Nghèo mà tài không được bằng ai nên tôi chọn sách (viết và kinh doanh sách)
làm nghề kiếm kế sinh nhai. Ngót nghét hai mươi năm với nghề,
khi thấy nghề sách có dấu hiệu “suy thoái”, tôi quyết định bỏ nghề, “về hưu” và
tìm thú tiêu khiển với facebook... Lên mạng, tôi chăm chú đọc những bài về văn
hóa tín ngưỡng, về đối nhân xử thế... chứ không mặn mà với thơ, truyện vì... ngại
đọc, sợ phải “động não” nhiều nên khi thi sĩ Nguyễn Đăng Hành rủ Văn Thùy “dị
nhân” đến thăm nhà - ở làng Đá, Ân Thi, Hưng Yên - tôi mới biết ông là thi sĩ
cùng quê, là kẻ bấy lâu được giới văn chương “phong tặng” là “dị nhân”, là “lục
bát giang hồ”... Cầm mấy tập thơ ông đề tặng, tôi cám ơn cho phải phép rồi cất
vào tủ sách. Đêm. Ám ảnh bởi cuộc nói chuyện của ông, tôi vùng dậy “lôi thơ” của
ông ra đọc. Tôi thật sự bị thơ ông cuốn hút!
Ông tung hứng, nhảy múa với từng câu chữ. Ông bắt người đọc phải trầm trồ,
ngả mũ vì cách chơi chữ táo bạo mà đắc địa: Phải tay này gặp Thị Màu /
Chẳng sưng đầu mõ, cũng nhàu vú chuông... hay: Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín vía
chột mười cũng xong.
Câu chữ, qua sự nhào nặn của ông - của “dị nhân” Văn Thùy - trở nên sinh động,
nhuần nhuyễn và tài hoa: Nửa đời bám gió leo mây / Hôm nay ngồi phệt mặt
đầy rong rêu... hay: Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh
lọn tóc rã rời mái gianh.
Viết về tình yêu với vợ (cũ), người phụ nữ từng nhiều năm đầu gối má kề,
ông dành cho bà những lời dịu dàng, đằm thắm: Bao nhiêu chữ nghĩa hương
hoa / Cũng bay về phía thật thà ngày xưa; bằng trải lòng rất thật: Quay
về tầm mắt em thôi / Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh. Ông dằn
vặt, tự trách, ông nhận hết phần sai về mình: Nửa đời bám gió leo mây /
Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu / Mải mê thơ phú cánh diều / Bỏ trâu gặm cụt
nắng chiều mồ côi. Tình yêu ông dành cho người vợ nhiều lắm nên bất chấp
tính sĩ diện cố hữu của thằng đàn ông, ông thấp giọng “xin” bà cho ông cơ hội: Xin em hết sức lượng tình / Cho tôi tìm lại chính mình
hôm qua. Và rồi, cả
mãi sau đấy, khi bà rời xa ông, đã trở thành người phụ nữ “của người ta”, thì
tình yêu ông dành cho bà vẫn âm ỉ. Sau những“Trong nhà luýnh quýnh một người
chạy mưa”, ông ngồi thần người nghĩ về người vợ cũ. Hình ảnh người đàn
ông cô đơn, tuổi xế chiều, cố nén tiếng thở dài để chặn tiếng khóc chực bật ra
trong Nhà Dột như cứa vào tâm trí người đọc: Giá
như đôi đũa chẳng cong / Thì đâu lẻ bóng long đong chống trời / Giá như… ừ… giá
như thôi / Mình không dại dột chia đôi nếp nhà.
Có lẽ là người thất bại trong hôn nhân nên mặc dù khao khát một tình yêu
mãnh liệt, luôn sẵn lòng đắm đuối với ái tình nhưng những khao khát, đắm đuối ấy
luôn gặp phải sự cản trở từ chính con người ông. Những câu tếu táo, bông
đùa: “Vừa ban thông điệp yêu đương / Bỗng dưng cả bộ dát giường động
kinh”, hay “Có gì mạnh đến lạ thường / Yêu suông đã bốn chân giường
còn hai”… tưởng gia vị
cho tình yêu thêm thi vị, máu lửa thì thực ra đó là lời chống chế ngầm của kẻ sợ
sẽ bại trận trong tình yêu. Như con chim sợ đậu phải cành cong, ông đắm đuối, bỏng
cháy với tình yêu nhưng lại dè dặt, e ngại mở lòng với cuộc tình “sắp” đến. Rất
nhiều tính từ (có lúc lại là động từ) như “yêu chay”, “yêu khan”, “yêu
suông”... được ông sử dụng để diễn tả tâm trạng e ngại, kìm nén những
xúc cảm yêu đương: “Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi”, “Yêu chay loang lổ
mảng tường phong rêu”, “Đã âm thầm nỗi yêu khan”, “Đã thành hội chứng yêu
khan”...
Ông viết nhiều về tình yêu trai gái, nhưng thường là thứ tình yêu trớ trêu,
thuộc lứa nạ dòng gặp phải trai lơ, bằng thứ ngôn ngữ bình dị của người thôn
quê pha chút ngông ngông, “bất cần” của gã trai “bụi” phóng đãng: Cổng
chùa xin tiểu lỏng then / Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa... hay: Em nguyền khổ hạnh ăn chay / Tôi
thề uống cạn đắng cay cõi trần.
Nhưng khi viết về mẹ thì thơ ông lại trầm lắng mà da diết, từng lời, từng lời
như bào xát tâm can, khiến người đọc day dứt, rưng rưng: Vinh hoa con ướm
trên người / Phất phơ tóc mẹ dệt thời yêu thương / Đã đi nhẵn một con đường /
Còn nghe tóc mẹ bốn phương rối bời / Con đi dọc nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn
tóc rối thời mái gianh - (Tóc Rối Của Mẹ Năm Xưa). Hay
những câu thơ thật hay, thật sinh động, được viết bởi tấm lòng của người con hiếu
thảo trong Hoài Cảm Tích Cũ khắc sâu trong tâm trí người
đọc: Chân trần mài vẹt đường quê / Lưng về như đặt đoạn đê giữa nhà /
Lá trầu dứt cuống đi xa / Nồng cay hương quế thơm qua xứ người.
Viết về mảng nào, dù là tình yêu trai gái hay nhân tình thế thái, thơ ông
cũng có sự mượt mà, đằm thắm của ca dao, pha chút tếu táo, bỡn cợt của dân dã,
cộng thêm chút khệnh khạng của Văn Thùy, đã tạo nên thương hiệu thơ rất riêng,
rất “dị nhân” Văn Thùy, dễ say đắm lòng người.
Trong gia tài thơ ca của ông, có nhiều câu thơ đặc sắc, thể hiện nét tài
hoa đặc biệt của ông, nhưng thật tiếc, sự lặp lại về tứ, về ý đến gần như sao y bản chính của
không ít câu thơ: “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín vía chột mười
cũng xong.” - “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín ngón hỏng mười cũng
xong.”, hay: “Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn
tóc rã rời mái gianh.” - “Con đi dọc nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rối
thời mái gianh”..., thậm chí sự tương đối giống nhau của cả những bài
thơ (Xin Em - Xin Em Đừng Mặc Áo Dày) đã làm thơ ông xuất
hiện sự nhàm chán, nhạt đi và bớt duyên, khiến những người yêu thơ, yêu sự sáng
tạo, chỉn chu sẽ khó chịu, cho rằng ông lười sáng tạo nên mới xào sáo, làm giảm
sức hấp dẫn với chính thơ của mình.
*.
Hà Nội, 26 tháng 12
năm 2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét