Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 12 - 13)



Đã đăng:

    Chương 12
 
Chiếc Dream II màu mận chín chầm chậm đi từ ngõ vào sân. Chủ nó là người đàn ông ngoài bốn mươi. Với thân hình bé nhỏ, gương mặt choắt, đôi mắt nhỏ có vẻ vừa ma mãnh, vừa đần độn. Đó là Phan Tít chủ nhiệm hợp tác xã. Anh ta chống xe rồi vào nhà. Cũng như hầu hết cán bộ chủ chốt của xã, nhà Phan Tít cũng bề thế, toát ra vẻ giàu sang dư thừa vật chất. Ngôi nhà hai tầng nằm trên một cái thổ rộng tới mấy sào, xung quanh xây tường bao bọc, có cổng sắt luôn luôn khóa, có chó béc giê túc trực canh phòng. Trong nhà, tầng dưới, tầng trên đều đầy đủ tiện nghi từ sa-lông bọc da đến ti vi màu, đầu video, tủ lạnh, giường mô-đéc... Mọi cái đều đẹp, chỉ có ông chủ của nó là xấu xí. Tuy hình thức là nhỏ còm nhom, nhưng những tham vọng giàu sang của Phan Tít thì không nhỏ bé chút nào. Cuộc chạy đua giữa Phan Tít và Phạm Tằng cho đến giờ đang dừng lại ở tỉ số một đều, nghĩa là mỗi bên thắng một và thua một. Phan Tít thắng trước. Đó là cuộc chiến thắng giành giật người tình hai chục năm về trước. Sau đó thì anh ta thua ở cuộc đua giành ghế chủ tịch xã. Trúng chủ nhiệm hợp tác xã thời dổi mới cũng có nghĩa là được đi an dưỡng dài hạn nhiều năm. Bởi hợp tác xã thời đổi mới này, khi mà ruộng đất đã chia cho từng khẩu, từng hộ gia đình, người nông dân đã lo toan hết mọi việc từ , cày bừa, cấy gặt, trừ sâu, phân bón... thì hỏi các anh chủ nhiệm và những ban nọ bệ kia của anh ta còn việc gì làm? Thế là xảy ra chuyện nhàn cư bất thiện. Trụ sở hợp tác xã vẫn khang trang, bề thế với từng dãy nhà xây tốn kém với các phòng ban đầy đủ tiện nghi. Hàng ngày, cứ vào khoảng hơn bảy giờ sáng là sân trụ sở xình xịch tiếng xe Dream từ cổng tiến vào. Đó là xe của các vị chánh phó chủ nhiệm và các cán bộ phòng ban đến trụ sở để có mặt. Ngồi một lúc rồi các vị rủ nhau ra quán ven đường. Ở đấy có đủ, từ rượu thịt chó đến karaoke và phòng gái đĩ. Các vị điểm tâm và điểm tình cho chán rồi mới trở về trụ sở. Ngồi chè thuốc nói nhăng cuội mãi cũng chán, thế là xoay ra đánh bạc, đầu tiên còn là tú-lơ-khơ ăn tiền, rồi tam cúc ăn tiền, sau tiến tới cả tổ tôm xóc đĩa... Vì thế rất dễ hiểu vì sao nông dân ngày càng bị nộp các khoản nhiều đến thế? Vì sao nhà nước trung ương chỉ thu thuế nông nghiệp và vài ba khoản nữa ở mức vừa phải, mà trong thực tế nông dân vụ nào cũng phải đóng nộp từ trên hai chục khoản đến trên ba chục khoản? Tâm lí cán bộ xã thời này là phải chi nhiều. Nạn nộp quá nhiều các khoản sinh ra từ đấy. Cái nạn này nó đẩy đời sống nông dân ngày càng thấp xuống, và tạo cơ hội cho cán bộ thoái hóa biến chất đến tận cùng.
Chủ nhiệm Phan Tít ngồi xuống ghế, móc túi lấy thuốc lá ra hút. Cái thời đổi mới này cũng hay hay. Cứ từ Phan Tít chủ nhiệm mà suy ra thì rõ ràng có nhiều điều đảo ngược. Thời còn làm chung thực sự, ruộng đồng xấu bét, người ta hay chê chủ nhiệm là dốt. Nhưng dù dốt đến mấy thì lão chủ nhiệm thời ấy cũng có trình độ sơ cấp nông nghiệp, cũng làm một nông dân thực sự, suốt ngày sắn quần lội ruộng để điều hành công việc. Lẽ ra đến thời đổi mới thì chủ nhiệm phải thật giỏi giang. Mà có thế mới là đổi mới! Thế nhưng Phan Tít đây học không hay cày không giỏi. Từ thuở nhỏ đến giờ, gã chỉ làng nhàng học cũng không mà lao động thực sự cũng không. Nói gọn lại, cả lí thuyết lẫn thực hành nông nghiệp lão chẳng hiểu mô tê gì sất. Lão chỉ học hết cấp một trường làng rồi đi bộ đội nhì nhằng mấy năm, rồi về làm cán bộ kiểm soát, thống kê, định mức lại tót lên ghế chủ nhiệm thời đổi mới! Chủ nhiệm hợp tác xã thời đổi mới! Ái chà! Mới nghe thì ghê gớm lắm. Té ra là cái ghế ngồi chơi theo đúng nghĩa đen. Mà đã là ghế ngồi chơi thì nói khí vô phép chứ gà chó đặt vào đấy nó cũng ngồi được vài ba khóa. Phan Tít này dốt nát về rất nhiều thứ, nhưng rất giỏi về môn nịnh thần. Tuần nào cũng một vài lần mời bí thư xã đi chén hoặc đi khách sạn. Lão kình địch với chủ tịch xã, vì vậy mà hết sức nịnh nọt bí thư để tranh thủ sự ủng hộ từ cấp cao hơn. Bất cứ lúc nào bí thư tạt qua phòng chủ nhiệm đều được mời bia hộp với giò lụa đem từ tủ lạnh ra và vớ được quả chồi nào cũng chia bôi sòng phẳng. Vì vậy mà cái ghế chủ nhiệm chẳng bao giờ lung lay. Thói đời được cái nọ thì thiếu cái kia. Trời đã ban cho Phan Tít cái số đỏ về giàu sang, lại phạt về cái khoản hưởng thụ. Vốn sinh ra từ bé đã còm nhỏ, mặt choắt tai dơi, lại vớ được cô vợ phốp pháp đa tình, đêm tân hôn lại có thể leo lên vật xuống năm bảy lần mà chưa thấm mệt thì chàng Phan Tít chỉ cố gắng được có một lần. Cô vợ rỉ tai chồng “nữa đi anh!” “Nhưng anh đây đã phờ râu trê rồi em ạ. Em không thấy anh đang thở như bễ lò rèn hay sao? Anh khất em đến ngày mai.” Cô vợ như người ăn dở miệng, đói quá chỉ được tráng miệng đã thôi. Nằm ấm ức quay mặt vào tường. Rồi đêm mai cô giục chồng đi ngủ sớm. Anh chồng thấy trợn trợn, tuy vậy vẫn phải cởi quần áo ngoài vào buồng cùng vợ nằm từ lúc trời mới tối. Khi cả hai người gần như đã thoát y nằm cạnh nhau, Phan Tít định tảng lờ bằng cách đọc một bài thơ. Cô vợ liền béo cho một cái vào bụng “đừng thơ thẩn gì nữa, ôm đi!” Phải ôm từ bảy giờ tối thế này thì ngày mai liệu có còn sống nữa không? Phan Tít nghĩ bụng. Rồi anh xoay người lại và ....ôm! Trời ơi, đẫy một vòng tay khít khịt mà chỗ nào cũng mỡ màng phổng phao, từ hai quả đồi phía trên trườn xuống thung lũng phía dưới cứ mát rười rượi! Tuyệt thật đấy! Nhưng mâm cỗ này toàn là những đĩa thịt mỡ đầy có ngọn, mà bụng anh lại anh ách đầy hơi! Tuy vậy vẫn phải ăn lấy lệ, lấy lòng bà chủ. Anh trèo lên bụng vợ mà khó nhọc ngang với trèo lên một quả đồi. Cả người anh lọt thỏm vào cái ngực và cái bụng mênh mông của cô vợ, cô vợ to béo đẫy đà hừng hực sức sống đang khao khát thèm muốn chỉ cảm thấy trên mình có một cái gì bồng bềnh nhẹ xốp, một sinh vật thoi thóp đang ngọ nguậy. “Cố lên chứ! Nữa đi anh!” “ Trời ơi, thế này to mái hại trống mất rồi! Cái gì thì còn cố được chứ cái khoản này mà cố thì tổn thọ lắm em ạ”... “ứ ừ, mặc kệ anh! Anh sao thế? Hay là anh không yêu em?” “Trời ơi lại còn không yêu? Không yêu lại bỏ ra tiền triệu để cưới à?” “Thế thì sao anh lại “đầu hàng” sớm thế?” “Cứ từ từ rồi anh sẽ “xung phong” tiếp.” “Ứ ừ, bắt đền anh đấy, phải xung phong ngay đi.” “Được rồi! Được rồi, em to quá, một vòng tay anh còn hở, khéo anh toi mất!” “Biết to sao còn mê?” “Ờ à, nhìn bằng mắt thì khoái lắm vào cuộc rồi mới thấy gay go. Nào cố lên chứ vội vàng lên với chứ. Từ từ để anh thở tí đã.”
   Tuần trăng mật chậm chạp trôi đi. Chàng Phan Tít vốn đã gầy, sau những cú vượt đèo leo núi trên bụng vợ thì chàng ta trơ xương sống, sương sườn, nhiều khi sau một đêm ngủ dậy đi không vững. Cô Thắm thì béo ra, trắng ra mỡ màng và đa tình. Cặp má không phấn son mà lúc nào cũng đỏ au, đôi mắt lúng liếng ướt át, cái miệng luôn cười. Anh chồng bắt đầu ghen dữ. Của này không quản lí chặt nó đi ngủ với trai. Anh chồng nghĩ vậy. Không ăn hết nhưng phải giữ chặt, quyết không để cho thằng nào nhảy vào mà mò mẫm. Chuyện ngoại tình ối ra đấy, xảy ra như cơm bữa hàng ngày. Phải cực kì cảnh giác mới được. À hôm qua mình mới nghe chuyện gì nhỉ? Chuyện thằng cha đội trưởng đội 3 có cô vợ xinh đẹp lúc nào cũng có vẻ thắm thiết tình nghĩa vợ chồng, anh anh em em mềm như bún, ngọt như mía nướng. Lúc nào hắn cũng khoe khoang lấy được cô vợ vừa xinh lại vừa tốt nết, chụp đến mấy “pô” ảnh bá  cổ bá vai nhau phóng to treo ở phòng cưới. Đêm nào lúc đè lên bụng vợ hắn cũng hỏi “em có yêu anh không?” “Có chứ, yêu anh nhất trần đời!” Cô vợ vừa rên ư ử vừa trả lời. “Thế liệu có bao giờ em để một thằng cha nào nó ngoáy?” “Đồ khỉ gió ạ, nói gở mồm” “Ờ nhỉ, nói gở mồm, để riêng mình anh thôi đấy nhé!” “Anh yên tâm! Cứ là bôi vôi cũng chẳng mất dấu” “Thế thì cho anh hôn vào chỗ ấy một cái nào” “Hôn đi, vua chúa cũng ngửi đấy anh yêu ạ...” Hắn mút mát chộp choạp cái của quý và hoàn toàn yên tâm. Ngày mai hắn phải họp đội. Hắn bảo cô vợ cùng đi họp,cô vợ kêu rức đầu, người khó chịu ở nhà. Hắn đi một mình đến nơi họp, chỉ cách nhà hắn một quãng đường ngắn. Đến nơi hắn mới sực nhớ là quên mất quyển sổ ghi chương trình nghị sự. Hắn quay về nhà để lấy sổ. Nhà ngoài bố mẹ hắn còn thắp đèn ngồi hút thuốc uống nước, đứa con nhỏ đang học bài. Buồng vợ hắn có cửa phía sau ngoài hè, hắn thấy cửa buồng khép hờ, mà đèn ở trong đã tắt. Hắn cho rằng vợ hắn kêu ốm nên tắt đèn đi ngủ sớm. Hắn đẩy cửa bước vào và xòe bật lửa. Ô kìa, cái gì trắng hớ đang oằn oại trên giường thế kia? Vợ hắn bị đau bụng quằn quại chăng? Mà sao lại có đến hai cây chối chập một! Hai con lợn cạo trắng vật nhau... Khi hắn chợt nhận ra liền kêu lên “Ối làng nước ơi!” Khi “làng nước” kịp chạy đến thì hắn đã nằm sõng soài trên mặt nền buồng vì cú đấm trời giáng từ bàn tay hộ pháp của gã nhân tình của vợ. Bị lộ, nó đấm sái quai hàm anh chồng về không đúng lúc để chạy thoát thân. Sau này tỉnh lại hắn mới biết rằng vợ hắn đã tính toán rất kĩ: đúng cái lúc gã bước chân ra khỏi buồng ngủ để đi họp thì gã nhân tình của vợ đã nấp ở chái nhà, lẻn vào luôn, tranh thủ làm việc luôn. Nếu không quên quyển sổ ghi chương trình nghị sự cho cuộc họp thì tất nhiên phải họp xong anh ta mới về được, vì anh là chủ tọa cuộc họp. Mà họp xong thì ít nhất là mười giờ, ái chà chà! Trong khoảng ba tiếng đồng hồ ấy, hai cái thân thể thèm khát nhau ấy, bện chặt lấy nhau, chúng sẽ “xả hơi” hết cỡ vì nhau, sẽ tặng nhau những khoái cảm nhục dục, sẽ “làm việc” tới “ba quắn”.
Mở lại chuyện tình sử của mấy ông bạn hàng xóm, lòng Phan Tít thấy nhoi nhói. Ấy là những lão cường tráng đêm nào cũng có thể đè lên bụng vợ mà chọc ngoáy, thế mà còn thế, huống hồ là Phan Tít còm nhom, cái vật gây giống chỉ nhỉnh hơn quả ớt chỉ tổ làm con vợ nó ngứa, mà nó ngứa quá thì nó sẽ đi mượn thằng cha nào “gãi” tốt hơn. Suốt những năm tháng ấy và cho tận đến giờ Phan Tít mơ gì, ước gì? Mơ giàu sang quyền lực thì đã đành rồi, ai mà chẳng thế. Riêng Phan Tít mơ thêm một điều cháy bỏng: mơ ước cái vật gây giống của mình nó to bằng cái cổ tay, để anh ra dáng một gã đàn ông chính hiệu! Đêm đêm anh ta có thể leo lên vật xuống ba bốn lần, và có quyền quát to vào tai cô vợ đa tình: “đã chán chưa?” Nếu cô nói “chưa chán” thì anh lại thừa sức để “làm tiếp” cho đến khi ằng ặc như kẻ bội thực mới thôi. Cái khát khao mơ ước rất đàn ông ấy mỗi ngày một cháy bỏng, nhất là về đêm – giờ cao điểm của thần ái tình hiển hiện. Người vợ đa tình lúc nào cũng khát khao bị chồng quản lí quá chặt thì cái thèm khát càng đầy ứ. Cứ tối đến nàng đều vào giường nằm trước, cởi hết quần áo ngoài chỉ mặc đồ lót rất mỏng. Mà người nàng thì phốp pháp đẫy đà, da dẻ trắng ngần đến thánh sống mà nhìn thấy cũng phải hứng tình quên đi những điều rất thánh để lao vào ôm ấp, vỗ về một thân thể có thể bị coi là quà của thượng đế gửi tặng. Những trưa hè đi làm về nàng ra cầu bến trước làng tắm. Ối cha cha, đàn ông đàn ang ở đâu mà lảng vảng nhiều thế? Anh đi đường dừng lại giả vờ đứng hóng mát dưới bóng tre để nhìn. Anh gánh lúa đang nhún nhẩy hai đầu đòn sóc hai bó lúa to đến chỗ cầu bến là như bị ma ám, chân thấp chân cao liếc mắt đưa tình. Rồi những vị đi xe đạp, xe máy đến đây cũng chậm  chậm lại. Có mấy vị liều còn cởi quần áo xuống tắm, tay giả vờ kì, còn mắt cứ như hút mà nhìn vào chỗ đáng lẽ không nên nhìn. Nàng biết tất, hiểu tất, thực lòng thì nàng đang thèm khát những ánh mắt ấy bởi nó đang vuốt ve thân thể nàng, cào cào vào chỗ ngứa của nàng.

Chương 13
Chiều nay Phó Lười bảo vợ:
-            Em Cún ạ! Tối nay em mua cho bọn anh chai rượu và cân lòng trâu về sào nhé!
-            Để làm gì vậy? – chị Cún hỏi lại.
-            Bọn này họp!
-            Bọn nào cơ? – chị Cún hỏi chồng.
-            Còn bọn nào nữa! Bọn Ngũ Tử trình làng chứ còn bọn nào!
-            Em tưởng đổi mới rồi thì giải tán hội ngũ tử đi chứ! Chả lẽ các annh còn thích cái tên Phó Lười, Phó Ba Gai, Phó Tán Gái... hay sao?
-            Bọn anh suốt đời mang tên đó, không bao giờ bỏ cả!
-            Các anh gàn bát sách! Hay hớm gì mà cứ đeo mãi cái Phó Lười hở ông chồng yêu quý của em?
Phó Lười toét miệng cười.
Vừa chập tối, các thành viên trong hội Ngũ Tử đã tề tựu đông đủ. Đầu tiên là Phó Ba Gai rồi đến Phó Tán Gái, Phó Xoáy, Phó Cuội. Đổi mới từ lâu mà trông các vị vẫn nhom nhem, đầy chất bụi đời. Gọi là họp cho sang chứ thật ra là những sinh hoạt rượu, cao hứng là gọi nhau đến nhà này hoặc nhà kia tìm cái gì đó mà nâng lên, đặt xuống, rồi nhân đó mà dốc bầu tâm sự, mà nói vung ví veng về thế sự, về thế thái nhân tình theo cách cảm cách nghĩ của những anh hùng hảo hớn. Mấy chục năm đã qua, những phó thường dân này thường coi trời bằng vung, sống với những triết lí riêng của mình, bị đời chửi và chửi lại đời. Giờ đây bước vào thời kì đổi mới, cả xã hội trong vòng xoáy của những biến đổi, của những cơn lốc bụi mù. Không thể một ai đứng ngoài. Cả hội Ngũ Tử đang xoay trần trong vòng xoáy ấy. Lại chính là những vị phó thường dân này nuôi nhiều khát vọng vươn lên, bởi đời họ khổ và nhục cứ như loài đỉa đói đuổi theo và cắn chặt đã bao năm.
Trời cuối năm rất lạnh. Ngay từ chiều anh Phó Lười đã ôm mấy ôm rơm vào trải ở góc nhà, rồi đặt một cái chiếu tàng tàng được trải phủ lên mặt nó cho nó thành cái ổ. Chị Cún đặt lên đấy cái mâm nhôm đã cũ, trên mâm lù lù hai bát ô tô lòng trâu sào. Rồi một can rượu trắng được đưa ra. Rượu được rót đều vào năm cái bát ăn cơm. Không có đũa, không có bát đỡ thức nhắm. Uống rượu và dùng tay bốc thức ăn đó là thói quen, cũng là cái khoái của những vị này.
Phó Lười ngồi phía ngoài cầm bát giơ lên.
-            Nào chạm bát!
Bốn phó kia cũng giơ lên cả rồi. Năm bát rượu chạm nhau rồi cùng dốc ngược đít bát. Rồi năm cái bàn tay sần sùi, thô rám lại cùng bốc lòng trâu đưa lên miệng để “đưa cay”. Sau ba tuần nâng lên hạ xuống Phó Ba Gai hỏi Phó Lười:
-            Thế nào?
-            Há hà! – Phó Lười cười – Thế nào là thế nào? Chứ bác Ba Gai hỏi về chuyện gì? Chuyện trên ổ rơm hay chuyện làm ăn?
-            Cả hai!
-            Úi già, chuyện sờ vợ thì xin thưa với anh em rằng từ ngày nhận lại ruộng đến giờ phải làm quật cu đằng trước ra đằng sau nên chỉ một tháng đôi tuần cho khỏi tội nghiệp. Vợ có thắc mắc thì tớ trả lời: Đợi đấy, khi nào giàu sang lên tôi sẽ đè bu mày mỗi đêm chín lượt!
Cả đám cười vang. Chị Cún trong buồng nghe thấy vậy nói vọng ra:
-            Thôi uống đi! Nốc cho lắm vào rồi toàn chuyện ba bớp, rõ dơ!
-            Không dơ đâu! – Phó Lười cười nói vọng vào – cố gắng cho giàu lên rồi thì cứ chín lần một đêm mà đếm bu nó ạ!
Cả hội cùng cười rồi lại chụm đầu uống rượu. Năm con người, năm cuộc đời, lúc tỉnh, lúc say, lúc lên voi, lúc xuống chó nhưng cứ hễ gặp nhau là tếu, có lẽ là để quên đi nỗi vất vả gian truân, những dằn vặt cấu xé thường ngày. Đổi mới lâu rồi, nhưng đối với những con người này, hướng đi chưa mở. Nhận lại mảnh đất sau mấy chục năm chung chạ đã xác xơ, những phó thường dân này hết lòng đem mồ hôi ra mà cải tạo nó, đúng nghĩa bát cơm đổi bát mồ hôi. Một phần tư, một phần ba thế kỉ trôi qua, cuộc sống con người chìm trong đói rách. Những năm tháng ấy không một ai dám mơ đến chuyện làm giàu, vì nó quá xa vời. Vả lại cái thời ấy nghèo là biểu tượng của cái đẹp. Người ta tự hào về sự nghèo, đem cái nghèo ra làm công cụ giáo dục, khuyên răn, coi nghèo là một trong những tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Những phó thường dân trong hội Ngũ Tử này càng chẳng bao giờ dám mơ ước giàu có. Một bữa rượu cuốc lủi với lòng trâu luộc chấm nước mắm gừng tỏi đã là mãn nguyện lắm rồi. Tâm lí làm giàu mới nảy sinh. Cái hội Ngũ Tử này toàn những anh lười, ba gai, nói phét... suốt chiều dài mấy chục năm, rượu uống có tới hàng phi nhưng chưa có một cuộc rượu nào bàn tới hai chữ “làm giàu”. Con người sống không có khát vọng, cuộc đời chỉ là sự buồn tẻ trôi đi vô vọng, và lấy rượu là cứu cánh cho đời.
Thế mà giờ đây, cũng trên cái ổ rơm cũ kĩ muôn thuở này, Phó Lười bỗng bật lên:
-            Phải làm giàu anh em ạ!
-            Ha hả! - Phó Ba Gai cười lớn - làm giàu bằng cách nào, thưa tiên sinh?
Mỗi suất đinh có chưa đầy hai sào ruộng, đã tự lo từ thóc giống và mọi khoản đến khi gặt, lại còn phải đóng những ba mươi khoản kèm theo nữa, thử hỏi số còn lại đã đủ ăn chưa, mà còn nói làm giàu? Tôi tính các bợm nghe nhé: Cứ cho là thu hoạch với năng suất cao là hai tạ một sào. Mỗi sào chi phí từ thóc giống đến cày bừa cấy gặt, làm cỏ bỏ phân và trừ sâu bệnh hết bảy mươi cân, cộng với bảy mươi cân “nộp các khoản” nữa là còn lại sáu mươi cân lãi! Mỗi sào được sáu mươi cân đầu người hai sào, vị chi là thu hoạch một trăm hai mươi cân. Một trăm hai mươi cân cho sáu tháng, ăn đã đủ chưa? Nói sao chuyện làm giàu?
   Cả bốn vị phó kia đều ngồi im. Họ biết rằng cái lão Phó Ba Gai này nói đúng. Cái mộng làm giàu thời đổi mới này hóa viển vông như vậy ư? Đúng là làm ruộng bây giờ nhàn thật, trước làm cả năm thì bây giờ chỉ làm một vụ mười ngày là cùng lắm. Nông dân Việt Nam lúc này có thể xếp vào loại nhàn nhất thế giới, bởi một năm anh ta chỉ phải lao động có hai mươi ngày. Vậy còn 345 ngày nữa xếp đâu, lấy gì để bù đắp vào khoảng trống ấy? Việc đầu tiên là họ vần nhau. Chồng dỗi, vợ dỗi, ngồi vạt bờ mãi cũng buồn thế là rủ nhau vào buồng, đầu tiên là tán chuyện vui, sau đến ghẹo rồi cuối cùng là đè nhau ra nền nhà nếu là mùa hè, đè nhau trên ổ rơm nếu là mùa rét. Đẻ nhiều, đẻ vỡ kế hoạch, cũng là vì thế. Cho nên có một thực tế là cứ chỗ nào nghèo nhất là chỗ ấy sinh đẻ vô tội vạ. Chỉ một trò vợ chồng thôi dĩ nhiên không hết thời gian được, bởi thời gian dỗi gần như vô tận. Thế là rượu, chè, cờ bạc và bao nhiêu tệ nạn khác phát sinh từ những ngày nhàn dỗi quanh năm.
Chuyển hướng đầu tiên là mở quán. Thành phố thì có dịch vụ đục tường, nông thôn thì dịch vụ gốc cây. Các phó thường dân lúc đầu tưởng là có thể làm giàu vì mở quán. Bỗng nhiên các quán mọc lên như nấm. Mỗi làng ít ra cũng có tới chục quán. Phó Lười là một trong những nhân vật đi tiên phong. Một đêm Phó Lười nói với vợ:
-            Em Cún ạ, người ta nói “phi thương bất phú”.
-            Vậy anh định thế nào?
-            Mở quán!
-            Quán gì?
-            Quán gì có nhiều lãi thì ta mở.
Vừa sờ sà vừa bàn bạc gần trọn một đêm, cuối cùng mới đi đến thống nhất là mở quán Bún riêu cua! Nhà Phó Lười ở ngay đầu làng cạnh con đường hàng xã, mở quán thì tuyệt quá rồi còn gì nữa. Sau khi đã thống nhất và hạ quyết tâm, Phó Lười đè vợ một chập rồi ngủ khì. Sáng sớm hôm sau, anh đi thông báo tin quan trọng này cho bác Phó Ba Gai, Phó Xoáy, Phó Cuội, Phó Tán Gái. Bốn vị phó này đều gật đến sái cổ cái kế hoạch làm giàu của Phó Lười. Tuyệt, tuyệt lắm bác Phó Lười ạ, ngày trước thì bác lười đến mức chảy dái, còn bây giờ thì bác lại vừa sờ vợ vừa nghĩ được chuyện mở quán Bún riêu cua! Nào anh em, sắn tay áo lên giúp bác Phó Lười dựng quán. Làm đi! Bát bún riêu cua đầu tiên và ngon nhất là tớ sẽ đãi anh em! Ào ào! Ào ào ào! Hội Ngũ Tử ra tay thì thóc phải xay ra gạo! Năm vị phó thường dân xông pha làm quán! Nửa khóm tre nhà Phó Cuội bị tàn phá đưa về làm quán. Phó Ba Gai vác đến bốn đoạn luồng làm cột. Nhà Phó Lười không có rạ, vì ngay đầu vụ đã bị bọn trẻ con nửa đêm châm diêm đốt sạch đống rạ mới lên đống. Phó Xoáy tặng luôn đống rạ nhà mình, rút rạ để lợp mái... Vừa vặn một ngày từ sáng sớm đến đêm khuya, cái quán dựng xong. Rồi cuộc rượu mừng diễn ra ngay trên nền quán kéo dài tới sáng bệch.
Ngày hôm sau, chị Cún được chồng phân công:
-            Này em Cún ạ, anh phân công em là trưởng ban chạy vật tư, có nghĩa là đi bắt cua và giã ra để nấu riêu....
Chị Cún cười tủm tỉm:
-            Thế con cua của em thì có giã ra để nấu riêu không?
Chàng Phó Lười cũng cười:
-            Ấy chết, con cua quý ấy mà giã ra nấu riêu thì hỏi tớ đây sống để làm gì? Phải giữ cẩn thận đấy! Có vị khách nào muốn xơi cua ấy cũng không được cho! Mà rồi đây ngồi bán hàng chớ có mà mặc váy! Khách ăn hàng bây giờ là lếu láo lắm, vừa ăn cua trên bàn, vừa muốn cua ở dưới gầm bàn nữa đấy!
Chị Cún lườm chồng rồi tong tả đi xuống bếp lôi ra hai cái giỏ đã buộc lại treo trên giàn bếp từ lâu. Chị tìm bộ quần áo cũ, quần đen, áo gụ mặc vào, rồi tìm cái nón đội đầu, cái xà cạp quấn chân, đeo hai cái giỏ ở hai bên hông rồi tất tưởi đi ra phía cánh đồng.
Trời đã bắt đầu sáng, phía chân trời rạng lên cái màu cua gạch. Cả cánh đồng mới cấy còn nguyên màu lá mạ, mặt nước nhoang nhoáng màu vàng. Mặt trời nhô lên đỏ như cục tiết, những áng mây sát chân trời bị xé rách. Chị Cún lom khom bên các bờ ruộng. Chị vạch cỏ tìm mà cua. Có hai loại mà cua, mà đùn và mà trống. Mà đùn là trước cửa mà có đất mới đùn lên phủ kín miệng mà. Với loại mà này thì dưới đáy chắc chắn có con cua hoặc một đôi cua nằm ở đó. Nhưng rất khó móc vì mà vừa nhỏ lại vừa sâu, có khi thuôn hết cả cẳng tay chưa tới đáy mà. Còn loại mà trống thì rất dễ đưa tay tới đáy mà, cũng có thể có con cua mới vào ở tạm, cũng có thể gặp luôn chú rắn nước cuộn tròn trong ấy. Ai bạo tay mới dám móc mà trống. Cún khom lưng hai vệt bờ đã được lưng lưng hai giỏ. Chị ngồi trên bờ vùng nghỉ một lát, vừa lấy nón quạt cho mát, vừa nhìn khắp cánh đồng. Thời niên thiếu rồi cả thời con gái, chị Cún tắm mình trên những cánh đồng này, sáng và chiều cắt cỏ, đón trâu, trưa đi mò cua mà hoặc vồ cua nắng. Cún thuộc từng bờ ruộng, từng mô đất cao thấp trên đồng, hiểu rất rõ những vệt bờ nào lắm cua, và những vệt bờ nào có nhiều rắn nước nằm trong mà cua. Ngày ấy Cún nổi tiếng là giỏi bắt cua, đeo cái giỏ ra đồng một lúc, về đã đầy chặt giỏ toàn cua mà béo ngậy lắm gạch, nấu canh riêu nổi váng trông đến là ngon. Tuổi thơ và tuổi xuân của Cún trải đều trên mặt ruộng, chạy dọc theo các bờ vùng bờ thửa. Đôi bàn tay vừa mới sinh ra đã trắng trẻo, mũm mĩm của Cún không thơm mùi giấy mực, áo Cún không loang lổ mực tím học trò nhiều. Cún chỉ được học hành có bốn năm, cho đến hết cấp một là thôi. Nhà Cún có sáu anh chị em. Bố mẹ Cún làm quần quật suốt đêm ngày nào cũng chỉ đủ bữa no bữa đói. Cún là chị cả nên phải lao động từ tấm bé, chăn trâu, cắt cỏ, rồi bắt cua, mò ốc. Đi mò ốc vui hơn là móc cua. Một đám có tới ngót chục chị em trong xóm rủ nhau, mỗi người một cái mủng to bằng cái lồng bàn đan bằng tre, trát sắn không ngấm nước và một cái giỏ để trong, có cái dây thừng buộc từ miệng vào ngang lưng, rồi ngâm sông, ngâm ngòi, ngâm đến tận cổ, nước và sóng vỗ ngang cằm, ập cả vào mồm vào mũi, cả hai bàn tay nắn, sờ sờ vào những chùm rễ sen Nhật Bản dài và đen sì như râu Trương Phi, lẩn trong ấy là cua, là những con ốc nhồi, ốc hạt mít. Nếu mò vào các cụm rong đuôi lươn, đuôi chó còn được cả tôm càng, tôm trứng, mò trên mặt bùn dưới đáy sông ngòi là vớ ốc dạ, trai và hến. Nói gọn lại đi mò là bắt thập cẩm. Một đám con gái dàn hàng ngang, tóc quấn gọn trên đầu để khỏi ướt, khăn vuông đen bùm kín mặt, đội nón, đi trên đường nhìn xuống chỉ thấy những cái nón lừ lừ trôi trên mặt nước dưới vành nón là đôi mắt đen lấp láy. Ngày ấy sông ngòi, đồng ruộng lắm đỉa lắm, có thể nói là chỗ nào cũng có đỉa. Vừa khỏa chân bùn bũng xuống nước đã thấy từ bốn phía những con to bằng đầu đũa, có khi chỉ nhỏ bằng cái tăm gọi là đỉa hẹ, hàng đàn đỉa bơi nổi có, bơi ngầm có, rồi bám vào người, cắn da cắn thịt để hút máu, thậm chí chui cả vào lỗ tai. Đàn bà con gái là khiếp đỉa nhất, những “đại ca” đải rất ma mãnh, luồn qua áo cắn vào lách, vào vú, nhưng nguy hiểm nhất là các chú ta chui qua ống quần, luồn từ dưới bắp chân luồn lên đùi, lên háng non rồi luồn âu vào thâm cung để hút máu. Cô nào, bà nào mà bị đỉa chui vào đấy, còn tân thì bị đỉa cắn rách, sau có lấy chồng, bị chồng nghi ngờ rất khó thanh minh, còn đã có chồng rồi thì đỉa chui vào tận dạ con cắn chảy máu hàng ngày không cầm được. Thế mà những chị em đi xúc tép, mò cua ốc như Cún suốt ngày ngâm mình dưới nước, có hàng chục con đỉa bám vào người, ngày nào cũng bị mấy con đỉa cắn, bụng nó no căng máu rồi mới biết. Hầu như lần lượt trước sau cô nào cũng bị đỉa chui vào “chỗ ấy”. Nếu không có chuyện đỉa cắn, thì nói chung là đi mò là rất vui vì nhàn hơn các việc khác, lại không bị đen mặt và chân tay như đi móc cua giữa trời nắng. Giờ đây thời con gái đã qua, cũng đã lâu lâu không cầm đến cái giỏ, cái mủng. Cún ngồi trên bờ vùng với những vệt cỏ xanh, đôi mắt đăm chiêu nhìn xuống vệt ruộng chạy dọc theo bờ vũng chân đục ngầu, lòng chị xốn xang. Đời con người cũng đục đục, trong trong, cũng nông sâu, cũng chạm vào lại tóe ra như những bước chân lội trên mặt ruộng kia. Ngày còn làm chung, đói lắm, chỉ mơ bữa cơm no. Từ ngày nhận lại ruộng, có bát cơm rồi lại mơ làm giàu. Chuyện làm giàu lại bắt đầu từ con cua, con ốc thì liệu có làm giàu được không? Anh Phó Lười chồng Cún ngày ấy chẳng chịu làm gì cả, đã thế lại lý luận rằng tôi không muốn làm chứ không phải tôi lười, làm cho cả làng ôm bụng mà cười. Rồi thì suốt ngày trùm chăn giả vờ ốm. Đến khi ốm thật vợ lại tưởng giả vờ không cơm cháo thuốc thang, suýt chết. Còn bây giờ thì xua vợ ra đồng bắt cua để mở hàng bún riêu cua, để trở thành nhà kinh doanh bún riêu cua – tiến tới triệu phú Bún Riêu Cua! Biết đâu cô Cún đang ngồi trên bờ vùng với cái quần đen, cái áo gụ bạc màu, cái nón mê, chân tay mặt mũi lấm lem toàn bùn đất cùng với những con cua đang xôn xao trong hai giỏ ở hai hông, rồi đây lại chả là bà chủ với những vòng xuyến vàng đeo đầy tay?
Khi thấy vợ đeo hai hông hai giỏ cua nặng về nhà, anh Phó Lười mừng lắm. Anh đang chứng minh cho thiên hạ hiểu rằng lời tuyên bố của anh năm nào: “Tôi không muốn làm chứ không phải tôi lười” là hoàn toàn đúng. Từ ngày đổi mới đến giờ, anh lăn lưng ra mà làm. Kể cũng khổ thật, suốt hàng chục năm không muốn làm, thành ra lười, đến lúc bắt tay vào việc, người cứ như người mã, phải luyện tập từ đầu như một đứa trẻ. Rồi mọi việc cùng phải qua, giờ thì xương cốt đã cứng dần, những bắp chân bắp tay một thuở nhẽo nhèo đung đưa như võng giờ đã săn lại. Nhà anh sáu khẩu gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, được nhận lại một mẫu hai sào Bắc Bộ. Bốn đứa con nhỏ trong tuổi đi học, hai vợ chồng làm có hơn một mẫu, ngon ơ, mỗi vụ cấy, vụ gặt chỉ có mấy buổi là xong. Xong rồi thì làm gì? Ngày trước vào những lúc rỗi nhàn, tháng ba ngày tám, đàn ông tập hợp thành hội cào, hội nơm đi đánh dậm hoặc úp nơm ở các ven sông, ven ngòi. Vừa kiếm cái ăn lại có thêm tiền tiêu pha may vá, chứ chẳng chịu chơi. Bây giờ cũng những con sông, con ngòi ấy chỉ còn có nước trong veo, đến đỉa cũng tuyệt giống còn lấy đâu ra cá tép tự nhiên mà cào với dậm! Ở nơi đây còn có nghề câu cá quả. Một cái cần dài tới bốn mét, một guồng cước dài ba bốn chục mét với cái lưỡi câu rất to mắc vừa một con ngóe cỡ ngón tay để làm mồi, rồi tìm những vệt lăn vệt muống ở các ao hồ, nơi cá quả thường trú ngụ mà vút mồi thật xa rồi từ từ cuộn cước để con mồi lập lờ, dập dình trên mặt nước như đang bơi tự nhiên. Con cá quả đứng bóng ở bên những vệt sen Nhật Bản, vệt rau muống tưởng mồi thật lao ra đớp, người câu cứ thả cho nó ngậm, rồi nhai, khi nào biết cái cỏ độn ở lưỡi câu bật ra giật liền, rồi bùng bũng kéo vào bờ. Những con cá quả đen trũi to bằng bắp tay, có khi bằng bắp chân, bắp đùi, mỗi ngày câu được hàng chục con. Ngày ấy cá này giá trị không cao, câu hàng rổ cá cũng chỉ đáng mấy đồng bạc. Rồi đổi đời, người khôn lên, ăn sành hơn, cá quả cá chuối được coi là đặc sản, giá cứ vùn vụt cao lên gấp ba gấp bốn lần cá thường. Những quan bụng phệ vào nhà hàng nằng nặc đòi xơi cá quả tươi om, hấp… Các nhà hàng cử người đi mua, đi đặt hàng ở các miền quê. Thế là cả họ nhà cá quả cá chuối bị săn lùng truy quét bằng đủ mọi phương tiện câu, đánh lưới, úp nơm, đánh dậm và tát vét để bắt. Liên tục như thế trong mấy năm họ hàng nhà cá quả bị tru di tam tộc. Anh Phó Lười ngày ấy tuy lười làm công điểm cho hợp tác xã, nhưng vẫn thú tham gia vào các hội câu, hội cào, hội lưới để làm bữa riêu ăn cơm, bữa rán nhắm rượu. Đến cái thời đổi mới này thì cá sông, cá ngòi hầu như không còn nữa. Thế mà cua đồng vẫn còn. Để tồn tại được, những chú cua này đã khôn ngoan lên rất nhiều. Hang các chú ở giờ đây vừa sâu vừa ngoằn ngoèo, có khi đẫy một cánh tay con gái chưa móc tới.
Chị Cún đặt hai giỏ cua xuống cạnh chồng, dùng tay lắc lắc cho đám cua trong giỏ xôn xao.
-            Có tuyệt không? Tôi đi có hai vệt bờ thửa mà được bằng ấy đấy.
Chàng Phó Lười gật gù sái cổ:
-            Bu nó “móc” giỏi thật. Được rồi, thế nào hôm nay anh đây cũng thưởng….
Chị Cún nguýt dài rồi xách hai giỏ cua nặng đi xuống bếp. Chị đổ hai giỏ cua ra hai cái thùng gánh nước rồi đổ nước vào ngâm cho sạch để sáng sớm mai làm hàng, rồi chị ra sông ngay trước nhà bơi ra giữa dòng đứng tắm. Ơi con sông bốn mùa trong mát này như cái nôi ru chị từ ngày còn tấm bé. Cún đi bắt cua từ ngày mới lên sáu lên bảy tuổi đầu. Cũng từ ngày ấy, trưa chiều nào Cún cũng ra con sông này đứng tắm, mái tóc non tơ mọc dài trong dòng nước mát, da thịt mơn mởn cũng lớn lên từ đây. Dòng nước mát đã ôm ấp Cún từ thuở tắm truồng, đôi vú mới chum chúm núm cau, rồi mơn man thời con gái ngực nở mông tròn, tóc chấm lưng, mắt lúng liếng cho đến tận hôm nay đã bốn mặt con, vú đã không còn là hai tấm bánh dày để mà vừa kì cọ vừa mơn trớn mình, đôi mắt vẫn lúng liếng nhưng đã nhiều vết chân chim. Dù vậy, Cún vẫn là người đàn bà trẻ dại, vượt lên trên mọi hoàn cảnh khó khăn vất vả. Suốt mấy chục năm theo công điểm, ngày công được năm lạng thóc, anh Phó Lười chán nản không chịu làm, một mình Cún xoay xỏa, vật lộn nuôi gia đình, ban ngày làm hợp tác, trưa, chiều, cho đến tận đêm còn phải khom ngoài bờ ngòi, bờ ruộng để bắt thêm giỏ cua, mẻ ốc sáng sớm mai đi chợ bán để lấy tiền trang trải trăm thứ cho một gia đình có tới năm sáu miệng ăn. Vất vả là vậy mà cuộc sống hàng ngày vẫn chỉ ngày vài bữa cơm độn khoai ngô, quanh năm quần nâu áo vải, nón mê, chân đất, ấy thế mà cho đến tận giờ Cún đã ở tuổi bốn mươi mà vẫn có thể nói là còn đẹp, còn trẻ. Người đàn bà chân quê này trời sinh ra để mà vui, để mà bất cứ lúc nào cũng có thể cười nói vô tư. Chị hết lòng yêu mái ấm gia đình, dù mái ấm ấy có trăm nghìn ngọn gió lạnh ùa vào. Chị cũng rất yêu chồng, dù chồng chị suốt mấy chục năm đã trở thành Phó Lười nổi tiếng. Không có tình bao dung thì làm sao chịu đựng nổi cái thuyết dở hơi “Tôi không muốn làm chứ không phải tôi lười” để anh Phó Lười sau giấc ngủ dài mấy chục năm nay đang tỉnh lại. Có lẽ suốt mấy chục năm ấy Cún đã không nhìn xoáy vào những điểm xấu ở người chồng mà nhìn vào cái nét đẹp ngày trước một thời đã nổi lên, giờ chỉ bị chìm đi chứ chưa mất hẳn, và chị im lặng, giữ nguyên tình yêu thương để đợi chờ. Khổ cực nhọc nhằn cũng không thể quên đi điều ấy.
Vừa chập tối, vợ chồng Phó Lười đã rủ nhau đi nằm, lấy lí do là nghỉ sớm để mai còn dậy sớm làm hàng. Giờ đây đang giữa hè, cho nên cái ổ rơm dày một thước đã được đem ra đun bếp từ lâu, một cái giường dải quạt cũ thay vào đấy, cũng đôi chiếu mới thơm mùi cói. Phó Lười cởi trần trùng trục, chỉ mặc mỗi cái quần đùi xanh cũ đã thủng mấy chỗ đằng trước đằng sau. Thời đổi mới làm nhiều không còn béo bủng như trước, da đen giòn mà chân tay đã săn chắc. Cún cũng cởi trần và cũng mặc quần đùi, chả có xu-chiêng. Cái quạt tai voi phành phạch nổ. Thế mà vui. Bảo đi nằm sớm nhưng nào ai đã ngủ. Ngày mai khai trương cửa hàng “Bún riêu cua Phó Lười” – cái tên đã kẻ to bằng sơn đỏ chót trên nền miếng cót ép đã quét sơn trắng treo ngay trước quán. Đêm nay cặp vợ chồng này thao thức niềm vui. Đối với người nông dân thì có thêm mấy con gà con, con lợn giống cũng đã là niềm vui đáng thao thức, chẳng là ngày mai mở quán! Suốt đêm vợ chồng Cún –Phó Lười không sao chợp mắt. Ngày mai thôi anh chị sẽ là ông bà chủ, bà chủ một cửa hàng! Cuộc sống bao năm đắm trôi đi, ngày sau chẳng khác gì ngày trước, năm sau chẳng khác gì năm trước, phẳng lặng, buồn tẻ bên mấy gian nhà gianh vách đất. Con người ta ai chả muốn hi vọng! Thì đây, một cái quán bún riêu cua nhỏ với một cái chõng tre đặt hàng và ba cái ghế gỗ dài, cái ngang hai cái dọc, một xoong riêu cua nổi màu, một rổ bún, một chồng bát to và đũa thìa, một lọ nước mắm, một bát ớt hái ở vườn nhà quả chỉ nhỏ bằng đầu đũa mà cay chảy nước mắt…. đó là cái cớ để cuộc sống có hi vọng cho ngày mai. Suốt đêm hai vợ chồng mơ đến ngày mai, như thuở nào mơ đến ngày mai là ngày cưới! Rồi chỉ gà gáy lần hai, cặp vợ chồng Phó Lười - Cún đã bấm chí nhau trở dậy. Đèn điện ở sân bếp, ở quán được bật lên sáng trưng. Vợ rửa cua, xé cua, giã cua rồi lọc nước để nấu riêu. Chồng lên nhà, xuống bếp, rồi ra quán. Trước hết, anh ngắm lại cái bảng “Bún riêu cua – Phó Lười” một lát rồi vào trong quán quét dọn lại một lần nữa cho thật sạch từ trong ra ngoài hiên, rồi kê lại cái chõng tre cho thật bằng phẳng ở bốn góc và hai cái ghế bằng dọc ngang bắt góc cho đều. Sau đó đạp xe đến nhà làm bún ở cuối xóm, đèo về một rổ bún đầy. Chị Cún ở nhà đảm nhiệm việc nấu riêu, tưởng dễ mà khó. Cái cốt yếu của nồi riêu là có bao nhiêu gạch cua và màu cua phải đông lại, nổi từng tảng trên bề mặt xoong riêu để trông cho ngon mắt khách hàng. Từ thời con gái, cô Cún đã rất đảm đang và khéo tay trong công việc nội trợ, nên giờ đây cứ làm thoăn thoắt. Cua giã hai lần thật nhuyễn, cho vào rá lọc kĩ, tuyệt đối không để bã cua lọt xuống xoong, tra mắm tôm và muối cho vừa độ mặn, rồi bắc lên bếp đun. Đun độ vài ba đun cho đến khi nước bắt đầu nóng thì dùng đũa quấy cho nước cua xoay vòng trong quanh xoong. Làm sao gạch cua không khê ở đít xoong và cũng không tan rời. Quấy mấy vòng cho đến lúc nước nóng già thì thôi để gạch tự đông và kết lại từng mảng nổi lên bề mặt. Nhỏ lửa để lúc sôi không tan gạch. Phi hành mỡ với gạch cua lấy ra ở mai cua riêng cho thơm lừng, rồi đổ tráng lên trên mặt nồi riêu.
Phó Lười đưa được rổ bún về quán thì chị Cún cũng đã đặt lên đấy xoong riêu cua mà bề mặt kết lại từng tảng gạch vàng ngậy, thơm lừng mùi phi hành mỡ. Rồi hai vợ chồng lại cùng nhau bày biện bát đĩa cùng các thứ phục vụ khách hàng. Vừa lúc ấy trời tảng sáng. Phía bên kia cánh đồng chân mây đã vỡ ra, rạng ra cái màu hồng cua gạch. Mây vỡ ra đến đâu thì trời sáng đến đấy. Đường làng bắt đầu có nhiều người đi, mà tất cả là đi chợ hoặc đi làm dân cửu vạn ở trên phố. Các bà, các cô người đội thúng, rổ, người đạp xe đạp đằng sau xe kẹp mấy cái mẹt, ấy là các mụ hàng cá hàng tôm đi đón hàng ở các ngả đường 21, 55. Tiếp theo sau là các vị hàng rau, đi sang các chợ Đồng Phù, chợ Yên để buôn rau và những thứ lặt vặt, rồi hàng gà, hàng vịt, hàng bún, hàng bánh, hàng cua hàng ốc, rồi đến các xe thồ chất đầy lùm rau muống dọc khoai… Cái làng Trọng Nghĩa này cứ sau các thời vụ cấy gặt là toàn dân đổ ra đường.
Vào lúc mặt trời vừa nhô lên thì quán bún riêu Phó Lười có khách. Bốn vị trong hội Ngũ Tử đến mở hàng. Đi đầu là Phó Ba Gai rồi đến Phó Tán Gái, Phó Cuội, Phó Xoáy! Sáng nay các vị đều ra vẻ “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”.
-            A ha! Ông Phó Lười đâu?
-            Chào các chư huynh, xin có tôi….
-            Bốn bát bún riêu cua và một lít rượu!
-            Xin có ngay đây ạ!
Bốn vị phó thường dân ngồi kín một chiếc ghế dài ở trước cửa hàng, vừa uống rượu vừa sụp soạp ăn bún riêu cua rau sống.
-            Này ông Phó Lười! Cái thứ cua mà ông nấu riêu nổi váng lên đây là thứ cua gì? Cua đồng hay cua nhà? – Phó Ba Gai gật gù hỏi.
Phó Lười cười toe toét:
-            Thưa các bác, đó là pha tạp cả cua nhà và cua đồng đấy ạ!
Phó Cuội lên tiếng:
-            Thảo nào mà thấy khai khai….
Phó Lười lại cười:
-            Vâng, chính cái mùi khai ấy là hương vị riêng của quán “Bún riêu cua Phó Lười” đấy ạ!
Cả hội Ngũ Tử cười ngất. Phó Tán Gái hỏi:
-            Một bát bún riêu cua khai này giá bao nhiêu?
-            Hai ngàn! – Phó Lười trả lời.
-            Rẻ quá! Phó Tán Gái nói - Tôi cam đoan là nước hoa Pháp cũng không quý bằng cái mùi khai khai đâu!
Chị Cún ngồi ghế chủ quán chỉ cười mà không nói gì. Chị thừa biết hội Ngũ Tử hễ gặp nhau là rượu, mà đã rượu là y như rằng phải tán phét, nói những chuyện ngứa tai. Chị lẳng lặng múc thêm riêu cho mỗi bát và bỏ thêm rau sống vào đĩa. Rồi chị cười nói:
-            Được hội Ngũ Tử đến ăn mở hàng thì quán em cứ gọi là mỏi tay đếm tiền!
Một loáng bốn bát bún riêu và hai chai rượu đã hết. Lần lượt từ Phó Ba Gai đến Phó Xoáy, Phó Cuội, Phó Tán Gái đứng lên đặt vào tay chị Cún tờ năm nghìn đồng.
-            Xin chào! Hẹn ngày mai gặp lại….
Chị Cún tròn xoe mắt:
-            Úi trời, các bác mừng quán em nhiều thế?

                      (Còn tiếp)
                 Trần Quốc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét