Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

HỒI KÝ TRẦN MỸ GIỐNG (Trích): (Kì 1)



            Ngày này cách đây 45 năm, tôi nhận được giấy báo nhập ngũ, bắt đầu một cuộc sống chín năm gian khổ của người lính thời kháng chiến chống Mỹ và chống Tàu. Tôi viết hồi ký không có ý định thể hiện dưới dạng tác phẩm văn học để xuất bản, mà đơn giản chỉ là thỏa mãn nhu cầu tự thân, tâm sự với đồng đội còn sống hay đã hy sinh, để lại cho con cháu đọc hiểu cha ông chúng đã sống như thế nào... Những chi tiết, những suy nghĩ của tôi trong hồi ký hoàn toàn là sự thật. Đó là những sự kiện tôi trải qua, chứng kiến, tai nghe mắt thấy. Do vậy, hồi ký còn thô ráp, thiếu chất văn. Rất mong bạn đọc và nhất là mong các đồng đội còn sống góp ý...
 
 “GÁC BÚT NGHIÊN THEO VIỆC BINH ĐAO”

          Thế là sau ba lần khám tuyển, mặc dù chỉ nặng có 39 kg và 3 lạng, bác sĩ khám tuyển ghi tròn là 40 kg, tôi trúng bộ đội. Những năm 1970 - 1972 đi bộ đội vào Nam chiến đấu rất ít hy vọng có ngày trở về, vì cuộc chiến chống Mỹ ngụy vào hồi ác liệt chưa từng thấy. Tôi không thấy vui, cũng chẳng buồn đến rã rời như một số người khác cùng trúng bộ đội đợt này. Đối với tôi, đi bộ đội như là một việc tất nhiên phải thế.

          Lớp K6 Đại học Thư viện năm thứ 4 chúng tôi có cả chục người được gọi nhập ngũ đợt này, nhưng cuối cùng chỉ ba người nhận nhiệm vụ. Đó là Nguyễn Văn Thị, quê Hưng Yên, rất giỏi tiếng Nga, người nhỏ thó. Thị bị thương trên đường tiến vào Quảng Trị, phải ra Bắc rồi về học tiếp. Sau Thị làm Giám đốc Thư viện tỉnh Hưng Yên, rồi đi xuất khẩu lao động, về nước học thạc sĩ thư viện, lại làm giám đốc thư viện và nghỉ hưu. Người thứ hai là Nguyễn Văn Đủ, quê Thái Bình. Đủ hiền lành, tốt tính. Đủ bị thương ở Ái Tử (Quảng Trị), ra Bắc học lại rồi về Thư viện tỉnh Thái Bình. Là thương binh, bí thư chi bộ, nhưng bị người ta kèn cựa vùi dập, Đủ phải bỏ nghề về quê. Người thứ ba là tôi, kẻ được bạn bè quen gọi là “Giống còm”, từng ba năm liền bị hạnh kiểm D hoặc C và không được công nhận là Học sinh tiên tiến mặc dù điểm thi và kiểm tra các môn toàn khá giỏi, chỉ vì cái tội yêu đương. Chỉ khi tôi có lệnh nhập ngũ, cái án hạnh kiểm D dành cho tội yêu đương mới được xóa bỏ.
          Số người trong danh sách phải đi bộ đội cùng đợt với tôi còn lại đã được hoãn, miễn với các lý do thật xác đáng: người có điện bố chết, kẻ có giấy của y sĩ chứng nhận là liệt dương, đứa hạnh phúc tan vỡ vì kẻ ở người đi...
          Cả trường có 10 người lên đường. Ngoài ba thằng K6 chúng tôi, còn có Đặng Hoàng Song (K5), Lê Văn Thạch (K7), Cúc quê Đình Bảng (Bắc Ninh) lớp trung cấp thư viện 4, Bảo, Dũng, Hậu lớp trung cấp văn hoá quần chúng, và một cậu nữa tôi không nhớ tên. Khi vào chiến trường, Đặng Hoàng Song được điều xuống đơn vị chiến đấu và hy sinh. Lê Văn Thạch được đề bạt Trung đội phó Trung đội vận tải. Mấy tháng sau có tin Thạch bị kỷ luật dân vận nên đơn vị đuổi ra Bắc. Thạch về học tiếp đại học, sau đó học thạc sĩ rồi công tác ở Văn phòng Chính phủ. Cúc vào chiến trường, đột ngột có lệnh ra Bắc. Sau này khi về học tiếp đại học, tôi nghe nói cả nhà Cúc bị bom chết hết. Cúc ra Bắc về Đoàn quân nhạc thổi kèn. Sau Cúc xuất ngũ và lấy vợ ở quê... Số bạn cùng trường đi bộ đội với tôi còn lại đến nay tôi không được tin gì.
          Đêm 5 - 9 - 1971 trường tổ chức liên hoan tiễn chúng tôi. Mọi người phát biểu cảm tưởng và hứa hẹn với những lời có cánh. Đến lượt tôi, tôi chỉ nói một câu:
          - Tôi đi chiến đấu, dù chết cũng không đảo ngũ.
          Lời phát biểu cộc lốc của tôi làm mọi người bất ngờ. Tôi nhận được nhiều ánh mắt đồng cảm của bạn bè và của cả những người tôi chưa từng quen biết. Một vị khách tự nguyện đến đưa tiễn chúng tôi là chồng chị Dung cùng lớp tôi, phát biểu :
          - ... Chúc Giống lập nhiều chiến công, viết lên những trang anh hùng ca. Và Khế sẽ là người giới thiệu những trang anh hùng ca ấy...
          Không ngờ lời nói văn hoa bay bướm của anh làm tôi bị ám ảnh suốt những ngày chiến đấu ở Quảng Trị sau này. Có lẽ một phần nhờ câu nói đó mà tôi không có gan hèn nhát.
          Cuộc liên hoan chia tay chúng tôi kéo dài đến khuya. Không ai muốn ra về trước. Sau buổi liên hoan, các chàng lính tương lai rủ nhau mang sách vở ra đốt. Chẳng hiểu sao ngày ấy chúng tôi lại làm thế. Có người bảo đốt sách để tỏ rõ quyết tâm đi chiến đấu. Tôi không nghĩ được như thế, thấy bạn rủ đốt thì đốt thôi. Thấy chúng tôi đốt sách, anh Hoàng Chương cùng lớp tôi xin lại tất cả vở ghi của tôi. Anh bảo vở của tôi ghi rất đầy đủ và đẹp, còn của anh thì ghi chẳng đâu vào đâu. (Lạ thật, tôi được mệnh danh là “vua ngủ gật” trên lớp mà vở lại ghi đủ và đẹp?) Tôi đi bộ đội thì không cần đến nữa, nhưng anh thì cần. Tôi tặng anh tất cả sách vở chưa kịp đốt của mình. Sau này, khi tôi rời quân ngũ về trường học tiếp, anh Chương đã là giảng viên dạy Mỹ học.
          Đêm ấy, chúng tôi thức trắng. Khế lặng lẽ ngồi bên tôi, tranh thủ khâu cho tôi cái túi đựng đồ đánh răng. Tôi tiếc là không được học hết đại học, nhưng biết làm sao, trai thời loạn mà. Nghĩ đến những tháng năm tới phải xa Khế, tôi nôn nao trong lòng. Nói dại, nếu tôi không trở về được, Khế sẽ ra sao? Dường như hiểu những suy nghĩ của tôi, Khế thì thầm :
          - Dù anh có làm sao thì em vẫn yêu, vẫn đợi.
          Tôi ôm xiết Khế vào lòng, cảm nhận rõ hơi ấm và tình yêu của Khế. Chúng tôi cứ ngồi bên nhau như thế, không còn khái niệm thời gian. Khi Đủ gọi lên Hội trường tập trung, tôi bừng tỉnh.
          Hôm ấy là ngày 6 - 9 - 1971.
          Sáng sớm, bố tôi từ quê lên tiễn tôi. Để kịp sáng nay tiễn con trai lên đường, bố tôi phải đi từ chiều hôm trước, tới Nam Định thì đi tàu đêm. Trông thấy tôi, ông không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt buồn sâu lắng. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng bố tôi rất yêu tôi. Anh Tuất con bác Liêm ở quê đang làm công nhân cơ khí trong Hà Đông và Đỗ Tý, bạn thân cùng học với tôi từ nhỏ, hiện là sinh viên năm thứ tư Đại học Bách khoa, cũng đến tiễn tôi.
          Người tiễn chúng tôi khá đông. Tôi không nghe rõ những bài phát biểu của lãnh đạo trường, không nghe rõ những lời chúc tụng của bạn bè. Một thợ ảnh lăng xăng chụp chúng tôi. Không biết vì chụp hỏng, hay vì máy không có phim như có người bình luận mà không bao giờ chúng tôi được nhìn thấy tác phẩm của anh ta. Khi xếp đội hình để người ta chụp ảnh, thấy mắt anh Đặng Hoàng Song đỏ ngầu, gỉ mắt hoen trắng, tôi kéo tay áo lau cho anh. Anh Song ôm chặt hông tôi, người anh run bần bật như bị sốt rét. Đặng Hoàng Song vừa nhận bằng tốt nghiệp và quyết định giữ lại trường làm giảng viên, chuẩn bị cưới chị Lâm cùng lớp. Chưa được lên bục giảng lấy một lần, Đặng Hoàng Song đã nhận quyết định nhập ngũ.
          Đến giờ xuất phát, 10 chiến sĩ tương lai chúng tôi lên xe com - măng - ca. Xe chuyển bánh. Cả lớp tôi vẫy tay. Đỗ Tý và anh Tuất nắm tay tôi thật chặt. Bố tôi nghẹn ngào:
          - Con đi!
          Tôi cố tạo nụ cười để bố tôi yên lòng:
          - Bố giữ gìn sức khỏe chờ con trở về. Nhất định con sẽ về... Bố nói với u con như thế bố nhé!
          Khế chạy theo xe, nước mắt tràn mi, cố níu tay tôi. Tôi thầm gọi trong lòng: "Khế ơi!" và căng mắt nhìn thu lấy hình ảnh những người thân cho tới khi không còn nhìn thấy gì nữa.
          Xe qua Khâm Thiên, chợ Mơ rồi tới Lĩnh Nam. Phố xá ồn ào bỗng thấy thân quen xiết bao. Chúng tôi ai nấy im lặng suy tư. Tôi rụt rè đề nghị: "Hát lên!" cho... khí thế và cất giọng không tự tin lắm hát "Giải phóng miền Nam". Một người hát theo, hai người, rồi cả 10 người cùng hát. Những người đi đường dừng lại vẫy chào chúng tôi. Một cảm xúc dạt dào rất lạ dấy lên trong lòng...
          Tới địa điểm giao quân, chúng tôi được biên chế thành một tiểu đội. Tiểu đội trưởng tên là Chít, người Vĩnh Linh, rất trẻ. Anh Song là Đảng viên, được phong chức Tiểu đội phó. Mỗi người được phát hai bộ quần áo, khăn mặt, giày vải và dép cao xu, ba lô, mũ và một số thứ khác trang bị cho cá nhân. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi mặc bộ quần áo rộng khác hẳn bình thường, cứ nhìn nhau không nín được cười.
          Trong khi chờ tổ chức biên chế, chúng tôi học điều lệnh đội ngũ, xạ kích. Chưa quen với nếp sinh hoạt của người lính, tôi rất mệt, nhưng vẫn cố hết sức để theo kịp đồng đội. Trong tiểu đội, tôi là người gầy yếu nhất.
          Nhớ lớp, nhớ người yêu đến cồn cào trong dạ. Có hôm, tôi cùng Đủ và Thị kéo nhau ra chỗ khuất ôm nhau khóc thút thít như trẻ con. Cuối tháng tổng kết, tôi được biểu dương vì có tinh thần cố gắng học tập, được đơn vị thưởng phép ngày chủ nhật. Tôi đi bộ về trường ngay sau khi sinh hoạt tối xong. Nửa đêm, cả phòng tập thể nữ thức dậy vui mừng đón tôi. Các bạn nữ dồn người nằm chung giường, dành cho tôi và Khế một giường. Suốt ngày hôm sau chúng tôi ở bên nhau. Mới xa lớp một tháng mà tưởng như đã một năm rồi. Bạn bè tíu tít hỏi han, chăm sóc. 5 giờ chiều tôi lại đi bộ về Lĩnh Nam (Thanh Trì) để kịp điểm danh buổi tối. Thời gian bên người thân đi nhanh như ngựa phi.


          Tháng 10 - 1971 tổ chức biên chế xong, đơn vị hành quân về Yên Thế (Bắc Giang). Đại đội tôi đóng quân ở xóm Cầu Đá, xã Tân Tiến. Ngày ngày rèn luyện xạ kích, đội ngũ, tập đeo nặng đi bộ... Cùng đại đội tôi có họa sĩ Lê Duy Ứng rất hay hát bài hát về hoa chăm pa, sau đi chiến trường Ứng bị đạn vào mắt đã dùng máu vẽ chân dung Bác Hồ...
          Ngày chủ nhật, có lần chúng tôi rủ nhau thăm nhà văn Nguyên Hồng, nghe ông nói về văn chương.
          U tôi và em Đằng lên thăm ba ngày. U tôi gầy yếu lắm, nhưng bà yêu tôi nhất trên đời nên bà đủ sức đi bộ hàng trăm cây số. Tôi đưa U và em Đằng vào thăm bác Vang, chị Mận và cô Giốc. Cô Giốc là con nuôi của bà nội tôi. Bác Vang và cô Giốc bỏ quê lên vùng kinh tế mới Yên Thế từ năm 1960.
          Tháng 12 - 1971, tiểu đoàn 19 (sinh viên) thuộc Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 chuyển quân về Quế Võ và kiện toàn tổ chức. Hầu hết quân số thuộc trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa được điều về Trung đội vệ binh của Trung đoàn. Anh Đặng Hoàng Song K5 về làm tiểu đội phó vệ binh.
          B trưởng Trung đội vệ binh là anh Từ, người Thanh Hoá, lớn tuổi. B phó là anh Lục người Tây Nguyên. Sau vào Quảng Trị anh Lục hy sinh trên đường công tác. B trưởng lên làm Phó Trưởng ban hành chính rồi hy sinh. Tiểu đội trưởng Nguyễn Đình Dần, người Thanh Hoá lên B trưởng. Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Châu người Thạch Hà (Hà Tĩnh) lên làm B phó. Tiểu đội phó Nguyễn Văn Sánh, người Hà Tĩnh lên Tiểu đội trưởng. Tôi cũng được đề bạt làm Tiểu đội trưởng. Nhưng đấy là sau này, còn bây giờ chúng tôi chuyên lo xe than, vác gạo, canh gác bảo vệ các thủ trưởng và cơ quan đầu não trung đoàn.
          Tôi thường tâm sự với anh Ổn về chuyện tình yêu, chuyện học hành. Anh Ổn là thạc sĩ, giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có bệnh đau dạ dày rất khổ. Nghe đâu người ta điều anh đi bộ đội vì anh yêu một cô học sinh và cô này có thai. Sau vào chiến trường, anh Ổn được điều về Sư đoàn bộ làm trong bộ phận cơ yếu hay cơ công gì đó...
          Tết đầu tiên xa nhà, chúng tôi ở đồi bạch đàn. Đơn vị tắt bếp để toàn thể cán bộ, chiến sĩ vào dân ăn tết ba ngày. Tôi tình nguyện trông trại cho mọi người vào dân ăn tết. Nói không ai tin, ngày mồng một tết, tôi đói mềm cả người cho tới khi có hai cô gái làng tình cờ qua doanh trại tặng cái bánh chưng nhỏ.
          Sau tết, tôi được cử đi học 1 tháng lớp “quản ca” do Tổng cục Chính trị tổ chức ở Bắc Giang. Chúng tôi được học nhạc lý, trình độ “ký âm pháp”. Kết thúc lớp, hai bài hát đơn ca báo cáo của tôi là “Tôi là Lê anh nuôi” và “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” được xếp loại khá. Sau này, hai bài đó trở thành “tủ” của tôi trong hội nghị và những đêm văn nghệ của đơn vị. Ngón “đệm sáo ngâm thơ” và độc tấu sáo trúc “Lý hoài nam” của tôi được sử dụng không biết bao nhiêu lần trong các đêm văn nghệ và những khi hành quân.
          Trong thời gian tôi học lớp văn nghệ ở Bắc Giang, Khế lên thăm. Cả đêm chúng tôi không ngủ, chỉ ngồi bên nhau, giữa trời sương lạnh và im lặng. Sáng sớm hôm sau Khế ra tàu về Hà Nội kịp thi...

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét