Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

LÊ ĐỨC THỌ VỚI NGƯỜI CHIẾN SĨ



Tham luận của nhà nghiên cứu ĐỒNG NGỌC HOA - Chánh VP hội sử học Nam Định

Nhà NC Đồng Ngọc Hoa
          Tham luận gồm ba phần:
          - Quê hương Nam Định với đồng chí Lê Đức Thọ
          - Điểm những hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ
          - Đồng Chí Lê Đức Thọ với người chiến sĩ
    
          Nam Định có nền văn hiến lâu đời, là đất địa linh nhân kiệt. Nam Định là nơi nhà Trần khởi nghiệp và phát tích của các vua Trần, quê hương của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng với quân dân Đại Việt ba lần đánh thắng quân Nguyên mông xâm lược nước ta. Quê hương của nhiều vị trạng nguyên nổi tiếng như: Đào Sư Tích, Trần Văn Bảo, Vũ Tuấn Chiêu, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh và nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú trong đó có Lê Đức Thọ.

          Đồng chí lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ huyện Mỹ Lộc nay là xã Nam Vân thành phố Nam Định. Thân mẫu đồng chí là người có công với cách mạng, đã nuôi dấu nhiều cán bộ việt minh hoạt động trên địa bàn như: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh vv... Đồng chí là anh ruột của đồng chí thượng tướng Đinh Đức Thiện và đại tướng bộ trưởng bộ công an Mai Chí Thọ. Chính mảnh đất văn hiến lâu đời với địa linh nhân kiệt, truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình đã nâng bước cho đồng chí trở thành một chiến sĩ công sản ưu tú, một học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ chí Minh.
          Năm 1858 giặc Pháp bắn quả đại bác đầu tiên vào cảng Tiên Sa của Đà Nẵng báo hiệu sự xâm lược của chúng vào việt nam. Vua quan nhà Nguyễn thỏa hiệp cho chúng chiếm Nam bộ, Năm 1873 chúng đánh chiếm Nam Định, nhiều cuộc khởi nổi dậy nhưng đều bị dìm trong bể máu. Năm 16 tuổi đồng chí cùng với các đồng chí như Trường Trinh, Lê Đức Cảnh, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Văn Hoan đang học tại các trường Pháp Việt ở thành phố Nam Định đã mãn khóa đấu tranh đòi làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Tháng 10/1929 đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản đảng. tháng 11/1929 đồng chí bị giặc bắt kết án 10 năm tù khổ sai đày đi Côn Đảo. Năm 1936 ra tù đồng chí được giao phụ trách công tác báo chí công khai của đảng bộ và xây dựng cơ sở bí mật của đảng ở Nam Bộ. Năm 1939 đồng chí lại bị địch bắt kết án tù 5 năm giam tại các nhà tù Hà nội , Hòa Bình, Sơn La. Năm 1944 đồng chí là ủy viên BCH trung ương đảng phụ trách xứ ủy Bắc Kỳ và là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cách mạng tháng tám 1945. Sau cách mạng tháng tám đồng chí được cử phụ trách công tác tổ chức của Đảng kiêm trưởng ban dân vận trung ương.   Tháng 5/1949 đồng chí được cử vào công tác tại xứ ủy Nam Kỳ. Trong thời gian đồng chí Lê Duẩn ra Bắc công tác đồng chí là bí thư  và trưởng ban tổ chức trung ương cục miền Nam và chính ủy quân khu miền tây. Đồng chí đã xây dựng hậu phương vững mạnh, đánh thắng địch trên khắp các chiến trường. năm 1954 hiệp định Giơ- ne- vơ được ký kết, đồng chí Lê Đức Thọ đã có đề xuất quan trọng là duy trì lực lương ở lại miền nam đề phòng địch không thực hiện hiệp định. Tháng 1-1955 đồng chí tập kết ra bắc làm trưởng ban thống nhất trung ương. Cuối năm 1955 đồng chí được bổ xung vào bộ chính trị phụ trách công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất. Tại đại hội toàn quốc lần thứ 3 đồng chí được bầu vào BCH trung ương, bộ chính trị và trưởng ban tổ chức trung ương. Năm 1968 đồng chí được cử vào nam công tác, giữ chức phó bí thư trung ương cục miền nam nhưng sau đó Bác Hồ lại viết thư đề nghị bộ chính trị mời đồng chí ra bắc để tham gia phái đoàn đàm phán của chính phủ VNDCCH tại hội nghị Pa ri. Theo đánh giá của đài các nước phương tây thì đồng chí là người thương thuyết có bản lĩnh, có tài năng, là người có tiếng nói rất quyết định trong đoàn đàm phán tại hiệp định Pa- ri. Thắng lợi ở hội nghị Pa- ri có đóng góp quan trọng của đồng chí, những cống hiến của đồng chí ở hiệp định góp phần làm rạng danh nền ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế. Hội nghị thành công đồng chí lại từ chối giải thưởng No- bel vì hòa bình, vì giải thưởng này trao chung cho đồng chí và Henry Kissinger  không phân biệt được người gây chiến tranh với người kiến tạo hòa bình, làm lẫn lộn giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược.
          Tháng 3-1975 đồng chí được bộ chính trị cử vào miền Nam để phổ biến nghị quyết của bộ chính trị về việc giải phóng Miền Nam đồng chí làm chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30-4-1975 quân ta toàn thắng, ngụy quân ngụy quyền sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Niềm vui khác thường ở nhiều đơn vị bùng nổ vang trời dậy đất, nhiều người không giữ được nước mắt khi Sài Gòn được giải phóng, tổ quốc thống nhất. Tại đại hội 4 đồng chí được bầu lại vào ủy viên BCH trung ương, bộ chính trị và trưởng ban tổ chức trung ương.
          Những cống hiến lớn lao của đồng chí trong quá trình hoạt động cách mạng đã có những đóng góp lớn lao trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, làm rạng danh truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương Nam Định thân yêu.
          Đồng chí Lê Đức Thọ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường suốt đời đấu tranh cho độc lập tự do, giải phóng dân tộc và thống nhất tổ quốc. Hoạt động cách mạng của đồng chí  gắn liền với người chiến sĩ vì chính đồng chí cũng là một chiến si, chiến sĩ cộng sản. ông không phải là người trực tiếp cầm quân, không phải là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng ông lại viết rất nhiều thơ. Thơ của ông thường có tính thời sự sâu sắc, và chứa chan tình cảm cách mạng, tha thiết yêu đời với suy nghĩ sâu sắc chân thành của một nhà hoạt đông chính trị tài năng. Đặc biệt những bài thơ viết về người chiến sĩ của ông là động lực thúc đẩy bản lĩnh người cầm súng vượt lên khó khăn gian khổ anh dũng chiến đấu không sợ hy sinh, là bản anh hùng ca của thời đại:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
                          Hồ Chí Minh
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền
                                           Sóng Hồng
          Lê Đức Thọ cũng kế thừa thể hiện nhất quán quan điểm lập trường của người mang trách nhiệm nghệ sĩ chiến sĩ
Bút sắc đâm bao thằng cướp nước
Mực hòa với máu viết thành văn
                             Bài thương đời chiến sĩ viết thêm hay
          Ông có nhiều bài thơ như: Xà lim oán, Ý xuân, Em liên lạc, Mưa rơi, Bình Trị Thiên, Cửu Long, Bụi Trường Sơn, Lời anh dặn… và cả một tuyển tập thơ Lê Đức Thọ. Nhưng những bài thơ về chiến sĩ là những bài thơ cảm động nhất
Giữa rừng nấm đất còn tươi
 Mồ ai mưa gió ai người viếng thăm
Anh vui giấc ngủ ngàn năm
 Thương anh ngày tháng hờn căm chất chồng
 Anh nằm dưới đó nghe không
Hôm nay bom đan nổ tung Sài Thành
Ngày vui Tổ quốc nhớ anh
Chiến công này có công anh góp phần
                                     Mồ chiến sĩ
          Cứ nghĩ đến bộ đội là ông thương:
Lo cho anh bộ đội
Lầy lội quãng đường dài
Hết tăng rồi lại pháo
Mong chẳng thấy tăm hơi
                                             Mưa rơi
          Thương mấy anh lái xe:
 Suốt đêm ngày lặn lội
Trường Sơn vượt mấy lần
Đã hít bao nhiêu bụi
                                          Bụi trường sơn
          Nằm ở đại bản doanh giữa rừng ông sốt ruột lo lắng đến không ngủ:
Chiến trường chờ từng phút
Đừng mưa nữa mưa ơi
Để đường mau khô ráo
Cho xe vào tới nơi
                                   Mưa rơi
          Và ông cùng đồng đội trực chiến:
Võng đua đưa mắc ở mé rừng
Cùng đồng đội chờ giờ xuất kích
Gió nhè nhẹ trong đêm khuya tĩnh mịch
 Muỗi vo ve tiếng lá thổi rì rào
Rừng trong đêm lấp lánh mảnh trời sao
          Và dự cảm của ông:
Qua năm tháng hành quân
Tất cả dồn vào trận đánh
Giải phóng Miền Nam mong đợi từng ngày
Đời bộ đội ước mơ nào hơn thế
                 Người chiến sĩ cuối cùng
          Đặc biệt là bài “Điểm tựa” ông làm năm 1982 tặng bộ đội trong chuyến đi thăm đồn biên phòng Cha Lo 127 gần biên giới Việt Lào. Bài thơ Điểm tựa là tiếng nói từ trái tim ông đã đến với trái tim chiến sĩ và lay động hàng triệu trái tim người đọc người nghe.
          Ông cũng rét cái rét của người chiến sĩ:
Hàn thử biểu chỉ độ không
Hôm nay trời rét lắm
Cái rét biên thùy lạnh buốt thịt da
Cả núi rừng chìm đắm dưới sương khuya
Ngày xưa Bác Hồ cũng thức suốt đêm trước cái rét ở chiến khu, ở mặt trận và trả lời người đội viên khẩn khoản mời Bác ngủ:
Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc bác
Bác ngủ không yên lòng
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Lấy lá cây làm chiếu
Manh áo mỏng làm chăn
Đêm nay Bác không ngủ
          Lê Đức Thọ không ngủ được vì cũng thương người chiến sĩ khi lên thăm chốt và chỉ những người đã từng lăn lộn ở chiến trường với người chiến sĩ mới thấu cảm được như vậy:
Trằn trọc mãi thâu đêm chả ngủ
Thương anh nhiều anh chiến sĩ của tôi ơi
Điểm tự trên cao anh đứng giữa đỉnh đồi
Một mảnh áo bông thay nhau khi đổi gác
Súng lạnh buốt trong tay mắt hướng về phía trước
Tai lắng nghe từng tiếng động trong đêm
          Ông cũng biết ơn người chiến sĩ, đây là tình cảm của một cán bộ cấp cao với người lính bình thường.
Tôi nhớ buổi chiều anh cõng tôi lên
Thương tôi yếu không thể nào leo hết dốc
Hơi ấm lưng anh sưởi ấm cả lòng tôi
Khau Chia đây rồi anh nở nụ cười tươi.
          Ông gần gũi, tâm sự và thấu hiểu tâm trạng người chiến sĩ những thanh niên nặng gánh gia đình đã bỏ hết mấy sào ruông khoán lên đường ra mặt trận, biết được những khó khăn vất vả thiếu thốn của người lính kể cả vật chất, tinh, tinh thần:
Đời Chiến sĩ còn nhiều khổ cực
Quần áo mỏng manh cơm có bữa chưa no
Đường gập gềnh khúc khửu quanh co
Đôi lúc hỏng xe hàng không tới được
Gạo sấy khoai mỳ bát canh toàn quốc
Và nước chấm đại dương đỡ lúc đói lòng
Cũng có lúc thịt ấm chân răng
Nhưng có khi cơm toàn muối trắng               
Sinh hoạt tinh thần thì bao thiếu thốn
 Cả năm trời có một lần phim
Báo Đảng báo đoàn ít có để xem
Đại đội một tờ mấy khi tới được
Điệu múa lờ ca thì xa vời vợi
Ngày lại ngày nghe chim hót đầu non
Cả đơn vị anh không một cây đàn
Mấy tháng một lần thư nhà mới tới
Mẹ lại dục về vì mấy sào ruông khoán
Thiếu bàn tay lao đông để tăng gia
Thư của người yêu mỏi mắt đợi chờ
Mực đã cạn lại thiếu tờ giấy viết
 Mối tình thắm cũng có lúc nghi ngờ phai nhạt
Nhưng thời gian tất cả sẽ trôi qua
          Dù khó khăn là mấy nhưng :
Đất nước khó khăn quân thù còn đó
Mộ liệt sĩ hôm nào mới xanh ngọn cỏ
          Thì người chiến sĩ lại quyết tâm:
Phải giữ lấy đất này
Cho hôm nay và cho cả mai sau
          Và cũng là lời hứa của người chiến sĩ với đảng khi khi chia tay ông:
Tạm biệt anh trong vòng tay siết chặt
Anh hôn tôi một cái hôn tha thiết
Mắt long lanh như thầm gửi điều gì
          Điều mà ông day dứt là:
Làm sao anh được ấm thêm đôi chút
Bát cơm đầy thêm thịt cá rau tươi.
          Mong ước của ông đã bừng lên phong trào cả nước hướng về biên giới hải đảo, phong trào áo ấm chiến sĩ của các mẹ các chị ở khắp mọi nơi. Các đơn vị quân đội cũng phát đông phong trào tự sản tự tiêu, trồng nhiều rau xanh, nuôi thêm gà vịt. Đặc biệt ở quân khu 3 có phong trào “ Tự đứng dậy nuôi nhau 6 tháng” để dành những gì tốt nhất cho các chiến sĩ ở Biên giới và hải đảo.
          Lê Đức Thọ không mục đích làm thơ để mang danh nghệ sĩ nhưng những vần thơ của ông đã nói lên chí khí của mình đấu tranh không mệt mỏi cho cách mạng, những vần thơ góp phần động viên lớp lớp ra trận cứu nước. Những vần thơ biết ơn những người đã anh dũng hy sinh đặc biệt là những vần thơ gần gũi với chiến sĩ ở khắp mọi nẻo đường chiến trận và thơ ông cũng là chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng, là lời hứa với đảng và cả dân tộc.

          Bài viết cho hội thảo về Lê Đức Thọ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do học viện chính tri quốc gia Hồ Chí Minh Viện Hồ chí Minh và các lãnh tụ của đảng Cùng tỉnh ủy Nam Định tổ chức.
Đồng Ngọc Hoa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét