Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 4, 5 )


Nhà văn Trần Quốc Tiến
Đã đăng:

    Chương 4
 
Nhà Lười và nhà Cún cách nhau một đoạn sông. Con sông Vân nước bốn mùa trong mát. Những trưa hè cậu Lười ngồi câu cá ở cầu bến đằng này, liếc trộm cô Cún tắm ở cầu bến đằng kia. Phao câu nhiều lần nhấp nháy rồi chìm tít, tay cậu chỉ run run mà không hề giật. Cho đến khi cô Cún mình trần che cái áo ướt lên ngực chạy vào đầu ngõ, thì cậu mới nhìn đến phao câu. Cứ như thế đến hết bát mồi mà không hề được con cá nào. Rồi trưa mai cậu lại nghiền một bát mồi khác, rang một bát thính và lại cầm cành câu ra cầu bến đúng lúc cô Cún đi bắt cua về đang tắm. Trưa hè, trời nắng chang chang, cầu bến có những phiến đá hình chữ nhật to bằng cái cảnh cửa xếp nối liền nhau. Tre xanh bên bờ rủ bóng. Nước rất trong, nhìn rõ từng đàn cá mương bơi lượn. Mắc mồi, buông câu rồi đôi mắt cậu lại lướt sang cầu bến bên kia. Cô Cún hồn nhiên với tuổi dậy thì cứ bì bõm bơi. Cô mới tập bơi, nên bao giờ cũng tụt cái quần đen hai ống ra thắt cho chặt cái giải rút phía cạp quần cho hơi phồng lên, rồi hai tay túm lấy hai ống, nằm sấp duỗi thẳng, hai chân đạp loạn xạ phía sau. Cô bơi qua sông rồi lại vòng về, rồi lại vòng sang. Tuy người cô dìm dưới nước, nhưng vì nước trong vắt nên cậu Lười ngồi câu bến đằng này mà tim cứ nhảy thon thót. Cá cắn mồi, phao câu chìm tít mặc kệ, cậu còn mải nhìn con cá trắm to trắng lôm lốp. Rồi cậu nhích dần. Mỗi ngày nhích một khóm tre, cứ thản nhiên như nhà câu cá chuyên nghiệp. Cô Cún vẫn hồn nhiên, mỗi buổi trưa đi làm về lại ra cầu bến tắm và tập bơi bằng “phao quần”. Nước thì trong vắt mà người cô thì trắng nõn nà khiến cho cậu Lưới trưa nào cũng xách giỏ về không. Thấy vậy, bà mẹ hỏi:
-        Dạo này sông hết cá rồi hả con? Sao trưa nào con cũng xách giỏ đi lại xách giỏ về thế?
-        Vâng, sông hết cá rồi mẹ ạ! – Cậu Lưới trả lời – Dạo này người ta vét lưới nhiều nên không còn cá.
-        Thế sao mỗi lần tao ra bến giặt vẫn nhìn thấy từng đàn cá rô đớp mồi ở các vệt khoai nước? Hay là lưỡi câu của mày hỏng? Tao cứ ngóng bữa riêu…
Cậu Lưới tủm tỉm cười rồi đi ra ngõ, đứng như gã ngẩn ngơ ở cầu bến bên này nhìn sang cầu bến bên kia…
Cô Cún năm ấy mới có mười tám tuổi, vừa hồn nhiên, vừa xinh đẹp. Cô đang bị các chàng trai trong làng bám đuôi. Cầu bến phía bắc là chàng Lưới, cầu bến phía nam là chàng Dế. Ngay từ thời ấy Dế đã bộc lộ cá tính “dê” mà sau này người đời gán cho. Thấy con gái ra sông tắm, Dế chẳng cần giả vờ ngồi câu dưới vòm tre để nhìn trộm như cậu Lưới, mà cứ tụt luôn xuống sông rồi ngâm đến cằm giả vờ lấy rong đuôi lươn cho lợn. Rồi từ chỗ lấy rong đuôi lươn, cậu Dế ta lặn một hơi dài đến chỗ các cô gái đang đứng tắm. Cậu ta là người có tài lặn, lặn rất lâu. Nước sông Vân vào những ngày này trong như suối. Các cô gái làng ra tắm cứ hồn nhiên cởi hết áo quần dìm mình dưới làn nước mát cho thỏa thích. Ái chà chà, cụ Nguyễn Du nói quả không sai, cứ gọi là trắng hơn bột lọc. Cậu mê nhất là tòa thiên nhiên của cô Cún, chẳng những đầy đặn, trắng muốt mà còn như ngửi thấy mùi thơm nữa, từ “chỗ ấy” bốc ra cái mùi thơm này cậu chưa được nếm bao giờ, người đời bảo đay là mùi thơm huyền bí. Thật ra thì nó không thơm, nhưng mọi vị đàn ông đều quả quyết nó thơm thì dù là hăm hăm cũng cứ là thơm. Từ tuổi mười lăm, mười sáu Dế thường ngồi hóng chuyện với cánh đàn ông đã có vợ, hầu điếu đóm để được nghe chuyện về đàn bà. Các vị này đều mới cưới vợ nên đều quả quyết rằng “cái ấy” vợ mình thơm hơn múi mít, đít vợ mình thơm hơn múi na! Đã có anh nghe tuyên truyền thế, tối về đặt mũi đúng vào chỗ giữa hai cặp háng vợ rồi hít mạnh một cái, ai ngờ suýt chết sặc vì nước đái vọt ra! Ngày nào Dế cũng rửa điếu, cầm đóm châm lửa, đi mua thuốc lào, mua rượu hầu các bậc đàn anh để được nghe chuyện. Các vị này trông bề ngoài hiền như đất, nhiều vị là cán bộ có hạng phát biểu ở các cuộc họp thì oai nghiêm lắm, thế mà đến lúc bàn về đàn bà lại hết sức ma mãnh, nào là hai bên trắng phau phau như hai múi bưởi, nào là có mào đỏ thắm, lại có khe suối chảy róc rách, lại có hang dẫn vào cung cấm. Dế cứ há hốc mồm mà nghe rồi tưởng tượng ra ối điều thú vị. Năm mười tám tuổi, một lúc Dế yêu hai cô, đó là cô Cún và cô Na. Hai cô gái cùng làng, mỗi lần vào buổi chiều, buổi trưa đi bắt cua về các cô thường rủ nhau ra bến tắm. Trong khi cậu Lưới giả vờ làm người đi câu, ngồi lẩn vào bóng tre để nhìn, thì cậu Dế lặn một hơi từ đằng này đến như con rái bén lượn lờ sát sạt căng mắt ra mà nhìn cho rõ mọi đường tơ kẽ tóc, rồi mới trở về vị trí cũ. Quá trình “tìm hiểu” theo kiểu ấy, trái tim cậu đập rộn ràng với cả hai cô. Rồi sau mới nghiêng về phía cô Cún.
Vào tuổi trưởng thành, Dế cao to vạm vỡ, là điền lực chính cống, da nâu, bàn chân vàng khè đất chua, chân tay săn chắc, gân guốc, mặt vuông chữ điền, đầu cắt bốc, râu cằm râu mép. Cả râu quai nón lún phún xanh mờ, riêng đôi mắt lại nhỏ, ti hí, khi đến gần đàn bà con gái nó tít lại rồi nhìn như xoáy vào những điểm lồi lõm…
Cô Cún, cô Na cả một thời gian dài không biết rằng mình đang có hai vệ tinh bay vè vè lượn quanh. Các cô cứ hồn nhiên cười, hồn nhiên nói, hồn nhiên mỗi lần đi bắt cua ngoài đồng về là ra bến dìm mình xuống làn nước trong mà mơn man, da thịt nõn nà. Rồi đến một lần, hôm ấy cũng vào buổi trưa đi bắt cua về, các cô lại rủ nhau ra sông tắm, tất nhiên cũng cởi hết áo quần dìm mình dưới nước trong mát mơn man kì cọ. Bỗng cô Na cảm thấy buồn buồn chỗ háng, cô cứ tưởng con cá nào trườn qua. Một lát sau thì cô Cún cũng cảm thấy như vậy.
-        Có con cá to lắm, Na ạ! – Cô Cún nhìn bạn nói – Nó vừa trườn qua đùi tao.
-        Vừa giờ tao cũng thấy thế! – Na trả lời – có lẽ là con cá trắm rất to?
Nói xong hai cô lại hồn nhiên tập bơi. Con sông Vân này vốn rất trong thế mà lúc này lại đục lờ lờ nước hến. Hai cô không tập bơi nữa mà đứng lại giữa dòng kì cọ cái thân mình nõn nà của mình. Con “cá trắm” hình như vẫn quanh quẩn, thỉnh thoảng lại chạm chỗ đùi nõn nà của các cô, có lúc nó lại còn đớp đớp vào cái “vật quý”. Cả hai cô đều lấy làm lạ.
-        Na ạ, sông làng mình có cá to thế kia à? – Cún nói.
-        Nó mới ở sông Cái vào chăng? Mà con cá này biết mê gái, cứ lượn quanh chỗ con gái tắm, hay là nó là cá ma? Thôi lên đi kẻo nó bắt về làm vợ vua Thủy Tề thì chết!
-        Sợ gì! – Cún nói – Được làm vợ vua tức là được làm Hoàng hậu. Sướng quá còn gì!
Nói vậy thôi chứ hai cô cũng thấy rùng mình, vì vừa lúc đó lại thấy như có ai sờ vào chỗ háng non của mình. Hai cô vội mặc quần rồi lên bờ. Rồi các cô cũng quên ngay đi chẳng để ý đến chuyện có cá to hay có cá ma. Như thường lệ, ngày mai các cô sau khi đi làm về lại rủ nhau ra sông tắm. Lần này thì cả hai cô đều nhìn thấy có một người nhái đang bơi lượn lờ quanh các cô. Hoảng quá các cô không tắm nữa, mặc lại quần áo cho nhanh rồi lao lên bờ chạy về nhà. Rồi suốt ngày ngồi bàn với nhau để cắt nghĩa xem đây là ma hay là cái gì? Vào thời điểm này đang có tin nói rằng người nhái của địch đã mò vào tận các sông lạch của ta để hoạt động. Thế thì đúng đây là tên biệt kích người nhái rồi! Phải báo cáo mới được. Đến buổi sinh hoạt phân đoàn lần ấy, cô Cún báo cáo rằng cô và cô Na đã mục kích nhìn rõ tên biệt kích nhái ở con sông trước làng. Cả phân đoàn sửng sốt tưởng cô nói đùa. Phân đoàn trưởng mỉm cười hỏi:
-        Các cô nhìn thấy người nhái hay là người có nhái bén?
Cô Na đứng lên:
-        Thưa, người nhái thật mà! Trưa hôm kia tôi và bạn Cún đi bắt cua về rồi ra sông tắm, chúng tôi đang đứng kì ở giữa sông thì thấy có người lượn đi rồi lượn lại…
-        Có thật thế không? Cả phân đoàn nhao nhao lên hỏi lại. Nghiêm trọng lắm đấy, địch đã mò vào tận làng mình rồi, không cẩn thận nó đánh úp một trận là chết!
Anh phân đoàn trưởng đang cười bỗng nghiêm nét mặt nói dõng dạc:
-        Đấy các đồng chí cứ chủ quan mãi đi! Bọn địch đã mò vào tới cạp quần các đồng chí rồi đấy. Hãy nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu!
Sau lời phát biểu đanh thép của phân đoàn trưởng, cả phân đoàn biểu lộ tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết bắt sống giặc nhái để bảo vệ quê hương.
Trong khi cả phân đoàn nhốn nháo bàn tán sôi động về một hiện tượng lạ chưa từng có như thế thì chàng Dế cứ việc vo vo điếu thuốc lào cho vào điếu cày rồi rít một hơi thật khoan khoái. Đến khi thảo luận phương án bắt sống giặc nhái thì Dế tủm tỉm cười. Phân đoàn trưởng Tộ thấy thế hỏi vặn:
-        Tại sao đồng chí Dế lại cười? Đồng chí chủ quan khinh địch nó vừa vừa chứ !
-        Chuyện giặ nhái Mỹ đã mò vào sông làng Lưới chưa tin lắm. Linh tính lại mách bảo cậu ta   rằng “có vấn đề”. Vì lần nào thấy Cún và Na ra sông tắm cũng thấy thằng cha Dế vác rổ ra sông mò rong đuôi lươn. Lưới ngồi gốc tre, cầm cành câu, mắt nhìn hai ả tắm chỉ thấy nhấp nhoáng chứ chẳng rõ gì. Có điều thằng cha Dế từ đoạn sông đằng kia, chỉ lặn móc mấy cây rong đuôi lươn mà sao lâu đến thế? Tài lặn của Dế thì chỉ có mình Lưới hiểu vì từ nhỏ hai thằng thường ra sông lặn thi. Thằng Dế lặn bốn vòng sông chưa cần nhô đầu lên, trong khi Lưới chỉ một vòng là đã ngạt hơi không nhô ngay thì bị sặc nước. Nhiều lần Dế lặn cả một quãng sông dài mới nhô lên nắm chân chim đậu trên tấm bèo Nhật Bản. Cho nên khi nghe Na và Cún nói rằng có giặc nhái lượn quanh mình thì Lưới đã ngờ ngợ. Rồi đến khi thấy Dế cứ tủm tỉm cười thì Lưới sôi máu. Á à! Trong khi mình chỉ dám ngồi gốc tre cầm cành câu để liếc trộm thì hắn lại có thể hít mùi con gái!
Vừa lúc ấy Lê Văn Cuốn tức Phó Cuội sau này đứng lên nói hùng hồn:
-  Đích thị là có giặc nhái mò vào sông làng ta rồi. Cách đây mấy hôm tôi đã suýt tóm được nó đấy. Tôi đang đứng tắm ở giữa sông, thấy thằng giặc nhái vút qua, tôi liền nhoài người đuổi theo và tôi đã nắm luôn được cái chân nhái của nó. Thế là nó co chân đạp một phát làm cho tôi bắn vọt lên bờ, lúc đó tôi lại… chưa kịp mặc quần… Nhìn thấy mấy cô dân quân vác súng ở gần đấy nhưng ai lại cởi chuồng mà gọi con gái bao giờ… Thế là nó thoát!
Phân đoàn trưởng lườm Lê Văn Cuốn:
-        Ông không nói khoác đấy chứ?
-        Tôi mà lại nói khoác à? – Cuốn cãi – Tôi còn bắt sảy nó hai lần nữa, có lần tôi đã nắm được dái nó, nó liền nói: “Lạy ông, ông để cho con cái vật gây giống quý hóa, chứ mất nó thì con sống cũng như chết!” Thế là tôi tha. Tôi xin kiểm điểm trước chi đoàn về chuyện này…

    Chương 5
Lê Văn Cuốn vì mê cô hàng bánh cuốn ở đầu làng mà bị cải biên thành Lê Bánh Cuốn, sau này thành Phó Cuội. Ở gần nhà cậu ta, cách một quãng đường ngắn, dưới bóng một khóm tre xanh bên bờ sông, có một quán nhỏ chuyên bán bánh cuốn, chủ hàng là một cô gái xinh đẹp, đa tình. Những lá bánh của cô mỏng dính như tờ giấy học trò, mỡ màng, lấm tấm hành phi và mộc nhĩ băm nhỏ rắc đều, cùng với nước chấm là nước mắm ngon cùng với nửa con cà cuống thơm lừng, cứ gọi là ngon hết ý. Chàng Lê Văn Cuốn ngày nào cũng mò ra đây điểm tâm. Cô hàng bánh cuốn luôn luôn tặng chàng một nụ cười. Một hôm cô nàng nói:
- Anh Cuốn ơi, anh có tài bắt cà cuống không? Làm bánh cuốn ngon thì dễ, nhưng bắt cà cuống thì khó quá, mà khách hàng nếu nước chấm thiếu cà cuống cay là họ chê, anh làm chân chạy vật tư cà cuống cho em nhé! Nhưng mà anh có tài bắt cà cuống không?
Lê Văn Cuốn gật ngay:
-        Úi chà, cái gì chứ cà cuống cay thì ngày nào tôi cũng bắt hàng giỏ.
Cô hàng bánh cuốn tròn xoe mắt:
-        Thế à? Vậy thì anh là người nhà trời sai xuống giúp em đấy. Nhưng mà có thật không? Bắt cà cuống cay đâu dễ như bắt cua? Vậy anh bắt bằng cách nào mà được hàng giỏ?
-        Phải tài cao học rộng mới làm nổi việc này cô em ạ! Tôi phải thuộc lời ăn tiếng nói của lũ cà cuống. Tôi có thể đứng trên bờ, thậm chí ngồi nhà nghe chúng rủ rỉ nói chuyện với nhau. Chúng tán tỉnh nhau ra trò…
Cô hàng bánh cuốn cười tít mắt:
-        Úi trời ơi, cà cuống mà cũng thỏ thẻ yêu thương cơ à? Anh nói thật hay nói đùa?
-        Đời anh chưa bao giờ biết nói dối là gì…
-        Thế anh nghe bọn cà cuống tán nhau thế nào?
-        Một hôm sau bữa cơm đang ngồi uống nước xỉa tăm anh nghe thấy ở dưới vệ sông nấp trong cụm rong đuôi lươn, chàng cà cuống đực lượn ba vòng quanh nàng cà cuống cái rồi đến sát cọ cọ cái mỏ có cái ngòi đen và nhỏ như sợi tóc vào má cô nàng và rủ rỉ :
-        Em Hương có yêu anh không?
Cô hàng bánh cuốn nguýt dài:
-        Sao lại là Hương? Hương là tên em chứ đâu phải tên con cà cuống?
-        Ồ - Chàng Lê Văn Cuốn giải thích – Em tưởng mỗi mình em có quyền đặt tên là Hương à? Cục thống kê trung ương mới công bố cả nước ta có khoảng năm triệu cô gái tên là Hương, nhưng cái tên ấy lại là của loài cà cuống, bởi chính nàng cà cuống cái đã tỏa ra một mùi hương đặc biệt, đến nỗi đã biến thành nươc chấm bánh cuốn mà vẫn thơm ngon, quyến rũ, cho nên các nàng cà cuống cái đều có tên là Hương. Vậy là anh chàng cà cuống đực cứ lượn lờ thỏ thẻ: “Em Hương có yêu anh không” Cô nàng liền xòe đôi cánh mỏng ôm chặt lấy chàng “yêu chứ”, rồi chúng hôn nhau chun chút…
         Cô nàng bánh cuốn mở to mắt hỏi:
-        Thế cơ à? Anh nghe thấy chun chút cơ à? Anh giỏi quá nhỉ?
Lê Văn Cuốn gật đầu:
-        Tôi không giỏi thì còn ai giỏi! Thử hỏi ngay các nhà bác học đã nghe và hiểu được tiếng cà cuống đâu? Thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… chưa là gì với thạo tiếng cà cuống! Nào hãy thưởng cho anh đĩa bánh cuốn và bát nước chấm cà cuống đi!
 Cô hàng bánh cuốn mỉm cười rồi thong thả cuốn bánh đặt lên đĩa pha nước chấm đặc biệt. Lê Văn Cuốn cũng thư thả ăn, vừa ăn bánh vừa tiếp tục câu chuyện:
-        Bây giờ tôi xin kể câu chuyện ở… Cung trăng…
-        Chuyện ở Cung trăng cơ à? Cô nàng bánh cuốn ngạc nhiên – Anh thấu hiểu cả chuyện trên Cung trăng cơ à?
-        Phải tôi thấu cả!
-        Chuyện thế nào?
-        Chuyện thế này: Ngày ấy bố mẹ anh sinh ra anh, còn nằm trong nôi anh đã đòi ăn bánh cuốn thật ngon. Suốt mấy tháng trời mẹ anh đi chợ đến những hàng bánh cuốn nổi tiếng nhất mua về, mẹ anh thì đội một đội bánh, hai chị anh mỗi người một đội chả và nước chấm…
Cô hàng bánh cuốn rú lên cười:
-        Nhiều thế cơ à?
-        Phải, anh nếm thử vừa hết ba thúng ấy rồi lắc đầu “không ngon”.
Mẹ anh buồn rầu nói:
-        Tao đã đi khắp bàn dân thiên hạ để chọn bánh cho mày mà mày còn chê thì chỉ có trên trời mới có bánh ngon hơn, có giỏi lên đấy mà ăn!
Thế là từ trong nôi anh vươn vai rồi bay bổng lên trời. Trước hết anh đến Cung trăng. Cung trăng vào lúc anh đến đẹp lắm, có hàng vạn nàng tiên đang múa hát bên các dòng suối, mà cô nào trông cũng giống em… (Hương cười lấy tay che miệng). Anh đi đến chỗ mấy cô, các cô nhìn anh rồi mỉm cười: “Anh chàng này đẹp trai đấy chứ!”
-        Các em tên là gì?
-        Chúng em tên là Hương…
Cô bán bánh cuốn lườm một cái rõ duyên. Le Văn Cuốn kể tiếp:
-        Anh mới nghiệm ra rằng tất cả các cô gái đẹp dưới đất và trên trời đều tên là Hương!
Cô hàng bánh cuốn mủm mỉm:
-        Em có đẹp đâu mà cũng tên là Hương đấy thôi?
-        Trong tất cả các nàng tiên mà anh gặp ở Cung trăng thì chưa cô nào đẹp bằng em…
-        Anh không bốc quá đấy chứ?
-        Đời anh chưa nói bốc bao giờ! Lúc các cô Tiên hỏi anh: “Chàng trai tuyệt vời ơi, từ hạ giới lên đây làm gì?”
-        Ta đi tìm thứ bánh cuốn ngon nhất, do bàn tay một cô nàng đẹp nhất làm ra…
      Anh vừa nói xong thì trước mặt anh lại hiện ra một khu chợ lớn mà trong đó toàn là bánh cuốn, mỗi hàng có ba cô Tiên phục vụ: Cô cuốn bánh, cô cắt chả, cô rót nước chấm…
-        Vào đây ăn bánh cuốn của em đi anh! – Các cô mời ríu rít.
Anh sà vào tất cả các hàng, nếm thử một lúc bảy mươi thúng bánh, tám mươi thúng chả, chín mươi thúng nước chấm. Ăn xong anh đến gốc đa gặp chú Cuội. Từ thuở bé anh đã nghe mẹ kể về cái tích của Cuội, đây đúng là anh hùng hảo hớn đích thực. Khi anh đến thì Cuội đang ngồi vuốt ria mép ở gốc cây đa, trông vẻ ung dung bất cần đời.
-        Xin kính chào anh Cuội! – Anh cất tiếng chào cung kính. Anh hùng Cuội quay ra nhìn:
-        Chào! Cần gì?
-        Tôi muốn gặp anh hùng Cuội!
-        Ta đây, có việc gì?
-        Trước hết tôi cần vài thúng bánh cuốn ngon để tráng miệng…
-        Có vài thúng thôi à? – Anh hùng Cuội ngạc nhiên – Ta đây mỗi sáng tráng miệng ba chục thúng!
Đúng là Cuội thật rồi, trông người anh nhỏ thế kia mà bảo tráng miệng ít ra ba chục thúng bánh cuốn?
-        Ở dưới hạ giới người ta đồn đại về ông…
-        Làm sao?
-        Rằng ông là chúa tể loại người nói khoác…
Cuội cười:
-        Oan cho ta quá! Ta chưa đáng là học trò của các vị quan dưới hạ giới, làm láo báo cáo hay, một tấc tới trời, vụ nào cũng nói đại thắng, mà xã viên thì húp cháo cầm hơi…
Lúc ấy anh phải lấy tay bịt miệng gã Cuội, sợ lão chủ nhiệm dưới này nghe thấy thì chết. Sau đó anh đi thăm các nơi trên mặt trăng. Đến một cái hang thì thấy một bà mụ đang nặn, anh nói:
-        Thưa bà Mụ! Tôi cần tìm người làm ra một thứ bánh cuốn mà cả mặt đất lẫn cung trăng không đâu ngon bằng. Mụ hãy nặn cho tôi một cô gái vừa xinh đẹp tuyệt trần, vừa làm bánh cuốn giỏi…
Bà Mụ gật đầu:
-        Được được! Cô ấy sẽ tên là Hương ở làng Trọng Nghĩa…
Cô hàng bánh cuốn cười tít mắt:
-        Chuyện hay đáo để! Mà thật trăm phần trăm đấy chứ anh? Anh không bịa tí nào phải không?
Chàng Lê Bánh Cuốn gật đầu:
-        Tôi giỏi mọi thứ, chỉ riêng cái khoản bịa là tôi kém lắm!
(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét