Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Kể chuyện bạn văn: KHÓC CƯỜI VỚI NGUYỄN DANH KHÔI (Bài đã đăng trên Văn Nghệ Công Nhân- HNV) / MAI TIẾN NGHỊ



Nhà văn Mai Tiến Nghị
        
        Mình với Danh Khôi cùng tuổi Giáp Ngọ. Biết nhau đã gần nửa thế kỷ. Gọi là biết vì ngày xưa, ở cái khoảng gần năm mươi năm trước hắn đã nổi tiếng. Nổi tiếng vì không được vào cấp ba nhưng hắn vẫn đến trường cấp ba. Không được vào lớp, hắn ngồi bên ngoài ngóng cổ vào lớp. Ngày nào cũng vậy. Rồi được thầy cô thương, hắn được vào học. Cái sự biết còn được củng cố vì ngày mình còn ở bộ đội, khi về phép gặp một anh hỏi có biết Khôi không? Vì ở Binh chủng Pháo Binh của anh, hắn cũng nổi tiếng vẽ giỏi, hát hay, viết văn, làm thơ, làm kịch và cả làm nhạc. Và khi mình đi bộ đội về dạy học thì lại thấy hắn nổi tiếng vì có căn nhà to vật những hai tầng, thời bấy giờ được thế là giàu lắm. Thì ra hắn ở Đức về.

        Nhưng đấy chỉ là biết chứ chưa thân. Cho đến khi gặp mặt đồng môn những năm chín mươi, hắn tương ra bài thơ tặng cả hội trong đó có câu: Nào đâu bọn Ngũ Hổ… thì thấy quý hắn (Mình ngày còn đi học nghịch có tiếng cùng bốn tay nữa nên được cả trường gán cho là bọn Ngũ Hổ). Đơn giản vì hắn vẫn nhớ đến mình. Hơn nữa, hắn lại là nhà văn. Được một nhà văn biết đến mình thì khoái lắm. Thế là thân. Và thích đọc văn của hắn, hy vọng biết đâu trong các truyện của hắn lại có cái gì mình có. Ngày ấy buồn cười vậy - để rồi mê văn hắn. Hễ có sáng tác mới lại đòi hắn cho đọc. Hắn cũng sẵn sàng chia sẻ. Chia sẻ những tình cảm và chia sẻ cả những hệ luỵ mà những trang viết là nguyên nhân để người ta vận vào.
        Gần nhau thì mới khám phá ra hắn cũng rất giống mình. Giống ở cái tính nóng nảy nhiều khi mất mặn mất nhạt, động tí là gầm lên. Việc gì mà phải nói bé! Có làm gì khuất tất đâu mà phải nói bé! Giống ở cái thích đọc, thích rượu, hay hát và cả hay… khóc. Ngồi với nhau uống rượu nghe hắn đọc văn, phân tích văn, thấy nhiều khi hắn vừa đọc vừa khóc. Mình cũng khóc. Cùng sụt sùi chảy nước mắt, không giấu giếm. Việc gì mà phải giấu! Có thương vụng nhớ thầm gì đâu mà phải giấu! Rồi cùng hát, nhiều khi vừa hát vừa khóc, nghêu ngao bổng trầm và giàn giụa nước mắt… Chả biết là nước mắt hay là rượu(!)
        Mình nghiệm ra rằng nhiều anh viết văn rất hay khóc. Hình như mấy ông làm thơ thì ít khóc hơn. Mà có điều rất lạ là khi nhìn Khôi khóc mình cứ như trông thấy cụ Nguyên Hồng vì cái dáng ngồi, bộ râu và cái nét... khóc hệt như ảnh cụ ấy.
        Đời viết của Khôi thì nhiều cái đáng khóc.
        Khôi đi lính 16 năm, hàm Trung úy pháo binh. Vì có văn tài nên được BTL binh chủng cử đi học Đại học Văn hóa, vào trường viết văn. Đâu chừng được mấy tháng thì bị out. Đau thế! Nguyên nhân cũng tại bản tính thật thà, bụng nghĩ thế nào thì nói ra mồm thế ấy.
        Chả là ngày ấy trong lớp cũng có một tay nữa là đồng đội. Lính tráng với nhau thì dễ cảm thông, dễ thành tri kỷ. Thế rồi trong một lần đồng cảm thật thà với nhau thì Khôi buột mồm bảo Đảng cũng như là một thứ tôn giáo... Ai ngờ ông đồng đội báo cáo lên cấp trên. Vậy là bị cho ra khỏi trường. Khôi khóc ròng bởi mộng ước cuộc đời có tấm bằng Đại học giờ đã tan thành mây khói. Giận bản thân mình nhưng Khôi không dám oán trách ông đồng đội đến nửa lời... (còn ông đồng đội giờ đã là Nhà Văn có số.) Bằng chứng là những lần nói chuyện với Khôi về ông này, mình vẫn thấy Khôi tỏ vẻ ngưỡng mộ lắm. Mình bảo lão ấy đểu bỏ mẹ, làm tan tành sự nghiệp của mày mà còn ngưỡng mộ nỗi gì thì Khôi bảo không phải đâu, không phải đâu. Tao sai... tao sai... Tại tao chứ không phải tại anh ấy- rồi rơm rớm nước mắt.
        Khởi nghiệp Văn... Khôi đã phải khóc ròng.
        Sẩy chân còn đỡ được chứ sẩy mồm thì không thể đỡ được. Lại về đơn vị cũ. Nhưng không thể tồn tại một sĩ quan như thế. Các Thủ trưởng đơn vị cũng xót xa: Đành vậy! Mồm nó nói ra thì thân nó phải chịu, cái gì thì có thể bênh được chứ vi phạm nhận thức thì không thể dung túng. Con đường công danh của Khôi thế là tịt mít. Thương đấy nhưng các thủ trưởng cũng chịu.
        Rồi các Thủ trưởng cũng tìm được cách an ủi Khôi. Hắn được đi lao động xuất khẩu tại Đức.
        Nhưng nghiệp viết vẫn đeo đẳng. Vậy là Khôi vẫn viết. Ở nước ngoài ngày đi làm, tối tối ra chợ mua vòng bi bằng tiền cóp nhặt để gửi về cho vợ. Đêm đêm ngồi viết. Những trang viết đau đáu nỗi đau đời, khắc khoải nhớ vợ con và nỗi nhớ những ngày tháng hào hùng trong quân ngũ. Vừa khóc vừa viết. Nhưng tuyệt nhiên không một chữ nào ý tứ oán trách ai. Có lẽ hắn sợ cái cơ hội cuối cùng bỏ sức lao động nơi xứ người kiếm đồng tiền lành lặn để gửi về cho vợ con cũng có thể bị tước bỏ...
        Về nước Khôi gom góp tất cả vốn liếng mua được tý đất, làm được cái nhà hai tầng cỡ 40 mét vuông cho mỗi sàn. Ngày ấy được vậy đã là hạnh phúc. Hai đứa con lớn lên, các khoản chi tiêu gia đình cần nhiều hơn mà chỉ có nhõn đồng lương dạy học của vợ. (Khôi phục viên không chế độ từ khi xuất khẩu lao động Đức.) Để tồn tại Khôi phải làm đủ mọi việc: chụp ảnh, quay camera, đánh máy thuê, đóng sách, vẽ quảng cáo… Nhưng thu nhập rất vớ vẩn.

Nhà văn Nguyễn Danh Khôi
          Cái sự vớ vẩn ấy xuất phát từ việc quan niệm ở thôn quê ngày ấy những gì không phải là thứ ăn mặc ở… đều được gắn từ “chơi”. Các công việc Khôi đang làm thành ra: chụp ảnh chơi , quay camera chơi, đánh máy mấy bài thơ chơi, đóng sách bày tủ chơi cho oai và cả viết văn để… đọc chơi. Ồ thì ra Khôi là vất vả chỉ để làm ra các thứ “chơi”. Mà đã là thứ chơi thì không tính giá trị bán mua…
        Nhiều ông quan mời Khôi đến quay phim mừng khánh thành, mừng giỗ Tổ, mừng đám cưới con… Khôi hớn hở lắm, cố gắng làm phim hay, lồng tiếng, viết và đọc lời bình rất chuyên nghiệp... mà lại làm băng từ chứ không kỹ thuật số như bây giờ. Thế mới tài! Không như mấy ông giăng biển quảng cáo lòe loẹt nào là làm phim chuyên nghiệp nhưng máy kỹ thuật số đưa vào vi tính nhoáng phát là xong rồi trong phim chỉ ghép nhạc vào để lấp liếm. (Nói thêm là ngoài tài viết ra thì Khôi còn có giọng đọc tuyệt vời. Có thể nói giọng đọc của Khôi còn hay hơn cả Nghệ sĩ ưu tú của Đài Nhà nước. Mình không nói ngoa, vì một lần có anh bạn làm biên tập ở Đài TNVN về chơi, mình mở video trong có lời bình do Khôi đọc. Anh bạn này nghe xong liền gọi ngay phát thanh viên trong ban của anh ấy vào bảo: Nghe đi, nghe đi… nghe mà học. Đấy phải đọc như thế… Thế mới là đọc.) Xong phim hí hửng đem đến quan. Quan hỉ hả xem phim gật gù rồi nắm tay Khôi lắc lấy lắc để: cảm ơn nhé. Tịnh không có một đồng công. Khôi hậm hực xót tiếc công sức bỏ ra mấy ngày tìm hiểu tư liệu, ghi ghi chép chép về viết lời bình, vài ngày lặn lội leo trèo quay camera, cả tuần dựng phim đọc ghép lời bình… ngậm ngùi ra về mà không dám đòi hỏi gì.
        Cũng bởi tính Khôi lành. To mồm nhưng cả nể.
        Hôm sau Khôi bảo mình: Quan nó nghĩ mình là dân vô nghề nghiệp, làm cho nó là làm chơi í mà, đãi mấy bữa rượu là xong. Thấp cổ bé miệng nhục vậy đấy mày ạ. Rồi thở dài, mắt rơm rớm nước...
        Đã vậy quan nọ bảo quan kia: tay Khôi nó quay phim hay lắm… Làm cái băng mà chơi! Vậy các quan thi nhau gọi Khôi mỗi khi nhà có việc. Khôi hăng hái làm và hy vọng… Nhưng rồi thất vọng toàn tập bởi ông trước bảo ông sau: chả phải tiền nong gì đâu! Làm chơi í mà. Hắn lại rơm rớm nước mắt bảo mình: Nhục thế đấy mày ạ. Mà… mà tao ngại đếch dám hỏi tiền… ngại chúng nó bảo mình vì tiền mà không biết trước sau trên dưới.
        Cũng may là mấy cái máy làm băng video của Khôi là máy scond hand nên nó mau hỏng… Chứ nếu nó bền bỉ nồi đồng cối đá thì không biết khi nào mới dứt ra được. Dứt ra được thì mới ngấm nỗi sợ. Sợ đến nỗi năm 2012 có ông bạn tặng cho một camera kỹ thuật số rất hiện đai, Khôi trả lại thẳng thừng: tôi khiếp cái món này rồi! Mặc cho ông bạn ra sức nì nèo nhận hộ cho tớ vui.
        Nhưng nghiệp viết thì không bỏ được. Viết thật chứ không phải viết chơi. Khôi âm thầm viết và đăng cả loạt truyện ngắn trên các báo Trung ương và địa phương. Nhuận bút ít ỏi có đáng là bao. Được đồng nhuận bút nào thì đãi bạn bè hết. Đến để đọc rồi bình… Lã Thanh An và mình khởi nghiệp văn chương và viết được cũng là từ những cái bữa rượu như vậy. Khi có mình và An cùng theo nghiệp giời đày như Khôi thì tự nhiên những cuộc gặp thành nhu cầu thường xuyên. Cứ hơn ngày không thấy mặt nhau đã nghe Khôi eo éo: Nghị ơi! An ơi! Tao nhớ chúng mày lắm. Nếu chúng mày không đến thì tao chết đây. Có khi trưa vừa rượu với nhau xong tối lại thấy nheo nhéo gọi: tao nhớ… Không đến thì Khôi chửi ngay: chúng mày khinh tao. Này thằng Nghị kia mày cậy mày có bằng Đại học à, mày là thầy giáo à. Tao còn cưỡi lên nhà giáo nhá… (vợ Khôi dạy cấp ba) Này thằng An kia, mày là em tao mày lên mặt biết chữ nho à. Mày chỉ thích xí xớn với mấy em sư trọc đầu rồi mày coi thường tao à. Đến. Đến ngay! (Chả là Lã Thanh An có nghề chuyên dạy chữ Hán Nôm cho các sư và các thầy cúng). Rồi hai thằng mình buộc phải đến hoặc kéo lão đến nhà mình. Lại chuyện trò thâu đêm đến tận gà gáy rồi say lử lả văng ra sàn nhà hiến máu từ thiện cho lũ muỗi. Đến nỗi ba bà vợ nhỏ to xầm xì nghi ngờ hình như ba lão này phải lòng nhau, hay là các lão đồng tính. Mà có dễ thế thật thật bởi có lão nào thiết gì đến vợ ở nhà.
        Đã làm không ra tiền, lại hay rượu, lại cắm cổ ngồi viết không để ý đến vợ con. Vợ về nhà hỏi chồng thì cái gì cũng không biết. Nhà đã túng lại có ông chồng mặt cứ đần thối… ngồi khóc cười như ma làm với nhân vật của mình thì vợ nào chả tức. Vậy là xảy chuyện. Thỉnh thoảng lại thấy Khôi giàn giụa nước mắt, miệng nấc ầng ậc: Nó cậy nó là Đại học, nó cao hơn trình độ tao. Tao là thằng đàn ông ăn bám… Nhục. Nhục quá mày ạ.
        Theo mình biết thì vợ con cũng có càu nhàu tý chút nhưng chưa bao giờ vợ Khôi có ý nghĩ như vậy. Thì ra cái việc đang học Đại học bị bỏ dở đã ám ảnh Khôi đến mức thành mặc cảm để lúc nào cũng thấy mình thua bạn bè, thua vợ con.
        Có lẽ do mặc cảm nên Khôi có xu hướng sống thu mình. Nhiều khi hắn đóng cửa vài ngày ngoài cửa treo biển không tiếp khách. Mình và Lã Thanh An thì ngoại lệ. Khôi nằm trong phòng, nghe tiếng bước chân mình hoặc An là biết và tự giác ra mở cửa. Trong căn buồng hẹp khoảng 9 mét vuông  hắn bày ra đủ thứ đồ dùng, máy tính máy in, đàn oocgan, ấm điện, chai lọ đựng rượu, dao xén… nhưng nhiều nhất là sách. Sách chất đầy trên kệ cao tới trần nhà, sách trên bàn viết, sách trên giường… Nhìn Khôi gầy nhom lọt thỏm trong không gian toàn là sách mà thương và phục hắn đọc nhiều viết nhiều. Nếu tính đầy đủ thì số đầu sách sáng tác của Khôi phải ngoài 20 cuốn dày dặn. Trong đó chỉ hơn chục cuốn là của các nhà xuất bản chính thống như Hội Nhà văn, Quân Đội, Thanh niên, Phụ nữ, Trẻ … còn lại là Khôi tự xuất bản. Cái việc tự xuất bản, tự in cũng theo quy trình rất thực dụng và hiện đại như các nước tiên tiến vẫn làm. Thoạt tiên mỗi đầu sách chỉ in cỡ mươi cuốn để phân phát cho bạn văn gần nhất. Sau đó lưu file trong máy. Bạn đọc xong cho phản hồi và từ đấy tuyên truyền bạn khác… nghe dư luận nếu thấy khen nhiều, người xin đọc nhiều… thì in thêm. Lý do tự xuất bản không phải vi phạm này nọ hay nhạy cảm nhạy kiếc gì (vì bài học xương máu nhỡn tiền chỉ vì một câu nói mà tan tành cả sự nghiệp vẫn còn đang ám ảnh) mà đơn giản là vì không có tiền chạy giấy phép xuất bản và không đủ tiền để in hàng loạt. Những quyển sách tự xuất bản tự in ấy cũng chỉn chu chả kém sách các công ty cũng bìa màu, mình họa đẹp, chữ nghĩa nội dung nghiêm cẩn.
        Theo mình biết thì Khôi có tới gần chục tập truyện ngắn, một tiểu thuyết, dăm cuốn cảm nhận phê bình, bốn tập thơ, hai tập nhạc và một số sách khác không kể sách in chung. Khôi làm thơ từ khi còn trong quân đội. Thơ ngày ấy hào hùng lắm, khí thế lắm nhưng mình không thích bởi nó thật thà đúng tính cách mấy anh văn xuôi làm thơ. Chỉ những tập thơ sau này khi chiêm nghiệm nhân tình thế thái thì thơ Khôi mới thực sự là hay và đẫm nỗi đời. Những bài thơ về cuối đời như thể Khôi đã biết trước được số phận, dự cảm cả thời khắc ra đi… Bây giờ đọc lên còn dựng tóc gáy. Kinh thế.
        Khôi làm nhạc khá. Rất lạ là sống ở Đức ba năm, chịu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây, thuộc nhiều bài hát nước ngoài nào là Mặt trời của tôi, Ma-ma, San-ta-lu-xi-o của Ý đến Tuổi trẻ sôi nổi, Chiều hải cảng của Nga, thỉnh thoảng Khôi hát lên bằng giọng ồ ồ kiểu ô- pê- ra nhưng ca khúc sáng tác của hắn lại đậm chất dân ca. Hát lên chỉ muốn khóc. Mình cũng võ vẽ sáng tác ca khúc phổ thơ của bạn bè trong đó phổ thơ Khôi hai bài. Khôi thích lắm. Mỗi lần mình hát thì hắn ngồi khóc. Hát càng to thì hắn khóc càng to. Mình hát đến cao trào thì hắn òa lên thành tiếng nức nở, nước mắt nước mũi giàn giụa… Những người ngồi cùng vừa thương vừa buồn cười bởi cái hợp âm hào hùng và ai oán… Khôi khóc thật sự không giấu giếm rồi hỉ mũi rột roẹt. Mình hát xong thì Khôi nhào đến hôn mình túi bụi như thể vợ chồng xa cách lâu ngày giờ mới gặp lại, những cái hôn đầy nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt lên má mình: Ôi giời… Ôi giời…Tài, cảm ơn mày… Mày tài. Sướng! Tao sướng quá… Mình bảo: mày mải khóc, có nghe đếch đâu mà bảo sướng. Khôi bảo tao nghe đấy chứ. Nghe thấy hay quá, thấy đúng nỗi niềm của tao, thấy hạnh phúc quá vì có người hiểu mình nên tao mới khóc.
        Thì ra khóc đấy là vui là mừng. Mình chợt nhận ra điều đơn giản: chọc cười thì rất dễ, người ta có thể cười trước một chuyện tiếu lâm vớ vẩn, cười vì câu nói tếu táo trong một vai hề…. Nó là sự thỏa mãn bên ngoài. Nhưng khi sự kỳ vọng, sự mừng rỡ, sự khao khát…bên trong được thỏa mãn đạt đến tột đỉnh thì người ta bật khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Những giọt nước mắt hạnh phúc chẳng đã được nhiều người nói đến hay sao. Nhìn Khôi khóc bởi hạnh phúc tự dưng mình rút ra một điều chả biết có đúng hay không: Viết gì thì viết. Hãy viết để độc giả khóc với trang viết của mình- có thể khóc vì đau, có thể khóc vì sự vui sướng. Thành công tác phẩm văn chương là ở chỗ ấy chứ không phải bởi sử dụng ngôn từ hoa mỹ hay những nỗi niềm bàng bạc... mà người viết đưa ra cốt là để khoe chữ, khoe viết có văn.
        Nhân tiện mình cũng kể thêm về một lần thu âm bài hát “Tại rượu mình ngon” thơ của Khôi, mình phổ nhạc, Lã Thanh An đơn ca (vì giọng An trong trẻo hơn, giọng mình khàn như vịt đực). Máy móc chuẩn bị xong, nhạc nổi lên An cất tiếng hát. Nhịp đúng phăm phắp. An hát câu đầu Khôi như bị thôi miên mắt mũi đờ đẫn… đến câu “Ngày mai ngày mốt có còn say không” thì Khôi bắt đầu khóc. Đến cao trào thì Khôi nức nở. Nhạc công bụm miệng không dám cười… đang hát ngoảnh lại nhìn thấy Khôi vậy thì An bị sặc… không thể hát được nữa. Ông ca sĩ vườn điên tiết dừng câu hát chửi ngay: Rõ cái đồ “xào khế”! Khóc vậy thì bố thằng nào hát được. Khôi im bặt lủi lủi ra ngoài góc sân ngồi im thin thít. An bảo tôi đếch hát nữa, ông Nghị vào mà hát. Mình đành vào hát. Thu xong rồi mở nghe lại Khôi mới dám vào. Hắn vừa nghe vừa khóc sau đó nhận xét: giọng mày khàn lại có cái hay hơn!
        (Câu “L… trâu xào khế” có điển tích từ truyện ngắn của Lã Thanh An. Mấy thằng mình sau này vẫn nói về sự dở hơi trái khoáy: “… xào khế” do bỏ hai âm trước đi vì sợ người ta bảo là tục tĩu.)
        Cũng do Khôi viết nhiều, viết có thương hiệu nên được anh chị em Nhà Văn ở Trung ương quý mến, nếu có dịp về Nam Định thì bao giờ cũng ghé qua thăm hỏi động viên. Những sự động viên thăm hỏi như vậy được anh em viết lách ở thôn quê rất trân trọng. Mình nhớ có một lần khoảng giữa năm 2013 nhà văn quân đội Nguyễn Thế Hùng ghé thăm. Lúc ấy Khôi đang ốm nằm lệt bệt, nghe thấy người nhà bảo có chú Hùng đến thăm thì nhổm dậy nức nở: Ối giời ối giời chú Hùng đấy à, về thăm anh à, quý hóa quá quý hóa quá. Mà sao tiến bộ nhanh thế đã Đại tá rồi cơ à… Đại tá về thăm thằng Trung úy thất nghiệp… quý quá quý quá… Khôi khóc như mưa làm cho Nguyễn Thế Hùng lúng túng. Mọi người cũng lúng túng, mình bảo mắt cập bờ lờ hay sao mà nhìn Đại úy thành Đại tá, thôi trật tự nói chuyện cho vui. Nhưng xem ra lời nói của mình không tác dụng. Ừ đại úy, tao nhầm, tao nhầm. Hùng ơi quý hóa quá… và càng khóc to hơn.
        Chợt Nguyễn Thế Hùng hô: Trung úy Nguyễn Danh Khôi!
        Khôi nhà ta như bị điện giật ưỡn thẳng người: Có!
        Nhà văn dõng dạc ra lệnh: Không được khóc!
        Khôi im tịt, không khóc nữa. Cuộc trò chuyện vui vẻ nhưng thỉnh thoảng Thế Hùng phải vãn hồi trật tự bằng khẩu lệnh: Trung úy Nguyễn Danh Khôi!- Có - Không được khóc!
        Lã Thanh An bảo với mình: Đúng là “xào khế”. Ra khỏi Quân đội mấy chục năm rồi mà vẫn nghiêm chỉnh chấp hành quân lệnh. Anh là Trung sĩ ra lệnh đời nào lão nghe, em Trung úy ngang hàng nói lão cũng còn chả nghe nữa là…
        Sau lần ấy Nguyễn Thế Hùng bảo mình viết một bài chân dung Nguyễn Danh Khôi. Mình sợ, viết chân dung về một người đang lành lặn nhỡ hắn cả nghĩ… thì mất vui. Vậy là thôi.
        Có lẽ Nguyễn Thế Hùng đã cảm thấy, nhiều người cũng cảm thấy và hình như cả Khôi cũng cảm thấy cái kết của thời gian trên cõi tạm đang đến gần đối với Khôi. Bởi vì thời gian này Khôi đã yếu, ăn chả mấy, thèm những thứ vớ vẩn và đặc biệt là rượu cũng uống ít đi.
         Sự suy sụp về sức khỏe có lẽ bắt đầu từ những đòn chí tử mà cuộc đời giáng thẳng vào kiếp nghiệp văn chương của Danh Khôi. Ngày đêm rút hết mình ra mà viết như thể chim yến rút cả máu huyết ra xây tổ nhưng lại luôn gặp những tai ách trên đời thì sức nào mà chịu thấu. Khôi kể do yêu cầu của NXB về thời gian, trong đêm khi viết những trang bản thảo cuối cùng của Tiểu thuyết “Cỏ và Cát” chợt nghe “phực” một cái trong đầu rồi chân tay rụng rời giời đất quay cuồng, Khôi gục xuống bàn bất động. Không biết bao lâu mới tỉnh lại, mở mắt nhìn cái gì cũng rặt màu đỏ, bên tai xoe xóe tiếng ve sầu… Kệ! Hắn gượng dạy cố viết đến trang cuối cùng để ngày hôm sau nộp bản thảo cho kịp thời gian.
        Rồi Khôi nằm bệt cả tháng. Vợ con ra sức thuốc thang. Nhờ giời cũng dần khỏe lại, dẫu trong đầu vẫn còn váng vất, bên tai vẫn còn rền rĩ tiếng ve.
        Cuộc đời lại giáng cho Khôi một nhát chí tử nữa vào đúng ngày trọng đại cưới con gái lớn. Đang hân hoan mừng hạnh phúc của con, chuẩn bị đưa con lên xe hoa về nhà chồng thì một nữ Hội viên mới- người đã được Khôi giới thiệu vào Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định- đưa cho một cái phong bì ngoài đề Hội VHNT tỉnh Nam Định gửi ông Nguyễn Danh Khôi.
        Ai cũng tưởng là Hội có quà mừng. Khôi mở phong bì ra: Quyết định của BCH khai trừ Nguyễn Danh Khôi khỏi hội Hội VHNT tỉnh! Một đòn chí tử giáng vào đầu ông bố vợ tội nghiệp.
        Người ta hỏi: Hội mừng à? Khôi ậm ừ rằng mừng… mừng… nhưng len lén giấu cái quyết định rồi cắn răng gạt cái sự khốn nạn ấy sang một bên. Bên ngoài vẫn tỏ ra vui vẻ để tiễn con về nhà chồng cho trọn vẹn. (Mà sao lúc bấy giờ hắn lý trí đến thế. Có lẽ vì sự thương con đã vượt lên trên cả những khốn nạn của cuộc đời.)  Xong việc khi mọi người vẫn còn đang hân hoan thì Khôi vào phòng khóa trái cửa...
        Mình biết lúc ấy Khôi sốc nặng nên không dám hỏi. Và Khôi cũng không kể với ai. Lúc ấy mình chưa vào Hội nên không rõ sự tình, sau mình tìm hiểu mới biết: Khôi cùng một số Hội viên Hội VHNT tỉnh ký vào một bản kiến nghị ông Chủ tịch Hội ngày ấy yêu cầu làm rõ khoản tiền gì gì đấy có dấu hiệu biển thủ. (Việc này các báo lúc ấy đã nói nhiều, đến bây giờ hơn 10 năm qua hai đời Chủ tịch Hội rồi vẫn còn Hội viên đòi giải trình). Thế là người ta phang lại bằng mọi cách, thậm chí còn cho một tay Hội viên khá bặm trợn đuổi theo Khôi đến tận cầu Đò Quan đòi xin tí tiết… (Tay này khóa sau bị khai trừ vì tội xuống cơ sở tống tiền, làm ầm ĩ dư luận một hồi)  Họ cố tìm ra tội của Khôi để tận diệt. Nhưng Khôi chả có tội gì ngoài tội viết nhiều và viết hay, một năm mấy lần được các Báo, Hội ở Trung ương mời dự trại. Mất mấy tháng người ta mới kiếm cớ gán cho Khôi hai tội: Tội thứ nhất là uống rượu say dự họp bộ môn; Tội thứ hai là viết văn hộ một Hội viên khác.
        Cái tội thứ nhất là tội phổ biến, có lẽ gán vào ông nào cũng được. Thường thường mấy ông văn xuôi mà viết được được đa phần đều uống được rượu. Đến Hội gặp chiến hữu bạn bè chén ra chén vào cởi lòng cởi dạ mấy ông không say. Nhưng vẫn là tội. (!) Ghi biên bản hẳn hoi.
        Còn tội viết văn hộ? Sự thể là thế này: có thể nói những người viết được ở Hải Hậu đa phần đều nhận được sự chỉ bảo tận tình của Khôi. Ngay cả mình và Lã Thanh An cũng vậy. Chính Khôi là người phát hiện ra mình và Lã Thanh An, Khôi là người dắt bọn mình từ những bước chập chững ban đầu đến với văn chương. Những ngày đầu ấy, Khôi thường đọc các bản thảo của mình và phê phán quyết liệt như một ông giáo già khó tính. Chỗ nào hay thì vỗ đùi khen, chỗ nào dở thì chửi “ngu” một cách thẳng thừng, Khôi chi ly từ cách đặt câu, từng dấu phảy, phê phán đến mất mặn mất nhạt. Bọn mình trưởng thành đến hôm nay là nhờ sự chỉ dẫn ấy của Khôi.
         Mình nhớ có lần An vừa đi xe máy vừa khóc đến gõ cửa nhà mình. Hỏi sao mà khóc? An bảo lão Khôi lão ấy “xào khế” bỏ xừ… lão í vừa chửi em, hai thằng suýt đánh nhau. Sao lại đánh nhau? Kể rằng An nhà ta có bài thơ “Thư cho con” nói về nỗi niềm của hắn khi con đang học Đại học nhắn về xin tiền trong đó có câu: “Không có tiền đành gửi tép khô đi/ Và gửi kèm cho con mấy chữ? Tôi cắn bút viết câu đang tư lự: con cứ yên tâm bố bỏ viết văn rồi!” (Mình nhớ đại loại thế). Mọi người đều khen. Mình cũng thích. Nhưng đưa cho Khôi đọc thì Khôi đã không khen lại còn chì chiết: “Cái đồ “xào khế”… Ông tài quá rồi. Giờ ông là bố thiên hạ rồi, ông xưng bố với thiên hạ.” Thì ra Khôi dị ứng với câu: Con cứ yên tâm bố bỏ viết văn rồi. An cãi: đây là tôi nói với con tôi. Khôi bảo viết cho người đọc phải tôn trọng người đọc, xưng bố với người ta mà được à. Vậy là cãi nhau suýt choảng nhau rồi cả hai cùng khóc. Kể chuyện này để nói sự chỉn chu, sự tôn trọng người đọc của Khôi có ảnh hưởng tích cực đến bạn viết như thế nào. (Dĩ nhiên hôm sau An lại rủ mình xuống để làm lành với Khôi bởi vì bọn mình cãi nhau giận nhau là chuyện bình thường nhưng chưa bao giờ giận nhau sang tới ngày thứ ba. Những lần sau nhắc đến mấy câu thơ ấy là hai lão lại ngấm nguýt. Buồn cười thế.)
        Đối với bộ ba bọn mình thì thế được, nhưng những người khác trong trường hợp tương tự thì lại để bụng, họ cho là bị Khôi xúc phạm và tìm cách trả miếng. Những người này không hiếm lắm.
        Lập tức cánh định tấn công lại Khôi tìm được một nhân vật như vậy. Tay này đứng ra tố cáo Khôi viết hộ văn. Câu chuyện là như thế này: Có một Hội viên nhờ Khôi đọc hộ một truyện ngắn của ông ta rồi đánh máy hộ vì ông này tuổi cao không biết vi tính. Cốt truyện hay nhưng khai thác xử lý bố cục không tốt lắm nên Khôi có sửa lại cắt dán đoạn nọ lên trên đoạn kia, sửa lỗi câu, sửa một số từ… và truyện ngắn ấy được đăng. Ông bạn trân trọng cái sự sửa sang ấy nên khi người ta khen truyện hay thì ông ta thật thà bảo có phải tôi viết được vậy đâu, nhờ Danh Khôi đấy chứ.
         Ai ngờ cái tay hèn hạ kia lấy đấy làm bằng chứng tố cáo Khôi viết hộ văn.
        Với hai tội như vậy người ta vội vã ra quyết định khai trừ Khôi. Họ chọn đúng cô Hội viên mới- người được Khôi giới thiệu kết nạp- yêu cầu phải đưa quyết định đúng lúc chuẩn bị đưa dâu trong đám cưới con gái Khôi.(!)
        Lạ một điều nếu theo tố cáo ấy thì người được viết hộ đáng ra cũng bị kỷ luật nhưng lại vô can không sao, chỉ mình Khôi bị khai trừ.
        Khi mình hỏi lại Khôi. Khôi xác nhận sự thể đúng như vậy. Mình bảo đau lắm hả? Khôi lặng im rồi thẫn thờ nói mỗi câu: Lúc nào tao cũng nghĩ Hội VHNT tỉnh là đền thiêng… Nhưng cánh thủ từ là văn nghệ sĩ sao lại hèn thế! Ác thế!
        Lạ một điều nữa: Không thấy Khôi khóc. Có lẽ sự thất vọng lớn hơn cả nỗi đau!
        Rồi Khôi làm đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Với những sáng tác đã trình làng, với những giải thưởng đã được trao… ai cũng nghĩ rằng Khôi xứng đáng. Khôi cũng đã cẩn thận nhờ một ông anh là Phó Tổng tạp chí của một ngành có số má trong Hội lop-bi giúp vì Khôi sợ rằng trên Ban Chấp hành có nhiều người chưa biết đến mình. Ông anh nhiệt tình hứa như đinh đóng cột rằng yên tâm, yên tâm… Khôi sốt ruột lắm. Sự sốt ruột của Khôi lây sang mình, đến nỗi lần nào gặp nhau mình cũng hỏi kết quả đến đâu rồi. Khôi đều bảo không thấy tin gì. Mình bảo vậy thì điện lên hỏi xem. Khôi a lô lên ông anh thì được nghe tiếng gắt gỏng… đúng hơn là một câu chửi khá to đến mức mình cũng nghe thấy: Ông là bố người ta à. Thời buổi này đứa nào mà lại chỉ uống nước lã để đi nói hộ ông!
        Khôi đần mặt buông máy: Tao cứ tưởng…
        Nhìn mặt hắn lúc ấy u ám khó tả lắm. Hình như có cả sự thất vọng, sự xót xa, sự tiếc nuối. Khôi buông một hơi thở dài… nhưng không khóc! Mình nghe mà não ruột.
        Từ đấy trở đi sức khỏe của Khôi bắt đầu suy sụp nhanh kinh khủng.
        Dẫu sức khỏe yếu nhưng Khôi vẫn làm việc. Vẫn đọc và góp ý với bạn viết rồi cắm cúi viết lời giới thiệu sách cho bạn. Có lẽ đối với Khôi thì tình yêu với văn chương luôn thường trực trong tim. Đối với người thân còn có lúc hờn giận nhưng đối với văn chương thì chưa bao giờ tỏ ra lơ là trách nhiệm. Đến cuối năm 2013 thì Khôi đã yếu lắm, không viết được văn xuôi nữa thì làm thơ… những vần thơ chiêm nghiệm cuộc đời vừa xa xót vừa hy vọng. Khôi bảo viết văn xuôi như anh đi cày còn làm thơ như nấu rượu chưng cất cái tinh túy của đất giời, của mọi nẻo trong tâm hồn con người. Những bài thơ ấy bây giờ đọc lên chợt thấy cái sự kỳ lạ của tâm thức người viết, y như người viết đã dự cảm biết trước được số phận và cái kết khắc nghiệt của cuộc đời mình.
        Khôi có một bản Khổng Minh Thần số gồm 384 quẻ bói do cụ thân sinh chép tay để lại. Khôi đánh máy rất cẩn thận in thành ba bản cho ba thằng mình. Tết năm 2014 mình và Khôi mở Khổng Minh Thần Số để bói chơi. Khôi được một quẻ rất sáng sủa nói lên sự hanh thông:   “…Đường hoàng thẳng tiến mây xanh. Gặp thời nhẹ bước công danh có phần”. Mình xem xong thì thấy sợ sợ nhưng không dám nói ra vì rằng Khôi đang ốm lệt bệt thế này lại tiến mây xanh… Nhưng Khôi lại tỏ ra thích thú: Vậy chắc là khỏi bệnh, sẽ khỏe lại yên tâm rồi. Uống mừng nào và rót rượu hai thằng chạm cốc… Sau này mình nghĩ lại thì ra Khôi cũng có linh cảm như mình nhưng cố làm ra vẻ lạc quan để trấn an mọi người. Thương thế!
        Tết xong chừng non tháng thì Khôi chuyển bệnh nặng. Nhớ tối hôm ấy đến nhà Khôi, không thấy ai ở nhà, hàng xóm bảo chú ấy đi viện. Mình ra thăm thấy vẫn tỉnh táo. Khôi còn bảo về đi tao không việc gì đâu. Nhưng đến hôm sau thì gia đình phải đưa Khôi lên tuyến trên điều trị vì sức khỏe đã kiệt quệ lắm rồi.
        Hàng tháng điều trị trên bệnh viện tuyến trên, vợ con Khôi ra sức chạy chữa. Rồi Khôi cũng được về nhà… nhưng phải về trong trạng thái chờ…
        Đêm hôm ấy Khôi như người phát phiền. Mọi người đều có mặt và đều có cảm giác hình như cái thời khắc phải đến nó đang đến. Nhìn đôi môi nhợt nhạt và khô khốc của Khôi mọi người nghĩ rằng Khôi đang khát, vợ Khôi lấy nước cam cho anh. Nhưng Khôi nhè ra. Lã Thanh An chợt nghĩ hay Khôi thèm rượu. An nhà ta chấm ngón tay vào chén rượu rồi đưa lên đôi môi khô khát ấy. Khôi há miệng đón lấy, đưa lưỡi lún lún chút hương vị rượu trên ngón tay An. Vậy là An lấy thìa nhỏ xúc rượu bón từng giọt từng giọt. Khuôn mặt Khôi dãn ra sau khi miệng nhận được khoảng mươi giọt rượu. Cũng chỉ vậy thôi.
        Theo Giáo lý nhà Phật thì giờ phút hấp hối cực kỳ quan trọng đối với người sắp rời xa dương thế. Cận tử nghiệp sẽ quyết định nghiệp lành hay nghiệp dữ của kiếp sau. Với những người có nhiều u uất lúc sinh thời thì lúc sắp ra đi thường có những tiếc nuối, oán trách... ra đi không thanh thản thì kiếp sau sẽ gặp nghiệp dữ. Lã Thanh An rất rành điều này. Phải làm sao cho người sắp ra đi quên đi tất cả những muộn phiền: Anh Khôi ơi. Em hát cho anh nghe bài hát của chúng mình:
                Tại rượu mình ngon
                Cho ta dại dột
                Ngày mai ngày mốt
                Có còn say không?
                Ngày mai ngày mốt có còn say không?
                Bống bống bồng bồng
                Ai ru tôi ngủ
                Bao giờ rượu đủ
                Cho vơi lặng thầm
                Bao giờ rượu đủ cho vơi lặng thầm.
        An vừa hát vừa khóc. Khôi lặng im nghe.
        Đó là bài hát “Tại rượu mình ngon” mình phổ thơ của Khôi. Mấy năm trước thu âm An từ chối không hát vì Khôi khóc. Bây giờ An vừa hát vừa khóc nức nở, hát mà nấc nghẹn, miệng hát mà nước mắt giàn giụa. Người nghe nằm bất động, mắt nhắm nghiền nhưng từ đuôi mắt ứa ra hai dòng lệ.
                Tại rượu mình ngon
                Cho ta dại dột
        Ôi kiếp nghiệp và sự đọa đày của kiếp nghiệp. Phải chăng từ những năm 85-86 Khôi đã ý thức được nó mà làm bài thơ này. Đối với Khôi thì văn chương là thứ rượu ngon của cuộc đời. Khôi say nó đến đam mê rồi nghiện đến mức không dứt ra được, rồi đắm chìm vào nó và bị vùi dập bởi nhân danh nó.
        Nếu không buộc phải bỏ dở cái Đại học văn chương rất có thể với sự đam mê, với tài năng của Khôi thì biết đâu bây giờ đã là một Nhà văn tên tuổi có số má hẳn hoi.
        Cũng chỉ vì cái sự khởi đầu khốn nạn ấy mà Khôi mặc cảm. Nhưng dù vậy Khôi vẫn cố vươn lên để khẳng định mình. Đừng nghĩ Khôi phấn đấu để lấy cái danh. Mỗi lần bị đánh, Khôi ê chề đau đớn nhưng sau đó lại gượng đứng dậy quyết khẳng định bản thân: Tôi vươn lên cho dù cuộc đời không ưu ái. Trong hoàn cảnh khốn nạn đến cùng cực tôi vẫn giữ trọn niềm đam mê và tôi phải thành công. Chưa khi nào Khôi đầu hàng trước hoàn cảnh. Bị vùi dập đến mức đáng khóc nhất thì cố nuốt nước mắt để nó lặn vào trong, vẫn giữ cho mình tâm thế là một văn nhân đúng nghĩa. Bị đối xử không công bằng, bị đe dọa cả đến tính mạng mà vẫn giữ được cốt cách của kẻ sĩ.      
        Để bây giờ khi đang trở về với mẹ theo tiếng gọi lời ru của mẹ, Khôi vẫn đau đáu niềm đam mê văn chương “Bao giờ rượu đủ cho vơi lặng thầm”.
        Viết đến đây tôi chợt nhớ ra Khôi đã có lần tâm sự: Ngày tao về nước, một thằng bạn lúc ấy đã làm cán bộ tổ chức của quân chủng bảo chi ra vài chỉ để nó lo cho trở lại Quân đội với hàm cao hơn cái cấp bậc Trung úy mà Khôi đã từng có (Năm 87-88). Khôi nghĩ nếu người ta cho trở lại vô tư thì tốt còn không thì Khôi vẫn là Khôi, Khôi đi lên bằng nội lực không bao giờ mua bán sự nghiệp đời mình.
        Nếu ngày ấy Khôi làm như lời ông bạn…
        Khôi tuổi Giáp Ngọ- Giáp biến vi Điền. Ngày về nước đang thời kỳ bao cấp khó khăn, nhà đất trung tâm Hà Nội chỉ khoảng vài cây vàng. Nếu thích có thể lo được, nhưng Khôi kiên quyết về quê để gần vợ con và có đất để sáng tác.
        Nếu ngày ấy Khôi ở Thủ đô…
        Có thể nói Khôi hết lòng vì sự đam mê văn chương. Đam mê ấy trở thành kiếp nghiệp, như thứ ma túy… để dám quên, dám bỏ hết tất cả để suốt đời vì nó.
       
        An hát nhòe cả tiếng đến không thể hát được nữa, Khôi vẫn còn trăn trở.
        Biết được nỗi day dứt của Khôi, An khàn khàn bảo: Quên hết đi. Quẳng hết đi cho thanh thản anh Khôi ơi!
        Khôi nằm im…
        Hình như tất cả vẫn chưa đủ. Có lẽ không có gì bù đắp nổi những thiệt thòi cho Khôi.
        Nguyễn Danh Khôi đi lúc 10 giờ sáng hôm sau. Dừng nỗi đam mê suốt chặng đường sáu mươi năm cộng bảy ngày trên trần thế.
        Hôm nay ngồi viết những dòng này chợt nhớ mấy câu của Khôi, mình cũng không dám chắc có phải là thơ:
        “Thôi thì ta cười một trận
        Thôi thì ta khóc một phen
        Gió mưa rồi mai sẽ tạnh
        Quên đi mọi nỗi ưu phiền.”
        Khôi đã về nơi an lạc. Nhưng với mình vẫn hiển hiện một Nguyễn Danh Khôi bằng xương bằng  thịt, vẹn nguyên những nỗi khóc cười…
        Vậy mà đã sắp ba năm! Khôi ơi!

                  Hải Hậu Nam Định 15/01/2017
                             Mai Tiến Nghị


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét