Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

SAO VỘI BẤY, BÁC THUẬN ƠI! / Trần Mỹ Giống



Nhà văn Trần Huy Thuận




        Sáng ngày 8 – 9 – 2013, tôi đang dự cuộc họp của Cựu chiến binh bảo vệ thành cổ Quang Trị thì nhà văn Hoàng Ngọc Trúc điện thoại: “Hình như bác Thuận mất rồi hay sao ấy. Tôi nghe có tiếng kèn trống từ khu ở của bác Thuận. Mắt tôi sưng húp không đi được.” Tôi không tin, nói: “Không đâu! Vừa mới tuần trước bác Thuận gọi điện nói chuyện với em hơn chục phút cơ mà! Bác hỏi lại cho rõ, có gì điện cho em”. Cuộc họp của chúng tôi phải lui lại đến gần trưa mới tiến hành được vì trời mưa như trút nước, không nghe được tiếng người nói. Trưa, tôi nhận hai cú điện, một của bác Trúc, một của bác Vũ Đình Phàm – bạn đồng môn của bác Thuận và cũng là cộng tác viên tích cực của blog Trần Mỹ Giống, báo tin chính thức bác Thuận mất. Tôi bàng hoàng, gọi điện báo cho họa sĩ Đặng Văn Nam, nghệ sĩ Trần Chính Nghĩa, nhà thơ Chu Đình An là những văn nghệ sĩ thân thiết với bác Thuận, tập trung ở nhà bác Hoàng Ngọc Trúc, cùng sang viếng bác Thuận.
        Nhìn di ảnh bác Thuận, tôi bồi hồi nhớ những kỷ niệm về bác, những hình ảnh cứ hiện lên trong đầu, không thứ tự…

                                *


        Trong số những văn nghệ sĩ quê Nam Định, tôi quý trọng, kính phục và hân hạnh được quan hệ thân thiết với ba người có tài năng và nhân cách cao đẹp. Đó là nhà thơ Hải Như, nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang, nhà văn Trần Huy Thuận. Tôi kính trọng gọi nhà thơ Hải Như là Cụ. Nhà thơ Hải Như quý tôi như với con cháu trong nhà. Còn đối với nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang và nhà văn Trần Huy Thuận, tôi là bạn vong niên thân thiết của hai ông. Nói về cố nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang, tôi có bài “Nhớ kỳ nhân Lê Xuân Quang” thể hiện mối quan hệ của tôi với ông, đăng báo Văn nghệ trẻ năm 2005 và một số trang mạng. Mời xem: http://newvietart.com/index743.html
        Với nhà văn Trần Huy Thuận, tôi quen ông mới năm năm nay, nhưng tình cảm của chúng tôi như bạn tri kỷ từ kiếp trước. Lần đầu tôi được tiếp xúc với ông vào năm 2009, trong đám cưới con nhà báo Trần Mạnh Sỹ ở khu 5 tầng (thành phố Nam Định). Trần Mạnh Sỹ dắt tôi tới bàn của một nhóm già và giới thiệu:
        - Đây là bác Trần Huy Thuận, nguyên Giám đốc Công ty xây lắp Hà Nam Ninh… Còn đây là nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống…
        Bác Thuận giơ tay bắt tay tôi, bàn tay bác nóng truyền sang tôi cảm giác ấm cúng. Nhìn khuôn mặt “Quan Vân Trường” và đặc biệt đôi tai Phật của bác, tôi nghĩ thầm: Bác Thuận hẳn là người thẳng thắn, trung trực, chân thành, có thể tin tưởng tuyệt đối ở bác. Bác Thuận nhìn tôi nói:
        - Hay quá! Ông là nhà nghiên cứu văn học, tôi xin địa chỉ để có dịp đến thăm…
        Tôi ghi địa chỉ cho bác nhưng trong bụng nghĩ: Chắc bác chỉ xã giao thôi, chứ em ít tuổi hơn bác nhiều, em phải đến thăm bác mới phải chứ!
        Thế rồi ba hôm sau, bác cùng một người bạn tìm đến nhà tôi từ 7 giờ sáng. Cũng lạ, vừa quen nhau, tôi và bác đã dốc hết bầu tâm sự về gia cảnh, về bản thân, về những trắc trở trong đời làm văn học nghệ thuật, về những tiêu cực trong xã hội… rất tự nhiên và thân thiết. Hóa ra bác nguyên là Trưởng ban kiểm tra Hội VHNT Hà Nam Ninh, nay là Nam Định mà tôi hiện là hội viên. Do bất đồng chính kiến với lãnh đạo hội, bác thôi sinh hoạt. Gần ba chục năm bác không quay lại Hội, nhưng vẫn âm thầm sáng tác. Nhìn đồng hồ gần 11 giờ, bác lấy từ trong túi xách ra tặng tôi cuốn tản văn “Ngang qua cuộc chơi” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản lần thứ 2 năm 2009 và bảo:
        - Tôi tặng ông tập sách. Cũng nói để ông biết: Tôi có nhờ một ông lãnh đạo Hội VHNT tỉnh viết cho một bài giới thiệu, ông ta nhận lời nhưng gần năm nay vẫn chưa viết.
        - Cảm ơn bác tặng sách. Em sẽ nhờ một nhà văn viết bài giới thiệu cuốn sách. Được không bác?
        - Thế thì hay quá.
        Sau đó tôi điện nhờ nhà văn Lê Hoài Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Nam Định viết bài giới thiệu cuốn “Ngang qua cuộc chơi”. Lê Hoài Nam nhận lời nhưng yêu cầu:
        - Thứ bảy này tôi về Nam Định làm việc với nhà thơ Phạm Trọng Thanh. Tôi tranh thủ dành ít phút gặp các ông từ 4 giờ đến 4 giờ rưỡi chiều rồi đi Hà Nội luôn. Anh mang sách và dẫn ông Thuận đến nhà anh Thanh gặp tôi. Tôi đã biết mặt tác giả vuông tròn ra sao đâu…
        Tôi nói lại cho bác Thuận biết, bác tỏ ra không vui, nói:
        - Lê Hoài Nam thời cùng ở Văn phòng Hội với tôi còn lạ gì nhau. Thôi ông ạ…
        Tôi gọi điện ngay cho Lê Hoài Nam báo tin chúng tôi bận không đến được, việc tôi nhờ Nam viết bài coi như bỏ. Thế mà chiều thứ bảy, lúc 4 giờ rưỡi, tôi đang ở Thái Bình, anh Phạm Trọng Thanh gọi điện, giọng bực dọc:     
        - Chúng tôi đợi hai ông suốt chiều nay, Lê Hoài Nam từ mãi Hà Nội về, sao các ông hẹn rồi không đến? - và cúp máy ngay.
        Tôi rất áy náy, cảm thấy có lỗi với bác Thuận. Chuyện chẳng ra làm sao thế này, nếu biết, chắc bác Thuận ghét lắm. Tôi tập trung tinh thần đọc cuốn sách bác tặng. Cuốn sách hút hồn tôi. Đọc xong, tôi viết ngay trong một đêm bài giới thiệu. Ít lâu sau, bài viết được trang Việt Văn Mới đăng tại địa chỉ: http://newvietart.com/index391.html
        Bác Thuận tỏ ra hài lòng với bài giới thiệu cuốn “Ngang qua cuộc chơi” do tôi viết. Tôi tập trung khai thác mặt phiếm luận là thế mạnh của bác Thuận, làm rõ giá trị phản biện, phê phán xã hội mà nhiều người khác tránh né, điều đó hợp với tạng – sở trường của bác và tôi. Tình bạn giữa hai chúng tôi càng gắn bó hơn. Mỗi khi có bài viết mới, hoặc chỉnh sửa bài viết cũ, bác đều tham khảo ý kiến tôi và dành cho blog của tôi trước.
        Một buổi sáng, bác Thuận điện mời tôi đến nhà “có tí việc muốn bàn với ông”, khi đó bác Thuận đang ốm. Tôi kéo bác Chu Đình An cùng đi. Bác Thuận kể cho chúng tôi nghe chuyện gần ba mươi năm trước, Trần Nhật Quang - con trai bác đoạt giải thưởng “THÍ SINH GIỎI NHẤT TỪ CÁC NƯỚC Ở RẤT XA” tại cuộc thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 15 (năm 1984), bị người ta ăn chặn giải thưởng, dấu nhẹm đi. Nay tình cờ bác biết được. Bác muốn tham khảo ý kiến bạn bè có nên làm rõ vụ việc hay không. Tôi góp ý: Quyết đưa vụ việc ra ánh sáng, đòi lại công bằng cho cháu Trần Nhật Quang. Thế là tôi phối hợp với bác đăng tin vụ việc trên blog của mình. Mời xem các bài viết về việc này tại http://tranmygiong.blogtiengviet.net/2012/12/28/p5405849#more5405849http://tranmygiong.blogtiengviet.net/2013/04/14/p5440416#more5440416
        Cuối cùng thì Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đã phải thừa nhận sự thật, xác nhận giải thưởng của cháu Trần Nhật Quang.
        Sau này, trong bài “Chân dung văn học Trần Mỹ Giống” trên blog “Ngang qua cuộc chơi” của mình, bác Trần Huy Thuận viết về tôi như sau:
        “…Khi tập NGANG QUA CUỘC CHƠI vừa được NXB Văn Học xuất bản, Đặng Văn Sinh bạn tôi đưa tôi đến nhà Trần Mỹ Giống để gửi tặng sách cho Thư viện tỉnh. Mục đích ban đầu chỉ có thế, nhưng không ngờ sau đó, chúng tôi trở thành bạn tâm giao.
        Trước khi cầm bút, ông đã từng cầm súng trực tiếp chiến đấu. Năm 1972 tham gia chiến dịch Quảng Trị và chiến dịch Cửa Việt, được tặng danh hiệu Dũng sĩ, Huân chương chiến công. Đến năm 1979 lại lên Lạng Sơn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
        Là cán bộ quản lý thư viện, nhưng Trần Mỹ Giống còn là tác giả nghiên cứu phê bình, dịch và sáng tác văn học. Đọc những đầu sách đã xuất bản của ông, tôi thực sự kính nể. Tôi còn kính nể ông hơn khi được biết ông là người trực tính, hết lòng với công việc, có tinh thần tự học cao và đặc biệt là thực sự không màng danh vọng, đã từng từ chối khi cấp trên định đề bạt chức tước cho ông…”.
        Trích “TÁC GIẢ THÀNH NAM: Trần Mỹ Giống”
        Posted 15.04.2011 by tranhuythuan in CHÂN DUNG VĂN HỌC.
http://tranhuythuan.wordpress.com/2011/04/15/tac-gi%E1%BA%A3-thanh-nam-tr%E1%BA%A7n-m%E1%BB%B9-gi%E1%BB%91ng/

                                *
        Nhóm văn nghệ sĩ thành Nam chúng tôi tự phát gắn bó nhau có Nhà văn Hoàng Ngọc Trúc ở bộ môn thơ (Hội VHNT Nam Định), nhà thơ Chu Đình An cũng ở bộ môn thơ, họa sĩ Đặng Văn Nam bộ môn mỹ thuật, nghệ sĩ Trần Chính Nghĩa bộ môn nhiếp ảnh và tôi ở bộ môn nghiên cứu phê bình. Chúng tôi, mỗi người một tính. Bác Trúc tính cẩn thận, chu đáo, sống nội tâm, có trước có sau, là nhà thơ nhưng lại sở trường về truyện cực ngắn. Bác Nghĩa trung thực, thẳng thắn, chuyên chú vào học thuật, gặp bạn là nói hàng giờ về nghệ thuật không chán. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, bác lại viết truyện ngắn, thơ, kịch rất có phong cách, đều hay. Bác An là nhà thơ có nhân cách, tính Thiên Lôi, từng dùng ngòi bút “chiến đấu” chống một vị lãnh đạo khai man lý lịch, một vị Tiến sĩ ăn gian giải thưởng… Họa sĩ Đặng Văn Nam, học cùng trường thời đại học với tôi, tính vô tư, ruột để ngoài da, sống giản đơn, lạc quan, miệng thường trực nụ cười ha ha, dễ mến và tin tưởng. Tôi thường tụ họp với bác Trúc, Nam, Nghĩa đàm đạo văn chương nghệ thuật rất tâm đầu ý hợp, khi ở quán bún chả số 67 Bắc Ninh, lúc ngồi hàng giờ trong quán cà phê ALTO trên đường Lê Hồng Phong đầu bờ hồ La Két, rồi dắt díu nhau thăm các bạn văn. Chúng tôi thường đến thăm bác Thuận, mỗi lần đến ngồi cả buổi không hết chuyện. Từ khi bác Thuận bệnh trọng, phải đi Bệnh viện ở Hà Nội định kỳ, chúng tôi cứ mong ngóng bác về là điện báo nhau đến thăm. Lần bác bị hạch cổ, bác sĩ nghi là lao, phải vào viện Lao (Nam Định). Được tin, chúng tôi đến viện ngay. Tìm các phòng không thấy bác. Gọi điện mới biết bác vừa về nhà chuẩn bị đi viện ở Hà Nội. Chúng tôi đến nhà thăm bác. Bác nắm tay từng người chặt và lâu hơn bình thường. Tay bác nóng hổi. Bác sốt mệt nhưng cố gượng ngồi với chúng tôi. Bác bảo: “Tôi đang lo in thêm hai chục cuốn “Ngang qua cuộc chơi” có bổ sung chỉnh lý, khi lấy được sách sẽ tặng các ông”. Nhưng chưa in xong, bác đã phải đi Hà Nội nhập viện. Từ Hà Nội bác điện về: “Tôi rất cảm động và trân trọng tình cảm của các ông. Khi biết tôi nghi lao, có mấy ông bạn vội tránh xa. Vậy mà các ông tìm vào tận viện thăm tôi… Ba lần hẹn các ông đi quán mừng tôi nhận “Giải thưởng làm báo cùng Tuổi trẻ” không thành, vì tôi ốm, tôi hy vọng kỳ này khỏe về sẽ thực hiện được…”.
        Vậy mà… bác đột ngột ra đi… Sao vội bấy, bác Thuận ơi!

                                *
        Bác Thuận và tôi đều thú chơi blog. Blog “Ngang qua cuộc chơi” của bác bài vở phong phú, đa dạng, được bạn đọc truy cập rất đông. Nhiều bạn đọc gửi thư, commants tỏ thái độ rất thích blog của bác, nhất là những bài chính luận, phiếm luận của chủ blog. Những bài tản văn, phiếm luận của bác mạch lạc, khúc triết, dễ hiểu, tính chiến đấu cao, có sức hấp dẫn kỳ lạ. Đông đảo bạn đọc yêu mến blog “Ngang qua cuộc chơi”, nhưng một số người “tai to mặt lớn” lại sợ hãi, khó chịu với bác. Có người trực tiếp yêu cầu bác dừng ngay blog lại, nhưng bác bảo: “Đó là thú chơi, là nơi thể hiện trách nhiệm xây dựng xã hội của cá nhân tôi. Không ai có quyền ngăn cấm”. Không dọa được bác, người ta quay ra đe nẹt con cháu bác để gây sức ép với bác. Từ thành phố Hồ Chí Minh, thăm con trai, bác Thuận điện về, giọng buồn rầu:
        - Ông Giống ơi! Có lẽ vì con cháu mà tôi đành phải làm thằng hèn… ông ạ! Ông bảo tôi sao đây? - Rồi bác kể cho tôi nghe người ta o ép buộc bác dẹp blog như thế nào…
        Tôi rất hiểu tình cảm người cha đối với con nên nói với bác:
        - Thì bác và em chả sống vì con cháu đó thôi!
         Bác thở dài:
        - Cảm ơn ông, ông hiểu cho thế là tôi nhẹ nhõm phần nào rồi!
        Sau đó bác xin lỗi bạn đọc và tuyên bố đóng lại blog của mình. Nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, con cháu bác vẫn bị liên lụy. Bác tâm sự với tôi và quyết mở lại blog “Ngang qua cuộc chơi”. Tôi hòa điệu cùng niềm vui được làm điều mình thích với bác. Chơi blog trở thành niềm hạnh phúc, cái cần thiết như cơm ăn nước uống của bác và tôi.
        Còn nhớ blog làm trên Yahoo của tôi đang được bạn đọc chú ý, trung bình ngày hơn nghìn lượt đọc thì nhà mạng đóng cửa. Tôi dốt vi tính, chỉ còn biết buồn rũ ra. Thật may có hàng chục bạn đọc tình nguyện làm blog mới cho tôi. Tôi cảm động chảy nước mắt khi nhà thơ Trần Hồng Giang, nhà văn Trần Huy Thuận cũng làm blog tặng tôi. Giang làm blog tiếng Việt, bác Thuận làm trên wordpress. Bác Thuận khi ấy bệnh đã trọng, đi bệnh viện thường xuyên. Tôi quyết định dùng cả hai blog, nhưng bác Thuận bảo: “Ông đừng ngại, tôi thấy blog của Giang đẹp hơn blog tôi làm cho ông nhiều. Ông dùng hai blog song song nó kỳ lắm, phân tán người đọc, không cần thiết. Ông nên dùng blog Giang làm”.
        Tôi nghe bác, dùng blog tiếng Việt do Trần Hồng Giang tặng.

                                *
        Khi tôi soạn bài “Post Hồ Chí Minh và thư gửi Tổng Bí thư của nhà thơ Hải Như”, nội dung thuộc loại nhạy cảm, rất dễ bị quy chụp, tôi hỏi ý kiến bác Thuận. Bác bàn: “Để khỏi bị rầy rà, ta nhờ một số blog của người nổi tiếng đăng trước, mình đăng sau…” Bác Thuận gửi bài cho Nguyễn Trọng Tạo. Tôi và bác túc trực thường xuyên trên máy tính, hồi hộp chờ đợi mạng Nguyễn Trọng Tạo đăng bài… Nhưng chủ blog nguyentrongtao không dùng. Bác Thuận lại gửi cho Trần Nhương. Chờ cả tuần không thấy Trần Nhương động tĩnh gì, tôi thất vọng và đoán chắc là bác Trần Nhương không đăng, thì bất ngờ bài được lên trang. Thật tiếc, chỉ mấy ngày sau trang web của bác Trần Nhương bị tin tặc phá tan tành, bài viết của tôi không hồi phục được. Nhưng tôi đã vững tâm lên bài trong blog của mình rồi.
        Bác Thuận rất tâm đắc với một số bài tôi viết về cụ Hải Như. Bác bảo tôi: “Khi nào cụ Hải Như ra Nam Định, ông đưa tôi đến thăm làm quen với cụ…”. Khi ấy bác Thuận ốm đã không còn tự đi xe máy được nữa. Mấy tháng sau, cụ Hải Như dự định ra Nam Định, điện báo cho tôi trước. Tôi và bác Thuận mong cụ hàng ngày. Cuối cùng thì cụ cũng ra Nam Định, nghỉ tại nhà em trai là họa sĩ Hồ Y. Tôi cùng Hoàng Ngọc Trúc lai bác Thuận đến nhà họa sĩ Hồ Y thăm cụ Hải Như. Cuộc giao tiếp với cụ Hải Như thật thú vị. Phong thái toát ra từ nhà thơ Hải Như đã chinh phục bác Thuận. Còn nhà thơ Hải Như thì rất quý bác Thuận bởi tính trung thực, thẳng thắn, thông minh hiếm có của bác. Sau lần gặp ấy, bác Thuận công bố bài “Nhà thơ Hải Như như tôi biết” đăng trên mấy báo mạng “lề phải”.
        Cách đây không lâu, bác Thuận điện cho tôi: “Ông Giống ơi, tôi phải viết một bài tổng hợp về cụ Hải Như mới được. Có thể là bài cuối cùng của tôi. Ông gửi cho tôi tất cả tư liệu chưa công bố của ông và ảnh về cụ Hải Như chụp chung với vợ chồng Trần Xuân Bách nhé!
        Ít ngày sau, cụ Hải Như đang nằm viện từ thành phố Hồ Chí Minh điện bảo tôi: “Giống ơi! Giống nói với Trần Huy Thuận là giữ sức khỏe đã, bài viết về Hải Như để sau… Sức khỏe là quan trọng nhất. Thương Trần Huy Thuận quá Giống ơi!”
        Tôi chưa kịp thực hiện yêu cầu của cụ Hải Như thì bác Thuận đã ra đi. Bác đã kịp hoàn thành bài viết tổng hợp về cụ Hải Như… Sau khi viếng bác Thuận về, tôi đọc bài viết dài 28 trang của bác do Kỳ Hạnh (con út cụ Hải Như) gửi tới, vô cùng xúc động, nước mắt tràn mi. Theo di nguyện của bác Thuận, tôi chờ vietnamnet đăng rồi mới tải lại, hoặc nếu họ không đăng thì tôi đăng trên blog của mình. (Vì nếu tôi đăng trước, họ sẽ không đăng).
        Tác phẩm còn đây, tác giả đã thành người thiên cổ. Sao vội bấy, bác Thuận ơi!

                                *
        Cháu Trần Nhật Tân, con út bác Trần Huy Thuận cho tôi biết về những ngày cuối cùng của bác:
        Thưa chú,
        Bố cháu ốm đã hơn 1 năm. Bệnh của bố cháu là: Rối loạn chức năng sinh tủy, có nghĩa là tủy không sản sinh ra máu. Máu thì có 3 yếu tố chính: Hồng cầu, Tiểu cầu, Bạch cầu. (Hồng cầu và tiểu cầu thì truyền được, bạch cầu thì không). Tháng 6 bố cháu vào SG, nói chung sức khỏe bình thường, truyền máu vào vẫn tiếp nhận được. Khi ra đến Nam Định, bố cháu bị lên 1 cái hạch sưng to như quả chuối ở bên cổ. Tháng 7 lên viện Huyết học kiểm tra thì họ không xác định được khối u gì, chỉ có điều là tiểu cầu giảm xuống quá thấp. Giữa tháng 7 bố cháu ra viện trong tình trạng hồng cầu đủ, tiểu cầu giảm, bạch cầu thấp. Về NĐ thì bố cháu bị sốt và hạch sưng tiếp, BS nghi lao hạch do vậy nhà cháu lại chuyển bố cháu vào viện lao NĐ để kiểm tra. Nhưng do ở đấy làm ăn vô trách nhiệm nên bố cháu lên HN, tại đây Bệnh viện lao phổi TW kết luận là không bị lao. Khi đó BS đã có những tiên lượng xấu.
        Đến ngày 3/9 thì bố cháu đã được truyền khoảng 1300ml tiểu cầu và khoảng 2000ml Hồng cầu. Sau xét nghiệm thì chỉ số Hồng cầu đạt chuẩn, tiểu cầu còn 22 trên chỉ số trung bình khoảng 150-400, bạch cầu thì còn rất ít 1.37. Trên lý thuyết nếu bố cháu không chảy máu thì ít tiểu cầu không sao, BS định cho xuất viện, do thân quen nên họ bảo thôi ở lại để truyền thêm ít tiểu cầu.
        Ngày 4/9 bố cháu hơi sốt nhẹ, vẫn đi lại bình thường.Hai bố con cháu còn ngồi với nhau ở ngoài phòng hơn 1 tiếng nói chuyện với bạn bố cháu qua điện thoại, tinh thần bố cháu rất tốt.
        Sáng 5/9 bố cháu sốt nhẹ và có biểu hiện tê tay, chân bên phải, cầm điện thoại bấm phím không chính xác, giọng nói khó nghe. Cả sáng này bố cháu chỉ khóc và xin lỗi mẹ cháu vì bố cháu đi trước, không có người lo cho mẹ cháu. Đến khoảng 13h thì bố cháu mặt đỏ có triệu chứng bị liệt nhẹ, 15h BS nói bố cháu bị xuất huyết não. Lúc đó, bố cháu nói rất khó nghe, phải chăm chú lắng nghe và nhìn khẩu hình để đoán do vậy cháu giữ đt không cho bố cháu dùng vì BS dặn không để bố cháu được xúc động. Nhưng bố cháu cứ đòi ĐT để "chào các bạn". Đến 17h cháu không đưa thì bố cháu yêu cầu đưa máy tính để viết email "chào mọi người" lúc đó thì bố cháu không gõ được nữa, cháu cũng đành phải thu lại máy tính. Bắt đầu từ lúc đó bố cháu không đi lại nữa, 1 phần do chỉ định của BS bắt nằm bất động, 1 phần do chúng cháu giữ sức khỏe cho bố cháu để hy vọng truyền tiểu cầu vào để máu tự đông lại không chảy ở vùng não nữa. Bố cháu có đòi về quê và nói, bố bị thế này thì "mẹ con chúng mày khổ rồi". BS điều trị chỉ ra nếu đưa về thì chắc chắn sẽ đi, để lại thì có thể có hy vọng. Ngay lúc đó truyền thêm tiểu cầu máy (loại tiểu cầu tốt nhất, rất có hiệu quả tăng tiểu cầu). Cháu có cảm giác bố cháu chưa xác định đi ngay nên vẫn nói thế. Đến 19h thì họ hàng gia đình nhà cháu ở HN đến đông đủ, bố cháu nắm tay từng người và có dặn 4 đứa cháu nội ngoại một số điều liên quan đến cách sống và học tập, 22h anh cả cháu ra đến nơi, 2 bố con nói chuyện với nhau một lúc chỉ có bố cháu hiểu, còn anh cháu hầu như không hiểu bố cháu nói gì. Đêm đó cả nhà cháu thức canh bố cháu, hy vọng vào sự thần kỳ, nhưng sáng ra không có, cả tối đó bố cháu thở ô-xy và “ngáy” rất to, đầy sự mệt nhọc.
        6h sáng ngày 6/9 bố cháu dậy có hỏi cháu 1 câu “khi nào đưa bố về”. Cháu nói bố đợi con hỏi BS điều trị đã, lúc này cháu nghĩ bố cháu đã xác định được tình trạng của mình. Lúc 8h15 khi thảo luận với BS, BS nói “bệnh nhân có thể ra đi bất kỳ lúc nào.” Ngay sau đó họp gia đình mẹ cháu quyết tâm đưa bố cháu về ngay. Cháu thấy thế xin BS truyền máu và tiểu cầu nhưng họ bảo chờ cả tiếng nữa, nhà anh ở xa nên đưa ngay về thì hơn. Khoảng gần 9h chúng cháu đưa bố cháu về, lúc này bố cháu đã bắt đầu triệu chứng hôn mê, gọi một lúc mới tỉnh. Đưa bố cháu về NĐ lúc 11h15, vào đến nhà để bố cháu nằm lên giường thì mọi người tìm cách chữa cho mẹ cháu khỏi bị say xe, có người nói “cho uống nước gừng” thì bố cháu rất yếu ớt xua tay (vì mẹ cháu bị huyết áp cao). Bác bạn thân của bổ cháu vào gọi thì bố cháu có nắm tay rất chặt. Sau đó 1 lúc thì bố cháu đi vào hôn mê sâu, nhắm mắt thở yếu ớt. 15h chúng cháu truyền tiếp 250ml máu toàn phần, bố cháu có vẻ tỉnh hơn 1 chút nhưng vẫn không biết gì. Cả đêm đấy cháu nằm ôm bố cháu ngủ, bố cháu chỉ thở nhanh và ngáy to thôi. Cháu nghĩ rằng bố cháu sẽ đi lúc 3-5h nên cố gắng thức và trông, sau 5h mẹ cháu xuống, cháu đi ngủ thì 9h thấy mọi người nói bố cháu sốt cao quá, khoảng 41 độ, cháu có chuyển cho bố cháu 1 chai paracetamon thì giảm được chút ít, đến 12h04 thì bố cháu trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay gia đình họ hàng./.
        Quá trình diễn ra tang lễ trời mưa rất to, theo thống kê thì có khoảng 300 đoàn đến viếng với trên 200 vòng hoa. Chi bộ 2 phường Thống Nhất và Vị Hoàng đứng ra tổ chức lễ truy điệu, bà con dân phố 2 nơi đi rất đông, anh em bạn bè cũng nhiệt tình giúp đỡ cho gia đình cháu, các cơ quan của anh chị và cơ quan cháu cũng hỗ trợ nhiều.
        Theo ý nguyện của bố cháu thì chúng cháu đưa bố cháu điện táng và lấy cốt đem về cát táng tại nghĩa trang Cánh Phượng, nơi ông bà cháu đang an nghỉ tại đây và khu đất bên cạnh vẫn còn chỗ trống để mẹ cháu về sau này. Ngày 9/9 đưa bố cháu lên HN lúc 6h, lúc đi trời lất phất mưa, đến Phủ Lý trời tạnh và trong xanh, đến Văn Điển lúc 8h, sau đó 10h15 chúng cháu nhận được tro cốt của bố cháu đựng trong 1 cái tiểu sứ màu nâu nhạt, đưa về đến Cánh Phượng lúc 11h45, tro cốt của bố cháu lại được đưa vào quách làm bằng gỗ vàng tâm. Làm các thủ tục xong xuôi lúc 12h05 hạ huyệt, vừa hạ huyệt xong thì trời lất phất mưa, mọi người bảo như thế là bố cháu đi mát mẻ, phù hộ cho chúng cháu.
        Sơ bộ về quá trình của bố cháu là vậy, trong lúc này cháu cũng chưa thật tĩnh tâm nên viết có thể lan man, chưa chuẩn xác câu chữ, có gì chú thông cảm. Riêng về sách của bố cháu, chú báo mọi người cho cháu địa chỉ để cháu mang đến tận nhà. (vì sách bố cháu chưa ghi tặng ai nên chúng cháu cũng khó biết cụ thể tên người để liên lạc ạ). Mẹ cháu nói lại là bố cháu có nói chuyện lần này về sẽ tổ chức liên hoan với các chú vì giải thưởng báo Tuổi trẻ, rất tiếc bố cháu chưa thực hiện được điều này, mong các chú thông cảm. Nếu bố cháu còn có điều gì chưa thực hiện xong mà trong khả năng gia đình làm được, chú cứ báo để bọn cháu thực hiện ạ. Cháu cám ơn các chú.
        Chúc chú và gia đình mạnh khỏe
!”

                                *
        Ông trời thật trớ trêu: Những đứa bạc ác vô nhân thường sống dai như cỏ, người tốt lại hay gặp nạn. Nhưng kẻ bạc ác dù chúng đang sống đấy, người đời cũng coi như chúng đã chết. Người tốt dù mất rồi vẫn còn sống mãi trong lòng bạn bè, người thân…
        Sao vội bấy, bác Thuận ơi!
        Sao vội bấy, bác Thuận ơi!

Thành Nam, 9 – 2013
        TMG

 
        


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét