Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

MƯỜI NĂM SONG HÀNH



          (Đọc tập “Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới” của Phạm Quang Nghị - Nxb. Hà Nội, 2016)

          ĐÀO  VĨNH

Nhà thơ Đào Vĩnh
          Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2005 - 2010. Đại hội và nhiệm kỳ tiếp theo ông vẫn được tín nhiệm, tiếp tục trách nhiệm cương vị này. Mười năm ấy thật ý nghĩa, hệ trọng và dấu ấn được tác giả tập sách tâm sự: “Câu chuyện mười năm đối với tôi, trong đó có cả những hạnh ngộ, cơ duyên và biết bao thách thức, những sự kiện lớn cả về tầm vóc và ý nghĩa không thể nào quên”. Nỗi niềm ấy ấy của riêng tư cá nhân, còn đây là của Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Mười năm chỉ là một lát cắt thời gian rất mỏng, một chặng đường rất ngắn trong dòng chảy nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội. Nhưng mười năm ấy có biết bao nhiêu là nước, là phù sa của sông Hồng đã bồi đắp, làm nên màu xanh tốt tươi của đôi bờ trước khi xuôi dòng chảy ra biển cả, hòa vào đại đương bao la” (trang 41-42).

          Lát cắt, nói một cách hình ảnh ấy được tác giả xếp bằng 792 trang sách khổ 16x24cm, khá đầy đủ từng bước đi của Hà Nội một chặng đường. Từ đường hướng, chủ trương đến chiến lược, sách lược, cách thực hiện cụ thể, được nhận biết rõ nét ở 100 bài đăng đàn của Bí thư Thành ủy tại các đại hội, hội nghị, mít tinh kỉ niệm và trên những trang báo, tạp chí... Khối lượng bài vở lớn này được chia thành ba phần: “Xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô ngày càng vững mạnh; Để Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại” và “Phác họa những chân dung và những mối quan tâm thường ngày”, mỗi phần được chia thành các chương theo chủ đề.
          Người được giao trọng trách đứng đầu một địa phương, tỉnh thành nào cũng ngổn ngang công việc thuộc tất cả các lĩnh vực như thể của một quốc gia thu nhỏ đặt trên vai. Với Thủ đô Hà Nội - trái tim cả nước ngàn năm Văn hiến - càng gấp bội bộn bề.

          Tầm vóc mới” càng được nâng cao khi có nghị quyết số 15NĐ/QH ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô. Với diện tích 3.344 km2, dân số hơn 7 triệu người và có số Đảng viên đông nhất, gần 1/10 tổng số cả nước; đóng góp 1/10 GDP; 1/5 tổng thu ngân sách Nhà nước; 1/5 vốn đầu tư xã hội và 1/12 kim ngạch xuất khẩu quốc gia… Vinh dự lớn bao giờ cũng  đi cùng trách nhiệm nặng nề, điều này được Bí thư Phạm Quang Nghị chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc phiên họp thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XVI (trang 147 - 150).
          Từ nền tảng rộng lớn, vững chãi có sẵn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô từng giai đoạn, thời kỳ đã tiếp nối xây dựng, phát triển.Trong: “Tô thắm truyền thống Thủ đô văn hiến, anh hùng” (tr. 233-342) tác giả đã đề cập, quán triệt mục tiêu phấn đấu, những việc cần làm của các lĩnh vực: Công tác Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Lực lượng Công an nhân dân, Truyền thống bộ đội cụ Hồ, Nông nghiệp - nông thôn, Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn, Nhà báo… Đặc biệt, có bài phát biểu tại đại hội lần thứ XI - Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội 7/7/2011. Có lẽ Phạm Quang Nghị đã nhiều năm làm công tác Văn hóa - Tư tưởng nên ông có những tâm huyết riêng về đặc thù này. Ngay tít bài “Lắng nghe và truyền tải nhịp sống” như thể đã là cách nói của người trong cuộc Văn nghệ. Ông không quên nhấn mạnh nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị: “Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam” (tr.321).
          Vóc dáng Thủ đô được nhận biết một cách đầy đủ, toàn diện bằng mốc son kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ đây Đảng bộ, chính quyền, nhân dân  càng đồng lòng, hiệp sức đi tới. Điều này được tác giả thống kê bằng loạt bài: Khát vọng vươn lên của Thăng Long - Hà Nội (tr.400); Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại (tr. 407); Tăng cường sự đồng thuận xây dựng khu dân cư ngày càng tươi đẹp (tr. 451); Đổi mới, năng động, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ (tr. 483)…
          Việc đặt tên cho một ấn phẩm - đứa con tinh thần - dẫu ở thể loại nào, các tác giả đều có sự cân nhắc cẩn trọng. Với “Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới” hẳn Phạm Quang Nghị có thể còn kĩ lưỡng hơn bởi cách thức riêng của tập sách. Ở đây khái niệm phạm trù “vóc dáng” và “vị thế” quyện gắn  đến mức như thể không tách bạch được, mà chỉ bổ xung cho nhau.Vị thế của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngoài vị trí địa lí hết sức lí tưởng từ buổi “Dời đô”, qua bồi đắp, mở mang của quần thần các triều đại đã nên “âu vàng” vững chãi. Rồi khi mở rộng địa giới năm 2008, vị thế lại càng tầm vóc bởi “thế rồng cuộn, hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông dựa núi, địa thế trải dài từ chân núi Tam Đảo đến dãy núi Ba Vì linh thiêng huyền thoại”… (tr. 361).
          Thủ đô là trái tim của cả nước, nên trong tất cả các lĩnh vực  kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục đào tạo…càng phải quan hệ mật thiết, mẫu mực. Có điều, sự mật thiết không thể mệnh lệnh cứng nhắc mà còn cần bằng cả tấm lòng vui buồn có nhau. Phạm Quang Nghị đã gửi vào các bài: “Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, vì cả nước, với cả nước” (tr. 632), “Thừa Thiên Huế - lá cờ đầu của miền Nam chống Mỹ” (tr. 627), “Người Quảng Nam ở Thủ đô Hà Nội” (tr.617), “Hà Nội - nơi ghi dấu nhiều kỉ niệm của học sinh miền Nam” (tr. 622)…
          Ngoài “Hà Nội với cả nước và cả nước với Hà Nội”, vị thế của Thủ đô trong cộng đồng quốc tế đã không thể thiếu trong thế giới hội nhập ngày nay. Các cuộc trả lời phỏng vấn hoặc làm việc với bạn hữu ở trong ngoài nước của Bí thư khẳng định điều ấy. Đó là các bài: “Tình hữu nghị nồng hậu Việt Nam - Cu Ba” (tr. 605), “Tình cảm thủy chung son sắt của những người đồng chí anh em Lào” (tr. 610), “Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan” (tr. 614)… Trong đó những tương đồng, những tình cảm sâu sắc, kết nối bang giao anh em giữa Hà Nội với La Habana, Viên Chăn, Vácsava, Mátxcơca… cùng hàng loạt Thủ đô các nước đã tô đậm thêm những giá trị cao quý: Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị và đã được bạn bè năm châu ca ngợi là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
          Năng lực của những người đứng đầu một địa phương, tổ chức lớn nhỏ nào còn phải chứng tỏ ở cung cách bao quát toàn diện mọi hình thái tĩnh động được mất của tồn tại cộng đồng. Bởi thế, Bí thư Phạm Quang Nghị đâu sao nhãng những “vi hành” cần thiết. Khi là tới giao tiếp, chỉ đạo ở các trường học trong đó có học sinh khuyết tật trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, rồi với các Sở - ban - ngành, huyện-thị… Lúc lo lắng, trăn trở trước những việc đang nổi cộm như: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, để di sản trở thành nguồn lực,trong đó đặc biệt chú trọng các di sản lớn như “Viên ngọc quý Đường Lâm - làng cổ” (tr. 561), Hoàng thành Thăng Long - di sản thế giới (tr. 640), Đàn Xã Tắc ở nút giao thông phức tạp Ô Chợ Dừa (tr. 721)…
          Trở lại với “Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới”. Khi gấp lại trang đọc cuối, ta thấy tác giả đã phác thảo chấm phá chặng đường mười năm đổi mới đầy tự hào của trái tim Tổ quốc, một diện mạo, vóc dáng, tâm thế, cốt cách không lẫn với bất cứ đô thị nào. Nghìn năm “đóng cừ bên bờ biển cả” (Phạm Đình Sáu) nhưng Hà Nội vẫn tươi trẻ, hào hoa và đầy khát vọng. Được thế, bởi có công sức đóng góp của những người đứng đầu thành phố nhiều bản lĩnh, trách nhiệm tiếp nối nhau, trong đó có mười năm vừa qua của Bí thư Phạm Quang Nghị. Đọc tập sách ngỡ như rất khô khan này với tôi xúc động bởi nhiều đoạn, nhiều dòng, nhiều câu. Phải chăng nhân văn đã tăng thêm độ nặng bởi cách ứng xử ngôn từ? Xin nghe tác giả bày giãi: “Mừng vì tôi được làm một công việc, nói theo ngôn ngữ văn chương là được tắm mình trong thực tế, một môi trường vô cùng sôi động ở Thủ đô. Và lo bởi tôi cũng hình dung được quy mô, tính chất khó khăn phức tạp của công việc đang chờ phía trước”. Rồi: “Những ai hàng ngày sẽ có thể chia sẻ cùng tôi với tư cách là người trong cuộc… Có nhiều điều tuy cảm nhận được, nhưng nói rõ ra thì không phải ai cũng nói được” (tr. 34-35)…Câu chuyện mười năm với Thủ đô Hà Nội, đã hằn sâu dấu mốc một chặng đời của nguyên Bí thư Phạm Quang Nghị, qua tác phẩm mới ấn hành của mình.
                                                          Đào Vĩnh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét