Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Nguyễn Hữu Tiến (truyện) và hệ lụy / Lê Tú Lệ



        Lời mở: Nhân bài phản biện bài của Đỗ Phú Nhuận trên Văn nhân hiện đang được nhiều bạn đọc quan tâm, tôi xin trích bài tham luận của tác giả Lê Tú Lệ trong cuộc Hội thảo khoa học "Quan điểm Văn hóa Nghệ thuật cũng là một mặt trận của HCM trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay" do Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM tổ chức tại T.78 ngày 17/12/2009, hầu góp thêm tư liệu cho bạn tham khảo. Cảm ơn anh Lê Quốc Lộc (cháu nội cụ Lê Quang Sô) đã cung cấp tư liệu.
 
Tác giả Lê Tú Lệ
VỀ SỰ TÙY TIỆN HƯ CẤU NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ NHỮNG HỆ LUỴ. Phần 2: Nguyễn Hữu Tiến (truyện) và hệ lụy / Lê Tú Lệ*

        Tác phẩm Nguyễn Hữu Tiến của nhà văn Sơn Tùng do nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 1981 cũng là một điển hình về sức mạnh của văn học, nghệ thuật trong việc chi phối, dẫn dắt nhận thức xã hội một cách sai lệch. 

        Nguyễn Hữu Tiến là nhân vật có thật của lịch sử Đảng, quê ở Hà Nam. Ông đã giữ nhiều trọng trách trong giai đoạn cách mạng 1930-1940, đã từng làm Phó Bí thư Đảng bộ tỉnh Hà Nam, bị Pháp bắt tù Côn Đảo rồi vượt ngục, là cán bộ của Xứ ủy Nam Kỳ phụ trách công tác tuyên truyền rồi bị Pháp bắt vào ngày 30/7/1940 sau đó bị chúng xử tử đầu năm 1941.
        Nếu chỉ có thế thôi thì cũng không mấy ai nhắc nhớ đến cái tên Nguyễn Hữu Tiến nếu không gắn với tác giả cờ đỏ sao vàng. Trong tác phẩm văn học của mình, nhà văn Sơn Tùng đã xây dựng nên tất cả những suy nghĩ, trăn trở và cả “thao tác” vẽ cờ của Nguyễn Hữu Tiến, sáng tác cả những bài thơ “dùm” cho Nguyễn Hữu Tiến – là bài thơ mà sau này rất nhiều bài báo, tài liệu tuyên truyền đã mặc nhiên công nhận là thơ Nguyễn Hữu Tiến! Từ Nguyễn Hữu Tiến – Truyện của Sơn Tùng, trong hơn 20 năm trời, mấy trăm bài báo, thơ ca, hợp tuyển thơ đã ca ngợi con người đã vẽ nên linh hồn của Tổ Quốc. Nguyễn Hữu Tiến trở thành tác giả “thực sự” của lá Quốc kỳ Việt Nam trong các tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống của hệ thống đoàn thể, kể cả trong đáp án cuộc thi tìm hiểu “60 năm Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” triển khai cho cả nước thậm chí được khẳng định cả trên Website Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Sự thật chỉ bùng ra sau Hội thảo khoa học Mỹ Tho – Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp Viện Lịch sử Đảng Trung ương tổ chức năm 2005 với tổng luận hội thảo nghiêng về nhận định ông Lê Quang Sô của Mỹ Tho mới là tác giả cờ đỏ sao vàng. Nhân đó, nhiều tờ báo vào cuộc mới lại bật thêm ra rằng từ năm 2000, công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ do Hội đồng chỉ đạo biên soạn Trung ương thực hiện đã cho thấy Nguyễn Hữu Tiến chẳng liên quan gì đến việc sáng tác ra cờ đỏ sao vàng (Xem Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ của Hội đồng chỉ đạo biên soạn TW về lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Hà Nội tái bản năm 2005) đồng thời đã có văn bản của cơ quan nhà nước cấp trung ương khẳng định từ năm 2001 rằng “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đã vẽ lá cờ Tổ quốc” và văn bản này đã từ chối việc ghi nhận công trạng to lớn ấy cho Nguyễn Hữu Tiến. (Công văn số 1393/VHTT-BTCM ngày 18/4/2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin phúc đáp Tờ trình số 207/TT-UB ngày 21/2/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam do Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu ký).
        Trong phóng sự tư liệu nhiều kỳ “Nền cộng hòa 49 ngày” do Báo Tuổi Trẻ thực hiện tháng 11/2006, tác giả Bùi Thanh đã kỳ công tìm hiểu vấn đề ai là tác giả cờ đỏ sao vàng. Đã phỏng vấn trực tiếp nhà văn Sơn Tùng chỉ để tìm ra câu trả lời căn cứ nào mà ông “sáng tác” việc Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc Kỳ. Sau khi kể về những căn nguyên mang đậm chất tiểu thuyết mà không nêu được cứ liệu xác đáng nào, ông Sơn Tùng nói “Tôi yêu con người này và viết về con người này. Còn sự thật lịch sử như thế nào, tôi nghĩ các nhà khoa học cứ tiếp tục làm rõ”! (Báo Tuổi trẻ ngày 22/11/2006 – Bài 4).
        Ông Sơn Tùng có quyền hư cấu về nhân vật Nguyễn Hữu Tiến trong tác phẩm văn học của mình nhưng hư cấu một vấn đề trọng đại là “cho” Nguyễn Hữu Tiến trở thành tác giả lá Quốc kỳ - linh hồn của dân tộc, của đất nước ta quả là…liều. Tuy nhiên, điều đáng nói là một tác phẩm văn học lại trở thành cứ liệu khoa học cho những công trình biên soạn lịch sử ở cấp cơ sở như Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên thời kỳ 1930-1945 do Huyện ủy Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xuất bản tháng 8/1996 hoặc đưa vào tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Mặc dù tư liệu nghiên cứu khoa học, “nhân chứng sống” (Đồng chí Nguyễn Văn Cung – thành viên Hội đồng biên soạn công trình Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ của Trung ương đã từng ở tù chung với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trước khi đồng chí bị xử tử), kể cả “pháp lý” là văn bản của Bộ Văn hóa – Thông tin đã không công nhận Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng nhưng cũng vẫn thua sức mạnh của Nguyễn Hữu Tiến – Truyện vì hiện nay nhiều báo – đài vẫn theo thói quen tuyên truyền như cũ!
        Ngoài hai tác phẩm điển hình trên, cuốn truyện Phan Thanh Giản – Nỗi đau trăm năm của nhà văn Hoàng Lại Giang cũng là một tác phẩm gây chú ý của công luận khi ông biến Phan Thanh Giản từ một người có tội bán nước mà lịch sử và nhân dân đã minh định thành người yêu nước nhiệt thành. Báo hại hàng loạt cây bút từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau phải vào cuộc, viện dẫn biết bao tư liệu lịch sử, khoa học và văn học trong mấy chục bài báo nhằm phản bác lại. Phan Thanh Giản có nỗi đau hay không thì lẽ ra nỗi đau ấy cũng đã ngủ yên trong sử sách và cả trong tấm lòng bao dung vị tha của nhân dân. Làm cho nhân vật lịch sử “sống lại” theo kiểu của Hoàng Lại Giang chưa chắc con cháu hậu duệ của người ấy tán đồng mà có khi còn ngược lại, đau lòng thêm.
        Rất nhiều kịch bản sân khấu, truyện văn học vừa qua đã hư cấu nhân vật lịch sử hết sức tùy tiện. Việc biến nhân vật lịch sử từ thiện thành ác, từ không xấu thành xấu xa để tạo kịch tính, xây dựng nút thắt cho đường dây cốt truyện nhằm gây chú ý, gây sốc để câu khách đang được nhiều cây bút hăm hở đào xới. Giới văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh hẳn chưa quên xì-căng-đan khi vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi của Hoàng Hữu Đản được công diễn cuối năm 2001 đầu 2002. Trong vở kịch này ông Hoàng Hữu Đản đã “biến” vị Thái hậu Nguyễn Thị Anh (vợ vua Lê Thái Tông) thành một người đàn bà đại gian ác, đại hiểm độc mà một bài báo đã so sánh bà ngang với Lữ Hậu của Trung Quốc. Bà vừa chủ mưu, vừa thủ ác, tự tay đầu độc giết vua (chồng) rối giá họa cho Nguyễn Trãi – Thị Lộ vì tư thù, vì ghen tuông, gây nên một sử án bi thương nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong khi đó, theo Đại Việt sử ký toàn thư ngoài một “tì vết” là ghen tuông với bà phi Ngô Thị Ngọc Dao (sau đó có lẽ do hối hận bà đã trực tiếp nuôi dạy con của Ngô Thị Ngọc Dao trở thành một vị vua anh minh vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam là vua Lê Thánh Tông – “Thái hậu coi vua như con”), có thể nói bà ít nhiều gì cũng là người có công bởi gần hai chục năm nhiếp chính khi vua Lê Nhân Tông còn nhỏ thì “Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình”, và khi bà bị giết, nhân dân thương xót “thiên hạ khóc như mất cha mất mẹ”. Chỉ khi Ban Tuyên giáo Thành ủy vào cuộc với yêu cầu chỉnh sửa thì vở kịch mới tạm đình công diễn và 5 năm sau mới diễn trở lại khi vở diễn đã điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ tội cho bà Thái hậu này.
Hư cấu nghệ thuật biến người không xấu trở thành tội nhân như trường hợp Thái hậu Nguyễn Thị Anh không phải là cá biệt. Đáng sợ hơn là sáng tạo nghệ thuật lại biến người có công với dân với nước trở thành người mang tội phản quốc. Trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga nói ở phần trên, tác giả đã “hô biến” hai vị tướng tài Đinh Điền, Nguyễn Bặc thành những con người có tâm địa xấu, có tội trong mối xung đột quyền lực với Dương Thị và Lê Hoàn gây nên cảnh xào xáo, hỗn loạn lúc bấy giờ để cho nhà Tống thừa nước đục thả câu xua quân sang xâm lược nước ta. Trong vở diễn này, tác giả đã “cho” các vị công thần bị bắt phải cúi đầu nhận tội một cách nhục nhã. Phản ứng của dư luận lên đến đỉnh điểm khi hậu duệ của Định Quốc Công Nguyễn Bặc gởi đơn “kiện” lên khắp các cơ quan Trung ương và Bộ Văn hóa – Thông tin phải vào cuộc để “giải quyết hậu quả”.
        Gần đây nhất có vở kịch Ngàn năm tình sử của nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa đạt giải “Có yếu tố sáng tạo” trong liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2009. Nguyễn Quang Lập đã biến vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, người được dân ta rất đỗi tự hào coi là tác giả của “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thành một nhân vật lụy tình đến thảm hại trong một cuộc tình trái khoáy, dở hơi, không lối thoát với đầy rẫy các chi tiết phi lý. Một số bài báo phản ứng dữ dội vì xem kịch không thấy anh hùng Lý Thường Kiệt lẫy lừng đánh Tống bình Chiêm mà chỉ thấy bôi bác anh hùng. Tác giả Trần Thanh Giao đã có một bài viết đăng trên Tuần báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo về cái gọi là chủ thuyết “giải cứu thần tượng” mà một số cây bút đang đi vào. Chủ thuyết này với lập luận đưa anh hùng, thần tượng, vỉ nhân, danh nhân về với đời thường, làm cho họ “đời hơn”, “chất người hơn”. Điều này không xấu bởi anh hùng, vĩ nhân đều là con người và trước hết họ là con người với tất cả các trạng thái tình cảm, tinh thần kể cả nhu cầu bản năng như mọi con người khác. Nhưng anh hùng, danh nhân khác với người thường ở chỗ tư tưởng, hành động của họ chi phối tư tưởng, nhận thức, hành động của cộng đồng, góp phần hình thành các chuẩn mực đạo đức xã hội. Được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh. Điều đáng nói là những tác giả đi theo khuynh hướng “giải cứu thần tượng” này lại không phải là sáng tạo để anh hùng, danh nhân, thần tượng của dân tộc sinh động hơn, gần gũi hơn với đời thực, làm cho họ đẹp lên trong con mắt của hậu thế mà trái lại hạ bệ anh hùng, làm mục thần tượng. Chúng ta hẳn chưa quên Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp mười mấy năm trước khi lấy đề tài về vua Quang Trung hoặc gần đây là một truyện ngắn viết về Nguyễn Trãi – Thị Lộ của một nhà văn nữ được viết theo hướng này. Quả thật đây là một khuynh hướng sáng tạo nguy hiểm vì nó không chỉ làm sai lệch nhận thức của công chúng, bóp méo sự thật lịch sử mà còn trực tiếp là một trong những tác nhân làm thay đổi thang giá trị đạo đức xã hội theo chiều hướng xấu.
Có hôm qua thì mới có ngày hôm nay. Có tổ tiên ông bà thì mới có chúng ta. Bản sắc văn hóa dân tội do quần chúng nhân dân từ đời này qua đời khác làm nên. Anh hùng, danh nhân, thần tượng của mỗi dân tộc chính là sự phóng chiếu tư tưởng, đạo đức, khát vọng của dân tộc để dệt nên bản sắc văn hóa ấy. Ông bà ta đã dạy: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Uống nước phải nhớ nguồn. Sử dụng thủ pháp nghệ thuật để làm nhục tổ tiên ông bà dù ngụy biện bất kỳ lý do gì đều là hành vi gieo mầm ác và không ai khác chính chúng ta cùng con cháu chúng ta đều gặt phải quả ác.
        Ngoài những “điển hình” về sự tùy tiện hư cấu như trên, việc thiếu hụt kiến thức lịch sử thậm chí là những kiến thức sơ đẳng về lịch sử của cấp học phổ thông cũng bộc lộ trong vô số tác phẩm văn học, nghệ thuật, làm trò cười cho khan giả, độc giả. Ai đã học phổ thông cũng biết khi Nguyễn Ánh đem đại quân ra đánh chiếm Phú Xuân 1801 thì Nguyễn Huệ và Ngọc Hân đều đã mất (Nguyễn Huệ mất năm Nhâm Tý – 1792, Ngọc Hân mất sau Nguyễn Huệ 7 năm – 1799). Thế mà soạn giả Lê Duy Hạnh lại cho Nguyễn Ánh “dí” Ngọc Hân bồng con khóc oe oe chạy trốn chối chết trong vở kịch Hồn thơ ngọc. Tương tự, ông An Cương cũng cho mẹ con Ngọc Hân đi trốn Nguyễn Ánh trong cuốn truyện Người lão bộc của vua Quang Trung. Ai cũng biết đời Lý có trước còn đời Trần có sau, vậy mà nhà văn Nguyễn Quang Lập trong vở kịch Ngàn năm tình sử lại cho ông dượng của Lý Thường Kiệt là Tạ Đức dường như có được khả năng ngoại cảm xuyên thời gian, biết trước tương lai khi nói với Lý Thường Kiệt rằng: “Trước đây mấy ông nho sĩ cầm chịch đại thống, suốt ngày ngồi rung đùi vuốt râu khoe khoang Đại Việt đã từng đánh thắng quân Nguyên”.
        Những “hạt sạn” do thiếu hụt kiến thức lịch sử tương tự như vậy khó mà kể hết ra được. Bác Hồ đã từng muốn Dân ta phải biết sử ta, văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử chính là phương tiện hiệu quả nhất để “sử ta” thấm vào lòng người, sâu rễ bền gốc. Cứ tùy tiện “sáng tác lịch sử” như vậy e rằng các thế hệ mai sau lẫn lộn hết về lịch sử ông bà mình.
        Hư cấu là một thuộc tính của sáng tạo văn học, nghệ thuật. Một tác phẩm về đề tài lịch sử mà không có hư cấu thì chỉ là sao chép lịch sử, không thể trở thành tác phẩm văn học, nghệ thuật đúng nghĩa, chưa nói đến chuyện hay dở. Nhưng mọi hư cấu trước hết phải trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi vào “điểm mặt”, phân tích loại tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử có chủ ý chính trị xấu nhằm đả kích chế độ, phủ nhận lịch sử mà chỉ xem xét khía cạnh tùy tiện hư cấu các hình tượng nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử nhân danh sáng tạo nghệ thuật. Sự tùy tiện này báo động một nguy cơ làm xói mòn lòng tin vào các giá trị chân – thiện – mỹ của văn học, nghệ thuật, làm biến dạng lịch sử. Sức mạnh chi phối, dẫn dắt tư tưởng, tình cảm, nhận thức xã hội bằng phương tiện văn học, nghệ thuật là rất to lớn. Văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử mà lệch lạc, sai trái lại có sức công phá dữ dội hơn bởi chúng đào xới đến tận cội rễ văn hóa và lịch sử dân tộc.
        Mảng văn học nghệ thuật đề tài lịch sử hiện đang là một chiến trường đúng nghĩa và rất thời sự. Cuộc chiến đấu vô hình giữa người đi “xây” và kẻ phá trên chiến trường này tạo ra những nhiễu động bất ổn cho xã hội và rất cần thiết phải có sự can thiệp, điều chỉnh phù hợp, kịp thời, quyết liệt từ các cơ quan chức năng liên quan kể cả việc tập trung cho hoạt động định hướng dư luận xã hội. Trong giai đoạn đẩy mạnh mở cửa hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa hiện nay, tự do sáng tác, sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng được tôn trọng, khuyến khích. Văn nghệ sĩ lại càng phải ý thức về thiên chức của mình trong việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. “Cái tôi sáng tạo” của văn nghệ sĩ mà tách rời trách nhiệm công dân, chối bỏ chức năng kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần vì lợi ích dân tộc thì tất yếu “cái tôi sáng tạo” ấy sẽ bị đào thải. Tôi xin được mượn câu thơ của cụ Đồ Chiều để tạm kết thúc tham luận này: “Noi theo ngòi bút chí công. Trong thơ cho ngụ tấm lòng Xuân – Thu”.


Tháng 11-2009
LÊ TÚ LỆ
…………..

* Tác giả Lê TÚ LỆ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét