Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

SỰ THẬT LỊCH SỬ KHÔNG THỂ MINH ĐỊNH BẰNG HỒI ỨC VÀ HƯ CẤU / Nguyễn Mộng Nhưng


Tác giả Nguyễn Mông Nhưng


Tôi đã đọc nhiều lần bài "Có đúng Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng (quốc kỳ)" của ông Trần Mỹ Giống,  phản biện bài "Người để lại dấu son lịch sử" của ông Đỗ Phú Nhuận đăng trên tạp chí Văn Nhân số 117 năm 2018.

Tôi cho rằng những chứng cứ và lập luận của ông Trần Mỹ Giống là xác đáng, có tinh thần xây dựng. Bài phản biện của ông rất kịp thời, góp phần minh định nhân vật và sự kiện lịch sử.

Tôi xin cung cấp thêm tư liệu và có một số ý kiến:

1- Tôi đang có trong nhà 4 số tạp chí Hồn Việt liên quan đến tác quyền lá cờ đỏ sao vàng theo trình tự thời gian như sau:
- Hồn Việt số 26 (tháng 8-2009) có bài của Lê Tú Lệ "Chỉ cờ đỏ sao vàng ở lại". Bài viết thuật lại một số sự việc được nghe kể và khẳng định chắc chắn rằng: nhà cách mạng Lê Quang Sô, ở Mỹ Tho (ông nội tác giả) là người đã vẽ lá cờ đỏ sao vàng, lần đầu được sử dụng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

- Hồn Việt số 27 (tháng 9-2009) có bài "Ai là tác giả lá cờ đỏ sao vàng?" của tòa soạn Hồn Việt. Đáng chú ý là trong bài này, cùng với việc cho rằng chưa đủ căn cứ để khẳng định ông Lê Quang Sô là tác giả lá cờ đỏ sao vàng, Hồn Việt còn đăng công văn của bộ Văn hóa - Thông tin phúc đáp tờ trình của UBND tỉnh Hà Nam về việc công nhận ông Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ cờ Tổ quốc. Công văn của bộ VH-TT kết luận: "...Nói tóm lại, từ phân tích các nguồn tư liệu hiện có, bộ Văn hóa - Thông tin không thể minh chứng được đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc và, do vậy cũng không thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ ghi nhận công trạng này của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.

- Hồn Việt số 29 (tháng 11-2009) có bài "Ai là tác giả của lá quốc kỳ?" của Đỗ Phú Nhuận. Trong bài này Đỗ Phú Nhuận đã phản biện những ý kiến của tác giả Lê Tú Lệ và đưa ra những căn cứ khẳng định ông Nguyễn Hữu Tiến chính là người vẽ lá cờ đỏ sao vàng.

- Hồn Việt số 30 (tháng 12-2009) có bài "Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả Quốc kỳ" của Lê Ánh Đào, phản biện những luận cứ của Đỗ Phú Nhuận và khẳng định như trên. Đáng chú ý, trong bài viết này, tác giả Lê Ánh Đào đã đưa ra một chi tiết khá thú vị: "Tư liệu thành văn" đầu tiên ở nước ta khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả quốc kỳ chính là cuốn truyện Nguyễn Hữu Tiến của nhà văn Sơn Tùng do nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 1981. Thật trớ trêu, rất có thể các nhà viết sử địa phương đã đưa "tư liệu" quý này vào "Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn" (xuất bản năm 1991) và Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên thời kỳ 1930-1945 (xuất bản năm 1996)? Và những "tư liệu" này đã được ông Đỗ Phú Nhuận sử dụng làm căn cứ để khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả lá quốc kỳ (!)

2- Do không thể trao đổi trực tiếp với ông Đỗ Phú Nhuận, và ông Lê Quốc Lộc - cháu đích tôn nhà cách mạng Lê Quang Sô, người đã có ý kiến phản hồi trên blog tranmygiong và cả trên facebook nên, qua trang nhà tôi xin trình bày một số ý kiến như sau:

- Bài "Ai là tác giả lá quốc kỳ?" của Đỗ Phú Nhuận được viết và in sau 2 tháng Hồn Việt đã đăng Công văn của bộ VH-TT, trong đó có kết luận "chưa thể minh chứng được đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ cờ Tổ quốc...". Vậy ông Đỗ  Phú Nhuận có biết công văn đó không mà vẫn cố tình đưa ra những chứng cứ thiếu cơ sở khoa học, để khẳng định Nguyễn Hữu Tiến là người đã vẽ quốc kỳ?

- Mặc dù bài "Người để lại dấu son lịch sử" đăng trên Văn Nhân số 117 năm 2018 có khác đôi chút bài "Ai là tác giả lá quốc kỳ?" đăng trên Hồn Việt số 29 (tháng 11-2009), nhưng vẫn là những luận cứ cũ. Sau 9 năm, ông Đỗ Phú Nhuận lại gửi đăng (dù là ở báo địa phương), tiếp tục khẳng định và tuyên truyền Nguyễn Hữu Tiến là tác giả lá cờ Tổ quốc. Tôi cho rằng đây là một việc làm không thể gọi là sáng suốt.

- Việc không công nhận ông Nguyễn Hữu Tiến là tác giả lá quốc kỳ không có nghĩa là gián tiếp công nhận ông Lê Quang Sô là tác giả. Vì, những chi tiết làm căn cứ để bà Lê Tú Lệ (chị ông Lê Quốc Lộc) khẳng định ông Lê Quang Sô là tác giả cờ đỏ sao vàng, chỉ là nghe người khác kể lại, dù người đó là cha hay là những tên tuổi nào khác. Vậy ai là người đã vẽ mẫu lá cờ đỏ sao vàng (quốc kỳ) chúng ta còn phải chờ các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước xác định và công bố chính thức.

- Với tạp chí Văn Nhân, mặc dù đã có những thay đổi về nhân sự và cải tiến về thể lệ gửi bài, nhưng khi cho đăng bài của ông Đỗ Phú Nhuận, tôi cho rằng tạp chí Văn Nhân đã thiếu cẩn trọng và không cập nhật những thông tin cần thiết về sự thật lịch sử…

Thiết nghĩ: Việc có người thân vẽ lá quốc kỳ sẽ mang lại vinh dự cho một dòng họ, niềm tự hào cho một quê hương. Nhưng việc đó không phải là yếu tố quyết định vị thế, truyền thống của một dòng họ, lịch sử của một địa phương. Điều quan trọng là, thế hệ hiện tại có thể và cần phải viết nên lịch sử của mình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày chứ không phải chỉ nương tựa vào hồi quang của quá khứ.

Hải Trung, 11- 3 – 2018
   NGUYỄN MỘNG NHƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét