Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (Kì 16) / Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ


 
TS Nguyễn Ngọc Kiên


          NHÀ THƠ TRỪ QUANG HY
          Trừ Quang Hy 儲光羲 (khoảng 706-763), thi nhân đời Đường. Ông đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 14 (725), cùng triều với Thôi Quốc Phụ 崔國輔, Kỳ Vô Tiềm 綦毋潛.

-儲光羲


QUAN SAN NGUYỆT – TRỪ QUANG HY – THỊNH ĐƯỜNG
Nhất nhạn quá liên dinh,
Phồn sương phúc cổ thành.
Hồ già tại hà xứ,
Bán dạ khởi biên thanh.

Dịch nghĩa:
TRĂNG NƠI QUAN ẢI – TRỪ QUANG HY
Một con nhạn bay qua liên doanh trại,
Sương dày đặc bao phủ cổ thành.
Không biết kèn lá của người Hồ phát ra từ đâu,
Mà cứ nửa đêm là nghe được âm thanh miền biên ải.

Dịch thơ:
TRĂNG NƠI QUAN ẢI – TRỪ QUANG HY
Nhạn bay vút quân doanh
Sương bao phủ cổ thành
Kèn Hồ từ đâu đó
Nửa đêm rộn âm thanh.

-儲光羲

TRƯỜNG AN ĐẠO KÌ 1 – TRỪ QUANG HY
Minh tiên quá tửu tứ
Khứ phục du xương môn
Bách vạn nhất thời tận
Hàm tình vô phiến ngôn.

Dịch nghĩa:
ĐƯỜNG TRƯỜNG AN KÌ 1 – TRỪ QUANG HY
Quất roi đi qua quán rượu
Phất áo đi vào chốn ca lâu
Trăm vạn tiền tiêu hết trong một lúc
Ngậm ngùi trong lòng không nói nổi một lời.

Dịch thơ:
ĐƯỜNG TRƯỜNG AN KÌ 1 – TRỪ QUANG HY
Quất roi qua quán rượu
Phất áo chốn ca lâu
Trăm vạn tiêu một lúc
Ngậm ngùi lời lẽ đâu?
 
-儲光羲

Phiên âm:
TRƯỜNG AN ĐẠO KÌ 2 – TRỪ QUANG HY
Tây hành nhất thiên lý,
Minh sắc sinh hàn thụ.
Ám văn ca xuy thanh,
Tri thị Trường An lộ.

Dịch nghĩa:
 ĐƯỜNG TRƯỜNG AN KÌ 2 – TRỪ QUANG HY
Đi về phía tây một ngàn dặm
Bóng tối làm cho cây lạnh lẽo
Nghe văng vẳng tiếng ca hát
Biết rằng đang trên đường Trường An.

Dịch thơ:
ĐƯỜNG TRƯỜNG AN KÌ 2 – TRỪ QUANG HY
Về Tây một ngàn dặm
Bóng tối cây sắc hàn
Văng vẳng nghe tiếng hát
Biết rằng tới Trường An

          NHÀ THƠ GIẢ CHÍ
          Giả Chí 賈至 (718-772) tự Ấu Lân 幼鄰, có bản chép Ấu Kỷ 幼幾, người Lạc Dương. Cha ông là Giả Tăng 賈曾 từng làm soạn sách văn cho Huyền Tông. Ông làm Trung thư xá nhân dưới triều Túc Tông, sau làm Nhữ Châu thứ sử, Hữu tán kỵ thường thị. Tác phẩm có "Giả Chí tập" 20 quyển đã thất truyền.

-賈至

XUẤT TÁI KHÚC – GIẢ CHÍ (THỊNH ĐƯỜNG)
Vạn lý bình sa nhất tụ trần,
Nam phi vũ hịch bắc lai nhân.
Truyền đạo Ngũ Nguyên phong hoả cấp,
Thiền Vu tạc dạ khấu tây Tần.

Dịch nghĩa:
BÀI CA RA ẢI – GIẢ CHÍ (THỊNH ĐƯỜNG)
Bãi cát dài vạn dặm có một chỗ để cát bụi tụ hội,
Hịch gọi tòng quân bay ở phương nam, có người lên ải bắc.
Lửa trên đài báo nguy của ải Ngũ Nguyên đang báo tin khẩn:
Đêm qua chúa Thiền Vu đã xâm chiếm đất Tần phía tây.

Dịch thơ:
BÀI CA RA ẢI – GIẢ CHÍ (THỊNH ĐƯỜNG)
Cát xa vạn dặm lẫn bụi trần
Người tới ải bắc, hịch tòng quân
Đài Ngũ Nguyên báo tin hỏa tốc
Đêm Thuyền Vu đã chiếm Tây Tần. 

-賈至

XUÂN TỨ KÌ 1 – GIẢ CHÍ
Thảo sắc thanh thanh liễu sắc hoàng,
Đào hoa lịch loạn lý hoa hương.
Đông phong bất vị xuy sầu khứ,
Xuân nhật thiên năng nhạ hận trường.

Dịch nghĩa:
Ý NGHĨ MÙA XUÂN KÌ 1 - GIẢ CHÍ
Màu cỏ xanh xanh, màu tơ liễu vàng vàng,
Hoa đào đang tơi tả, hoa mận còn thơm.
Gió đông đã không giúp thổi cho hết phiền muộn,
Lại còn làm tăng thêm mối hận khi xuân về.

Dịch thơ:
Ý NGHĨ MÙA XUÂN KÌ 1 - GIẢ CHÍ
Màu cỏ xanh xanh liễu sắc vàng
Hoa đào tơi  tả, mận còn hương
Gió đông chẳng thổi bay phiền muộn
Lại khiến mùa xuân mối hận tăng.


-賈至

Phiên âm:
XUÂN TỨ KÌ 2 – GIẢ CHÍ
Hồng phấn đương lư nhược liễu thuỳ,
Kim hoa lạp tửu giải đồ my.
Sinh ca nhật mộ năng lưu khách,
Tuý sát Trường An khinh bạc nhi.
  
 Dịch thơ:
Ý NGHĨ MÙA XUÂN KÌ 2 - GIẢ CHÍ
 Quán má hồng, liễu nhả tơ kia,
Hoa vàng rượu nhạt giải đồ mi.
Ca sênh chiều tối lưu lòng khách,
Say chết Trường An kẻ nhớ quê.


Phiên âm:
SƠ CHÍ BA LĂNG DỮ LÍ THẬP NHỊ BẠCH, BÙI CỬU ĐỒNG PHIẾM ĐỘNG ĐÌNH HỒ KÌ 1 – GIẢ CHÍ
Giang thượng tương phùng giai cựu du,
Tương sơn vĩnh vọng bất kham sầu.
Minh nguyệt thu phong Động Đình thuỷ,
Cô hồng lạc diệp nhất thiên chu.
 
Dịch nghĩa:
VỪA ĐẾN BA LĂNG CÙNG LÍ BẠCH VÀ BÙI CỬU DU NGOẠN HỒ ĐỘNG ĐÌNH KÌ 1 – GIẢ CHÍ
 Gặp nhau trên sông những bạn từng cùng du ngoạn trước đây,
Từ xa ngắm núi Tương không nén nổi cơn sầu.
Trăng sáng và gió thu thổi trên mặt hồ Động Đình,
Con hồng lẻ và nhiều lá rơi bay qua chiếc thuyền con.

Dịch thơ:
VỪA ĐẾN BA LĂNG CÙNG LÍ BẠCH VÀ BÙI CỬU DU NGOẠN HỒ ĐỘNG ĐÌNH KÌ 2 – GIẢ CHÍ
 Bạn cũ trên sông nay gặp nhau
Xa ngắm núi Tương chẳng nén sầu
Trăng sáng gió thu Động Đình thổi
Cô hồng lá rụng biết bay đâu.

          Gia Lăng nay thuộc huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Năm 759, Lý Bạch trên đường lưu đày thì nhận được chiếu vua ban tha tội. Ông ở lại vùng hồ Động Đình ngao du từ hạ sang thu, tình cờ gặp Giả Chí trên đường bị biếm đi Nhạc châu làm tư mã, nên mới có 3 bài này.


Phiên âm:
SƠ CHÍ BA LĂNG DỮ LÍ THẬP NHỊ BẠCH, BÙI CỬU ĐỒNG PHIẾM ĐỘNG ĐÌNH HỒ KÌ 2 – GIẢ CHÍ
Phong ngạn phân phân lạc diệp đa,
Động Đình thu thuỷ vãn lai ba.
Thừa hứng khinh chu vô cận viễn,
Bạch vân minh nguyệt điếu Tương Nga.

Dịch nghĩa:
VỪA ĐẾN BA LĂNG CÙNG LÍ BẠCH VÀ BÙI CỬU DU NGOẠN HỒ ĐỘNG ĐÌNH KÌ 2 – GIẢ CHÍ
 Hàng cây phong trên bờ trút nhiều lá,
Buổi chiều, hồ Động Đình nổi sóng.
Đang có hứng, chèo chiếc thuyền nhỏ đi bất kể xa gần,
Mây trắng và trăng sáng như đang khóc nữ thần sông Tương.

Dịch thơ:
VỪA ĐẾN BA LĂNG CÙNG LÍ BẠCH VÀ BÙI CỬU DU NGOẠN HỒ ĐỘNG ĐÌNH KÌ 2 – GIẢ CHÍ
Trên bến hàng phong lá trút ra
Động Đình chiều đến nổi phong ba
Chèo thuyền đang hứng đi bất kể
Mây trắng trăng trong khóc Tương Nga


Phiên âm:
SƠ CHÍ BA LĂNG DỮ LÍ THẬP NHỊ BẠCH, BÙI CỬU ĐỒNG PHIẾM ĐỘNG ĐÌNH HỒ KÌ 3 – GIẢ CHÍ
Giang bạn phong diệp sơ đới sương,
Trữ biên cúc hoa diệc dĩ hoàng.
Khinh chu lạc nhật hứng bất tận,
Tam Tương Ngũ Hồ ý hà trường.

Dịch nghĩa:
VỪA ĐẾN BA LĂNG CÙNG LÍ BẠCH VÀ BÙI CỬU DU NGOẠN HỒ ĐỘNG ĐÌNH KÌ 3 – GIẢ CHÍ
Lá phong ven sông bắt đầu nhuốm sương,
Hoa cúc trên biên ải đã vàng.
Chiều xuống mà (khách trên) thuyền nhẹ hứng thú chưa hết,
Ý thơ dài như Tam Tương và Ngũ Hồ.

Dịch thơ:
VỪA ĐẾN BA LĂNG CÙNG LÍ BẠCH VÀ BÙI CỬU DU NGOẠN HỒ ĐỘNG ĐÌNH KÌ 3 – GIẢ CHÍ
 Lá phong ven sông đã nhuốm sương
Hoa cúc đã vàng đất biên cương
Chiều xuống thuyền nhẹ hứng bất tận
Ý thơ tựa Ngũ Hồ Tam Tương.

          NHÀ THƠ NHUNG DỤC
          Nhung Dục 戎昱 người Kinh Nam (nay thuộc Giang Lăng, Hồ Bắc, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ. Khi Vệ Bá Ngọc giữ Kinh Nam, ông làm tòng sự. Năm Kiến Trung, ông làm thứ sử Thần, Kiền Châu. Thơ có 5 quyển, biên thành 1 quyển trong "Toàn Đường thi". 


HỒ NAM XUÂN NHẬT KÌ 1 – NHUNG DỤC (TRUNG ĐƯỜNG)
Tự liên xuân nhật khách Trường Sa,
Giang thượng vô nhân chuyển ức gia.
Quang cảnh khước thiêm tương tư khổ,
Thiềm tiền sổ phiến lạc mai hoa.

Dịch nghĩa:
NGÀY XUÂN Ở HỒ NAM (KÌ 1) – NHUNG DỤC
Tự thương mình làm lữ khách ở Trường Sa khi xuân về,
Trên sông không có người làm ta nhớ nhà.
Quang cảnh càng làm nỗi nhớ buồn khổ hơn,
Khi trước diềm mái nhà có vài cánh hoa mai rơi.

Dịch thơ:
NGÀY XUÂN Ở HỒ NAM (KÌ 1) – NHUNG DỤC
Thương mình xuân đến  ở Trường Sa
Trên bến  chẳng ai khiến nhớ nhà
Quang cảnh càng làm thêm buồn khổ
Trước thềm rơi vài cánh mai hoa


Phiên âm:
HỒ NAM XUÂN NHẬT KÌ 2 – NHUNG DỤC
Tam Tương phiêu ngụ nhược lưu bình,
Vạn lý Tương Hương cách Động Đình.
Ky khách xuân lai tâm dục toái,
Đông phong mạc khiển liễu điều thanh.

Dịch nghĩa:
NGÀY XUÂN Ở HỒ NAM (KÌ 2) – NHUNG DỤC
Sống trôi nổi khắp Tam Tương như cánh bèo trôi,
Tương Hương cách hồ Động Đình cả vạn dặm.
Xuân về mà lòng viễn khách tan nát,
Gió đông cũng đâu làm cho cành liễu xanh tươi.

Dịch thơ:
NGÀY XUÂN Ở HỒ NAM (KÌ 2) – NHUNG DỤC
Trôi nổi Tam Dương tựa bèo trôi
Tương Dương – Động Đình vạn dặm thôi
Xuân về lòng khách thêm tan nát
Gió đông đâu khiến liễu xanh tươi


LỮ THỨ KÍ HỒ NAM TRƯƠNG LANG TRUNG – NHUNG DỤC
Hàn giang cận hộ mạn lưu thanh,
Trúc ảnh lâm song loạn nguyệt minh.
Quy mộng bất tri hồ thuỷ khoát,
Dạ lai hoàn đáo Lạc Dương thành.

Dịch nghĩa:
 Ở đất khách gửi cho quan Trương lang trung đất Hồ Nam
Nhà trọ ở gần sông nên nghe tiếng sóng reo,
Cành trúc phất phơ bên song làm rối loạn ánh trăng chiếu vào.
Trong mộng về đâu có quan ngại mặt hồ rộng,
Mới chập tối đã thấy tới Lạc Dương rồi.

          Lạc Dương nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, là nơi tác giả đang tới. Ông viết bài này khi nghỉ qua đêm ở nhà trọ.

Dịch thơ: 
Ở đất khách gửi cho quan Trương lang trung đất Hồ Nam
Nhà trọ gần sông tiếng sóng vang
Trúc phơ phất song loạn ánh trăng
Mộng về đâu ngại mặt hồ lớn
Mới tối mà sao tới Lạc Dương.

 Nguyễn Ngọc Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét