Nhà văn Thủy Điền |
Trước tháng tư năm 1975. Không phải
riêng tôi, mọi người ai cũng thế. Nếu có dịp đi từ lục tỉnh lên Sài gòn- Chợ
lớn và ngược lại đều cũng phải đi ngang qua cầu Bến lức. Chắc hẳn vẫn còn trong
tâm trí hình ảnh, tiếng hát, tiếng đàn của cha con người hát dạo ven đường.
Mỗi khi xe dừng lại để hạ khách hoặc rước khách lên cũng đều nghe những bài ca
quen thuộc như: Mưa rừng “Mưa rừng ơi ! Mưa
rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng mưa buồn vì tình đời, mưa sầu
vì lòng người, duyên kiếp không lâu” Và vài câu vọng cổ “Mỗi khi có dịp xuống
Hậu giang và đi ngang qua cầu Bến lức, tôi vẫn thường nghe não ruột của em bé
ngây thơ hát dạo ở bên…. đường. Cầm chiếc gậy tre em dắt theo một ông lão tật nguyền”
Rồi dăng dẳng thêm câu “Họ nhạc sỹ, tôi cũng là nhạc sỹ. Đời của họ rày đây mai
đó, còn đời của tôi thì sương gió lâu rồi”. Nghe rất là hay, rất là buồn. Chính
vì lẽ ấy mà ai cũng động lòng và đành phải móc túi voan.
Hồi ấy cha con ông chỉ võn vẹn có cây đàn Gitarre cũ kỷ, một cây gậy tre, một
cái lon kiếm sống, lây lất qua ngày. Người qua đường ai cũng thấy tội nghiệp và
phải đành nhũ lòng bố thí cho vài đồng. Nhiều người cộng lại thế là cha con ông
đã sống được một ngày, có khi còn dư chút đỉnh để hậu họa khi trời giông tố.
Ngày nay lại khác, tiến bộ hơn. Năm 2014 tôi về thăm quê và gia đình. Cũng con
đường ấy, cũng tuyến đường ấy, nhưng không phải là cầu Bến lức, mà là một ngã
tư để rẽ vào đường cao tốc. Bây giờ những người nầy tiến bộ lắm, về cách ăn mặc
thì vẫn như xưa cũ có điều kỹ thuật hát dạo thì tối tân hơn như: Họ dùng đàn
điện, gắn hai cặp loa thật lớn treo trên cây cổ thụ, hát vang dậy cả làng. Đặc
biệt họ không cần phải hát miệng cho mệt hơi, nhiệm vụ cứ ngồi chờ, khi xe đến-
dừng lại là mở CD lên là có tiếng nhạc được thâu sẵn ngay. Song song có những
đàn em cầm lon đi dọc theo hai hông xe với gương mặt thiễu não hay đội chiếc
nón bành gục mặt để những người khách qua đường nhìn thấy sự khổ sở của
cuộc đời mà không thể nào bỏ lơ được, rồi cứ quyên vào cái lon đó thế là xem
như mình đã cứu vãn được phần nào nỗi đau của xã hội. Mỗi ngày, mỗi tháng có
hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe dừng lại và họ đều làm như thế. Đến chiều
tập họp lại là họ đã có số tiền to. (Tóm lại người ăn mày bây giờ chẳng phải
cực khổ chi hết. Họ giống như những nhân viên thâu thuế cầu may.
Xe đi qua- đi qua nhiều ngã tư và bến dừng khách khác, tôi nhìn thấy nơi nào
cũng có những tổ hợp nho nhỏ như thế và họ làm ăn có vẻ chuyên nghiệp lắm.
Vì ở nước ngoài nhiều năm, tôi hay có thói quen là hỏi “Được phép hay không
được phép “ Xoay qua người đồng hành tôi hỏi? Làm như thế có được phép không
hay làm đại, làm liều. Người ấy trả lời họ không biết. Nhưng ở đâu cũng có chủ
cả. Thử người xứ khác lại hát, đàn để kiếm cơm coi. Có lẽ và chắc chắn chiều
khó mà về lại quê nhà và nếu có về được thì thân xác chẳng còn nguyên vẹn.
-
Thật hãi hùng thế à ?
-
Thử đi là biết liền.
Nghe qua thì mới hiểu, có nhìn thì mới thấy. Người ăn mày bây giờ tiến bộ lắm
và dường như họ không phải là những người hành khất nữa mà là một cái nghề để
sống.
Thủy Điền
06-07-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét