Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Hình tượng người cha trong “Mái nhà xưa” (thơ Hoàng Vận) / Nguyễn Mộng Nhưng

Nhà thơ Hoàng Vận


               Nhà thơ Hoàng Vận (1940 – 2/7/2017) – Hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định, Chủ nhiệm CLB thơ Quần Phương, một trong số cây bút văn chương xuất sắc của huyện Hải Hậu trong thời kỳ Đổi mới, vừa qua đời, hưởng thọ 78 tuổi, trong sự tiếc thương của những người thân và bầu bạn văn nghệ gần xa.
              Kỷ niệm về ông, xin mời đọc bài bình thơ Hoàng Vận của tác giả Nguyễn Mộng Nhưng.






Hình tượng người cha trong “Mái nhà xưa”

          Nguyễn Mộng Nhưng

         (Cảm nhận bài thơ “Mái nhà xưa” trong tập NGÀY XANH của nhà thơ Hoàng Vận - NXB Lao Động xuất bản năm 2004)

MÁI NHÀ XƯA

Hoàng Vận

Cái mái nhà lợp bằng cỏ dại
Toả hương thơm bởi có hơi người
Lưng áo mẹ bạc mồ hôi mẹ
Vai nặng oằn cha gánh đầy vơi.

Mái nhà ấy năm tháng chơi vơi        
Giữa bão táp, mưa dầm, lụt lội
Cha trước cửa – ngực cha che bão nổi
Vắt kiệt mình – mẹ lửa cháy cơm sôi.

Tôi lớn lên từ ngôi nhà ấy
Khoác vai em đi giữa đường đời
Ngước nhìn tôi miệng em cười tươi thắm:
Cha mẹ mình yêu nhau lắm anh ơi!

Sống giữa bê tông chợt tôi lo ngại
Nếu như mình không đứng vững vai cha
Hay mải vui mà quên mất mẹ 
Dễ để con mình xa xót đường xa!

          Bài thơ “Mái nhà xưa” chúng tôi đã được nhà thơ Hoàng Vận đọc trong một buổi mấy anh em gặp nhau uống rượu, bình thơ. Khi in trong tập Ngày xanh, bài thơ này nằm ở vị trí “chốt hậu”, không phải là vô cớ. Thật thú vị, con người có dáng vẻ “lãng tử” tưởng chỉ có những vần thơ si mê, “ướt át”. Vậy mà trong một thời khắc “xuất thần”, lại cho ra đời một bài thơ giàu tính triết luận về đạo lý ở đời. Trong “Mái nhà xưa”, hình ảnh người đàn ông – người cha đã hiện lên như một nhân chứng lịch sử:
          Đây là ngôi nhà, nơi người đàn ông sinh ra. Nét phác hoạ thật giản dị:
Cái mái nhà lợp bằng cỏ dại
Toả hương thơm bởi có hơi người
         Trong bản thảo, Hoàng Vận viết là “cỏ rại”. Nhưng khi in, người biên tập đã sửa thành “cỏ dại”. Ông viết “cỏ rại” là có chủ ý, chứ không phải ông sai chính tả. Theo ông, “cỏ rại” là tiếng địa phương để gọi một loại cỏ chỉ có vào cái thời ông còn là cậu bé, lẽo đẽo theo cha tập lam làm, tập “trông trời, trông đất, trông mây”. Rồi một ban mai, cậu bé mở căng lồng ngực hít thở mùi hương toả ra từ mái ấm nhà mình. Sự khai trí đầu tiên của người thiếu niên chính là nhận thức về sự hiện hữu của con người gắn liền với cuộc sống lao động. Công cha, nghĩa mẹ hiển hiện hàng ngày:
Lưng áo mẹ bạc mồ hôi mẹ
Vai nặng oằn cha gánh đầy vơi
           Ngoài việc làm lụng cật lực hàng ngày để kiếm miếng cơm, manh áo, những người dân miền biển còn phải thường xuyên chống chọi với gió to,  sóng dữ:
Cha trước cửa ngực cha che bão nổi
Vắt kiệt mình mẹ lửa cháy cơm sôi
          Một lần nữa người cha lại thể hiện vai trò trụ cột của mình. Là cha là đầu tầu, là cứng mạnh, là linh hoạt, là bao dung.
Tôi lớn lên từ ngôi nhà ấy
Khoác vai em đi giữa đường đời
          Người thiếu niên đã trưởng thành, lấy vợ, sinh con và đảm nhận trách nhiệm thay cha chèo lái con thuyền. Gia đình họ bây giờ có ba thế hệ tiếp tục ghi dấu ấn vào cộng đồng họ hàng, làng xã. Ngày ấy, ước mơ về cuộc sống hạnh phúc của người dân quê thật đơn sơ, cụ thể: nhà ngói cây mít, ruộng cả ao liền. con đàn cháu đống…Cha mẹ gần như không phải lo hướng nghiệp cho con. Cha cày cuốc lại sinh con cày cuốc. Hết chiêm rồi tiếp đến mùa, cứ áo đủ, cơm đầy là sung sướng lắm rồi! Nhưng đã làm cha làm mẹ, ai cũng có nỗi lo: để lại gì cho con cho cháu? Người cha trong “Mái nhà xưa” không chỉ để tiền, để của cho con, mà còn để lại một “di sản” thật đặc biệt:
Ngước nhìn tôi miệng em cười tươi thắm
Cha mẹ mình yêu nhau lắm anh ơi!
           Đây là một bức ảnh lồng. Cận cảnh là hình cha mẹ, phia sau là bóng ông bà. Tinh thần của bức ảnh là tình yêu thương. Tình yêu thương chính là của nả, là di sản tinh thần cha mẹ để lại cho con cháu. Bởi tình yêu thương cộng với sự kiên nhẫn và lòng qủa cảm sẽ tạo ra hạnh phúc, sẽ làm nên tất cả.
           Cuộc sống ngày càng no đủ. Cái mái rạ ngày xưa đã được thay bằng mái bê tông. Sự thay đổi của gia đình người cha cũng là sự thay đổi của đại bộ phận nông dân Việt Nam dưới chế độ mới. Từ mái rạ đến mái bê tông là kết quả sự nỗ lực của cả đời người, thậm chí mấy thế hệ người. Điện khí hoá và kiến trúc bê tông đã biến đổi hoàn toàn bộ mặt miền quê xưa lầy lội, tối tăm. Thế nhưng, sống trong môi trường bền vững ấy, người cha lại đau đáu thường trực một một nỗi băn khoăn, lo lắng. Những hệ luỵ của lối sống thị trường đang làm chao đảo không ít giá trị đạo đức, tập quán truyền thống. Con người đang sống đầy đủ, tiện lợi hơn bao giờ hết, nhưng con người cũng đang hàng ngày đứng trước cám dỗ và tai hoạ. Chúng ta đồng cảm với những trăn trở của người cha. Ông đã nhắc nhủ mình phải “đứng vững” để làm điểm tựa cho các con. Tâm thế của người cha dồn nén vào khổ thơ cuối cùng:
Sống giữa bê tông chợt tôi lo ngại
Nếu như mình không đứng vững vai cha
Hay mảng vui mà quên mất mẹ       
Dễ để con mình xa xót đường xa.
           Người cha trong “Mái nhà xưa” là một người đàn ông có những rung cảm sâu lắng về thiên nhiên và cuộc sống. Đồng thời cũng là một người cha đầy bản lĩnh và trách nhiệm.
                                *
                             *    *
           Phải chăng luôn có sự đồng điệu giữa công việc của nhà chép sử với sáng tác của nhà thơ? Nhà chép sử và nhà thơ đều là nhân chứng của thời kỳ lịch sử họ đã và đang sống. Và cả hai đã đồng thời ghi lại lịch sử theo cách riêng của mình.
          Khắc họạ tầm vóc người cha trong buổi giao mùa lịch sử, bằng hình tượng ngôn ngữ trong “Mái nhà xưa”. Tôi nghĩ đây là một sáng tạo thi ca đáng ghi nhận của nhà thơ Hoàng Vận.

N.M.N




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét