Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

THÁNG GIÊNG THIẾU / Nguyễn Bàng


Nhà văn Nguyễn Bàng


        Sáng nay, tờ lịch mới mở ra ngày Âm lịch:
        18 THÁNG GIÊNG (T)
        Vậy là tháng Giêng năm nay thiếu chỉ có 29 ngày rồi sẽ sang ngay ngày mồng 1 tháng Hai.
        Chợt nhớ ngày xưa, gặp năm tháng Giêng thiếu, bà nội thường lo lắng nói với cả nhà:
        - “Tháng Giêng thiếu mất khoai. Tháng Hai thiếu mất đỗ”. Năm nay sẽ mất mùa khoai, cái "đói dài tháng Ba" sẽ ập đến, khoai còn không có thì lấy đâu thóc gạo mà ăn cho no đủ. Vì vậy cả nhà không được hoang phí, không được buông tung bỏ vãi, phải chắt chiu từng hạt gạo củ khoai đấy!

        Bà nội vừa nói xong, thằng cu Con cháu nội út ít của bà dẩu mồm hóng hớt:
        - Bà ơi, người ta bảo “Tháng giêng là tháng ăn chơi” mà sao bà phải lo lắng thế!
        Bà nội nghiêm giọng lại:
        - Người ta là ai? Lại nghe mấy đứa máu mê rượu chè cờ bạc tụ bạ ngoài điếm nói chứ gì. Chúng còn bảo “Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè…” nữa phải không? Đó là câu nói của những kẻ lười biếng ham chơi chứ đâu phải là lời của những người cần cù lao động. Sao cháu không nhớ câu: “Tháng chạp là tháng trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà” mà lại học nhớ câu nói ấy? Rồi bà nội trầm tư giây lát và dịu giọng nói tiếp:
        - Hồi ông còn sống, có lần ông mở một cuốn sách mực tàu giấy bản ra bảo rằng đây là sách của cụ Lê Quý Đôn biên soạn rồi đọc cho bà nghe một bài thơ viết bằng chữ Hán dịch ra tiếng Ta là:
        "Mỗi cành dương liễu, mấy cành hoa,
        Say khướt bên hồ, quán rượu ra.
        Dân Việt ăn chơi đâu có thế,
        Trời Xuân canh cửi khắp gần xa."
        Rồi ông giảng giải:
        Duyên do là khi sứ thần nước Giao Chỉ qua chơi Tây Hồ ở Hàng Châu, thấy người dân bên Tàu mải mê vui thú, say sưa; vị sứ thần nghĩ tới người dân nước ta lo ăn lo làm nên tức cảnh làm ra bài thơ ấy. Xem vậy, dân ta không hề có cái thói ăn chơi, cờ bạc, rượu chè “mút mùa” như cháu nghĩ đâu. 
        Bà không đọc được sách như ông nhưng bà được nghe và nhớ rất nhiều lời dạy của các cụ ta xưa như mấy câu này:
        "Tháng Giêng rét cứa như dao
        Nghe tiếng chào mào chống gậy ra trông
        Nom Đoài rồi lại ngắm Đông
        Bề lo sương táp, bề phòng chim ăn
        Vì thế, bà đang lo cái rét tháng Giêng thiếu năm nay sẽ không chỉ làm mất mùa khoai mà còn làm lúa mới cấy chết cóng đây. Mới qua Tết, nhiều nhà đã lo giật gấu vá vai để có bữa cháo, bữa cơm độn, đánh đu chờ mùa về đấy.
        Bà nội nói không sai. Quả nhiên,  mới qua Tết, U đã phải lội đồng tỉa lúa ở những chỗ lúa còn sống sót để cấy giặm vào chỗ lúa đã bị chết rét. Rồi mưa phùn ẩm ướt giăng hết ngày sang ngày khác. Nhiều nhà đã lo giật gấu vá vai để có bữa cháo, bữa cơm độn, đánh đu mong chờ từng ngày mùa gặt về. Nhiều nhà trong xóm không còn gạo ăn phải hạ non buồng chuối xanh xuống, luộc lên chấm muối ăn thay cơm…

                                        &

        Bà nội sống vắt ngang hai thế kỷ 19, 20 và đã đi xa từ 60 năm trước, hưởng thọ 85 tuổi.  
        Bà ơi! Nếu trời cho bà sống vắt thêm sang đầu thế kỷ này thì bà sẽ được thấy cái câu “Tháng Giêng thiếu mất khoai” đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa.  
        Năm nay tháng Giêng thiếu, thằng cu Con cháu nội út ít của bà giờ đã sang lão tám mươi và đang sống ở xa quê nên không biết quê nhà ta và ở các miền quê khác, mùa khoai sẽ ra sao nhưng rất biết, ở quê ta đang rét đậm kéo dài kèm theo mưa phùn khiến người nông dân phải gồng mình chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Những người dân không phải chân lấm tay bùn thì đêm ngày đang thấp thỏm lo lắng khi nghe nói các loại thuế đang đánh trực tiếp vào cuộc sống hằng ngày của người dân lại tăng thêm. Rồi điện sắp tăng giá, xăng nhấp nhổm cũng “đòi” theo. Dân gian bảo, xăng điện cười thì người khóc. Người ở đây là người lao động. Giờ Xăng - điện đang 'nắm tay nhau' tăng giá để lấy cho được nhiều nước mắt của họ đây.   
        Trước Tết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 quyết định xuất cấp 11.848,293 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 789.886 nhân khẩu của 18 tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, với mức hỗ trợ là 15kg/tháng/nhân khẩu, thời gian hỗ trợ 1 tháng. Nhưng sau Tết, hết 15 kg gạo trợ cấp trên, còn ai sẽ trợ cấp thêm nữa cho dân nghèo khi mà đất nước ta đang đứng trên bờ vỡ nợ công với con số khủng khiếp lên hơn 2,7 triệu tỷ đồng? 
        Ngày xưa, bà nội thường nhắc nhở con cháu trong nhà: “Có làm thì mới có ăn”, không được hoang phí, không được buông tung bỏ vãi, phải chắt chiu từng hạt gạo nắm thóc!  
        Nhưng bà ơi, chỉ hàng triệu người lao động mới đang phải thắt lưng buộc bụng, chắt chiu dè xẻn từng đồng bạc nhỏ, tháng Giêng thiếu này, họ mong mỏi có việc làm hàng ngày để có miếng ăn. Còn những kẻ giàu có bất chính, sống xa hoa phè phỡn, chúng đâu cần đếm xỉa gì đến Tháng Giêng thiếu. Của ăn của để, con cháu chúng ăn cả ngàn đời sau cũng không hết. 
        Bài thơ trong sách của cụ Lê Quý Đôn cũng không còn mấy đúng nữa, bà ạ. Dân Việt giờ ăn chơi gấp bội phần cha ông ngày xưa rồi. Tết đã qua gần 2 tuần nhưng lịch làm việc của rất nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn đầy “hương vị tết”. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan chủ yếu để “điểm danh”, đến trưa hoặc đến cuối giờ chiều họ lại tiếp tục “ăn tết” tại từng gia đình bạn bè, đồng nghiệp, bởi những ngày nghỉ tết... chỉ “đủ dùng” cho người thân. 
Ngược lại với bài thơ trong sách của cụ Lê Quý Đôn, cái câu lục bát khuyết danh trong dân gian: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”…giờ đây lại có nhiều phần rất đúng. Với tâm lý, làm việc quanh năm chơi vài ngày có sao… đã khiến nhiều người lấy đó làm lý do để lười biếng. Họ tụ tập nhau cờ bạc, rượu chè, nhậu nhẹt  làm cho các tệ nạn xã hội nạn xã hội được đà phát triển và gia tăng cả tai nạn giao thông. Hàng nghìn những dòng người tấp nập đổ đến các lễ hội khiến những công sở vắng hoe, những xí nghiệp chỉ lo mất lao động. Và biết đến bao lâu, những đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau ấy mới tan khi mà mỗi năm ở Việt Nam có tới 7.000 lễ hội lớn, nhỏ.
        Tháng Giêng thiếu này, thằng cu Con cháu nội út ít của bà ngày xưa đang ở một thành phố phương Nam, không bị "Tháng Giêng rét cứa như dao”, cũng không nghe thấy tiếng chào mào, không phải lo sương táp và không có gì phải phòng chim ăn. Nhưng cháu rất nhớ về bà, người của muôn năm cũ, nhớ câu ngày xưa bà hay nhắc nhở cả nhà: “Có làm thì mới có ăn” và cháu thấy trong lòng buồn mênh mang nhiều nỗi.
                                       
Sài Gòn 18 tháng Giêng thiếu năm Mậu Tuất
                NGUYỄN BÀNG
        Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
     Email: bnguyen37@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét