Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

“CHIA” (thơ Nguyễn Trọng Tạo) – Ca ngợi tinh thần vị tha đến hết mình, lấy sẻ chia làm niềm vui và điều hạnh phúc / Lê Văn Hy


          Đọc Văn nghệ Công an số ra ngày 15 tháng 6 năm 2017 tôi bắt gặp bài thơ “Chia” của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
          Chia cho em một đời tôi
Một cay đắng, một niềm vui, một buồn
          Tôi còn cái xác không hồn
Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
         
          Chia cho em một đời say
Một cây xi với một cây bồ đề
          Tôi còn đâu nữa đam mê
Trời chang chang nắng tôi về héo khô

          Chia cho em một đời thơ
Một lênh đênh, một dại khờ, một tôi
          Chỉ còn cỏ mọc bên trời
Một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm

          Chia, nghĩa đen là tên gọi một trong bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Còn nghĩa mở rộng, nghĩa lên tưởng là chia sẻ, là cho đi cũng như cộng là them vào, nhân là nhân lên, trừ là bớt sén đi vậy.
          Thông thường trong cuộc sống, người ta thường chỉ mong muốn mọi sự như ý, được them vào, được nhân lên, chứ ít ai muốn phải trừ đi, ngoại trừ là trừ ma quái, trừ bệnh tật “Bách bệnh tiêu tansvanj bệnh tiêu trừ”.
          Trong ca dao, thơ ca phương ngôn tục ngữ, hoặc lời nói cửa miệng đã nói lên điều đó. Chẳng hạn đi buôn thì mong “Một vốn bốn lời”, vợ chồng mong “Bách niên giai lão”. Tú Xương chúc sự giàu là “Trăm ngàn vạn mớ để vào đâu” (không để đâu cho hết), chúc con là “Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn” cũng đều là ý nghĩa số cộng và số nhân cả. Thảng hoặc trong thơ ca, mở đầu là nhà thơ cách mạng Tố Hữu:
          … Trái tim anh đó
          Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
          Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
          Phần cho thơ và phần để em yêu
          Tưởng như nhà thơ không dành riêng cho mình gì cả. Nhưng suy cho cùng thì dành cho thơ cũng là dành cho niềm đam mê của mình và dành cho em, lại là em yêu nữa cũng là dành cho cuộc sống tình cảm của mình đấy thôi.
          Xuân Diệu có câu:
          “Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”
          Thì vừa là sự tự hào về phóng khoáng, hào phóng nhưng vẫn còn sự tiếc nuối.
          Bài thơ “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo thì khác hẳn với thói đời “Một mình thì giàu, chia nhau thì khó”. Ông muốn chia đi tất cả, chia một đời tôi, một đời say, một đời thơ của ông cho “em” chứ em ở đây không chỉ riêng một ai và cho tất cả mọi người ở lớp dưới, lớp đáng được chia se.
          Chia cho em một đời tôi
          Đời là gì? Đạo Phật nói đời là bể khổ. Đời là nhiều niềm vui và cũng đầy nỗi buồn. Cả ba : Bể khổ (cay đắng), niềm vui và nỗi buồn đều muốn chia ra, cho đi. Cho đến hết mình. Chia đến mức mà không còn gì cả như cái xác không hồn, cái chai không rượu, nhưng vẫn còn vỏ chai, vẫn hy vọng lại có dịp rót rượu đầy chai để lại cho đi, lại rót cho đời đến giọt rượu cuối cùng lại trở về cái chai không rượu.
          Chia cho em một đời say
Một cây xi với một cây bồ đề
          Cây xi là loại cây dễ trồng, sống dai dẳng, tượng trưng cho lòng xi mê (tham sân si) cứ bám vào muốn dứt ra không được. Còn cây bồ đề tượng trưng cho long từ bi hỷ xả của đạo Phật mà tâm ta cần tu luyện. Vô tư đến mức không còn xi mê, đam mê, tâm hồn như bông hoa héo khô giữa trời chang chang nắng.
          Tôi còn đâu nữa đam mê
Trời chang chang nắng tôi về héo khô
          Bốn câu cuối bài thơ, tác giả còn muốn chia cả một đời thơ, một đam mê vinh quang và cay đắng, một lênh đênh, chìm nổi, dại khờ từng trải của đời thơ của mình cho thiên hạ.
          Sau khi đã chia sẻ mọi nỗi niềm cay đắng xa xôi của người thơ, khi đã vắt kiệt mình cho thi ca và tình yêu, khi cuộc đời khép lại trong hình ảnh một bông hoa nhỏ nhoi vừa lặng thầm rồi đâu đó trong đêm đông mưa dầm gió bấc.
          Chỉ còn cỏ mọc bên trời
Một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…
           “Chia” chỉ vẻn vẹn có 12 câu thơ lục bát tài hoa, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nói lên được một nhân sinh quan đa đoan vị tha đến hết mình, lấy chia sẻ, lấy cho đi làm niềm vui và điều hạnh phúc. Ý nghĩa tinh tế, hàm súc “Ý tại ngôn ngoại” của bài thơ là ở chỗ đó.

Lê Văn Hy
Lê Xá, thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định
ĐT: 01244410749

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét