Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỒNG NGỌC HOA TRÀ LỜI PHỎNG VẤN CỦA PHÓNG VIÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ ĐÀI PTTH NAM ĐỊNH



NNC Đồng Ngọc Hoa

          1-Phóng viên (PV): Xin chào bác Đồng Ngọc Hoa, trước hết xin cảm ơn bác đã trò chuyện cùng TCVN của Đài PTTH Nam Định. Thưa bác cháu được biết bác vừa cùng nhiều hội viên khác trở về từ trại sáng tác VHNT tổ chức ở Đà Nẵng, xin được hỏi bác về ấn tượng đậm nét nhất để lại trong bác và các văn nghệ sĩ khi tham gia trại sáng tác năm nay là gì ạ?


          Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa (ĐNH): Cám ơn TCVN của Đài PTTH Nam Định đã quan tâm đến hoạt đông nghiệp vụ của văn nghệ sĩ trong tỉnh.


          Thưa quý vị thưa các bạn! Có thể nói với quý vị và các bạn rằng đây là một chuyến đi rất thú vị. Chúng tôi về với trung tâm hỗ trợ sáng tạo VHNT của Bộ Văn hóa - Nhà sáng tác Đà Nẵng là một lần nữa nhiều văn nghệ sĩ chiến sĩ lại về với khúc ruột miền Trung của đất nước với đầy nắng và gió, nơi mình đã chiến đấu góp phần giải phóng Đà Nẵng cách nay 42 năm với cảm nhận về  tình đất, tình người ở mảnh đất lịch sử của miền Nam đi trước về sau. Hẳn các bạn còn nhớ năm 1858 thực dân Pháp đã bắn những quả đại bác đầu tiên vào cảng Tiên Sa của Đà Nẵng báo hiệu vũ trang xâm lược Việt Nam. Cũng những ngày ấy người Nam Định của chúng ta là Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị đang làm Đốc học Nam Định đã tự xếp mình vào hàng chủ chiến, kiên quyết kháng Pháp. Ông nói: “Hòa với Pháp là một sai lầm”. Năm 1859 Ông đã viết “Trà Sơn kháng sớ” gửi triều đình xin tổ chức đội quân tình nguyện vào Nam chống Pháp. Ông đã dẫn đội nghĩa dũng 365 người từ miền Bắc tiến vào miền Nam. Ngày 21-3-1860 vào tới Huế thì vua Tự Đức đã thỏa hiệp với Pháp nên lệnh cho ông dẫn quân quay về. Tâm hồn nhạy cảm của các văn nghệ sĩ rất tự hào về người Nam Định khi trao đổi với nhau về những sự kiện lịch sử như thế này.

          Ngày nay người Nam Đinh ở Đà Nẵng cũng rất đông, nhiều người thành đạt, điển hình là doanh nhân Nguyễn Đình Chiến người xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định chủ tịch HĐTV tổng công ty Thành Đạt group một đơn vị trong hội doanh nhân Nam Định tại Đà Nẵng đã xây dựng nhiều công trình tên tuổi góp phần làm cho Đà Nẵng là một địa chỉ “đáng đến và đáng sống”. Đà Nẵng còn có bán đảo Sơn Trà nổi tiếng, có Cù Lao Chàm, Bà Nà Hills, Ngũ Hành Sơn và rất gần những di sản văn hóa của nhân loại đã đươc hội đồng di sản thế giới công nhận như di sản Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An. Đây cũng là những địa chỉ đi thực tế để tạo thêm cảm hứng cho sáng tác của trại viết. Từ những địa chỉ văn hóa và lịch sử trên các văn sĩ có thể tìm kiếm ra nhiều câu chuyện, tác phẩm mới góp phần giới thiệu những di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của đất nước với người dân cả nước và bè bạn năm châu.



          2- PV: Tham gia trại sáng tác thì bác và các hội viên khác không chỉ được giao lưu, trao đổi với các văn nghệ sỹ mà còn là cơ hội để được gặp gỡ học hỏi các tên tuổi văn học nghệ thuật về nói chuyện, trao đổi, giúp trại viên có điều kiện tiếp cận với kiến thức mới, mở rộng tầm nhìn. Xin bác chia sẻ thêm về những điều mà bác tâm đắc tại trại sáng tác năm nay ạ?

          ĐNH: Trại sáng tác lần này ngoài việc gặp gỡ các văn nghệ sĩ với nhau, có điều kiện và thời gian giao lưu trao đổi với nhau, hiểu nhau, học tập nhau, bổ xung nhiều kiến thức mới cho nhau như bạn nói, còn có một chương trình rất mới là: Lãnh đạo trại tổ chức thảo luận trao đổi, đóng góp ý kiến với nhau từ những kết quả trong những ngày ở trại như: Đề cương cho một tập sách hoặc một bài thơ, một bản nhạc, một tác phẩm hội họa mới hoàn thành. Mỗi tác giả cũng nghe được nhiều đóng góp thẳng thắn, chân tình của bạn văn với tác phẩm của mình rồi tự mình cũng phản biện để nâng cao chất lượng của tác phẩm. Việc làm vậy nhưng cũng còn không ít ý kiến trái chiều như nhà văn Hồng Loan nói: “Việc tìm mộ liệt sĩ người trong cuộc kể thế tôi không thể viết khác”. Nhà văn Mai Thanh lại góp ý cho bài thơ của nhà thơ Vũ Công Đoàn là: “Nên bỏ hai câu cuối đi”. Nhà thơ Vũ Công Đoàn phản lại: “Anh Mai Thanh có cầm roi đánh tôi cũng không bỏ”. Nhà Văn Nguyễn Bổng nói: “Việc này không thể ai dạy ai được”. Nhà văn nhà soạn kịch Giang Phong nói: “Việc này giờ mình mới làm nhưng ở hội nghệ sĩ sân khấu người ta làm lâu rồi. Việc góp ý cho nhau có thể làm cho tan nát bản thảo nhưng quyền cuối cùng vẫn thuộc về tác giả. Các nhà nghiên cứu phê bình thì vẫn giữ thái độ điềm tĩnh ngồi nghe cái đã”.



          3-PV: Bên cạnh đó bác có những trăn trở hay mong muốn gì từ trại sáng tác này ạ?

          ĐNH: Đây là một trại được tổ chức tốt của lãnh đạo hội, của văn phòng hội VHNT Nam Định, của từ giám đốc đến nhân viên phục vụ nhà sáng tác Đà Nẵng với mục đích tạo cho văn nghệ sĩ có điều kiện tốt nhất để sáng tạo VHNT. Tôi mong rằng các trại viết sau dù ở đâu cũng đều tổ chức tốt được như thế.



          4 - PV: Nghiên cứu sưu tầm vốn cần nhiều thời gian, mà trại sáng tác diễn ra trong hơn 10 ngày, điều này có là hạn hẹp cho việc hoàn thiện các tác phẩm nghiên cứu sưu tầm của bác không ạ?

          ĐNH: Thường thì các nhà thơ, nhà văn, các họa sĩ, các nhà nhiếp ảnh hoặc nhạc sĩ có ngay tác phẩm trong thời gian dự trại. Còn các  nhà soạn kịch hay nhà nghiên cứu cũng là thời gian trại dành cho họ để tạo ra những tư duy mới, cấu tích mới, cấu tứ mới, bằng chứng mới trong nghiên cứu sáng tạo hoặc qua trao đổi với bạn văn ở trại mình sẽ sửa chữa hoàn thiện những tác phẩm đang viết dở của mình.



          5 - PV: Thưa bác, trại sáng tác VHNT đã góp phần tiếp lửa cảm hứng sáng tác cho các hội viên, đây cũng là dịp để các tác phẩm đang thai nghén được hoàn thiện. Xin bác cho biết tác phẩm hoặc đề tài mà bác đang ấp ủ sau khi tham gia trại sáng tác năm nay ạ?

          ĐNH: Đúng như bạn nói. Thực hiện chương trình đi thực tế ở Đà Nẵng tôi thấy ở đây có ba chùa thờ Phật đều mang tên Linh Úng Tự (chùa Linh Ứng- sự linh thiêng được ứng nghiệm) đó là chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn, ở Bà Nà Hills và ở bán đảo Sơn Trà (mới xây) có tượng Phật bà quan âm cao 67m (nhất Việt Nam). Tôi lại nghĩ nay đến Nam Đinh cũng có chùa Linh Ứng ở Thịnh Long. Tôi sẽ viết một tác phẩm về chùa Linh Ứng lấy tên: “Phật nơi chân sóng” nói về Phật bà chấn giữ ở bán đảo Sơn Trà và cửa biển ở Nam Định, chấn giữ Miền Trung và vịnh Bắc Bộ. Mời các bạn đón xem. Xin cám ơn quý đài, cám ơn quý vị, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.

          6 – PV: Trân trọng cảm ơn bác đã trò chuyện cùng CT.


MỘT SỐ HÌNH ẢNH NNC ĐỒNG NGỌC HOA TRONG CHUYẾN ĐI TRẠI SÁNG TÁC ĐÀ NẴNG 2017


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét