vì thế mà hàng chục năm đói nghèo, lá lành đùm lá rách, cuộc sống vẫn đẹp, vẫn đi lên theo nghĩa con người. Làng xóm ngày ấy tuy đói nghèo mà gia đình hòa thuận, xóm giềng yên vui, tình người cao đẹp. Ta yêu người thì người lại yêu ta. Tình làng nghĩa xóm lúc tối lửa tắt đèn là nét đẹp đặc trưng của dân tộc, truyền nối từ đời này qua đời khác, nếu đánh rơi mất thì đâu còn là con người Việt Nam nữa? Vậy mà giờ đây, cái tài sản vô giá ấy cha ông để lại đang bị rơi rụng trước một triết lý nhân sinh thực dụng. Làng xóm hôm nay không còn lấy bát nước chè xanh, củ khoai lang luộc mời nhau là quý, bởi nó chẳng thấm đâu với những mâm cỗ đầy giò chả. Điều đáng buồn hơn nữa là thói ích kỉ nhỏ nhen là sự vô cảm trước nỗi đau của người khác. “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” ấy là tình cảm, là đạo lý của ông chúng ta, cha chúng ta, và một phần đời đã qua của chúng ta. Con người xót xa chia sẻ nỗi đau của chính con người, có thể mới là con người, mới là sản phẩm cao giá nhất của tạo hóa. Trong xã hội hiện đại, nỗi đau của con người không ngừng tăng lên, còn lòng thương và trách nhiệm với nhau thì tụt xuống quá nhiều. Đã bao đời, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân, một người gặp nạn cả làng rơi nước mắt. Đi làm đồng giẫm phải mảnh sành, liền xé áo, xé khăn băng lại cho nhau. Còn giờ đây, hàng xóm đánh nhau vỡ đầu cũng mặc, cứ việc ngồi rung đùi uống trà, hút thuốc. Vậy tình làng nghĩa xóm lúc tối lửa tắt đèn là ở chỗ nào? Tình phụ tử, nghĩa phu thê cũng đang mờ như sương chiều. Cái xấu đang phát sinh không phải từ những túp lều gianh, mà nó bùng nổ từ những ngôi nhà to. Phải chăng trái tim vàng chỉ có ở những túp lều gianh? Khi những mái nhà gianh mất đi thì mọi cái đẹp cũng bay theo! Vì sao khi nghèo khổ thì con người lại yêu thương đùm bọc, chia đắng, sẻ bùi, tình người sâu đậm đến thế, mà nay đời sống cao lên thì tình nghĩa lại nghèo? Suy nghĩ về nhân tình thế thái hôm nay, lại nhớ tiếc cái thời làng xóm chỉ có những túp lều gianh, những mái nhà rạ lụp xụp, nhưng trong ấy là những trái tim vàng. Trải qua mấy ngàn năm đời này qua đời khác, làng quê vẫn là cái nôi của tình người, của đạo lý, của cái đẹp nhân sinh, của hình ảnh “con chấy cắn đôi”. Chiến thắng hàng loạt giặc ngoại xâm chính là nhờ ở những phẩm giá ấy. Lối sống ích kỉ cầu an hưởng thụ từ đâu du nhập vào mảnh đất thiêng của tình người? Đừng vội đổ lỗi cho cơ chế kinh tế thị trường. Trên thế giới có rất nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mà bản sắc dân tộc không hề phai nhạt. Tuy nhiên thì thấy rằng dân quê bây giờ học đòi lối sống thị thành, lối sống cơ quan. Đã từ lâu dân vẫn coi quan công sở nhà nước là cái mốt để noi theo. Người ta học các cơ quan công sở từ mốt áo quần đến kiểu tóc, kiểu giầy, dáng đi, điều đứng, tất nhiên là cả lối sống. Thường các cơ quan còn giữ được nhiều nét đẹp, thì dân cũng còn nhiều nét đẹp. Trong các cơ quan tình đồng chí, tình đồng nghiệp và tình người hòa quyện thì dân cũng đẹp tình làng nghĩa xóm lúc tối lửa tắt đèn. Khi cán bộ còn thủy chung son sắt vợ chồng thì thứ dân sống với nhau đến đầu bạc răng long. Nhưng đến khi cán bộ có nhiều tiền đi mát xa, bia ôm... thì anh nông dân cũng học luôn, bán thóc, bán lợn để dốc vào một đêm tươi mát, dù ngày mai đi ăn xin! Cán bộ bồ bịch thì lập tức dân cũng bịch bồ, ông này sờ mó vợ ông kia và ngược lại. Có một ông nông dân rất hiền lành, bỗng nhiên lấy ba vợ. Người ta hỏi ông tại sao, ông trả lời: “Cán bộ có nhiều bồ thì tôi có nhiều vợ!”
Giờ đây, làng quê có phần giàu lên về vật chất, nhưng nghèo đi về tình người. Được bát cơm no mà phải đổi cái giá này ư? Những gì mà bao đời ông cha ta phải đổ mồ hôi, xương máu để tạo dựng nên, những gì là thuần phong mĩ tục, những gì là bản sắc Việt Nam, là đặc sắc con người Việt  Nam đang bị cơn lốc bụi mù làm biến dạng! Có lần, một nhà văn bảo con gái:
- Giờ đây bố muốn sống lại với túp lều gianh. Bố nói thật lòng đấy con ạ. Tạo hóa hãy trả cho bố tuổi trẻ rồi quẳng bố sang giữa cánh đồng chiêm menh mông sông nước với túp lều gianh và người bạn đời có trái tim vàng. Bố xin trả lại danh hiệu nhà văn, trả lại vinh quang nghề nghiệp, trả lại cả ngôi nhà to mới làm, chỉ xin có túp lều gianh và hai trái tim vàng cùng tuổi trẻ để lăn vào cuộc sống, sống đúng nghĩa con người!
     Con gái nhà văn hỏi lại:
- Bố thích ở lều gianh ư?
Nhà văn trả lời:
- Có lẽ bố lẩn thẩn chăng? Bố lạc hậu quá chăng? Có lẽ trên đời không ai dốt như bố chăng? Nhưng quả thật lòng bố lúc này là như thế. Lúc nào bố cũng khát khao vẻ đẹp tâm hồn. Bố nghĩ rằng thiếu vẻ đẹp ấy, con người đâu còn ý nghĩa! Rồi con sẽ vào đời, có thể sau này giàu sang, nhưng con nhớ kĩ là tiền bạc không thay được tình người, không thay được tâm hồn. Đừng coi thường những người phải sống trong túp lều gianh, họ luôn giữ được cái đẹp mà nhiều khi những người giàu có lại để rơi mất...
Ông Đốc gấp tờ báo lại rồi để xuống bàn. Ông ngồi im lặng rất lâu. Chuyện Phan Tít người em họ muốn kéo cả họ vào cuộc tranh giành chức chủ tịch ủy ban nhân dân xã lại hiện lên trong đầu ông. Cái thằng Tít này ngày còn ở túp lều gianh bên bờ sông, nó đâu đến nỗi này? Ngày ấy mỗi lần ông về phép thăm nhà đều gặp hắn đánh cào cua ven sông, mình chỉ mặc một cái quần đùi nâu ói chua, đầu đội nón mê, cái lưng đen đúa, cái ngực lép kẹp, chân tay thì ống đồng ống sậy. Thế mà lần nào, sau lúc đi cào đi dậm về nó cũng đến thăm, mang theo một giỏ cua.
- Anh vừa về hả? Em có ít cua đưa chị nấu bát riêu để anh ăn với bún. Ở quân đội các anh kham khổ. Sao lớp này anh gầy và nước da tái thế?
- Sao chú cho nhiều thế?
- Ối dà! Nhiều nhặn gì, bữa riêu đặc thôi mà. Em chỉ giậm một vệt bờ sông là được đủ thôi mà.
Ông nhìn thằng em họ rất cảm động. Về mặt kinh tế, một giỏ cua chưa phải là cái gì lớn lao, nhưng về mặt tình người nó lại là một cái gì đấy rất đẹp. Ông được ăn bát riêu cua như thế, quả là thấy thơm ngon không gì so sánh nổi. Những ngày nghỉ phép về làng thời ấy là những ngày sống đặc biệt, chan chứa tình người, chan chứa tình làng nghĩa xóm. Chỗ này mời bát nước chè xanh, chỗ kia ép ăn củ khoai lang cánh bãi ruột toàn bột ngon như bánh bao . Bà con dân làng họ mạc còn nghèo lắm, lại quanh năm chân lấm tay bùn, hai sương một nắng. Nhà ngói chưa có, toàn là nhà rạ, tường đất. Đường làng quanh co uốn khúc, gồ ghề sống trâu, mưa thì mặt đường thành bùn nhão nhoét, trồi lên lõm xuống như ổ gà, như bậc thang đi trơn phải bám mười đầu ngón chân bấm xuống nền đường cho khỏi trượt ngã. Con sông trước làng toàn bèo Nhật Bản nở đầy hoa tím, vài tháng lại một lần vớt quẳng lên đường cao như con đê, đi thụt đến đầu gối. Đêm liên hoan, đội văn nghệ xã diễn chèo Lưu Bình – Dương Lễ, người xem chật cứng sân đình. Ông cũng chen chúc trong đám người xem từ đầu đến cuối. Nửa đêm ra về thấy bâng khuâng, thấy vui một niềm vui không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Rồi lại ra đi. Ông đem theo những hình ảnh ấy vào mặt trận. Những giờ phút hiếm hoi giữa hai trận đánh, ông thường thao thức không ngủ, nhớ về quê hương, nơi đồng chiêm chân trũng, mùa đến bông nổi cho chim bông chìm cho cá. Và nhớ về một người con gái. Ông tham gia về quốc quân từ kháng chiến chống Pháp, vậy mà lận đận thế nào đến kháng chiến chống Mỹ vẫn chưa lấy được vợ. Ông chỉ còn một người mẹ già với một cái nhà mái rạ tường đất, cột xoan, mái dần vầu ba gian, hai gian nhà ngoài, một gian ngăn làm buồng. Lần nào về bà cụ cũng giục: “Anh định để tôi chết cũng không biết mặt con dâu à?” Thế rồi lần ấy khi đi xem đội văn nghệ xã diễn chèo ở sân đình, vô tình Đốc giẫm phải bàn chân một cô gái làng, cô ấy liền đấm thùm thụp vào lưng anh và nói: “Bắt đền anh đấy!” Anh ngồi thụp xuống lấy mùi xoa ở túi áo ra xoa xoa lên mu bàn chân cô gái, chỗ hơi đỏ lên vì vừa bị anh giẫm phải. Xoa một lúc anh hỏi chân thật: “Đã đỡ đau chưa?” Cô gái lắc đầu “Còn lâu!” Anh lại tiếp tục xoa theo đúng bổn phận người có lỗi. Đến mấy phút sau mới lại hỏi: “Đã đỡ đau chưa?” Cô gái vẫn lắc đầu “Còn lâu”. Anh đi đã lâu ngày, chẳng hiểu các cô gái quê mình là thế nào cả, ngốc nghếch đến nỗi không biết rằng con gái chưa chồng là chúa hay trêu các chàng trai chưa vợ là bộ đội về phép. Thật ra thì chân con trai giẫm lên chân con gái chẳng bao giờ thấy đau. Họ giẫm lên chân nhau như muốn truyền một tín hiệu gì đó thôi. Và cô gái càng kêu đau thì điều đó có nghĩa là tốt, là đã nhận được tín hiệu đầy đủ. Nhưng chàng đại úy Đốc ngày ấy giẫm lên chân cô gái làng lúc chen chúc xem văn nghệ xã thì chỉ là vô tình. Cô gái cũng biết thừa vậy. Nhưng cô lại có cảm tình với chàng, nên dứt khoát “bắt đền!”, “bắt đền anh đấy!” Đền thì đền cái gì bây giờ? Lấy gì mà đền? Cuối cùng Đốc nói liều: “Lần sau về anh sẽ đền em... chờ nhé!” Vì sáng ngày mai anh phải đi. Cô gái cười: “Thế thì đưa em cái khăn xùi xoa làm tin!” Rồi sáng hôm sau Đốc đi, đi một mạch vào chiến trường Tây Nguyên, rồi chiến trường Nam Bộ. Những lúc đêm khuya, những phút căng thẳng giữa hai trận đánh, bao giờ anh cũng nhớ về quê, về mẹ, và lạ chưa, về người con gái mà anh giẫm phải bàn chân đêm xem chèo ở sân đình. Cũng chỉ nhớ thế thôi chứ xơ múi gì. Chắc là em đã lấy chồng từ lâu. Mãi sau chiến tranh vào quãng năm 1975, Đốc mới có dịp về quê. Mẹ anh đã qua đời từ ba năm trước. Chuyện mẹ anh qua đời thì anh đã được tin. Còn bây giờ... ngay từ ngõ vào nhà, nhà anh vẫn ấm hơi người, tất cả đều sạch sẽ, gọn gàng, mảnh vườn nhỏ trước nhà xanh um, mấy luống su hào, bắp cải. Anh bước vào đến sân, ngỡ ngàng tưởng như là mẹ mình còn sống. Có tiếng động trong nhà. Rồi một người con gái bước ra bờ hè:
- Anh...
Anh nhìn người con gái và nhận ra... cô gái mà mình giẫm phải chân ở sân đình đêm xem chèo hồi nào. Cô gái có vẻ hơi ngượng ngùng bước qua hè đến chỗ anh:
- Chìa khóa cửa đây, em giao lại cho anh, em về... Nói rồi cô gái đặt vào bàn tay anh chiếc chìa khóa bằng đồng.
- Ấy ấy... sao lại thế? – Anh nói ấp úng.
Cô gái đỏ mặt nói:
- Anh đã về. Em hết nhiệm vụ rồi. Ở đây mãi sao được?
- Được được mà! – Anh trả lời vội – Tôi về rồi tôi lại đi chứ có ở nhà đâu!
Bỗng cô gái rút từ túi ra cái khăn mùi xoa nói ấp úng:
- Cai khăn ngày ấy đây... anh có đòi lại không?
Anh đứng im nhìn chiếc khăn mùi xoa như nhìn một vật báu. Cô gái lại nói:
- Nếu anh đòi thì phải đền chân em đi, hãy còn đau đấy...
Đốc đứng im không biết nói thế nào. Cô gái bảo:
- Vậy anh vào nhà đi, để em bàn giao...
Đốc bước qua hè vào nhà. Việc đầu tiên là cô gái đỡ cái ba lô áo quần xuống cho Đốc. Rồi Đốc thắp ba nén hương cắm lên bàn thờ mẹ, khấn và xin lỗi mẹ, mong mẹ tha thứ lúc mẹ tuổi già sức yếu con không ở bên chăm sóc, cũng như khi mẹ qua đời mà con vắng mặt. Rồi anh khóc, khóc thật sự, nước mắt giàn rụa khắp gương mặt gầy xanh tái màu sốt rét. Cô gái đứng gần thấy vậy cũng khóc. Phải một lúc lâu hai người mới lau khô nước mắt rồi cùng ngồi xuống bộ ghế cũ kê ở gian giữa, nơi đặt bàn thờ mẹ...
Câu chuyện mà sau này Đốc được người làng kể lại thật cảm động. Đốc đi chiến trường được mấy tháng thì sức khỏe của mẹ ngày càng yếu, phần vì thương nhớ đứa con trai duy nhất, phần vì đã bao năm cụ mong đợi một đứa con dâu, giờ thì không còn hi vọng vì con trai cụ đã vào Nam, chẳng biết đến bao giờ mới trở về, mà lúc ấy thì chắc chắn cụ không còn sống. Biết nỗi khổ của cụ nhưng không ai giúp được. Lúc này đất nước đang bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt, xóm làng chỗ nào chả thấy đau thương, tang tóc, cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình như xé ra từng mảnh. Thế rồi một buổi sáng kia, cụ thấy có một người con gái từ ngõ đi vào. Bước qua sân, lên đến đầu hè, cô gái nhìn vào trong nhà cất tiếng chào:
- Con chào mẹ ạ!
Cụ Tí quay ra niềm nở:
- Cháu vào đây....
Cô gái mạnh dạn bước qua bậc cửa vào hẳn trong nhà. Cụ Tí đứng lên đi vài bước ra để nhìn cho rõ. Mắt cụ đã kém lắm, nên cụ cứ nhìn đi nhìn lại. Khi biết đích xác người đang đứng trong nhà cụ đây là một cô gái thì cụ mừng lắm. Cụ run run nắm lấy tay cô gái nói:
- Con ngồi xuống ghế này. Con ở đâu đến?
- Con là Mận, người ở thôn dưới mẹ ạ...
- Thế à? – Cụ Tí hỏi và vui hẳn lên – Con đã đến nhà mẹ lần nào chưa? Hồi thằng Đốc chưa vào Nam nó về phép thăm nhà, con có biết nó không?
- Dạ...
- Con có gặp nó lần nào không?
- Dạ...
- Cứ nói thật đi! Lòng mẹ mong con đã gặp nó, chúng con biết nhau...
Cô gái móc trong túi ra cái khăn mùi xoa, đặt vào tay mẹ Tí:
- Mẹ có nhận ra cái khăn mùi xoa này của ai không?
Mẹ Tí cầm giơ lên chỗ sáng. Mẹ ngắm đi ngắm lại một lát, rồi mẹ nói như reo:
- Cái khăn này là của thằng Đốc con trai mẹ, sao con có được?
Mận thấy mẹ Tí nhận ra ngay thì cảm động và sung sướng đến ứa hai hàng nước mắt. Biết lòng mẹ bao năm nay chỉ ước ao được nhìn đứa con dâu của mình và giờ đây sức khỏe của mẹ bị suy yếu một phần nguyên nhân là mẹ hết hi vọng nhìn thấy nàng dâu trước khi qua đời, cô đành liều nói:
- Chiếc khăn này là của anh Đốc tặng con trước khi lên đường đi vào Nam chiến đấu....
- Thế à? Có thật thế không con? – Mẹ Tí hỏi rối rít. Thế rồi chẳng đợi trả lời, mẹ liền ôm chầm lấy cô gái:
- Đúng rồi! Đêm đêm mẹ vẫn nằm mơ thấy con trai và con dâu của mẹ... Con... Con là con dâu của me...
- Vâng... con... – Mận nói run run.
Từ hôm sau, mẹ Tí như khỏe hẳn ra. Điều mơ ước của mẹ đang là hiện thực. Bao năm rồi mẹ mong một đứa con dâu. Rồi lòng mong ước cháy bỏng ấy đi vào ngõ cụt. Mẹ buồn đến nẫu ruột gan. Ông giời có mắt thế là lại trả lại cho mẹ niềm vui, cho mẹ đứa con dâu thật sự bằng xương bằng thịt chứ không phải là trong mơ. Cũng từ đấy cô gái có tên là Mận luôn luôn chăm sóc mẹ từ giặt cái quần cái áo đến bát cơm bát cháo lúc mẹ trở trời trái gió, suốt mấy năm trời khiến mẹ như thấy có con trai bên cạnh. Chính quyền, đoàn thể và bà con dân làng chẳng rõ thật hư thế nào, nhưng ai cũng khen và hết lòng động viên. Thời gian trôi đi được hơn ba năm thì mẹ Tí qua đời. Chính Mận đứng lên lo toan mọi việc cho mẹ mồ yên mả đẹp, cô chít khăn sô và đội khăn trắng để tang như người con dâu chính cống. Rồi Mận nói với bố mẹ cho về ở hẳn trên này chăm lo nhà cửa vườn tược và hương khói cho mẹ Tí. Mận nghĩ đây là tình, nhưng cái cao hơn còn là nghĩa đối với một gia đình như mẹ Tí. Sau này anh Đốc về, nếu anh yêu thì Mận sẽ là vợ anh thật sự. Còn như anh không yêu thì Mận sẽ nhận là em gái và trao lại nhà của ruộng vườn cho anh nguyên vẹn. Ngay chiều hôm ấy Mận đã kể lại mọi điều cho Đốc nghe. Rồi cô trao chìa khóa cho Đốc, gói mấy bộ quần áo vào chiếc khăn vuông cắp vào hông rồi rưng rưng nước mắt:
- Em về...
Đốc nắm chặt lấy tay Mận:
- Sao phải về?
- Không về thì ở đây được sao?
- Sao không được? Mẹ là mẹ chung. Mà này, đây là nhà của em...
- Nghĩa là thế nào? Anh nhận em là em gái à?
Đốc vẫn nắm chặt lấy tay Mận:
- Ngày ở mặt trận, lúc gian nguy, anh nhớ về quê, nhớ và nhớ em...
- Nhớ em thế nào?
- Có lúc anh nằm mơ thấy... Em vất cái khăn mùi xoa của anh đi....
Mận cười:
- Chỉ có nằm mơ dở thế thôi à?
Đốc vẫn nắm chặt tay Mận không cho đi.
- Rồi có lúc... anh lại mơ thấy em đi lấy chồng...
Mận cười:
- Thì em lấy chồng rồi đấy như? Em đã về nhà chồng mà chưa được chồng đồng ý. Nếu đuổi thì em đi...
Đốc vẫn nắm chặt tay Mận:
- Nếu em bỏ đi thì anh cũng đi biệt xứ luôn! – Đốc nói rất cảm động – Trời đã xui em đến đây thì em hãy ở lại...
Mận hỏi lại:
- Có trời xui thôi à? Trời yêu chứ anh không yêu em à?
Đốc kéo Mận sát vào mình:
- Anh còn yêu em hơn trời!....
Năm ấy Phan Văn Đốc đã ở tuổi tứ tuần, quân hàm trung tá, chức vụ trung đoàn trưởng một trung đoàn bộ binh. Đã có rất nhiều cơ hội để ông lấy vợ do bạn bè và những người thân muốn ra tay “lắp ghép”, vậy mà cho đến giờ vị chỉ huy trung đoàn này vẫn bị xếp vào loại trai tân. Rồi thì bỗng nhiên trái tim ông run lên bởi cú bắt đền của cô gái quê “mặc kệ, em bắt đền anh đấy!”. Cái bắt đền ấy nghe sao vô lý mà đáng yêu vậy. Suốt những năm tháng ở chiến trường, cái gương mặt non choẹt có đôi mắt tròn xoe, đôi má tròn xoe ấy theo ông. Rồi ngày về gặp lại, những câu chuyện nghe kể tưởng chỉ có trong các sách vở ai ngờ lại là hiện thực của cuộc đời. Giờ đây ông run rẩy trước tình yêu cao thượng của người con gái. “Anh còn yêu em hơn trời!” Ai đã xui ông, vị Thánh tình yêu nào đã xui ông nói được một câu vừa yếu mềm lại vừa mạnh mẽ như vậy?
- Em về! Dù sao thì em cũng phải về. Anh hãy đưa trầu cau đến nhà em, thưa chuyện với bố mẹ em, rồi tổ chức cưới em cho đường hoàng, anh hiểu không?
Nói rồi người con gái cương quyết ra về. Bấy giờ ông như người mê sực tỉnh. Ông đứng  ngẩn người nhìn theo cho tới khi nàng khuất bóng. Hai ngày sau, trong khi ông chưa kịp làm gì, và cũng chưa biết làm gì thì có điện của sư đoàn gọi ông về Hà Nội gấp. Ông lên đường không kịp gặp nàng. Nhưng khi ông vừa đi thì nàng lại đến và đóng vai bà chủ nhà. Dịp ấy ông từ chối dứt khoát những gì mà bạn bè lắp ghép cho ông ở Hà Nội. Một tháng sau, trong lúc ngồi giải lao sau giờ họp, ông đã mạnh dạn kể lại câu chuyện gia đình cho đại tá sư đoàn trưởng nghe. Vị đại tá vừa nghe vừa tròn xoe mắt ngạc nhiên và thú vị:
- Để tớ! – Vị đại tá mỉm cười – Cậu không còn gia đình thì chả lẽ chính cậu đội trầu cau đến nhà gái à? Như thế coi sao tiện? Bọn này phải lo. Chuyện này thế mà quan trọng gớm đấy cậu hiểu chưa?
     Rồi một tuần sau thì một chiếc com-măng-ca mới toe chở vị đại tá sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn, chính ủy trung đoàn cùng hai cô y tá ở quân y sư đoàn, cùng hai buồng cau, mấy chục phong bánh khảo, mấy chai rượu màu, mấy tút thuốc lá Điện Biên, một cân chè... cùng trung tá chú rể, phóng thẳng từ Hà Nội xuôi hướng Nam Định. Rồi từ thành phố Nam Định vượt qua cầu treo bắc qua sông Đào, nó băng băng trên mặt đường 21, rẽ tay phải vào làng Trọng Nghĩa. Rồi từ đầu làng Trọng Nghĩa nó đi thẳng đến nhà ông bà Đào, bố mẹ của cô dâu. Ông bà Đào cuống quýt thấy một cái xe nhà binh phóng gần như thẳng vào tới sân nhà mình, tưởng có chuyện gì. Sau thấy cửa xe mở, toàn những đại tá, trung tá ló đầu ra rồi từ trên xe bước xuống sân... Chuyện gì lạ thế này? Cả nhà ngơ ngác đứng xếp hàng ở trước hiên nhà, líu ríu không biết chào hỏi ra sao với các vị đại tá, trung tá này thì ông đại tá sư đoàn trưởng, đại tá chính ủy sư đoàn, trung tá chính ủy trung đoàn cùng hai cô y tá quân phục chỉnh tề tiến đến trước mặt hai ông bà Đào:
- Thưa hai cụ! – Đại tá sư đoàn trưởng nói – Chúng tôi là họ nhà trai có cái lễ nhỏ đến xin hai cụ và họ nhà gái cho cô Mận về làm dâu họ chúng tôi, và xin hai cụ nhận trung tá Phan Văn Đốc làm con rể kể từ ngày hôm nay...
Ông bà Đào mừng quá, ríu lưỡi vào không nói được gì, chỉ có vài câu “Được ạ, được ạ!”, rồi toàn gia đình cuống quýt vào thu dọn nhà cửa. Sau đó phái đoàn nhà trai cùng với hai đội quả lễ xin cưới tiến vào theo.
Lúc ấy cô Mận lại không có nhà. Từ ngày Đốc về đơn vị, Mận lại sang đấy làm chủ, chỉ có hai bữa cơm mới về rồi lại đến. Lúc này cô đang quét vôi lại mấy bức vách cho sáng sủa. Đại tá sư đoàn trưởng biết tin liền phái luôn xe com-măng-ca đến đón. Nhà ông bà Đào bỗng nhiên náo nhiệt hẳn lên. Anh em họ hàng, làng xóm kéo đến. Rồi ông bí thư, ông chủ tịch xã, ông chủ nhiệm hợp tác xã cũng cấp tốc đến. Các vị này đứng về phía nhà trai đến xin cưới. Họ nhà trai lúc này xem ra đã kha khá đông, liền có một cuộc hội ý riêng chớp nhoáng để bàn định ngày giờ xin cưới. Chỉ còn có ba ngày nữa là chú rể - tức trung tá trung đoàn trưởng Phan Văn Đốc – phải dẫn quân lên phía Bắc vì ở đấy đang diễn ra lắm rắc rối. Đại tá sư đoàn trưởng liền hạ lệnh:
- Cưới ngay chiều hôm nay!
- Nhưng chưa có gì cả! – Trung đoàn trưởng Phan Văn Đốc trình bày lại – Giường nằm cũng chưa có, mà tiền tôi chẳng còn xu nào...
- Thế lương cậu để đâu? – Sư đoàn trưởng hỏi.
- Anh tính làm thằng lính chưa có vợ thì giữ tiền làm gì?
- Hỏng! Cậu hỏng quá rồi! Làm thế nào bây giờ? Có ai có sẵn tiền trong túi lúc này không?
     Hai ông đại tá, một ông trung tá đều lộn túi trong ra túi ngoài tìm tiền, có bằng nào đặt hết lên mặt bàn, nhưng xem ra các vị này đều thuộc loại “cháy túi”.
Thấy vậy, ba ông bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm hợp tác xã quay ra hội ý riêng để cứu nguy bàn thua trông thấy của họ nhà trai. Rồi ông chủ nhiệm hợp tác xã nói:
- Việc này để chúng tôi lo...
Ông sư đoàn trưởng thở phào:
- Tuyệt quá rồi! Sau đó ông hạ lệnh: Đúng 7 giờ tối chúng ta đón dâu!
Thật là đòn tiến công hỏa tốc. Nghe tin vậy, cả làng vào “trận đánh”. Các ban bệ được thành lập cấp tốc. Ban tiếp tân, ban đi mượn chiếu (không dùng bàn ghế), ban tháo vỏ chăn làm phông, cắt chim hòa bình cặp mỏ vào nhau với hàng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Nước chè tươi nấu hàng chum. Hạt dưa mua về một mủng. Mấy giàn trầu trong xóm bị vặt trụi, cùng mấy buồng cau non. Cho đến lúc gần đi đón dâu người ta mới giật mình nhớ ra là cặp vợ chồng mới cưới chưa có giường mới chiếu mới, màn mới, chăn mới... ối chà chà, cái này mới là cái chết đây! Cuộc hội ý cấp tốc. Sư trưởng hạ lệnh: “Trong vòng một tiếng nữa phải có đủ!” Ai còn tiền bỏ nốt ra đi! Soạt! Soạt! Soạt!... Đủ rồi!
Xe com-măng-ca phóng vun vút lên phía thành phố, réo còi xin đường inh ỏi. Qua cầu treo bắc ngang sông Đào, xe phóng thẳng đến chợ Rồng. Đoàn quân nhảy xuống: tốp đi tìm giường, tốp đi tìm chiếu, tốp đi tìm chăn màn... Nửa giờ đồng hồ là xong tất cả. Về đến nhà vẫn chưa hết số giờ quy định. Ai kê giường đây? Tất cả giơ tay đề bạt: Sư trưởng! Sư trưởng ngẫn ngờ. Hạ lệnh cho pháo bắn thì mình làm ngon. Còn như kê giường? Ngộ nhỡ có trục trặc gì thì nó bổ đầu mình không? Thôi không phải lúc đắn đo. Tớ kê! Pháo phải nổ giòn đấy cậu Đốc nhé! Thêm mười lăm phút nữa giường kê xong, chiếu mới thơm mùi cói trải ra, màn mắc vuông góc, chăn hoa gấp lại để dọc giường, gối hoa để đầu giường. Tuyệt! Lão này thế mà số đỏ! Đến giờ đi đón dâu rồi! Nào tập hợp lại...
Dù chẳng kịp đi mời, mà bà con trong họ ngoài làng đến đông cả sân, phải đứng ngồi ra tận ngõ. Không có ghế, bàn. Những cái chiếu còn ấm hơi người từ mỗi gia đình được bốc lên khỏi giường rồi đem đến đây trải trên sân trên ngõ. Nước chè múc ra bát đàn. Hạt dưa từng mô để ngay trên chiếu. Mọi người ngồi vòng tròn quanh chiếu cắn hạt dưa, uống nước chè múc từ chum ra, chuyện trò và cười nói rôm rả cho tới tận lúc ông trưởng ban hôn lễ tuyên bố:
- Giải tán! Ngày kia chú rể phải đi công tác xa rồi! Tôi tuyên bố giải tán thật nhanh! Ban lễ tân có mười lăm phút dọn dẹp rồi ra trụ sở hợp tác xã họp rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không ai ở lại. Đồng chí sư trưởng và các chính ủy về Hà Nội luôn hay ở đây để chúng tôi còn bố trí giường ở nhà khách hợp tác xã? Về Hà Nội luôn đêm nay à? Tốt quá! Đồng chí trưởng ban đời sống của hợp tác xã đâu, đề nghị đồng chí đưa mấy gói bánh khúc để các thủ trưởng vừa ngồi xe vừa ăn khỏi đói quá, còn thì làm quà cho bà xã ở nhà...
Nghe nói đến bánh khúc sư trưởng và hai chính ủy mừng rơn, vì quả thật các vị đang đói, mà không thể kề cà lâu hơn nữa. Chưa đầy mười phút sau, không còn một ai. Khi chia tay đầu ngõ, sư trưởng ghé sát tai căn dặn trung đoàn trưởng “Tớ kê giường mà pháo cậu xịt là chết tớ!...” Trung đoàn trưởng cũng mỉm cười: “Xin tuân lệnh thủ trưởng!” Ở được với vợ có hai đêm, sáng ngày thứ ba Đốc phải về đơn vị rồi sau đó đưa đơn vị lên chiến trường phía Bắc. Mãi gần hai năm sau ông mới lại về thăm nhà. Cô vợ đã bế đứa con trai được hơn một tuổi ra ngõ đón. Ở với vợ con được mấy ngày rồi ông lại đi. Một thời gian sau, ông được chuyển về công tác ở Bộ quốc phòng. Cơ quan phân nhà và bảo ông đưa vợ con lên Hà Nội ở, sẽ bố trí công ăn việc làm để đảm bảo đời sống. Nhưng ông lắc đầu xin nhường tiêu chuẩn cho các đồng chí khác. Trong tâm ông lúc nào cũng nghĩ: Mình sinh ra và lớn lên ở quê hương đi chiến đấu, khi nào hoàn thành nhiệm vụ thì trở lại quê hương, cái tạng mình là chỉ có sống ở quê mới hợp. Rồi khi đến tuổi thì ông xin về hưu và về luôn quê sống cùng vợ con. Không ai tưởng tượng nổi là vị đại tá lại xoay trần ra đóng được những hai lò gạch để xây nhà. Lương quân đội thời ấy chưa cao, vả lại tính ông vốn rộng, chàng lính nào túng mà đến xin, ông đều móc ví ra cho, có khi hết lương ngay đầu tháng. Rồi cũng phải gửi về cho vợ và hai con ở nhà chút ít. Thành ra lúc về chỉ có cái ba lô bẹp, bạn bè thấy thế phải xúm lại cho mới đủ tiền mua quà bánh, sắm quần áo về cho con và tặng vợ. Ông rất vui và yêu đời. Về ngày hôm trước, hôm sau cởi trần ngâm ao gánh bùn đổ gốc cây, tham gia đi cuốc ruộng cùng vợ làm ruộng khoán. Trong vòng hai mùa hanh khô, ông làm được hai lò gạch, mỗi lò trên vạn viên. Nhưng rồi để đấy, tiền đâu ra mà mua vôi cát, xoan, luồng, ngói lợp? Mãi đến khi quân đội được tăng lương cao, tiết kiệm trong mấy năm liền mua dần từng thứ cuối cùng mới xây được nhà tường gạch mái ngói. Thôi thế cũng tốt lắm rồi. Nhà nước còn nghèo, cán bộ có cái nhà ngói cũng là sang. Nhiều nhà dân còn mái rạ cơ mà? Nhưng rồi ông cứ phải mở to mắt ra mà ngạc nhiên: Cán bộ cấp xã mà bụng phệ, nhà tầng, xe Dream II mới cứng? Cả đời theo nghiệp binh đao nên về xã hội đời thường ông ít am hiểu. Những năm thấy ông còn lận đận ở chiến trường, những năm tháng ông sống vô tư chan hòa bên những người lính lòng vẫn đẹp, thì ở ngoài kia, xã hội và con người đang thay màu đổi áo, mà ông không cảm nhận được. Rồi đến khi biết, thì biết đến đâu là nổi gai gà dị ứng đến đấy. Cái làng Trọng Nghĩa của ông bao đời nay dù lúc giàu lúc nghèo, lúc đói, lúc no, lúc vui sướng, lúc đau khổ, khi nhàn nhã cũng như lúc gian truân, bao giờ lòng người cũng đẹp, tình người cũng thắm thiết. Ông trút bỏ, ông từ chối một cuộc sống giàu sang nơi phố phường, kiên quyết trở về với cái giá trị đích thực của cuộc đời. Nhưng hàng xóm hôm nay đâu còn như ngày nào con chấy cắn đôi, bát canh sẻ nửa để ông lặn ngụp trong những giá trị nhân văn! Đọc xong bài “Nhớ túp lều tranh đựng trái tim vàng” ở báo Văn nghệ, lần đầu ông chưa tin lắm. Chả lẽ cố gắng mãi mới thoát ra khỏi túp lều gianh, lại đã phải quay về nuối tiếc? Lại nuối tiếc cái nghèo thì ai còn chấp nhận? Nhưng giữa cái nghèo của mà giàu tình với cái giàu của và nghèo tình, con người sẽ chọn cách sống nào? Con người ta khi đã giàu rồi lại nhớ đến cái thời nghèo và nuối tiếc cái đẹp của những ngày ấy. Có lẽ chính ông cũng đang thế. Anh cán bộ thuở xưa đi làm cách mạng mặc áo vá ăn cơm độn khoai, nằm bờ nằm bụi. Cái khổ ấy được bù lại là tấm lòng trung trinh trong sáng, là sự mến yêu đùm bọc của dân, là sự ghi nhận công lao sau này của non sông, đất nước. Những cán bộ hôm nay ở nhà lầu, ăn tiệc, ngự xe đời mới. Để có những cái ấy, họ phải quẳng đi cái đẹp trong tâm hồn, quẳng đi lòng mến yêu của dân, ôm lấy tiếng chê cười của ngày mai. Ông nghĩ như vậy. Và đôi lúc ông cũng phải nghĩ về ông. Lẽ ra với cái tuổi bảy mươi, hơn nửa thế kỉ làm anh bộ đội cụ Hồ, ông hoàn toàn có quyền được nghỉ ngơi với tâm trạng thoải mái của một người gánh nặng đường xa mà về tới đích. Vùng sáng trong kí ức của ông là những nét đẹp cuộc đời, những gì là nhân bản, là gốc gác, cái lõi của tình người là bản sắc bao đời của con người Việt Nam, là mùi thơm của hương đồng gió nội. Chẳng bao giờ ông quên được ngày cưới vợ, mới chưa đến 9 giờ tối mà ông chủ hôn đã đuổi hết mọi người về, ban tổ chức cần hội ý rút kinh nghiệm thì phải đưa ra trụ sở hợp tác xã mà bàn, ông sư trưởng, ông chính ủy cũng phải chuồn luôn, đem theo bánh khúc vừa ngồi xe vừa nhai cho đỡ đói... chỉ vì ông đã lấy vợ muộn, lại ba ngày sau đã phải có mặt ở đơn vị, rồi ra trận, người ta đã hi sinh hết để dành cho ông từng giây phút hiếm hoi... Mấy ngày sau, ông đã ra đi, đem theo tình quê hướng vào trận mạc, vượt qua được mọi hiểm nguy. Đó là dấu ấn cuộc đời – dấu ấn đẹp cuộc đời, chẳng bao giờ phai mờ được trong ông. Rồi ông xin nghỉ hưu về làng với bao háo hức sẽ được sống những năm tháng cuối đời trong lời ru của những tâm hồn quê mộc mạc mà chan chứa tình người. Nhưng quê hương giờ đây đang bước vào thời kì phân hóa giữa giàu nghèo, đẹp xấu. Những thứ ấy hòa trộn xoay tròn trong vòng xiết của nền kinh tế thời kì đổi mới. Tất cả đã nhảy vào vòng đua, cái thiện vẫn còn, nhưng cái ác được đất mới, sinh sôi, nảy mầm cũng không phải là ít, có chiều hướng cái thiện, tưng nơi, từng lúc. Ừ thì đành rằng là vậy! Nhưng ông cứ nghĩ là cái ác sẽ chỉ nảy ra ở một bộ phận dân cư thiếu giáo dục, thiếu bản lĩnh mới làm bừa, vơ vét làm giàu bằng mọi giá. Không ngờ cái ác lại len lỏi rồi phình trướng ở ngay các bộ phận đang cầm cân nảy mực, đang làm cọc chuẩn để định hướng đi lên cho xã hội. Chức quyền có được là vì dân, do dân. Người đứng ở cương vị ấy là đầy tớ của dân – từ ngày xưa cha ông đã dạy “quan giả dân chi công bộc”! Cái anh đầy tớ ấy hôm nay bề ngoài vẫn nhận mình là đầy tớ của dân, vì dân mà phục vụ, đặt lợi ích cá nhân xuống dưới, lợi ích tập thể lên cao, cái gì cũng phải dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, khổ trước dân, sướng sau dân, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh... Thế nhưng trong thực tế thì ngược lại hoàn toàn. Cái nhà hai tầng của quan và cái nhà mái rạ của dân đang đứng cạnh nhau giữa thanh thiên bạch nhật như một bức tranh xung đối thì hỏi rằng ai sướng ai khổ, ai sướng quá ai khổ quá? Cha ông ta ngày xưa đã tổng kết rồi đưa ra câu: “Trăm nghe không bằng một thấy!” Tai dù nghe lời nói hay đến đâu, nhưng mắt lại chỉ nhìn thấy những điều dở thì cõi lòng không thể tin vào cái tai mà phải tin vào con mắt. Một người chồng kể lại rằng, đêm nào anh cũng nghe thấy vợ mình nói lời thủy chung son sắt, nhưng sáng ngày mai lại nhìn thấy cô ta cặp kè với gã đàn ông lạ mặt, rồi đêm về lại nghe vợ nỉ non về tình yêu thủy chung cho đến đầu bạc răng long. Anh chồng này đã quá yêu vợ mà chỉ nghe lời nói chứ không nhìn vào việc làm. Kết quả là sau hai tuần, cô vợ biến mất. Từ ngày ấy tai anh không nghe thấy gì, mà đôi mắt lại chỉ sững sờ cái hình ảnh cô vợ mình cặp kè với gã trai lơ. Người dân vốn tin vào cán bộ. Một thời bảo gì họ cũng nghe theo, vì trong họ có sẵn niềm tin. Cho đến khi mùa vừa xong thì thóc cũng vừa hết, lại nhà dột, vợ yếu, con đau, không tiền lấy thuốc thì cái hình ảnh ngày mai tươi sáng trong họ bắt đầu mờ mịt. Những lời họ nghe cán bộ nói từ trước đến nay bỗng nhiên vón cục rồi bị đẩy ra ngoài. Khi cán bộ ngồi xe máy, phóng xe con vun vút trên đường rồi ngoái cổ lại bảo dân: Cố mà bò mà nhoài cho tới đích sung sướng thì còn có ai tin nữa không?
Ông Đốc đeo quân hàm đại tá về làng nghỉ hưu. Lúc đầu dân dạy bảo nhau: Làng mình lại thêm tham quan! Nghĩa là lại phải lo lắng vì thêm quan thì dân càng thêm khổ! Rồi khi thấy quan xoay trần ra đóng gạch, thì dân bảo: Quan này lại là quan giả nghèo giả khổ rồi! Rồi khi thấy quan đã đóng tới hai lô gạch mà chưa thấy xây nhà, thì dân bảo: Còn chờ mẫu biệt thự! Rồi đến khi xây nhà, người ta thập thò để ý từ lúc đào móng, xây chân móng để đoán ra quy mô của ngôi biệt thự sẽ mọc lên nay mai... Cho đến khi té ra là ngôi nhà ngói bốn gian – một gian buồng ba gian nhà ngoài, đúng hệt như các ngôi nhà của anh dân thường biết làm ăn mới xóa đi ngôi nhà tường đất mái rạ mà xây lên. Đến lúc ấy có người bảo ông quan này nghèo, có người bảo ông ấy mỗi tỉnh một vợ, những bà ở Hà Nội – Hải Phòng – thành phố Hồ Chí Minh đã xây biệt thự cả rồi, còn đây là vợ nhà quê nên xây nhà ngói. Tất cả những điều này ông Đốc nghe được cả. Vả lại thời nay dân nói cốt để cho quan nghe, quan mà chưa nghe thấy thì người ta nói đi nói lại đến bao giờ quan nghe rõ mới thôi. Quan Đốc nghe thấy ngay từ đợt đầu, và quan cũng lắng nghe tiếp. Nghe đủ rồi ông vẫn lặng im. Ông không thấy oán dân đã nghĩ sai, nói sai về ông. Có thể một vài lần dân nói sai, nghĩ sai, nhưng đã có trăm lần dân nói đúng, nghĩ đúng về cán bộ hôm nay. Cái đáng trách là những người đang làm đầy tớ cho dân đã biến mình thành ông chủ rồi bắt dân làm đầy tớ cho mình. Chính những vị này bằng cuộc sống giàu sang quá mức đã gây cho dân mất niềm tin để rồi người dân như con chim nhìn cành cây cong cũng tưởng cánh nỏ chĩa vào mình. Ông không oán những người dân quê nghĩ sai, nói sai về ông, nhưng ông thấy buồn, một nỗi buồn khó tả. Đã bao năm rồi, có thể nói là gần hết cả cuộc đời ông chiêm nghiệm cho một lí tưởng, phấn đấu cho một lí tưởng mà hàm nghĩa cao nhất của nó là vì dân. Từ lâu ông đinh ninh rằng mình đứng trong một đội ngũ mà ai đã tình nguyện ra nhập thì điều trước tiên là vì dân, vì nước. Cái hàm ý cao đẹp ấy là động lực của cả một lớp người tiền bối bất chấp tù đày đứng lên làm cách mạng. Rồi nhiều triệu người nối tiếp theo sau. Rồi nhiều triệu con người đã gục ngã trong bom đạn để sau này trước nấm mồ được suy tôn là vì, dân vì nước. Chính ông, bằng cả cuộc đời đã trả giá cho điều ấy. Điều đẹp đẽ và thiêng liêng ấy, mẫu người như ông tưởng rằng không gì phá nổi, nó sẽ là đài hoa thơm, mãi mãi để những người như ông dù sau này có nằm sâu dưới lòng đất, vẫn còn được hưởng mùi thơm. Nhưng rồi một quả bom đã nổ. Các ấu trĩ một thời đã phơi ra. Điều hiểm họa cho con người là cuộc sống đói nghèo. Điều hiểm họa nữa là những người dắt dân tới thiên đường thì chỉ mình họ tới thiên đường, còn dân vẫn nơi trần gian địa ngục. Trong họ Phan ai là người giàu nhất? Xin thưa, ông làm chủ nhiệm hợp tác xã, cũng tức là làm đầy tớ của dân! Trong họ Phạm ai là người giàu nhất? Xin thưa, đó là Phạm Tằng! Ông ta làm gì? Ông ta làm chủ tịch xã, tức là đầy tớ dân! Ô hô! Các đầy tớ đã được lên thiên đường, để lại đằng sau một đám những ông chủ hờ đói nghèo!
Những đêm buồn, ông Đốc thường nằm vắt tay lên trán mà ngẫm nghĩ. Có thể nói giờ đây ông sống với quá khứ nhiều hơn hiện tại. Quá khứ của một đời người, cũng như quá khứ của dân tộc ta đầy nước mắt. Vậy mà khi nhớ lại, ông thấy ấm lòng đến thế. Ngày ông ra đi theo kháng chiến là cuối năm 1946, sau kháng chiến toàn quốc được ít ngày. Sau này mấy nhà thơ đã làm mấy câu thơ tả cảnh ra đi ngày ấy mà ông thuộc:
“Thuở anh đi quê mình còn bóng giặc
Đồng ruộng tiêu điều nhà cửa xác xơ
Con chim hót trên khoảng trời trống vắng
Gió may buồn xào xạc lá vàng rơi...”
Tình cảnh đất nước ngày ấy là như thế, vừa qua một trận đói, xác chết đầy đường. Ông vào du kích tập trung, rồi ông chuyển sang bộ đội địa phương, sau cùng là lên chủ lực. Lớp người như ông được gọi là ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ! Cho đến giờ chưa có tài liệu nào công bố cái danh hiệu ấy ai là người nghĩ ra, ai là người đặt ra, ai là người dùng nó lần đầu tiên ở cuộc hội nghị nào, và bài báo nào viết bài đầu tiên gọi những người cầm súng chiến đấu chống Pháp là “Anh bộ độ cụ Hồ”? Có điều cái danh hiệu ấy, đứng từ góc độ hôm nay mà nhìn thì nó thật là đẹp. Cụ Hồ Chí Minh, tức là Chủ tịch nước Việt Nam thời ấy ăn cơm độn sắn, mặc quần áo vá, đi dép lốp, ở nhà sàn, tự mình chống gậy trèo đèo lội suối đi công tác. Bộ đội ngày ấy từ chỉ huy đến chiến sĩ cũng ăn đói mặc rách, đầu đội mũ nan, chân dép lốp, nằm rừng, nằm núi để đánh giặc, nên được gọi là anh “Bộ đội cụ Hồ”? Chưa có cái huân chương nào vẻ vang hơn danh hiệu ấy. Những người được gọi là anh bộ đội cụ Hồ ấy đã từ gậy tầm vông, mã tấu mà chiến đấu rồi chiến thắng ngoại xâm qua hai cuộc kháng chiến. Rồi hôm nay chính những anh bộ đội cụ Hồ năm xưa ấy, ai còn giữ, ai đã đánh mất cái danh hiệu mà non sông đất nước tặng cho? Không ít những người đã đánh mất, rồi người vô tình đánh rơi, người tự tay vất bỏ. Có người vẫn vỗ ngực tự xưng bề ngoài, nhưng lòng lại khác. Số này khá đông và trở nên nguy hại nhất. Thì cứ suy ngẫm mà xem, những cán bộ chủ chốt các cấp ngày nay có mấy người không từng là anh bộ đội cụ Hồ? Không là bộ đội cụ Hồ sao đứng được vào các chức vụ bẻ lái con thuyền? Cũng như bài báo của một nhà văn đã viết, lúc ở nhà gianh thì có trái tim vàng, khi ở nhà tầng thì vàng chuyển thành đá. Giờ đây, những người này không vì dân vì nước mà chỉ vì mỗi bản thân mình. Buồn quá! Tham ăn đã là quốc nạn của một dân tộc vốn có truyền thống thanh cao lịch thiệp, coi miếng ăn nhẹ tựa lông hồng. Có thể như Khuất Nguyên ngày xưa được không: Người đời đục cả chỉ có mình ta trong, người đời say cả chỉ có mình ta tỉnh. Ta tỉnh được giữa lúc đời đang say, ta trong được giữa lúc đời đang đục?... Vào những lúc buồn nản nhất cho nhân tình thế thái, ông Đốc thường mở băng cát sét nghe đi nghe lại một khúc hát văn:
Năm mươi năm anh trở về
Tuổi xuân gửi lại bên lề chiến công
Cờ hồng tóc bạc rung rung
Phất phơ ngọn gió trùng trùng niềm vui
Anh ơi về lại đất trời
Quê hương ta đó cuộc đời ta đây
Dù rằng cuộc sống vơi đầy
Bát canh rau muống cũng đầy tình thân
Anh về ở giữa lòng dân
Ngọt bùi cay đắng góp phần sẻ chia....

(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét