Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

VỀ SỰ TÙY TIỆN HƯ CẤU NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ NHỮNG HỆ LỤY. Phần 1: Hệ lụy DƯƠNG VÂN NGA / Lê Tú Lệ *




        Lời mở:
Tác giả Lê Tú Lệ
        Sau khi phần 2 bản tham luận của tác giả Lê Tú Lệ (Nguyễn Hữu Tiến truyện và hệ lụy) lên trang, một số bạn bè yêu cầu tôi đăng cả phần 1 của bản tham luận này trong Hội thảo khoa học "Quan điểm Văn hóa Nghệ thuật cũng là một mặt trận của HCM trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay" do Liên hiệp các Hội VHNT TP. HCM tổ chức tại T.78 ngày 17/12/2009. Hôm nay xin lên trang thỏa mãn bạn bè.


        Trong sáng tác văn học, nghệ thuật, đề tài lịch sử luôn là mảnh đất màu mỡ cho các văn nghệ sĩ khai thác. Bằng khả năng cảm thụ nhạy cảm, sức sáng tạo thiên phú cộng với năng lực nội sinh của mình, các nhà văn, nhà thơ, soạn giả, biên kịch đã tìm tòi, nắm bắt vấn đề lịch sử, sự kiện lịch sử kể cả dã sử mà mình tâm đắc để khai thác, xây dựng tác phẩm. Bạn đọc Việt Nam hẳn không xa lạ gì với những tác phẩm văn học kinh điển đề tài lịch sử của Trung Quốc đã trở thành món ăn tinh thần từ nhiều đời, có sức sống vượt thời gian và không gian như Tam quốc chí của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am hay Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long… Tuy Việt Nam ta chưa có những tác phẩm tầm cỡ như vậy nhưng văn học, nghệ thuật đương đại cũng có vô số tác phẩm đề tài lịch sử đã được công chứng độc giả đón nhận, tán thưởng như các cuốn truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Một trăm năm cũ của Hoàng Khởi Phong… hoặc những vở diễn sân khấu như Tiếng trống Mê Linh (cải lương) của Việt Dung và Vĩnh Điền, Câu thơ yên ngựa (cải lương) của Ngọc Văn, Minh Quân, Chắp cánh chim bằng (cải lương) của Trần Hà và Thế Châu, Dũng khí Đặng Đại Độ (hát bội) của Đinh Bằng Phi, Chất ngọc không tan (hát bội) của Trương Huyền v.v. và v.v… Những tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài lịch sử luôn đồng hành cùng nền văn học nghệ thuật dân tộc trong mỗi chặng đường phát triển của lịch sử đất nước. Nó không chỉ chứa đựng các chức năng thuần túy của văn học nghệ thuật nói chung mà còn là phương tiện hữu hiệu để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, vu bồi các giá trị đạo đức xã hội. Tiếc thay, trong những “sứ giả” của chân - thiện - mỹ hiện nay, không ít người đã xem nhẹ vấn đề này, tùy tiện sáng tác ra những tác phẩm đề tài lịch sử một cách thiếu thận trọng, thậm chí xuyên tạc lịch sử, bóp méo lịch sử. Nghiêm trọng hơn còn có những cây bút cố tình sử dụng điển tích, sử tích vào những ý đồ độc địa trong tác phẩm của mình để chống lại lợi ích dân tộc, phủ nhận quá khứ, phủ nhận thành quả cách mạng mà biết bao xương máu của các thế hệ cha ông đi trước đã đổ ra. Trên mặt trận không tiếng sung này, mảng văn học nghệ thuật đề tài lịch sử cũng đang là một chiến trường nóng bỏng.
        Một tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử trước hết phải có nhân vật lịch sử gắn liền với sự kiện lịch sử, sau đó mới đến sáng tạo của tác giả thông qua ngôn ngữ văn học. Nếu ví tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử là một ngôi nhà thì nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử chính là bộ khung sắt thép để định hình cấu trúc của ngôi nhà ấy, còn sáng tạo văn học là các loại nguyên liệu xi măng, cát, gạch, ngói… để biến bộ khung vô hồn thành một ngôi nhà thực sự với trăm nghìn kiểu dáng khác nhau. Nói cách khác, tác giả bằng sáng tạo nghệ thuật của mình làm cho nhân vật và sự kiện lịch sử sống lại cùng với chúng ta. Vấn đề là những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử ấy “sống” như thế nào, có “sống” như đã từng “sống” trong ký ức của số đông đã được minh định từ nhiều thế hệ hay “sống” theo kiểu sáng tạo riêng biệt của tác giả. Trên thực tế có rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử dù chủ yếu chỉ minh học cho ký ức lịch sử số đông nhưng bằng sáng tạo văn học của mình, các tác giả đã thổi hồn vào một cách sinh động, tài tình làm rung động lòng người. Cũng có không ít tác phẩm được sáng tạo theo cách mà nhân vật cùng sự kiện lịch sử chỉ là cái cớ để tác giả truyền tải những thông điệp tư tưởng của mình đến công chúng bạn đọc, thậm chí có những tác phẩm chỉ để khẳng định cái tôi sáng tạo của mình mà bất chấp sự thật lịch sử, bóp méo sự thật lịch sử. Sự tùy tiện có chủ ý hoặc không có chủ ý này đều gây ra những hậu quả xấu cho xã hội, làm sai lệch nhận thức của công chúng, góp phần làm biến dạng lịch sử. Điển hình cho thấy sự tùy tiện của việc hư cấu nhân vật lịch sử đã chi phối nhận thức xã hội một cách “ngoạn mục” là vở chèo – cải lương Thái hậu Dương Vân Nga của soạn giả Trúc Đường và cuốn truyện Nguyễn Hữu Tiến của nhà văn Sơn Tùng.
        Trong vở chèo Thái hậu Dương Vân Nga của soạn giả Trúc Đường (sau được tác giả Huy Trường chuyển thể thành vở cải lương đình đám một thời ở thành phố Hồ Chí Minh) tác giả đặt cho Thái hậu Dương Thị một cái tên văn nghệ là Dương Vân Nga. Theo chính sử thì Thái hậu Dương Thị là vợ của hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn mặc dù nhiều nhà sử học như Lã Duy Lan, Phan Duy Kha, Đinh Công Vĩ trong cuốn “Nhìn lại lịch sử” còn chứng minh bà là vợ của ba vua chứ không phải hai vua. Theo những nhà sử học này, khi bình loạn mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã giết chết Hậu Ngô vương Xương Văn và lấy Dương Thị - vợ của Ngô Xương Văn làm vợ vì mục đích chính trị. Theo Nguyễn Danh Phận dẫn trong cuốn sách “ Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước”, tên thật của bà là Dương Thị Ngọc Vân, con gái của Dương Tam Kha, còn sách “Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc” lại nêu bà Dương Ngọc Vân là con gái của Dương Nhị Kha (tức anh của Dương Tam Kha)? Riêng cái tên Dương Vân Nga mang đậm màu sắc văn nghệ được lấy từ một cái “thuyết” mà độ tin cậy chưa ai dám khẳng định, rằng bà là con gái của ông Dương Thế Hiển, quê ở Nho Quan, Ninh Bình. Theo thuyết này, tên Vân Nga là dân gian ghép từ Vân Lung và Nga Mi là tên thôn của cha mẹ bà. Thế rồi từ cái giai thoại dân gian ấy, qua “sáng tạo nghệ thuật” của soạn giả Trúc Đường, cái tên Dương Vân Nga nghiễm nhiên được hợp pháp hóa cho bà Thái hậu Dương Thị trong sử sách.
        Tài năng và đức độ của Thái hậu Dương Thị ra sao, không có sử sách nào đề cập. Nhưng việc bà “quan hệ” với Lê Hoàn ngay khi còn tang chồng và sau đó dâng cả giang sơn nhà chồng cho người yêu thì từ “Đại Việt sử ký toàn thư” (thế kỷ XV), “Đại Việt sử ký tiền biên” (thế kỷ XVIII) cho đến “Đại Nam quốc sử diễn ca” (thế kỷ XIX) đều nêu rõ và tuyệt nhiên không có dòng chữ nào trong chính sử chỉ ra rằng Thái hậu Dương Thị dâng áo long bào cho Lê Hoàn là vì vận nước cả. Các sử thần như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ hay Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đều dành cho bà những lời lẽ không mấy kính trọng như “tư tình”, “tư thông” (với Lê Hoàn), “ả họ Dương”…với hàm ý chê trách. Thậm chí trong “Đại Việt sử ký tiền biên”, Ngô Thì Sĩ còn chỉ ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình hình đất nước lộn xộn lúc bấy giờ: “ Người dẫn Chiêm Thành vào cướp phá là Ngô hậu chứ không phải Nhật Khánh; người cướp ngôi của Vệ Vương là Dương Hậu chứ không phải Thập đạo (tướng quân). Cái gốc đã đổ thì cánh lá tàn lụi, những điểm khác còn bàn làm gì?”. Nhiều thế hệ học trò thời trước cũng từng thuộc lòng những câu thơ trong “Đại Nam quốc sử diễn ca”: “Nối sau Thiếu Đế thơ ngây/ Lê Hoàn nhiếp chính từ rày dọc ngang/ Tiếm xưng là phó Quốc vương/ Ra vào cùng ả họ Dương chung tình”.
        Các sử gia tên tuổi lừng lẩy nhất của chính sử nước nhà đều đã thể hiện rõ thái độ của mình đối với nhân vật lịch sử Dương Thị như vậy. Các sử gia, nhà nghiên cứu, nhà bào thời nay đã tốn hao biết bao giấy mực về vị Thái hậu “thú vị” này. Nhưng có một chuyện mà chưa mấy ai biết do chính Tiến sĩ Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam kể lại với tôi và nhiều anh em văn nghệ khác mà tôi đã thuật lại trong một bài viết đăng trên tạp chí Hồn Việt. Số là trong một lần dẫn anh em của Viện đi thực tế tại Hoa Lư, Ninh Bình vào năm 1981, anh em trong đoàn được sắp xếp nghỉ tại đền thờ Lê Hoàn. Riêng ông Trang Phượng thì được mời về nghỉ tại đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở gần đó với lời giải thích vì ông là khách quý.  Ông từ giữ đền thờ cho biết tục lệ của làng mỗi khi đến ngày giỗ Đinh Bộ Lĩnh là họ làm lễ rước tượng bà Dương thị từ đền thờ Lê Hoàn sang đền thờ Đinh Bộ Lĩnh rồi cúng xong lại trả “Bà” về. Tuy nhiên, trước khi rước vào kiệu thì họ phải lật đít tượng lên đánh mười roi! Đây là tục lệ ông bà ta xa xưa để lại và cứ mỗi năm con cháu đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Việc đánh đít tượng không gì khác nhằm răn dạy con cháu bài học về đạo lý và tiết hạnh (theo chúng tôi tìm hiểu thì tục lệ đánh đít tượng mười roi hiện nay đã được bỏ sau khi có lời khuyên của một vị lãnh đạo nhà nước nhân chuyến công tác tại Ninh Bình và ghé thăm lễ hội Hoa Lư). Một chi tiết thú vị nữa mà ông Trang Phượng được ông từ nọ kể lại là khi đoàn chiếu phim vở chèo của ông Trúc Đường về chiếu phục vụ bà con Hoa Lư đã bị người dân nơi đây phẫn nộ khiêng máy móc ném cả xuống ruộng!
        Vấn đề ở đây là qua sáng tạo nghệ thuật, một nhân vật lịch sử ít nhiều cũng để lại hình ảnh không mấy tốt đẹp như thái hậu Dương Thị lại trở thành một anh hung liệt sĩ của dân tộc trong thời hiện đại. Bằng cái tên cải lương Dương Vân Nga, vị thái hậu đã từng bị con cháu dòng tộc lật đít tượng đánh mười roi hàng năm lại sánh ngang với những cái tên như Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Út Tịch trong bộ đề - đáp án cuộc thi tìm hiểu lịch sử do Hội Phụ nữ thành phố lớn tổ chức. Đáng ngạc nhiên hơn, cái tên Dương Vân Nga không có thật ấy lại được một con đường ở thành phố Hồ Chí Minh vinh danh. Thái độ của các sử gia phong kiến đương nhiên là khắt khe bởi ảnh hưởng của Nho giáo và chúng ta vẫn biết thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là như thế nào. Hoàng hậu – Quốc mẫu cũng không vì vật trang sức của vương quyền. Với cái nhìn hiện đại ngày nay, chúng ta không xét nét về đời tư của vị Hoàng hậu này nhưng để trở thành một anh hùng liệt nữ của dân tộc thì rất lệch lạc. Còn đặt tên cho một con đường để thế hệ sau tri ơn mà lại bằng một cái tên giả tưởng càng không thể chấp nhận được.
         Lê Tú Lệ
        *Tác giả Lê Tú Lệ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM. Hiện chị là Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét