Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

BẤT LỰC - NỖI HÃI SỢ CỦA ĐÀN ÔNG (Trích trong HỎI ĐÁP VỀ CHUYỆN KÍN CỦA ĐÀN ÔNG của Đặng Xuân Xuyến ; xuất bản năm 2008)




        Thắc mắc: - Thưa anh, nên hiểu đơn giản về bệnh bất lực của người đàn ông như thế nào?

        Giải đáp:
        Bất lực là gì? Là sự rối loạn cương dương khiến người đàn ông khó đạt được cương cứng hoặc mất (một phần hoặc hoàn toàn) khả năng duy trì dương vật trong trạng thái cương để có thể tiến hành hoạt động tình dục bình thường.


        Thắc mắc: - Thưa chú! Cháu là Đỗ Trần Nam, cháu đã 18 tuổi nhưng “cái ấy” của cháu không chịu cương cứng khi gần gũi với bạn gái. Cháu rất lo cháu bị bất lực. Chú có thể cho cháu biết nguyên nhân gây ra bệnh bất lực của người đàn ông được không? Cháu cám ơn!
        Giải đáp:
        Rối loạn tình dục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân về thể lực. Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, một số bệnh như bệnh đái tháo đường, hậu quả của những lần phẫu thuật ở bộ phận tuyến tiền liệt và trực tràng... có thể ngăn cản sự kích thích hưng phấn. Chức năng tuyến giáp bị hạn chế, rối loạn hoocmôn cũng làm giảm sự ham muốn tình dục.
        Chúng ta đọc lại quan điểm của bác sỹ Hồ Đắc Duy (Thái độ của vợ đối với chồng bị bất lực) để hiểu rõ hơn về những nguyên nhân bất lực trong vấn đề chăn gối của người đàn ông:
        “- Y học đã khám phá 75% bệnh nhân bị liệt dương đều có một nguyên nhân thực thể như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, xương khớp, do stress, lão hóa, rượu, thuốc lá hay thuốc men...
        - Nguyên nhân tâm lý thuần tuý chỉ chiếm 25%. Tuy nhiên, vấn đề tâm lý luôn là yếu tố quan trọng trong tất cả mọi nguyên nhân gây ra tình trạng bất lực tạm thời hay bất lực tuyệt đối. Thực tế cho thấy trong mọi nguyên nhân gây bất lực luôn luôn có đi kèm nguyên nhân tâm lý”.
        Đi tìm căn nguyên sự bất lực của người đàn ông trong sinh hoạt vợ chồng, các nhà khoa học tình dục còn liệt kê một loạt nguyên nhân khác:
        - Anh ta từng thất bại trong "chuyện ấy" nên lo sợ sẽ tái diễn tình trạng “khốn khổ” này.
        - Anh ta e ngại sẽ không làm cho vợ đạt tới cực khoái khi quan hệ.
        - Anh ta quá mệt mỏi vì công việc, vì stress trong cuộc sống nên không còn hứng thú với “chuyện vợ chồng”.
        - Anh ta thất vọng về cách ứng xử và hình thức của người bạn đời.
        - Anh ta mặc cảm về những lỗi lầm trong quá khứ, về những khiếm khuyết trên cơ thể mình...
        Tóm lại, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất lực của người đàn ông trong “chuyện vợ chồng”. Để “khôi phục” sức mạnh đàn ông không phải một sớm một chiều mà là cả một thời gian dài, với sự phối hợp tận tình, bền bỉ của người vợ.

        Thắc mắc: - Tôi nghe nói đối tượng dễ bị mắc bệnh bất lực là những người lao động trí óc hoặc người cao tuổi. Không biết như vậy có đúng không?
        Giải đáp:
        Tìm hiểu về nghề nghiệp của những “người đàn ông bất lực”, người ta thấy đầy đủ các tầng lớp, độ tuổi (nhưng phần nhiều ở lứa tuổi 40 trở đi)... trong xã hội nhưng trớ trêu một điều là những người thuộc diện “lao động trí óc”, những người làm công tác văn phòng, những nhà doanh nghiệp lại chiếm tỷ lệ mắc bệnh bất lực khá cao.
        Sự nhạy cảm, tính quyết đoán, lòng tự tin trong công việc của những người đàn ông này không giúp “sức mạnh nam nhi” của họ vượt trội, trái lại còn tiềm ẩn những nguy cơ làm giảm hưng phấn khi “gần gũi”, dẫn đến sự bất lực tạm thời, hoặc bất lực tuyệt đối về “chuyện ấy” khá trầm trọng so với những người đàn ông “ít dùng đến trí óc” trong công việc.
Công bằng mà nói, những người lao động trí óc, nhất là những nhà doanh nghiệp thường được xã hội quan tâm, trân trọng bởi những cống hiến của họ cho xã hội, thế nhưng, do làm việc trong môi trường mang tính cạnh tranh cao nên họ rất dễ rơi vào tình trạng tinh thần căng thẳng kéo dài. Quan niệm về một người khỏe mạnh phải được hiểu là người không bệnh tật, không âu lo, phiền muộn (stress), nhưng những người thuộc nhóm đối tượng này đâu có sự thoải mái về tinh thần? Chính những âu lo, trầm cảm - mà y học gọi chung là yếu tố tâm lý - đã chi phối, ảnh hưởng mạnh tới “chất lượng” của người đàn ông trong sinh hoạt vợ chồng.
Hơn nữa, với đặc tính của công việc, họ cũng rất dễ rơi vào tình trạng: mải miết với công việc mà sao nhãng việc chăm lo cho sức khỏe của mình; lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu... để “giải quyết” những căng thẳng của công việc nên dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, cao huyết áp... Tất cả những yếu tố đó đều là nguyên nhân gây nên sự sụt giảm ham muốn, dẫn đến việc “sinh hoạt vợ chồng” bị thất bại.

        Thắc mắc: - Vậy còn có những trường hợp khác, không nằm ở nhóm đối tượng trên không? Cụ thể điều tôi muốn hỏi là còn những nguyên nhân nào làm cho người đàn ông bị bất lực?
        Giải đáp:
        Một nguyên nhân nữa dẫn đến bất lực "chuyện ấy" của cánh mày râu là do sự thay đổi kích thích tố nam và kích thích tố nữ trong cơ thể người đàn ông. Khi người đàn ông bước vào ngưỡng tuổi 40 - 45, sự thay đổi về tâm sinh lý đã làm không ít người đàn ông "mạnh mẽ" phải giật mình lo sợ vì khả năng "chuyện ấy" của mình bị suy giảm trầm trọng.
Trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất lực của người đàn ông, người ta cũng nhắc tới thủ phạm là rượu, thuốc lá và những chất kích thích thần kinh khác như cafê, trà... thậm chí, tác động của quá khứ từ người hôn phối cũng làm cho "chuyện ấy" của cánh mày râu trở nên có "vấn đề".

        Thắc mắc: - Cháu muốn chú tư vấn giúp cháu: Có nên dùng viagra khi bị bệnh bất lực không? Cháu tin chú sẽ giúp cháu lời khuyên chuẩn xác vì cháu biết để trả câu hỏi của đọc giả, chú thường tra cứu tài liệu rất cẩn thận.
        Giải đáp:
        Tình trạng “Trên bảo dưới không nghe” đã làm ảnh hưởng tới “quyền uy” của nam giới. Họ thường giấu đi và tự tìm các loại thuốc để chữa trị. Viagra ra đời đã giúp được phần nào nam giới giải toả được những trắc trở của mình.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải người đàn ông nào cũng dùng được Viagra và đây không phải là loại thuốc để chữa bệnh. Viagra chỉ có hiệu quả đối với những trường hợp yếu sinh lý do thực thể, tâm lý hay phối hợp. Nó có tác dụng sau khi uống được 30 phút và kéo dài 4 giờ.
        Người sử dụng phải ở trong tình trạng đã được kích thích. Trường hợp người đàn ông ấy vẫn “lạnh băng”, không quan tâm đến tình dục thì uống nó không có tác dụng. Nếu người đàn ông bị bệnh tim và đang dùng thuốc có Nitrate, người bị cắt tiền liệt tuyến không được dùng loại thuốc này, vì nó sẽ nguy hại đến tính mạng. Những người bị bệnh huyết áp, viêm võng mạc sắc tố bị bệnh tiểu đường cần hỏi bác sỹ trước khi dùng.
        Khi dùng thuốc này sẽ có tác dụng phụ như: nhức đầu, mờ mắt, ăn khó tiêu…

        Thắc mắc: - Tôi bị bệnh bất lực nhưng không muốn cải thiện bằng món ăn, đồ uống vì nó rắc rối, phức tạp. Tôi muốn cải thiện bằng việc tập thể thao thường xuyên. Như vậy có nên không?
        Giải đáp:
        Các chuyên gia tâm lý và tình dục học đã đưa ra lời khuyên, tập luyện thể thao hàng ngày để có tác dụng ngăn ngừa và điều trị chứng bất lực ở nam giới.
        Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ về chứng bất lực ở nam giới tiến hành với 1700 người từ 40 - 70 tuổi, thì những người thường xuyên tập thể thao trong 4 năm liên tục được cải thiện tích cực đời sống tình dục, đặc biệt là đã khắc phục đáng kể chứng bất lực.
        Các chuyên gia này cũng đưa ra lời cảnh báo: không phải môn thể thao nào cũng có tác dụng tích cực trong quá trình cải thiện “năng lực đàn ông”. Điều quan trọng là phải lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng của mỗi người và tập luyện thường xuyên, ít nhất mỗi ngày 30 phút.

        Thắc mắc: - Tôi là vận động viên thể thao, môn đua xe đạp, có sức khỏe rất tốt nhưng không hiểu sao những lần gần đây, khi tôi và bạn gái “yêu” nhau thì cái ấy của tôi cứ mềm oặt, mặc dù tôi rất muốn ... Tại sao vậy hở anh? Có phải vì đặc trưng nào đó ở  nghề nghiệp của tôi?
        Giải đáp:
        Các nhà khoa học khuyên giới mày râu lên chọn các môn thể thao phù hợp như: đi bộ, chạy, bơi lội… nhưng lại cảnh báo cẩn thận với môn thể thao đua xe đạp. Các chuyên gia khẳng định, chấn thương khi đi xe đạp sẽ ảnh hưởng nặng nề đến khả năng cương cứng của người đàn ông.
Các nhà nghiên cứu (Mỹ) đã đưa ra kết quả điều tra cho các vận động viên đua xe đạp: Chứng bất lực của những vận động viên đua xe đạp đều bắt nguồn từ chính những chấn thương trong tập luyện thời trai trẻ. Chính những cú va đập dương vật vào ghi đông hoặc khung xe đã để lại hậu quả nặng nề trong đời sống tình dục của họ, cụ thể nhất là chứng rối loạn cương cứng. Họ còn cho rằng, ngay cả tư thế ngồi yên xe đạp trong một thời gian dài, trên những quãng đường ghồ ghề cũng khiến bộ phận cơ thể này của quý ông có nguy cơ tổn thương.

        Thắc mắc: - Vậy tôi có thể tập khí công để khắc phục chuyện “trên bảo dưới không nghe” được chứ? Anh có thể cung cấp cho tôi bài tập luyện khí công chữa bệnh bất lực được không?
        Giải đáp:
        Cổ nhân đã sáng tạo và vận dụng nhiều bài tập khí công giúp ích cho chuyện “phòng sự”, nhất là chứng bất lực. Trong thực tế thì một bài tập khí công hợp lý, niềm tin và sự kiên trì luyện tập có thể cải thiện được tình hình, thậm chí phục hồi hoàn toàn chức năng sinh lý của nam giới.
        Các chuyên gia Trung Quốc đã nghiên cứu ứng dụng của các bài tập khí công trên một nhóm bệnh nhân bất lực tuổi từ 25 - 48, người mắc bệnh lâu nhất là 10 năm, ít nhất là 1 năm. Chỉ sau 6 tháng luyện tập khí công, 58,3% đã khỏi hoàn toàn; 41,7% cải thiện tình trạng bệnh; không có trường hợp nào thất bại. Tập khí công không chỉ có lợi cho người bị bất lực mà còn có tác dụng điều trị hội chứng suy nhược thần kinh, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.
        Quá trình chuẩn bị:
        + Vệ sinh cá nhân
        + Chọn tư thế phù hợp nhất: ngồi hoặc nằm, tốt nhất là nằm ngửa trên giường, hai chân duỗi thẳng và hơi dạng tự nhiên, hai tay để xuôi theo thân mình hoặc đặt trên đùi. Toàn thân ở trạng thái duỗi mềm, tinh thần thư thái, thư giãn trong 3 -5 phút.
        - Thao tác: thực hiện các thao tác sau:
        + Hai mắt khép hờ, tập trung tâm ý vào Đan Điền (vùng dưới rốn) rồi từ từ chủ động thở ra bằng các cơ vùng bụng sao cho thành bụng càng ép sát lưng càng tốt. Sau đó chầm chậm hít vào hết cỡ, ngừng thở một lát rồi lại từ từ thở ra theo chu trình ban đầu. Thực hiện 3 chu trình như vậy gọi là ý thư Đan Điền.
        + Sau khi làm thao tác đầu tiên, vùng Đan Điền thường có cảm giác nóng lên. Lúc này lại tập trung Tâm ý hướng từ Đan Điền thẳng tới Mệnh Môn (điểm đối diện với rốn ở sau lưng, xác định bằng cách vạch một đường vòng từ rốn vòng ngang ra sau lưng). Thao tác này gọi là ý thư hội âm.
        + Có thể xuất hiện hiện tượng cương cứng lên hoặc có cảm giác muốn xuất tinh sau khi ý thư hội âm. Tiếp tục thực hiện thao tác gọi là luyện tinh hóa khí được đặc trưng bằng 4 chữ Hô, Thiếp, Đề , Bế.
        Ban đầu, cần ý thư đan điền rồi hướng tâm ý vào dương vật xuống hội âm, từ hội âm lại hướng xuống xương cùng cụt, đồng thời mím môi nghiến chặt răng, lưỡi áp sát hàm trên, duỗi cứng tay chân, nhín hậu môn. Sau đó tiếp tục hướng tâm ý từ xương cùng dọc theo cột sống hướng lên trên, vòng qua đầu tới Thượng Đan Điền (ở giữa hai mắt), lưu lại giây lát rồi lại trở lại Đan Điền (vùng dưới rốn). Thực hiện 3 chu trình như vậy.
        + Sau cùng là thao tác thư công, tập trung Tâm ý xung quanh Đan điền. Ban đầu, xoay từ trong ra ngoài, từ trái sang phải 36 vòng, sau đó ngược lại từ ngoài vào trong, từ phải sang trái 24 vòng. Kết thúc bằng động tác xoa tay và xoa mặt.

        Thắc mắc: - Thưa anh, thế vai trò trợ giúp của người vợ sẽ như thế nào khi người chồng mắc chứng bệnh bất lực?
        Giải đáp:
        Khi người chồng cảm thấy chứng bất lực bắt đầu tấn công mình thì cau có và mặc cảm với những yếu kém của mình. Lúc này, người vợ không nên vô tình chê bai mà phải làm sao để chồng an tâm rằng việc đó sẽ mau chóng qua đi. Hãy gần gũi, âu yếm vuốt ve mỗi khi hai vợ chồng “gần gũi” nhau. Tuyệt đối không làm cho chồng bị tự ái về sự suy yếu của mình, mà hãy làm đủ mọi cách để anh ấy tin rằng tình trạng đó chỉ là tạm thời.
        Người vợ cũng không ngần ngại gì nên khuyên chồng đến thăm bác sỹ để được khám xét và chỉ định thuốc. Tích cực hơn nữa là bạn nên mua một số loại thuốc bổ sinh lý cho anh ấy dùng.
        Chính sự chăm sóc đặc biệt, lời khích lệ của người vợ giúp chồng nhanh chóng dẹp bỏ được mặc cảm là một yếu tố cực kỳ quan trọng, anh ấy sẽ nhanh chóng lấy lại được “phong độ” của mình.
        Chúng ta biết rằng, não chỉ huy các hoạt động của cơ thể. Khi mọi chấn động về tinh thần phải được dẹp bỏ thì những ám ảnh bị bất lực mới chữa trị được. Nhất thiết người vợ phải làm bùng dậy nhiệt huyết tình dục nơi chồng, đừng e ngại bất cứ một cử chỉ gì có thể làm được vì ý chí của người chồng tác động trên hệ thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động nội tiết của tinh hoàn.
        Bàn về “Thái độ của vợ đối với chồng bị bất lực”, bác sỹ Hồ Đắc Duy viết: “Chia xẻ ước muốn tình dục với người hôn phối của mình là chuyện tự nhiên, cũng là sự tôn trọng lẫn nhau. Trao đổi để biết bạn tình của mình muốn hay không muốn điều gì trong quan hệ tình dục, còn hơn là thái độ chịu đựng lẫn nhau để dần dần xa lánh vì hiểu lầm, định kiến hay bất đồng quan niệm trong vấn đề chăn gối.”
        Các chuyên gia còn khẳng định: Trong số 100 người bị liệt dương, trên thực tế có đến 99 người hoàn toàn khoẻ mạnh. Nguyên nhân dẫn đến sự "trục trặc" là vì lo sợ thất bại và không thú thật với "người ấy" về sự căng thẳng xuất hiện trước khi "vào trận"; hoặc quá đơn điệu trong mỗi lần "sinh hoạt" vợ chồng, dẫn đến sự nhàm chán, từ đấy nảy sinh sự cáu bẳn, miễn cưỡng của "người xung trận", gây nên chứng rối loạn tình dục của người đàn ông.
                                                                                                
ĐẶNG XUÂN XUYẾN




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét