Đã đăng:
Chương 2 – 3: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/11/o-rom-tieu-thuyet-tran-quoc-tien-chuong_29.html
Chương
6
Phó Ba Gai khởi thủy tên là Đinh Văn Góc, rồi tiến
tới Đinh Ba Góc, sau cùng mới là Phó Ba Gai.
Thoạt tiên chàng chỉ có tính bướng
bỉnh hay cãi chày cãi cối với bạn bè lúc chơi khăng, khi đánh đáo, đánh bi.
Chàng ta chơi cái gì cũng vụng, cũng thua, thế là khi không chọi trúng, cậu ta
cũng cãi là trúng rồi. Hai bên cãi nhau, một đằng bảo là trúng rồi, đằng bảo
chưa trúng, anh sai bao giờ cũng to họng hơn anh đúng. Cứ như thế việc này đến
việc khác, trò gì cũng thua để rồi cãi bướng, gân cổ to bằng cái đũa cả, mặt đỏ
phừng phừng như sắp đánh nhau. Cái lý của anh thua bao giờ cũng nhăng cuội,
ngang phè, vì thế mà bị bạn bè gọi là Đinh Ba Góc! Sau gọi tắt là Ba Góc! Cậu
Ba Góc thôi học sớm để trở thành xã viên hợp tác xã. Chính vào thời điểm này, cậu
kế thừa tính bướng bỉnh của tuổi học trò để trở thành tính ba gai ở tuổi thanh
niên. Cũng phải thừa nhận rằng, hoàn cảnh sống đã góp phần không nhỏ đẻ đào tạo
cậu thành Phó Ba Gai! Phải tranh cãi với Phó Ba Gai thì không có gì ngán hơn,
ai cũng bảo phải sút đến vài cân thịt sau một lần cãi vã. Thoạt kì thủy cậu
tranh luận với đội trưởng Híp khi cậu vừa nhập hàng ngũ xã viên. Cậu gầm gừ
nhìn ông đội trưởng:
-
Cho tôi biết và tại làm sao, ai là người đẻ ra cái
gọi là sổ điểm?
Ông đội trưởng Híp tròn xoe mắt:
-
Hả?
-
Hả hê cái con khỉ! – Ông trả lời: Có phải chính ông
là tác giả?
-
Hả? Tác giả nào?
-
Đừng vờ vịt nữa! Nốc rượu với lòng lợn tiết canh ở
hàng mụ Béo từ sáng đến tối thì sao không hở với hả? Tôi hỏi rằng có phải ông đẻ
ra cái sổ gọi là sổ điểm?
Đội trưởng Híp gắt:
-
Mày hỏi thế để làm gì?
-
Là vì cổ chí kim, con người đi làm được ăn cơm, được
lĩnh tiền, lĩnh thóc, chứ có bao giờ sau một ngày bán mặt cho đất bán lưng cho
trời, về nhà lại chỉ phết vài phết lên quyển sổ?
-
Thế cứ phết phẩy cho nhiều vào rồi cuối vụ sẽ tính…
Tao chả phổ biến mãi như thế mà mày chưa rõ à?
-
Tôi chưa rõ và cũng cóc cần rõ! Quyển sổ điểm không
phải là bùa hộ mạng, mà là bùa toi mạng, hùng hục làm suốt ngày rồi tối chỉ có
phết phẩy, là toi mạng lúc nào không biết. Tôi kiến nghị là vất quyển sổ điểm
đi!
Mọi người nghe mà rùng mình. Người ta giữ
sổ điểm khư khư con hơn cả ôm vợ ôm chồng. Vợ lìa chồng, con lìa cha, anh em
lìa nhau có khi chỉ vì đánh mất sổ điểm! Vậy mà cái thằng Ba Gai này lại kiến
nghị là vất sổ điểm đi là thế nào? Hắn xứng đáng đứng đầu bảng ba gai! (Sau ba
chục năm con người mới hiểu ra rằng lẽ ra phải vất sổ điểm càng nhanh càng tốt,
vì sự đói nghèo triền miên bắt nguồn từ sổ điểm). Còn ngày ấy thì đội trưởng
Híp tức tốc lên văn phòng hợp tác xã báo cáo với chủ nhiệm. Chủ nhiệm Tít méo xệch
mồm khi nghe báo cáo, lấy vạt áo chấm chấm vào cặp mắt toét lúc nào cũng đầy dử,
gào lên cạo cho Đinh Ba Góc một trận nên thân, sau đó chuyển từ chuyên bê đất
sang đun cào cải tiến. Trước khi bắt tay vào đun cào cải tiến, đội trưởng Híp
luôn huấn thị cho Ba Góc:
-
Xã viên Ba Góc chú ý! Anh đã được đun cào cải tiến,
cái cào lại bằng sắt nặng gần mười cân, đun đúng động tác hai tiến một lùi: tiến
lên xong lùi lại, lùi lại rồi lại tiến lên… Cứ như thế mà làm! Mỗi sào cỏ khoán
mười điểm!
Sau một ngày lao động theo đúng lời dặn của đội trưởng
Híp, xã viên Ba Góc mệt tưởng không lê về tới nhà được. Sáng hôm sau, cậu tìm gặp
đội trưởng:
-
Tôi xin hỏi ông cái cào này là cào gì?
-
Tên nó là cào cải tiến!
-
Ai bảo nó là cào cải tiến?
-
Thế nó là cào gì?
-
Nó là cào “chết không kịp ngáp”!
-
Anh đúng là thằng ba gai ba góc! Nó là cái cào sục
bùn làm nổi cỏ tốt nhất!
-
Nhưng người điều khiển nó phải được ngày ba bữa cơm
no mới làm nổi động tác hai tiến một lùi, còn những người nhịn đói đi làm thì sẽ
chết không kịp ngáp!
-
Thế ai bảo anh không ăn no?
-
Lấy gì mà ăn? Tôi sang buồng nhà ông xúc gạo về để
ăn ngày ba bữa nhé?
Đội trưởng Híp lừ mắt:
-
Anh nói chó nó cũng không nghe được! Thôi được,
ngày mai chuyển sang nhóm gánh phân!
Đinh Ba Góc lầm lũi ra về chặt tre làm sọt, làm
quang gánh để đi gánh phân. Hai ngày sau, đội trưởng Híp tìm gặp xã viên Ba
Góc:
-
Cớ làm sao anh lại chỉ đổ phân quanh bờ mà không
đưa vào giữa ruộng? Anh làm thế là phá hoại hợp tác xã vì lúa quanh bờ thì lốp
mà giữa lại xấu!
Ba Góc cãi:
- Trong phiếu khoán không có mục phải đổ phân giữa ruộng. Vả lại ruộng dầm
bùn sâu quá gối, chỉ húp cháo thì làm sao mà gánh phân vào giữa ruộng được?
- Cút! Từ mai chuyển sang nhóm canh điền!
Ba Góc làm ở nhóm canh điền được mấy ngày,
đến lúc phát phiếu điểm, đội trưởng Híp lại gắt:
- Phạt anh một nửa số điểm giao khoán!
Ba Góc gân cổ cãi:
- Phạt vì lẽ gì?
-
Cày để rờn to, bừa chỉ quệt phía trên, làm ruộng bị
khê trên nhũn dưới khô không cắm mạ được!
Ba Góc cãi:
-
Con trâu nhà ông nhận nuôi không có cỏ ăn chỉ có
rơm mủn, giờ nó đã trổ hết cả xương hông, xương vai ra rồi lại còn bắt nó kéo
cày kéo bừa cật lực để rồi nó chết ông sống một mình à? Tôi thương nó nên tôi
chỉ cày bừa thế thôi…
-
Cút! Ngày mai chuyển sang làm thủy lợi…
Ba Góc lại chuyển về đội thủy
lợi. Khoảng mười ngày sau thì toàn đội thủy lợi bị chủ nhiệm hợp tác xã quát:
-
Tại sao đội thủy lợi các anh đào mương không ra
mương, đắp bờ vùng bờ thửa cứ chồng đống hang cóc hang cầy thế là thế nào?
Ba Góc thay mặt anh em phát biểu:
-
Dạ thưa quan! Dân chúng em bụng lép nên làm cái gì
cũng bị các quan quở trách. Vả lại sông ngòi mương máng đã đủ tưới tiêu rồi,
bây giờ các quan vẽ vời cứ đào bới lung tung be bét cả ruộng đồng, chỗ nào cũng
thấy ngòi thấy mương, bờ vùng bờ thửa cứ chi chít ngoằn ngoèo như giun bò trên
sân đất giữa trời mưa… Cứ đà này thì rồi chỉ còn có ngòi với mương máng, bờ
vùng bờ thửa mà hết ruộng…
-
Ai bảo anh thế?
-
Thưa quan, quan mới học hết lớp một bổ túc văn hóa
nên quan không tính ra, chứ em đây đã đỗ cấp hai, tức là bảy lần hơn quan về mặt
văn hóa nên chỉ đặt một con tính là ra ngay…
Ông chủ nhiệm đỏ mặt quát:
-
Cút! Chuyển sang đội nuôi lợn!
-
Cuối năm ấy cả đàn lợn hỏng, toàn trại bị phó chủ
nhiệm chăn nuôi quát:
-
Tại sao lợn F1 mà mỗi tháng tăng có một cân? Mà sao
các bệnh vàng da, cứt trắng, viêm gan cũng cứ nhằm vào trại lợn tập thể mà tấn
công?
Lẽ ra thì phải là trại trưởng trả lời, nhưng Đinh Ba Góc đã tiến ra đứng
trước mặt phó chủ nhiệm dõng dạc nói:
-
Thưa phó chủ nhiệm! Ông là đèn trời soi xét mà ông
không hiểu vì sao F1 mà nuôi mỗi tháng có một ki-lô-gam? Và vì sao các bệnh
vàng da, cứt trắng, viêm gan, ỉa chảy, còi… lại cứ nhằm trại chăn nuôi tập thể
mà tấn công?
Phó chủ nhiệm Quỷnh lừ mắt:
-
Tôi đặt câu hỏi với các anh, thế mà anh không trả lời
lại vặn lại tôi là thế nào hả đồ Ba Góc?
Ba Góc trợn mắt cãi lại:
-
Ông giao cám cho chúng tôi nuôi lợn là thứ cám đã
có bọ thì làm sao lợn chóng lớn được? Tình hình lợn toi gần hết thì nên chém đầu…
-
Chém đầu ai? – Phó chủ nhiệm hỏi lại.
-
Xin chém… đầu ông! – Ba Góc thản nhiên trả lời.
Ông Quỷnh bừng bừng tức giận, đạp tay xuống bàn:
-
Mày là thằng “ăn cháo đái bát”, cho mày vào trại
chăn nuôi, ngày nào mày cũng được chia thịt lợn toi về để cả nhà hốc, trong khi
các xã viên khác suốt ngày chổng mông ngoài đồng thì ăn cơm với muối, thế mà
mày lại bảo chém đầu tao? Kể từ hôm nay, tên mày không những là Ba Góc mà còn
là Ba Gai! Phó Ba Gai, hiểu chưa? Cút!
Từ ngày ấy, Đinh Ba Góc chính thức được phong chức “Phó Ba Gai”. Phó Ba
Gai chỉ bị cán bộ ghét, chứ xã viên không ghét. Trước mặt đám xã viên luôn luôn
rụt rè nể sợ cán bộ vì sợ thắc mắc nhiều sẽ bị trù, bị phạt vào mức ăn, thì
chàng Phó Ba Gai gần như là vị anh hùng. Mỗi lần thấy Ba Gai đấu khẩu với đội
trưởng, quản trị, người ta gọi nhau í ới đến xem như xem chèo ngày hội. Khán giả
vây vòng trong vòng ngoài đủ cả trẻ già trai gái, càng nghe càng sướng cái lỗ
tai. Những vị ngày thường hay cạo gáy bà con mỗi khi có lỗi nhỏ, tức mấy cũng
phải im – im thì im mà vẫn tức. Lợn ở trại chăn nuôi có mức ăn hàng ngày theo
tiêu chuẩn còn hơn cả con người, rồi nay bảo đánh cá ở đầm bồi dưỡng lợn còi,
mai bảo mua vài yến đường bồi dưỡng lợn ốm… hàng năm hàng vụ dồn cho trại lợn
không biết bao nhiêu là tiền của mà mỗi lần đi làm qua xã viên tạt vào trại xem
lợn chỉ thấy còi xương, viêm gan, vàng da, cứt trắng, ỉa chảy… Rồi vài ba năm một
lần giải thể, hễ có thắc mắc gì, thì liền bị cán bộ chăn nuôi quát:
-
Bà có im đi không? Chăn nuôi và trồng trọt là hai
chân, bà muốn què hay sao mà thắc mắc với lợn?
-
Ai lại con người đi suy bì miếng ăn với con lợn, thế
hóa ra con người không bằng con lợn hay sao? Nhưng mà mất đi một đội mười lăm
con người để phục vụ lợn và hàng chục tấn thóc mỗi năm chỉ để nhìn thấy lợn
vàng da, cứt trắng hay sao?
-
Nhưng chúng ta được tỉnh khen, huyện khen là đi
song song hai chân chăn nuôi và trồng trọt. Các mụ không thích khen à? Hay là
thích được nêu danh là thằng què thằng thọt?
Đến đây thì “các bà” đành im, nếu thắc mắc thêm mấy câu nữa, sáng ngày
mai đi làm sao cũng bị đội trưởng giao việc đắng, vất vả suốt ngày mà điểm lại
thấp. Còn như Phó Ba Gai hình như hắn lấy việc ba gai cò ngàng để giải sầu, là
một trong “tứ khoái” ở đời! “Chém đầu ai” “Chém đầu ông” Ơ, ghê thật! Đám xã
viên nhút nhát nghe thế vừa sợ vừa sướng lỗ tai. Nếu như ngày xưa mỗi làng cần
có mõ làng để “chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ tây đông” cho rôm rả, cho náo
động cái không khí tù túng nơi thôn dã, thì ngày nay mỗi xóm, mỗi đội sản xuất
cũng có một anh ba gai cò ngàng cò bửa, chẳng khác gì anh hề làm vui thôn xóm.
Những gã có ngàng ba gai thuộc họ liều, thường trên răng dưới dái, lại mắc bệnh
ngứa mồm, coi việc ngồi tù chơi mà ngày cơm hai bữa có kẻ hầu người hạ sướng
hơn làm xã viên theo đít trâu cả ngày bữa cơm bữa cháo. “Thì đến đi tù là cùng
chứ gì? Ngồi tù thế mà sướng!” Nhưng ở đời nắm kẻ có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu?
Chí Phèo ngày xưa chửi cả làng Vũ Đại, nhưng cả làng đều im, nghĩ bụng “nó trừ
mình ra”. Rồi đến Bá Kiến, Lí Cường hét ra lửa, dù ức đến cổ cũng phải cười
“Anh Chí đấy à? Vào uống nước đã…” Rồi thì móc tiền ra cho cái thằng chửi mình
để nó uống rượu, rồi cho nó cả ba sào vườn cạnh bờ sông để nó sinh sống và bớt
gây sự. “Thứ nhất là kẻ anh hùng, thứ nhì là kẻ cố cùng liều thân!” Các vị Bá
Kiến, Lí Cường thời nay ở làng Trọng Nghĩa cũng khôn không kém gì Bá Kiến, Lí Cường làng Vũ Đại, nên không bao
giờ tìm cách đẩy Phó Ba Gai đi tù. Vì tù có loại “cò ngàng” thì cùng lắm nửa
năm là nó ra tù, mà một trăm thằng ở tù ra thì đến chín mươi chín thằng hung
hăng, liều mạng hơn trước. Còn như dùng biện pháp phạt vào mức ăn thì chắc chắn
vợ con nó chết đói, rồi xã và hợp tác xã lại phải lấy thóc nghĩa thương ra cứu
đói…
Chương
7
Chuyện giặc nhái mò vào tận sông làng Trọng Nghĩa làm náo động cả làng,
cả xã. Cái thời mà nhìn đâu cũng thấy phản động Tưởng đã qua từ năm 1956. Ngày ấy
dân làng đang sống yên lành, hiền dịu như vầng trăng tháng tám, tình xóm giềng
sau cơn lửa binh đao, con người phải gánh chịu quá nhiều thương đau nên sít lại
sống chan hòa đầy tình nghĩa, bát canh sẻ nửa, quả cà cắn đôi. Nhưng rồi Đội về
và bỗng nhiên “địch” nở nhanh như bọ, đến nỗi mắt nhìn vào đâu cũng thấy địch.
Một cô gái không chồng mà chửa cũng là âm mưu của địch! Tối đến nơm nớp lo, dù trời có nóng mấy thì lúc ngủ
cũng phải đắp kín hết các cửa sổ, nửa đêm mót đái cũng phải nhịn, sợ ra tới cửa
nhà đã có “địch” phục sẵn, cầm dao găm đâm chết! Tiếng dế kêu, tiếng thạch sùng
túc tắc ở mái nhà cũng thành ám hiệu của địch gọi nhau chuẩn bị mở cuộc “tiến
công”. Rồi một lần bỗng không biết từ đâu có tiếng hô “Tây về!” Thế là cả làng
Trọng Nghĩa nháo nhác chạy Tây, ở dưới chạy lên trên, ở trên lại chạy dồn xuống
phía dưới, hai đằng sát nhau rồi cùng hỏi: “Tây đâu?” Chẳng thấy Tây nào cả! Nó
đã xuống tàu, cuốn cờ về nước từ thời tám hoánh nào rồi. Hóa ra, ta lại dọa ta!
Phải một phen hú vía nhọc bở hơi tai. Những người chạy “Tây Cuội” ngày ấy bây
giờ còn sống cả. Thỉnh thoảng lại kể cho nhau nghe để cười vãi nước mắt.
Phó Cuội ngày ấy còn nhỏ nhưng cũng đã tham gia đoàn người khăn gói bị gậy
chạy “Tây Cuội”, hiểu rằng mọi cái vô lí có thể trở thành cái có lí khi con người
luôn luôn sống trong ngộ nhận. Hôm ấy họp phân đoàn, vừa nghe cô Cún cô Na nói
là có biệt kích – tức người nhái Mĩ ở con sông trước làng, máu Cuội nổi lên,
nhân đó bịa luôn chuyện mình đã gặp “giặc nhái Mĩ” ở sông làng, lẽ ra là tóm được
nó, nhưng vì lúc đó để cu ra ngoài nên xấu hổ, nhìn thấy đám nữ dân quân gần đó
mà không dám gọi đến để bắt, vậy xin kiểm điểm khuyết điểm trước phân đoàn. Nếu
tỉnh táo mọi người hiểu ra rằng con người đã được phong chức Phó Cuội có nghĩa
là anh ta chỉ có bịa, nghe Cuội thì chắc chắn đổ thóc giống ra mà xay ăn. Thế
mà cả phân đoàn chẳng hiểu tại sao lại thích tin Cuội. Cuội ngồi im cố tạo bộ mặt
bí hiểm.
Phân đoàn trưởng nói:
-
Nghiêm trọng lắm đấy! Đề nghị đồng chí báo cáo lại
thật tỉ mỉ để chúng nắm vững âm mưu và hành động của địch, từ đó mà lập phương
án chiến đấu, quyết tâm bắt sống giặc nhái Mĩ…
Thấy thế Cuội đứng lên nói dõng dạc:
-
Các đồng chí chú ý! Tôi đã nói là tuyệt đối đúng.
Yêu cầu tập trung lắng nghe, không một đồng chí nào nói chuyện riêng hoặc hút
thuốc lào! Âm mưu của chủ nghĩa đế quốc lúc này là kết hợp âm – dương để đánh
phá làng Trọng Nghĩa chúng ta. Trên trời có máy bay “con ma” ở dưới sông có giặc
nhái, ấy là chiến thuật lấy dương kết hợp với âm. Nếu phe đế quốc mà thực hiện
được điều này thì làng Trọng Nghĩa chết sặc gạch! Các đồng chí thử xem, điện âm
điện dương chập lại là tạo ra sấm sét! Cái “dương” mà chập vào cái “âm” thì ôi
thôi…
-
Thôi, thôi! Phân đoàn trưởng ngắt lời – Tôi hỏi đồng
chí nhìn thấy giặc nhái Mĩ ở con sông trước làng ta phải không?
-
Phải!
-
Mấy lần?
-
Ba lần!
-
Cam đoan chứ?
-
Xin lấy đầu để đảm bảo lời nói!
Các đồng chí thấy chưa? Phân đoàn trưởng quay ra nhìn khắp lượt đoàn
viên của mình – Như vậy là đã có tới ba đồng chí ở phân đoàn ta nhìn thấy giặc
nhái ở sông làng! Một người chưa tin, hai người chưa tin, đến ba người thì nhất
định phải tin!
Sáng ngày mai, cả làng rồi cả xã biết tin sông làng mình đang có giặc
nhái Mĩ nằm phục, và nó đã… sờ đùi hai cô gái làng. Ban chỉ huy xã đội họp khẩn
cấp, một mặt làm báo cáo lên huyện đội, một mặt huy động lực lượng vũ trang
toàn xã, lập phương án tác chiến! Dân quân toàn xã được huy động đến mức tối đa
suốt ngày đêm mai phục bên bờ sông, hàng chục nòng súng đen ngòm chĩa vào những
nơi xung yếu. Rồi đường làng ngõ xóm chi chít những khẩu hiệu “Quyết tâm bắt sống
giặc nhái Mĩ”… Rồi các cuộc họp từ xóm tới xã thảo luận sôi nổi, phát biểu hùng
hồn, khí thế cực kì sôi động. Ngô Dế mỉm cười. Bởi chính cậu ta cũng được cử
vào một tổ trực chiến suốt ngày đêm dầm mưa dãi nắng mai phục ở bờ sông. Một lần,
vào nửa đêm cơn mưa ập đến như trút nước, sấm sét ầm trời, toàn tổ trực chiến ướt
thẫm nước từ đầu tới chân, rét run bần bật, mệt muốn chết. Lệnh của xã đội
tuyên truyền đến: “Tiếp tục mai phục đến sáng! Lợi dụng lúc mưa to gió lớn địch
có thể mở cuộc tấn công…”
Ngồi co ro chịu rét ở bờ sông, tay lăm lăm khẩu súng trường Mút-cơ-tông
cổ lỗ sĩ, lòng Dế lại mơ màng đến nàng Cún. Nàng không đẹp lắm, nhưng lực hấp dẫn
thật tuyệt vời. Là con gái nhà quê, quanh năm chân lấm tay bùn, hai sương một nắng,
mà người lúc nào cũng mỡ màng, phổng phao, chỉ thoáng trông đã thấy thèm. Mà Dế
cũng chỉ mê có thế. Ai thích đôi mắt lá dăm, lông mày lá liễu, miệng cười tủm tỉm,
chứ còn Dế, Dế chỉ thích béo trắng ngồn ngộn. “Trông mặt mà bắt hình dong, con
lợn có béo cỗ lòng mới ngon”! Gái làng thì nhiều, cũng nhiều cô thon thả, xinh
xắn bánh tẻ, bánh nếp, mặt trái xoan, người cao dong dỏng… các loại tiểu thư
này không làm Dế siêu lòng. Dế chỉ ngất ngây với những cô đùi to, mông nở ngực
sum sủm như hai đĩa xôi lúc được mùa. Làng này chỉ có hai cô được lọt vào mắt Dế,
ấy là cô Na và cô Cún. Cô Na tuy to béo đẫy đà nhưng lại hơi đen. Cô Cún thì
đúng là của hiếm, đạt trọn vẹn cả hai tiêu chuẩn, to béo lại trắng, chỗ nào
cũng bóng nhẫy như đánh véc-ni. Nhưng cô Cún lúc này lại có đến mấy anh mê mà
tình địch đáng gờm nhất là thằng cha Lưới. Thằng cha này tuy không bảnh trai
nhưng vào loại giỏi tán, mồm mép lúc nào cũng ướt như đít gà mái. Dế biết trưa
nào nó cũng cầm cành câu ngồi bờ tre giả vờ câu, sự thực ra để nhìn trộm hai đứa
con gái tắm. Nó rình trộm trên bờ còn Dế lượn dưới sông, rõ ràng Dế tiếp cận tốt
hơn nó, dù vậy cho đến giờ vãn chưa sơ múi gì, thì xảy ra chuyện “giặc nhái”.
Thằng giặc nhái ấy chính là Dế bị đẩy ra nằm phục ở bờ sông suốt ngày đêm để
rình bắt chính mình. Dế đã mấy lần định thú nhận mọi chuyện, nhưng vừa mới mào
đầu đã không an tâm, tay tiểu đội trưởng phụ trách kíp mai phục còn quát: “Mày
định lòe chúng ông đấy à? Cái thứ mày mà làm được giặc nhái Mĩ thì “chó có váy
lĩnh”.
(Còn tiếp)
Trần Quốc
Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét