Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

TIẾN SĨ PHẠM ĐẠO PHÚ – MỘT NGÔI SAO TRONG TAO ĐÀN NHỊ THẬP BÁT TÚ / Trần Mỹ Giống


Trần Mỹ Giống

 
        1- Phạm Đạo Phú (có sách chép nhầm là Nguyễn Phú Đạo, Nguyễn Đạo Phú) sinh năm Quang Thuận 4(1463), mất năm Nguyên Hoà 7(1539), quê ở làng Hoàng Xá, huyện Đại An (nay là thôn Phạm Xá, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). 

        Phạm Đạo Phú là một nhà khoa bảng Nam Định nổi tiếng về văn học. Ông là một ngôi sao trong Tao Đàn nhị thập bát tú thời Lê Thánh Tông. Trong tiềm thức dân gian, tên tuổi ông thường gắn liền với tên tuổi người em họ của ông là Hoàng giáp Đại tướng đổng quân Phạm Bảo. Hai anh em ông liên tiếp cùng đỗ đại khoa, cùng làm quan một triều, cùng được tôn làm phúc thần và được thờ chung trong một ngôi đền. 

        Phạm Bảo (có sách chép là Phạm Nguyễn Báu) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18(1487) đời Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ đại khoa, ông được bổ làm Phó đô ngự sử ở Ngự sử đài, giúp cho Đô ngự sử chuyên lo việc can gián nhà vua và thanh tra các quan lại trong cả nước. Do ông rất giỏi võ nghệ nên vua Lê Thánh Tông chuyển ông sang ngạch vũ giai. Lúc đầu ông giữ chức Chưởng quản Nội thị, sau được thăng đến Đại tướng Đổng quân. Ông từng được cử cầm quân đi chiêu dụ Ai Lao, đánh dẹp giặc Ngọc Lâu nổi loạn ở miền Hưng Hoá. Năm Hồng Đức 23(1492) trại của Đa La Lý họp người Man Cam Cát nổi loạn, triều đình cử ông cùng Đại tướng Trần Tường mang quân đi đánh dẹp. Ông có công bắt sống Đa La Lý, chiêu an được các Man động nên vua Lê phong cho ông là Võ huân tướng quân Tả hiệu điểm, giữ chức Trấn thủ Nghệ An. Năm Cảnh Thống 4(1501) đời Lê Hiến Tông, ông hộ giá vua thân chinh đi đánh đồn Bổn Man, giữa đường thì mất. Vua thương xót ông là người văn võ song toàn, có nhiều công lao hiển hách nên truy phong cho ông hàm Thiếu uý và ban tên thuỵ là Vũ Thành. Linh cữu của ông được đưa về an táng tại làng Hưng Thịnh, huyện Đại An. Lăng mộ ông hiện nay vẫn còn ở xứ Mả Người, đường Đồng Tân, thôn Hưng Thịnh (thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Năm Quang Hưng 18(1595) đời Lê Thế Tông, ông được phong làm phúc thần và được lập đền thờ tại làng Hưng Thịnh.

        Người anh họ của Phạm Bảo là Phạm Đạo Phú cũng nổi tiếng thông minh, học giỏi từ nhỏ. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21(1490) đời Lê Thánh Tông. Năm Hồng Đức 26(1495) ông được giao chức Hàn lâm viện Hiệu kiểm (tức Hàn lâm viện Kiểm thảo sau này), chuyên lo việc kiểm thảo các văn thư ở Viện Hàn lâm. Sau ông lại được thăng đến chức Hình bộ Tả thị lang, một chức quan cao cấp ở bộ Hình, chỉ đứng sau Thượng thư và Tham tri, mang hàm Chánh tam phẩm, giúp Thượng thư trông coi việc pháp luật, duyệt lại những tội nặng án ngờ, tra xét kỹ những tù giam ngục cấm. Ông làm quan cần mẫn trải bảy đời vua: Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục Đế, Tương Dực Đế, Chiêu Tông, Cung Hoàng. Cùng với Phạm Bảo, ông được người đời đánh giá là "Anh em cùng nhau nối tiếp trước sau, trọn vẹn tiếng tốt ở đương thời" (Văn bia ở miếu thờ hai ông đỗ đại khoa ở làng Hưng Thịnh do Hoàng giáp Phạm Văn Nghị soạn).

        Năm Đinh Hợi niên hiệu Thống Nguyên 6(1527) Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Phạm Đạo Phú một lòng trung thành với nhà Lê đã treo ấn từ quan về quê dạy học. Nhà Mạc nhiều lần triệu ra làm quan nhưng ông kiên quyết từ chối. Thực chất những năm về ở ẩn, Phạm Đạo Phú ngầm chiêu tập nghĩa binh dưới hình thức mở trường dạy học để mưu nổi dậy chống nhà Mạc. Việc không thành, ông cho con cháu đổi họ Phạm thành họ Ngô để đề phòng nhà Mạc trả thù. Con cháu ông mang họ Ngô nhưng vẫn trông coi từ đường họ Phạm. Gần đây con cháu ông đã được chính quyền sở tại cho phép đổi họ Ngô trở lại họ Phạm. 

        Ngày 2 tháng 8 năm Nguyên Hoà 7(1539) Phạm Đạo Phú mất. Lăng mộ ông hiện nay ở gò Con Ngựa, xứ đồng Mả Cả, đường Trung Đồng, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Sau khi ông mất, vua Lê Thế Tông xếp ông vào hàng các trung thần của triều Lê, truy tặng ông hàm Tham tri và ban tên thuỵ là Trung ý Trung đẳng thần, sức cho dân bản xã lập đền thờ làm phúc thần. Năm Tự Đức 7(1854) dân làng Hưng Thịnh lấy số hoa lợi "Cấp tứ" (20 mẫu ruộng do triều Lê Trung Hưng cấp cho dân làng làm hương hoả thờ cúng Phạm Đạo Phú gọi là ruộng "Cấp tứ") và tiền khao vọng hơn 3000 quan xây dồn đền thờ ông với đền thờ Phạm Bảo. Bài vị thờ ông ghi là: "An dân trấn quốc hiển sĩ binh thần tuấn lương đại vương". 

        Hiện nay đền thờ hai anh em Phạm Đạo Phú ở thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng được thờ chung với Thuỷ thần. Trải các triều đại phong kiến, các vua chúa đời sau đều có sắc phong để nhân dân hai làng Hưng Thịnh và Phạm Xá thờ cúng hai anh em ông.

        2 - Về quê quán của hai anh em Phạm Đạo Phú, các tài liệu viết không thống nhất. Một số tài liệu chép quê các ông ở làng Hưng Thịnh, huyện Đại An. Một số tài liệu lại viết quê các ông là làng Hoàng Xá, huyện Đại An. Theo "Hương chỉ" của làng Hưng Thịnh, anh em Phạm Đạo Phú là những người có công sáng lập làng Hưng Thịnh. Người đầu tiên khai phá vùng đất Hưng Thịnh là ông Nguyễn Đại Lang, thứ hai là anh em Phạm Đạo Phú và Phạm Bảo. Hai anh em ông đã cùng bà con khai khẩn đất hoang, tạo lập thành làng. Lúc đầu đặt tên là làng Hưng Phú. Dần dần làng Hưng Phú ngày thêm trù phú và đông đúc mới đổi lại là làng Hưng Thịnh. Phạm Đạo Phú sau khi từ quan về dạy học đã sống đến hết đời ở làng Hưng Thịnh. Có lẽ vì thế mà có tài liệu chép quê ông là làng Hưng Thịnh chăng. Sau khi anh em ông mất, thi hài hai ông đều được an táng ở làng, đều được làng Hưng Thịnh thờ làm Phúc thần. Trong đền thờ hai ông có câu đối:
        Sơn nhạc giáng thần cố lý tân từ linh tích tại
        Văn chương minh thế thạch bi kim bảng thịnh danh truyền.
        (Núi lớn giáng thần, dấu thiêng thiêng ở làng xưa đền mới
        Văn chương sáng sủa, tiếng tốt đẹp truyền bia đá bảng vàng).

        Gần ngôi đền thờ Phạm Đạo Phú có tấm bia đá do Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị soạn nói về hành trạng của hai anh em ông, có câu:
"Sinh vi danh thần, tử vi phúc thần, nhi miếu ủ ấp cổ lai hãn hỹ" (Sống là danh thần, khi mất làm phúc thần mà đền miếu ở quê nhà, từ xưa đến nay quả là hiếm vậy). 

        Như vậy, làng Hưng Thịnh là nơi hai anh em Phạm Đạo Phú có công tạo lập, còn quê quán của các ông chính là làng Phạm Xá. Theo gia phả họ Phạm ở làng Phạm Xá (nay thuộc xã Yên Nhân, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định) thì ông bà, cha mẹ Phạm Đạo Phú là những người đầu tiên đến khai phá vùng ven biển Đại An. Lúc đầu dân cư còn thưa thớt, làng còn nghèo nàn, những người khai phá vùng đất này thành lập trại cô bần. Sau làng đông đúc và trù phú mới đặt tên làng là Hoàng Xá. Tương truyền, sau khi anh em Phạm Đạo Phú đỗ đại khoa, làng Hoàng Xá được đổi thành làng Phạm Xá để ghi nhớ sự vinh hiển của con cháu họ Phạm. Từ đường họ Phạm có bức hoành phi đề là "Văn minh tổ" (Tổ khai sáng văn minh). Cũng ở làng Phạm Xá hiện còn có ngôi đình thờ anh em Phạm Đạo Phú, gọi là đình ông Nghè. Trong đình có một số bia ghi công đức của những người đóng góp tu sửa đình và hơn vài chục câu đối bằng chữ Hán khắc vào cột đá của các bậc đại khoa đời sau đề tặng. Câu đối của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, người làng Chân Mỹ, huyện Đại An (nay thuộc làng Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định) viết là :
        Tích Lê triều Hồng Đức thái bình thiên, Đinh Mùi, Canh Tuất lưỡng khoa phật kinh liên kế;
        Kim Nam quận Đại An văn vật địa, Phạm Xá, Hưng Thịnh nhị xã thần miếu tương vương.
        (Xưa Hồng Đức triều Lê, trời thanh bình, Đinh Mùi, Canh Tuất hai khoa liền nhau đỗ đạt.
        Nay quận Đại An nước Nam, đất văn vật, Phạm Xá, Hưng Thịnh hai xã cùng thờ miếu thần). 

        Trước hiên đình có câu đối của Hoàng giáp La Ngạn Đỗ Huy Liêu (người làng La Ngạn, huyện Đại An nay là thôn La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện ý Yên, tỉnh Nam Đinh) như sau:
        Hồng Đức đương thiên huynh đệ bảng
        Nha thành thử địa cổ kim danh.
        (Anh em đề bảng thời Hồng Đức ấy,
        Muôn thuở lừng danh đất Nha Thành này).

        Nha Thành còn có tên là cửa Nha Ác. Vùng đất Hưng Thịnh, Phạm Xá xưa kia liên tiếp nhau chính là cửa biển Đại ác (sau đối là Đại An). Ngày nay hai làng này ngăn cách nhau bởi cửa sông Độc Bộ và thuộc hai huyện khác nhau: Hưng Thịnh thuộc xã Hoàng Nam của huyện Nghĩa Hưng, Phạm Xá thuộc xã Yên Nhân của huyện Ý Yên.

        3 - Hai anh em họ Phạm đều xuất thân là những vị đại khoa nhưng Phạm Bảo nổi tiếng về võ công hiển hách, Phạm Đạo Phú lại nổi tiếng có tài văn học. Ngay từ nhỏ Phạm Đạo Phú đã thông minh, học giỏi, có tiếng là làm từ phú hay. Năm Hồng Đức 21(1490) đỗ Tiến sĩ thì ngay năm sau (1491) ông được vua Lê Thánh Tông cho cùng về thăm Lam Kinh với một số quần thần khác. Trong chuyến đi này vua tôi cùng xướng hoạ thi ca, chép lại thành tập gọi là "Văn minh cổ xuý" . Phạm Đạo Phú có 6 bài thơ phụng hoạ trong tập này. Năm Hồng Đức 26(1495) vua Lê Thánh Tông thành lập Tao Đàn hội. Phạm Đạo Phú được chọn làm Hội viên chính thức. Nhân hai năm Quý Sửu (1493) và Giáp Dần (1494) được mùa liền, vua Lê Thánh Tông làm 9 bài thơ gọi là Quỳnh Uyển cửu ca, chọn 28 văn thần ứng với 28 ngôi sao trên trời phong làm Tao Đàn nhị thập bát tú, có nhiệm vụ phụng bình, phụng canh, phụng hoạ các bài thơ của vua. Hai mươi tám ngôi sao đó là: Giác, Khang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chuỷ, Sâm, Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Chương, Dực, Chẩn. Phạm Đạo Phú được xếp ở vị trí thứ 27 (tức là sao Dực) trong số 28 ngôi sao trên đàn văn chương này.

        Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ năm 1495 đến năm 1497) Tao Đàn hội vẫn được coi là một thi xã cung đình đầu tiên, có quy mô khá lớn ở nước ta. Tao Đàn hội do vua Lê Thánh Tông làm Nguyên suý. Các hội viên được chọn lọc trong hàng ngũ quan lại cao cấp, có học vị từ Đồng Tiến sĩ đến Trạng nguyên. Tôn chỉ mục đích của hội được nhà vua nói rõ trong bài Tựa và trong chùm thơ Quỳnh Uyển cửu ca. Tôn chỉ mang ý nghĩa chính trị và giáo dục sâu sắc, góp phần bảo vệ hoà bình và xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh. Hai vị Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận được phong là Phó nguyên suý. Ngoài 28 hội viên chính thức của hội, vua Lê Thánh Tông còn phong cho Trạng nguyên Lương Thế Vinh và Tiến sĩ Sái Thuận chức Tao Đàn sái phu, có nhiệm vụ "quét dọn" (biên tập) các sáng tác của hội. Cơ cấu của hội mang tính chất khoa học nhiều mặt: sáng tác, bình văn, thẩm văn, nhuận sắc văn. Tác phẩm chủ yếu của hội là Quỳnh Uyển cửu ca (Chín khúc ca trong vườn Quỳnh) gồm hơn hai trăm bài thơ xướng hoạ. Chín bài thơ xướng của Lê Thánh Tông có đầu đề là:
        - Sửu, Dần nhị tuế, bách cốc phong đăng hiệp vu ca vịnh ký kỳ thuỵ (Hai năm Sửu, Dần mùa màng tươi tốt, làm thơ phổ vào lời ca để ghi lại điềm lành ấy). Viết tắt là: Bách cốc phong đăng.
- Quân đạo (Đạo làm vua).
 - Thần tiết (Tiết tháo bề tôi).
 - Dư tĩnh toạ thâm cung hà tư cổ tích, quân minh thần lương, dữ đương kim cơ nghiệp chi thịnh, ngẫu thành nhất luật (Ta ngồi trong chính điện, nghĩ tới các bậc vua sáng tôi hiền ngày xưa và cơ nghiệp thịnh trị ngày nay, ngẫu nhiên làm một bài thơ). Viết tắt là : Quân minh thần lương.
        - Dư độc thư chi bạ, dao tưởng anh hiền, tự dư thi hoài triển chuyển, ngẫu thành nhất luật (Ta trong lúc đọc sách rỗi, nghĩ tới các bậc tài giỏi, ý thơ trăn trở, bỗng thành một bài thơ). Viết tắt là Dao tưởng anh hiền.
- Kỳ khí (Khí tiết kỳ diệu).
- Thư thảo hý thành (Đùa thành bài thơ về viết thảo).
- Văn nhân (Văn nhân).
- Mai hoa (Hoa mai).

        Tiến sĩ Phạm Đạo Phú làm đủ cả 9 bài thơ phụng hoạ các bài thơ xướng của vua Lê Thánh Tông. Phạm Đạo Phú là người duy nhất ở vùng đất Nam Định được mời làm hội viên chính thức của hội thơ nổi tiếng này. Nam Định còn có Trạng nguyên Lương Thế Vinh được phong làm Tao Đàn sái phu, nhưng không phải là hội viên chính thức của hội. Việc được Lê Thánh Tông, vị vua nổi tiếng tài đức chọn làm hội viên chính thức của Tao Đàn hội đã chứng tỏ Phạm Đạo Phú là người có tài có đức, đặc biệt về văn thơ. 

        Năm Cảnh Thống 1(1498) dựng bia Quang Thục thái hoàng thái hậu ở Lam Kinh, khắc bài thơ khóc bà của vua Lê Hiến Tông và thơ của 36 vị quần thần khác. Phạm Đạo Phú có một bài thơ được chọn khắc trong bia này. Bài thơ của ông tình cảm rất thống thiết, có câu:
        Xuất thổ quần sinh mộng ủ hú
        Bất thăng cảm đức lộ triêm cân.
        (Cõi đất muôn loài ơn ấp ủ
        Xót thương mến đức lệ trào khăn). 

        Sự nghiệp thơ văn của Phạm Đạo Phú còn lại không nhiều. Con cháu họ Phạm ở Phạm Xá còn lưu giữ được một tập thơ chiêu hồn bằng chữ Nôm chép lại vào năm 1913, đề là: "Do tướng công Phạm Đạo Phú soạn, Khiếu Năng Tĩnh viết lời bạt". Phần thơ xướng hoạ của ông còn 15 bài chép trong các sách Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xuý, Lê triều thi tập, Cúc Đường thi tập, Quỳnh Uyển cửu ca, Toàn Việt thi lục. 

        Thơ Phạm Đạo Phú lời lẽ giản dị, khiêm nhường, rất ít dùng điển cố. Hai vị Phó nguyên suý của Tao Đàn hội là Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận đã từng bình thơ ông là: "Phá, kết ý hảo. Dư diệc bình thường" (Câu mở đầu và câu kết có ý hay, ngoài ra bình thường). 

        Trong khuôn khổ của các bài thơ hoạ nguyên vận, các sáng tác của Phạm Đạo Phú cũng như của những Tao Đàn hội viên khác đều có hạn chế là khuôn sáo, cầu kỳ, tư tưởng tình cảm bị gò bó. Dẫu sao thơ ông vẫn mang những yếu tố tích cực nhất định. Đó là sự thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, tự hào về truyền thống vinh quang của ông cha, và nhất là sự quan tâm đến nhân dân, mong muốn cho dân giàu nước mạnh. Trong bài "Phụng hoạ ngự chế: Bách cốc phong đăng" ông đưa ra tiền đề:
        Tuế lũ kim nhương thượng thuỵ đẳng
        (Đã bao năm được mùa lúa vàng).
        Ở câu kết của bài này ông viết :
        Tứ dã nghiêu dân tư hạo hạo
        (Khắp chốn thôn dã dân lành vui vẻ hớn hở).

        Bài thơ đã diễn đạt rất đúng tâm trạng vui vẻ của người nông dân khi được mùa, thể hiện sự cảm thông của tác giả đối với nhân dân lao động. Không chỉ cảm thông với người nông dân mà ông còn ước mong cho dân có được đời sống yên ổn, thanh bình:
        Cửu tự cửu ca quân thánh hoá
        Khang cù kích nhưỡng lạc Nghiêu niên.
                                  (Bài Phụng hoạ ngự chế : Quân đạo )
        (Chín khúc ca vui là sự giáo hoá của bậc thánh nhân,
        Dân lành vui vẻ trong cảnh thái bình của vua Nghiêu).

        Triều đại vua Lê Thánh Tông là thời đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Thời kỳ này mọi mặt kinh tế, văn hoá, giáo dục... đều phát triển và có nhiều thành tựu đáng kể. Phạm Đạo Phú đã ca lên:
        Xuân hồi thảo mộc tân tiên nghiên,
        ...
        Đa hạnh tư thần phùng thánh đại,
        Nguy nguy hiếu trị nhật trung thiên.
       (Bài "Phụng hoạ ngự chế: Bái yết Sơn lăng cảm thành"
       
       (Xuân về cây cỏ thảy đều tươi,
        ...
        Vua sáng tôi hiền may mắn gặp,
        Xây nền hiếu trị vững muôn đời).

        Vua sáng, tôi hiền và nền hiếu trị là ước mơ mong muốn về một xã hội tốt đẹp của ông cũng như của nhân dân ta thời đó. Cho nên ông lấy làm sung sướng được là tôi hiền của vị vua sáng Lê Thánh Tông. 

        Giữa những bài thơ xướng hoạ thù tạc, ca ngợi vua, ca tụng chế độ phong kiến, mang tính chất khuôn sáo, gò bó, cầu kỳ... lại có được những ý thơ, những câu thơ, những bài thơ quan tâm đến đời sống nhân dân, thể hiện lòng yêu đất nước, yêu dân như của Phạm Đạo Phú là điều rất đáng quý. 

        Mặc dù thơ Phạm Đạo Phú chỉ còn rất ít, nhưng chỉ với những tác phẩm còn lại đó cũng đủ để ông xứng đáng được ghi nhận là một tác gia của dòng văn học bác học Việt Nam cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 mà lịch sử văn học nước ta không thể không nhắc đến ông.

                     Trần Mỹ Giống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét