Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

CÁCH ỨNG XỬ CỦA TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT HOÀNG PHÊ ĐỐI VỚI MỘT SỐ THÀNH NGỮ TIẾNG HÁN / Nguyễn Ngọc Kiên


TS Nguyễn Ngọc Kiên


KỈ NIỆM 30 NĂM LẦN ĐẦU XUẤT BẢN TỪ ĐIỂN HOÀNG PHÊ, 50 NĂM VIỆN NGÔN NGỮ HỌC VIỆT NAM, 10 NĂM VIỆN TỪ ĐIỂN HỌC & BÁCH KHOA THƯ, 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ KHOA HỌC, GS – TS HOÀNG PHÊ (1919 – 2019)


1. THÀNH TỰU CỦA HOÀNG PHÊ
Giai đoạn trước nói chung chúng ta đều làm Từ điển theo lối truyền thống: cái ra đời sau tham khảo cái ra đời trước. Ví dụ, Từ điển tiếng Việt của Văn Tân, không phải do các nhà ngôn ngữ học biên soạn. Bản thân Văn Tân là nhà sử học. Do đó, kĩ thuật làm từ điển và chuyên môn yếu. Việc tách từ đồng âm và đồng nghĩa là rất khó và không thực hiện được. Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê và các đồng sự biên soạn (từ đây gọi tắt là Từ điển Hoàng Phê) là cuốn từ điển mang tính học thuật và hàn lâm cao. Nó là kết quả của các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu về từ điển học và từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt. Nó được chuẩn bị kĩ lưỡng theo hướng hiện đại. Cộng với các cộng sự là các nhà chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau. Việc chuẩn bị trên hai triệu rưỡi phiếu là rất ông phu theo cách nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học phương Tây.
Kết quả là cho đến nay Từ điển Hoàng Phê vẫn là cuốn Từ điển có uy tín cao. Từ người  trình độ thấp đến người có trình độ cao, từ học sinh tiểu học cho đến NCS, nhà văn nhà báo đều sử dụng Từ điển này như một bảo bối. Bởi vì, tất cả các vấn đề của từ vựng – ngữ nghĩa đều được giải quyết rất tốt. Tuy nhiên, mỗi cuốn Từ điển đều có giá trị trong một giai đoạn nhất định. Trong khoảng 30 năm, nghĩa là từ lúc nó ra đời, cho đến trước 2010, nó rất được ưu  ái và sử dụng rộng rãi.
Bản thân chúng tôi thấy một số thành ngữ tiếng Hán có xuất xứ từ điển cố và thơ cổ, nhất là những thành ngữ đã quá quen thuộc với người Việt, nay xuất hiện trong Từ điển này, cần trao đổi lại.

2. NHỮNG THÀNH NGỮ TIẾNG HÁN CÓ XUẤT XỨ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ
1. Bể dâu
Thành ngữ “bãi bể nương dâu” nói về những thay đổi lớn trong cuộc đời và trong xã hội. Thành ngữ này bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Hán “滄海桑田” [thương hải tang điền], liên quan tới câu chuyện tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tương truyền, thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu. Sau đó, ông đắc đạo và trở thành Phật. Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô nói với Phương Bình rằng:   
接侍以来已见,东海三为桑田” [Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến, Đông hải tam vi tang điền]; nghĩa là “Từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu”.
        Câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được người đời chắt lọc lấy cái tinh chất để phản ánh sự đổi thay của trời đất và cuộc sống. Trong văn học Trung Quốc, hình ảnh “bãi bể nương dâu” trở thành tứ cho nhiều câu thơ, bài thơ nổi tiếng. Chẳng hạn, trong một bài thơ của Tô Thức đời Tống có câu: “
不惊渤澥桑田变” [Bất kinh bột giải tang điền biến]. Nghĩa là: “Không sợ bể Đông biến thành ruộng dâu”. Cũng nhờ câu chuyện trên mà về sau trong tiếng Hán xuất hiện thành ngữ “滄海桑田” [thương hải tang điền].
        Bài hát mở đầu và kết thúc bộ phim “Tây du kí” của đạo diễn Dương Khiết có tên “Ngũ bách niên tang điền thương hải”, nhạc Hứa Cảnh Thanh, lời Diêm Túc có đoạn:
   
五百年桑田滄海,
   
頑石也長滿青苔,
   
長滿青苔。
   
五百年桑田滄海,
    [Ngũ bách niên tang điền thương hải,
    Ngoan thạch dã trường mãn thanh đài,
    Trường mãn thanh đài.
    Ngũ bách niên tang điền thương hải,
      Tiếng Việt đã mượn thành ngữ này theo lối mượn ý dịch lời. Về ý nghĩa, “bãi bể nương dâu” cũng nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi. Nó thường xuất hiện trong văn học cổ điển. Chẳng hạn, trong bài “Ai tư vãn” của Lê ngọc Hân khóc vua Quang Trung:
    Phút giây bãi bể nương dâu
    Cuộc đời là thế biết hầu nài sao.
   Hoặc:
    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
    Ai bày trò bãi bể nương dâu.
    (Nguyễn Gia Thiều - Cung oán ngâm khúc)
        Trong khi sử dụng, các tác giả thường rút gọn “bãi bể nương dâu” thành “bể dâu” hay “dâu bể”. Dạng thức này sở dĩ tồn tại được vì nó vẫn có khả năng khiến cho người đọc liên tưởng tới điển tích đã nói trên. Trong kiệt tác “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã không dưới hai lần dùng thành ngữ này ở dạng rút gọn:
        Trải qua một cuộc bể dâu
        Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
                              (Nguyễn Du - Truyện Kiều)
        Cơ trời dâu bể đa đoan
        Một nhà để chị riêng oan một mình
                               (Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Trong Từ điển Hoàng Phê, tác giả không ghi từ loại mà chú: (cũ,vch) cũ , văn chương và giả thích: Bãi biển biến thành nương dâu; dùng để ví sự thay đổi của cuộc đời. Cuộc bể  dâu. [tr. 57]

(2) Châu về Hợp Phố
 珠還合浦 [Châu hoàn Hợp Phố] (Châu về Hợp Phố)
Đây là một thành ngữ  gốc Hán: “Hợp Phố châu hoàn”,  nghĩa là: Những cái quý giá không thể mất đi được, trước sau cũng quay về với chủ nó. Do tích sau:
        Thời Hậu hán, có tên thái thú bạo tàn, thường bắt dân đi lấy ngọc châu. Vì thế, châu từ Hợp Phố sang hết quận Giao Chỉ (
交阯). Mãi sau, Mạnh Thường (孟嘗) về thay chức thái thú, bỏ hết lề luật cũ, ngọc châu lại quay về Hợp Phố (合浦).
        Lại truyền rằng, do sự cai trị hà khắc, thuế tô quá nặng, người làm nghề trai ngọc Hợp Phố bỏ quê, phân tán nhiều nơi. Mãi sau, chính sách cai trị có nới lỏng, quan lại thanh liêm hợn, ít sách nhiễu dân chúng, những người làm nghề lấy hạt châu lại trở về Hợp Phố.
        Từ điển Hoàng Phê chú (cũ) và giải thích Nói của quý đã mất lại về với chủ cũ. [tr.145]

3) Chuồn chuồn đạp nước
        Ông Đỗ Phủ (杜甫) là người làm thơ nổi tiếng đời Đường. Hầu hết mọi người Việt Nam đều biết tới ông qua “Di chúc” của Hồ Chí Minh với câu thơ nổi tiếng “人生七十古來稀” [Nhân sinh thất thập cổ lai hi] (Người thọ bảy mươi  xưa nay hiếm) trong bài “Khúc giang” (曲江). Bài thơ có hai câu:
       
穿花蛺蝶深深見
 點水蜻蜓款款飛。
        [Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện, Ðiểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.]
        (Nghĩa là:  Nhiều con bươm bướm châm hoa thấp thoáng hiện. Những con chuồn chuồn dỡn nước dập dờn bay.
Câu thơ trong bài thơ này cũng là xuất xứ của thành ngữ tiếng Hán “蜻蜓點水” (chuồn chuồn đạp nước). Thành ngữ này có nghĩa bóng: làm ăn hời hợt,  chiếu lệ, qua loa cho xong chuyện, không sâu sát, kĩ càng. Thành ngữ này đã được người Việt dịch ra và mượn vào tiếng Việt. Còn có các biến thể: “chuồn chuồn đạp nước”, hoặc các biến thể: “chuồn chuồn chấm nước”, “chuồn chuồn lẹo nước”.
Chuồn chuồn đạp nước trong Từ điển Hoàng Phê cũng không chú từ loại mà chỉ giải thích: Ví tác phong qua loa hời hợt, không đi sâu.[tr. 185]

 (4) Gương vỡ lại lành
破镜重圆” [phá kính trùng viên] (gương vỡ lại lành) là một thành ngữ trong tiếng Hán nói lên cảnh vợ chồng đã ly tán sau lại được sum họp, đoàn viên.
        Giai thoại kể rằng, Từ Đức Ngôn (
徐德言) là tài tử trứ danh ở Giang Nam đời Nam Bắc triều, sau làm phò mã lấy em gái của Trần Hậu Chủ Trần Thúc Bảo là Lạc Xương công chúa (樂昌公主), rồi nhập triều đình làm chức Thị trung (quan cận thần), bộc lộ tài năng chính trị. Đương thời ông cùng phu nhân phu xướng phụ tuỳ thành một cặp giai ngẫu mọi người ai cũng phải ngưỡng mộ. Sách "Bản sự thi" (本事詩) nói Lạc Dương công chúa là người "tài sắc quán tuyệt". Hai người yêu nhau, lấy nhau nhưng đúng vào lúc ấy giặc giã nổi lên, nhà Trần suy loạn. Ông nói với vợ rằng hai người thế nào cũng ly tán vì thời cuộc, rồi lấy tấm gương soi đập vỡ thành hai, mỗi người giữ một mảnh và hẹn nhau ngày rằm tháng giêng năm sau ra chợ Trường An tìm lại nhau. Nhà Trần mất, Lạc Dương công chúa bị bắt, bị bán làm nô tỳ cho Dương Tố (楊素) và được Dương Tố đặc biệt yêu mến. Một năm sau, Từ Đức Ngôn ra chợ thì gặp một thiếu nữ bán mảnh gương vỡ. Từ Đức Ngôn đem mảnh gương của mình ra ghép vào thì thấy vừa khít nên biết ngay đó là nửa gương của vợ. Người bán gương kể cho Từ Đức Ngôn nghe nỗi lòng của công chúa, Từ Đức Ngôn bèn lấy bút đề một bài ngũ ngôn:
       
鏡與人俱去,
       
鏡歸人不歸。
       
無復嫦娥影,
       
空留明月輝。
        [Cảnh dữ nhân câu khứ/ Cảnh quy nhân vị quy/ Vô phục Hằng Nga ảnh/ Không lưu minh nguyệt huy.]
        (Dịch nghĩa: Người đi thì gương cũng đi, người về nhưng gương chưa về, bóng Hằng Nga đâu sao chẳng thấy, chỉ thấy ánh trăng mà thôi)
        Lạc Dương công chúa đọc bài thơ, biết là thơ của chồng liền than khóc vật vã. Dương Tố hỏi nguyên do, khi biết chuyện, liền cho mời Từ Đức Ngôn đến, trả lại Lạc Dương công chúa cho chàng, vợ chồng lại được đoàn tụ. Đây cũng chính là điển cố “
破镜重圆” [phá kính trùng viên] (gương vỡ lại lành).
        Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”:
       Đời ta gương vỡ lại lành
       Cây khô cây lại đâm cành trổ hoa.
Từ điển Hoàng Phê không chú gì mà chỉ giải thích: Ví cảnh sum họp đoàn tụ, thường là giữa vợ chồng, người yêu, sau một thời kì có sự tan vỡ, chia li. [tr.413]

(5) Khai thiên lập địa
Đây là thành ngữ tiếng Hán, tiếng Việt mượn nguyên dạng. Thành ngữ bắt nguồn từ thần thoại Bàn Cổ khai thiên lập địa của Trung Quốc.
Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6, đã viết huyền thoại Bàn Cổ trong quyển Thuật Dị Ký cũng nhắc đến chuyện “khai thiên lập địa”.
Trong tác phẩm Trâu thiến Mạc Ngôn viết:
当时可没想到是食物中毒,自打盘古开天立地,三皇五帝到如今,我们那儿还没听说食物还能中毒。
(Nói một cách thực lòng, lúc ấy mọi người không hề nghĩ đến khái niệm ngộ độc thức ăn. Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, trải qua Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới biết là ăn uống có thể bị ngộ độc.)
Từ điển Hoàng Phê không chú mà chỉ giải thích Lúc bắt đầu có trời đất, theo truyền thuyết, thường dùng để chỉ thời kì xa xưa nhất. Từ khai thiên lập địa đến nay (từ xưa đến nay) [tr. 490]

(6) Tan xương nát thịt
        “Tan xương nát thịt” là thành ngữ tiếng Hán (
粉身碎骨) [phẩn thân toái cốt], nghĩa là nghiền vụn xương, làm nát thân mình. Nghĩa bóng: vì một mục đích nào đó hoặc vì nghĩa cả mà liều hi sinh xương thịt không tiếc thân mình.
        Thành ngữ “
粉身碎骨” có xuất xứ từ bài thơ “石灰吟” [Thạch hôi ngâm] của于谦 (Vu Khiêm) đời Minh. Nguyên tác:
       
千錘萬擊出深山,
       
烈火焚燒若等閒。
       
粉身碎骨全不怕,
       
要留清白在人間。
        [Thiên chuỳ vạn kích xuất thâm san,
        Liệt hoả phần thiêu nhược đẳng nhàn.
        Phẩn thân toái cốt toàn bất phạ,
        Yếu lưu thanh bạch tại nhân gian.]
        (Đầu đề có bản chép là: “
詠石灰” [Vịnh thạch hôi], nghĩa là Vịnh đá vôi. Câu thứ ba là: 粉身碎骨全不顧 [Phẩn thân toái cốt toàn bất cố]).
        (Dịch thơ:
        Đục tận non xanh lấy đá về
Lửa hồng thiêu đốt có hề chi
Nát thịt xương tan nào có sợ
Chỉ mong thanh bạch tiếng còn ghi.)
        Tiếng Việt đã mượn thành ngữ này theo lối mượn ý dịch lời là “tan xương thịt nát thịt”. Thành ngữ này thường được sử dụng trong thơ ca, trong đó các từ có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Đầu thế kỉ XX, nhà thơ Phạm Tất Đắc đã viết tập thơ “Chiêu hồn nước” bất hủ, gồm 198 câu song thất lục bát, với lời lẽ thống thiết dấy lên lòng yêu nước của người Việt trước cảnh nước mất nhà tan. Bài thơ đã trở thành tài sản vô giá trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam, trong đó có đoạn:
        Hồn hỡi Hồn, con Hồng cháu Lạc!
        Bấy lâu nay giặc giả chiến tranh,
        Bấy lâu thịt nát xương tan,
        Bấy lâu tím ruột thâm gan vì Hồn.
                        (Phạm Tất Đắc – Chiêu hồn nước)
        Nhà thơ Tố Hữu cũng đã không dưới hai lần sử dụng thành ngữ này trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn:
        Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
        Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
        Dù bom đạn xương tan, thịt nát
        Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...
                       (Tố Hữu – Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
        Máu có chảy, xương tan thịt nát
        Bớ công nông! Tiếng hát càng cao
                        (Tố Hữu – Ba mươi năm đời ta có Đảng)
        Ngoài cách hiểu như trên, Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê không chú mà chỉ giải thích: “Chết một cách thê thảm. Ví dụ: Dù tan xương nát thịt cũng cam lòng.”[tr. 888]

        (7) Vật đổi sao dời
Vật đổi sao dời (物換星移 [vật hoán tinh di]) là một thành ngữ tiếng Hán dùng để chỉ sự thay đổi to lớn, có nguồn gốc từ bài thơ Đằng Vương các  (滕王閣) nổi tiếng của nhà thơ Vương Bột (王勃). Bài thơ có 2 câu:
        閒雲潭影日悠悠,
       
物換星移幾度秋。
        [Vật hoán tinh di kỷ độ thu
        Các trung đế tử kim hà tại ]
(Dịch nghĩa: Bóng mây trên mặt đầm trôi đi mãi, vật đổi sao dời đã biết bao mùa thu rồi. )
        Đọc kĩ cả bài thơ này ta sẽ hiểu sâu sắc hơn thành ngữ trên. Người Việt cũng hay sử dụng thành ngữ này. Nó gợi cho ta nhiều góc độ tâm trạng hoài cổ, bâng khuâng, thương tiếc một cái gì đẹp đẽ đã qua.
Từ điển Hoàng Phê chú (vch) văn chương và giải thích Mọi vật đổi thay.
[tr. 1107]

(8) Tảo tần
Thành ngữ “buôn tảo bán tần” có xuất xứ từ bài thơ “Thái Tần” (采蘋) của Khổng Tử. Nguyên văn:
       
于以采蘋?
       
南澗之濱。
       
于以采藻?
       
于彼行潦。
        [Vu dĩ Thái Tần,/Nam gián chi tân /Vu bỉ Thái Tảo /Vu bỉ hàng lạo]
        Dịch nghĩa: Đi hái rau Tần, / bên bờ khe phía nam, đi hái rau Tảo,  bên lạch nước kia.]
        (Chú giải: tần: rau lục bình nổi trên mặt nước, người Giang Đông gọi là bèo.
        tân: bờ nước; tảo: rong tụ, tảo ở đáy nước, cọng như ngọn cây thoa, lá như cỏ bồng ; hành lão: cái rãnh nước mưa chảy cuốn đi ; Nước ở phía nam chịu sự giáo hoá của Văn Vương, vợ của quan đại phu năng đi việc cúng tế, người nhà của nàng mới kể lại việc ấy mà khen tặng).
(Theo chú giải của Chu Hy)
           Theo cách chú giải truyền thống thì câu thơ trên ca ngợi người “vợ hiền dâu thảo”, chăm chỉ hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, “Tảo Tần” tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm hay làm của người phụ nữ. Thành ngữ “buôn tảo bán tần” đã xuất hiện trong Kinh Thi.
        Ở Việt Nam, ý biểu trưng của “Tảo Tần” cũng được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn, trong truyện Phạm Tải – Ngọc Hoa:
        Sớm khuya chăm việc tảo tần
        Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai
        Về sau: thành ngữ “buôn tảo bán tần” được dùng với nghĩa rộng hơn, chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ. Chẳng hạn:
        Cô Hai buôn tảo bán tần
        Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
Từ điển Hoàng Phê ghi tảo  tần như tần tảo và chú là đt và giải thích (Phụ nữ) làm lụng vất vả, đảm đang việc nhà trong cảnh sống khó khăn. Một mình mẹ tần tảo nuôi cả đàn con. Sớm khuya tần tảo. [tr. 899]
Theo chúng tôi chú là động từ là chưa thỏa  đáng. Đây  là hiện tượng từ vựng hóa và nó phải là tính từ chỉ tính chất. Ví dụ: Chị ta là người phụ nữ tần tảo thương chồng thương con.

3. THAY CHO LỜI KẾT
Như vậy tất cả các thành ngữ tiếng Hán kể trên và rất  nhiều thành ngữ tiếng Hán khác được tiếng Việt đưa vào trong từ điển Hoàng Phê, đều không được chú là thành ngữ. Nhưng do khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể liệt kê hết ra đây. Như ta đã biết, do có sự tiếp xúc văn hóa giữa hai dân tộc nên hiện tượng vay mượn trong ngôn ngữ là điều đương nhiên. Có rất nhiều thành ngữ  được dịch ý sang tiếng Việt, chẳng hạn 平地风波 [bình địa phong ba] (đất bằng dậy sóng). Có nhiều thành ngữ tiếng  Hán khi vào tiếng Việt đã biến thành từ (Hiện tượng từ vựng hóa). Nhưng, như đã nói, trường hợp “tảo tần” chú là động từ thì không thỏa đáng. Có thành ngữ  tiếng Hán mượn vào tiềng Việt chịu sự chi phối của ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt. Trường hợp biến âm cho phù hợp với cách phát âm của người Việt, chẳng hạn 耀武扬威 [diệu võ dương uy] (diễu võ dương oai). Trường hợp thay đổi trật tự ngữ pháp cho phù hợp với cách nói của người Việt; chẳng hạn, người Trung Quốc nói: 佛口蛇心[phật khẩu xà tâm], (định ngữ đứng trước danh từ trung tâm trong tiếng Hán), người Việt nói: “khẩu phật tâm xà”, (định ngữ đứng sau danh từ trung tâm trong tiếngViệt). Có những thành ngữ mượn nguyên dạng, chẳng hạn 杨东击西 [dương đông kích tây] (dương đông kích tây). Có người cho rằng, có thể, cách tư duy của các dân tộc là như nhau. Chẳng hạn, người Hán dùng thành ngữ 鳄鱼的眼泪 (nước mắt cá sấu), để chỉ những kẻ giả dối, rơi  nước mắt giả nhân giả nghĩa để lừa người, thì người Việt cũng nói “nước mắt cá sấu” [tr. 747], trong khi người Anh nói “crocodile tear”, người Pháp nói “l’arme de crocodile” (nước mắt cá sấu).
Tuy nhiên, đối với những ngữ đã quá quen thuộc với người Việt, như (6), (7), (8), những thành ngữ mượn hoàn toàn (5), thì nên trả lại vị trí đích thực cho nó, tức là nên giải thích nguồn gốc và chú là thành ngữ tiếng Hán. Còn trường hợp “nước mắt cá sấu” thì cũng nên chú thêm thành ngữ tiếng Hán để tiện liên hệ. Có như vậy mới  tạo điều kiện thuận lợi cho những người học tập, nghiên cứu và quan tâm tới tiếng Hán. Thiết nghĩ đây cũng là gợi ý cho các nhà làm từ điển.

Nguyễn Ngọc Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét