Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

TẤM LÒNG NHÀ THƠ HẢI NHƯ VỚI QUÊ HƯƠNG NAM ĐỊNH / Trần Mỹ Giống

      Nhà thơ Hải Như nổi tiếng với các bài thơ viết về Hồ Chí Minh, quê làng Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, cụ đã qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh lúc 7 giờ sáng nay 30-6-2017 thọ 95 tuổi. Cụ là cộng tác viên tích cực của trang blogTMG. Nhân đây chúng tôi đăng bài viết về cụ:

Nhà thơ Hải Như



TẤM LÒNG NHÀ THƠ HẢI NHƯ 

VỚI QUÊ HƯƠNG NAM ĐỊNH

Trần Mỹ Giống


           Nhà thơ Hải Như nổi tiếng về những bài thơ chủ đề Bác Hồ với cách thể hiện rất riêng, một lối đi riêng - rất Hải Như, không giống bất cứ nhà thơ nào. Nhà thơ Hải Như là một danh nhân văn hóa của Nam Định nói riêng và của cả nước nói chung thời kỳ hiện đại. Ông không chỉ đóng góp cho Nam Định mà còn cho nhiều tỉnh trên lĩnh vực văn học thông qua các bài thơ viết về từng địa phương, trong số đó có hơn trăm bài đã được phổ nhạc, nhiều bài trở thành nhạc hiệu, truyền thống địa phương. Xin nêu một số ví dụ:
         - “Cả Hà Nội hành quân” (Nhạc Lê Lôi) được chọn làm nhạc hiệu Đài phát thanh Hà Nội.
        - “Hà Nội thành phố của niềm tin” (nhạc Hồ Bắc).
         - “Thành phố hoa phượng đỏ” (nhạc Lương Vĩnh).
       - “Thành phố tiếng thoi” (nhạc Huy Thục) được lấy làm nhạc hiệu Đài phát thanh Nam Định.
       - “Sài Gòn thế kỷ”, “Thành phố không có hoàng hôn” (nhạc Hoàng Đạm).
     - “Nụ cười Đà Lạt” (nhạc Trương Quang Lục).
       - “Hoa sữa” (nhạc Phạm Đình Sáu).
       - Liên khúc “Hoa trong vườn Bác” và hợp xướng “Chào bình minh thời đại” (Lời thơ Hải Như; nhạc Cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, năm 1970 Nhà hát giao hưởng Việt Nam đã cho ra mắt tại Nhà hát lớn ở Hà Nội).
       - v.v...
       Mới đây trên tạp chí “Xây dựng Đảng” và nhiều báo tạp chí khác đã đăng bài ca ngợi nhà thơ Hải Như. Đặc biệt, kênh truyền hình HTV9 thành phố Hồ Chí Minh phát lại bộ phim 2 tập của Hãng phim TFS sản xuất năm 2006 nói về nhà thơ Hải Như đã thể hiện rõ nét chân dung một tài thơ đích thực được nhiều tổ chức, nhiều nhân vật quan trọng như nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Tổng bí thư Trường Chinh, nguyên Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành... đánh giá rất cao. Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân) xuất hiện trong bộ phim đã nhận định: “Tập thơ của Hải Như viết về Hồ Chí Minh đã đi vào di sản thơ ca cách mạng, đi vào thơ văn trữ tình của dân tộc ta...”. Nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành phát biểu: “Thơ của nhà thơ Hải Như có tính hiện đại, luôn luôn sát thực tế, chịu trách nhiệm nói lên thực tế bằng văn học để giúp những nhà lãnh đạo suy nghĩ về mình và đất nước...”. Còn đồng chí Trường Chinh thì khích lệ nhà thơ Hải Như “cùng nghĩ với Đảng”, nói như cách nói hiện nay là khích lệ phản biện để xây dựng Đảng... Xem xong bộ phim tôi rưng rưng tự hào Nam Định có một người con ưu tú – nhà thơ Hải Như đã lam đẹp cho quê hương.
        Nhiều tỉnh bạn rất coi trọng cống hiến của nhà thơ Hải Như đối với địa phương, đất nước, biểu hiện ở hàng trăm bài viết trên phương tiện thông tin, làm phim về ông, ca ngợi xứng đáng với ông... Tôi được biết các nhà lãnh đạo địa phương Nam Định trước đây như Phan Điền, Nguyễn Văn An, Bùi Xuân Sơn, Trần Minh Ngọc, Trần Văn Tuấn... rất coi trọng nhà thơ Hải Như. Mỗi lần nhà thơ về thăm quê đều được lãnh đạo địa phương cho xe đón từ Hà Nội và tổ chức gặp gỡ thăm hỏi. Cố Bí thư tỉnh Phan Điền có lần về tận quê thăm hỏi thân sinh nhà thơ Hải Như. Gần đây, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong dịp vào thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhà thăm nhà thơ Hải Như…
       Một lần, tôi gọi điện thăm hỏi nhà thơ:
       - Thưa cụ, là nhà thơ danh tiếng rất yêu mến và có nhiều thơ viết về Nam Định, cụ có về dự Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định và đón mừng sự kiện thành Nam lên thành phố loại 1 không ạ?
         Nhà thơ Hải Như bảo:
         - Tôi rất buồn vì Nhà cụ Tú Xương chưa được tôn tạo làm di tích về Cụ. Với lại dịp này Bí thư Đà Nẵng mời tôi ra thăm nên tôi chưa về Nam Định được... Nếu sức khỏe cho phép, tháng mười này tôi sẽ về thăm quê. Hẹn gặp ông sau nhé!
         - Một dịp kỷ niệm lớn của quê hương như lần này mà thiếu cụ thì thật tiếc!...
         Điểm các sách viết về danh nhân, tác giả người Nam Định, cuốn sách của Hội VHNT Nam Định biên soạn gần đây không nhắc đến Nhà thơ Hải Như. Đó là cuốn “1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thiên Trường – Nam Định : Thơ” (Hội Nhà văn 2010). Khi cuốn sách được phát hành, một bạn đọc đã gọi điện cho tôi, trách:
        - Ông là một thành viên trong Ban biên soạn cuốn “1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thiên Trường – Nam Định” mà để sai sót đáng tiếc quá! Trong sách tôi thấy có mặt nhiều tác giả chẳng mấy ai biết tới mà nhà thơ người Nam Định Hải Như nổi tiếng của cả nước lại không được nhắc tới là sao? Bài “Hoa sữa”, “Hà Nội thành phố của niềm tin”, “Hà Nội hôm nay, Hà Nội ngày mai”, “Cả Hà Nội hành quân”... thơ Hải Như viết về Hà Nội được phổ nhạc, còn về Nam Định thì nhà thơ Hải Như cũng có nhiều bài trác tuyệt in báo nhân dân hẳn hoi, như bài “Thành phố tiếng thoi” (Huy Thục phổ nhạc) được lấy làm nhạc hiệu Đài phát thanh tỉnh... Chẳng lẽ những bài đó không xứng đáng tuyển vào cuốn sách? Hay là mấy ông trong Ban biên soạn không biết?
           Không phải tôi không biết hay không nhớ Nhà thơ Hải Như, mà do tôi được phân công chuyên lo phần tác giả Hán Nôm, còn phần thơ quốc ngữ do chính nhà thơ có mác “Nhà văn Việt Nam” lúc đó là Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Văn Nhân độc quyền tuyển chọn và biên soạn. Dẫu vậy, tôi lấy làm xấu hổ và tự thấy mình có lỗi với nhân dân Nam Định, có lỗi với nhà thơ Hải Như về sự sơ xuất ấy, bởi dù sao tôi cũng là một thành viên trong Ban biên soạn tác phẩm này.
          Tôi cũng từng biết: Nhà thơ Hải Như góp ý cho nguyên Bí thư tỉnh ủy Phan Điền để người bạn của ông là kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Cao Luyện thiết kế xây dựng Bảo tàng cổ vật Nam Định trên hồ Thượng Lỗi. Bảo tàng lịch sử thì địa phương nào cũng có, nhưng bảo tàng cổ vật thì chỉ có ở Nam Định:
      Nhà truyền thống đuổi giặc ngoại xâm không quê nào vắng thiếu
      Riêng bảo tàng cổ vật trưng bày văn hiến chỉ thành Nam!
                               (Thơ Hải Như)
        “Hình thành từ thú chơi thu nhỏ vũ trụ riêng”, nhà Cổ vật được thể hiện dưới hình thức hòn non bộ rất độc đáo. Nơi đây từng là điểm du lịch thú vị của khách tham quan, là nơi “cho ta thả hồn bay bổng hôm nay”. Rất tiếc, giờ đây công trình Nhà bảo tàng cổ vật từng là chứng tích mang nét văn hóa đặc sắc của tình nhà, là niềm tự hào của người dân địa phương, đã bị phá bỏ.
         Ai là người yêu mến văn hiến Nam Định mà không thấy buồn trước tình trạng xuống cấp, mai một di tích nhà thơ Trần Tế Xương và chẳng đồng tình với ý kiến thẳng thắn, chân thành của nhà thơ Hải Như góp cho nhà cầm quyền địa phương cần tôn tạo nhà Tú Xương cho xứng với tầm danh nhân... Ở góc độ này, nhà thơ Hải Như đã hành động như một “Gián quan” trung thực và dũng cảm.
          Trong bài “Thơ ghi bên tượng đài Trần Hưng Đạo” sáng tác năm 2000, nhà thơ Hải Như thức tỉnh người dân, người lãnh đạo, người cầm quyền:
     Trong các trang sử biên niên rực rỡ triều Trần
     Có một trang khiến thế hệ sau chúng ta tự hào mãi mãi
     Các vua Trần vô cùng hiện đại: 40 tuổi nhường ngôi...
     Thơ Hải Như bộc lộ tình yêu tha thiết quê hương, yêu những người con quê hương ưu tú như nhạc sĩ Đặng Thế Phong, nhà thơ Tú Xương, thi sĩ Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương..., yêu nhớ đến da diết những phố hàng Nâu, Hàng Thao, chợ Rồng..., nuối tiếc đặc sản kẹo Sìu Châu nay không còn như trước, nhớ nét bản sắc quê hương (Guốc làng Nam Dương), tự hào với làng rèn Vân Chàng... Càng tự hào và yêu nhớ quê hương bao nhiêu, ông càng trăn trở, buồn về những cái tốt đẹp bị mai một, về sự thờ ơ vô cảm của những người có trách nhiệm trước sự xuống cấp của di tích văn hóa, của “nếp sống thành văn” Nam Định.
     Về Nam Định đi với anh – em sẽ vui và cả buồn sung sướng gặp
     Vũ Hoàng Chương đang ngắm “Mây” tựa lan can căn gác phố Cửa Trường
     Và Nguyễn Bính vừa đọc thơ cho chị em chợ Rồng bài “Lỡ bước sang ngang” em thuộc đó
     Nam Định còn phải mang tính cách Thành phố Văn Chương...
     Đọc những bài thơ viết về Nam Định của nhà thơ Hải Như, ta thấy rõ tấm lòng nhà thơ đối với quê hương Nam Định. Chúng ta tự thấy cần phải điều chỉnh bản thân từ những thông điệp thơ ông.
     Thay cho lời kết, xin mượn ý nhà văn Xô Viết Ilya Grigoryevich Ehrenburg đã nói nhân mừng thọ tuổi 80 của danh họa người Tây Ban Nha Pablo Ruiz Picasso, đại ý:
     Sớm muộn nghệ thuật cuối cùng cũng ủng hộ những nhà sáng tạo chân chính, xóa bỏ hết tên tuổi những kẻ “đoạt ngôi” được bọn cùng thời với chúng “xông hương”...
     Và tôi tin sớm muộn nhà thơ Hải Như cũng sẽ được quê hương ghi nhận xứng đáng với tầm cỡ của ông.

TRẦN MỸ GIỐNG  

2 nhận xét:

  1. Bài đã lược đăng báo Đà Nẵng tại http://www.baodanang.vn/channel/5414/201707/tam-long-nha-tho-hai-nhu-voi-que-huong-nam-dinh-2560352/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://www.baodanang.vn/channel/5414/201707/tam-long-nha-tho-hai-nhu-voi-que-huong-nam-dinh-2560352/

      Xóa