(Đọc tập “Chân
sóng ngọn nguồn” thơ
Phạm Trọng Thanh - NXB Hội nhà văn tháng giêng 2015)
Đây là tập thơ thứ 8, sau 22 năm đèn
sách nối vần của nhà thơ Phạm Trọng Thanh.
Bốn mươi sáu bài trong tập thơ “ Chân
sóng ngọn nguồn” mỏng mảnh chưa đầy trăm trang. Diễn tả đủ cả tình cảm
con người, phong sương, cây cỏ... nhưng đầy đặn nhất, ấn tượng nhất là nói về
tình người, tình bạn bằng những đồng điệu câu thơ. Quả vậy riêng mảng này đã đề
tặng, khắc họa tới 20 chân dung thi sĩ, ấy là chưa kể không ít những bài khác
tuy không nói rõ họ danh nhưng cũng phảng phất bóng ai rồi.Ở đây, không tiện
thống kê từng người, từng bài, chỉ xin đụng đến những mạch huyệtt, mang tính
dẫn chứng để chúng ta cùng suy nghĩ mà thôi.
Với Bác: “
Vầng sáng tiên tri, vầng trăng thi sỹ/ Khuya ấy Bác về đầy thuyền trăng ngân” (Nhớ
Bác) hiện lên ngồn ngộn một lãnh tụ, một con người, chất thi sĩ, trăng treo...
Còn với Võ Đại Tướng: “
Đuốc trầm hương thắp/ Điểm danh sao trời/ Kính dâng Đại Tướng/ Người của trí -
dũng - liêm - trung/ Hun đúc bao đời” (Hoàng hôn thiêng liêng). Đọc thơ
ta thấy một vị tướng không chỉ là người võ nghệ trần gian, chiến công hiển
hách, mà đã bật lên như một thiên thánh; lập lòe hương đỏ, sao trời cao hồn tử
sỹ tụ về.
Với hai nhà thơ, nhà văn chiến sỹ hy
sinh rất trẻ: Nguyễn Mỹ “ Nhà thơ trong cuộc chia ly/ Con
đường nhỏ vẫn thầm thì lá rơi”. Chiếc lá rơi màu đỏ tô thắm cuộc chia ly,
anh ra đi bên dòng sông Đắkta năm ấy còn óng ánh mãi với đời.Còn “ Một Nguyễn
Thi mang giọng điệu hai miền/ Gáy sách xôn xao hành trình năm tháng” (Trong ngõ
Văn Nhân). Anh hy sinh giữa thành phố Sài Gòn không còn thân xác, để bây giờ có
con đường mang tên Nguyễn Thi! Có lần người mẹ vào nhớ con “
Cửa ngõ sài Gòn một lần mẹ đến/ Con ... trong sắc hoa nào bốn mươi mùa xuân”.
Anh đã hòa vào đất nước, quê hương ...
Ta hãy nghe đôi câu nhà thơ viết về
Hàn Mạc Tử: “
Ngoảnh về Ghềnh Ráng cô đơn/ Xa xa xuân chín nguồn cơn lỡ làng” thấy
cả thần thế một con người tài hoa, mà sao đau xót “ Nguồn cơn lỡ làng”! Phạm
Trọng Thanh đã họa đúng chân dung Hàn Mạc Tử.
Còn với Tú Xương: “
Sự đời nhốn nháo đảo điên/ Hàng Nâu còn đó niềm riêng khóc cười” (
Thành Nam
có một góc văn). Có cả nước mắt lẫn vào, thật đáng thương tâm!
Cùng với mạch thương cảm ấy, với nhạc
sỹ tài hoa Đặng Thế Phong:“Chúng tôi ngồi bên nhau im lắng/ Nghe mưa sáng
trời” (Đặng
Thế Phong mùa thu). Những sợi buồn nhỏ thành giọt mưa thu để
tim ta nghe rung động đến bây giờ.Đôi câu thơ tặng nhà thơ Trương Hữu Lợi. Tôi
biết bài này viết khi Trương Hữu Lợi còn sống, tuy đang ủ bệnh tình ... : “
Sông rưng mười ngón tay mình/ Nghìn xưa nước mắt tội tình biệt ly” (Sông
Châu bến nhớ). Nhớ về một con người với mối tình ly biệt thủy chung - Hoàng hậu
Chiêm Thành, nàng thác ở miền bến sông Châu, vừa buồn thương vừa cảm phục. Thơ
sao cứ vận vào Trương Hữu Lợi , sau đó không lâu anh đã qua đời...
Còn với Phạm Như Hà, bạn thơ thân
thiết, của Phạm Trọng Thanh. Anh đã để lại những câu thơ hay, người đi rồi hồn
còn lại, được nhà thơ mời gọi hiện về: “ Bên nhớ bên thương bên bồi bên lở/
Sông Ninh dài thao thức chưa nguôi...”(Cỏ sương). Dòng sông Ninh bồi lở vẫn
còn đấy, đọc thơ lên sao thấy nhớ thương Phạm Như Hà ...
Với cụ Nguyễn Khuyến “lụ khụ” dưới “
làng Bùi chốn cũ” mà “
Trông kìa đàn sếu đang bay/ Đội hình chim chọn phương này lại qua” (Cánhchim
di trú). Đội hình bề thế đấy nhưng sao vẫn bơ vơ, xộ xệch giữa đất khách quê
người nước mây giông bão!
Đặc biệt với bậc danh sư - Thầy
lang tôn kính Lãn Ông Hải Thượng. Trong một cuộc thi thơ do “Báo Gia đình và xã
hội” tổ chức, thơ anh được xếp vào một trong mười bài xuất sắc, trúng giải nhì.
Có câu “Thần” nâng cả danh nhân, thi phẩm thành chót vót: “Loài
thảo dược cũng chẳng nương tà khí/Huống nữa lương y tâm ý đạo trời”(Tìm
người lên kinh năm ấy).
Không chỉ với bạn gần anh còn chia sẻ
với người xa. Nazim Hikmet: “Có trời biết ai trong giấc mơ của
nàng kia chứ/ Còn tôi ... buồn khi chạm nỗi niềm Nazim từng mơ”. (Nhà
thơ và người đẹp).Với nhà thơ Hy Lạp: “ Mê-lê-la-ot Lu-de-mit/ Tôi gặp
trái tim thơ trên ngực khỏe sông Hồng” (Trái tim thơ ở đây).Hay với bạn
thơ Lào: “
Người lính trẻ yêu rồi sông có biết/ Xin mang chiều Xê-băng-hiêng đi xa...” (Xê
băng hiêng chiều xa).Không chỉ với bạn bè, người thơ, anh còn đem cái tình trải
ra với đất trời, sông nước, địa danh thơm.“Gươm lồng nét bút Nguyên Phong/
Phổ Minh trầm mặc bên dòng trời lên...” (Lấp lánh Thiên Trường).
Mang dòng sông Đáy níu với
ngọn sóng Hoàng Sa: “
Nghe sông bận rộn con vần vũ/ Lắng sóng Hoàng Sa, sóng đất liền” (Cửa
đáy).Với biển khơi Côn Đảo: “ Ở đây/ Máu chúng tôi sôi cùng biển
sôi/ Những đợt sóng vọt trào giận dữ”(Đây Cầu Tàu 914 Côn Đảo). Sôi sục,
anh dũng, căm thù,...Và với đường phố không tên: “ Phố dài lãng đãng thương
nhau/ Em đi đường ấy, chữ nhàu về anh...” (Thư). Phảng phất kỷ niệm chút tình
riêng ...
Bấy nhiêu câu thơ, bằng ấy lời tình
đủ hiểu phần nào tâm tư, cốt cách, phẩm hạnh nhà thơ. Tôi vẫn xin chút nữa về
anh. Mặc dù tromng đoạn đời qua có lúc bị sóng gió tạt vùi... Những khi ấy tôi
chỉ thấy anh buồn, nhưng chưa lúc nào rơi lệ. Chỉ một lần dàn dụa giữa cánh
đồng “ lặng lẽ”, anh đã thương thân trách phận khi mẹ không ở lại cõi đời để
lại mình anh “
Tóc bạc đã mồ côi” vậy! thật xót xa, chí hiếu, chí tình!
Bằng ấy câu thơ, bao nhiêu chức phận
nét người; mỗi chữ, mỗi dòng cứ ngân ngấn sáng lên từ “ Ngọn nguồn” “ Chân
sóng”. Họ đã cùng với “
Các thiên tài đi xa/ Gửi lại cho đời” Những “Khúc thiên thai/Và Truyện
Kiều tiếng
mẹ”
Đến đây, thật lòng tôi không sao
bình tả xiết ngọn nguồn, tình nghĩa thơ anh...
Nam Hồng, ngày Hạ mưa giông - 2017.
Phạm Ngọc Khảnh
Địa chỉ: xóm Đông - thôn Vệ -
Nam Hồng - Đông Anh - Hà Nội
Điện thoại:
01649890369 - Email: phamlinhnd@yahoo.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét