Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

THỜI THƠ ẤU / Nam Hải




          Tôi thấy tuổi thơ của tôi đói nghèo lam lũ nhưng sao đầy ắp tiếng cười vui nên lúc ngày hè rảnh rỗi tôi ngồi ghi chép lại để đọc cho mấy thằng bạn cũ nó nghe chơi, tôi định có ai đi Tây Nguyên gửi cho vài thằng bạn trong đó cho nó đỡ nhớ quê hương. Đây là tản văn tôi viết về quê tôi về tuổi thơ của tôi về những thằng bạn chăn trâu xóm tôi, thân tặng những thằng bạn có tên sau: Hoan, Đề, Lượng, Vượng, Phúc, Phương, Huy, Thuần, Phong Hưởng và một số thằng nữa…

          Xã tôi thành lập khoảng năm 1896 năm Thành Thái thứ 7 tên là xã Giao Hải huyện Giao thủy tỉnh Nam Định. Năm 1860 ông Đinh Khắc Chu ở làng Kiên Lao huyện Xuân Trường đem 16 gia đình xuống đây khai hoang được 320 mẫu ruộng, 16 gia đình này là những cư dân đầu tiên của xã. Làng tôi ở tên là trại Tân Khai thuộc xứ đạo Ngưỡng nhân xã Giao Nhân đến 1961 trại Tân Khai mới cắt về Giao Hải. Tân khai thành lập khoảng năm 1900, cư dân là những người công giáo ở xứ Ngưỡng nhân ra đây khai hoang , đến bão 24 tháng 6 năm 1929 trại đã có hơn một trăm gia đình. Cơn bão 24/6 âm lịch đã làm chết hơn 90 gia đình chỉ còn năm gia đính sống sót (thông tin này do các cụ già kể cho mẹ tôi nghe nhưng chưa được kiểm chứng). Sau đó do đất rộng người thưa dễ làm ăn nên nhiều gia đình ở Ngưỡng nhân lại ra đây sinh cơ lập nghiệp, năm 1954 một số gia đình công giáo ở đây đi Nam. Sau năm 1954 khoảng 1956,1957,1958 có nhiều gia đình ở xã Xuân Thủy - Xuân Trường xuống đây lập nghiệp. Trong những gia đình đó có bố mẹ tôi, năm sau mẹ tôi sinh chi Yến chị gái đầu lòng của chúng tôi. Làng tôi ở xôi đỗ có nghĩa là dân lương lẫn dân giáo, khi xưa nơi đây gọi là xóm không chồng vì có nhiều đàn bà góa. Cha tôi quê xã Xuân Thủy huyện Xuân Trường lấy mẹ tôi thì chuyển xuống đây từ năm 1957. Cha tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông không biết mặt cha mẹ mình, thủa nhỏ ông phải đi ở nhiều nơi cuộc sống vô cùng đói khổ. Trước khi nhập ngũ cha tôi đi tu ở Thái Bình, năm 1947 ông xã đội trưởng yêu cầu chùa chỉ để lại ông sư và bà vãi, còn chú tiểu phải vào bộ đội chống Pháp. Vậy là tối hôm đó cha tôi theo ông xã đội trưởng đi tòng quân.  Sau này cha tôi kể lại từ tối hôm trước với cái bụng sôi ù ù vì đói đến trưa hôm sau cha tôi mới được ăn cơm. Mẹ tôi con một gia đình khá giả, ông ngoại tôi là cai lục lộ tức cán bộ ngành cầu đường của Pháp. Nhà tôi có sáu anh chị em, hai chị đầu và bốn anh em trai. Nhà tôi cạnh nhà thờ và trường học nhà  rất nghèo. Có lẽ lúc đó nhà nào cũng nghèo không riêng gì nhà tôi. Cả năm chỉ có hai lần chúng tôi được ăn thịt, đó là ngày tết và ngày bầu cử Hợp tác xã. Cơm bữa nào cũng độn sắn miếng và sắn bào (sợi nhỏ) còn cơm trắng thì rất hiếm. Mẹ tôi là người mẹ tảo tần nên chúng tôi đỡ đói hơn những nhà xung quanh, bà là người thành phố nên không giỏi việc cầy cấy, nhưng bà hay mang mắm tép và cá khô nên chợ Hành Thiện (cách nhà 20 km) bán lấy tiền đong gạo cho con. Bố tôi đi bộ đội từ nhỏ nên không biết làm đồng, ông lại gầy  nên sức khỏe yếu không làm được việc nặng, thế nên mọi vất vả đều đổ nên đầu mẹ tôi với tám miệng ăn. Vì vậy mẹ tôi hay cáu gắt và chửi cả bố tôi lẫn chúng tôi. Bố mẹ tôi rất hay cãi nhau, tôi không thích điều đó chút nào và nghĩ sau này tôi có gia đình tôi sẽ không cãi nhau với vợ, bây giờ nếu tôi cãi nhau với vợ thì nhà tôi chẳng lúc nào yên. Tuy vậy tôi vẫn không thiếu tình thương yêu của cha mẹ và tôi nhận thấy sự hy sinh của mẹ tôi rất lớn. Tuổi thơ của tôi trong đói nghèo nhưng rất nhiều  kỉ niệm.

          1. Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường.

          Buổi tối chung tôi hay chơi trò công an bắt gián điệp, chúng tôi chia nhau thành hai đội sau đó thay quần áo, che lá ngụy trang làm cho đối phương không nhận ra mình, nếu để đội bạn nhận ra mình và đọc tên là chết.
          Buổi sáng chúng tôi đi học, trường lớp tồi tàn, học sinh và giáo viên đói như nhau. Nhà tôi buôn sắn, cô giáo hay nhờ tôi mua bột sắn về cho cô làm bánh ăn độn thay cơm. Đường đến trường trơn như đổ mỡ, mỗi lần trời mưa đi học chúng tôi ngã như ngóe, lấm hết cả quần áo. Tôi nhớ là hồi lớp năm tôi đã phải đi lấy cát ngoài biển để xây nhà cho thầy Gương hiệu phó nhà ở xã bên cạnh. Bấy giờ phụ huynh coi việc đó là bình thường chẳng ai kiện còn bây giờ mà làm thế thì bị kỉ luật ngay. Chúng tôi mới mười một tuổi đã phải đội cát qua một con đê cao xuống dốc bên sông đổ xuống thuyền, thật là một công việc cực nhọc. Tôi cao gầy và không khỏe như các bạn, nhanh nhọc nên tôi đề nghị cô giáo cho đi mò cá ở biển. Cô giáo thấy thế đồng ‎ý ‎‎‎‎‎cho tôi và hai bạn nữa đi mò cá. Hồi đó chả có ai đi tắm biển, chả có học sinh nào chết đuối ở biển nên cô giáo thấy bình thường. Chúng tôi hai đứa mò còn một đưa cầm thúng, cứ lần theo chỗ đất phù sa cá rúc vào đó để bắt, cá nhiều vô kể và tôi không biết là cá gì, chỉ thấy nó giống cá chép ở trong đồng. Sau này tôi nghĩ là cá phèn loại cá này thịt nhão ăn không ngon, dân hay mua cắt cho vịt ăn và giá rẻ vô cùng. Nhưng chẳng sao vì cô giáo ở nơi khác về, cô chả biết cá nào ngon hay không ngon. Khi các bạn đội xong thuyền cát thì cô gọi chúng tôi nên, chúng tôi mò được miệng thúng nhòi khoảng hơn một yến, chúng tôi bê thúng cá nặng nề đến cho cô giáo và bảo cô mang về mổ ướp muối phơi khô ăn dần. Tất nhiên cô nhận ngay vì hồi đó cô giáo gạo không đủ ăn nói gì đến cá, còn chúng tôi chả biết ăn cá đó bao giờ chắc vì nó không ngon. Chúng tôi kéo thuyền cát về nhà thầy kính rồi xúc lên sân, mãi gần tối mới xong chúng tôi ra về. Khi qua cầu ao tôi thấy vợ thầy Gương đang làm cá bống biển để kho đãi thầy Vi vì thầy chỉ đạo chúng tôi đi lấy cát. Chúng tôi bảo nhau hôm nay thầy Vi với thầy Gương  uống rươụ với cá bống kho.  Tôi nghĩ nếu ai đó tuyên dương người có tính tiết kiệm thì thầy Gương là xứng đáng nhất. Hồi đó chúng tôi rất qúy thầy giáo chứ không hỗn láo như học sinh bây giờ. Sau này thầy Vi thông gia với anh nuôi tôi nhưng tôi luôn gọi thầy bằng thầy, ngày thầy ốm tôi đến thăm vài lần trước khi thầy mất, trong thâm tâm tôi rất thương sót nhưng không làm gì được vì thầy bị ung thư phổi. Tôi nghĩ do thầy hút thuốc lá từ hồi thanh niên. Chúng tôi hay đi học sớm để chơi tù bắt giam người của nhau rồi giải cứu, có chỗ nào cao chúng tôi trèo lên rồi nhảy xuống nhưng chẳng đứa nào gẫy tay, gẫy chân cả. Một môn thể thao khác ở trường là chúng tôi hay kiệu nhau lên rồi bắt tay nhau quay tít bên nào ngã trước là thua, môn này mạo hiểm nhưng chỉ có một anh bị gẫy tay. Chúng tôi học dốt và chẳng bao giờ làm bài tập về nhà, trong đầu chúng tôi chỉ nghĩ đến ăn no không có chữ nghĩa gì nhiều. Chúng tôi hay đánh nhau tập thể giữa làng nọ với làng kia nhưng không đứa nào bị đau lắm. Mùa hè trưa nào chúng tôi cũng tắm trước cổng trường rồi mới vào lớp và khi tắm chúng tôi không bao giờ mặc quần áo, có hôm bị thầy Tường hiệu trưởng tịch thu quần áo chúng tôi lội sông về nhà nhưng mai vẫn tắm. Khi tắm chúng tôi trèo lên hái trộm bàng chín ở bên kia sông, trái bàng to phổng, hạt đỏ mới thơm ngọt làm sao.
          Gọi là hai buổi đến trường đó là tôi trích thơ của Giang Nam chứ hồi đó chúng tôi học có buổi sáng thôi.

          2.  Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

          “Ai bảo chăn trâu là khổ” chăn trâu không khổ mà ngược lại cực kì sướng, có nhiều trò quậy phá, không có đứa trẻ chăn trâu nào bị trầm cảm, hay tự kỉ cả, khi phi trâu cảm giác mới phê làm sao, khi đưa trâu ra đến cánh đồng chọn đường thẳng, ngồi thẳng lưng hai chân kẹp chặt vào sườn trâu rồi quất roi thật đau cho trâu phi như phi ngựa. Chiều về thì cho trâu xuống sông rồi mình đứng lên lưng trâu rong về, khi ở dưới nước lấy cây sài đất cọ vào da trâu làm da trâu đen bóng, sạch và rất đẹp. Chăn trâu thích nhất là mùa Đông gió heo may thổi “lúa gặt rồi còn để lại rơm khô” chúng tôi thả trâu không phải chăn, sau đó đi ăn trộm quả chín để ăn. Ở giữa cánh đồng có đôi vợ chồng già tên là cụ Rần, cánh đồng đó tên là đồng ông Rần, thổ rất rộng và nhiều ổi chúng tôi hay vào ăn trộm, cụ bà bị lẫn nên khi cụ ông đi vắng chúng tôi vào tự do. Tôi thấy một cụ già rất già suốt ngày thái đất bột ra đánh tiết canh chúng tôi đi qua bẻ quả mà cụ chẳng nói gì, sau này khi biết cụ bị lẫn thì chúng tôi coi như không có cụ. Cụ ông rất dữ hay cầm cây sắt nhọn gọi là đòng nhà để đuổi chúng tôi (vật dụng để lợp mái nhà tranh). Trời rét chúng tôi nhặt quả phi lao rồi lấy viên gạch chưa nung khoét lỗ làm cái bếp lò sưởi rất ấm. Chúng tôi đem nướng tất cả các con vật bắt được để chén, thường là cua đồng và châu chấu, ngon nhất là cá rô đồng xiên que đem nướng mùi vị mới thơm làm sao, có khi bắt được gà đồng hay vịt trời chúng tôi bọc đất nướng ăn thật ngon. Mùa hè khi thả trâu chúng tôi đóng bè chuối rồi bơi thi đội nào về nhất, cứ hai người một đội. Có một hôm khoảng 9 giờ sáng chúng tôi đang chăn trâu thì nghe có một tiếng “uỳnh” rất to chúng tôi đoán là tiếng bom, nhưng chiến tranh qua lâu rồi làm gì có tiếng bom, mìn, chúng tôi vội dong trâu về rồi rủ nhau đi xuống xã Giao Long xem sao vì tiếng nổ ở hướng đó, đi đến gần chợ chúng tôi lại quay về. Buổi trưa tôi được biết đó là tiếng mìn đánh cá của một anh đại úy công binh con trai ông Hoành coi cống số 10 xã Giao Long. Ở làng quê Bắc bộ có một loại thông tin truyền miệng nó nhanh hơn bất kì một công nghệ thông tin nào trên thế giới, nó còn liên tục bổ sung thông tin cho hương vị đậm đà nữa. Anh này nhặt mìn ở biển về lấy thuốc đánh mìn ở cống số 10 lấy cá cưới em trai ngày hôm sau. Hôm đó có rất đông trẻ em xem cưa mìn khoảng vài chục đứa bỗng nhiên người ta khênh con lợn cưới đi qua trẻ em thấy vậy bỏ đi xem giết lợn. Kết quả tiếng nổ làm anh đại úy công binh tan xác thịt bay lên ngọn tre, em trai anh bế cháu gần đó bị mù hai mắt và đứt một số đoạn ruột. Xét cho cùng con lợn cưới đã cứu được nhiều đứa trẻ, hôm đó mà không có con lợn khênh qua chắc xã Giao long đã có đại tang.
          Lại một chuyện khác rất đau lòng sáng hôm đó khoảng tháng giêng sau tết trời mưa đường trơn như đổ mỡ làng tôi loan tin đồn đêm qua có người thắt cổ trên cây xoan, thế là anh Khẩn lên nhà rủ tôi đi ngay. Sau một thời gian vật lộn với con đường trơn như mỡ chúng tôi đến nơi chị Rong treo cổ, đó là nhà em rể chị, nghe người lớn nói chuyện chị nằm với em rể sinh một bé trai rồi chị thắt cổ. Bây giờ các ca sĩ và người nổi tiếng vẫn nuôi con một mình gọi là bà mẹ đơn thân nhưng hồi đó không chồng mà có con tiếng rất nặng nề. Hình ảnh chị xõa tóc tay cầm cái cặp tóc treo lơ lửng trên cây xoan lưỡi the lè ra ngoài làm tôi run sợ cho đến bây giờ mỗi lần đi qua khu đó tôi vẫn sợ. Buổi chiều mọi người đi đưa ma, thằng bé con chị khát sữa khóc thét nhưng không có người dỗ, mẹ tôi bế bé về nhà đến tối mịt dì nó mới đến bế bé về. Việc mẹ tôi đưa con chị về nhà làm tôi rất sợ tôi chỉ sợ đêm hồn chị về tìm con, làm tôi tối không dám ra ao rửa chân, con trai chị sinh năm 1989 thì phải.
          Trong đội chăn trâu có một cậu người nhỏ nhưng rất khỏe, tính hay cáu gắt thích gây sự, tôi rất sợ nên chẳng bao giờ dám gây sự với cậu ta. Sau này vợ chồng cậu ấy đánh chửi nhau suốt cô vợ đâm đơn ly dị cậu ấy vẫn yêu vợ chán đời uống rượu rồi chết ở tuổi ba mươi chín vì ung thư gan.  Bọn mục đồng chúng tôi cứ thế lớn lên như thế vì cùng làng chúng tôi vẫn thân thiết như hồi nhỏ, tối lửa tắt đèn đều có nhau, có khác là chúng tôi phải bươn trải nuôi vợ con nhưng mỗi năm chúng tôi tất niên một ngày liên hoan tại nhà thằng Hai  hội trưởng.
          Sau này khi lớn hơn một chút đi được xe đạp chúng tôi đi cắt cỏ tại nông trường Bạch Long cách nhà hàng chục cây số, cỏ ở đó nhiều vô kể thời gian cắt rất nhanh đầy bao bố nên chỉ mất thời gian đi về thôi, mỗi khi đi mẹ lại dúi vào tay tôi mấy đồng lẻ ăn kem hay mua gióng mía cho đỡ cơn khát, tôi và thằng Hoan hay đi với nhau. Thằng Hoan bây giờ đi làm kinh tế ở Tây nguyên đẻ hai thằng con trai nghe nói kinh tế rất khá, nhưng thằng này rất tham làm nó làm để chết chứ không phải làm để sống. Ngày còn đi cắt cỏ cho trâu khi cắt xong trời tối tận Bạch Long cách xa nhà xe đạp lại không tốt hay thủng săm hay hỏng vặt nhưng nó cứ cố cắt thêm vài lắm nữa cho nhiều hơn tôi. Bây giờ nghe chúng nó nói nó vẫn tham làm như ngày xưa. Nói chuyện tham làm hồi nhỏ tôi cũng chăm chỉ chịu khó  và làm việc ít khi chịu thua bạn cùng lứa nhưng càng lớn lên tôi càng lười, thế nên bây giờ tôi đi dạy học tuy lương ba cọc ba đồng nhưng nó phù hợp với cái sức khỏe và bản tính lười nhác của tôi.

          3.  Xem chiếu bóng.

          Hồi đó đi xem phim gọi là xem chiếu bóng, khi đi học về chúng tôi thấy một chiếc xuồng loại xuồng cao tốc bây giờ nhưng nhỏ chúng tôi gọi nó là xuồng bay vì nó chạy như bay ở dưới sông. Cứ khi nào thấy cái xuồng ấy là chúng tôi vui lắm vì biết tối nay có chiếu bóng. Chúng tôi đi giữ chỗ bằng một viên gạch từ 4h chiều khi trời còn nắng to. Hồi đó chúng tôi xem phim nhựa màn ảnh rộng bằng cái giường ngủ, thích  nhất là phim màu chuyện chiến đấu của Liên xô. Có lẽ vậy mà bây giờ người Việt nam luôn có cảm tình với người Nga. Chỉ có người Nga mới chặn được bước chân khát máu của bọn phat xít. Có lần chúng tôi giữ chỗ xem phim từ chiều nhưng đến khi chiếu phim lại lăn ra ngủ hết phim người lớn gọi về, chuyện đại loại như vậy vẫn thường xảy ra với chúng tôi nhưng không sao vì cả tháng mới có một buổi chiếu bóng. Chúng tôi ghét nhất phim tình cảm vì trẻ con không hiểu gì chỉ có người lớn mới biết. Nhưng xem chiếu bóng cũng xảy ra án mạng. Có một anh vừa đi bộ đội đặc công về đưa người yêu đi xem khi bị thanh niên chiếu đèn pin vào người anh này đã đến gây sự và có tát cậu thiếu niên 16 tuổi quê xã Giao Long, lòng thù hận nổi lên cậu thiếu niên này trốn về nhà lấy dao chờ sẵn ở ngõ nhà kẻ thù.  Khi về đến ngõ anh này cúi xuống nhận cái ghế ngồi mà người yêu đưa cho, lúc đó cậu thiếu niên nhảy ra đâm trúng tim anh thanh niên chết ngay tức khắc. Thật buồn, quê nghèo mà án mạng xảy ra như chơi.

          4. Nạo vạng (cào ngao).

          Con Ngao ở quê tôi gọi là con Vạng nó giống con hến ở sông nhưng có màu nâu đỏ, nếu nó mầu trắng vỏ mỏng thì gọi là con Vọp, màu tía gọi là con Ngó không ai gọi là con Ngao cả. Nhưng bây giờ Vạng quê tôi mang lên phố gọi là Ngao sạch Giao Thủy còn ở quê vẫn gọi là con Vạng. Tôi không biết nạo Vạng bao giờ chỉ thấy trên gác bếp có vài chiếc nạo( cái để cào Ngao), rồi có thằng bạn mới đến khu nhà tôi ở nó rủ tôi đi nạo Vạng thế là tôi đi, ra đến biển cách nhà hơn một cây số xuống bãi biển nó nạo tôi cũng làm theo. Cái nạo như cái chạc gảy rơm nắp lưỡi rồi kéo khi vướng đánh cệch thì cho tay xuống bắt. Hồi đó chưa xuất khẩu Ngao cào về để ăn thôi bán rẻ như bèo, những con Ngao to bằng cái đĩa Tây mới bắt, loại đó chúng tôi gọi là Vạng đĩa. Buổi đầu tiên đi nạo Vạng hai thằng tôi đã không thể mang nổi về nhà mà vứt đi thì tiếc, trời càng tối dần, may thay thấy hai thằng về muộn mẹ thằng bạn ra đón bà mang theo thúng đội về cho chúng tôi. Bây giờ tôi chả bao giờ nói chuyện với thằng bạn đó về buổi đi cào Ngao đó vì nó đã bị tâm thần. Khi lớn hơn một chút tôi thấy họ thu mua ngao thế là chúng tôi nửa ngày đi học nửa ngày đi cào ngao, khi vào tham quan cửa lò tôi thấy họ cào Ngao giống y hệt bọn tôi ngày xưa. Cào Ngao cũng có án mạng, lại một anh đi bộ đội đặc công mới về, anh dáng người cao đẹp trai nhưng tính khí hơi tinh vi thích thể hiện, anh kết hôn cùng cô giáo dạy cấp một rất xinh tên là cô Nga thì phải. Một hôm nửa đêm chúng tôi mới đi cào Ngao về trời sáng trăng anh đi sau tôi vài bước, vừa đi anh vừa nói chuyện. Ở bên sông có một đám thanh niên đang ngồi hóng mát thấy anh nói chuyện chúng xen vào, lời qua tiếng lại  hai bên thành chửi nhau, thấy vậy chúng tôi rủ nhau chạy thật nhanh về nhà tránh tai vạ đến mình, tôi với thằng Hoan rát  nhất chuyện gây gổ cứ ở đâu có đánh nhau là hai thằng chuồn mau lẹ. Khi về nhà tắm xong lên giường nằm tôi thấy bên sông có tiếng nói rất to, sáng hôm sau tôi mới biết anh bộ đội đặc cộng bị đâm bục dạ dày chết bỏ lại người vợ trẻ bơ vơ chưa có con.Tôi nghe kể lại là anh có võ lên đã vòng đập sang đánh tụi bên sông tối qua và bị chúng đâm, hung thủ cũng chỉ mới 16 tuổi. Sau này khi đi chơi đêm về tôi cũng bị một cậu choai choai ở bên kia sông khiêu khích nhưng nghĩ đến cái chết của anh bộ đội đặc công năm nào tôi giả vờ không nghe thấy nên không có chuyện gì xảy ra với tôi, tôi nghĩ người ta ai cũng nên có điểm dừng thì mọi chuyện không quá bi đát.
          Sau này người ta xuất khẩu Ngao đi Trung Quốc dân quê tôi nhiều người mua nhà lầu xắm xe hơi là bởi nuôi Ngao, nhiều người vỡ nợ cũng do Ngao. Bờ biển bây giờ đã cho đấu hết để nuôi Ngao dân đi cào ngao rất ít chỗ để cào mà chủ yếu đi làm thuê cho chủ thôi. Tuy vậy việc nuôi Ngao đã tạo ra rất nhiều việc làm cho quê tôi mà công lại cao khoảng hai trăm ngàn trên một ngày công lao động, làng quê tôi đỏ da thắm thịt cũng là nhờ con Ngao.

          5. Đánh bũng.

          Cái bũng giống cái dậm nhưng nó dài một mét, khi tôi còn nhỏ thì sông ngòi rất nhiều tôm cá, tôi đã năn nỉ bố tôi mua cho tôi một cái bũng, cuối cùng ông cũng mua cho tôi cái bũng giá hai đồng tám hào ở chợ Bể cách nhà 5 cây số đi bộ. Hôm đó nước cạn tôi đi đánh bũng nhưng có hai anh không cho đi, họ nói tôi quá bé làm cá đi mất của họ, tôi rất buồn nhưng không biết làm sao cả, may thằng bạn nói giúp rằng cứ cho tôi đi rồi nó sẽ kèm cặp tôi, thế là anh trai nó miễn cưỡng cho tôi đi. Nhưng đúng là tôi không nhấc nổi chiếc bũng nặng trĩu rêu và bùn thật, trong khi họ bắt cá ầm ầm thì tôi chả được con gì. Thằng bạn tôi thấy thế đề xuất rằng nếu con cá nào nhảy lên bờ thì cho tôi vồ, cả bọn đồng ‎‎y vì thương hại tôi không bắt được con gì. Bốn người đánh bũng trên một con mương nhỏ, đánh từ hai đầu mương dồn lại, những chỗ bờ mương bị vỡ cá nhảy lên tôi dược quyền vồ, cá chép có con to bằng viên gạch nhảy lên như mưa còn nhiều hơn cá ao bây giờ, lại có cái hang đút lọt bàn chân thọc chân vào cá trê chui vào bũng có ổ nhiều hơn ba chục con. Bây giờ thằng bạn tôi làm thợ xây, anh nó cũng làm thợ xây thỉnh thoảng tôi vẫn vào nhà nó chơi nhưng chúng tôi không còn nhắc chuyện đánh bũng nữa. Mà bây giờ chúng tôi làm gì có tâm trí đâu mà nói chuyện trẻ con câu chuyện bây giờ chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền thôi. Nhắc chuyện đánh bũng tôi phải kể đến thằng Lượng, nó đi đạo quê nó ở trong làng Ngưỡng nhân cách nhà tôi 5 cây số. Một hôm nó bảo tôi nước to bằng mồm vẫn đánh được bũng, tôi không tin thế là nó rủ tôi đánh bũng. Lúa đang làm đòng cá rô don nhiều vô kể, chúng tôi ra bờ mương cách một đoạn lại đào một cái hố hình chữ u rồi bỏ mồi vào khi cá vào ăn thì cầm bũng đi úp, mồi bả gồm cám rang, bỗng hoặc mẻ và củ ráy dại. Đánh bũng kiểu nước to sướng thật được nhiều vô kể toàn cá rô đồng rất ngon. Sau đó gia đình thằng lượng đi kinh tế mới ở Lâm Đồng không biết nó giờ ra sao, được mấy đứa con tôi không biết nữa, bố nó thì nghiện rượu không biết nó có nghiện rượu không nữa.

          Nam Hải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét