1- Vang vọng Trường Sơn / Nhiều tác giả.
– H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2017. – 271 tr. : Nhiều ảnh minh họa ; 21 cm. – Trên đầu
trang tên sách ghi: Văn học Nghệ thuật Trường Sơn tỉnh Nam Định.
Tác phẩm tập hợp một số thơ văn viết về Trường Sơn trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước của gần bốn chục cây bút Nam Định như Phạm Trọng
Thanh, Vương Văn Kiểm, Bùi Bình Thanh, Trần Văn Lợi, Nguyễn Danh Khôi, Trần Thị
Nhật Tân…
Trân trọng trích giới thiệu một số tác phẩm tác giả trong tập
sách:
LỜI NÓI ĐẦU
Trong vòng 5
năm (2013 – 2017), các cuộc thi sáng tác văn, thơ... do Hội Truyền thống Trường
Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
phát động đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các cây bút cựu chiến binh,
cựu thanh niên xung phong toàn quốc. Hoạt động văn học nghệ thuật của Trung
ương Hội đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của những người từng có “một thời để
nhớ” ở Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; với cả những người qua Trường Sơn trên
con đường huyền thoại Hồ Chí Minh lịch sử... khi Trường Sơn còn tươi ròng trong
ký ức, khi Trường Sơn đã hóa những tâm hồn (1).
Các bút ký, truyện ngắn, bài thơ, tập thơ, trường
ca...viết về Trường Sơn – dải trường thành hùng vĩ qua các cuộc kháng chiến vệ
quốc vĩ đại của những người trong cuộc, với lối viết chân thực, góp phần phản
ánh vẻ đẹp lý tưởng cùng tình cảm cao đẹp của lớp lớp thanh niên thời đại Hồ
Chí Minh, lớp người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và sẵn sàng hi sinh vì Tổ
quốc, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn gian khổ nào.Vẻ đẹp nhân văn ấy được
biểu lộ trong tình đồng đội thiêng liêng, tình nghĩa tiền tuyến hậu phương thủy
chung thắm thiết, tình cảm trong sáng của anh bộ đội cụ Hồ với bộ đội và nhân
dân các nước anh em trong khối đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia thế
kỷ vừa qua.
Hưởng ứng cuộc thi sáng tác văn học Ký ức Trường
Sơn năm 2013 – 2014 do Trung ương Hội tổ chức, Hội Truyền thống
Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định vinh dự được nhận giải
Nhất tập thể với thành tích hưởng ứng cuộc thi khá bài
bản. Hội đã gửi thông báo mời dự thi đến các chi hội
cơ sở trong toàn tỉnh, có cả Hội Văn học nghệ thuật Nam Định cùng tham gia phát động.
Các “sĩ tử tỉnh Nam”
gồm các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, hội viên Hội Văn học Nghệ
thuật tỉnh, hội viên các Câu lạc bộ Thơ...gửi bài qua Ban tổ chức của Hội
Truyền thống Trường Sơn Nam
Định tập kết, chuyển lên Trung ương Hội dự thi.
Kết quả, cùng với giải Nhất tập thể, Nam Định còn có
các giải cá nhân, đó là Giải Nhất với chùm thơ 3 bài của Phạm Trọng Thanh: Cây
bồ kết bên đường, Bên kia đỉnh dốc, Cảm nhận từ Đức Cơ; giải Nhì về văn:
truyện ngắn Tập kỷ yếu dang dở của Nguyễn Văn Bổng; giải Khuyến khích:
truyện ngắn Giám đốc lò của 2 đồng tác giả Nguyễn Đức Hòe, Trần Phong
Nhã. Ngoài ra được chọn vào vòng chung khảo còn có 7 tác giả Nam Định với các tác phẩm: Kỷ vật Trường Sơn của Nguyễn Văn Bổng;
Cô gái mở đường Trường Sơn Tây của Nguyễn Đức Tài; Thời gian
xanh, Vòng tay xoa dịu của Trần Thị Bích Liên; Chị tôi của Trần
Trọng Nghiêm; Trường Sơn ngày ấy của Trần Hồng Hải, Chị tôi của
Nguyễn Thị Lúng; Cô gái chống lầy của Nguyễn Thanh Hải.
Năm
2015-2016, cuộc thi Lục bát Trường Sơn do Hội Văn học Nghệ thuật
Trường Sơn tổ chức, các tác giả Nam Định dự thi đạt 4 giải thưởng: Giải Ba bài
thơ Đời mẹ của Vương Văn Kiểm; 2 giải Khuyến khích được trao cho các tác
phẩm: Ký ức Trường Sơn của Nguyễn Ngọc Hoài, Vào hội Trường Sơn
của Hoàng Kiền. Nhiều tác phẩm cả các tác giả cũng được chọn vào chung khảo và
được in vào sách của Hội Trường Sơn Việt Nam: Cánh võng Trường Sơn, Màn
đêm và ngọn lửa của Vương Văn Kiểm; Chợ Viềng, Bản Đông, Mưa
của Lê Lợi; Chuyện cô tôi của Ngô Xuân Thanh; Một nét bình yên
của Nguyễn Ngọc Hoài; Vào thơ của Hoàng Kiền; Anh ở đâu của Trần
Thị Nhật Tân; Đợi của Trần Văn Giai; Hành trang ra trận của Vũ
Quách Thịnh, Anh nghe em hát chầu văn của Nguyễn Đình Thảo.
Trong bài viết “Văn học Nghệ thuật Trường Sơn thuở
ấy... bây giờ” mở đầu tập tuyển tập Trường Sơn thuở ấy...bây giờ (2), đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu
Quý, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn khẳng định:
“Qua các cuộc thi này, Hội truyền thống Trường Sơn
đã phát hiện ra những tác giả mới (hội
viên của Hội) như Phạm Đăng Kiểm, Nguyễn Thanh Liêm, Lê Thúy Bắc, Phạm Cao
Phong, Tạ Bá Hận, Vương Văn Kiểm, Trần Công Sản, Nguyền Tất Đình Vân, Phạm Thị
Nhung, Đặng Thanh Nghị, Vũ Minh Vỹ, Chu Công Đậu, Đinh Thanh Niên, Lê Lợi, Lê
Đình Tâm, Đậu Trung Thành, Nguyễn Văn Khải, Hoàng Kiền, Phạm Thành Long,
Trần Văn Phúc, Nguyễn Thị Thu, Lê Đức Triều, Lê Trung Khiên, Sỹ Nhiếp, Nguyễn
Đức Bình, Hoàng Đình Thi, Hồ Văn Chi, Nguyễn Ngọc Hoài...
(Thơ)”...
Từ những kết quả bước đầu qua các cuộc thi sáng tác,
qua nhận định được lưu ý như trên, chúng tôi, những Hội viên Văn học Nghệ thuật
Trường Sơn ở Nam Định cùng chung ý tưởng: tập hợp những tác phẩm đã được khẳng
định cuốn sách Vang vọng Trường Sơn với ý thức góp
phần vào việc ghi nhận những kết quả bước đầu của các tác giả cựu chiến binh,
cựu thanh niên xung phong từ những trang viết chân thực còn nguyên vẹn trong ký
ức những ngày ra trận, hoàn thành nhiệm vụ, từ Trường Sơn trở về.
Chúng tôi kỳ
vọng qua ấn phẩm đầu tay này, Văn học Nghệ thuật Trường Sơn tỉnh Nam Định có thêm những hội viên mới, chung tay
góp sức làm phong phú thêm những hoạt động hữu ích của Hội, đáp ứng được yêu
cầu nhiệm vụ mới trên quê hương Nam
Định thân yêu.
Do khuôn khổ tập sách với số trang in có hạn, các tác
phẩm của các tác giả đã gửi, xin được giới thiệu trong các tập sách kế tiếp.
Những người thực hiện tập sách trân trọng cảm ơn Hội
Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định,
Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã động viên, giúp đỡ chúng tôi ấn hành tập sách này
nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và chào mừng Đại hội lần
thứ II của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh - tỉnh Nam Định.
Xin cảm
ơn các tác giả và các nhà tài trợ động viên vật chất và tinh thần Vang
vọng Trường Sơn được thực hiện trong thời gian rất ngắn, lại được thực
hiện bởi những người không chuyên và được in lần đầu nên không tránh khỏi các
thiếu sót. Rất mong bạn đọc gần xa cùng đồng chí, đồng nghiệp góp ý để những
tập sách sau được hoàn thiện hơn.
----
(1) Mượn ý thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng
hát con tàu: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm
hồn”...
(2) Nhà xuất bản Thanh Niên – Hà Nội
Vị
tướng và những khoảng cách
Kính tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền –
Anh hùng LLVT
ND Việt Nam
1.
BIỂN ĐẢO MUÔN TRÙNG
Mười năm Trường Sa
mấy nghìn cây số
biển đảo đội đầu trời sao Tổ quốc
đêm thông luồng Hồ Lớn
những chiến sĩ Trung đoàn Tám Ba
kề vai nhau hò reo và hát
Đô đốc Hải quân bước xuống cầu tàu
choàng ôm người chỉ huy từng trải
giọng ông nghẹn ngào
mừng rơi nước mắt
trời đen kịt
cơn lốc biển ù ù tập kích
mù mịt sóng gầm
sóng đổ
bão tràn qua.
Những người lính Công binh gan dạ
kiến tạo những công trình chưa có trong sách sử
tựa vào ngực biển -
đua với sóng triều
trên thềm san hô khởi thủy
nơi sắt thép làm mồi cho nước mặn
bàn tay sần chai máu ứa
thắt ruột chờ nước ngọt nhớ rau xanh...
Những cội phong ba điềm nhiên tỏa bóng
thuở Đội Hùng binh Kiêm quản lên đường
Hoàng Sa - Trường Sa vút tầm đất nước
biển từ chối những gì nông nổi
những gì ở thì ăn xổi
Trăm nghìn lần không-bao-giờ-chấp-nhận
những mưu mô Ngụy-tạo-bá-quyền
Biển chờ đợi tầm cao Chủ-quyền-sáng-tạo
bắt đầu từ những lo toan
Mười năm băng qua sóng cả
thuộc trời sao quen ngọn bấc ngọn nồm
tàu xuồng chông chênh đầu duềnh
gió giật
Thương chiến sĩ
san sẻ niềm mong ước
nhận tin yêu từ Đất quê nhà
lênh đênh hải trình kết tình yêu đất nước
với biển trời tầm vóc bốn nghìn năm
cập nhật hải triều
nhích lên từng thước
những người lính dầm mình
Kê
Cao Thềm Tổ Quốc
phía mặt trời thay phiên trực vầng trăng
Có người chỉ huy biết Nối vòng tay lớn
hợp sức trăm quê xây biển đảo muôn trùng
2.
ĐƯỜNG BIÊN NGHÌN DẶM
Huyền
thoại nào cũng cất cánh từ một sự thật
cùng tôi bạn tin điều này chăng
không phải bay trên không mà bắt đầu từ mặt đất
mười nghìn cây số đường biên
liền mạch trường tồn câu thơ Nam
Quốc...
kỳ công muôn đời với muôn vàn thách thức
đặt trên vai những người lính thời bình
dốc đá đèo sương đỉnh trời miệng vực
cuộc việt dã của trùng trùng đội hình
phân minh cột mốc
một nghìn năm trăm cây số về đích chặng đầu
mở lối bản nghèo heo hút
với trăm miền giao kết ngược xuôi.
Con đường hòa bình xuyên vùng mây nguyên thủy
qua rừng nguyên sinh thầm lặng dấu chân
né lũ mở đường vắt cơm đầu núi
những cỗ máy nhường gốc cây cao tuổi
đêm thông ca đất đá quyện hơi người
triệu khối bê tông trộn mồ hôi chiến sĩ
con đường đánh thức Trường Sơn hùng vĩ
xuyên đại ngàn gặp lại chiến trường xưa
gặp lại tình thân thuở cha anh kề vai đuổi giặc
sắc áo biên phòng hai phía lại chào thưa.
Công văn thảo trên xe
kỹ thuật soạn cùng thơ
ngủ võng băng rừng gặp lại thời trai trẻ
gác bữa ăn trưa để kịp vào hội nghị
cuốc bộ trèo đèo thăm bản chào dân
không lầm lẫn vàng tâm núc nác
mệnh lệnh từ trái tim
tri thức cộng trăm nhà...
Tôi đang nghĩ về ông - Vị tướng
từ thầy giáo làng thành người lính công binh
người thân thiết của rừng xanh biển thẳm
trên bốn mươi năm
suốt một hành trình.
3.
NGÀY HỌP MẶT
Tôi đứng vòng ngoài bóng rợp tán dù Trường Sơn
để được thấy những bàn tay xiết chặt
những tâm tình bừng tươi từng nét mặt
những cựu chiến binh mang phiên hiệu đời mình
từ Đá Tây, Đá
Lớn, Cô Lin
từ công sự
tiền tiêu Bạch Long Vĩ
từ Cốc Bó,
Đồng Đăng, Lũng Cú, Ca Lăng,
từ Tây Trang,
Xê-pôn, Kon Tum, Nậm Bạc…
chiến sĩ nuôi quân hát lại bài “Nổi lửa”
những người thợ xây Bỉnh Di
giọng còn vang tiếng chuông Trường Sa sóng bủa
người thủy thủ tuần dương từ phía đảo Sinh Tồn
từ thành cổ Quảng Trị
thầy giáo già nghiêng mắt kính rưng rưng
mừng người học trò học hay - thầy Kiền dạy giỏi
sách lèn ba lô thẳng tới chiến trường
trọn vẹn cuộc đời binh nghiệp
người lính Cụ Hồ tóc hoa râm về quê...
Một người xông
pha trận mạc
một người đảm đang miền bảng đen phấn trắng
trao cho con ngọn đèn bên trang giáo án
thắp sáng đêm thâu góc biển nhớ chân trời
Về đây
làng Bỉnh Di bình dị êm đềm
hồng sóng biển Đông
Cồn Tàu phía trước
Người lặng lẽ sau những tấm huân chương
kết
nối điệp trùng bao nhiêu khoảng cách
trên tấm bản đồ bốn nghìn năm Đất Nước
Vị tướng qua cổng trường
tiếng trẻ lại ùa reo…
Nam Định, 19/ 12/ 2015
Đà Nẵng, 03/ 04/ 2016
PHẠM TRỌNG THANH
TRƯỜNG SƠN VẪN THỨC
Lướt
qua cửa sổ máy bay
Bỗng
xanh ký ức những ngày Trường Sơn
Một
thời cháy đỏ đạn bom
Những
cơn sốt rét dài hơn cuộc đời
Bao
nhiêu đồng đội của tôi
Tung
hoành ngang dọc rồi thôi chẳng về
Bao
nhiêu biển hẹn non thề
Mãi
thành chờ đợi chẳng nghe tin mừng
Để
nay xanh núi xanh rừng
Để
nâng cánh én lưng chừng trời mây
Xưa
hành quân lẻ trăm ngày
Mà
nay phút chốc đã bay qua rồi
Ơi
đồng đội của tôi ơi!
Dưới
kia vẫn thức một thời Trường Sơn.
Hè
2010
NGUYỄN VĂN BỔNG
Nhà thơ Vương Văn Kiểm |
Đời mẹ
Giải ba cuộc thi LBTS 2015 - 2016
Vẫn phong phanh áo bạc mầu
Vẫn quen bỏm bẻm miếng trầu nồng cay
Biển lừng không sợ gió xoay
Thúng dằn mái tóc ... đò đầy… chợ xa
Cò ơi, mỏi cánh lỡ đà
Đoạn trường mẹ yếu, có qua được cầu (*)
Mẹ đau, đau cả cơi trầu
Mẹ buồn, buồn cả biển dâu kiếp người
Bao ngôi biệt thự cao vời
Căn nhà tình nghĩa mẹ ơi khiêm nhường
Ngoài kia nhốn nháo thị trường
Nơi đây mẹ sống cương thường thẳng ngay.
Người ta mâm cao cỗ đầy
Mẹ nghèo, bếp lạnh, túi gầy đồng lương
Cảnh đời sống động quê hương
Mà con yên nghỉ dặm đường Trường Sơn
Với đời - dâng hiến lòng son
Vì con - lòng mẹ nén dồn yêu thương
Một thời bát cháo mẹ nhường
Bây giờ áo đỏ nhớ thương nâu sồng
15/4/2015
(*) Kiều: “
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
VƯƠNG VĂN KIỂM
0127. 723. 0806
Một
nét bình yên
Chung khảo
cuộc thi LBTS
Tay anh cuộn nắng ban mai
Cho xe lăn suốt rộng dài quê hương
Đôi chân gửi lại chiến trường
Trường Sơn một thuở ngoan cường chí trai
Với đôi chân gỗ miệt mài
Tập đi trong ánh “mắt nai” phố phường
Trái tim đập nhịp yêu thương
Mừng vui đất nước trên đường đổi thay
Yêu từng góc phố hàng cây…
Bình minh thức giấc ken dầy bước chân
Xe lăn như giữa hàng quân
Giọt mồ hôi vẫn trong ngần như xưa
Vẹn nguyên lời Bác sớm trưa:
“Tàn nhưng không phế” gương đưa khắp miền
Đôi tay hai cánh thần tiên
Bóng anh một nét bình yên giữa đời
NGUYỄN NGỌC HOÀI
Đồng Lộc lời ru ngân mãi
Bài đoạt giải thưởng cuộc thi thơ chủ đề Đồng Lộc
Nay trở về thăm Ngã Ba Đồng Lộc,
Kính cẩn tri ân mười nữ anh hùng.
Trong khói hương bảng lảng hư không,
Như dội lên những tiếng bom khô khốc.
Kìa bóng ai thoăn thoắt trên lưng dốc,
Tay phất cờ chỉ dẫn đoàn xe qua.
Trong đêm tối, ánh pháo sáng lập lòa
Đất rung gầm những loạt bom hủy diệt
Gan dạ kiên cường trong “tọa độ chết”
Nối con đường chi viện tiền phương
Rồi một ngày đi vào cõi khói hương
Để ngàn đời sau chuyện còn nghe kể...
Tiểu đội Bốn, mười cô gái trẻ
Anh dũng hy sinh bên núi “Trọ Voi”
Em út mười bảy, chị cả hăm hai
Đã viết lên “Khúc tráng ca bất diệt”
Cây bồ kết đứng tần ngần da diết
Rủ hương thơm gội chải mái tóc xanh
Nén tâm nhang Đồng Lộc luôn cháy đỏ
Trong lời ru ngân mãi khúc quân hành
Đồng Lộc
23/7/2013
BÙI THANH BÌNH
Chợ
Viềng
Một năm chỉ có một phiên
Mong anh về với chợ Viềng cùng em
Để bao năm tháng anh tìm
Hàng năm mùng Tám, tháng Giêng anh về
Xôn xao ruộng lúa hàng tre
Thập phương trẩy hội, người về thật đông
Áo quần xanh, đỏ, tím, hồng
Vạn người đi chợ, chỉ mong một người
Trăm tiếng nói,
ngàn tiếng cười
Mà sao không thấy có lời của em
Lời hẹn ở Sê băng hiêng
Em ơi, còn nhớ hay quên mất rồi
Nam Lào dẫu có xa xôi
Bao nhiêu kỷ niệm đầy vơi nghĩa tình
Chợ Viềng năm có một phiên
Mỗi năm anh lại tìm em chợ Viềng
Nam
Định, 1987
LÊ LỢI
Khóc
một giấc mơ
Chị gửi lại mùa
xuân giao liên
cung đường mười
bảy tuổi
vai tròn và ngực
căng
mái tóc từ mùa
khô gội xuống mùa mưa
hoàng hôn chải
ra hương bồ kết
mượt mà những
cái nhìn ao ước
câu chuyện bông
đùa nắc nẻ Trường Sơn
lấp đi những
tiếng bom
lấp đi những đêm
muốn được làm con gái…
đi-ô-xin phát
quang tiếng chim
thì các chị cấy
vào lòng mình tươi non giọng hát
“Đường ra trận
mùa này đẹp lắm!..”
câu hát dài hơn
những chuyến xe đi …
Trai làng cùng
đợt giao quân
những dòng tên
trở về đỏ ngực từng bia mộ
đám bạn tóc đuôi
gà “trồng hoa trồng nụ”
đứa nằm lại
rừng, đứa đề huề trên phố
gia tài của chị
còn đôi nấm mộ song thân
ký ức Trường Sơn
và những đêm
vầng trăng đứng nhìn ngoài cửa sổ…
Hơn bốn mươi năm
chiến tranh
thường trú trong ngôi nhà nhỏ
ngôi nhà dựng
tường bằng mưa
mái lợp bằng gió
cái cột, cái kèo
chẳng định rõ tên
nhưng gánh vác
nhiều hơn phần đời
của kèo, của cột
nắng, mưa đều
dột
để bốn mùa mùa
đông…
lặng thầm khoai
lúa hiểu không!
làm sao xanh lại
nỗi lỡ thì mùa vụ
còn được bao
nhiêu tiếng cười
chị đem chia hết
cho bầy trẻ nhỏ…
Bảy mươi tuổi,
chị ơi!
sớm nay làng ta
khóc một-người-con-gái
khóc một giấc mơ
thường lặp đi lặp lại
khóc một cung
đường xanh
mê mải những tiếng hát giao
liên…
Trần Văn Lợi
Đt: 0942. 579.
222
ÁO LÍNH
Áo
lính là áo lính ơi
Đã
từng xanh biếc một thời mộng mơ
Mà
còn xanh mãi đến giờ
Là
khi ta lại bất ngờ gặp nhau
Gió
sương lấm tấm mái đầu
Má
tròn căng đã rám màu thời gian
Nhắc
làm chi những gian nan
Nâng
li ta cứ hát tràn cung mây
Trường
Sơn Đông, Trường Sơn Tây
Cua
rung khe đá, lá bay cổng trời…
Áo
lính à! Áo lính ơi
Đừng
phai bạc nhé dẫu đời lỡ quên
Đã
từng chân cứng đá mềm
Thì
thêm đôi chút gian nan sá gì!
Áo
lính ơi hát nữa đi
Khúc
quân hành tiến thẳng về tương lai!
Tháng 12 – 1992
NGUYỄN DANH KHÔI
TẬP
KỶ YẾU DANG DỞ
Truyện ngắn Nguyễn Văn Bổng
(Giải Nhì cuộc
thi viết Ký ức Trường Sơn)
Chuyện của lính Trường Sơn vốn ào ào như mưa
tháng tám, chẳng đầu đuôi mỗi dịp gặp nhau, thế mà cứ diễn mãi chả thấy chán.
Cả chuyện hội đồng ngũ ngày 28- 8-1969 định làm một tập kỷ yếu cũng vậy. Những
cái tên Thon “dúm”, Rinh “bát”, Tý “la de”, Cư “cắt tút”, Hùng “pháo bầy”, Liên
“cuốc chim”, Khoa “cơm nguội”, Ry “thơ”, Việt “vú”, Tiến “hậu môn”, Hà “đầu
lâu”…mỗi lần tếu táo nhắc tới và điểm danh kẻ còn, người mất lại ôm nhau cười
ha hả, rồi lặng đi, rồi bỗng khóc òa lên, khóc tức tưởi như đứa trẻ bị đòn oan.
Khi tất cả đã ở cái tuổi ngoại lục thập bất nhập đình chung, nhớ nhớ, quên
quên, rồi không bệnh nọ cũng tật kia và cứ gạch tên dần…nên tập kỷ yếu vẫn chỉ
là ý tưởng.
Mọi chuyện từ
Khoa “cơm nguội” hội trưởng đồng ngũ liên huyện Hải Hậu- Trực Ninh mời dự cỗ
cưới con trai duy nhất đang tại ngũ.
Ngày 28-8-1969,
ngày nhập ngũ của chúng tôi lấy làm ngày gặp mặt hàng năm từ khi thành lập đầu
thập kỷ 90, cái năm sau một đêm thức dậy đã thấy mất Liên Xô. Ngày nhập ngũ
biên chế 113 chiến sỹ huấn luyện chưa đầy tháng đã đi B mà như mới hôm qua. Do
yêu cầu của chiến trường mà anh em bị phân tán, rồi hy sinh, rồi ngày về đời
thường thành lập hội chỉ gom được 25 đứa bằng một phần tư khi biên chế đi B.
Tiếp đó do tái phát vết thương, ung thư, tháo đường, tim mạch…cứ như mọt gặm
danh sách chỉ còn 15 đứa.
Hôm nay, tin tới
tin lui, hết đợi lại chờ đến chùn chân, nóng mặt vẫn chỉ được năm anh em đi dự
cỗ cưới.Việt “vú” Ry “thơ”bỗng dưng dở chứng bất khả kháng do huyết áp tăng đột
ngột. Hùng “ pháo bầy” không kìm chế nổi bỗng xẵng giọng cáu kỉnh: Hẹn tập
trung rồi đi, có năm “bố” mà nuốt của “ con” hơn hai tiếng.
Ngày
xưa giờ G mà thế này thì…
Thôi mà! Lên lão
cả rồi, so gì với tuổi trai tráng cách đây cả hơn bốn chục năm mà giờ G với giờ
giếc! Rinh “ bát” vội xua tay cắt ngang sự bực dọc của Hùng.
Tôi với tư cách
hội phó dẫu sao cũng phải làm chính trị viên bất đắc dĩ; Được răng nào cào răng
ấy. Trước hết xin hoan nghênh anh em đã có mặt. Dự đám cưới tạm chấp nhận chứ
đám tang mà lèo tèo thế này người ta cười cho đấy! Ai vắng không chính đáng,
rút kinh nghiệm sau! Giờ ta xuất phát kẻo trễ. Khoa chắc đang chờ cánh ta.
Từ xa đã phát
hiện ra nhà của Khoa. Buồm bạt, loa đài, người ra kẻ vào. Vào đến ngõ, bốn cái
xe máy bỗng phanh chết sững khi thấy lạ hoắc! Chúng tôi tháo mũ bảo hiểm. Rõ
ràng tiếng kèn trống đám ma. Có cả mấy người chít khăn tang! Một ý nghĩ thoáng
qua đầu tôi. Hay anh Khoa chuyển chỗ ở mà không kịp thông báo anh em...? Hay
nhầm ngõ? Chợt có một cụ già chừng ra đón chúng tôi. Tôi vội lên tiếng;
- Dạ thưa cụ đây
có phải…
Chưa chờ hết
câu, cụ đã vội lên tiếng bằng cái giọng rầu rầu:
- Dạ phải. Chú Khoa đi chiều hôm qua! Cái
giống ung thư phổi là tỉnh đến lúc trút hơi thở nhẹ.Chú ấy giấu biệt… Biết chắc
chắn các chú sẽ tới ăn cưới cháu, chú ấy dặn;” Chớ ai để rơi nước mắt, tóc bạc
cả rồi, khóc trông tội lắm. Người chết vẫn tiễn đưa, rước dâu vẫn cứ đón như
phương án chú ấy đã chuẩn bị, sinh dữ tử lành mà. Tóm lại là; một bữa cỗ được
hai việc,cứ thế mà làm là tôi mừng, thanh thản, mát mẻ đi tiền trạm”!
Năm
1970. Đúng giữa mùa mưa, địch mở trận càn lớn liên quân Việt- Mỹ nhằm cắt đứt
sự viện trợ từ Bắc vào Nam
theo tuyến đường 559. Chúng siết chặt vòng vây chia cắt các đơn vị thuộc đường
Trường Sơn, hòng tiêu hao, chờ chết đói, mất sức chiến đâu thực hiện ý đồ bắt
sống hàng loạt cán bộ chiến sỹ ta. Mặc dù hết sức dè sẻn, nhưng đến tuần thứ ba
thì cả trung đội chỉ còn vài lon gạo dành cầm hơi cho những anh em số rét nặng
không thể đi lấy măng, đào củ nâu, củ mài củ chụp thay cơm. Trong tình thế trời
mưa như thối đất, mưa sầm sập suốt ngày đêm không ngưng hạt, muỗi có thể bốc
được, vắt ngóc đầu dầy như xơ mít, thừa bom đạn và những trận sốt rung rừng
nhưng thiếu lương thực, thuốc men và đặc biệt không hạt muối nên cả trung đội
đã bị phù thũng và có nguy cơ buông xuôi! Tôi chỉ còn khoảng già 30 ký, còn anh
em đều mắt trắng, môi thâm, da xanh như đít nhái sút
cân nặng. Hà
được cử đi điều nghiên trở về lắc đầu, anh kể; xe tăng Mỹ rất dầy, lính Mỹ và
ngụy ken đặc các vành đai, không còn chỗ nào hở, tôi đành rút nhẹ. Về gần cứ,
vừa đoi, rét, ướt sũng đành dựa ụ mối thiếp đi. Khi trời sáng, giật mình tỉnh
giấc. Anh ngồi bên một đống xương trắng hếu, cái sọ người nhe răng bêu cao nửa
mét, tìm kỹ thấy có miếng kim loại thẻ lính. Hóa ra một tên lính dù Mỹ bị
thương, lạc rừng rồi chết cữ mùa khô, lũ mối và kỳ đà đã xơi sạch, cái đầu bị
mầm măng đội lên đúng hốc mắt. Hà giật miếng dù pháo sáng vương trên cành cây
đùm mớ xương, hạ cái đầu lâu cho vào và chôn ngay lòng hố pháo. Dẫu sao nó cũng
là con người, một thằng giặc cách ta nửa vòng trái đất đã ngã ngựa. Từ đấy Hà
có biệt danh là; Hà “đầu lâu”. Nhiều phương án tác chiến Hà đưa ra mở đường máu
đều không khả thi. Không còn sức mà đi, nói chi đánh đấm với lũ nhà giầu đông
và mạnh gấp nhiều lần. Đúng lúc bĩ cực nhất, người được coi là khỏe nhất là
Tiến đổ gục bởi một căn bệnh đi ngoài ra máu. Suốt ngày không mặc quân, hết
chổng đít hô hô lại ngồi ôm gốc cây mà rặn đến lồi cả hai con mắt đỏ hoe.
Nguyên nhân cũng đơn giản. Do có sức hơn anh em nên Tiến thường nhường phần cơm
ít ỏi cho người ốm giành lấy phần củ nâu, củ chụp, môn thục về mình và kết cục
bị táo bón, kiết lị nặng. Mỗi lần như thế, anh em phải dùng lá cây tiết dê vắt
nước thụt vào hậu môn, đào ngoáy moi cái của nợ ấy ra cùng với máu. Tiến bảo:
“Ngày ở nhà mỗi lần đi lị, chỉ đánh bữa gỏi cá mè có mẻ chua chưng lên cùng mật
mía, mắm tôm, lá sung, lá mơ lông…là khỏi tắp lự”. Bây giờ thì đào đâu ra!
Thôi, mày cứ ăn tưởng tượng đi, thế nào
bệnh cũng đỡ đấy. Tôi động viên Tiến. Cả trung đội ngao ngán nhìn nhau bế tắc,
chỉ còn trông chờ vào may rủi. Sáng nay Khoa dậy sớm hơn, quán triệt lần nữa;
Bằng giá nào cũng không để bị bắt sống. Mỗi người giữ lại một quả lựu đạn,
không còn lựa chọn nào nữa thì chia đôi với kẻ thù. Anh dõng dạc nói như ra
lệnh:
- Mỗi tiểu đôi
cử một người về hầm tôi lấy cơm cho anh em ăn. Có thể đây là sinh lực cuối
cùng.
Cả trung đội đều
sáng mắt lên rồi vội cụp xuống nhìn nhau rầu rĩ…tỏ ý nghi ngờ! Đói thâm niên,
đói lưu cữu cả tháng trời, vàng mắt, xanh bụng, phân chả có mà ỉa, mà có ỉa
cũng chả thối, đến củ mài củ nâu, môn thục cũng chả còn mà ăn, nói chi đến gạo
với cơm!
Cư nghiêm mặt,
chỉ vào Khoa gây gắt;
- Đang sống dở,
chết dở, còn bỡn được sao?
Thật không thể
ngờ! Khoa về hầm mở ba lô, lôi ra một bọc.
Tất cả mọi con mắt thâm quầng, trũng sâu,
trắng dã đổ dồn về cái bọc. Và bỗng sáng mắt lên khi được chia mỗi người một
nắp hăng gô cơm khô. “Cơm khô”! Chúng tôi khẽ đồng thanh rên lên trong cổ họng,
trong nỗi mừng khó tả! Những hạt cơm, không phải là một nhúm mà được cả một nắp cà
mèng. Không phải cơm nữa mà là ngọc. Hạt ngọc này đã nuôi sống cả nhân
loại bao đời
trong nền văn minh của nó. Thế mà lần đầu tiên từ khi cha sinh mẹ đẻ chúng tôi
bị thử thách tới hai mươi bảy ngày không có nó trong dạ dày, trong huyết mạch
để sống. Chúng tôi phải dè sẻn. Nhẩn nha nhai từng hạt một, sợ nó nhanh hết. Có
thể đây là những hạt cơm cuối cùng…! Phải để cảm nhận cái dai dai, dẻo dẻo,
ngòn ngọt, thơm bùi trong từng hạt cơm tan ra ngấm dần vào chân răng rồi từ từ
vào sâu hơn, truyền vào huyết mạch như một thứ thần dược để cải tử hoàn sinh.
Chưa bao giờ những hạt cơm khô lại trở thành bữa tiệc tuyệt vời như thế.
Và thế rồi đêm
ấy, một đơn vị đẫ mở đường máu cứu chúng tôi. Trong đánh ra ngoài đánh vào. Do
bí mật bất ngờ trong đêm mưa rét, ta và địch cận chiến, giáp lá cà, thằng địch
thừa xe tăng, súng pháo hiện đại, bộ binh ken dầy vẫn không kịp trở tay, vòng
vây bị chọc thủng. Trung đội cũng hy sinh mất Liên “vổ” tức Liên cuốc chim, Hà
“đầu lâu”. Khi bắn hết đạn, Liên dùng lê đâm thẳng ngực một tên, máu nóng phọt
vào đầy mặt. Nó rống lên”Vi xi”. Như con trâu điên nó giơ chân đạp vào ngực anh
rồi đổ vật vào anh khi anh kịồi tiếp một đường lê nữa. Liên bị một băng tiểu
liên cực nhanh A R15 quét trúng hy sinh. Hà “đầu lâu” khi hết đạn cho nổ quả
lựu đạn cùng chia với ba tên xông vào ôm bắt sống anh. Rinh bị trúng miểng M79
lòi ruột, vẫn bình tĩnh tự ấn ruột vào úp bát sắt B52 và băng lấy. Việt bị
thương vào đầu, hai tay ôm vết thương, máu tuôn đầy mặt, Việt rít lên:
- Báo cáo tôi bị
trọng thương vào đầu
Tôi sờ vào đụng đám bầy nhầy, thấy nguy quá
đành lấy đèn ngoéo soi cận. tôi vội báo cáo trung đôi trưởng;
- Báo cáo anh
Khoa, Việt bị thương vào đầu. Có óc trắng đã phòi ra một đám.
Tiếng Khoa sắc
nhọn:
- Băng bó khẩn cấp. Chuyển nhanh ra theo hướng
pháo sáng. Tôi bắn yểm trợ.
Tôi hoảng quá vội cởi phăng áo, trùm
cuộn luôn cả cái đầu Việt cho một người cõng ra. Tý vừa đạp lên xác địch cõng
bạn, vừa tiện tay vơ một ba lô lính Mỹ. Nhờ sức mạnh của những hạt cơm khô của
“ Bồ tát” Khoa, chúng tôi đủ sức nổ súng chống trả đich, khiêng cáng nhau thoát
khỏi vòng vây quân thù chỉ trong vòng nửa tiếng.
Về sau chúng tôi
mới vỡ lẽ; Những lần dừng nghỉ vài ngày ở các trạm Khoa phát hiện ra những hốc
cây cơm thừa lẫn cháy các đơn vị trước bỏ lại. Thấy xót quá. Mỗi hạt gạo từ
đồng chua nước mặn chắt chiu, vượt bao bom đạn, máu xương mới vào tới chiến
trường, thế là anh lặng lẽ rang khô, cất giữ từng ít một vào đáy ba lô… Cũng từ
việc làm đầy nghĩa cử ấy mà anh em từ đấy gọi anh với cái tên mộc mạc trìu mến
Khoa “cơm nguôi” Và tất nhiên, Tiến cũng có tên mới toe là: Tiến” hậu môn”,
Rinh có tên là; Rinh “ bát”. Có người hỏi, trong đêm tối nhập nhoạng, mịt mùng
sao Tý lại phát hiện ra ba lô Mỹ mà thu hồi. Anh cười và hài hước chỉ vào cái
răng cửa bịt vàng bảo; Nhờ nó đấy. Có chiếc ba lô trung đội có thêm sữa, thuốc
tăng lực, sốt rét cho anh em nhưng có một phiền toái đã xảy ra. Thon thấy có
tuýp thuốc đẹp, anh liền lấy kem đánh răng. Nào ngờ nó làm rúm ró hết miệng
lại. Nhìn anh như đang huýt sáo, như trúng gió nói không thành lời. Hoảng hốt
chạy tìm y tá. Anh y tá bảo đây là loại kem co cơ dùng cho lính Mỹ chơi gái.
Chẳng phải điều trị, sau 1 tiếng tự nó trả lại xinh như cũ. Đúng là văn minh
kiểu cao bồi Mỹ. Cũng từ đấy Thon có cái tên Thon “dúm” Tý “ la de” Việt được
chuyển về tuyến sau phẫu thuật. Người ta phải gỡ hết lớp óc dính bệt máu trên
đầu mới biết anh mất một mảng sọ nhưng
vạn phúc chưa bị lòi óc như báo cáo.Có rất nhiều giả thiết về đám óc trên đầu
Việt. Có lẽ kinh nghiệm của các bác sĩ đưa ra khả thi hơn. Do óc của một tên
địch nào đấy cùng hưởng chung quả lựu đạn khi cận chiến đã phụt sang.
Việt được đưa về
Cam pu Chia điều trị rồi trở về K32 ăn dưỡng
chờ ra Bắc.Nói là trạm điều dưỡng cho oai, thực ra chỉ là nơi tập trung thương
binh nặng đã tạm ổn vết thương về điều trị tiệp ở vùng hậu cứ. Việt mất trí
nhớ, dở chứng tâm thần. Mỗi khi anh lên cơn thường hô hét chửi bới, nửa đêm hô
xung phong rồi chạy vào rừng làm cho nhiều người vất vả. Một buổi sáng nọ, nghe
tiếng la hét om sòm, nữ trạm trưởng vội tới.Chị tái mét mặt khi nhìn thấy Việt
trần truồng đang vắt vẻo trên chạc ba cây bứa cạnh hầm ngủ. Chỉ cần một sơ suốt
rơi xuống, điều chắc chắn sẽ không còn cơ hội cứu sống. Mặc cho bác sỹ năn nỉ ,
anh em khẩn khoản động viên khuyên bảo, Việt vẫn không chịu xuống. Việt đe, nếu
ai tới gần anh sẽ nhẩy vào đầu. Cuối cùng sau mấy tiếng, cô y tá chuyên chăm
sóc cho anh đã thuyết phục được…nhưng với một điều kiện.
Bây giờ đã thở
phào tìm ra giải pháp nhưng thực hiện thì chẳng dễ chút nào. Bao nhiêu lời động
viên, khẩn cầu nhưng Hoa vẫn không thể đáp ứng yêu cầu vô lý có phần thô thiển
ấy. Hoa tự ái bỏ vào rừng để lại bao ánh mắt, bí bách, bức xúc dõi theo phía
sạu. Nhiều người đã lắc đầu tỏ ý vô vọng… Thế rồi bất ngờ Hoa cô y tá đã quay
trở lại. Cô yêu cầu mọi người dãn ra, tạm lánh mặt để cô thi hành nhiệm vụ. Hoa
hồi hộp nhẹ nhàng gọi Việt và từ từ, run run mở nút áo. “Đôi gò bồng đảo sương
còn ngậm” vốn chưa một người con trai nào dù chỉ một lần trộm thấy đã dần lộ ra
cho Việt ngắm. Và không ngờ Việt đã ngoan ngoãn đu cành cho Hoa đỡ xuống an
toan.
Ngày toàn thắng,
Việt và Hoa đều là thương binh gặp nhau ăn dưỡng ở Hà Bắc. Đó là một Thiên
duyên như tạo hóa đã xắp đặt. Cô gái xứ Thanh hạnh phúc làm dâu ngay trên quê
lúa Hải Hậu, Hà Nam Ninh. Và hôm nay trời mưa rét, vết thương tấy lên, Việt “ vú” bị Hoa “quản thúc” không thể
đi ăn cưới. Có lúc vui chuyện cũ, Hoa hóm hỉnh bảo; “ Ngày ấy, trót để lộ hàng…
rồi thì lấy chứ báu gì cái ông dở hơi mà duyên trời với đất. Tâm thần thế có mà
khối anh đăng ký cả đời.” Ry “thơ” huyết áp tăng cao, chắc giờ đang cuộn chăn
sáng tác thơ, bắt vợ chép đi xóa lai. Nói là sáng tác cho oách chứ thực ra cái
bố nhiễm da cam vô sinh này còn biết làm gì ngoài việc làm thơ in tặng bầu bạn
cho vui. Ngày ở miền đông Nam Bộ, Ry cũng làm được những vần thơ hay đáo để,
làm sáng danh dân Nam
Định đấy. Nhiều em giao liên, văn công, được tặng thơ như bị bỏ bùa mê, say như
điếu đổ làm ối anh gen ra mặt chứ chả chơi. Hơn 40 năm rồi những câu, những vần
đến bây giờ bập bõm mỗi người cũng còn nhớ dăm ba câu mỗi dịp gặp nhau vẫn ồn
ào tán tụng vui ra trò. Nó cũng là niềm vui, ấn tượng một thời để càng yêu mến
nhau hơn lạc quan hơn trong đời thường.
Đoàn văn công
tay nhị vai đàn
Đỉnh núi lớn xòe
phông xanh phông đỏ
Đồng bằng hiện
lên trong câu quan họ
Em nâng sông Cầu
đặt giữa Trường Sơn
Rồi bài;
Em gái giao liên
đâu biết làm thơ
Cái miệng xinh
nói câu nào cũng đẹp
Thấy trên đường
dọc ngang dấu dép
Em bảo rằng; mặt
đất nở đầy hoa
Đưa bộ đội hành
quân trong mưa
Dép tụt quai em
xách tay lủng lẳng
Đất thì đỏ mà
chân em thì trắng
Hoa dấu chân em
để lại trên đường
Năm cánh xòe về
một hướng tiền phương.
Cả bài thơ chả
có tí tị mùi đạn bom nào, nhưng chỉ nhõn cái việc, huy động đến người đẹp ra
trận, người đọc đã hiểu cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, tàn bạo nhất, lâu dài
nhất, toàn diện nhất… rồi cũng sẽ kết thúc, thì bài thơ ấy cũng tuyết “cú mèo”
rồi. Ông Ry xứng đáng được lính Trường Sơn đặc cách phong danh hiệu; nhà thơ là
xứng đáng.
Và còn đây sẽ
thiếu sót nếu không điểm danh hai anh bạn”Pháo bầy” và “Cắt tút”. Thực ra Hùng và Cư chả dính dáng gì đến pháo
cối. Ngày ấy mua khô 1970, cả trung đội đi phục kích đánh địch càn trên cao
nguyên Pô Lô Ven đất bạn Lào tạo điều kiện kéo địch ra tiêu hao để bạn công đồn.
Bọn địch hình như nghi ngờ, đột ngột thay đổi hướng hành quân. Chúng nã pháo
không tiếc đạn để dọn đường rồi tung biệt kích, thám báo đi tìm dấu vết các đơn
vị chủ lực vừa hành quân từ Bắc vào. Chúng tôi khi vào Trường Sơn đã được quán
triệt rất kỹ khẩu hiêu; “ Đi không dấu, nấu không khói, ỉa không thối, nói
không tiếng”. Bọn biệt kích rất ranh ma. Chỉ một mẩu bông băng trôi suối nó sẽ
lần ra nơi có thương binh. Nếu sơ xuất
để một ngọn khói vương trên tán cây. Thằng trinh sát VO10, L19 sẽ chẳng bỏ qua.
Chỉ sau quả pháo khói dựng lên 5 phút , thằng A 37 đã bổ nhào cắt bom, và tất
nhiên tiếng đề pan của các loại pháo sẽ nổ giòn như trống dàn không tiếc đạn.
Mặc dù khi đi đại tiện mỗi người đều dùng xẻng đào hố, xong việc sẽ lấp lại,
lính còn quen gọi là “ hố mèo”. Thế mà bọn biệt kích còn láu cá khai quật lên,
bới ra mà ngửi, mà thẩm định xem phân mới hay cũ. Xảo quyệt hơn, nó còn phân
loại được mùi phân của bộ đội đặc công
hay dùng lương khô 701 và 702 với cá hộp Hải Phòng, khác với lính bộ
binh hay dùng cơm nắm với ruốc bông, thịt hộp Trung Quốc, khác cả với thương
binh ăn cơm nóng, uống sữa, bột trứng và có nhiều mùi thuốc kháng sinh…Và thế
rồi có một lần bất cẩn. Mấy anh lính trẻ mới từ Bắc vào bổ xung họ đi lấy măng,
trên đươngf về vừa đi vừa bóc, vô tình những vỏ măng đã thành những chiếc “
“lông ngỗng” để bọn biệt kích lần theo về tận nơi trú quân.
Cư bị sốt rét, được phân công ở nhà nấu cơm.
Đúng lúc cơm sôi thì anh phát hiện lố nhố áo rằn ri đang lom khom tới sát bếp.
Không kịp báo động. Chợt trông thấy cái cắt tút đạn pháo to cỡ bắp đùi dựng sát
bếp để đựng đũa, có lúc còn cắm hoa rừng. Cư dùng hết sức bình sinh tung qua
vách nứa, miệng hô to; “ Hàng thì sống, chống thì chết này”. Cái cắt tút đen sì
như quả bom lăn lông lốc một đoạn rồi khựng lại một gốc cây. Tiếng kim loại va
đập, thần chết đột ngột xuất hiện làm toán biệt kích hồn bay phách lạc, chỉ kịp
nằm xuống chờ tiếng nổ tan thây. Khi trấn tĩnh, biết bị lừa bon chúng lồm cồm
bò dậy bắn đuổi theo như vãi trấu. Cư bị thương nhưng cố cầm chiếc vung nhôm gõ
phèng phèng và chạy theo đường mòn xuống suối!
Cả trung đội
Hùng đi mật phục hai ngày, nay được lệnh rút. Bụi đỏ của đất, nắng khét đá làm
quần áo cứng như mo cau, mặt anh nào cũng đầy bụi đỏ, lông mi như một thứ nhựa
màu, không chớp nổi, mồ hôi dẻo quánh. Về gần cứ, con suối trong tận đáy có thể
nhìn rõ từng hòn sỏi hạt cát đang mời gọi hút hồn chúng tôi. Như mọi lần Hùng
ra lệnh:” Tất cả tranh thủ tắm giặt nhanh còn kịp bữa tối”. Không ai bảo ai,
như mọi lần chúng tôi cởi bỏ hết quần áo lao xuống ngụp lặn vùng vẫy trong làn
nước mát vào tận tim gan. Bỗng rẹt…rẹt…rẹt…từng tràng súng A R 15 rộ lên điểm
xen vào tiếng cọc… oành…cọc…/oành… cuaM 79, tiếp đó là tiếng mìn định hướng Đ H
8 Đ H 12 của ta nổ đinh tai chát chúa rung chuyển đất đá. Tất cả chúng tôi đều
hiểu ra, quáng quàng nhào lên bờ, chụp nhanh lấy vũ khí, dàn đội hình chiến
đấu. Do thông thạo địa hình, chúng tôi hoàn toàn chủ động vận động đánh địch
theo sự chỉ huy của Hùng. Mạt khác do trung đội biệt kích đã bị Cư anh nuôi lừa
vào bãi mìn của ta tiêu hao phần lớn đặc biệt trời sắp tối và thằng đeo máy bộ
đàm đã tan thây nên không thể liên lạc bom pháo hỗ trợ nên chỉ sau chưa đầy nửa
tiếng chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Kết quả ta diệt 35 tên, bắt sống
3 tên, thu một máy bộ đàm và nhiều vũ khí. Trung đội tôi, một trung đội hy hữu
trong chiến tranh, tấn công địch trong tư thế của những thiên thần, không mảnh
vải trên người trần như nhộng. Khi kết thúc trận đánh Hùng sực nhớ quát to. “
Quay lại suối lấy quần áo, kiểm tra lại súng pháo có sây sát gì không” Tất cả
phá lên cười và cúi xuống nhìn nhau.
Cũng từ đấy Hùng có tên là;Hùng “ pháo bầy” . Một trận đánh tuyệt vời, biến rủi
thành may nhưng bữa cơm hôm ấy đắng ngắt không ai nuốt nổi. Chúng tôi đứng lặng
cúi đầu. Nước mắt nhòa đi , lòng quặn thắt khi vĩnh biệt Cư, người anh nuôi mưu
trí, dũng cảm đã vì đồng đội mà dẫn địch vào bãi mìn của ta cài sẵn và anh dũng
hy sinh, thân đè lên xác địch, tay vẫn còn nắm chiếc vung nhôm lợi hại…
Thế mà hôm nay,
thoắt đấy đã hơn bốn mươi năm. Thay cho nhận lời mời đám cưới con anh Khoa để
cụng ly, chúng tôi lại hẫng hụt, bất ngờ phải đứng lặng cúi đầu, vĩnh biệt
người anh, người đồng đội cùng chiến hào năm xưa vô cùng yêu quý. Anh Khoa ơi!
Anh có quyền hoàn toàn sở hữu bọc cơm khô
cất giữ đáy ba lô. Nhưng không! Anh thà nghiến răng chịu cơn đói dày vò
chứ không tơ hào một hạt cho riêng mình.
Anh, người chỉ huy biết dự trữ phòng xa, và biết khi nào thì dùng chúng hiệu
quả nhất… Tôi run run nói lời vĩnh biệt anh đúng lúc con trai anh đưa cho tôi
một tờ giấy. Dòng chữ nguệch ngoạc nhưng rắn rỏi, chủ đông, lạc quan như bản
lĩnh của anh, như ra lệnh, như khẩn khoản yêu cầu chúng tôi;
“Anh em hội đồng
ngũ nhất mực yêu thương! Tôi đã chuẩn bị kỹ cho việc ra đi này! Sinh có hạn, tử
chẳng có kỳ, âu cũng là quy luật. Mình tâm đắc nhất câu Hùng “ Pháo bầy” nói;
Nhà văn Nguyễn Thi ở Hải Hậu ta có câu nói nổi tiếng trong nhân vật Chị Út Tịch
“ Còn cái lai quần cũng đánh”. Xuống dưới kia mình sẽ gặp Cư “cắt tút” Liên
“cuốc chim” Hà “đầu lâu”…gặp đồng hương Nguyễn Thi mình sẽ báo cáo; Trung đội
ta tự hào quê nhà văn còn vận dụng sáng tạo đến tuyệt vời” Không còn mảnh quần
nào cũng đánh thắng”. Về việc hội. Bổng hội phó lên thay tôi làm hội trưởng.
Bổng có chút năng khiếu và có vốn sống phong phú, lại là hội viên hội văn học
nghệ thuật tỉnh, hãy viết một cái gì đấy về hội ta. Coi đấy là của cải riêng,
chung để lại cho con cháu chúng mình. Phấn đấu làm tập kỷ yếu Trường Sơn cho
hoàn chỉnh nhé! Mong sao, những cái tên Khoa “cơm nguội” Rinh “bát” Tý “la de”
, Cư “cắt tut”, Hùng “ pháo bầy” …Hãy cứ giữ những cái tên mộc mạc, có vẻ thô
thô nhưng đã trở thành tài sản vô giá rất thiêng liêng đứng đằng sau cái tên
cúng cơm bố mẹ đặt cho để được mãi mãi bên nhau! Để câu thơ của Tố Hữu mãi là
bức thông điệp gửi tới muôn sau; “ Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa tới đó
như chưa rõ mình” Gửi lời chào tạm biệt. Sẽ có ngày về đấy… gặp nhau!
Ký tên; Khoa.
Vâng! Anh Khoa
ơi!...Anh thanh thản đi tìm đồng đội đang dập dìu khắp bạt ngàn Trường Sơn
xanh. Anh thật xứng đáng với niềm tự hào của chúng tôi Làm sao quên được 113
thanh niên phơi phới tuổi thanh xuân gác bút nghiên lên đường ra trân ngày 28 tháng 8 năm 1969. Tất cả họ đều chưa
một lần cầm tay bạn gái. Những chân dung, những cái tên, những bí danh gắn với
mỗi địa danh, mỗi chiến công do chính chúng ta lập lên, tự đặt tên, có thể
không thể hiện trên bản đồ, không nằm trong những cuốn sử vàng được biên soạn,
nhưng nó đang trở thành của cải riêng, chung vô giá của con đường Trường Sơn
huyền thoại, đường Hồ Chí Minh lịch sử góp phần cho non sông “ Nở hoa độc lập,
kết trái tự do”, trở thành những nốt nhạc trầm trong bản tráng ca của mùa xuân
đất nước. Chúng tôi và con anh, con cháu chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành tập kỷ
yếu về một thế hệ đã sống và chiến đấu cho hôm qua, cho hôm nay và mãi mãi.
Hải Tây, hè 2013
Nguyễn
Văn Bổng
Người
anh hùng lái xe đường Trường Sơn năm ấy
Trong bộ tổng tập Chân dung Anh hùng thời
đại Hồ Chí Minh do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Tư
tưởng - Văn hóa Trung ương biên soạn, ấn hành năm 2000, tôi "gặp" một
người khá điển trai, không phải trong bộ áo giáp mũ sắt của bộ đội lái xe
Trường Sơn mà trong bộ quân phục sĩ quan với quân hàm quân hiệu tề chỉnh. Một
gương mặt cương nghị, sáng tươi: Anh hùng lái xe Nguyễn Quang Hạnh.
Trong tiết trời
thu mát mẻ, nắng trải dài trên những cánh đồng lúa mùa đang vào độ mẩy, sau hơn
một giờ rong ruổi xe máy, chúng tôi về huyện Hải Hậu, xã Hải Đường, hỏi đường
về xóm 25. Mấy bác người làng vui vẻ chi lối cho khách xa. Chúng tôi lại được
ông Phạm Ngọc Ruyến một bác sĩ cựu chiến binh Trường Sơn, bạn học của Nguyễn
Quang Hạnh từ thời còn để chỏm đi trước dẫn đường. Khuôn viên nhà ông Hạnh cạnh
đường trục vào xóm, gần ngôi nhà thờ xứ đạo Nam Đường. Bà Nguyễn Thị Lụa, phu nhân người anh hùng vui vẻ chào hỏi. Biết
khách hẹn đã về, ông Hạnh hồ hởi bước ra. Cánh cổng mở rộng, nếp nhà mái bằng,
hiên có dàn hoa leo kề gian nhà mái ngói cao ráo. Trước nhà, một khoảng sân
gạch, thửa vườn thấp cao các cây thế, chậu cảnh la đà vui mắt. Chủ khách phân
ngôi trên bộ sa lông gỗ sẫm màu. Cái bắt tay của một người ở tuổi bảy mươi vẫn
còn phong độ, vẫn cử chỉ, cốt cách một người lính, một cán bộ chỉ huy ngày nào.
Tôi ngước lên bàn thờ gia tiên. Ảnh cụ cố nội, ảnh hai cụ thân sinh lồng trong
khung kính trên tường. Tôi ngước lên ban thờ kính Chúa trên cao, biết rằng chủ
nhân là người trọng lễ nghĩa, một gia đình đạo gốc nền nếp ở vùng quê văn hóa
Hải Hậu. Chủ nhân ngôi nhà được vinh danh tên thánh: Phêrô Nguyễn Quang
Hạnh.vinh danh tên thánh: Phêrô Nguyễn Quang Hạnh.
Chưa học hết
trung học, Nguyễn Quang Hạnh đã tham gia công tác thuế vụ của xã. Tuổi trẻ
nhiệt thành và năng động, chàng thanh niên xứ đạo đã được cấp ủy và ban quản
trị hợp tác xã tin cậy giao việc để anh sớm được thử thách, rèn luyện. Nguyễn
Quang Hạnh trở thành trưởng xóm rồi đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã nông
nghiệp quê nhà, đối tượng cảm tình Đảng trước ngày nhập ngũ.
Tháng 5 năm 1965
có một ngày còn nhớ mãi trong đời người cựu chiến binh Nguyễn Quang Hạnh. Ngày
ấy, đứa con trai đầu lòng mới ba tháng tuổi, oặt oẹo, thương lắm. Đêm thời
chiến nhà chong đèn, anh em chòm xóm ra vào, chuyện trò rôm rả. Cha mẹ thức
thâu đêm, các cụ cân nhắc đắn đo nghĩ gần nghĩ xa trăn trở nhiều điều. Nhà có mấy
người thân, ông cậu, bà dì đã di cư vào Nam từ năm 1954. Họ ở phía bên kia
rồi. Nay người con cả của gia đình nhận lệnh nhập ngũ, có thể một ngày, người
một nhà chĩa súng vào nhau thì sao? Hạnh nhà này lại do ban quản trị hợp tác
"cử" đi bộ đội hẳn hoi, tính sao đây...
Sáng hôm sau,
ông chào cha mẹ để kịp lên đường. Ngày con trai nhập ngũ, các cụ không tiễn. Vợ
ông, bà Nguyễn Thị Lụa bế cả đứa bé đỏ hỏn lên huyện tiễn chồng trong dòng
người kéo về ngày lễ giao quân của huyện.
Nhập ngũ, Nguyễn
Quang Hạnh được chọn đi học lớp lái xe 6
tháng. Ông được xếp thứ 3/150 học viên. Tốt nghiệp, Nguyễn
Quang Hạnh được biên chế về đội lái xe Sư đoàn 312. Có
5 người được chọn lái xe chỉ huy, Phòng kỹ thuật Sư đoàn chọn rất kỹ. Ông
"trượt" không phải vì điểm kỹ thuật mà có thể còn cần thêm những tiêu
chuẩn nào đó. Từ đây con đường Trường Sơn gian khổ phía trước đã
"chọn" Nguyễn Quang Hạnh làm người cầm lái tin cậy trong đội hình
"Quả đấm thép" của bộ đội lái xe Trường Sơn.
Tháng 7 năm
1967, Nguyễn Quang Hạnh về Đoàn 559, vào Binh trạm 35, trên con đường chiến
lược ngã ba nam sông Bạc, Hạ Lào. Thử thách đầu tiên với ông là khai thông
chuyến xe xuyên đêm vượt dốc Pô Phiên vô cùng hiểm trở. Con dốc sừng sững thách
thức các đồng chí lái xe đã từng vận
chuyển hàng hóa trên cung đường này. Được giao nhiệm vụ, Nguyễn Quang Hạnh bước
lên buồng lái chiếc Mônô 2 cầu, nổ máy. Bình tĩnh, quả cảm, ông xử lý các tình
huống mau lẹ, chính xác, đưa chiếc xe dã chiến đi đầu vượt dốc Pô Phiên thành công.
Ông tâm sự:
"Người lái xe mặt trận không chỉ bình tĩnh vững vàng trong buồng lái, mà
cần cả mưu lược, linh hoạt trong việc xử
lý các tình huống trên thực địa, có khi còn phải biết làm "tham mưu"
đề xuất với chỉ huy cấp trên các phương án khai thông khi tắc đường, phải biết
hợp đồng tác chiến với công binh, với bộ đội phòng không, phải hiểu rõ thủ đoạn
và qui luật hoạt động của kẻ địch trên trời dưới đất để đưa hàng tới
đích".
Không thể nhớ
hết bao nhiêu tình huống trên đường vận chuyển. Những chuyến xe lấy đêm làm
ngày vượt qua những bãi bom phá, bom từ trường, bom bi trong vòng lượn của lũ
OV10, AC130 suốt ngày đêm lồng lộn xoi mói, oanh kích bắn phá các trọng điểm
dọc đường Trường Sơn. Những quả đồi đất thành bột, vách đá thành vôi, những
sông bùn, những vực thẳm chồng chất xác xe cháy đổ. Lính xế có câu cửa miệng
"gò méo, kéo đổ", để chỉ công việc của người lái xe, phải tác chiến
mau lẹ, thành thạo cả việc sữa chữa khi xe gặp sự cố. Nguyễn Quang Hạnh kể
chuyện có lần mình dùng chiếc xe 2 cầu 2,5 tấn, có đầu tời và bộ pa-lăng xích,
kéo một đại xa 4 tấn vượt dốc chênh vênh, khiến cánh lính xế trầm trồ bảo
Nguyễn Quang Hạnh biểu diễn trò "chuột tha mèo". Ông cười bảo đấy là
kiến thức vật lý phổ thông, "lợi về lực thì thiệt về đường đi", mặt
phẳng nghiêng mà! Để đảm bảo đủ đầu xe, bù vào những chiếc xe bị bắn cháy,
Nguyễn Quang Hạnh lập cả "tổ lính xế phụ trợ công binh" kích kéo
những chiếc xe đổ đèo, đến chỗ những xe "nằm bãi", tháo gỡ máy móc,
phụ tùng còn dùng tốt để thay thế dọc đường khi cần, đưa về cứ để dự phòng
trong những "mùa mưa bảo dưỡng". Vậy nên đơn vị ông luôn có đủ số xe
lên mặt đường với các tay lái thiện chiến sẵng sàng nhận lệnh xuất phát. Khi ở
cương vị chỉ huy, ông vẫn tự mình xông pha đi đầu, giúp đỡ, động viên, chia sẻ
mọi khó khăn với từng chiến hữu. Nguyễn Quang Hạnh được đồng đội, cấp trên tin
tưởng, một người 6 năm liền lái xe xung trận trên cung đường 120 km tây Trường
Sơn chồng chất hiểm nguy thách thức.chồng chất hiểm nguy thách thức.
- Bom đạn Mỹ
rình rập đánh phá như thế, bao nhiêu lần thay xe, ông có lần nào bị thương? -
Tôi dè dặt hỏi. Lập tức ông bác sĩ cựu chiến binh Phạm Ngọc Ruyến, ngồi kề chủ
nhân, lên tiếng:
- Có, nhiều chứ!
Lần thoát hiểm cây đổ đè chẹt buồng lái, lần bom hất cả người lẫn xe văng vào
vách ta-luy, những phen ù tai choáng óc do sức ép bom, rồi bom bi vướng nổ, rồi
xe cháy... Ông Hạnh là thương binh 4/4 đấy!
Tôi nhìn ông,
thầm cảm phục một bậc nam nhi thời chiến.
Đọc bảng vàng thành tích được ghi trong cuốn
sách vinh danh hơn một nghìn anh hùng lực lượng vũ trang trong hai cuộc chiến
tranh vệ quốc, chống Pháp và chống Mỹ, tôi được biết đầy đủ hơn về người anh
hùng này:
"Anh hùng Nguyễn Quang Hạnh sinh năm
1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khi được
tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, thiếu úy, đại đội trưởng đại đội I
ô tô vận tải, thuộc tiểu đoàn 59, trung đoàn 35, Đoàn 471, Bộ tư lệnh Đoàn 559.
Nguyễn Quang Hạnh làm nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến đường phía nam sông Bạc từ
năm 1967 đến năm 1972. Trong 2 năm 1968, 1970, Nguyễn Quang Hạnh thường vượt
định mức 25% trở lên. Ngày 2 tháng 11 năm 1967, trên đường vận chuyển, một xe
kéo pháo bị máy bay địch bắn cháy, Nguyễn Quang Hạnh nhanh chóng lao vào dập
lửa và cõng 2 thương binh đưa về nơi an toàn. Mùa khô năm 1968 - 1969, trên
cung đường vận chuyển dài 120 km, anh là người đầu tiên đạt kỷ lục cao nhất của
trung đoàn 35. Mùa khô sau đó, trong 60 ngày đêm tổng công kích của chiến dịch
vận chuyển, anh chạy xe liên tục, không nghỉ đêm nào. Ngày 17 tháng 3 năm 1969,
đoàn xe đơn vị đang chạy thì chiếc đi đầu bị trúng bom, lái xe bị thương.
Nguyễn Quang Hạnh xung phong lái chiếc xe đó để thông đường. Khi xe chạy, 6 quả
bom nổ chung quanh, anh vẫn chắc tay lái, cả đoàn xe 19 chiếc vượt qua bãi bom
an toàn. Ngày 25 tháng 11 năm 1972, một chiếc xe chở xăng bốc cháy. Nguyễn
Quang Hạnh không quản nguy hiểm, lái chiếc xe này tiến lên trước, đi vào đường
tránh, thu hút hỏa lực địch rồi chạy bộ
trở lại chỉ huy đoàn xe chở người vượt qua trọng điểm. Đồng chí được tặng
thưởng 1 Huân chương chiến công hạng nhì, 4 Huân chương chiến công hạng ba, 3
lần là chiến sĩ
quyết thắng, 5 lần là chiến sĩ thi đua, 18 bằng khen.
Ngày 31 tháng 12 năm 1973,
Nguyễn Quang
Hạnh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân." (trang
60- tập II, sách đã dẫn).
Trong cuộc "hội quân" những
điển hình xuất sắc ở Hiền Ninh, Quảng Bình, tháng 10- 1973, đứng ở hàng đầu,
Nguyễn Quang Hạnh được Đại tướng Tổng Tư lệnh bắt tay. Ông coi đây là một vinh
dự lớn trong đời.
Chúng tôi nối mạch câu chuyện "huyền
thoại Trường Sơn" sau một tuần trà tại nơi sinh trưởng người trai xứ đạo
anh hùng. Ông Hạnh bùi ngùi nhớ lại chặng đường qua với những kỷ niệm chưa phai
mờ. Đó là trường hợp hy sinh của đồng chí Nguyễn Minh Châu, chính trị viên phó
Tiểu đoàn 59, quê ở Nam Trực: “Ngày ấy, đầu mùa khô năm 1968, sau một đêm vận
chuyển, trên đường đi ra, trời sáng, đơn vị phải giấu xe che mắt địch. Chiều,
bọn thám báo đã "đánh hơi", gọi máy bay ném bom. Dứt đợt oanh kích
của địch, 3 đồng chí công binh gọi anh Châu, cán bộ chỉ huy cùng đi kiểm tra
hiện trường. Tôi ngăn anh, để tôi đi trước, nhưng anh không chịu. Đến nơi giấu xe, anh Châu đụng
bom bi vướng nổ. Lúc hy sinh, anh chết đứng, tựa vào cây rừng. Chúng tôi đỡ
anh, đặt vào võng, đưa anh về giao cho bệnh xá Trạm 120, cạnh sân bay Chà Vằn,
thuộc Binh trạm 35, Đoàn 559. Ảnh, giấy báo tử, cơ quan chính sách đã gửi về
gia đình anh. Nay chỗ chôn không còn nhớ, mộ mất, gia đình anh mấy lần cất công
đi tìm vẫn chưa thấy… Cũng năm 1969, sau ngày kết nạp Đảng, tôi được tin đứa
con đầu đã bỏ chúng tôi mà đi. Năm 1970, mẹ tôi mất khi tôi đang ở chiến
trường. Sinh thời, mẹ tôi thương quý con cháu biết chừng nào. Hai cụ sinh hạ 7
anh em, 3 trai 4 gái, tôi là trai trưởng, có một em gái là vợ liệt sĩ”.
Tôi lựa lời hỏi thêm về ông cụ thân sinh. Ông
Hạnh tiếp lời:
“Ngày tôi được phong anh hùng, cán bộ xã đến
nhà báo tin vui. Ông cụ mừng nhưng vẫn cứ bình thản như thường. Hôm tôi về, khi
cha con bên nhau, cụ bảo "Anh được bề trên che chở, được quân đội rèn
luyện nên người, thế là được". Cha tôi còn ở với con cháu đến tuổi chín
mươi. Tôi ơn cha mẹ đã dạy dỗ cho các con tính tình ngay thẳng, độ lượng”. Ông
Hạnh còn nhắc cả chuyện tao ngộ giữa Sài Gòn sau ngày giải phóng với bà dì, ông
cậu, những người “đi B 54”, họ đều làm ăn lương thiện. Gặp họ, ông phải trả lời
nhiều câu hỏi rất thật thà. Khi biết cháu mình là anh hùng lái xe quân đội, các
vị ấy “ngộ” ra nhiều điều thật vui.
Tháng 5-1975, Nguyễn Quang Hạnh được cử đi
học văn hóa ở Lạng Sơn. Sau 2 năm học tập, được thăng hàm trung tá, Nguyễn
Quang Hạnh về làm tham mưu phó, rồi tham mưu trưởng Trung đoàn 17, Binh đoàn 12
- đơn vị nhận lệnh vận chuyển vật tư kỹ thuật xây dựng tuyến đường 279 trên phòng tuyến biên giới phía bắc, hoàn
thành vượt mức khối lượng được giao. Nguyễn Quang Hạnh được đề bạt làm trung
đoàn trưởng Trung đoàn 17, chỉ huy đơn vị triển khai đồng thời 2 nhiệm vụ: củng
cố quốc phòng và phát triển kinh tế. Rồi ông được cử làm giám đốc xí nghiệp
cung ứng vật tư vận tải thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn. Lại có thời
gian làm chỉ huy đơn vị bộ đội thi công san lấp mặt bằng xây dựng ở Thủ đô.
Quản lý người, vật tư kỹ thuật với hàng trăm phương tiện vận tải, máy móc
chuyên dụng, Nguyễn Quang Hạnh thể hiện một năng lực điều hành vững vàng, một
phẩm chất liêm chính của người cán bộ quân đội thời mở cửa. Không thu vén lợi
lộc cho cá nhân, gia đình mình, không nhận những thứ không phải của mình. Ông
là người chỉ huy biết chăm lo đến đời sống cán bộ chiến sĩ, quan tâm giúp đỡ
những gia đình đồng đội gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lụa, phu nhân của ông là
một trong những người phụ nữ chuyên cần, đảm đang ở xứ đạo Nam Đường. Hơn
ba mươi năm ông tại ngũ, ở nhà, bà chăm lo nuôi nấng các con nên người. Ông bà
có 2 hai con trai nối nghiệp cha, người anh sau 17 năm quân ngũ, nay đang cùng
vợ con sống ở Hà Nội. Người em là sĩ quan, đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự
tỉnh Nam
Định. Cô gái cả cũng có một gia đình yên ấm thuận hòa ở gần nhà bố mẹ. Nhớ lại
những tháng năm Trường Sơn, những đêm thao thức trên cánh võng bên bờ sông Bạc, lắng nghe tin quê nhà qua
sóng phát thanh. Hải Hậu ngày ấy là
"đất đầu sóng" trên phòng tuyến biển tỉnh Nam Định đương đầu
với cuộc chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ. Người người "tay lưới tay
súng" ra khơi vào lộng, "tay cày vai súng" trên đồng ruộng thâm
canh. Ông thương người vợ hiền vất vả tối ngày lại còn lo cả cho người đang ở
chiến trường xa.
Rời quân ngũ ở tuổi 55, đại tá Nguyễn
Quang Hạnh về sinh hoạt ở chi bộ, nơi ông mang theo giấy giới thiệu cảm tình
Đảng thẳng tới chiến trường, thực hiện lời hứa thiêng liêng một cách trọn vẹn
trong ngày trở về. Là thành viên chi hội Cựu chiến binh, Hội truyền thống
Trường Sơn của địa phương, ông chu đáo mọi việc được tham gia, gương mẫu góp
công vào việc xây dựng nông thôn mới ở quê nhà. Lối sống khiêm nhường, tác phong sinh hoạt giản dị,
chân thành, ông được mọi người ở quê hương quý trọng.
Trong các buổi sinh hoạt của đội Ca đoàn xứ
đạo Nam Đường, ông Trùm xứ đạo thường hay mời đại tá Nguyễn Quang Hạnh lên giáo
đường kể chuyện rèn luyện phấn đấu, những thử thách ở chiến trường Trường Sơn,
phía nam sông Bạc. Đấy là niềm vinh dự của chiến công với những gian khổ hy
sinh, hun đúc nên phẩm chất "anh bộ đội Cụ Hồ" trong tình đồng đội
đồng chí bền chặt, trong mối cảm tình đặc biệt của nhân dân các bộ tộc Lào anh em.
Năm 2015, đại Tá Nguyễn Quang Hạnh được
bầu là chủ tịch Chi hội Truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu, một chi hội mạnh
trên miền quê biển anh hùng.
(Báo Nhân Dân
cuối tuần số 36 (1386) ngày 6-9-2015)
Phạm
Trọng Thanh
Người
lính đặc công quả cảm nghĩa tình với bầu bạn quốc tế
Nhân
ngày vui liên hoan - mừng thiếu tướng Hoàng Kiền được Chủ tịch nước tặng giải
thưởng Hồ Chí Minh - đồng tác giả cụm công trình khoa học phòng thủ trên quần
đảo Trường Sa (1976 - 2011). Buổi ấy, thượng tá Trần Thanh Tú - Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh Hải
quân huyện Hải Hậu, phó Chủ tịch hội Truyền thống Trường Sơn Hải Hậu giới thiệu
với chúng tôi: đ/c Đỗ Quốc Trịnh - người Cựu chiến binh xã Xuân Ninh, Xuân
Trường Nam Định, dũng cảm trong chiến đấu, về quê hương năng nổ trong sản xuất
làm giầu cho gia đình, đóng góp với xã hội. Ngày hôm sau hai người lính già -
tôi và anh Phạm Trọng Thanh (là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam) từ thành phố Nam
Định đi đường 21 qua cầu Lạc Quần tới xã Xuân Ninh, vào nhà anh Đỗ Quốc Trịnh.
Hai anh chị đón tiếp chúng tôi niềm nở. Bàn tiếp khách dưới tượng Chúa thiêng
liêng. Đối diện với ban thờ là các khung kính trang trọng: huân chương các loại
và một số bằng khen. Thoáng qua đã biết gia đình anh Trịnh kính Chúa yêu nước.
Biết chúng tôi đang cần một số tư liệu thời chống Mỹ cứu nước, giúp nước bạn,
anh kể cho tôi kỷ niệm sâu sắc một thời gian nan của đời mình:
Năm 1966, học xong Phổ thông cấp 2, Đỗ
Quốc Trịnh vào bộ đội (trung đoàn 83), huấn luyện ở Hòa Lạc rồi tham gia xây
dựng sân bay Hòa Lạc. Quá trình xây dựng sân bay, Đỗ Quốc Trịnh làm việc trách
nhiệm, có sức khỏe nên cấp trên chuyển sang đoàn đặc công K28, chiến đấu miền
Đông Nam Bộ. Khoảng năm 1967 – 1968 Đỗ Quốc Trịnh tham gia đánh Đồng Soài, sân
bay Minh Hòa, Phước Long, Bình Long. Ngày 18/3/1970 Lon Non đảo chính ông Quốc
trưởng Xi Ha Núc. Ngày 24/3/1970 Mặt trận Dân tộc Cứu nước Cam Pu Chia được
thành lập. Lực lượng bạn - quân khu 304 ban đầu có một tiểu đoàn, lớn mạnh dần.
Theo yêu cầu của bạn, đơn vị đ/c Trịnh đánh sân bay Lăng Cò Bơ (quận Mi Mốt,
tỉnh Công Pông Chàm), phá hủy 30 máy bay, tiêu diệt hơn 400 ngụy Lon Non. Lúc
dó đ/c Trịnh làm nhiệm vụ “điều nghiên” (trinh sát), vào tận hang ổ của địch vẽ
sơ đồ, báo cáo với cấp trên. Đánh tiếp sân bay Công Pông Chàm. Chẳng may trời
mưa tầm tã. Một mũi đặc công vào được. Ở phía khác, hai mũi không thể vượt nước
lũ của con sông ôm lấy sân bay. Chờ mãi không thấy lệnh phát hỏa, gần sáng, mũi
xung kích (vào trước) lợi dụng địa hình địa vật, nhảy xuống các hố pháo (do ta
bắn vào hôm trước), kéo lá cây và cỏ héo che lên người. Thấy dấu vết người vào
sân bay, chúng lùng sục gắt gao. Hố chúng tôi ẩn chỉ cách đường băng khoảng 15
đến 20 mét, mà chúng không phát hiện ra. Chúng chỉ đi tuần tra trên bờ chửi
đổng bâng quơ, chẳng lùng sục dưới hố bom, hố pháo làm gì. Năm ngày, chúng kiểm
tra cả ngày lẫn đêm, chúng tôi không thể nào ra được. Cái đói cái khát hành hạ
ghê gớm. Phải lấy nõn cỏ nhai, dưỡng sức để về với đồng đội, bà con. May mắn
cho chúng tôi: vớ được một số hộp sữa bò dưới hố, dùng tạm sữa còn sót ở đáy
hộp, kéo dài sự sống, chờ ngày trở về. Năm hôm liên tục bị vây hãm trong vòng
vây địch. Tối thứ sáu, chúng lơ là. Anh em bò ra khỏi vòng vây giây thép gai,
về hậu cứ. Đúng là từ địa ngục trở về. Già làng Khơ Me thấy chúng tôi về, gọi
bà con đến chia vui. Già làng sai các con nấu cháo, quạt hơi cháo vào mũi chúng
tôi, tỉnh dần, sau đó bón từng thìa, không cho ăn vội vã (tránh bội thực).
Nuốt được năm thìa cháo, mồ hôi tứa ra đầm
đìa. Nghỉ một chốc. lại ăn. Nếu không có kinh nghiệm cứu chữa, thì chúng tôi đã
về với Tổ Tiên rồi. Xa quê hương, bố mẹ; nay có già làng - người bố mẹ thứ hai
chăm sóc, còn gì hạnh phúc bằng!
Nghỉ ngơi cho khỏe, rồi đánh chốt Tà Ong,
đánh sập cầu Công Pông Thơ Mo, cản quân tiếp viện (cầu này nằm giữa tỉnh Công
Pông Chàm và tỉnh Công Pông Thom). Cuối 1971 đánh thị trấn Sa Tôm (Công Pông
Thom) sát tỉnh Xiêm Riệp.
Năm 1970 giải phóng phum Tà Ong, một kỷ
niệm, anh không thể nào quên, bộ đội ta giải phóng cho một cháu gái tên là Ái
người Cam Pu Chia gốc Việt 14 tuổi thoát khỏi vòng tay một lão già ích kỷ hiểm
độc - sa thải người vợ già, bắt cháu Ái là con gái riêng của vợ làm vợ thứ hai
của mình.
Cuối 1971 đánh thị trấn Sa Tôm (Công Pông
Thom) sát tỉnh Xiêm Riệp.
Tôi hỏi: “Anh tham gia đánh nhiều trận,
trận nào... anh có kỷ niệm sâu sắc nhất? Đỗ Quốc Trịnh không thể nào quên trận
đánh năm ấy. Ngày 12/12/1972 cấp trên triệu tập 9 đ/c bộ phận “điều nghiên”,
giao nhiệm vụ: vào chốt núi Ba Khèn (trước đền Ăng Co), vẽ sơ đồ, đưa về, đắp
sa bàn. Nửa đêm, đầu đội mũ đặc công (ôm gọn mái tóc trên đầu), mặc quần đùi,
dùng đất nâu đỏ, bột mầu xanh trộn với
mỡ lợn (làm chất kết dính) trát đầy người, hóa trang hợp với mầu sắc địa hình -
nơi anh và đồng đội sắp bò qua. Đặc công chúng ta phải hòa nhập như thế mới
chiến thắng được bọn Lon Non. Bộ phận chia làm ba mũi, mỗi mũi 3 người tiến vào
chốt, bí mật bất ngờ.... Đèn pha sáng suốt đêm, “điều nghiên” ta bò sát hàng
rào, cắt giây thép gai, chống giây thép gai lên, tiến dần. Bỗng thấy một quả
mìn phía trước, Đỗ Quốc Trịnh cầm chắc lấy, khóa chốt lại, để lăn lóc chỗ cũ,
nó chẳng tác oai tác quái được nữa, tiếp tục cắt giây thép gai, rồi trườn vào
hướng hang ổ địch. Phát hiện quả mìn thứ hai... quả mìn thứ ba, anh tiếp tục vô
hiệu hóa, bò dần vào trong chốt . Bọn địch ngủ như chết. Ba mũi trinh sát gặp
nhau, rất phấn khởi, mà vẫn phải im lặng.Ghi vào trong óc từng mục tiêu: chỗ
này lô cốt, chỗ kia giặc ngủ, nơi khác kho súng đạn, hỏa lực đại liên, trung
liên, xe tăng, hầm trú ẩn, lương thực thực phẩm...Quan sát xong, mũi trinh sát
rút ra, những cây cỏ là là mặt đất cao 15- 20 cm đổ rạp (do bị đặc công đè lên)
dựng lại ngay ngắn, kéo giây thép gai lại như cũ, tránh địch phát hiện có Việt
cộng bò vào. Ngày hôm sau, tổ đặc công đắp sa bàn, báo cáo cấp trên, cả đơn
vị đến quán triệt, định phương án tác
chiến. Đêm hôm sau một trung đội đặc công (27 đ/c) dưới sự chỉ huy trực tiếp
của đại đội trưởng Nguyễn Văn Hiến (người Nghệ An) chia làm ba mũi, mang theo
dao găm, thủ pháo, B40, B41... bò theo lối đi mà trinh sát đã tiến vào... tối
hôm trước (mìn đã vô hiệu hóa, không lo bị thương vong). Đến giữa chốt, giặc vẫn
ngủ khò khò, đại đội trưởng ra lệnh. Một loạt thủ pháo phát nổ chát chúa. Những
con rồng B40, B41 phụt lửa. Tiếng nổ đột ngột giữa hang ổ, giặc hốt hoảng không
kịp cầm vũ khí, nhảy xuống hầm, liền bị ăn thủ pháo của ta. Lô cốt, hỏa điểm
bay bắn tung tóe; bồn xăng, xe tăng bốc cháy ngùn ngụt. Ta dùng mưu kế: “đánh
trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch”. 370 tên ngụy Lon Non bị tiêu diệt.
Ta đánh lướt qua, rồi đánh lại (gọi là tảo trừ). Số chưa chết... bị bắt hết,
giao cho quân đội bạn. Trước khi đánh, đ/c Nguyễn Ngọc Thảo - trung đội trưởng được cấp trên
xây dựng thành hạt nhân để phong anh hùng, chưa có quyết định thì đ/c vấp mìn
địch, hy sinh, các đ/c khác vô sự. Đỗ Quốc Trịnh bị thương hai chỗ, mảnh thủ pháo vào phần mềm
(ở tay, vai). Điều trị khỏi, anh lại tiếp tục làm nhiệm vụ “điều nghiên”. Đánh
xong, đặc công giao cho quân khu 304 (Cam Pu Chia - ký hiệu riêng là K đỏ),
giao cho bên ta: đoàn 500 (của đường giây 559) và đoàn bộ binh quân khu C40.
Đ/c Đặng Vũ Hiệp - Tư lệnh phó miền Đông Nam bộ kiêm chính ủy quân khu C40, đ/c
Đức - Tư lệnh phó quân khu C40, rất phấn khởi đến tiếp thu chiến lợi phẩm, thu
dọn chiến trường
Sau khi đánh chốt Ba Khèn, đánh tiếp sân
bay Xiêm Riệp. Mìn và giây thép gai dầy đặc bảo vệ sân bay. Một đêm, 30 máy bay
nổ cháy đỏ rực khoảng trời Cam Pu Chia, xác giặc ngổn ngang (khoảng 200 tên).
Giao lại cho quân khu 304 của bạn, đoàn C40, đoàn 500 của ta thu dọn chiến
trường. Đ/c Trịnh lại bị thương 2 vết
phần mềm (vào lưng, vào chân). Đặc công chúng ta xuất quỷ nhập thần,
chúng không kịp trở tay, lúc đó có tin đồn đại địch mặc cả với ta: Nếu Việt
cộng không đánh đặc công thì Mỹ không dùng B52
Chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Thời gian
sau, 83 bộ đội đặc công tiêu diệt gọn 930 tên địch tại chốt Tà Chí (tỉnh Công
Pông Chơ Năng)
Quân ta phá cầu Tà Trí, cắt đường viện
trợ từ Ph Nông Pênh đến Công Pông Chơ Năng. Xóa sổ chốt Phum Ruột, Phum Cô. Mấy
đ/c bị thương nhẹ. Đồng chí Trịnh bị thương 2 vết: ngón thứ ba bên phải, ngón
cái bên trái đứt gân (nay ngón tay đó bị ngoẹo), một vết trên đầu. Trong 1
tháng, giặc rất lúng túng, chúng dồn hết lực lượng, chuyển các thiết bị từ Tân Cảng Sài Gòn đến..sửa cầu. Rồi ba giờ
chiều cuối tháng 12/1972 hoàn tất. Bốn giờ sáng sớm hôm sau 200 xe chở vũ khí
lương thực từ Ph Nông Pênh ung dung chuyển bánh về phía Công Pông Chơ Năng,
phục vụ các tỉnh Đông bắc Cam Pu Chia. Đặc công ta dùng thủ pháo và B40, B41
với kỹ chiến thuật chốt đầu khóa đuôi tiêu diệt 195 xe (5 xe đi đầu chạy thoát
vào thị xã Công Pông Chơ Năng). Địch ở nơi khác phản pháo, quả đạn nổ bên cạnh,
Đỗ Quốc Trịnh bất tỉnh. Hôm sau mở mắt, thấy nhiều áo trắng lảng vảng quanh
anh. Đầu tê váng, chân tay mỏi nhừ, thân bải hoải, anh tự hỏi: những người mặc
áo trắng kia là họ hàng thân thuộc đang đưa ma mình à? Câu hỏi ấy tan biến
ngay... khi thấy họ nói với nhau: “anh Trịnh sống rồi”, lúc đó Đỗ Quốc Trịnh
mới biết mình bị thương, từ cõi chết trở về. Đ/c tiểu đòan trưởng Phạm Thơ vào
viện phấn khởi thấy Trịnh bình phục. Đơn vị đặc công xứng đáng 16 chữ vàng:
“đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn”
Đầu năm 1973 anh Trịnh được cấp trên cho
đi học lớp quân y ở quân khu C40 tại Công Pông Thom.
Cuối năm 1973 do yêu cầu của quân đội, Đỗ
Quốc Trịnh vui vẻ nhận sự phân công làm trợ lý tài vụ tại phòng Quản lý xăng xe
miền Đông Nam Bộ (tức phòng 8 Cục Hậu Cần miền Đông Nam Bộ). Ở đây, Đỗ Quốc
Trịnh gặp lại cháu Ái ( người được bộ đội ta giải thoát khỏi vòng tay của lão
già ích kỷ hiểm độc). cháu thành nữ chiến sĩ Giải phóng quân dũng cảm, công tác
tại phòng quân nhu Tổng cục Hậu cần.
Tôi hỏi tiếp về quan hệ giữa bộ đội ta
với nhân dân bạn? Anh vui vẻ kể:
Thời kỳ đầu bộ đội ta đến, nhân dân Cam Pu
chia sợ sệt. Trên đường, đồng bào gặp
chúng tôi, họ quỳ xuống ôm khăn mũ vào ngực, cúi rạp người, nói: “Lục thum ạ”
(chào ông lớn ạ). Đ/c biết tiếng Cam Pu Chia giải thích cho họ về đường lối
chính sách của ta:nhằm đòan kết hai dân tộc giành độc lập, chống Lon Non thân
Mỹ. Chúng ta bình đẳng với nhau, không phải quỳ xuống “Lục thum” nữa. Từ đó bộ
đội ta với đồng bào Khơ Me hòa quyện nhau như cá với nước. Chúng tôi ở chung
với dân bản... được già làng quan tâm trong sinh hoạt rất chu đáo. Chúng tôi
nói với già làng: chúng con tự lực được trong đời sống hàng ngày. Xin đừng
phiền bà con. Các cô gái rất quý bộ đội Việt Nam. Mấy chúng tôi trở thành học
trò ngoan của cô gái Khơ Me dạy tiếng đất nước Chùa Tháp. Ánh mắt và tiếng nói
là sợi giây vô hình níu buộc con người lại với nhau! Đồng bào tặng bộ đội hoa
quả: soài (tơ lê sa vai), dừa (tờ lê đoong), chuối (tờ le chuếch), gà (côn
mon), vịt (côn pia), có khi tặng con lợn to (côn chu rúc). Khi thu dọn chiến
trường, tiếp thu chiến lợi phẩm, sẵn có lương thực, ta giúp đỡ cho đồng bào
nghèo khó trong phum.
Đ/c Đỗ Quốc Trịnh nhớ rất rõ trong một
buổi tối liên hoan: bộ đội ta và nhân dân phum (làng) quây quần xung quanh đống
lửa bập bùng. Đông lắm, khoảng 200 người. Đồng bào ca hát, đàn nhạc. Chúng tôi
được thưởng thức nghệ thuật bản sắc dân tộc “Chăm riêng chà pây” trên quê hương
thứ hai của chúng tôi - đất nước chùa Tháp. Thế rồi hai bên cùng hát chung, múa
chung điệu Lâm thôn. Bỗng Già làng nói: “Anh hát cho đồng bào nghe (Boòng chà
riêng oi pờ chi chuân lư phoòng)”. Đỗ Quốc Trịnh hát bài “Tính sao”: (lời Đỗ
Quốc Trịnh, nhạc dân gian Cam Pu chia - gần giống điệu Lăm Tơi - Lào): “bố mẹ
ơi, con chưa có vợ đâu (Puc me ơi, con ót miên pờ buôn); bố mẹ ...tính sao?
(Púc me... ... cứt giang mếch)” Một cô gái Khơ Me tinh nghịch trả lời: “Ả lưng
boòng, choòng dô nẹ na (bây giờ anh muốn lấy người nào?)”. Trịnh hóm hỉnh trả
lời: “Anh em bộ đội giải phóng Việt nam
..quen biết... lấy hết (Boòng ôn công tóp dùm ro Việt Nam, sa co dô từng o)”. Tất cả đều
cười, vui vẻ.
Đỗ Quốc Trịnh quên sao được hình ảnh bà
con vui mừng đón bộ đội ta chiến thắng, trở về an toàn. Một hôm cô gái trẻ Khơ
Me nói nhỏ với Trịnh: “Nức bòn chờ rờn (nhớ anh nhiều lắm)”. nàng dấu bố mẹ,
trao cho anh tấm ảnh và nói: “ôn nức... ngay ót xi dục ót đết (em nhớ... ngày
không ăn, đêm không ngủ)”. Trước một cô gái chân chất có duyên, nói năng dịu
dàng, lòng Đỗ Quốc Trịnh xao xuyến, tránh sao khỏi thầm yêu trộm nhớ. Đỗ Quốc
Trịnh nhận quyết định về công tác tại Việt Nam
(về Phòng Quản lý xăng xe miền Đông Nam bộ). Khi chia tay bà con, các
mẹ các chị bịn rịn... lau nước mắt.
Tháng 12/1976 anh được quyết định phục
viên hưởng chế độ thương binh, bệnh
binh, chất độc da cam. Lúc rời quân ngũ, tài sản: chiếc ba lô, một khung xe
đạp, một chiếc đài bán dẫn. Bố mẹ anh nghèo lắm, sinh hạ 7 con, anh không được
mảnh đất cắm dùi. Đỗ Quốc Trịnh bán chiếc đài được 450 đồng , lấy tiền cho em
út đi học (các anh em khác đã thành gia
thất cả rồi), và mua vành bánh, xăm lốp... dựng nên một chiếc xe đạp, cho em út
đi học. Lúc đó, đời sống nhân dân rất khó khăn: lúa bị rầy nâu phá hoại, cả
làng phải ăn “sắn cõng gạo”. Đỗ Quốc Trịnh
lao vào canh tác theo mô hình VAC và còn làm đủ mọi việc: khám chữa bệnh
cho bà con (người nào nghèo, khám chữa bệnh, không nhận tiền thù lao), làm
ruộng, làm vườn, đi thiến lợn, thiến gà... Mỗi chuyến đi thiến một trang trại
lợn (có từ 30 đến 50 con) được hàng trăm đồng tiền công. Ba chuyến như vậy, anh
mua được một cái xe đạp Thống Nhất (lúc đó xe đạp rất hiếm, cả làng chỉ có một
vài chiếc). Bàn tay cần cù chịu khó của anh... làm vườn - vườn xanh tốt; làm
ruộng - lúa mẩy bông cho năng xuất cao. Anh cải tiến kỹ thuật trong sản xuất
nông nghiệp. thực hiện đầu tiên trong xã “lúa tráo mạ” (nhổ xong mạ, vãi phân
đủ, trồng luôn lúa không để đất nhàn rỗi). Khi cấy lúa, mỗi khóm chỉ 3 đến 5
rảnh, ( nhiều rảnh quá sẽ bị “ung thối”, anh bón lót 70% phân, bón thúc
30% phân (như vậy khi lúa bén rễ, phát
triển rất nhanh, năng xuất cao, nơi “lúa tráo mạ” cấy muộn, nhưng gặt sớm) Vườn
trồng sắn giây, sáu khấu - một lần thu hoạch 33 cân bột sắn (9 khấu đất bằng 1
miếng đất), số lượng bột sắn đó quy ra thóc được 6, 3 tạ thóc. Có vồng sắn kỷ
lục, cả làng đến xem. Đạt được kết quả đó, anh chăm bón rất kỳ công: băm chuối
trộn phân lợn đổ xuống hố, móc bùn trùm lên, tra giây sắn xuống. Năm thứ hai
trồng sắn , anh lại thay đất khác. Anh không để thời gian lãng phí, làm vườn
xong, một mình đào ao thả cá. Ngày ngày, anh cởi trần, tay cầm cán mai, chân
nhấn vai mai. Bẩy liên tục được 10 tảng đất (mỗi tảng nặng 70 - 80kg). Bỏ mai
ra, vác đất lên vai, đưa lên bờ.
Tôi hỏi: “Nặng thế, anh vác sao nổi”. anh
trả lời: “lúc đó, khỏe lắm, 70 – 80kg vác ... đi nhẹ nhàng. Mồ hôi nhễ nhại,
bàn chân và đôi tay sưng rộp, anh không nản. Cứ thế, một tuần đào xong ao. Một
mình đào ao, khách ngạc nhiên, đến xem đông. Báo Nông Nghiệp Hà Nam Ninh đăng
tin: “Muôn cách làm giầu – làm giầu muôn cách” ca ngợi cách làm ăn của anh
Cách làm của anh: “lấy ngắn nuôi dài” để
phát triển kinh tế, không phải vay ngân hàng một đồng. Nhà nước mở cửa, tạo
điều kiện doanh nghiệp phát triển. Đỗ Quốc Trịnh mua đất cạnh sông Ninh, mở
xưởng đóng tầu vỏ thép, tạo làm ăn cho
hàng trăm người.
Nghề đóng tầu gặp khó khăn, anh quay sang
mở công ty Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh đầu tư thương
mại, bán sắt thép xi măng, gạch ba banh. Hiện nay công ty có khoảng 30 công nhân,
hai cẩu sàn, 4 cần cẩu quay, 2 máy xúc (1 xúc đào, 1 xúc lật), một đội xe tải
(8 chiếc xe). Mỗi khi khách hàng: “A lô, đưa vật liệu... “, đội xe phục vụ
ngay. Hiện tại
doanh số công ty:
có khoảng 4, 9 tỷ đồng
Người bạn đời của anh – chị Lê Thị Bính là phụ nữ rất đảm đang, luôn bàn
kế hoạch kinh doanh, nuôi dạy con cái chu đáo. Các con anh đều thành đạt.
Con Đỗ Cao Nguyên đi bộ đội, nay trở về
làm công việc kinh doanh trong gia đình Ba người con tốt nghiệp đại học (Đỗ
Quốc Hiệu, Đỗ Văn Hóa, Đỗ Thị Ngọc) đều có vị trí trong xã hội
Khi ăn nên làm ra, công ty ủng hộ các nạn
nhân chất độc da cam, tạo điều kiện cho đồng chí đồng đội, bà con có công việc, ổn đình đời sống. Đỗ Quốc Trịnh
tìm đồng đội chiến đấu năm xưa ở chiến
trường, chia sẻ vui buồn với nhau. Đoàn đặc công 117 đa số nghèo, lại bị bệnh
tật, thương tật, thỉnh thoảng họp tại nhà anh thường vào ngày 30/4. Hội Truyền
thống trung đoàn 83 họp mặt liên hoan ngày 1/1 đầu năm và ngày 19/8 cũng tại
nhà anh, anh sẵn sàng tài trợ. Mỗi khi họp mặt đ/c nào khó khăn quá, Đỗ Quốc
Trịnh sẵn sàng giúp đỡ (tài trợ cho các đ/c: đ/c Quý – đặc công chuyển ngành
làm chi cục phó chi cục thuế Uông Bí - Quảng Ninh, đ/c Thắng đặc công quê ở Hải
Phòng – vợ liệt 7 năm ... ). Đoàn 117 sinh hoạt ở miền Bắc kể từ Nghệ An trở ra
chỉ còn 9 người (một số hy sinh, một số bệnh tật, già cả qua đời). Anh nhắc lời
Bác Hồ cho con cháu hiểu ý nghĩa cuộc đời: “Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm
vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào - cũng đánh
thắng” “Trong chiến trường, bố đã làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước. Về đời
thường, nhà ta đã đóng góp với quê hương. Nhiều đ/c của bố còn nằm trên đất
bạn, bố may mắn còn sống, thật hạnh phúc vô cùng cho nhà ta... có ngày hôm nay.
Chúa dạy chúng ta “phải có lòng thương
yêu mọi người” . Nhà mình có điều kiện thì đóng góp giúp đỡ người khó khăn.
Kính Chúa và yêu nước gắn liền với nhau”
Đỗ Quốc Trịnh nhắc nhở các con.
Đ/c được tặng thưởng huân chương Kháng
chiến chống Mỹ cứu nước hạng 2, Huân chương giải phóng hạng 1, hạng 2, hạng 3,
huân chương chiến công hạng 2
Đ/c Đỗ Quốc Trịnh luôn là Cựu Chiến binh
mẫu mực, đại diện đoàn Đặc công 117 đi dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng
Điện Biên (báo QĐND đăng...)
Đ/c xứng đáng danh nghĩa anh bộ đôi Cụ
Hồ./.
Ngày 20/8/2017
Vương
Văn Kiểm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét