Đền thờ Phạm Văn Nghị - Nam Định |
Phạm Văn Nghị tự là Nghĩa Trai
(1805 - 1880), quê làng Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng,
tỉnh Nam Định (nay thuộc thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam
Định).
Xuất
thân trong một gia đình thanh bạch nghèo, trọng chữ nghĩa, cha đỗ nhị trường và
làm thày đồ làng, mẹ làm ruộng tần tảo nuôi cả gia đình, Phạm Văn Nghị được đi
học từ khi lên 8 tuổi, đỗ Tú tài khoa Ất Dậu (1825), đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu
(1837), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Minh
Mệnh 19 (1838). Sau khi đỗ Hoàng giáp, ông được bổ chức Hàn lâm viện Tu soạn,
rồi lần lượt giữ các chức: quyền Tri phủ Lý Nhân, thăng Hàn lâm viện Thị độc
sung Sử quán Biên tu, Đốc học Nam Định, Thương biện tỉnh vụ, thăng Hàn lâm Học
sĩ, phụ trách Dinh điền sứ. Năm 70 tuổi, ông về nghỉ tại động Liên Hoa (Ninh
Bình) cho đến khi mất.
1-
Một sĩ phu nhiệt thành yêu nước
Năm
1858 quân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng mở đầu giai đoạn xâm lược nước ta.
Trước sức tấn công uy hiếp của quân Pháp, triều đình Nguyễn ngày càng ngả theo
phái chủ hoà, nhượng bộ, tiến tới chịu khuất phục. Trong bối cảnh đó, Phạm Văn
Nghị đã đi đầu trong giới sĩ phu Bắc Hà, giương cao ngọn cờ quyết chiến. Trà
Sơn kháng sớ vang lừng muôn thuở của
ông đã làm nức lòng mọi người, tăng quyết tâm cho phái chủ chiến. Trong bài sớ
bất hủ này, ông đề xuất "phải làm cho trên dưới một lòng, ba quân chung
sức", phải "dời căn cứ phòng thủ vào sâu trong nội địa, lấy
ngắn đánh dài, đánh đêm, đánh phục kích, dùng vũ khí thô sơ tiếp cận giặc".
Đó chính là phương châm chiến tranh du kích, phát huy sức mạnh tổng hợp của
quân dân, chọn cách đánh phù hợp trước kẻ địch mạnh để giành thắng lợi. Tiếc
rằng triều đình Nguyễn đã không chấp nhận đề nghị của ông.
Không
chỉ bằng lời nói, Phạm Văn Nghị còn thể hiện quyết tâm chủ chiến bằng hành
động. Chính ông đã chiêu mộ và chỉ huy đoàn nghĩa dũng, ngày 29 - 2 - 1860 lên
đường vào Đà Nẵng để đánh chiếm lại Sơn Trà. Sự kiện này được ghi nhận trong
lịch sử Việt Nam
như một mốc son tươi thắm, chứng tỏ lòng nhiệt thành yêu nước và quyết tâm chủ
chiến của Phạm Văn Nghị.
Từ
năm 1861 Phạm Văn Nghị chuyển sang công việc phòng thủ địa phương. Với chức
Hiệp lí quân vụ đồn Bình Hải, rồi Thương biện Hải phòng sứ, ông đã rong ruổi
khắp miền duyên hải Nam
Định (lúc đó gồm cả Thái Bình), có lần sang cả Hải Dương, Quảng Yên tiễu phỉ do
Tạ Văn Phụng - một tên tay sai của Pháp
- cầm đầu quấy rối hậu phương ta. Ông
lại hiến kế tổ chức các đội dân dũng để điều động phòng thủ tỉnh nhà, góp phần
giữ yên trị an ở địa phương. Khi đắp đồn Tròn gần cửa Ba Lạt, ông đã lấy 100
mẫu ruộng công chưa sử dụng đến của xã Hà Cát (thuộc huyện Giao Thuỷ) để binh
lính cày cấy tự túc lương thực.
Cuối
năm 1873 quân Pháp bất ngờ đánh úp Nam Định. Ngày 10 - 12 - 1873 tàu giặc đến
ngã ba Độc Bộ, quan quân chính quy của triều đình hốt hoảng bỏ chạy, chỉ có đội
dân binh của Phạm Văn Nghị là kiên cường chống trả, cầm cự được 3 giờ, diệt 3
tên Pháp, bắn cháy tàu chiến giặc. Chính người Pháp cũng phải thừa nhận trong
cuốn Cuộc viễn chinh của Pháp ở Bắc Kỳ (Le Haucourt, Pari, 1888) về sự
kiện này như sau:
"Lối
vào con ngòi (chỉ sông Đào) dẫn đến sông Hồng có ba khẩu pháo trấn giữ,
ngăn chặn tàu Scorpion và đã xảy ra cuộc chiến đấu kéo dài 2 giờ. Hạm đội Pháp
cũng thiệt hại tương đối nặng".
Thành
Nam thất thủ, Phạm Văn Nghị đưa quân về xây dựng căn cứ ở vùng núi Yên Hoà (Ý
Yên), chỉ trong ba ngày đã có 7.000 người kéo về ứng mộ. Ông tổ chức lực lượng,
đập tan cuộc tập kích của Đề đốc Định -
một tên tay sai do Pháp dựng lên - khi chúng phối hợp với quân Pháp đánh
căn cứ Yên Hoà. Ông phái quân thủ hạ đi trấn áp bọn phản động, hào mục theo
giặc, giữ yên ba huyện Phong Doanh, Ý Yên, Thanh Liêm.
Tháng
3 năm 1874, theo điều ước Philastre, quân Pháp rút khỏi Bắc Kỳ, Phạm Văn Nghị
nhận lệnh đi hiểu dụ, ổn định tình hình trong tỉnh.
Trong
cuộc kháng chiến bảo vệ Nam
Định, Phạm Văn Nghị có vai trò quan trọng. Nếu như lệnh của triều đình cử Phạm
Văn Nghị làm quyền Tuần phủ Nam Định không vì giao thông ách tắc mà đến được
tay ông, chắc chắn công cuộc phòng thủ tỉnh nhà sẽ thu được nhiều thắng lợi vẻ
vang hơn.
2 - Một vị quan thanh liêm
Khi làm quan, Phạm Văn Nghị thường tự nhủ: "Trị
dân quý ở chỗ chớ nhiễu dân". Ông cấm các nha lại thuộc quyền hạch
sách đòi dân đút lót. Mỗi khi dân đến phủ kiện cáo điều gì, ông đều tự mình xem
xét, giải quyết thấu tình đạt lý. Những người thuộc quyền ông phàn nàn rằng:
"Cứ thế này thì đại nhân lấy gì chi dùng trong gia đình còn thiếu thốn,
mà kẻ nha lại thì uống nước mà làm việc ư?" Ông chỉ cười và an ủi họ: " Ta lạm
giữ chức vụ là cha mẹ dân. Đã là cha mẹ, có khi nào còn tìm cách cướp đoạt gia
sản của con!" Ông thanh liêm
như thế nên dân rất quý phục.
Năm
1840 đê Thanh Liêm trong hạt ông bị vỡ. Vua Thiệu Trị vừa lên ngôi đã thừa nhận:
"Nước lụt là thiên tai, sức người không thể lại". Tuy vậy ông vẫn
day dứt tự trách mình chưa làm tròn nghĩa vụ chăm lo cho dân. Với nỗi niềm
thương dân vô hạn đó, mỗi khi có điều kiện là ông lại tìm cách hết sức giúp dân.
Năm 1855 ông đang nghỉ dưỡng bệnh, thấy vùng ven biển Đại An có nhiều bãi sa
bồi chưa khai khẩn, ông đã xin tỉnh cho lập trại Sỹ Lâm (sau phát triển thành
tổng Sỹ Lâm), tạo cho nhiều gia đình an cư lạc nghiệp. Nhớ công ơn người mở
đất, dân làng Sỹ Lâm đến nay vẫn còn thờ ông.
Trong
thời gian giữ chức Hải phòng sứ Nam Định, ông thường qua lại vùng Giao Thuỷ,
Xuân Trường, thấy mùa màng thất bát, dân tình đói khổ, ly tán, ông đã vận động
những hào phú trong vùng và học trò đóng góp tiền, thóc lập kho nghĩa thương ở
từng vùng để cho dân nghèo vay lãi nhẹ vượt qua cơn túng quẫn. Bản thân ông
cũng bỏ ra 1000 quan tiền mua ruộng giao cho dân địa phương cày cấy, gọi là nghĩa
điền.
Khi
con cả ông là Phạm Đăng Giảng đỗ Phó bảng và được bổ làm Tri huyện Mê Linh (nay
là Vĩnh Linh), người trong nhà ngại đó là huyện nghèo và xa quê hương, riêng
ông lại lấy làm mừng vì cho rằng dân nghèo quan mới dễ liêm. Ông khuyên
răn con ba điều mà cả cuộc đời ông đã thực hiện triệt để, coi như là những điều
cốt yếu trong đạo làm quan, mà gốc giữ được là "tâm": Thanh liêm,
chăm chỉ, thận trọng.
3 - Một nhà giáo nổi tiếng
Bắt
đầu dạy học từ năm 16 tuổi khi còn đi học, Phạm Văn Nghị gắn bó với nghề dạy
học trong suốt cuộc đời. Khi ông vào kinh thi Hội vẫn có nhiều học trò theo
học. Thời gian làm quan ở Quốc sử quán trong kinh thành Huế (1840 - 1846), ông
vẫn dành thời gian dạy học. Khi ông cáo bệnh về quê mở trường Tam Đăng, trong
12 năm, từ Thanh Nghệ trở ra, "người bốn phương cắp sách tới học hàng
ngàn"(1). Từ năm 1857 đến năm 1862 Phạm Văn Nghị làm
Đốc học Nam Định, chuyên trách lo việc học chính trong tỉnh. Ngay cả khi đã
ngoài 60 tuổi, lại rất bận với việc võ bị phòng giữ duyên hải, ông vẫn tranh
thủ kết hợp mở trường dạy học ở Hoành Nha (nay thuộc xã Giao Tiến, huyện Giao
Thuỷ, tỉnh Nam Định). Trường Hoành Nha là một loại trường khá đặc biệt trong
lịch sử giáo dục nước ta, vừa dạy văn, vừa luyện võ.
Là
một nhà giáo tâm huyết với nghề, Phạm Văn Nghị chăm lo cải tiến phương pháp
giảng dạy. Ông sáng tác những bài thơ giáo dục để học trò dễ thuộc, dễ nhớ. Ông
chú trọng việc dạy làm người cho học trò. Tự biết mình không có sở trường làm
quan cai trị và cũng không tha thiết với danh vọng, lợi lộc, Phạm Văn Nghị tự
nhủ mình: "Báo ơn nước, chỉ còn có việc dạy học, đào tạo nhân tài cho
đất nước". Trong số học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao, trở
thành những nhân sĩ yêu nước, làm nên sự nghiệp nổi tiếng như: Tam nguyên Trần
Bích San, Tam nguyên Nguyễn Khuyến, Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, Phó bảng Đặng Ngọc
Cầu, Phó bảng Lã Xuân Oai, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Thủ khoa Nguyễn Cao, Đại thần
Cơ mật viện Phạm Thận Duật... Nhiều học trò của ông trở thành những lãnh tụ
khởi nghĩa chống Pháp mà chí khí và sự nghiệp của họ còn lẫy lừng trong lịch sử
như Phạm Nhân Lý, Đinh Công Tráng...
Thế
kỉ 19 nước ta có ba người đạt danh hiệu Tam nguyên thì trường Tam Đăng của Phạm
Văn Nghị đã chiếm hai người. Có thể coi trường Tam Đăng là một trung tâm giáo
dục tốt nhất Bắc Kỳ thời đó.
Phạm
Văn Nghị đã dồn hết tâm trí và tài năng vào việc dạy học. Không được thày Phạm
Văn Nghị nuôi dạy trong nhà như con đẻ thì chưa chắc đã có ông Cử nhân Phạm
Thật Duật, một danh nhân nổi tiếng từng cáng đáng hầu hết các công việc mũi
nhọn của đất nước thời Tự Đức, một trong những người khởi động phong trào Cần
Vương chống Pháp cuối thế kỉ 19. Không có thày Phạm Văn Nghị có lẽ cũng không
thể có Tiến sĩ Tống Duy Tân, một thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp ở
Thanh Hoá.
Câu
đối của trò Tống Duy Tân viếng thày phần nào đã thể hiện được cái chí nguyện
của Phạm Văn Nghị và tình nghĩa của trò đối với ông:
Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thế nổi chìm ôi mấy độ;
Đệ
tử coi thày như thân phụ, mất còn chung thuỷ mãi trăm năm.
4
- Một tác giả yêu nước tiêu biểu cuối thế kỉ 19
Khối lượng tác phẩm của Phạm Văn Nghị
hiện còn đến nay khá nhiều: gần 600 bài gồm nhiều thể loại, riêng thơ khoảng
250 bài, được tập hợp trong Tùng Viên văn tập(2). Thơ
văn yêu nước của ông chỉ chiếm một phần nhỏ trong số này, nhưng đã thể hiện rõ
chí khí quyết không dung tha lũ giặc ngoại xâm và bọn tay sai bán nước. Trà
Sơn kháng sớ của ông được coi như là một lá phiếu biểu quyết cho quan điểm
chủ chiến. Còn câu thơ hào hùng sau đây chính là tuyên ngôn quyết chiến của
ông:
Giặc Tây sao giám phạm bờ cõi,
Chẳng
mấy gươm trời quét sạch bay.
(Bài Ngẫu tác khi đi
thuyền qua Hưng Yên, thấy ruộng đồng rộng rãi, làng mạc liên tiếp, đêm xuân yên
ổn, dân chúng yên vui làm ăn / Nguyễn Văn Huyền dịch).
Trước cảnh quê hương bị quân thù dày xéo,
ông uất ức:
Mắt
căm quân giặc phạm Trà Sơn
(Bài Phụng
chỉ cho về giữ chức cũ, thuật hoài /
Nguyễn Văn Huyền dịch).
Lòng
căm thù giặc ở ông đến mức "Giận sôi, tóc dựng mũ" và nhà thơ
đã tự nhận lấy trách nhiệm "Bút gác, há thua ai"(3)
như nhiều trí thức có lương tri thuở ấy. Ông đi vào cuộc chiến chống ngoại xâm
với niềm lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của chính nghĩa, của dân mình, nước
mình:
Sĩ
dân đó, núi sông đây
Muôn
năm bền vững nước non này.
(Bài Ngẫu
tác khi đi thuyền qua Hưng Yên, thấy ruộng đồng rộng rãi, làng mạc liên tiếp,
đêm xuân yên ổn, dân chúng yên vui làm ăn / Nguyễn Văn Huyền dịch).
Ông
tin vào sức mạnh tinh thần của mình, tin vào đạo lí mà ông suốt đời thờ phụng
sẽ được đáp ứng:
Suốt đời trung hiếu một lòng
Tự
nhiên sẽ được non sông phù trì.
(Bài
Trên đường hành quân tự thuật / Đỗ Văn Toại dịch).
Niềm
tin ấy đã tiếp cho ông sức mạnh vượt qua bao thử thách gian lao, kiên trì sự
nghiệp chống giặc cứu nước.
Bên
cạnh những bài thơ đầy chí khí căm thù giặc, quyết không dung tha lũ xâm lược
thì ông lại có những bài thơ thắm đượm tình cảm nồng hậu đối với gia đình,
người thân, học trò, bạn hữu, nhân dân. Tình yêu nước ở ông là yêu mảnh đất quê
hương, yêu những người thân của mình. Mấy năm làm quan ở trong kinh, ông có tới
ba bài thơ tưởng nhớ vợ, tha thiết ước mong những giây phút hạnh phúc hiếm hoi:
Ước gì họp mặt đêm nay
Thoả
lòng ao ước một ngày ba thu.
(Bài Mùa
xuân trạnh nhớ ai /Đỗ Ngọc Toại dịch).
Lòng
nhớ thương người em đã mất của ông thật cảm động:
Từ khi khuất nẻo chim hồng
Khăn đầm lệ thấm, cõi lòng nát tan.
(Bài Nhân ngày giỗ nhớ
đến người em đã mất / Nguyễn Văn Huyền dịch).
Ông
hết lời ca ngợi, biểu dương và thương tiếc những con người nghĩa khí. Nhân ngày
giỗ Đặng Ngọc Cầu, ông thương tiếc người học trò yêu quí của mình:
Ví còn
anh ở dương gian
Thanh gươm yên ngựa dọc ngang chiến
trường.
(Bài Cảm tác nhân ngày
giỗ đoạn tang Phó bảng Đặng Xá họ Đặng /
Vũ Minh Am dịch).
Khi
người học trò của ông là Tam nguyên Trần Bích San mất, ông khóc thổn thức:
"Cha
con một nhà : Thanh tiết lừng vang, tài chính trị trác việt. Đất nước được mấy
người làm quan như thế thì còn lo gì, sợ gì nữa. Sao trời nỡ cướp đi vội
bấy? Thế là xong! Thế là xong!"
(Bài
Viếng Trần Bích San / Nguyễn Văn Huyền dịch).
Trước
cảnh quê hương gặp thiên tai, mất mùa đói kém, dân tình khổ sở, ông xót xa:
Chiêm
thất bát rồi, chua xót dạ
Mùa
tiêu khô nữa, đớn đau lòng.
(Bài Gặp hạn
cầu mưa, cảm tác / Nguyến Văn Huyền dịch).
Nói
chung thơ văn yêu nước của ông thể hiện sâu sắc tấm lòng trung hiếu sắt son và
tình yêu thiết tha với nước, với dân, lòng căm thù giặc, quyết không dung tha
quân xâm lược. Ông được coi là một nhà thơ yêu nước tiêu biểu cuối thế kỉ 19 và
là một tác gia có vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam.
*
Phạm
Văn Nghị là một trí thức Việt Nam
đã sống và chiến đấu hết mình cho dân tộc. Từ một vị đại khoa, một quan văn,
ông tự nguyện trở thành một lão tướng, mộ quân ứng nghĩa, xông pha trận mạc,
đem hết tài năng và sức lực phục vụ sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Danh vọng,
uy tín, những hành động thiết thực của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ ở
Bắc Hà, mà còn có tác dụng khích lệ động viên quân dân cả nước tích cực kháng
chiến chống thực dân Pháp.
Phạm
Văn Nghị là một vị quan hết lòng thương yêu và chăm lo cho dân, được dân yêu
mến và kính phục. Là một nhà giáo, ông đã suốt đời tâm huyết với nghề, đào tạo
được nhiều người tài đức cho đất nước.
Là
một tác gia văn học, một nhà thơ yêu nước tiêu biểu cuối thế kỉ 19, ông để lại
một di sản văn học có giá trị (Tùng Viên thi tập, Nghĩa Trai trường văn
sách, Bài phú Nôm Pháp đánh Bắc Kỳ...). Thơ văn của ông với cuộc đời ông là
một, ở ông lời nói và hành động luôn luôn nhất quán. Sự nghiệp vì dân vì nước
và thơ văn của ông đều vẻ vang hiển hách.
Ngày
12 - 12 năm 1880 ông qua đời, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho học trò, sĩ
phu, bà con làng xóm và nhân dân trong nước. Phạm Thận Duật, một học trò của
ông đã viết về ông:
"Tiên
sinh mất rồi, song cái điều không bao giờ mất là cái chính khí "hạo
nhiên" vẫn cùng với non Côi, bể Nhạ, động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Người
đời nay, người mai sau, nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ,
ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất".
TMG
.........................................
Chú
thích :
(1) Văn viếng Phạm Văn Nghị của Phạm Thận
Duật.
(2) Sách lưu
tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A1337, dày 672 trang.
(3) Dâng sớ
xin đi quân thứ Quảng Nam,
được chỉ, cùng các quan tỉnh dự tiệc tiễn / Nguyễn Văn Huyền dịch.
Nguồn: Các nhà khoa bảng Nam Định thời
phong kiến / Trần Mỹ Giống. – H.: Quân đội nhân dân, 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét