Về làm hàng
xóm với nhau từ năm 1998, cũng ngót ngét 20 năm. Gặp nhau vẫn tươi cười chào
hỏi, đẩy đưa mấy câu thân tình chẳng động chạm tới ai, kiểu con gà nhà em sáng
nay bị cúm, con lợn nhà anh tối qua biếng ăn... Đôi khi hứng chí còn đấm lưng
nhau thùm thụp, rồi nắc nẻ cười, có lúc bá vai nhau, mời nhau chén trà, điếu
thuốc, chú chú anh anh ầm ĩ cả góc phố. Ấy vậy mà anh tên gì, bao nhiêu tuổi,
nhà số bao nhiêu lão cũng chịu. Không phải lão ra vành ra vẻ, vì lão chả có gì
để lên mặt ta đây. Lão không biết tên tuổi của anh, số nhà của anh chỉ vì bản
tính của lão vốn ngại giao tiếp, lại thêm trí nhớ có vấn đề, cứ nhớ nhớ quên
quên nên càng ngại quan tâm lý lịch của người hàng xóm. Lão sợ chuyện ông A
“muốn yêu vợ” nhưng bị vợ “cấm vận”, lâu ngày, quá bí bách nên đêm đến lẩn ra
đường Giải Phóng tìm mấy em có thói quen “tạo dáng bên gốc cây” để “tâm sự” cho
“thoáng trên thông dưới” nhầm thành chuyện ông A “cấm vận” vợ khiến bà vợ bứt
rứt phải nhảy sang nhà hàng xóm, thách ông hàng xóm “có giỏi thì đọ vòng eo”
xem eo ai nhỏ hơn... Nếu thế thì thành to chuyện. Loạn phố Nguyễn Văn Trỗi. Lão
chỉ có mỗi một cái đầu, chả dại.
Cũng có lần,
lão nảy ra sáng kiến, mua cuốn sổ nhỏ nhỏ, đút vừa túi quần rồi tiện gì ghi
nấy, làm cuốn cẩm nang tra cứu khi cần thiết nhưng rồi thấy như thế thì bất
tiện nên thôi, phó mặc cho bộ nhớ có vấn đề của lão. Với lại, biết ghi chú thế
nào khi ví dụ, anh (nhân vật chính, lão sẽ hầu chuyện mọi người) quá nhiều điểm
giống mọi người mặc dù anh cũng rất nhiều điểm chẳng thèm giống thiên hạ. Chẳng
hạn, cao mét 65 thì phố Nguyễn Văn Trỗi đếm vội cũng vài nghìn nhân mạng. Khuôn
mặt rúm ró, dài thượt khi bị vợ quát, nét đặc trưng của khuôn mẫu đàn ông “biết
điều với vợ” thì phố Nguyễn Văn Trỗi không vài nghìn ông cũng tròm trèm trên
dưới hai hay ba, hoặc bốn nghìn nhân mạng. Nhưng nhất định, giữa vài nghìn đấng
nam nhi tưởng chừng có rất nhiều nét hao hao giống nhau ấy chẳng cần nhìn kỹ
cũng biết đấy là vài nghìn con người riêng biệt. Như thế, biết ghi thế nào để
phân biệt anh với người khác?! Thế nên, lão quyết định cứ căn cứ vào ấn tượng
ban đầu về người đó mà đặt tên, ví dụ như anh, đường ăn nết ở thuộc diện “lễ
phép, biết nghe lời vợ” nên gọi anh là chàng lùn nể vợ, cho khỏi lẫn với mọi
người.
*
*
*
Lão nhớ, hôm
ấy, hình như là lão về nhập cư ở phố Nguyễn Văn Trỗi được chừng hai hoặc ba
tháng. Lão ra quán nước đầu ngõ uống trà, để nghe ngóng tình hình khu phố mới
giống và khác gì với khu phố cũ lão ở nên săm soi mọi chuyện khá kỹ. Hôm ấy,
lão thấy anh diện lắm. Đầu vuốt keo láng bóng. Mặc quần sooc kẻ, áo phông màu
mỡ gà, thắt cái nơ màu tím, trông hơi ẻo ẻo nhưng cũng bắt mắt, khá bảnh. Mỗi
tội, lẽ ra quần ấy, áo ấy, đầu ấy... anh đừng thọc chân vào đôi giày đã toác
mõm, thì hay. Đã thế, anh lại đem đôi chân có phần cò hương, ống sậy, cắm vào
hai chiếc tất sợi trắng đã ngả màu, loang loang lổ lổ, roãng ra, tụt xuống tận
cổ bàn chân... nên trông có phần tức mắt.
Lúc đấy, khi thấy lão
vào quán, kéo ghế ngồi xuống, anh nheo nheo mắt nhìn, kiểu dân đàn anh đàn chị
quen nhìn người khác bằng nửa con mắt dưới, rồi anh hơi nghiêng nghiêng mặt,
tạo dáng kiểu “lửng lơ con cá cờ” của những chàng hotboy, trai đẹp đã quá tuổi
được gọi là trai trẻ nhưng cố tạo dáng cho ra vẻ còn trẻ đẹp để lòe đời... Tóm
lại, anh có cách tạo ấn tượng rất đặc biệt với thiên hạ. Mới về nhập cư, tuổi
còn trẻ, chưa vợ nên lão thấy cách anh “tạo hình” cũng hay hay, lạ lạ, cũng có
chút gì đó của chất nghệ nên tuy hơi buồn cười về gu thẩm mỹ có phần tạp nham,
hổ lốn của anh nhưng lão cũng khoai khoái, muốn được làm quen, kết bạn. Thế
nên, lão cố bắt chước anh để gây ấn tượng, ăn điểm. Lão cũng nghiêng nghiêng
người, ngồi chân co, chân duỗi, tay cầm điếu thuốc, miệng nhả khói chữ o, mắt
lim dim chữ a như đang mơ màng, lãng mạn kiểu chất chơi của trai thành thị. Lão
cố làm cho thật tự nhiên, thật điệu nghệ... nhưng có lẽ, trông chẳng giống ai,
buồn cười quá nên anh kéo ghế sát lão, vỗ vai, hỏi:
- Mới về sống
ở đây hả? Chưa vợ à? Dân ngoại tỉnh mới về Hà Nội đúng không? Biết ngay mà. Gu
thẩm mỹ dở hơi, cám hấp!
Lão hì hì
cười, thật bả lả, cố tỏ ra là thằng xu nịnh, biết thân biết phận:
- Dạ! Em chào
anh. Em còn ngu ngơ lắm. Rất mong nhận được sự chỉ giáo của anh!
Ngả đầu ra
phía sau, rồi đưa tay vuốt vuốt mái tóc xịt keo láng bóng, anh nheo mắt, phán:
- Trai quê
xịn hả? Đần thối mặt ra. Nhưng mà có vẻ thật thà. Chơi được.
Anh kéo dài
tiếng “chơi được”, nghe lanh lảnh mà lạnh làm lão sợ sợ. Tuy vậy, lão vẫn cố
cười thật tươi, xoa xoa tay, êm giọng:
- Anh giỏi
thế. Mới gặp em lần đầu đã biết em là trai quê xịn. Bái phục!
Anh mân mê
chiếc cằm nhẵn thín, bói cả ngày cũng không kiếm được cọng râu, mủm mỉm:
- Chuyện! Thế
mới nói dân nhà quê có đeo mác thành phố thì vẫn hiển hiện chất quê một cục, vì
lố.
Rồi anh giảng
tràng giang về tố chất trai Hà Nội thế nào? Khác trai quê căn bản ở những điểm
nào? Anh chốt, trai quê có cố bắt chước cũng không thể giống được trai Hà Nội
xịn... nên đừng có học đòi mà thiên hạ chửi cho là “đã ngu lại còn cố tỏ ra
nguy hiểm”. Tóm lại, anh nói nhiều lắm. Lão chăm chú nghe nhưng không thể nhớ
hơn được vì dù đã rất cố gắng cũng không thể hiểu anh nói gì. Chỉ loáng thoáng
câu anh phân trần rằng, cũng lâu rồi anh không về thăm quê Thái Bình, làm lão
suýt buột miệng khoe: “Bà nội em cũng gốc gác, quê ở Thái Bình.” sẽ bị anh
nghiêm mặt mắng là nhiễm nặng thói dân quê, “thấy người sang bắt quàng làm họ”
thì ngượng chết. May. Lúc lão định khoe có tý chút đồng hương Thái Bình thì anh
cao giọng khảng khái, từ bữa cố kỳ chân thật sạch ở cầu ao đầu làng, quyết trả
lại hết chất Thái Bình cho đất quê để lên Hà Nội sống thì ngay từ hôm đó anh
không còn là thằng con trai nhà quê nữa, mà hiển nhiên anh đã là trai thành phố
rồi nên lão nín lặng, lảng nhanh sang chuyện khác.
Đang khoan
khoái đổ người ngả vào lão, kiểu rất thân mật của con trai thành thị với nhau,
cách như anh nói: Một tay quàng hờ qua eo lão, một tay vân vê điếu thuốc lá,
một chân co lên, thúc thúc vào đùi lão, còn chân kia choãi ra, xoay xoay gót
chân theo “bản nhạc” đang ư ử phát ra từ khoang miệng... anh đứng phắt dậy, khi
nghe thấy giọng khàn khàn kéo dài:
- Này... Lại
ra quán đàn đúm nữa cơ đấy.
Anh đứng hơi
thẳng người, gần giống kiểu học sinh chào cờ đầu tuần, rồi giẫm giẫm vào chân
lão, trả lời rất nhanh, hệt trẻ lớp 3 trả bài cô giáo:
- Đâu có. Chú
này mới chuyển về khu phố nhà mình, muốn kết bạn với anh nên mời anh chén nước,
điếu thuốc, nhỉ?
Thấy lão ngơ
ngác, chưa hiểu, anh giẫm giẫm tiếp lên chân rõ đau, rồi gằn tiếng một:
- Chén nước,
điếu thuốc... nãy là chú mời anh để kết bạn, nhỉ?
“Ồ. Tưởng gì?
Thì ra là vậy. Sợ vợ đến suýt đái cả ra quần. Bố khỉ!”
Lão cố nhịn
cười, cố thật thà lễ phép:
- Vâng! Chén
nước nãy. Và điếu thuốc nãy là em mời anh đấy ạ.
Anh nhấm
nhẳng, ra chiều ấm ức lắm:
- Thấy chưa.
Bảo mà. Có bao giờ đàn đúm, hoang phí đâu. Sao chả chịu tin.
Thấy anh đứng
co ro rúm ró, tội quá, định đỡ lời nhưng nhìn sang bên kia đường, thấy chị đang
rung đùi, vắt vẻo ngồi trên xe máy, gật gù, gật gù cái đầu, rồi dài giọng: -
“Có thật không?”, thì lão choáng, cuống lên:
- Dạ!...
Không ... Không ạ!
Biết là hớ,
vội tìm cách chữa cháy để cứu anh nhưng chưa kịp thì anh đã xô lão ngã, chỉ
mặt, chửi:
- Mẹ mày!
Thằng đểu! Hèn! Đéo thèm chơi với mày nữa! Hãm!
*
*
*
Thế rồi gặp
nhau, chả thèm chào lại, anh còn bĩu môi khi lão chủ động làm lành. Cứ mỗi bận
thấy lão vào quán là anh vội đứng dậy, phủi đít, nguây nguẩy bước đi, ra chừng
khinh và ghét lão lắm.
Một bận, hiếm
hoi lắm mới thấy anh có bạn ngồi cùng bàn rượu. Thực lòng, cũng muốn tránh mặt
anh nhưng chị chủ quán cứ ời ời gọi nên lão đành tặc lưỡi bước vào. Quán đông
khách, còn mỗi ghế trống cạnh bàn anh nên lão không thể không nhìn anh, không
thể không gật đầu chào xã giao với anh cho phải phép. Thế nhưng anh chỉ liếc xéo
một cái, rồi vênh mặt, hiếng mắt ra đường, bĩu môi rõ dài, chừng như muốn “chửi
đổng” vào mặt lão: - Eo ôi! Tởm!....
Kệ. Lão thủng
thẳng ngồi xuống và gọi đồ nhậu. Vừa nâng ly rượu lên môi, chưa kịp hít hà hơi
rượu theo thói quen thưởng rượu của lão thì anh ngó sang, bĩu môi, khinh khỉnh:
- Kệch cỡm!
Chả giống ai! Tởm!
Lão buồn
cười, làm rơi chén rượu xuống bàn, bắn tung tóe rượu vào người bạn của anh.
Chưa kịp nói câu xin lỗi thì lão nghe tiếng reo:
- Ô anh Thi!
Đang mong gặp anh thì lại gặp ở đây. Anh thiêng thế!
Lão và Dân,
bạn cùng bàn với anh, hồ hởi bắt tay nhau. Anh rụt rè, nhìn Dân, hỏi:
- Quen à?
Dân cười:
- Không phải
quen mà là thân, rất thân của Dân đấy.
Anh ngoảnh
mặt đi, vẻ không thích:
- Thế à? Sao
chả nói trước.
Thấy Dân và
lão tay bắt mặt mừng, hoan hoan hỉ hỉ, anh tỏ không vui. Rót chén rượu. Ực một
hơi, hết luôn chén rượu, rồi anh ngoảnh mặt ra đường, hai tay chống đầu gối,
mắt nhìn xa xa, ý chừng như muốn đuổi lão về bàn.
Không để ý
thái độ của anh, Dân kéo lão ngồi xuống, liến thoắng:
- Thấy Quân
bảo anh đã mua được nhà rồi, Dân mừng cho anh lắm. Chuyện anh với chị Phượng
thế nào? Không thể quay lại với nhau được à? Uầy... Khi còn nghèo khó, sao
người ta dễ yêu nhau, dễ thông cảm cho nhau? Vậy mà... khi đã có chút thành
quả, người ta lại quay ra dò xét nhau, nghi ngờ nhau, khó thông cảm cho
nhau.... Lạ nhỉ?
Anh cau có,
gắt:
- Dân! Sao
mày cứ thích bao đồng chuyện của người khác như thế! Có uống rượu nữa không,
hay là về?
Dân nhìn lão,
nháy mắt, cười:
- Về sao được
anh Thi nhỉ! Lâu rồi Dân mới gặp anh Thi. Phải say mới được về chứ, anh nhỉ?
Biết tính
anh, lão bảo:
- Cứ thoải
mái đi anh. Bữa nay để em chi.
Anh gặng:
- Thật không?
Hay lại như bữa trước?
Lão cười:
- Thật. Anh
cứ thoải mái đi. Bữa này em chi.
Anh nhìn lão,
nhìn Dân, rồi lại nhìn lão, ánh mắt lạ lắm, cứ như cú mèo săm soi con mồi vậy.
Chừng như hiểu thắc mắc ở lão, Dân ghé tai, nói nhỏ:
- Anh ấy
không thích ai quý mến Dân, tử tế với Dân.. nên mới thế, anh ạ!
Lão thắc mắc:
- Sao oái oăm
thế?
Dân thì thào:
- Tại mấy
thằng bạn du thử du thực và mụ vợ quái thai nửa đực nửa cái của anh ấy... Thôi.
Để khi khác Dân kể. Dài dòng lắm. Anh ấy nghe thấy là rách việc cho Dân lắm đấy.
Thấy Dân thì
thào vào tai lão, anh hất hàm hỏi: - “Này, thằng bạn của
Dân! Có phải thằng Dân nói xấu vợ chồng anh không?”. Rồi chẳng cần nghe lão
trả lời, anh nhoài người lấy thực đơn, gọi la liệt rượu và đồ nhắm.
Chừng tiếng sau. Anh
vươn vai, vuốt bụng, rồi hắng giọng:
- No rồi...
Nhưng mà... Ê chủ quán! Cho thêm chai rượu và vài món lạ lạ nữa đi. Chả mấy khi
được nhậu với tâm trạng thoải mái thế này.
Dân lẩm bẩm:
- Ông này lạ
thật. Lúc đầu bảo anh không uống được rượu, chỉ nhâm nhi với chú một hai chén
cho vui anh vui em thôi... Vậy mà giờ như lột xác, hùng hục ăn, hùng hục uống.
Cứ như là đi ăn khoán, uống khoán vậy.
Anh rướn mắt,
nhìn Dân, rồi hất hàm sang phía lão:
- Lúc đầu
tưởng phải chi tiền nên anh nói thế nhưng thằng kia nó vừa nhận trách nhiệm sẽ
chi tiền bữa nhậu này, dại gì anh không ăn không uống... Mẹ kiếp! Cho nó tốn
tiền, hết sĩ!
Dân làu bàu:
- Ngồi giao
lưu với nhau cho vui, cho tình cảm. Sao phải khổ sở thế anh!
Cầm chén
rượu, anh gạt Dân, bắt lão cụng ly:
- Này! Thằng
bạn của Dân kia! Mày có dám 100% với anh chén nữa không? Sợ à? Nhìn anh mày mà
học.
Anh ngửa cổ,
ực cái hết chén rượu.
Chưa kịp đặt
chén xuống bàn, anh ngã uỵch cái xuống đất, rồi nôn thốc nôn tháo, mặt mũi anh
be bét “sản phẩm hổ lốn” của bữa nhậu...
Dân cuống
quýt lau chùi mặt mũi cho anh, rồi quay sang phân trần với lão:
- Anh ấy là anh
con bác ruột của Dân dưới quê. Xưa tốt tính lắm nhưng từ ngày giao du với mấy
thằng du thử du thực, bị mê hoặc thế nào mà đổi tâm tính, về đòi từ cha mẹ tổ
tông, rồi bỏ lên thành phố ăn ở với mụ vợ quái thai nửa đực nửa cái nên mới ra
nông nỗi này... Xấu hổ quá! Anh thông cảm nhé.
Lão không nói gì. Cúi xuống, cùng Dân
vực anh đứng dậy, dìu anh về nhà. Thỉnh thoảng, lại thấy anh cười khẩy, rồi
nhếch miệng, lảm nhảm: - Chết chưa! Cho mày hết
sĩ! Làm lão giật mình: Không biết anh giả say hay say thật?
*
*
*
Sau trận rượu
ấy, anh và lão có vẻ thân nhau hơn nhưng lạ là chưa bao giờ anh mời lão vào
nhà. Lão cũng thế. Chưa một lần có ý định để anh biết nhà biết cửa. Gặp nhau
ngoài đường, gật đầu chào nhau rồi đường ai nấy đi, hiếm hoi lắm mới dừng lại
hỏi han nhau vài câu xã giao này nọ.
Một bận, anh
hỏi, lâu rồi sao không thấy Dân đến chơi? Lão thật thà trả lời chắc Dân bận
kiếm sống nên không có thời gian thăm bạn bè. Ruộng không còn, nghề không có,
mà tiền ăn tiền học của con cái với trăm thứ “phí” ngày một tăng, thật khó xoay
xở …. Anh lắc đầu, nhún vai, rồi bĩu môi, không rõ biểu cảm đó là vui hay buồn,
là vì chuyện của Dân hay vì thói quen anh làm vậy.
Rồi anh chèo
kéo bằng được lão vào quán, gọi cút rượu, đĩa đậu luộc, khẩn khoản mời lão nâng
chén. Nhấp chén rượu, anh khề khà, thấp giọng:
- Thấy Dân
bảo cậu xem bói tay chuẩn lắm nên nhờ cậu xem giúp ngôi mộ nào hợp với tớ để tớ
lo chuyện hương khói, kêu cầu cho đúng quy trình, phép tắc. Dạo này nhà tớ
nhiều chuyện quá.
Lão suýt phì
cười vì thái độ nghiêm túc, lạ lẫm với tính cách bặm trợn thường ngày của anh
nên vội trả lời:
- Dân nói đùa
đấy. Em biết gì đâu mà xem.
Anh bĩu môi:
- Gớm. Dân
bảo cậu chỉ xem mồ mả đất cát khi đã có men rượu và xem khá chính xác nên tớ
mới mời cậu uống rượu… Nhà người ta gặp chuyện, mới nhờ. Hàng xóm láng giềng
với nhau, cứ làm bộ làm tịch... Chán.
Thấy điệu bộ
giận dỗi của anh, lão đành thật mà giãi bày:
- Nói thật là
em chỉ xem được đất cát mồ mả khi rượu đã phê phê và khi có hứng chứ rượu chưa
phê, không có hứng thì em chịu...
Anh vội cướp
lời:
- Thế
uống mấy chén nữa thì cậu sẽ phê? Dân nó bảo cậu uống rượu ghê lắm, những gần
nửa lít mới xỉn… mà đi hết gần nửa lít rượu phải kèm thêm nhiều đồ nhậu lắm. -
Rồi anh thấp giọng, nửa như tự nói với mình, nửa như cằn nhằn đủ để lão nghe -
Người đã béo, ăn đéo gì lắm thế. Tốn mồi!
Như chợt nhớ
ra điều gì, anh dồn dập:
- Này! Thế
làm thế nào để cậu có hứng? Ở đây làm gì có em út? Mà ... Cậu có thể tưởng
tượng ra chuyện gì đấy để tạo cảm hứng được không? Chứ ... Tôi thế
này mà đi tìm gái cho cậu... Ngại chết!
Thấy lão cứ
nhìn anh tủm tỉm cười, anh đỏ mặt, cuống quýt:
- Sao cứ cười
thế? Cậu nói đi, làm thế nào để cậu có hứng? Tớ nghe các cụ bảo, trăm thằng đàn
ông nói năng nhỏ nhẻ, khuôn mặt lại mềm mại như con gái thì đến 99 thằng là
loại dâm ngầm và đểu giả... Nhưng cậu không giống thế. Nói chuyện cứ ông ổng
ông ổng, mặt thì toàn thịt là thịt thì chỉ có thể là đểu vì ngu chứ dâm làm sao
được. Chẳng lẽ...? Thảo nào... Dân nó bảo trông cậu thế thôi nhưng ghê lắm,
không vừa đâu... Mà này... Sao cậu không cạn chén đi? Từ nãy đến giờ, vẫn chưa
hết chén rượu thì đến bao giờ cậu mới phê? Hay vì mồi không đủ nhiều? Để tớ gọi
thêm đĩa đậu lướt ván nữa nhé? Thời buổi này, thịt cá nhiều sợ lắm, thuốc tăng
trọng ăn vào chỉ tổ rước bệnh. Dính ung thư như bỡn. Thôi, ta cứ rau với đậu
cho nó lành, cậu Thi nhỉ?!
Rồi anh rót
rượu.
Rồi anh e
hèm, hắng giọng, trịnh trọng gọi thêm đĩa đậu lướt ván.
Rồi khi đĩa
đậu lướt ván vừa được đặt xuống bàn, anh nhổm người, gắp một miếng, chấm vào
bát mắm tôm, bỏ tọt miếng đậu vào miệng, lim dim mắt, nhai từ từ, từ từ...
Rồi anh duỗi
duỗi đôi chân, căng bộ mặt rất chi là khoan khoái, hất hàm giục lão:
- Nhâm nhi đi
cậu. Món này vừa mát vừa bổ, lại vừa an toàn, không lo bệnh tật... Kể cũng lạ!
Người như cậu mà lại chơi thân được với thằng Dân nhà tớ. Thằng ấy nghèo là bởi
nó thật, thật đến ngu tối. Mà cũng cả tin lắm. Người như nó rất dễ bị lừa. May
nó là con trai chứ là con gái thì tháng vài bận phải đến bệnh viện phá thai là
cái chắc.… Đã nghèo lại còn sĩ, còn cố cổ súy lối sống đạo đức, thanh cao. Tớ
bảo nó bao lần rồi, thời buổi này mà tử tế chỉ có nước chết đói. Ngu lắm! Tưởng
học cao, nhiều chữ đã là giỏi, là nhìn xa trông rộng. Tưởng đạo đức, tử tế là
sẽ được trọng vọng. Xàm! Hãm! Cậu thấy đấy, các quan bây giờ, ối quan có cần
chữ đếch đâu, cũng “giật gấu vá vai” từng chữ nhưng mặt quan nào quan nấy bóng
nhẫy những chữ là chữ, mở khẩu hình ra là nhả chữ xối xả. Mà các ngài đếch thèm
chuộng chữ latinh đâu, toàn là chữ tượng xế, tượng hộp... nghe méo mặt mà dân
bố cu đếch hiểu các ngài nói gì vì chữ nghĩa các ngài dùng đâu để bọn dân đen
các cậu hiểu, thế thì cá mè một lứa à? loạn xã hội mất?. Hôm nọ, tớ mới khai
quật được một quan anh cũng kha khá, mặt mũi cũng những thịt là thịt, cũng hao
hao như mặt cậu, nhưng mặt quan toàn thịt thớ ngang nên trông bự lắm, phốp pháp
lắm. Cái mặt mà dân có chữ các cậu gọi là loại mặt thịt, quen ngồi xổm lên văn
hóa, đạo đức ý... Quan gọi tớ đến, giao cho mấy việc cỏn con để thử thách, nếu
làm tốt sẽ được thu nạp dưới trướng. Dựa vào quan anh đấy, chắc tớ sẽ kiếm được
kha khá, sẽ bộn tiền, sẽ khiến khối kẻ rỏ dãi vì thèm... Mà cậu có biết những
việc thử thách ấy là việc gì không? Nói kiểu như cậu hay thằng Dân nhà tớ là
mấy việc mất dạy, thất đức, chỉ những thằng đầu trộm đuôi cướp mới dám làm...
Uầy... Các cậu chỉ giỏi nâng cao quan điểm này nọ rồi sĩ diện hão! Thế nào là
mất dạy? thế nào là thất đức? Xin thưa: Đấy cũng chỉ là những khái niệm, những
phạm trù đạo đức do con người đặt ra nên không có khái niệm nào, phạm trù nào
là tuyệt đối đúng với mọi người, là trường tồn, bất biến cả. Phàm những thứ gì
con người đặt ra cũng sẽ do con người thay đổi. Đúng hay sai là do con người,
do ý thức hệ của từng giai đoạn lịch sử. Ví dụ, hôm nay tớ làm sếp, tớ bảo con
lợn nó kêu gâu gâu, con trâu nó kêu cục tác, con vạc nó kêu ủn ỉn... thì cậu sẽ
gật đầu lia lịa, rồi vỗ tay rần rần, thề sống thề chết rằng, đúng là con lợn nó
kêu gâu gâu, con trâu nó kêu cục tác, con vạc nó kêu ủn ỉn và đó là chân lý bất
di bất dịch. Rồi cậu sẽ nhắng nhít tán nhăng tán cuội lên tận trời xanh đấy là
“lời vàng thước ngọc”, là “kim chỉ nam cho các thế hệ noi theo”. Thậm chí, cậu
còn hô hào vợ con, anh em, bè bạn sống và làm việc theo “thánh ca”: Lợn kêu gâu
gâu, trâu kêu cục tác, vạc kêu ủn ỉn... Thế nhưng ngày mai, ngày kia, thằng
khác làm sếp, tớ xuống làm thằng bố cu, cậu sẽ chửi tớ là thằng ăn quàng nói
bậy, còn hò cả tên củ tên cái của ông cha tớ ra mà chửi... Chắc cậu sẽ hỏi sao
văn hóa lùn mà tớ nói bài bản thế? Cứ như là báo cáo viên, tuyên truyền viên
chuyên nghiệp? Những chữ lừa đảo, kiểu “hiếp dâm văn hóa” như thế đều do quan
anh nhét vào mồm tớ chứ tớ biết đếch gì mà nói. Còn quan anh nghĩ ra hay quan
anh thuổng của thằng nào thì tớ đếch biết, cũng không có phận sự phải biết...
Hôm nay tớ mời cậu bữa rượu này để cậu giúp tớ xem ngôi mộ nào hợp với tớ, để
tớ còn kêu cầu xin lộc cho đúng bài bản, đúng quy trình... Nôm na là chạy chọt
cho đúng cửa, được việc mà đỡ tốn kém... Mà này. Dân bảo cậu cũng biết xem cả
tử vi. Cậu xem giúp tớ quan anh mà tớ đang cầu cạnh là loại người thế nào? Đểu
giả, bất nghĩa thì đương nhiên rồi. Thời buổi này, có quan nào tử tế, nhân
nghĩa mà leo cao, tiến nhanh như diều gặp gió đâu? Chỉ bọn cơ hội, đểu giả mới
leo nhanh, leo cao, mới cần bọn người như tớ hầu hạ, tung hô chứ mấy ông quan
chính trực, liêm khiết chả đá đít bọn tớ từ xa... Với lại, những quan chính
trực, liêm khiết giờ hiếm lắm, lạc lõng lắm, là của hiếm, của độc... Nói thật,
những quan thuộc diện quý hiếm ấy, cậu có các vàng, tớ cũng cóc thèm tung hô...
Sao cứ tròn mắt nhìn tớ thế? Cũng chỉ là để biết quan anh đểu cỡ nào mà đề
phòng, chơi lại khi cần đánh bài ngửa để thoát thân... “Quân tử phòng thân,
tiểu nhân phòng bị gậy” mà cậu... Nào. Cậu cầm chén lên. Cạn đi. Mãi không chịu
hết chén rượu thì đến bao giờ cậu mới phê. Tớ nói từ nãy cũng mỏi miệng rồi mà
cậu vẫn chưa chịu cầm tay tớ, mân mê tay tớ để “đọc” cho tớ biết ngôi mộ bà cô
tổ mấy đời hay ngôi mộ nào trong dòng họ nhà tớ hợp với tớ, sẽ phù hộ độ trì
cho tớ để tớ “biết đường mà lội, biết lối mà tránh”.... Đừng như thằng Dân, nói
chả đâu vào đâu, nào là thành kính với tổ tiên vì đạo hiếu, nào là đạo làm
người là phải đàng hoàng, chính trực... nghe mà nổi da gà, phát ớn. Tiền đâu mà
cúng kiếng hàng đống vong mà chả biết có vong nào chịu phù hộ cho tớ không? Tốn
tiền sắm lễ, mỏi mồm khấn vái, lại bị các vị ấy chổng mông vào mặt thì tớ đếch
dại. Cứ phải chắc ăn cái đã. Sắm lễ đã tốn kém, khấn vái đã mỏi mồm, thì công
quả phải có, phải được vong ấy phù hộ độ trì. Thế tớ mới cầu cạnh cậu. Mới tốn
bữa rượu để nhờ cậu tìm cho đúng cửa vong để tớ thắp hương, xin lộc. À mà phê
với hứng thì cái nào cần hơn? Chưa phê mà hứng rồi thì có xem được không? Cũng
chả biết làm thế nào để cậu hứng lên nữa. Khổ! Tớ đã uống mấy chén rượu. Cũng
năn nỉ ỉ ôi cậu đến mỏi mồm mà một chén rượu cậu cũng không chịu uống hết. Lại
cứ nheo mắt nhìn tớ rồi tủm tỉm cười như thằng dở người sắp lên cơn động cỡn.
Chán! Hôm nay ra ngõ dẫm phải cứt!
Nói xong. Lấy
tay quyệt môi, chớp mắt vài cái rồi cúi xuống trân trân nhìn vào chén rượu, anh
thẫn mặt, trông thật tội.
Không đành
lòng, lão uống hết chén rượu, rồi chậm rãi:
- Em chỉ phê
rượu khi đang có tâm trạng, là những lúc em đang vui hoặc lúc đang có tâm sự
muốn được giãi bày, chứ bình thường em chỉ nhâm nhi vài ly xã giao thì phê rượu
làm sao được. Còn chuyện hứng là hứng xem tướng tay chứ không phải hứng chuyện
em út... Bệnh tật đầy mình thế này, gái gú sao được, anh!
Anh nhăn mặt:
- Sao đéo bảo
trước. Câu giờ như thế, làm người ta cứ chờ đợi, hy vọng... Tốn tiền! Mất thời
gian! Đúng là... Đéo dẫm phải cứt mà thành dẫm phải cứt. Đen! Hãm!
Anh phủi đít,
đứng dậy, rồi nghĩ sao lại ngồi xuống, hất hàm hỏi:
- Dân nó bảo
cậu chơi thân với mấy ông thầy tử vi, tướng số, xem cũng chuẩn lắm. Cậu giới
thiệu cho tớ vài ông được không?
Lão chửi
thầm: - “Mịa ông! Giới thiệu để tôi dơ mặt với anh em bạn bè à?” nhưng cố ra vẻ
khổ sở, nhăn nhó:
- Tiếc quá
anh ạ! Mấy ông anh ấy lại vừa giải nghệ, về quê hết cả rồi...
Anh chưng
hửng, ra chừng thất vọng:
- Sao phải
giải nghệ? Nghề ấy dễ sống lắm cơ mà? Dân tình đã ngu, lại cả tin, thời buổi
thì nhố nhăng... các ông ấy tha hồ chặt chém... Dở hơi à mà giải nghệ.
Thấy anh đứng
dậy, lão vội kéo anh ngồi xuống, cố ra vẻ khẩn khoản:
- Thì cũng do
hoàn cảnh anh ạ... Anh cứ ngồi xuống, để em từ từ kể anh nghe.
Anh vội gạt
tay lão, cau có:
- Mình chuyện
của cậu đã làm tớ bực lắm rồi. Thêm chuyện mấy ông bạn dở hơi của cậu, chắc tớ
điên mất. Thôi. Chuyện của bạn cậu, tớ nghe không hợp. Tớ về.
Rồi anh bước
xăm xăm ra khỏi quán, như cố chạy thật nhanh để khỏi phải thanh toán tiền cút
rượu và 2 đĩa đậu.
Chị Lý, chủ
quán, lắc đầu:
- Lại đẩy cho
người khác thanh toán. Bổn cũ soạn lại, dùng mãi mà không chán. May mà thằng
này chỉ làm thằng loong toong, điếu đóm. Nó mà làm quan, khối người sẽ bị hành
cho sống dở chết dở... Mà em giao lưu với hạng người ấy làm gì...
Lão cười, nói
với chị mà như tự trấn an mình:
- Là người
hàng xóm láng giềng, tránh cả đời được sao ...
*
*
*
Mới học hết
lớp 3 trường làng rồi bỏ học, lêu lổng theo chúng bạn lên Hà Nội làm đủ trò, đủ
nghề, thế mà anh cũng vơ được mấy mảnh bằng Đại học, nghe đâu còn có cả bằng
Thạc sĩ Tâm lý học và bằng Triết học loại giỏi lận lưng làm vốn liếng để sau
này chạy chọt vào cơ cấu “lãnh đạo”. Hôm trước, lâu rồi, trước bữa anh mời rượu
để nhờ lão coi số, anh gạ lão “làm bằng” Thạc sỹ Triết học chỗ bạn của anh, giá
bèo lắm. Lão cười, hỏi để làm gì? Anh mắng sao hỏi ngu thế, để làm đồ trang sức
cho ra dáng là người học thức uyên bác, rồi làm mớ hành trang mà chạy chức chạy
quyền, chứ cứ làm thằng bố cu thì mãi nghèo mà nhục lắm. Anh còn hỏi trong nhóm
bạn bất tài của lão, có thằng nào “máu” làm quan không, anh có cửa chạy, rẻ
lắm. Anh bảo: - “Học
nhiều chỉ tổ ngu! Chữ nhiều làm gì? Chữ có làm no bụng được đéo đâu! Tiền! Chỉ
có tiền mới giải quyết được tiếng òng ọc òng ọc của dạ dày. Nhưng tiền nhiều mà
không có quyền thì cũng nhục lắm, cũng suốt đời phải nâng bi thằng có chức, phải
khúm núm trước thằng có quyền dù thằng có quyền chức ấy nói những câu ngu bỏ
mẹ, còn khắm hơn cả cứt, nên bằng mọi giá phải chạy cho bằng được một chức quan
để “ăn trên ngồi chốc”, để “chỉ mới húng hắng ho một tiếng cũng làm khối thằng
phải tè vội ra quần…”. Anh hỏi lão có biết Lã Bất Vi là thằng nào không?
Lão thật thà bảo đấy là “con buôn”, người xứ Tàu. Anh bĩu môi rõ dài: - “Thế cũng đòi là dân có
ăn có học! Đấy là tổ sư của nhiều quan “phụ mẫu” nhà ta đấy!”. Ghé vào tai
lão, anh nói rất nhỏ, ý như bí mật, hệ trọng lắm: - Này! Người đàng hoàng
tử tế đéo ai thích làm quan đâu. Tranh thù mà kiếm một ghế khơ khớ để dưỡng
già, chú ạ. Rồi như để thể hiện khí phách của quan phụ mẫu tương lai, anh
rướn mắt, xoa bụng, ư ử như hát: - Chỉ có đầu tư QUYỀN
LỰC mới cực lãi, siêu lãi. Quyền ơi quyền sao mà yêu đến thế!
Vâng! Cũng
chính sau vụ mời rượu nhờ xem bói không thành, anh tuyên bố chẳng thèm chơi với
lão nữa, sẽ đoạn tuyệt quan hệ. Anh còn đe, sau này nếu gặp chuyện gì thì đừng
có vác mặt đến nhờ vả, anh chẳng thèm giúp. Là dân thấp cổ bé họng, bản tính
lại nhút nhát, ngại va chạm, sợ đến chốn công quyền nên lâu nay lão đã rèn được
cách sống khiêm nhường, đúng hơn là kiếp sống an phận đến nhu nhược. Vì thế,
lão tin sẽ chẳng cần đến anh nương nhờ, cũng giống như niềm tin xưa nay lão đã
lấy làm kim chỉ nam: Mày lấn tới thì tao nhịn. Mày lấn tiếp. Tao nhịn tiếp. Hết
chỗ để mày lấn, chắc chắn tao sẽ được yên.
Sáng nay, gặp
chị Lý ở đầu ngõ chợ, chị hỏi: - Này, đã biết tin về thằng đấy chưa? Xộ khám
cùng thằng Vĩ, thằng Đại rồi. Tham lắm thì thâm nhiều. Đã theo thằng Đại lại
cấu kết với thằng Vĩ chơi xỏ thằng Đại, định lập công với thằng Vĩ để thằng Vĩ
“cơ cấu” cho chút quyền lực, không ngờ vào phút chót thằng Vĩ quay sang bắt tay
với thằng Đại, để hợp sức đấu lại phe cánh ông Tân, thế là con tốt đen được
quẳng ra thí mạng... Nhưng cũng còn may là thằng Vĩ, thằng Đại sau đó đều bị
gãy cánh, chứ không thì… Thấy cũng tội nghiệp! Nhà đấy bây giờ ủ rũ như có đại
tang.
Chưa kịp hỏi
thêm vài chuyện cho rõ sự tình thì chị Lý đã te tái vào chợ.
Chuông điện
thoại réo, lão bắt máy. Giọng Dân buồn buồn phía đầu dây:
- Anh à. Ông
đấy bị xộ khám rồi. Em đang trên đường lên Hà Nội để đưa mấy thằng cháu về quê,
sợ để chúng sống trên đó rồi sẽ hỏng như đời bố chúng nó. Hôm qua, em vào trại,
đã thuyết phục được ông ấy viết đơn li dị bà vợ quái thai nửa đực nửa cái và
cam kết tuyệt giao với mấy thằng bạn du thử du thực để làm lại từ đầu. Ông ấy
khóc nhiều lắm. Ân hận đã cưới cô vợ quái thai, đã mù quáng tin tưởng mấy thằng
du thử du thực, đã ngu muội bám theo mấy thằng lưu manh Vĩ-Đại... Thôi. Muộn
nhưng cũng còn may, anh ạ....
Lão tặc lưỡi:
- Ừ. Khổ thân chú! Giờ lại phải gồng lên để thu dọn bãi chiến trường nặng mùi
uế tạp.
Phía đầu dây,
Dân thở dài, chua xót:
- Vâng! Thì
em là thằng Dân mà anh!
Viết xong ngày 13
tháng 06.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét